Sơn thong thả đi dưới mái hiên bằng gỗ của viện kiến trúc. Đến vườn hoa ngăn cách dãy nhà tiếp khách và dãy văn phòng hành chính, Sơn dừng lại ngắm nhìn khu vườn được người làm vườn chăm chút tỉ mỉ, đủ mọi loài hoa đua sắc rực rỡ trên khoảng đất rộng rãi. Sơn ưỡn ngực hít vào thở ra vài nhịp, lòng vơi bớt phần nào những lắng lo tủn mủn. Tay ve vuốt tập bản vẽ đã được Sơn thức trắng đêm cẩn thận chỉnh sửa lần cuối cùng. Từ lúc nhận được chỉ thị của sếp tổng thuyên chuyển sang Băng Cốc để cùng đội ngũ kiến trúc sư Thái Lan thảo luận, lên kế hoạch thiết kế dự án trùng tu một ngôi chùa cổ ở Pattaya, Sơn vừa hãnh diện vừa lo lắng. Đã ba tháng kể từ khi đặt chân xuống sân bay Suvarnabhumi, Sơn và đồng nghiệp đã làm việc liên tục, cân đo đong đếm từng con số nhỏ xíu, dự kiến chi li từng viên gạch trên bản vẽ trước khi nhất trí đưa dự án bước sang giai đoạn tiếp theo là hiện thực hóa mọi thứ trên bản vẽ bằng việc thi công xây dựng. Để làm được điều này, hiển nhiên cần có chữ kí phê duyệt của vị viện trưởng viện kiến trúc, Sơn ngó qua chiếc đồng hồ mạ bạc cũ màu thời gian trên tay. Đã đến giờ hẹn với vị viện trưởng lão làng. Sơn quả quyết bước nhanh về phía dãy văn phòng hành chính.
![]() |
Minh họa Ngô Xuân Khôi |
“Bản vẽ khá hoàn hảo, cậu còn lường trước những rủi ro có thể xảy ra và đề xuất thêm phương án dự phòng khác. Cậu còn trẻ tuổi mà đã làm việc rất cẩn thận. Tốt lắm!” Vị viện trưởng đẩy nhẹ gọng kính vàng sượt qua sống mũi, dùng giọng tiếng Anh rất chuẩn để nói chuyện.
Sơn căng thẳng từ lúc bước vào văn phòng, hồi hộp quan sát từng nhất cử nhất động của vị viện trưởng đang chăm chú trên từng trang bản vẽ. Mãi đến khi nhìn thấy nụ cười hài lòng hiếm hoi trên gương mặt nghiêm nghị của viện trưởng, Sơn cảm giác như bỏ được cục đá tảng nặng ì trên vai, khẽ thở phào nhẹ nhõm.
“Thời gian tới cậu sẽ trực tiếp giám sát việc thi công tại Pattaya, cậu đã sắp xếp được việc ăn ở chưa?” Viện trưởng ân cần hỏi thăm.
“Dạ, em dự định sẽ thuê phòng nghỉ gần công trình hoặc ngủ luôn tại kho vật liệu cho tiện làm việc ạ!”
“Cậu sẽ ở Pattaya một thời gian khá lâu mà cậu lại chưa nói sành sõi tiếng Thái. Tôi đề nghị thế này, tôi có quen một người bạn Việt Nam đang kinh doanh dịch vụ homestay dưới đấy. Cậu đến đó ở để tiện làm việc và nói chuyện với những người đồng hương sẽ đỡ buồn chán hơn đấy.” Viện trưởng khẽ nháy mắt, kết thúc câu nói. Ông đưa tay bắt tay Sơn, chúc công việc sắp tới đều thuận lợi. Sơn nói lời cám ơn và lễ phép cúi chào vị viện trưởng đáng kính.
*
Mất hơn 4 tiếng ngồi xe dịch vụ từ Băng Cốc đến Pattaya, Sơn phờ phạc bước về phía tàu điện ngầm, còn phải ngồi tàu gần 1 tiếng mới đến bán đảo Koh Larn, nơi Sơn giám sát việc trùng tu ngôi chùa cổ. Ga tàu điện láo nháo người qua lại vào giờ cao điểm. Nhìn những gương mặt xa lạ, khô khốc lướt qua lướt lại, lòng Sơn bất giác dâng lên cảm giác buồn tủi của một kẻ lữ thứ, nhất là trong ráng chiều tà đang chòng chành buông những vệt nắng sót lại lên mặt đất. Khi đã ngồi yên vị trên tàu, Sơn lấy một cuốn sách ra đọc để giết thời gian và mê mải ngủ thiếp đi, đến khi cuốn sách trên tay rơi phịch xuống đất, Sơn mới giật mình tỉnh dậy. Sơn cúi người nhặt cuốn sách rơi xuống chân người bên cạnh và khi ngẩng đầu lên tính nói lời xin lỗi thì thấy đối phương là một cô gái trẻ với chiếc mái ngố lém lỉnh, đặc biệt đôi mắt bồ câu của cô gái mang đậm nét người Việt Nam, Sơn vui mừng bắt chuyện: “Em là người Việt hả?” Cô gái chỉ thờ ơ nhìn lướt qua Sơn và xua tay nói gì đó bằng tiếng Thái. Thế ra mình nhầm lẫn, Sơn lẩm bẩm và tiếp tục đọc cuốn sách nhưng đọc mãi không vô chữ, Sơn xếp sách lại, đưa mắt quan sát cảnh vật qua ô cửa tàu. Càng đi về phía vùng ven thành phố, cảnh vật càng giống những miền quê Việt Nam, những ngôi nhà kiểu Thái lúp xúp đằng sau vườn cây ăn trái hoặc vườn hoa cỏ. Đường phố rộng rãi, sạch sẽ và hiếm thấy xe máy đi trên đường. Sơn từng nghe một người bạn của mình nói ở Thái Lan thời tiết nắng nóng quanh năm, những tia bức xạ mặt trời đổ tràn xuống đủ làm một người đàn ông khỏe mạnh lăn ra ngất xỉu vì kiệt sức nên người Thái hầu hết đều lái ô tô khi ra đường.
Hưng háo hức vẫy tay đón Sơn tại ga tàu điện ở Koh Larn. Hưng làm nghề phiên dịch viên kiêm hướng dẫn viên du lịch, đã sống trên đất Thái hơn 10 năm. Trong thời gian Sơn làm việc tại đây, Hưng sẽ hỗ trợ làm phiên dịch cho Sơn và đội ngũ kĩ sư, công nhân thi công công trình. Đã trò chuyện trao đổi công việc nhiều lần qua mạng, Sơn và Hưng nhanh chóng thân thiết. Hưng chở Sơn về căn hộ của mình để nhậu qua đêm nay, mai làm gì thì làm, Sơn cười khề khà đồng ý. Sáng hôm sau, Sơn ghé văn phòng chỗ công trình, họp hành với đội ngũ kĩ sư, thợ thầy, công nhân những công việc quan trọng cần triển khai trong thời gian này. Cuộc họp kéo dài qua buổi trưa, Sơn mời mọi người đi ăn và sau đó tự bắt một chiếc xe tuk tuk chạy đến homestay Chua Chan. Nhận điện thoại của Sơn từ buổi sáng, ông Chan trực tiếp ra đón khi xe vừa đến và giúp Sơn xách hành lí lên phòng. Phòng của Sơn nằm ở cuối hành lang tầng hai, chỉ có nội thất cơ bản, một chiếc giường đơn trải nệm trắng phau, một cái tủ gỗ sồi và một bàn làm việc hướng ra cửa sổ trông thấy được bãi biển. Phòng còn có một ban công, ngoài ban công có rất nhiều chậu hoa cúc vàng ươm sắc nắng. Ông Chan giải thích vì vợ ông rất thích hoa cúc khi còn ở Việt Nam mà nhiệt độ thời tiết ở đảo không phù hợp để loài hoa này có thể sinh sống. Để chiều lòng vợ, ông Chan phải lai tạo giống, chiết cành và thử qua rất nhiều loại đất mới làm cho loài hoa này đâm chồi nảy lộc. Ông Chan dặn dò Sơn cần hỗ trợ gì cứ nói với vợ chồng ông, đừng ngại. Gặp được một chàng trai đồng hương giỏi giang ở Pattaya, ông rất vui. Sau khi ông Chan rời đi, Sơn sắp xếp qua loa hành lí và ngủ mê mệt tới chiều tối, cho đến khi bà Chan lên gọi xuống dùng cơm tối.
Dường như đoán biết Sơn ở trên đất Thái mấy tháng qua sẽ thèm món ăn Việt Nam, bà Chan cố ý nấu toàn món Việt quen thuộc như: thịt luộc, cà pháo, canh riêu cua rau đay, thịt kho tiêu… Bà Chan xới cơm và đưa bát cho Sơn. Sơn bưng bát cơm, cắn một miếng cà pháo, vị mắm mằn mặn thân quen thấm qua đầu lưỡi, chan canh rau đay vào bát cơm nóng, Sơn ăn ngon miệng, cảm giác mọi mệt mỏi đã được xua tan.
Bỗng, từ đầu cổng, một cô gái mở cửa vào nhà, cô gái đi về phía bếp, cúi chào ông bà Chan và khi ánh mắt Sơn và cô gái chạm nhau, một thoáng ngạc nhiên hiển hiện trên gương mặt cả hai.
“Chantana, đây là anh Sơn, anh chàng kiến trúc sư bố từng kể đấy, anh Sơn sẽ sống cùng chúng ta trong mấy tháng tới.” Ông Chan giới thiệu và đưa tay chỉ về phía cô gái: “Còn đây là con gái tôi, Chantana, tên Việt Nam của nó là Phương Linh. Con bé sinh ra tại đây nên chưa biết viết tiếng Việt, có thời gian con bé sẽ dẫn cậu đi thăm thú nơi này và nếu được cậu dạy nó viết chữ giúp tôi nhé!” Ông Chan hào hứng, cười sảng khoái kết thúc câu nói.
“Năm sau là năm cuối cấp, con bận lắm. Con lên phòng luôn đây…” Chantana dứt khoát từ chối.
“Mới về nhà mặt mũi đã lầm lì, cơm nước chưa ăn mà đòi đi đâu hả?” Ông Chan cấm cảu, quát mắng Chantana.
“Thôi, hôm nay có khách đấy, tôi xin ông, chắc con nó đi học về còn mệt, tôi gọi nó xuống ăn sau.” Bà Chan vỗ nhẹ vai chồng, dịu giọng can ngăn. Chantana quày quả bỏ lên lầu trên.
Những ngày sau đó, Sơn bị cuốn vào guồng công việc bận rộn. Sơn luôn trở về homestay khi trời đã nhập nhoạng tối, ăn nhanh bữa cơm xong lại lên phòng tắm rửa, vệ sinh cá nhân và lao vào bàn miệt mài làm việc đến tận khuya. Mãi đến sáng cuối tuần, khi những tia nắng đầu tiên khẽ khàng len lỏi qua cửa sổ, Sơn lim dim mở mắt, vươn vai ngồi dậy. Sơn đi ra ban công, phóng tầm mắt về phía mặt biển biếc xanh xa xa, khi đưa mắt nhìn xuống khu vườn thì thấy Chantana đang lúi húi tưới hoa, mái tóc ngố lém lỉnh nhô lên nhô xuống vui mắt khiến Sơn bật cười.
Chantana chăm chú vạch lá bắt sâu trên một nhánh lá xanh rờn, khi bắt sâu xong, Chantana vô thức bước chân mà không để ý bình tưới dưới chân, lảo đảo suýt vấp ngã thì một cánh tay nhanh chóng đỡ lấy Chantana. Khi cả hai đã đứng ngay ngắn, không đợi đối phương nói lời cảm ơn, Sơn mỉm cười đề nghị Chantana cùng mình đi thăm thú loanh quanh nơi này, từ lúc đến đây, do lu bu công việc, Sơn chưa có dịp đi đâu cả. Chantana thẳng thừng từ chối và khi dặm bước quay vào nhà thì Sơn giữ cánh tay Chantana, hỏi dò: “Phương Linh, tại sao lúc trên tàu điện ngầm, rõ ràng em nghe hiểu tiếng Việt mà không đáp lời lại?” “Gọi tôi là Chantana và tôi không thích nhận mình là người Việt.” Chantana bực dọc trả lời và vùng vằng đi vào nhà, bỏ lại Sơn đứng chưng hửng như trời trồng.
*
Hai tháng sau, bà nội của Chantana từ Việt Nam sang thăm gia đình. Từ lúc vợ chồng ông Chan khăn gói đưa nhau sang Thái Lan lập nghiệp, đây là lần đầu tiên bà nội ghé thăm. Bà nội rất muốn gần gũi với đứa cháu gái nhưng Chantana lại tỏ vẻ xa cách với bà. Mấy món mắm cái, mắm mực, mắm tôm bà nội tự làm mang sang luôn khiến Chantana phải chạy gấp gáp đi nơi khác nếu chẳng may ngửi mùi. Những món bento, khao pad, tom kha kai Chantana yêu thích thì bà nội vừa gắp một miếng đã vội xua tay vì quá cay. Đã thế, nếu không phải trong những tình huống bắt buộc, Chantana sẽ không nói tiếng Việt. Trong một lần Chantana xuống bếp, bà nội đang chiên đậu phụ làm món bún đậu mắm tôm, bà kéo tay đứa cháu gái, gắp một miếng đậu nóng hổi chấm vào mắm tôm bảo Chantana ăn thử. Vừa ngửi mùi mắm tôm, Chantana bịt mũi khó chịu và lỡ tay hất ngược miếng đậu bay vào áo bà nội. Bà nội tủi thân, rơm rớm nước mắt. Ông Chan đi xuống thấy vậy không kiềm chế được cảm xúc mắng Chantana là đồ mất gốc. Chantana uất ức, hét lớn: “Con cần gì đến cái gốc gác đó!” Ông Chan giáng một cái tát vào mặt Chantana. Chantana ôm mặt bật khóc, chạy lên phòng đóng cửa im ỉm cả ngày hôm đó, bà Chan khuyên bảo thế nào cũng không chịu mở cửa. Tối đó, ông Chan ra sân ngồi rít thuốc lá, khói thuốc bay lửng lơ trong không gian, tàn thuốc rực đỏ rồi lụi tàn rơi vãi xuống làm thủng cánh tay áo mà ông chẳng thèm để tâm vì tâm tư ông trĩu nặng suy tư.
*
Những ngày sau đó, sau giờ học ở trường, Chantana thường tìm đến thư viện, tiệm cà phê, sân bóng rổ, công viên để học bài hoặc đơn giản chỉ đi loanh quanh đến tối muộn mới chịu về nhà. Chantana không thật sự thấy vui trong lòng, không còn tự nhiên nói cười, chơi đùa với bạn bè ở trường như thuở trước. Chantana có yêu bố mẹ mình không? Tất nhiên là Chantana yêu thương họ vô cùng. Nhưng, Chantana không thể giống bố mẹ, luôn sống với kí ức về Việt Nam và cố gắng giữ nét văn hóa Việt Nam trong sinh hoạt hằng ngày. Chantana cất tiếng khóc chào đời tại Pattaya. Khi đến tuổi đến trường, chữ viết đầu tiên Chantana được học là chữ Thái. Thời gian đầu mới sang Thái Lan, bố mẹ Chantana đã gặp nhiều khó khăn vì không thể giao tiếp hay viết được tiếng Thái. Mãi đến khi Chantana học nói, học viết được tiếng Thái thì đã hỗ trợ bố mẹ rất nhiều trong những thủ tục hành chính. Chantana cá tính, thông minh nên được thầy cô, bạn bè ở trường yêu quý. Nếu không tự nói ra gốc gác của mình, ai cũng nghĩ Chantana là người Thái. Chỉ cần cố gắng học tập ở năm cuối cấp, thi lấy học bổng vào một trường đại học ở Băng Cốc thì Chantana có thể rời khỏi đảo Koh Larn. Chantana sẽ lập nghiệp, sẽ chứng minh năng lực của mình tại thành phố lớn nhất Thái Lan. Việc Chantana có gốc gác ra sao cũng chẳng quan trọng lắm. Chantana cũng không muốn mất thời gian để tìm hiểu về nơi cội nguồn của mình.
Bóng chiều tà nhập nhoạng trên con đường về nhà. Những bụi cỏ lau chấp chới theo từng cơn gió nồm. Chantana lững thững đi bộ trong tiết trời oi nồng ở đảo Koh Larn. Chợt, một gã đàn ông râu ria bặm trợn giật lấy túi xách của Chantana và bỏ chạy. Sau vài giây sững sờ, Chantana hét lớn đuổi theo tên cướp. Đường phố lúc này vắng tanh, tiếng hét của Chantana tan hòa trong tiếng gió khốc khô, quạnh quẽ. Sơn bất ngờ xuất hiện, chạy nhanh như sóc vượt lên tên cướp và quay lại nắm áo hắn. Cả hai giằng co lăn ra đất. Huỵch… huỵch… huỵch. Một lúc sau, tên cướp đẩy mạnh thân hình Sơn bật ngửa ra đất và bỏ chạy. Chantana vội chạy đến bên cạnh Sơn, rối rít xoa nắn khắp người Sơn, luôn miệng hỏi anh có sao không? Có trầy xướt ở đâu không? Sơn xua tay, trấn an Chantana. Chantana dìu Sơn đứng dậy và cả hai quay bước về nhà.
Sơn ngồi dựa lưng vào thành giường, tay mân mê chiếc đồng hồ mạ đồng đã bị vỡ mặt kính trong lúc giằng xé với tên cướp. Chantana gõ cửa vào phòng mang theo hộp thuốc. Chantana bôi thuốc, băng bó vết thương ở tay chân cho Sơn. Cả hai lặng lẽ theo đuổi những suy tư riêng. Thấy Sơn cứ ngồi thẫn thờ nhìn chiếc đồng hồ, Chantana không kìm được sự tò mò: “Em thấy chiếc đồng hồ hình như đã cũ xưa lắm. Nó có ý nghĩa gì đặc biệt với anh lắm đúng không?”
Sơn bảo Chantana kéo ghế lại ngồi cạnh anh. Sơn chậm rãi kể cho Chantana nghe câu chuyện tình yêu của ông bà nội anh. Ông bà kết tóc xe duyên từ thuở đôi mươi. Về chung nhà vỏn vẹn 7 ngày thì ông lên đường nhập ngũ vào chiến trường Thành cổ Quảng Trị và vĩnh viễn nằm lại nơi thành cổ. Chiếc đồng hồ này là kỉ vật duy nhất ông để lại. Khi bà nội sắp đi về miền mây trắng với ông thì trao lại cho anh.
Mải mê lắng nghe câu chuyện của Sơn, Chantana bất giác giật mình khi Sơn kéo vai mình lại. Ánh mắt Sơn sâu thẳm nhìn Chantana. Cô gái nhỏ cảm giác lúng túng, ngại ngùng ngồi yên ngoan như một chú mèo con.
- Anh hiểu những cô bé như em đang chịu đựng sự giao thoa giữa hai nền văn hóa trong nếp sinh hoạt hàng ngày của mình. Nếu có thể, em hãy thử mở lòng tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam để thấy rằng đất nước nơi mà tổ tiên, ông bà em được sinh ra cũng rất đẹp và hào hùng.
*
Vùng đảo Koh Larn khẽ chuyển mình sang tiết trời dịu nhẹ. Nắng đã thôi chói gắt. Gió mơn man trên những tán cây Nong Nooch. Dưới bầu trời đêm thanh mát, ngay trong khu vườn của homestay, Sơn ngồi dạy tiếng Việt cho Chantana mỗi tối. Nhìn cô học trò nhỏ bướng bỉnh hôm nào, nay chăm chú ngồi dặm viết từng nét chữ. Mái tóc ngố tinh nghịch vẫn nhấp nhô, để lồ lộ vài giọt mồ hôi đọng vương trên chiếc trán trắng mịn. Sơn vô thức đưa tay xoa đầu Chantana. Chantana hơi giật mình nhưng không ra ý phản đối. Trên trời, những vì sao nhấp nháy xuất hiện mỗi lúc một dày đặc, thả những xuống nhân gian làn lụa trắng sáng vô tận.
Những ngày cuối cùng ở Pattaya, Sơn hay cùng Chantana đi dạo biển. Hôm nay, Chantana mặc chiếc váy trắng hai dây để lộ bờ vai nõn nà. Họ bỏ giày đi chân không sát mép biển, cảm giác nước biển dâng lên rồi rút êm kéo theo cát dưới chân sụt trồi dưới chân thật dễ chịu. Chantana khẽ khàng thì thầm vào tai Sơn: “Mùa xuân ở Việt Nam có đẹp không?”