Chuyên đề

Một vài kỷ niệm với nhà thơ Hoàng Cầm

Câu chuyện văn hoá
08:54 | 07/03/2022
Kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm, đã có rất nhiều các sự kiện được tổ chức ở Hà Nội, ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở Bắc Ninh quê hương ông… Tôi chỉ muốn viết lại một vài kỉ niệm của tôi với ông, để cùng nhớ về một Thi sĩ tài hoa của nền thơ Việt Nam, một con người tử tế và đức độ sẽ còn sống mãi
aa

KỶ NIỆM 100 NĂM SINH NHÀ THƠ HOÀNG CẦM

Kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm, đã có rất nhiều các sự kiện được tổ chức ở Hà Nội, ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở Bắc Ninh quê hương ông… Tôi chỉ muốn viết lại một vài kỉ niệm của tôi với ông, để cùng nhớ về một Thi sĩ tài hoa của nền thơ Việt Nam, một con người tử tế và đức độ sẽ còn sống mãi...

CHUYỆN THỨ NHẤT

Tôi được giới thiệu với ông ở một quán Cafe trên phố cổ, có năm sáu người vây quanh ông, toàn các Họa sĩ, các nhà thơ lãng tử của đất Hà Thành, ông nói chuyện nhỏ nhẹ, còn các nhà thơ thì oang oang đọc thơ, rồi bình luận thơ... Tôi là dân ngoại đạo, nên chỉ ngồi im lắng nghe, không dám ho he gì. Phải đến gần trưa, mọi người lục tục chào Nhà thơ để ra về, loáng một cái, quán Cafe chỉ còn lại mỗi tôi và ông. Tôi ngỏ ý muốn đưa ông về bằng chiếc xe máy của tôi. Ông nói ông có thể đi bộ về nhà, nhưng vẫn đồng ý để tôi chở ông về ngôi nhà trong ngõ số 43 Lý Quốc Sư. Ông mời tôi vào nhà, tự tay pha trà mời tôi uống, rồi mới hỏi tôi làm gì. Khi biết tôi là Giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, ông khoe con trai út của ông cũng làm trong ngành xây dựng, và bảo tôi đọc thơ cho ông nghe. Hồi ấy tôi có làm thơ nhưng không có ý định in ấn gì cả. Sau khi nghe tôi đọc một vài bài tôi viết ở Matxcova, ông khen tôi viết tự nhiên và có hồn. Ông động viên tôi cứ mạnh dạn viết. Thử sức đầu tiên của là gửi vài bài cho báo Văn nghệ, chỉ cần in được một bài là thành công rồi. Chia tay ông ra về tôi cứ rạo rực trong lòng, ông đã truyền cho tôi ngọn lửa đam mê thơ ca. Có lẽ buổi gặp gỡ đó đã là một bước ngoặt cho cuộc đời làm thơ của tôi, tôi đã tự tin viết thơ như sau này tôi đã viết.

Nghe lời ông tôi chép 3 bài thơ tôi viết hồi tôi học bên Nga, đến báo Văn nghệ đưa cho tổ thơ, rồi ra về trong hồi hộp đợi chờ. Rất lâu chẳng thấy thơ được đăng, công việc giảng dậy ở trường đã cuốn hút tôi, khiến tôi quên đi chuyện này. Rồi đến một hôm nhân kỉ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, tôi thấy bài thơ của tôi đăng trong trang thơ cùng với các nhà thơ tên tuổi, và một bài thơ Nga do anh Thúy Toàn dịch.

Tôi đến Tòa soạn lĩnh nhuận bút, nhưng chủ yếu là để lấy báo có cái dấu đỏ đóng chữ Kính biếu ở trang nhất đến khoe với ông. Ông bảo tôi cứ tiếp tục gửi đăng ở Văn nghệ rồi sẽ tính tiếp. Tôi rất vui chào ông ra về với nhiều dự định…

CHUYỆN THỨ HAI

Nghe theo lời khuyên của Nhà thơ Hoàng Cầm, tôi mạnh dạn làm thơ và chỉ gửi đăng ở báo Văn nghệ. Một lần tôi viết bài thơ Quê ngoại để tưởng nhớ mẹ tôi, hồi còn trẻ mẹ tôi cũng là một cô gái xinh đẹp giỏi dang, quê Bạch Hạc, đối diện với Thành phố Viêt Trì qua dòng sông Lô xanh biếc, nên nhớ về quê là nhớ đến mẹ, hình ảnh mẹ luôn tràn ngập trong tôi một nỗi nhớ thương da diết.

Bài thơ Quê ngoại có câu:

Để chiều nay về với ngã ba sông

Nơi mẹ tôi tắm một thời con gái

Một anh bạn làm biên tập ở báo Văn nghệ, gọi điện cho tôi nói rằng bài thơ của tôi đang trên bàn biên tập để in trong số tới, về cơ bản thì bài thơ hay có thể đăng được, nhưng có một câu nên sửa vì có vẻ hơi phô, đó là câu Nơi mẹ tôi tắm một thời con gái. Tôi hỏi anh định sửa thế nào thì anh bảo nên sửa là: Nơi mẹ tôi hay ngồi giặt áo. Tôi nói để tôi còn suy nghĩ đã, sẽ gọi lại cho anh sau.

Lúc ấy tôi đang ngồi chơi ở nhà Hoàng Cầm, ông hỏi tôi có chuyện gì, khi hiểu rõ câu chuyện, ông bảo tôi đọc cả bài cho ông nghe. Ông chăm chú lắng nghe, một lúc sau mới chậm rãi nói: câu thơ ấy là câu hay đấy, không được sửa… Rồi ông bảo tôi gọi điện cho bạn biên tập để ông nói chuyện, ông nói khá dài, đại ý câu chuyện tôi còn nhớ được nội dung là thế này. Ông bảo rằng muốn làm thơ hay trước hết cần sự chân thực, sau đến cái tình của người viết. Tác giả được mẹ đưa về quê ngoại chơi, ngồi trên thuyền nghe mẹ kể về bến sông quê, nơi mẹ anh hồi còn trẻ hay ra tắm, bây giờ về quê hương, nhớ mẹ, viết thế là quá hay và đúng... Anh bạn biên tập cũng là người kính trọng Nhà thơ Hoàng Cầm, nên nghe lời và để nguyên câu thơ của tôi. Bài thơ này sau đó được đăng trong báo Văn nghệ và một số tuyển tập thơ khác. Tôi thực sự cảm phục sự tinh tế của ông…

Một lần vào năm 2005 tôi viết một bài thơ tứ tuyệt tặng Nhà thơ Hoàng Cầm, gửi đăng vào số Tết Báo Văn nghệ. Anh bạn biên tập đọc thấy có chút băn khoăn, bảo: Anh viết thế không sợ ông Hoàng Cầm tự ái à? Tôi đem chuyện này nói với ông và bảo, nếu ông thấy không ổn thì tôi sẽ sửa lại. Ông từ tốn nói với tôi, vẫn cái giọng nhẹ nhàng chậm rãi: “Cả cuộc đời làm thơ của mình, khiêm tốn mà nói thì cũng viết được nhiều đấy, nhưng chỉ mong người đời nhớ được một câu là đã thấy vui rồi, đằng này lại có người nhớ được tới hai bài, thì còn giận sao được. Cứ đăng như thế đi…”.

Sự thẳng thắn và chân tình của ông khiến tôi hết băn khoăn. Bài thơ đó là một món quà nhỏ tôi tặng ông, một người Thầy đức độ, một người anh, một người bạn thân thiết mà tôi hằng yêu quí.

CHUYỆN THỨ BA

Năm 1998, vào tuổi 50, tôi muốn in tập thơ đầu tay. Tôi nói chuyện này với Nhà thơ Hoàng Cầm, ông bảo cứ mạnh dạn in đi, nếu có khó khăn gì thì ông sẽ giúp. Tôi chọn 50 bài làm bản thảo tập thơ có tên gọi Luận án và Em, gửi nhà thơ Hoàng Cầm với mong muốn ông đọc và sửa chữa cho trước khi đưa bản chính thức đến Nhà xuất bản.

Một vài tuần sau tôi đến gặp ông, ông trả lại tôi bản thảo và bảo ông đã đọc kĩ, thấy cơ bản là đươc. Tôi hỏi ông có góp ý sửa chữa bài nào không, ông bảo, mỗi người viết có một tạng riêng, không nên sửa chữa, cứ để nguyên thế thì là thơ Trịnh Quốc Thắng, còn sửa thì sẽ thành thơ người khác…

Khi sách in xong, tôi mang đến biếu Nhà thơ, ông khen sách in đẹp và có cái tên rất độc đáo, văn phong khoa học - Luận án và Em. Rồi ông cười và bảo, nếu tôi thích thì ông sẽ viết một bài để giới thiệu tập thơ. Tất nhiên là tôi không từ chối

Năm ấy Nhà thơ Hoàng Cầm đã gần 80 tuổi, sức khỏe giảm sút, tay đã run, ông phải đọc cho người khác chép hộ, thế mà ông vẫn viết cho tôi một bài phê bình dài. Hôm đến nhà ông để nhận bài viết, tôi vô cùng xúc động, nước mắt ứa ra khi nghe ông nói: Bài viết này có lẽ là bài phê bình cuối cùng mình viết đấy, bây giờ thấy trong người yếu lắm rồi, không viết được nữa…

Bài phê bình của ông về tập thơ của tôi có nhan đề ĐỌC THƠ CỦA MỘT NHÀ GIÁO sau đó đã in trang trọng gần kín một trang báo Văn nghệ.

CHUYỆN THỨ TƯ

Từ ngày được quen và gần gũi với ông, sáng mùng 2 Tết hàng năm, vợ chồng tôi thường đến chúc Tết và mừng tuổi ông. Đến năm 1999, Tết Kỷ Mão, ông gọi điện từ trước Tết bảo tôi, năm nay đừng đến vào ngày mùng 2 vì ông bận về quê ăn Tết, còn các ngày khác đều ở nhà. Tôi hỏi, ông có còn quê nữa đâu mà về, thì ông bảo: mình về quê ăn Tết theo thơ của Thắng đấy… rồi ông bảo chuyện dài lắm, hẹn hôm nào gặp nhau sẽ kể.

Sáng mồng 3 Tết, vợ chồng tôi đến chúc Tết ông. Câu chuyện đầu xuân rất vui, và đây là câu chuyện về quê ăn Tết Nhà thơ Hoàng Cầm kể lại:

Cuối năm 1999, gần đến tết, người con trai út của ông, Kĩ sư Xây dựng Bùi Tằng Phi, có nói với ông, đại ý là năm vừa qua con làm ăn được, cuối năm có một khoản tiền, nếu bố thích gì thì con sẽ mua tặng. Nhưng ông lại bảo: Nếu có tiền thì con thuê một chiếc xe ô tô, cha con mình về quê ăn tết. Anh con rất ngỡ ngàng, vì bao nhiêu năm rồi có thấy bố nói chuyện về quê ăn tết đâu, mà có còn quê đâu để mà về. Ông giải thích, mình sẽ về quê theo câu thơ của Trịnh Quốc Thắng, bài Làng Gốm…

Bài thơ Làng Gốm là một bài thơ dài, tôi viết về quê tôi, Làng Gốm xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, in trong tập thơ Luận án và Em. Bài thơ có đoạn kết:

Lại trở về như thuở vẹn nguyên

Làng nửa tỉnh nửa quê bên dòng sông nhỏ

Ngôi mộ mẹ cha tôi còn đó

Nhớ suốt đời Làng Gốm quê tôi.

Ông bảo, chỉ cần có ngôi mộ mẹ cha tôi còn đó, thì nơi ấy vẫn là quê hương…

Vậy là Tết năm Kỷ Mão ấy, mấy cha con nhà thơ đã về quê Thuận Thành, Kinh Bắc. Ô tô chạy thẳng ra cánh đồng, nơi có ngôi mộ ông cụ thân sinh nhà thơ. Sau khi thắp hương làm lễ, mấy cha con trải chiếu uống rượu thụ lộc ngay trên cánh đồng quê hương. Ông bảo, mình ngần này tuổi rồi, người già thường hay nhớ về quê hương, muốn về quê, nhưng cứ nghĩ mình chẳng còn nhà cửa gì nữa thì làm gì còn quê để mà về, từ nay có quê rồi, năm nào mình cũng sẽ về quê ăn Tết…

*

Tôi rất muốn viết một bài viết thật to tát để ca ngợi Thi sĩ Hoàng Cầm, một người Thầy, một người anh, một người bạn lớn của tôi, người mà sự nghiệp thi ca của ông xứng tầm để viết những Luận án văn chương lớn. Nhưng tôi không làm được điều đó, nên đành kể lại những câu chuyện nhỏ, những kỉ niệm của riêng tôi, nhưng qua những câu chuyện rất đời thường ấy, đã làm hiện lên chân dung một Thi sĩ tài hoa. Ông trước hết là một con người tử tế, một con người luôn tốt với mọi người, và nhất là những người trẻ tuổi như tôi…

Được biết thành phố Bắc Ninh đã có con đường mang tên Hoàng Cầm, thị trấn Thuận Thành cũng sẽ có một con đường mới mang tên ông. Hy vọng rằng đến một ngày không xa, Thủ đô Hà Nội thân yêu của chúng ta sẽ có một đường phố mang tên Thi sĩ Hoàng Cầm, bởi ông hoàn toàn xứng đáng với điều đó.

Nguồn Văn nghệ số 10/2022


Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...