Sáng tác

Mùa quên. Truyện ngắn dự thi của Đặng Bá Canh

Đặng Bá Canh
Truyện
17:31 | 28/11/2024
Baovannghe.vn - ... Hoàn tỉnh lại, cố lấy sức để cựa mình nhưng toàn thân tê nhức tưởng mỗi sợi lông trên người là một mũi kim đang đâm thấu thịt da.
aa

Mất gần hai năm mới xong khóa cao học. Cũng bõ công, luận văn xuất sắc. Chỉ chờ làm chuyến ra thủ đô nhận bằng thạc sĩ coi như toại nguyện. Hoàn xong chương trình cao học, Nhung sung sướng nào có kém Hoàn. Vậy nhưng lại thấy lo lo, chắc phải ghé thầy Tịnh nhờ thầy xem vận hạn trong tháng, hên xui, hung cát thế nào còn biết đường mà tránh. Thầy Tịnh phán, chồng Dần, vợ Thân vốn đã xung khắc. Riêng tháng này nếu không kiêng giữ có khi bổn mạng không chồng thì vợ. Kiêng nhất là đi xa. Qua được thì tháng sau sẽ có chuyện đại hỉ. Đấy nghe thầy phán chưa. Vậy mà còn đặt vé bay ra Hà Nội. Hủy vé. Cứ để cho qua ngày xui tháng hạn đi. 30 ngày chứ có lâu lắc gì đâu mà sốt ruột. Lỡ chuyện gì xảy ra khi đó mới biết sự. Vẻ mặt đăm đăm của thầy Tịnh lúc lật bộ bài làm Hoàn phì cười.

- Anh đừng chủ quan! Có chuyện đấy!

Ừ thì, có kiêng có lành. Nhung liếc cặp mắt lúng liếng như vừa động viên, dỗ dành vừa răn đe Hoàn. Nghe lời đi, ngoan rồi sẽ có quà. Đến ngày ba mươi, ngoài học viện gọi điện báo đã chuyển bằng thạc sĩ qua đường bảo đảm. Hoàn linh cảm đúng, cái ngày cuối tháng ruột gan cứ hôn hốt, hẳn phải có chuyện gì trọng đại, in như rằng. Tin vui, Hoàn muốn cùng Mệnh thằng bạn thân bấy nay vô Farmstay làm một chầu cho bõ những ngày hết thòi ra vườn lại thụt vào nhà. Chân tay ườn ra lười nhác. Nhung nhìn tờ lịch.

- Hôm nay nữa là hết tháng à?

- Thì đấy, hết kiêng cữ rồi! Thả ga bữa đi em.

Lông mày Nhung díu lại gấp vài nếp nhăn trên vầng trán rộng.

- Vẫn chưa được, phải hết hôm nay!

Thì chỉ còn mấy tiếng đồng hồ là sang ngày mới, tháng mới, Nhung lăn tăn làm gì nữa. Hoàn như khẩn khoản, như khích lệ làm Nhung cũng mủi lòng. Thì cũng được nhưng thầy phán rồi.

- Thôi mà, phán gì mà phán nữa em. Thầy còn phán thêm rằng, cứ hết tháng thì vô tư mà tiệc tùng, đánh chén nhé! Hì hì!

Mặt Nhung giãn ra theo cái nụ cười trong veo như con trẻ của Hoàn.

Hoàn ít khi bia rượu, dẫu vui lắm nhưng cũng chỉ làm được ba ống phúc lộc thọ. Mệnh uống nhiều, Mệnh bảo, những lúc vui như thế này, ngồi cùng bạn hiền mà không uống cho đã cái sung sướng thì còn lúc nào nữa. Càng uống Mệnh càng tỉnh. Bỏ vợ đã ba năm, Mệnh bây giờ là chuyên gia môi giới bất động sản, cái nghề mà Mệnh vẫn thích được xổ toẹt ra là cò đất. Gọi vậy vừa suồng sã, vừa dân dã mà lại đầy chất đời.

- Kiếm mối khác cho nó có cặp có đôi ông Mệnh ạ!

Mệnh không đáp lại lời Hoàn ngay mà nhìn Nhung không chớp mắt rồi đưa lon bia lên tu ực, cười hể hả.

- Khi nào kiếm được ai gần bằng bà Nhung tôi sẽ viết tập hai. Còn không thì nghỉ cho khỏe người!

Nhung ửng má. Hoàn nhìn lại. Nhung thật đẹp, nhất là dưới ánh sáng của ngọn đèn sóng sánh trên khóe môi mềm và cặp mắt ươn ướt. Hoàn nháy mắt Nhung, về thôi. Mệnh mệt cứ thì cứ nghỉ lại Farm. Là chỗ thân thiết, thỉnh thoảng Mệnh vẫn rủ bạn bè vào Farm vợ chồng Hoàn câu cá, nhậu nhẹt. Không sao cả, Mệnh độc thân, con cái theo mẹ, chẳng vướng bận, ở đâu cũng có thể là nhà. Nhung bảo.

- Để em chở! Anh uống rồi!

- Anh uống có là bao! Ai lại bắt em chở. Để em ngồi sau dưỡng sức cho đêm nay!

Nhung nguýt dài.

- Gớm, chưa biết ai phải dưỡng sức! Ừ thì chạy đi nhưng nhớ cẩn thận đấy!

Lòng Hoàn phơi phơi, ánh trăng đổ xuống cung đường uốn lượn lất phất mưa. Cùng với vòng tay ôm thật chặt, Hoàn nghe hơi thở mềm và ướt át sau gáy. Ôi buổi tối dịu dàng quá đỗi. Kiêng cữ, giữ gìn cả tháng để có được đêm nay quả cũng đáng. Hoàn trôi đi trong tiếng hát khe khẽ như lời thì thầm của Nhung bên tai. Xe lướt qua con dốc rẽ về khu phố nhỏ, nơi có ngôi nhà xinh xinh của vợ chồng Hoàn.

- Rầ... â ầm!

Hoàn chỉ thấy vụt qua trước mặt là một tảng đá và cú buốt óc như ai dùng búa đinh phang mạnh vào đầu. Yên ắng và im bặt.

Nằm điều trị hơn nửa năm Hoàn được xuất viện về nhà. Hoàn về lại cơ quan, Hoàn vẫn nhớ, nhớ tên, nhớ công việc của từng người. Ấy vậy nhưng xem chừng sau những lời động viên, thăm hỏi là một thái độ khang khác. Nhiều lúc Hoàn nghe đồng nghiệp bóng gió thì thào gì đó, như là đang nói về Hoàn vậy. Chỗ Hoàn làm đã có trưởng phòng mới. Cũng phải. Hoàn vẫn được cơ quan cảm thông, ưu ái giữ cho cái chỗ làm là phúc báu, nhân văn lắm rồi. Hoàn dám nào đòi hỏi gì thêm. Cứ ngày hai buổi, Nhung chở Hoàn lên cơ quan, tan sở kịp thì Nhung đón, không thì Hoàn nhờ đồng nghiệp chở về. Nhưng mãi thế Hoàn cũng buồn, nhất là cơ quan chẳng bố trí việc gì cho Hoàn làm cả. Một mình một ghế, một bàn ngồi lướt điện thoại và nhìn ra phố làm Hoàn chán và tủi thân. Cậu trưởng phòng vỗ vai, Hoàn về được với anh em là quý rồi. Công việc cơ quan càng ngày càng nặng nề, sức khỏe Hoàn yếu giao việc sợ kham không nổi. Thôi, cứ lên với anh em cho vui. Vậy tức là Hoàn trở thành người thừa ở cơ quan rồi. Làm gì cũng được nhưng làm người thừa thì đau khổ lắm. Hoàn gặp giám đốc. Giám đốc im lặng hồi lâu.

- Cậu còn sống đã là một kỳ tích. Mừng cho cậu điều đó nhưng quả thật bây giờ không biết bố trí việc gì cho phù hợp với sức khỏe của cậu.

Đừng bắt Hoàn ngồi không. Ngồi không như thế chẳng phải Hoàn đang trở thành gánh nặng cho cả tập thể à.

- Ừm! Hay làm bảo vệ! Công việc này cậu đỡ phải suy nghĩ đau đầu! À mà cũng không được. Cơ quan mình khách khứa đến liên hệ công việc nhiều, cậu thế này e không ổn!

Bảo vệ thì có gì đâu mà giám đốc nói là không được. Hoàn chỉ hiểu ra khi có ông đồng nghiệp nói toạc cái điều mà Hoàn mãi không nghĩ đến. Hoàn bây giờ chân cà nhắc, mặt biến dạng, đầu óc lại không còn minh mẫn như trước. Làm bảo vệ nói dại chứ lỡ mất mát tài sản của khách hay của cơ quan thì ai chịu tội. Đó là chưa nói chuyện có một ông bảo vệ dị hình ngày ngày cứ đơ đơ đứng trước cổng cơ quan trông nó mạt lắm.

Hoàn lặng im. Ước gì cái lúc tai nạn chết quách đi cho xong, cứ lỡ dở như này chỉ tổ khổ vợ, khổ con. Nhung bỏ nghề dạy học để theo Mệnh làm cò đất. Hoàn đã tỉ tê, to nhỏ, dù gì cũng đã gắn bó với cái nghề dạy học mười mấy năm. Người ta kiếm một chỗ để làm nghề gõ đầu trẻ không được, đây lại bỏ ngang. Nhung gằn giọng.

- Xời! Không bỏ để đi với ông Mệnh thì đến rác cũng chẳng có mà ăn! Đói rách, ốm đau còn sỉ hão!

Đúng là từ lúc Nhung nhập hội cò đất với Mệnh, tiền nong dư dả hẳn. Con Tít, thằng Mít được đi siêu thị nhiều, được mua giày, mua dép hàng hiệu, được ăn ngon. Còn Nhung mỡ màng mơn mởn. Gương mặt rạng rỡ, mắt hấp háy và miệng cười toe toét khi nghe điện thoại. Những gầm ghè, chửi chó đá mèo thưa hẳn. Cũng tội cho Nhung, thân gái phải oằn vai gánh cả gia đình. Hoàn muốn một lần được ôm Nhung để rủ rỉ cho Nhung hiểu rằng, Hoàn phải cảm ơn Nhung nhiều lắm, không có Nhung chẳng biết Hoàn, con Tít, thằng Mít sẽ thế nào đây. Nhưng những lần thất bại bẽ bàng khi trả bài cho vợ làm Hoàn sợ, sợ nghe tiếng thở dài của Nhung. Sợ hơn nữa là trong thẳm sâu Nhung coi thường, khinh bỉ Hoàn. Và điều Hoàn sợ là có thật. Một lần khi Hoàn gắng xoay người để khẽ chạm vào tay Nhung thì Nhung đã cuộn tròn chăn, mặt đanh lại.

- Ra ngoài mà ngủ. Ngáy như bò rống ma nào chịu nổi!

Quái, trước Hoàn cũng ngáy, Nhung còn bảo, thiếu tiếng ngáy của Hoàn là chịu không nổi, vậy mà giờ đây. Nằm trên cái ghế sopha Hoàn cứ trằn trọc mãi. Chừng khuya, khuya lắm trong Hoàn bùng lên khao khát muốn được nghe hơi thở đều đều ấm áp của Nhung. Nghĩ vậy, Hoàn len lén bước vào phòng. Đèn ngủ dìu dịu và màn hình điện thoại chiếu vào chiếc nhẫn trên ngón tay Nhung lấp lánh ánh bạc. Nhung nhắn tin rồi khúc khích cười. Hình avatar hiện lên: Mệnh. Hoàn nín thở kiễng chân bước ra ngoài thật khẽ.

Đêm. Đêm lê thê.

... Hoàn cũng muốn kiếm tiền. Những buổi buồn buồn tha thẩn trong khuôn viên cơ quan ngó ra, Hoàn thấy cái tủ kính của Xoan đặt dưới tán dù bên vỉa hè bán vé số. Người dừng lại mua đông. Thì Hoàn cứ thử một lần. Kệ, thử một lần cho vui.

- Muốn đổi vận à?

Hoàn không trả lời, đưa tiền rồi cầm lấy tờ vé số.

- Lần đầu chứ gì?

- Sao biết?

- Hì. Hỏi vậy mà hỏi được!

Lần đó, Hoàn trúng giải sáu, được cả triệu bạc. Vậy thì đúng là Hoàn có duyên với vé số thật rồi. Hoàn phải mua, mua nhiều chứ mỗi một tờ thì bõ bèn gì. Xoan cất tiếng ỡm ờ.

- Trúng vé số mà không cho người bán cái gì à?

Ừ nhỉ. Mà được có một triệu bạc thì chẳng nhằm nhò. Biết cho cái gì đây. Thôi mua cả triệu tiền vé số cho Xoan.

- Ga lăng gớm. Quả này đánh lớn ăn dày đây!

Hoàn phì cười. Có đánh lớn thì mới trúng quả bự. Hoàn hí hửng bao nhiêu thì ngày hôm sau chán nản đến bấy nhiêu. Xoan bảo.

- Có được, có mất! Muốn không đây đền bù cho!

Hoàn nhếch mép, chép miệng.

- Thôi!

- Trưa ghé qua nhà nhé! Trong hẻm kia kìa!

Thì ghé. Lên cơ quan cũng chẳng làm gì. Phòng Xoan khép hờ, Hoàn bước vào khi Xoan còn đang đứng trước gương chải tóc. Thấy bóng Hoàn, Xoan quay ra chừng bối rối. Hoàn ngồi cạnh mép giường nhìn quanh quất.

- Cảnh trọ tạm bợ nhếch nhách vậy đó! Dân nghèo lần hồi kiếm ăn thôi!

Từ mấy năm trước, Hoàn đã biết Xoan là gái góa, phiêu dạt từ đâu về đây bán vé số, ghi lô đề. Nghe đâu cũng mấy lần rổ rá cạp lại nhưng rồi giải tán cả.

- Không bị tai nạn thì giờ chắc lên Phó giám đốc sở rồi nhỉ?

Câu hỏi làm Hoàn đớ người. Vậy ra Xoan biết về Hoàn cũng đâu phải là ít.

- Số phận, biết đâu mà lần!

Đúng là chỉ tại cái số. Ngày đó học xong đại học cũng là lúc tách tỉnh. Hoàn đã hăm hở vào vùng đất mới. Nhà chỉ có một mẹ một con. Mẹ cũng ngần ngừ, bịn rịn khi Hoàn nói sẽ vào Tây Nguyên lập nghiệp nhưng chí Hoàn đã quyết, mẹ can ngăn lại đâm khó xử cho Hoàn. Thôi thì chân cứng đá mềm. Mười mấy năm năm nỗ lực, phấn đấu, Hoàn đã là trưởng phòng, quy hoạch Phó giám đốc. Ai cũng chắc mẩm, học xong cao học, với cái lý lịch là con liệt sĩ, Hoàn không ngồi vào ghế lãnh đạo sở mới là chuyện lạ. Vậy mà.

- Thôi kệ. Cứ sống, vui ngày nào biết ngày đó!

- Ừ!

- Mà này! Người ta sắp cho nghỉ việc à?

- Ai bảo?

- Tình cờ nghe thôi! Bảo cơ quan muốn vận động để tự xin nghỉ hẳn!

- Thì nghỉ!

Hoàn buột miệng như người vô hồn rồi chống tay đứng dậy lững thững ra về. Cái cổng hé mở. Tiếng Nhung quát con Tít oang oang.

- Ngu chưa! Đã bảo chở em thì chú ý nhìn đường sá! May mà chỉ mới trật khớp, xe mà nó tông cho phát thì chết toi chúng mày!

- Dạ, tại cái xe nó tuột xích!

- Tại tại cái gì! Mày rồi cũng như thằng bố mày! Hấp tấp có ngày vào viện!

Hoàn đứng lại bậu cửa. Nhung quay ra bắt gặp.

- Đấy, vô tích sự cả lũ!

Hoàn cau mày. Chỉ cái chuyện con Tít đi đón em bị ngã xe đạp, đáng ra ra phải động viên, an ủi thì Nhung lại làm toáng lên. Chẳng lẽ trong mắt Nhung, Hoàn và hai đứa con đã là những cục nợ to tướng.

- Bình tĩnh nói với con. Gì mà gắt gỏng!

- Mặc kệ cha chúng mày! Bố mày sắp bị đuổi việc rồi, cả lũ dắt nhau mà đi ăn xin!

Hoàn nuốt cục nước miếng ực cái vào trong rồi ngồi xuống ghế. Tay cầm con dao gọt quả ổi ghìm cơn giận.

- Cô vừa phải thôi! Nếu cô thấy cha con tôi là gánh nặng thì cô có thể đi! Tôi lo cho con được!

Nhung nhảy tót ra giữa nhà nhìn Hoàn từ chân lên đầu.

- Ông nói ông lo được á! Ông làm được cái gì mà để lo cho con. À đề đóm. Vận may không đến đâu. Rồi con Xoan nó rút ruột ra cho biết! Tỉnh lại đi ông ạ!

- Tôi không ngờ, cô hư hỏng như thế. Đồ lăng loàn.

- Ông nói ai lăng loàn?

- Tôi nói cô, đồ hư thân mất nết!

- Ai hư thân mất nết? ông nhìn lại mình đi. Có ai, có ai đủ sức chịu đựng được một kẻ điên khùng như ông không?

- À! Vậy nên cô mới bồ bịch chứ gì?

Nhung sấn lại, gườm gườm.

- Thì đấy. Tôi cặp còn cho thiên hạ được sung sướng. Ông mất khả năng rồi thì cặp làm gì cho khổ người ta!

Con dao trong tay Hoàn loang loáng. Mặt tái ửng, Nhung cười nhạt.

- Cổ lắm máu đấy, có giỏi ông cắt cổ tôi đi rồi giết cả nhà luôn thể!

Con Tít khóc nấc lên.

- Bố mẹ ơi, con xin bố mẹ. Bố mẹ ơi!

Nghe tiếng khóc, Hoàn ngoảnh lại. Thằng Mít đứng nép vào người con Tít thút thít. Lòng Hoàn chùng xuống, con dạo rơi xoảng trên nền gạch.

Mùa quên - Truyện ngắn dự thi của Đặng Bá Canh
Tranh minh họa. Nguồn pinterest.com

... Ly hôn. Phải thế thật. Vợ chồng hết duyên hết nợ thì giải thoát cho nhau. Cả hai vẫn đi về một mái nhà nhưng như hai cái bóng. Nhung không nói và tuyệt nhiên không la mắng con nữa. Mắt Hoàn rỉ nước mỗi lần nhìn con Tít đút cơm cho thằng Mít ăn, chốc chốc loại ngước sang nhìn mẹ rồi quay lại nhìn bố. Nó như van lơn, như cầu khẩn đừng để hai chị em nó phải lìa xa nhau. Không, phải thế thôi Tít, Mít ạ. Ở cùng nhau như thế này là cực hình. Không chỉ với mẹ mà với cả bố các con ạ. Giải thoát cho nhau có khi còn giữ lại được một chút nghĩa tình gần hai mươi năm chung nhà, chung giường, chung chiếu. Nhung muốn nuôi cả hai đứa. Ừ thì cứ để Nhung nuôi nhưng chúng phải có chỗ chui vô chui ra. Vậy thì cái nhà này sẽ giữ lại cho chúng ở. Còn cái Farm ba héc ta bán để chia tài sản. Cái Farm ngày xưa Hoàn đã xây nên bao mơ ước cho một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Đó là nơi để cả nhà nghỉ ngơi, là nơi để con Tít, thằng Mít được thỏa thích vui đùa, khám phá cỏ cây. Dạo đó, con Tít còn bảo xây riêng một căn nhà trong farm cho bà nội. Nhung giục Hoàn làm sớm để bà vô cùng con cháu. Vậy mà... Giờ Nhung nói Mệnh muốn mua. Mệnh ư? Cái Farm đó cũng đã quá quen thuộc với Mệnh còn gì. Tùy Nhung. Đến nước này, ai mua cũng chẳng quan trọng.

Bóp vai, đấm lưng cho Hoàn, Xoan thủ thỉ.

- Bà Nhung cặp với ông Mệnh từ hồi nảo hồi nào kìa. Tội thế chứ lị, tin bạn mất bò!

Hoàn không muốn nhắc ba chuyện đó nữa. Vạn sự tùy duyên. Duyên của Hoàn và Nhung đã cạn.

- Nghe nói bán cái Farm được gần chục tỉ à?

- Ừ!

- Ối, đại gia rồi! Mỗi người cầm 5 tỉ nhỉ.

- Tỉ tiếc gì, để lại cho hai đứa nhỏ thôi. Chỉ cầm chút đỉnh sống qua ngày.

Xoan liếc ngang Hoàn một cái.

- Chưa lo nổi cho mình còn bày đặt. Mà cẩn thận không mất tiền thì bỏ mẹ!

- Có mấy chục triệu bạc cất dùm tạm mấy hôm nhá.

Xoan xoắt xuýt.

- Rồi, cứ đưa đây, đưa đây cầm cho! Rõ thương!

Nói rồi Xoan hôn chụt vào má Hoàn. Mùi hương từ lớp kem bôi mặt cùng mùi da thịt đàn bà phả ra đầy nhục cảm.

- Nghe nói sau tai nạn bị mất khả năng cái ấy à?

Hoàn nén tiếng thở dài.

- Ừ, sợ chưa?

- Gớm! giỡn hoài. Biết đâu một cái lạ hơn cả tạ cái quen!

Xoan kéo tấm ri đô kêu xoẹt. Hoàn choáng ngợp trước sự đầy đặn của người đàn bà đang ngồn ngộn tuổi xuân phơi ra trước mặt. Đúng vào thời khắc ấy, cái đầu óc Hoàn lại tê buốt ong ong những lời nói của Nhung trong điện thoại mà Hoàn tình cờ nghe: Em thương ông ý lắm chứ. Vợ chồng ngần ấy năm giỡn anh. Không! Chỉ là thương thôi chứ ông ý có làm ăn gì được nữa đâu. Hì hì! Dạ, dạ, mai anh ha! Rồi, chỉ dành cho anh thôi, chẳng ai hết.

Ai mà Nhung nói năng bỗ bã tự nhiên đến vậy. Chắc là Mệnh. Uất nghẹn lên cổ và ngực như muốn nổ bùng, Hoàn ngồi bật dậy, sửa lại quần áo rồi đi thẳng. Xoan trông theo thườn thượt thở dài.

Trời sáng hẳn, Hoàn ngáp dài tỉnh giấc thì con Tít đã đứng đó tự lúc nào. Nhung không về, nhắn con Tít bảo sẽ có mặt tại chỗ cần đến đúng giờ. Vậy là từ sáng nay, Nhung sẽ không còn là vợ của Hoàn nữa. Hoàn giật mình đến hao hoát, hoang hoải. Chẳng lẽ sự việc nó đi đến đường cùng như vậy hay sao. Mà thôi, vợ chồng thì cũng chỉ là mảnh giấy hôn thú, chỉ cần ký phát roẹt nữa là thành người dưng. Hoàn dắt xe ra cổng không quên ngoái đầu lại nhắc con Tít.

- Bố đi công việc, ở nhà trông em. Ngoan rồi về bố mua bỏng ngô.

- Khôô...ông! Con ứ cần bỏng ngô! Con cần bố mẹ về với chị em con thôi!

Thằng Mít từ trong nhà chạy ra, níu xe bố đòi đi. Hoàn phẩy tay ra dấu bảo con Tít đưa em vô nhà làm thằng Mít khóc ngằn ngặt. Con Tít dắt tay em ló đầu thập thò nơi cánh cổng nhìn theo bố, gió vùi vào mái tóc tơ lòa xòa.

... Mẹ vịn tay vào tường ngồi dậy nhìn ra khi nghe tiếng bước chân quen thuộc. Hoàn đứng đó, lòng mẹ như thắt lại. Khi nghe tin Hoàn bị tai nạn và đối mặt với tử thần trong bệnh viện, mẹ đã lặn lội vào. Bên giường bệnh, mẹ lần mò bàn tay Hoàn, mặt biến sắc vì không thấy chiếc nhẫn. Nhìn qua Nhung, Nhung bình an vô sự với chiếc nhẫn đeo trên tay. Mẹ hiểu ra cơ sự. Chiếc nhẫn ấy, với mẹ là báu vật. Hoàn vẫn còn nhớ lời mẹ kể. Cha trở về từ chiến trường đã đem theo chiếc nhẫn. Chiếc nhẫn được cha cắt từ vỏ thân máy bay rồi mài, uốn mà thành. Chiếc nhẫn theo cha suốt mấy năm ở chiến trường. Nhờ nó mà cha tránh được hòn tên, mũi đạn và trở về với mẹ. Cha được ra hậu phương an dưỡng để chuyển ngành. Mẹ sức yếu, cha muốn mẹ đeo. Chiếc nhẫn sẽ đem lại mọi điều tốt lành cho mẹ. Mấy hôm sau, cha qua phà Địa Lợi để tiếp tục lên đường ra trại an dưỡng, đến giữa sông phà đắm, cha vẫy vùng cứu được mấy người trước lúc bị dòng nước cuộn xiết cuối trôi. Cha về lần đó, mẹ đã mang hình hài Hoàn trong bụng. Mẹ nghe lời cha luôn đeo chiếc nhẫn. Từ khi Hoàn lớn lên, chẳng bao giờ Hoàn thấy mẹ đau yếu gì cả. Vậy mà lúc tiễn Hoàn ở bến xe, mẹ đã tháo nhẫn đeo vào ngón tay Hoàn. Hoàn chối đây đẩy. Mẹ đeo nó mấy chục năm rồi, nay phải tiếp tục đeo chứ, Hoàn khỏe mạnh thế này chưa cần đến cái nhẫn hộ mệnh ấy đâu. Mẹ nghiêm sắc mặt cùng lợi dặn Hoàn phải luôn đeo nhẫn trên tay.

Rồi Hoàn gặp, yêu và cưới Nhung. Hoàn vẫn sẽ đeo chiếc nhẫn nếu không có cái lần Nhung động thai phải nhập viện khi mang bầu con Tít. Những cơn co giật đến quằn quại trên giường cấp cứu và máu xối xả tuôn ở vùng kín của Nhung khiến Hoàn hoảng loạn. Hoàn chỉ biết vò đầu và đấm thùm thụp vào tường. Những cái đấm tay làm Hoàn sực nhớ đến chiếc nhẫn. Phải rồi, Hoàn vội tháo nhẫn đeo vào tay Nhung. Không hiểu vì được cấp cứu kịp thời hay vì có chiếc nhẫn mà Nhung dần cầm máu, cơn co giật dịu hẳn. Năm tháng trôi đi, chiếc nhẫn luôn bám chặt ngón tay giữa của Nhung. Càng đeo, nhẫn càng sáng bóng. Nhiều lúc Hoàn nghĩ, chiếc nhẫn đúng là có sức mạnh vô hình để bảo vệ chủ nhân. Cái lần bị tai nạn, tảng đá lăn nát cơ thể Hoàn và cắt lìa chiếc xe máy vậy mà Nhung chẳng hề hấn gì. Cũng là một sự may mắn, không chỉ cho Nhung mà còn cả cho con Tít, thằng Mít. Nếu lần đó có chuyện gì xảy ra với Nhung thì con Tít, thằng Mít bây giờ sẽ thế nào đây.

Nhưng lúc này mẹ cần chiếc nhẫn hơn bao giờ hết. Hoàn alo con Tít. Con Tít bối rối. Sao bố nó lại alo vào đúng lúc này. Nó và thằng Mít đang đứng bên mẹ và chú Mệnh. Ước chi người mặc bộ com lê đứng cạnh mẹ đầy duyên dáng không phải là chú Mệnh mà là bố nó. Hồi lên bốn, khi xem clip đám cưới bố mẹ, nó đã òa khóc đòi bắt đền. Giờ nó được đi dự đám cưới thì cô dâu vẫn là mẹ nhưng chú rể chẳng phải là bố nữa rồi. Mấy hôm trước, mẹ nó vỗ về rằng bố mẹ không ở cùng nhau nữa nhưng đều thương yêu nó và thằng Mít nhất trên đời. Bây giờ là lúc phải nghe lời mẹ, đừng đưa ảnh cưới lên zalo kẻo bố thấy không hay. Nó sẽ chẳng đưa đâu. Nó biết, bố sao mà chịu đựng nổi khi thấy mẹ sánh duyên cùng chú Mệnh.

- Tít à. Gọi mãi sao con không cầm máy thế?

- Con! Con...

- Sao con? Em Mít đâu? Con đang ở đâu mà loa đài inh ỏi vậy?

- Bố ơi, con! Con...

Con Tít òa khóc. Hoàn linh cảm phải có chuyện gì ghê gớm lắm thì con Tít mới ấp úng và tủi thân đến thế. Thôi, để lúc khác cho con qua cơn xúc động rồi Hoàn sẽ gọi zalo nhìn ngắm con Tít, thằng Mít, sẽ bảo con Tít nói với mẹ bố muốn được xin chiếc nhẫn về cho bà nội. Hoàn cúp máy, zalo cập nhật khoảnh khắc của người hàng xóm với cái tít rất suồng sã: Đám cưới...tập 2 nhưng vui và say. Hoàn dùi dụi mắt. Đám cưới của Nhung và Mệnh. Ai đây? Con Tít, rồi thằng Mít gương mặt ngỡ ngàng, miễn cưỡng đứng cạnh. Ngón tay áp út của Nhung đeo nhẫn cưới, ngón giữa vẫn là chiếc nhẫn hộ mệnh, kỷ vật của cha Hoàn. Hoàn sẽ đòi lại chiếc nhẫn ư? Cuộc sống của Nhung cũng chính là cuộc đời của con Tít, thằng Mít cơ mà. Hoàn nhìn tờ lịch, lại là ngày cuối tháng. Sao Nhung lại chọn cái ngày này. Sao không ngày nào khác mà cứ phải là ngày cuối tháng. Hay Nhung muốn nhắn gửi rằng, bỏ lại đằng sau những đau thương, nghiệt ngã, Nhung vẫn sẽ tìm được bến bờ của hạnh phúc. Ừ, dù gì Nhung cũng là mẹ của con Tít, thằng Mít. Dù gì Nhung cũng đã từng là vợ Hoàn và không bỏ Hoàn trong những thời khắc của lằn ranh sinh tử...

Hoàn nhớ, phố núi tầm này đã chuyển mùa. Mưa chỉ lất phất đêm muộn rồi ngủ vùi trong vòm lá. Và gió, gió dờn dợn cõng nắng về bung vàng ruồm ruộm trên dải đồi trước mặt cái Farm của nhà Hoàn. Nơi đó, Hoàn, Nhung, con Tít, thằng Mít, lâu lâu có cả Mệnh thường dạo chơi vào ngày cuối tuần. Khi gió tràn về, từng vạt hoa xuyến chi bồng bềnh đuổi nhau khoe sắc trắng ngờm ngợp. Tay Hoàn đan trong tay Nhung. Chiếc nhẫn hộ mệnh trên ngón tay thuôn mềm mại lại loang loáng hắt ánh nắng lên gương mặt rạng rỡ của Nhung đang nhìn Hoàn cười tươi roi rói.

Nguồn Văn nghệ số 42/2022

Văn nghệ, số 52/2022
Bản Hủi. Truyện ngắn của Phùng Hải Yến

Bản Hủi. Truyện ngắn của Phùng Hải Yến

Baovannghe.vn- Mới đó mà đã như lâu lắm. Hiện cô ở cách thành phố gần một ngàn ki lô mét tính cả bằng đường xe và đường đi bộ.
Cỏ ở trên đồi. Tản văn của Nguyễn Đức Phú Thọ

Cỏ ở trên đồi. Tản văn của Nguyễn Đức Phú Thọ

Baovannghe.vn - Lúc gối đầu lên đám cỏ ngủ say, dường như lũ chúng tôi, mỗi đứa mơ một giấc mơ. Hay có thể đang cùng chung một giấc mơ, dưới ánh sáng chiều tà rực rỡ. Tôi mơ về ngôi nhà nhỏ dưới chân đồi.
Đề xuất thuế suất 10% hoặc thấp hơn cho thu nhập ngoài nhiệm vụ chính trị của Báo chí

Đề xuất thuế suất 10% hoặc thấp hơn cho thu nhập ngoài nhiệm vụ chính trị của Báo chí

Baovannghe.vn - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 28/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Raditori: Từ cổ tích “Thần Trụ Trời” đến “Vũ Trụ Nhỏ” của rock Việt

Raditori: Từ cổ tích “Thần Trụ Trời” đến “Vũ Trụ Nhỏ” của rock Việt

Baovannghe.vn - Raditori là ban nhạc tập hợp những anh em yêu nhạc rock tại thành phố Hồ Chí Minh, với thành viên “lớn tuổi” nhất nhóm sinh năm 1997. Chọn rock làm chất liệu để truyền tải, Raditori gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa qua từng sản phẩm âm nhạc của mình.
Bản tin Văn nghệ ngày 28/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 28/11/2024

Baovannghe.vn - Ngày 26/11/2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1473/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 16) đối với 6 di tích.