Chuyên đề

Tình biển. Truyện ngắn của Linh Châu

Linh Châu
Văn học địa phương
09:40 | 18/02/2025
Baovannghe.vn - Vinh bước chậm rãi trên con đường làng quen thuộc, hít vào lồng ngực làn gió mát lành mang mùi hương nồng nàn của đồng quê.
aa

Vinh bước chậm rãi trên con đường làng quen thuộc, hít vào lồng ngực làn gió mát lành mang mùi hương nồng nàn của đồng quê. Xuân về, cánh đồng trải rộng một tấm thảm xanh mướt, điểm xuyết muôn ngàn sắc hoa rực rỡ. Bầu trời trong vắt, không một gợn mây, ánh nắng xuân rực rỡ dát vàng lên những mái ngói đỏ, nhẹ nhàng chiếu lên cành đào e ấp, những nụ hoa chớm nở bên hiên nhà. Không khí lành lạnh của cuối đông hòa cùng hơi ấm mùa xuân, mang theo mùi hương nhẹ nhàng của đất trời. Từng bờ tre cong cong, từng gốc rạ già cỗi đứng yên lặng, như những chứng nhân của bao mùa Tết qua, in hằn trong ký ức Vinh những cuộc rong chơi bất tận cùng đám bạn thuở thiếu thời. Những con đường làng quen thuộc, những tiếng cười giòn tan, những buổi chiều đùa nghịch bên bờ ao giờ đây vẫn vẹn nguyên trong lòng anh, như thể vừa mới hôm qua.

Đã bốn năm rồi, kể từ ngày Vinh khoác lên mình bộ quân phục của người lính biển, trở thành chiến sĩ của Lữ đoàn 171 - Vùng 2 Hải quân, anh mới được nghỉ phép về quê đúng dịp Tết. Vinh nhớ lại buổi đầu rời nhà để vào quân ngũ. Hôm ấy, mẹ dậy sớm, xếp lại áo quần, bỏ chiếc khăn ấm vào ba lô cho anh, từng món đồ được gói ghém cẩn thận. Trước lúc ra đi, mẹ nắm tay, dặn dò đủ thứ rồi đưa anh đến mộ của bố. Mẹ nhìn anh, nở một nụ cười nhưng không giấu được sự nghẹn ngào trong giọng nói: "Con trai, con đi rồi, bố ở trên kia sẽ luôn phù hộ cho con, bảo vệ con!"

Từ nhỏ, Vinh đã có năng khiếu bơi lội đáng ngạc nhiên. Mỗi lần được mẹ đưa ra biển, anh lại say mê hòa mình vào làn nước xanh trong, chẳng hề sợ hãi. Vinh bơi tự nhiên như thể biển là một phần của mình, vui sướng lướt đi dưới nắng và gió, lòng ngập tràn phấn khích. Biển cả mênh mông càng khiến anh thêm yêu thích và khao khát được chinh phục. Còn nhớ, Vinh thường được mẹ kể cho nghe những câu chuyện về biển đảo quê hương – nơi sóng vỗ rì rào và trời biển bao la, nơi bao người con Việt đã dâng trọn cuộc đời mình để bảo vệ từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng. Bà kể rằng từ xa xưa, ông cha đã luôn gắn bó với biển, xem biển là quê hương thứ hai. Mỗi lần nghe mẹ nói về những người lính hải quân can trường, dù xa nhà nhưng vẫn kiên cường giữ vững biên cương biển đảo, trong lòng Vinh dâng lên một niềm xúc động và tự hào. Từ đó, hình ảnh người lính hải quân với khuôn mặt rám nắng, trong ánh nhìn chứa chan tình yêu quê hương, đã gieo vào lòng Vinh ước mơ lớn lên sẽ đứng trong hàng ngũ hải quân. Có lẽ cũng nhờ tình yêu và sự tự do mà biển mang lại, mơ ước trở thành người lính hải quân trong lòng Vinh dần lớn lên, như thể biển đã chọn cậu, thôi thúc cậu sẽ một ngày kiên cường đứng vững nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ những vùng biển yêu thương. Vinh ước mơ ngày nào đó mình sẽ nối tiếp truyền thống ấy, đứng vững trước sóng gió, để bảo vệ bình yên biển đảo Tổ quốc – để những câu chuyện của mẹ trở thành hiện thực trong chính cuộc đời mình.

Sau hai năm huấn luyện đầy gian khổ, với ý chí kiên cường và khát vọng cháy bỏng được cống hiến lâu dài cho Tổ quốc, Vinh từng ngày vượt qua thử thách, tôi luyện bản lĩnh người lính. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, thủ trưởng đơn vị đã nhận ra sự quyết tâm của Vinh, trân trọng từng cố gắng và đề xuất lên cấp trên để anh được thực hiện mơ ước của mình. Khi nhận được quyết định phục vụ lâu dài trong quân đội tại Lữ đoàn 171, Vinh ngửa mặt lên trời, nụ cười sáng rực niềm tự hào, hạnh phúc, rồi hô lớn: “Con làm được rồi bố ơi!”. Tiếng reo vang dội khắp sân, khiến vài chú chim giật mình vỗ cánh bay lên, thoáng chao nghiêng giữa bầu trời xanh. Là người đầu tiên trong làng được vinh dự phục vụ trong quân ngũ, anh cảm nhận niềm kiêu hãnh đang rộn ràng trong lòng khi đã vượt qua bao thử thách để có khoảnh khắc này, khoảnh khắc không chỉ là giấc mơ bản thân, mà còn là niềm tự hào của gia đình, dòng họ và cả làng quê nhỏ bé. Cảm xúc ấy sống lại, như thuở 16 tuổi, khi Vinh nhận bằng khen vì đã dũng cảm cứu một đứa bé bị sóng biển cuốn đi. Hôm ấy, sóng lớn ào ạt xô bờ, đứa bé không rõ vì sao lại một mình ra biển, chỉ biết khi mọi người phát hiện thì em đã chới với giữa dòng nước dữ. Không chút do dự, Vinh lao mình xuống biển. Đôi mắt anh cháy lên sự quyết tâm, trong khi từng cơn sóng đập thẳng vào thân thể anh. Anh lướt qua từng đợt sóng cao, đôi tay vươn dài và cuối cùng chạm được vào em nhỏ. Giữ chặt lấy em, Vinh dùng cả sức lực tuổi trẻ để chống chọi, từng sải bơi mạnh mẽ như xé toạc dòng nước. Khi vào bờ an toàn, ánh mắt biết ơn của cha mẹ đứa trẻ in sâu trong lòng anh, khơi dậy quyết tâm mạnh mẽ theo đuổi con đường bảo vệ sự bình yên nơi biển cả. Với quyết định phục vụ tại Lữ đoàn 171 trong tay, Vinh như gặp lại chính mình của ngày xưa, mang trong lòng niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng đã chọn. Anh muốn tiếp tục hành trình ấy, muốn gìn giữ biển đảo quê hương, như cách anh đã dũng cảm đưa đứa bé ra khỏi hiểm nguy, với tất cả lòng quyết tâm và tình yêu quê hương.

Minh họa nguồn Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Ất Tỵ
Minh họa nguồn Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Ất Tỵ

Những năm qua, khi mọi người ở đất liền quây quần bên mâm cơm tất niên, chờ đợi phút giao thừa, thì Vinh cùng đồng đội vẫn đang thực hiện nhiệm vụ trên biển. Nơi đầu sóng ngọn gió, những con tàu cứ lặng lẽ trôi giữa mênh mông đại dương, với ngọn đèn trên tàu như sao sáng trong đêm. Vinh nhớ lại những ngày mưa bão lớn, cả đoàn tàu chao đảo, nghiêng ngả trong từng đợt sóng dữ. Giữa biển khơi lạnh lẽo, một cái bắt tay hay một ánh mắt động viên của đồng đội cũng ấm áp như ngọn lửa đốt lên giữa lòng biển đêm.

Tết đến, không khí đón xuân trên tàu thật giản dị. Không có phố xá nhộn nhịp hay những dãy đèn lấp lánh, các chiến sĩ cùng nhau đón Tết bằng tất cả tấm lòng chân thành giữa lòng biển khơi. Họ ngồi quây quần, người sắp lá, người vuốt nếp để gói bánh chưng. Từng cặp tay khéo léo xếp vuông những chiếc bánh, vừa làm vừa cười nói như để gói vào đó cả tình yêu dành cho quê hương, đất nước. Tàu cũng được trang trí với ảnh Bác Hồ nghiêm trang, cành đào phai hồng nhỏ tươi tắn và mâm ngũ quả rực rỡ sắc màu, mang chút hơi xuân đất liền ra giữa biển khơi. Đêm Giao thừa, các chiến sĩ quây quần bên nhau, lòng rộn ràng đón chờ khoảnh khắc thiêng liêng. Khi lời chúc Tết của Chủ tịch nước vang lên, ai nấy đều lặng yên, ánh mắt chăm chú, lắng nghe từng lời dặn dò ấm áp. Trong không gian tĩnh mịch của biển đêm, thuyền trưởng Tâm trịnh trọng kéo ba hồi còi dài. Tiếng còi vang vọng, trầm hùng, như hòa nhịp cùng sóng nước, len lỏi vào lòng mỗi người chiến sĩ, để lại niềm tự hào và vững tin trong phút giây chuyển giao đầy ý nghĩa ấy. Họ cùng nhau hát vang những bài ca xuân, diễn vài tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Những tiếng hát, tiếng cười ấm áp hòa vào nhau, lan tỏa niềm vui, sự gắn kết, sưởi ấm cả không gian rộng lớn... Dẫu đã quen đón xuân đến trên tàu cùng đồng đội, lòng Vinh vẫn không thôi nặng trĩu nỗi nhớ quê, nhớ mẹ. Anh còn nhớ cái Tết năm ngoái, tàu của anh đang tuần tra trên biển nên không thể liên lạc với gia đình. Sau giây phút đón giao thừa, Vinh đứng bên lan can, nhìn vào bóng tối vô tận của biển cả, chỉ nghe tiếng sóng vỗ nhẹ vào thân tàu. Bất chợt, từ xa, một chiếc tàu khác kéo lên một hồi còi dài như lời chúc Tết từ những đồng đội cũng đang làm nhiệm vụ. Năm ấy, đáng ra đến lượt Vinh được về Tết. Anh đã bắt đầu chuẩn bị hành lý, háo hức với mơ ước được trở về bên mâm cơm gia đình, quây quần với mẹ trong khoảnh khắc thiêng liêng đầu năm mới. Nhưng rồi Bính – một đồng chí trong tàu có con gái bị tai nạn xe, phải điều trị ở bệnh viện trung ương. Nhìn vào ánh mắt mong mỏi sum họp gia đình trong giây phút khó khăn ấy, Vinh không ngần ngại, nhường lại cơ hội về nhà cho đồng đội.

Lần trở về này, Vinh không báo trước. Bước vào cửa hàng tạp hóa nhà bác Tư đầu ngõ mua ít đồ thắp hương cho bố, mấy cô bác ngồi tụ lại trong góc chợ thoáng chốc rộn ràng khi thấy bóng dáng anh. Bác Tư, vừa cười tươi rói vừa vỗ vai Vinh.

- " Còn nhớ ngày nào mày lẽo đẽo theo các bác trong làng ra đồng mà giờ đã thành bộ đội Hải quân nha."

Vinh chỉ cười bối rối, còn chưa kịp nói gì thì bác Tư đã vẫy tay gọi: "Cái Nụ ơi, ra mà xem ai về này!" Bác quay sang mấy người xung quanh, giọng nửa đùa nửa thật, "Cái Nụ hồi xưa thương thằng Vinh lắm đấy! Giờ làm cô giáo ở trường làng, vậy mà vẫn chưa chịu lấy chồng!"

Từ phía trong, Nụ bước ra, mái tóc đen dài ôm lấy gương mặt hiền hậu, nở nụ cười e thẹn: -"Vinh về khi nào đấy?".

- "Ừ, tớ mới về sáng nay. Đợt này, Vinh được về nghỉ Tết được gần chục ngày. Nụ cần đi sắm Tết thì Vinh qua chở nha!”.

Vinh nở một nụ cười ấm áp nhìn Nụ, ánh mắt họ giao nhau, như một sợi dây vô hình kéo lại những ký ức cũ về những ngày tháng tuổi học trò. Những buổi chiều tan học, họ cùng nhau đi dọc con đường làng, đùa giỡn và mơ mộng về những ngày tương lai. Những ánh mắt ấy giờ đây, dù không nói ra, nhưng lại chứa đựng tất cả những điều mà cả hai đều cảm nhận rõ ràng trong lòng. Cả Nụ và Vinh đều hiểu rằng, dù thời gian có trôi qua, nhưng những cảm xúc ấy vẫn còn vẹn nguyên như ngày nào.

Vừa bước ra khỏi cửa hàng, Vinh đã thấy đám trẻ con trong làng ùa tới, quây quanh anh thành một vòng tròn rộn rã. Những đôi mắt sáng trong veo, tràn đầy sự tò mò và ngưỡng mộ, cứ ngước lên nhìn anh chăm chú. Có đứa len lén nhón chân, đưa tay sờ thử vào hình ngôi sao vàng trên mũ. Một đứa nhỏ hơn nắm chặt lấy tay Vinh, kéo áo anh, miệng líu ríu: "Anh Vinh, lớn lên em cũng muốn có ngôi sao như thế!" Vinh nhìn vào gương mặt ngây thơ của lũ trẻ, như nhìn thấy chính mình của những năm tháng tuổi thơ. Anh gật đầu, rồi nhẹ nhàng nói: "Được chứ, chỉ cần các em chăm ngoan, sau này nhất định sẽ có thật nhiều ngôi sao, trở thành niềm tự hào của làng mình".

Trời chiều cuối năm bảng lảng trong sắc vàng êm dịu, ánh nắng len qua từng tán cây, phảng phất chút buồn man mác của mùa đông sắp tàn. Cơn gió nhẹ thoảng qua, mang theo hơi lạnh cuối mùa, se sắt chạm vào làn da, làm người ta thêm bồi hồi. Vinh đứng tần ngần trước cổng ngõ, bàn tay nắm chặt cành đào đỏ thắm, lòng rộn lên những cảm xúc khó tả khi nhìn ngôi nhà thân thuộc bao năm. Từ gian bếp, hương thơm món thịt đông thoang thoảng len lỏi, ngọt ngào và ấm áp. Chỉ mẹ mới có thể nấu ra hương vị này, món ăn mà bao năm anh vẫn nhớ thương mỗi độ Tết về. Qua khe cửa, anh lặng nhìn dáng mẹ hao gầy, đôi vai cong cong trong chiếc áo len cũ sờn, lặng lẽ bên bếp lửa ấm. Ánh lửa hắt lên, chiếu rõ từng nếp nhăn hằn sâu, dấu vết của bao năm tần tảo.

- "Mẹ ơi!" Tiếng gọi thân thương vang lên giữa cái lạnh cuối đông, làm bà Xuân giật mình. Đôi mắt mờ đục bởi thời gian giờ bỗng sáng lên. Qua làn sương mỏng, bóng dáng người lính hiện ra, chiếc áo xanh nổi bật giữa màn khói bếp lững lờ từ nồi bánh chưng ngoài sân. Bà Xuân vội bước tới, đôi tay run rẩy ôm chặt lấy anh, giọng nghẹn ngào lẫn trong niềm vui không sao giấu nổi.

Ngoài sân, những chồi non đang rướn mình thức giấc, hé nở trong nắng sớm. Trên đất liền, mùa xuân vẫn bình yên bởi ngoài biển khơi xa đã có những người lính biển đang âm thầm canh giữ từng tấc đất, tấc biển quê hương.

Nguồn Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Ất Tỵ 2025 (221+222)

Tình biển. Truyện ngắn của Linh Châu
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest
Phát động phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số"

Phát động phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số"

Baovannghe.vn - Sáng ngày 24/4, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Hà Nội), Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương tổ chức Lễ phát động phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số".
Đọc truyện: Từ trên những đám mây - Truyện ngắn của Nguyễn Minh Chung

Đọc truyện: Từ trên những đám mây - Truyện ngắn của Nguyễn Minh Chung

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
"Đảng trong mùa xuân đại thắng" mùa 2 sẽ diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm

"Đảng trong mùa xuân đại thắng" mùa 2 sẽ diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm

Baovannghe.vn- Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đảng trong mùa xuân đại thắng" mùa 2 sẽ diễn ra vào lúc 20h00 ngày 28/4, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.
Bài thơ "Chân lý" của Hoàng Minh Châu

Bài thơ "Chân lý" của Hoàng Minh Châu

Baovannghe.vn - Nhan đề bài thơ có vẻ như không ăn nhập với nội dung bài thơ. Tôi nghĩ thế sau khi đọc một lần bài thơ này của nhà thơ Hoàng Minh Châu.
Hai mươi ba độ rưỡi nghiêng mình - Thơ Phan Duy

Hai mươi ba độ rưỡi nghiêng mình - Thơ Phan Duy

Baovannghe.vn- Lắng nghe từ manh nha bụi sóng/ từ thượng nguồn con nước đổ thành sông