Diễn đàn lý luận

Một tiếng vọng của lịch sử

Nguyễn Quang Thiều
Lý luận phê bình
16:35 | 23/01/2025
Baovannghe.vn - Nhà thơ Châu La Việt không dựng lại toàn bộ cuộc chiến tranh. Trong trường ca của ông không có những binh đoàn được trang bị những vũ khí tối tân, hiện đại, những trận đánh lớn. Nhưng điều đặc biệt quan trọng của trường ca hay là của một tác phẩm văn học viết về lịch sử
aa

Trường ca Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh của nhà thơ Châu La Việt ra mắt khi chúng ta bắt đầu tiến hành các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc chiến tranh và thống nhất đất nước đã mang tới cho chúng ta một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. 50 năm qua, chúng ta đã sống trong hòa bình. Và lúc này đất nước đang tràn ngập cảm hứng để bước vào một năm mới. Đặc biệt hơn là bước vào một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên mà dân tộc sẽ bay lên bằng đôi cánh của lương tri, của trí tuệ. Tôi hình dung, đường bay ấy được xây dựng trên một mảnh đất đã trải qua ngàn năm lịch sử, ngàn năm văn hiến. Đấy là mảnh đất đã từng có những tháng năm ngập trong nước mắt và máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Nếu không có những năm tháng đó với sự hy sinh lớn lao và lòng kiêu hãnh của từng con người và của cả dân tộc thì dân tộc Việt Nam không thể bước đi, không thể bay lên. Và khi đọc trường ca Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh, tôi đã nhìn thấy một phần mảnh đất Tổ quốc tôi và những con người đã sống, đã hy sinh trên mảnh đất ấy thông qua cuộc chiến tranh tàn khốc nhất thế kỷ 20 mà quân đội Mỹ tiến hành trên mảnh đất Việt Nam.

Một tiếng vọng của lịch sử

Trường ca Tiếng chim rừng

và đất lửa Tây Ninh

Nhà thơ Châu La Việt không dựng lại toàn bộ cuộc chiến tranh. Trong trường ca của ông không có những binh đoàn được trang bị những vũ khí tối tân, hiện đại, những trận đánh lớn. Nhưng điều đặc biệt quan trọng của trường ca hay là của một tác phẩm văn học viết về lịch sử, về những nhân vật của lịch sử đó là tác giả đã dựng lên chân dung của những con người bình dị tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh đó. Văn học có một quyền năng đặc biệt, viết về một con người để ta hiểu về một dân tộc, về nhân loại, viết chuyện một ngày mà nói chuyện trăm năm, viết về một ngôi nhà mà nói cả thế gian rộng lớn. Trong trường ca Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh của nhà thơ Châu La Việt chỉ dựng lên hai nhân vật: Anh hùng Lực lượng vũ trang Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương. Hai con người anh hùng ấy ra đi từ một ngôi làng mang tên Xuân Cầu như muôn vàn ngôi làng trên đất nước để bước vào cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc. Hai nhân vật của trường ca chính là những câu trả lời cho câu hỏi của người Mỹ và nhiều dân tộc trên thế giới sau ngày 30 tháng 4 năm 1975: “Vì sao một dân tộc nhỏ bé, nghèo khó lại có thể đương đầu với một đội quân hùng mạnh nhất thế giới và giành chiến thắng?”. Trường ca Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh của nhà thơ Châu La Việt là câu trả lời giản dị nhất và cũng thuyết phục nhất. Nhìn lại cuộc chiến tranh chống Mỹ cũng như các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của người Việt Nam trong chiều dài lịch sử của mình và nhìn sâu vào thông điệp của trường ca Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh chúng ta nhận ra có hai đội quân tham dự vào cuộc chiến tranh vệ quốc: đội quân của những người lính kiên cường, quả cảm, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc mà Anh hùng LLVT Tô Quyền là đại diện và một đội quân của văn hóa mà NSND Tô Lan Phương là một đại diện. Sau chiến tranh, người Mỹ đã đi tìm câu trả lời về Việt Nam là một dân tộc như thế nào. Cuối cùng, các nhà sử học, trí thức, văn nghệ sĩ, chính trị gia và cả các nhà quân sự Mỹ đều nhận ra rằng: Việt Nam là một nền văn hoá. Chỉ với một nền văn hoá như vậy mới có thể sinh ra những con người như Anh hùng LLVT Tô Quyền và NSND Tô Lan Phương. Nền văn hoá ấy đã làm nên phẩm chất và bản lĩnh của con người Việt Nam. Phẩm chất và bản lĩnh ấy được nhà thơ Châu La Việt phát hiện trong hai con người bình dị ở một vùng đất bình dị trên mảnh đất Việt Nam ngàn đời văn hiến và nhà thơ đã dựng bộ hồ sơ đặc biệt về hai con người đó bằng thơ ca.

Sau gần một nửa thế kỷ, nhà thơ Châu La Việt trở lại Tây Ninh, một vùng đất tàn khốc trong chiến tranh:

Hôm nay tôi về lại Tây Ninh

Căn cứ xưa với nhiều chim hót

Rừng tươi xanh như mùa xuân bát ngát

Lại nhớ bài hát người nghệ sĩ năm xưa

Về Gò Dầu thăm dòng Vàm Cỏ Đông

Lại nhớ người anh hùng năm xưa chỉ huy

quyết tử

Hỏi sông ơi dòng sông còn nhớ

Ai chém vè năm xưa trong đạn lửa

Con thuyền nào đưa cán bộ sang sông

Một tiếng vọng của lịch sử
Tô Quyền (1929 - 1996)

Những câu thơ giản dị và đẹp vang lên. Nhà thơ Châu La Việt đã chọn ngôn ngữ ấy để viết về họ. Nếu ông chọn một ngôn ngữ khác của thơ ca thì sự thật của một lịch sử, vẻ đẹp giản dị và thẳm sâu của các nhân vật ông ngợi ca sẽ không hiện lên như đã hiện lên. Đấy là thứ ngôn ngữ vang lên trong ký ức, trong thái độ, trong sự cảm nhận, trong suy tưởng và lòng biết ơn của một nhà thơ đối với lịch sử của dân tộc và với những người đã góp phần làm nên lịch sử ấy như Anh hùng LLVT Tô Quyền và NSND Tô Lan Phương và bao người lính, bao nghệ sĩ khác đã dâng hiến cho dân tộc. Nhưng cao hơn cả đấy là tiếng nói của một lịch sử hào hùng vọng về dội vào trái tim của một nhà thơ và hiện ra trong một văn bản nghệ thuật thơ ca.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết câu thơ Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Không ít người đọc đã không hiểu đúng câu thơ đó. Và bây giờ khi đọc những câu thơ của nhà thơ Châu La Việt viết về con đường đi vào chiến tranh của người Anh hùng Tô Quyền và ca sĩ Tô Lan Phương, tôi mới hiểu đầy đủ hơn câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Nói đúng hơn là tôi mới hiểu đầy đủ hơn những năm tháng chiến tranh mà những người con của dân tộc như Anh hùng Tô Quyền, ca sĩ Tô Lan Phương đã đi vào cuộc chiến tranh vĩ đại ấy bằng một con đường của tình yêu Tổ quốc và sự dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu ấy.

Một tiếng vọng của lịch sử
NSND Tô Lan Phương.

Đây là hình ảnh NSND Tô Lan Phương lên đường vào cuộc chiến tranh:

Mười chín tuổi em đi vào mặt trận

Hoa nhớ em thả hương suốt đêm sâu

Vượt Trường Sơn bao núi cao vực thẳm

Vẫn bông hoa cài trên mái đầu

Đi vào chiến tranh với đạn bom và cái chết đợi trước mặt mà đi với tinh thần như thế thì không có vũ khí nào có thể khuất phục. Nếu những câu thơ này được dịch thì người đọc trên thế giới sẽ choáng ngợp và cúi đầu chiêm ngưỡng hình ảnh một người con gái như thế. Và tôi nghĩ về bức tượng dựng một ca sĩ cài hoa đứng trên mảnh đất ngổn ngang bom đạn và cất tiếng hát. Đẹp đẽ nhường nào, kiêu hãnh nhường nào và xúc động khôn cùng. Khi đọc những câu thơ Lần đầu tiên họ đứng trên đỉnh núi/ Hát trong bóng đêm/cho những đoàn quân qua thì tôi chưa bao giờ thấy một sân khấu kỳ vĩ như thế, đẹp như thế. Bạn hãy nhắm mắt lại để hình ảnh này chìm sâu vào máu thịt bạn. Lúc đó bạn mới có thể cảm nhận trọn vẹn sự kỳ vĩ của hình ảnh đó. Một vẻ đẹp làm ta không thể cầm được nước mắt và có quyền cất tiếng kiêu hãnh về dân tộc mình.

Và đây là hình ảnh người lính, người Anh hùng Tô Quyền:

Cũng những ngày ấy có một người Xuân Cầu

Ông đã tới với chiến trường rất sớm

Nơi ông đến đất Tây Ninh nóng bỏng

Ông sẽ yêu như chính quê hương mình

Con người ấy là Anh hùng Tô Quyền với bí danh là Tô Lâm hoạt động trong vùng địch mà những người dân kiên trung, kiên cường ở vùng đất bom đạn ấy gọi là “chú Tư Tô Lâm”:

Bà con gọi ông “chú Tư Tô Lâm”

Bà con thương ông củ khoai củ sắn

Áo bà ba đã bao mùa mưa nắng

Áo bà ba vết đạn chửa kịp khâu

Tất cả những vẻ đẹp của những con người đi vào chiến tranh như người lính Anh hùng Tô Quyền và ca sĩ Tô Lan Phương đã được nhà thơ Châu La Việt khám phá, tái dựng và tôn vinh. Nếu không có những tác phẩm văn học mà nền văn học Việt Nam đã sinh ra trong dòng chảy của mình thì lịch sử sẽ trôi theo thời gian, mờ dần theo thời gian và có nguy cơ bị lãng quên và bị đánh tráo. Văn học vừa lưu giữ lại lịch sử, vừa mở ra những tầng vỉa mới và chiều kích mới của lịch sử đồng thời là người bảo vệ tin cậy nhất bản chất của lịch sử đó. Lịch sử và văn hóa của một dân tộc chính là nguồn năng lượng vô tận cho sự chuyển động của dân tộc vào một kỷ nguyên mới mà trường ca Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh đã gửi một thông điệp như thế cho người đọc.

Hà Đông, tháng 01 năm 2025

Một tiếng vọng của lịch sử
Cánh đồng hoa súng - Hồ Dầu Tiếng - Tây Ninh. Ảnh Internet
Vĩnh biệt nhà văn hóa Hữu Ngọc – Trí thức của thời khai mở

Vĩnh biệt nhà văn hóa Hữu Ngọc – Trí thức của thời khai mở

Nhà văn hóa Hữu Ngọc – người được mệnh danh là “cây cầu văn hóa Đông – Tây”, một trong những trí thức Việt Nam tiêu biểu của thế kỷ 20 – đã qua đời ngày 2/5/2025 tại Hà Nội, hưởng thọ 107 tuổi. Với đời sống học thuật bền bỉ, tư duy khai phóng và năng lực đối thoại xuyên văn hóa hiếm có, ông để lại một di sản không chỉ gồm hàng chục tác phẩm bằng ba thứ tiếng, mà còn là hình mẫu trí thức công dân giữa thời đại biến động.
Gái Trường Sơn - Thơ Trần Thu Hà

Gái Trường Sơn - Thơ Trần Thu Hà

Baovannghe.vn- Trên mắt em mỗi ngày bình minh lên/ Lặng lẽ kiêu sa
Viết để cho hậu thế biết thế hệ cha anh mình đã sống, chiến đấu và hi sinh như thế nào

Viết để cho hậu thế biết thế hệ cha anh mình đã sống, chiến đấu và hi sinh như thế nào

Baovannghe.vn - Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt được biết đến là nhà văn của Binh chủng Tăng Thiết giáp, bởi suốt 38 năm quân ngũ của ông đều gắn với binh chủng này và gần như 16 đầu sách mà ông đã xuất bản đều gắn với câu chuyện về những người lính tăng.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư: nghiêm túc, đúng quy định trong sắp xếp bộ máy

Bộ Chính trị, Ban Bí thư: nghiêm túc, đúng quy định trong sắp xếp bộ máy

Baovannghe.vn - Sáng 3/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp, cho ý kiến về tình hình, tiến độ sắp xếp tổ chức bộ máy. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp
Đọc truyện: Người làng - Truyện ngắn của Lê Vạn Quỳnh

Đọc truyện: Người làng - Truyện ngắn của Lê Vạn Quỳnh

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương