Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật!
Tôi vẫn không ngừng niệm trên giường bệnh. Có một bóng mờ thoáng qua. Người chú già có đôi mắt sáng, tay đương cầm một bông mai vàng nhìn tôi. Đoạn chú vẫy tay chào tạm biệt.
Một gương mặt lại gần nhìn chằm chằm vào tôi.
![]() |
Minh họa Đỗ Dũng |
“Ông ơi… Ông ơi, ông sao thế?” Gương mặt ấy kề sát vào mũi tôi, vừa gọi vừa lay. Tôi mở mắt ra. A, là Huy. “Ông không sao. Ông chỉ bị nhói một chút thôi.” Rồi tôi thều thào kể về giấc mơ mà cũng là sự thật của mình. Huy chăm chú lắng nghe. “Hôm qua bác sĩ đã hội chẩn xong rồi ông ạ. Sáng nay, ông đi làm xét nghiệm, nội soi rồi sẽ tiến hành phẫu thuật.”
Tôi hỏi: “Bệnh ông nặng lắm phải không cháu?” Huy lắc đầu: “Dạ, chưa kết luận được. Phải có kết quả hôm nay.”
“Cháu chăm ông như vậy có bị ảnh hưởng đến việc học không?”
“Dạ, cháu đang ôn thi nên thời gian cũng ổn ạ. Ông sớm bình phục, cháu chở ông đi du lịch!” Huy cười.
*
Tôi cười và ngồi trên chiếc xe lăn chờ sẵn. Huy cặm cụi đẩy đi. Nhìn cháu chầm chậm đẩy qua những hành lang trống vắng, đầy mùi khử trùng. Những gương mặt buồn bã, lo âu thi thoảng thò ra từ những khung cửa trắng. Bây giờ là mùa xuân. Đất trời thay áo. Trong bệnh viện, một chậu mai vàng để trước sảnh, cánh vàng lụa là phủ một thảm vàng. Tôi nhớ một năm xuân mặn mà, tươi đẹp trong mắt trẻ thơ. Cánh mai vàng lung linh giữa tiết trời se lạnh như cười trong làn gió xuân dìu dịu. Tôi lâng lâng trong niềm vui tràn ngập xóm thôn, lòng dạt dào hạnh phúc trong chiếc áo mới rộn ràng sắc hoa. Thế mà, vào khuya một đêm tháng Giêng biến cố đau thương ập đến gia đình nó. Cha tôi mất. Lính Pháp đi càn qua làng tìm bắt du kích. Chúng có chỉ điểm, gặp là bắn bỏ. Một đêm làng tôi mất bốn người. Tiếng khóc vang khắp xóm thôn. Hết tết!
Trong tiếng khóc thống thiết của mẹ và anh chị trong nhà cùng nỗi tiếc thương của bà con nội ngoại và xóm làng xung quanh, tôi mở to đôi mắt nhìn cha như đang nằm ngủ say trong bộ đồ lụa trắng. Tôi sờ vào tay cha nghe lành lạnh rồi ngơ ngác nhìn chiếc áo tang rộng thùng thình trên dáng người gầy gò của mẹ. Tôi cảm giác rờn rợn khi thấy một không gian màu trắng tràn ngập khắp nhà. Mẹ chít cho tôi vành tang nhỏ quấn ngang đầu. Tôi cảm thấy ngờ ngợ và khi nhìn những đôi mắt đỏ hoe của mọi người xung quanh và lờ mờ hiểu ra là từ đây cha mãi mãi đi xa và không bao giờ trở về nữa.
“Cháu xắn tay áo của ông lên để bác lấy máu.” Kĩ thuật viên xét nghiệm nhẹ nhàng bảo Huy. “Tôi tự làm được mà.” Tôi nói. Huy chỉ vào một xấp giấy cần phải đi làm thủ tục xét nghiệm, siêu âm, nội soi. “Nhiều quá ông ơi. Chắc cả buổi sáng nay chưa chắc xong đâu ạ.” Cứ thế, Huy theo chân cô hộ lí đẩy tôi từ khu này qua khu khác. Đâu đâu cũng thấy toàn người với cùng một bộ mặt lo âu, thất thần. Cơn mưa phùn lay bay ngoài sân, mọi thứ ướt nhòe, chỉ trừ dấu chữ thập đỏ chói còn mập mờ trong màn nước mỏng. Mùa xuân chắc không tồn tại nơi chốn này. Tôi thầm nghĩ.
Mưa xuân bay lất phất như lê lết nỗi buồn tử biệt. Ngày đưa tang cha lên núi Khước, bầu trời như nặng trĩu nỗi buồn, những đám mây đen tụ lại, che lấp ánh sáng mặt trời. Khi cơn mưa bắt đầu rơi, từng giọt nước từ trên cao lặng lẽ đáp xuống mặt đất. Điều kì diệu là mỗi giọt mưa rơi xuống đều tạo thành những hình chữ thập nhỏ, như thể bầu trời đang gửi xuống một thông điệp thiêng liêng. Cơn mưa ấy không chỉ là những giọt nước thông thường, mà là sự tưởng nhớ, sự tiễn biệt từ thiên nhiên dành cho người cha kính yêu của tôi. Những chữ thập ấy như lời chào tạm biệt cuối cùng, khép lại một cuộc đời giông bão.
“Mẹ ơi, nhìn những giọt mưa hình chữ thập này. Là cha đó, phải không mẹ?” Tôi ngây thơ nói.
Mẹ lặng lẽ lấy ống tay áo lau nước mắt và gật đầu. Trong khoảnh khắc ấy, tôi cảm nhận rõ ràng rằng cha vẫn còn đây, hiện diện trong từng giọt mưa, trong từng hình chữ thập, vẫn bảo vệ và che chở cho gia đình, ngay cả khi ông đã rời xa thế giới này.
Sau tang cha, ngôi nhà trở nên trống trải. Mẹ đờ đẫn như người mất hồn, bước chân nặng nề dáng người thất thểu, đôi mắt trầm buồn trĩu nặng nhớ thương. Tôi tiếp tục đến lớp. Cô Lạng cầm tay vỗ về an ủi. Tôi run run nắm chặt tay cô như tìm hơi ấm chở che. Tôi không muốn khóc nhưng nước mắt cứ chực trào ra khi bạn bè nhìn với đôi mắt vợi buồn như muốn đồng cảm sẻ chia.
Vợ chồng chú Ri qua thăm khi mẹ đang bị ốm. Mẹ chống tay ngồi dậy. Hai người đàn bà ôm chầm lấy nhau ràn rụa nước mắt. Chú Ri tha thẩn đi quanh nhà đưa mắt nhìn lên di ảnh của cha cố kìm nén cảm xúc rồi lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế đẩu thong thả buông từng tiếng một.
“Đằng nào thì thầy cũng đã đi rồi. Chị phải đứng lên ráng chèo chống để nuôi con. Chỗ quen biết để tôi lên ông Bộ mượn giúp một ít tiền. Chị cố lo thuốc thang cho mạnh... Để còn...” Chú nghẹn ngào đôi mắt đỏ hoe. Ông chú triết gia của tôi khóc thật tội.
Chú đã hình dung ra gánh nặng đè xuống đôi vai gầy gò bé nhỏ của người goá phụ ở chặng đường phía trước. Sau này, nhắc lại tấm chân tình của chú thím, mẹ bồi hồi xúc động trước nghĩa cử cao đẹp tình cảm xóm giềng giúp đỡ lẫn nhau qua cơn ngặt nghèo, khốn khó...
Ở cái tuổi ê a đánh vần, một vành tang nhỏ quấn ngang đầu, tôi chưa cảm nhận nỗi đau từ đây sẽ xa cha mãi mãi. Cha đi rồi, ngôi nhà trở nên vắng lặng. Không gian hiu quạnh bao trùm cảnh vật. Mẹ gầy guộc hẳn. Biến cố đau thương ập đến như một cơn lốc lạnh lùng xoáy tận tâm can làm cho tấm lưng mẹ đã còng bởi sức nặng khó nghèo, giờ càng còng xuống thấp hơn. Mẹ trầm ngâm ít nói và thường lặng lẽ ôm tôi vào lòng, đôi mắt đăm đắm nhìn về dòng sông phía sau lưng nhà trong những buổi chiều có ngọn gió nồm nhẹ thổi. Tuổi thơ tôi, cậu bé nhà quê quen mùi bùn đất rơm rạ quẩn quanh trong xóm nhỏ bình yên. Tâm hồn trẻ thơ ngát hương như loài hoa dủ dẻ, hiền hòa như con sông con hói và nao nức như bầy chim sẻ ríu rít dưới bình minh. Ngày ngày đến lớp, chú Ri kiên nhẫn chở tôi qua những con đường đất ngập bùn, những bờ sông cỏ mọc ngút ngàn.
Tôi ngày một lớn khôn. Nỗi buồn cũng vơi dần theo dòng năm tháng nhường chỗ cho những khát vọng cháy bỏng của cậu bé nhà quê ngày hai buổi đến trường. Lối đi vào đời như được tô sắc thắm tươi với những bóng hình quen thuộc. Hình ảnh thầy Huồn, thầy Thường, cô Xuân, cô Lạng... Những người thầy ân cần, mẫu mực, những cô giáo nhân hậu, đoan trang. Như những bông hoa nở đẹp giữa miền quê, họ là những người lái đò chở chuyên nhiều thế hệ đến bến bờ tri thức bằng trái tim yêu thương, tâm hồn thanh khiết. Tiếng trống trường băng qua lũy tre lay động con đường, dòng sông dội vào tâm hồn bọn trẻ với những sớm mai tắm sương mù đến lớp hay những chiều mưa gió dầm dề áo quần, sách vở ướt sũng nỗi lê thê. Và chú Ri vẫn miệt mài, đồng hành cùng tôi đi qua bao mùa mưa nắng chốn giảng đường.
“Huy có thích nghe chuyện ông kể không?” Tôi hỏi.
“Dạ, cháu thích ạ! Ông cứ kể tiếp đi ạ!” Huy vừa nói vừa lấy cục bông thấm máu từ ven của tôi.
“Ông cụ của cháu mất sớm như vậy nên từ nhỏ ông vất vả lắm. May có bà cụ ra sức đảm đương nuôi ăn học. Thời ấy không như bây giờ đâu cháu.”
Tôi ngừng lại. “Chiến tranh. Mùa xuân!” Rồi thở dài.
Tiếng thở dài va vào những giọt mưa hối hả ngoài kia.
![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn: pinterest |
*
“Ông ơi, hôm nay ông phải phẫu thuật rồi!” Huy nói.
Tôi ừm một tiếng. “Sống đến tuổi này cũng được rồi cháu.” Gương mặt Huy trĩu xuống. “Ba mẹ cháu mất rồi. Cháu chỉ có ông thôi đó. Ông cố lên nhé!”
Vị bác sĩ khả kính nói: “Bên hội chẩn nghi ngờ bác có khối u trong dạ dày gây hẹp hang vị. Chúng cháu sẽ sử dụng ống nội soi mềm, mỏng có gắn máy quay và đèn ở phần đầu để can thiệp phẫu thuật. Hi vọng ca phẫu thuật sẽ ổn ạ!”
Tôi gật đầu.
“Chúng cháu sẽ gây mê trước.” Vị bác sĩ nói thêm.
Tôi được đưa vào phòng. Mọi thứ tối sầm lại.
Nằm đây, trong không gian trắng toát của bệnh viện, giữa những tiếng bước chân vội vã của bao người, nỗi trống trải lại bủa vây lấy tôi. Nhớ ngày xưa, khi trời bắt đầu đổ mưa, chú luôn là người chạy ra tắm mưa đầu tiên. Tôi học cách tắm mưa tự nhiên đó cho đến bây giờ. Nhớ ngày nhỏ, mỗi khi trời mưa, tôi thường chạy ra hiên nhà, ngồi lặng lẽ nghe tiếng mưa rơi và đợi chú Ri trở về sau mỗi buổi làm. Đó là khi chú lập gia đình rồi. Chú luôn về muộn, trên chiếc xe đạp cũ, đôi chân lấm lem bùn đất, nụ cười trên môi và nhất là những gói quà nhỏ bọc trong lá chuối dành cho anh em tôi. Nếu có chú ở đây, chắc chú sẽ ngồi bên, nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi và nói những câu đầy triết lí về cuộc đời. Những người bệnh như tôi luôn cần triết lí cho cái sống này.
Khi chiến cuộc ngày càng ác liệt, nhiều nơi lân cận thành phố đã trở thành bình địa, không một nhà nào còn nguyên vẹn. Tôi ngồi trên ghế giảng đường lòng dạ rối bời khi nghĩ về làng quê bé nhỏ liệu có yên bình trong những ngày tháng này không. Nơi đó còn mộ ba, còn bà con họ hàng mà tôi yêu mến. Mẹ và em trai đã di tản vào vùng an toàn. Chiến sự ngày càng khốc liệt, ngày nào cũng có hàng trăm dân thường trúng thương vì bom đạn và hàng ngàn người di tản khỏi các làng xóm. Những xe cứu thương hú lên man dại trong đêm khiến lòng tôi chua xót. Qua mối quen biết của một người thầy tôi biết đại diện bên Hội Hồng thập tự đang rất cần nhân lực để làm các công tác thiện nguyện hỗ trợ người bị nạn. Hiện họ đang tuyển dụng thêm nhiều tài xế, y tá nghỉ hưu, các phiên dịch viên tiếng Anh, tiếng Pháp và một số đi tiền trạm để nắm bắt tình hình các xã, thôn. Người tiền trạm phải là một người có kinh nghiệm, nắm bắt được địa bàn, thông thạo địa danh, am hiểu nếp sống địa phương và các nhu cầu của họ. Nghe qua tôi mừng quá, tranh thủ kỳ nghỉ ngắn ở trường tôi xin đăng ký tham gia. Trình độ ngoại ngữ của tôi ổn, đặc biệt sức đi và nắm thông tin địa bàn của tôi khá tốt. Có lẽ vì thế mà vượt qua cuộc phỏng vấn và chỉ 2 ngày sau đã có mặt để nhận nhiệm vụ. Ngay sau đó, tôi được phân công làm việc với một cộng sự. Bước vào phòng, tôi bất ngờ trước dáng hình quen thuộc. Vẫn cái dáng cao, gầy và mái tóc dài búi tó đứng trước tội. Tôi như vỡ òa:
“Chú Ri! Chú Ri của con!”
Hai chú cháu mừng rỡ không ngờ gặp nhau trong hoàn cảnh này. Chú Ri đã thay đổi, không còn ủ dột và trầm tư như xưa nữa.
“Phải xông pha cháu ạ! Chú thấy thương bà con mình quá! Họ khổ mình không chịu được! Với đây là công tác nhân đạo, cứu người nên làm được rất đáng quý. Tổ chức từ thiện này mang tầm cỡ quốc tế với chủ trương nhân đạo, vô tư, trung lập và tự nguyện nên chú cũng thích.”
Thế là từ đó, cứ vào lúc 7g30, hai chú cháu trao đổi công việc hàng ngày và 8g30 cùng ra bến xe thành phố, bỏ xe đạp lên xe hàng và muốn đi xã nào, huyện nào cũng được và chiều 3 giờ trở lại cơ quan nộp báo cáo.
Một tuần chú Ri làm việc 6 ngày và ngày thứ Hai đầu tuần chú được nghỉ trọn ngày. Còn tôi chỉ đi được 3 ngày từ thứ Sáu đến Chủ nhật vì còn phải đi học. Đối với các cơ quan từ thiện, ngày Chủ nhật là quan trọng nhất vì ngày đó có đông các thiện nguyện viên và hội viên đến tham gia. Chỉ sau nửa tháng, tôi đã thành thạo công việc. Một bữa, chú vỗ vai tôi và nói rất thân mật:
“Lâu nay làng mình chưa có hay về làng cứu trợ một chuyến.”
Nghe chú nói, tôi cảm thấy quá thương quý chú và rất đồng cảm. Tôi cũng có ý định từ hơn cả tháng nay nhưng mãi ưu tiên các xã nặng nề trước đã.
Thế là hai chú cháu bàn bạc, nghiên cứu cả buổi. Ngày mai lại chú về làng thật sớm và ở lại hai ngày. Đi nắm tình hình từng nhà một, hỏi kĩ từng người và tổng hợp số nhân khẩu cũng như nhu cầu thực tế. Sau đó xã phải kí vào danh sách nhận quà. Chú mãi xác nhận mới xuất kho được. Hai ngày sau, hai chú cháu cùng 10 tình nguyện viên về cấp phát. Vật phẩm bao gồm cuốc, xẻng, tấm bạt nilon và thuốc xịt muỗi. Còn gạo thì đã có rất nhiều tổ chức khác giúp đỡ.
Về đến làng, chúng tôi quá sức đau đớn và xúc động. Làng quê không còn một bụi tre nguyên vẹn nói chi đến nhà cửa. Mỗi gia đình kê một chiếc giường tre dưới gốc cây mít hay cây khế làm nơi ăn ngủ. Muỗi mòng bay đầy nhưng không ai có một chiếc mùng. Cây cối trơ trọi đến nỗi đứng cách năm cây số đã thấy làng rất rõ ràng. Chỉ có núi Khước là còn xanh mướt làm chỗ dựa. Phát quà xong chúng tôi cảm thấy rất vui vì bà con mình đã nhận được các vật phẩm họ yêu cầu. Chúng tôi về, bà con ai cũng mừng, bao nhiêu chuyện kể hoài không hết. Đã gần một giờ trưa, ai cũng đói cồn cào mong có thứ gì nhét vào bụng. Tiêu chuẩn ăn mỗi người một hộp cá và bánh mì. Sắp sửa ăn với các thiện nguyện viên, chú Ri nói nhỏ với tôi: “Triệu ăn mãi thứ này không được đâu, chú có bới theo đồ ăn, chú cháu mình ăn chung cho vui…”
Thế là tôi với chú kéo nhau đến cầu Mụ Ích, nơi còn một cây lộc vừng rậm rạp và có bóng mát. Ở đó mới thấy bến cụ Soạn tấp nập bà con ra tắm giặt thuở nào chỉ còn trơ mấy tảng đá vỡ toang hoác, cây dại mọc um tùm. Lòng tôi dậy lên kỉ niệm ấu thơ với bạn bè thuở nào đi học, con trâu tội nghiệp, anh Lì… Lấy tấm nilon nhỏ trải ra, đặt ba gói lá chuối ở trên, tôi đã cảm thấy mùi thơm phức dễ chịu. Một gói cơm, một gói thịt gà kho ném và một con cá lóc đồng kho xơ mít. Ngon ơi là ngon! Chú quá chu đáo và thương thằng cháu. Vừa ăn vừa hẹn nhau nửa tháng nữa về cứu trợ bổ sung, lần này thì sẽ là xô nhựa, thau rửa mặt, sữa cho các cháu nhỏ và thịt hộp cho người lớn. Chủ đề nói chuyện giữa hai chú cháu vẫn là chuyện làng quê đang thời kì hồi cư. Ăn xong, tôi cùng chú cuốc bộ lên núi Khước thắp nhang cho ba và thím. Chú nói:
“Chiến tranh đã đến thật rồi. Hai người phù hộ cho làng mình bình an!”
Vẻ tỉnh táo của chú khiến tôi thấy an lòng.
Tôi chợt nhớ ba tôi, nhớ về tuổi thơ mộng ảo đã mãi trôi xa. Tôi nhớ là những ngày đi học dưới mưa đông là những ngày yên ả. Tôi bé thơ đeo chéo cặp lên vai, mẹ khoác áo mưa rồi bước ra đường. Mưa lay bay. Con đường nhuốm lạnh. Những ngày mưa tôi chỉ nhớ đến nhà thơ già ở cuối đường về đình làng thuở nọ, một người yêu mưa và bóng tối. Có lần ba dẫn tôi gặp người, bấy giờ tóc đã dài chấm lưng, mặc tấm áo chùng màu nâu chấm gót, chân mang giày cỏ. Ông bảo từng đứng ngắm mưa bên sông, sông một bờ, còn mưa chỉ nửa dòng nước. Mưa ấy thế nhân này không chứa vào bể được, chỉ để ngắm tiêu sầu. Từ nhỏ ông thèm ngủ trong lều cỏ, bên dòng sông vắng để chờ mưa đầu mùa phôi pha. Ông trầm trồ với mùi đất bốc mưa mới đầu mùa làm ấm các mạch máu, xe tròn lại từng kí ức đã nhàu nhĩ. Mùi đất bốc mưa ấy da diết như mùi của dòng sông thuở nọ. Rồi con đường ấy vào xuân, những bờ đá hoa cỏ hoang dại chen chúc nhau mọc. Rêu xanh mênh mông, xanh đá, xanh đường bước êm.
Nhà thơ già cứ nói luôn về mưa, mưa đông và mưa xuân. Mưa xuân hoa rụng ven sông, đó là mưa của tri kỉ. Còn đâu bước chân hoa của những người thôn nữ của làng bên hồn nhiên. Rồi một ngày nào đó, ông sẽ về lại bờ sông kia để nói về thứ siêu hình tình yêu đã mắc cạn trong trí nhớ. Ông chợt cất tiếng hát từ vạn cổ sầu. Mưa ngả nghiêng theo tiếng hát trong như suối reo của nhà thơ già. Đôi mắt người thơ trong trẻo, hồn nhiên như cây cỏ. Nhà ta ở dưới gốc cây dương... a ha, nhà ta ở dưới gốc cây dương... Thiên Thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian... Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần... a ha ha a a a a a… Ông ngửa mặt nhìn trời. Kìa đường lên tiên... kìa nguồn hương duyên... hương duyên chi mà hương duyên... Cánh đào rơi... đời...
Chuyện tôi kể ra chú Ri biết, vậy là hai chú cháu ghé mái nhà xưa. Mái nhà tranh ngày nào đắp tạc vào lũy tre giờ biến mất. Xa rồi chốn tiêu sơ lạ lẫm trong làn mù dày đặc của mưa của gió của hoa ngày xưa. Bom đạn đã cày nát tất cả. Tôi đứng trân mình trong làn sương nhìn cảnh cũ tiêu điều trong trí tưởng. Cái bàn uống nước làm bằng năm hòn đá tổ ong đã tan tành, lá cây rụng đóng một thảm lớn, dăm ba cỏ dại mọc lưa thưa, chồi xanh mởn. Một ấm trà nóng, một bông hoa dại... đã thành quá khứ xa xăm.
*
Chiều đến, hàng cứu trợ tiếp tục được gửi ra. Chúng tôi qua làng kế bên làng tôi là làng Rạ. Sau khi phát quà xong, có một bác rất lớn tuổi đến gặp tôi và chú. Ông nói là bạn ba tôi và khẩn thiết mời chúng tôi về nhà. Ông bảo nhà ông rất gần đây, chỉ cách một giường ruộng là tới. Ông quá khẩn khoản khiến chúng tôi không thể từ chối. Nói là nhà nhưng chẳng có nhà, chỉ một tấm bạt che trên chiếc giường tre dưới là tán lá ổi. Ông cho biết sáng nay vừa bắt được một rổ chuột đồng lớn sẵn có măng vòi, ông hầm với măng rất ngon thêm một dĩa lươn đồng um chuối và một con cá lóc nướng. Lần đầu tiên tôi ăn thịt chuột nên hơi ngại nhưng ngon quá nên ăn sạch. Và cũng nhờ xị rượu gạo Kim Long ở làng gần đó nên cuộc nhậu đậm đà hơn. Hơn nữa, trong mâm lại có cô cháu gái khoảng chừng 20 tuổi, cháu gọi ông ấy bằng chú ruột nên cũng rất vui. Ông ấy bảo, hôm nay ông có xem đoàn làm việc, ông khâm phục cách làm việc có phương pháp nên bà con đã nhận đầy đủ và tận tay. “Đi xa vậy mà còn nhớ làng mình thật đáng quý.” Ông mời chúng tôi để cảm ơn đoàn.
Mồi ngon, rượu ngon lại có cô thôn nữ cùng ngồi, tôi cảm thấy thời gian qua mau quá. Tự nhiên tôi nhớ Hằng, giờ này em chắc đang còn chưa tan trường. Có lẽ vì thế mà tôi không nói chuyện nhiều với cô gái. Rồi 5 giờ chiều, chúng tôi phải từ giã. Lên xe, chúng tôi chẳng biết gì nữa, ngủ một giấc đã đời và đến Huế lúc nào không hay. Làm công việc này nguy hiểm, gian khó nhưng rất vui vì được xâm nhập thực tế từ làng này qua làng khác. Buồn vui lẫn lộn nhưng thú vị và hạnh phúc nhất khi nhìn nét mặt tươi tắn và rạng rỡ của những người nhận quà. Sau chuyến đó, tôi nghỉ để tập trung ôn thi. Rồi chiến sự lại diễn ra. Tôi có ghé lại chỗ Hồng thập tự nửa năm sau đó nhưng họ đã di chuyển địa điểm và chú Ri cũng đã đi đâu biệt tích. Chú Ri ơi!
*
Tôi mở mắt ra, qua tấm màn trắng khép hờ, mưa lâm thâm mù trời. Người bệnh kế bên vẫn còn say ngủ. Tiếng máy theo dõi nhịp tim vẫn kêu tiếng tích tích khó chịu như hôm qua. Cơn đau chợt tràn đến quặn thắt vùng bụng, lan lên ngực như những mũi kim đâm. Trong cơn đau chừng có những mũi khoan ra sức khoét đục vào cơ thể, cả những tiếng ồn như bom đạn đinh tai nhức óc quấy lên trong đầu. Phải rồi, tiếng bom, tiếng pháo ấy quen thuộc lắm. Chúng làm tôi nhắm mắt. Vết thương này cũng như vết thương trong lòng bao năm khó nhạt phai.
Lập gia đình được ít lâu, tôi cùng mẹ và em trai về làng. Bấy giờ tôi mới biết, chú Ri đã mất hồi năm 1975. Tôi khóc trước mộ chú. Trời đột ngột đổ mưa, những hạt mưa rơi xuống, ban đầu chỉ là những giọt nhẹ nhàng, nhưng rồi dần dần trở nên nặng hạt hơn. Điều đặc biệt là những giọt mưa ấy, khi chạm xuống đất, dường như tan ra thành những hình thập tự nhỏ bé. Tôi không tin vào mắt mình, nhưng những hình thập tự ấy cứ hiện lên rõ ràng trên mặt đất ướt át. Những hình thập tự ấy, giống như một lời chào cuối cùng của chú, như thể chú đang bảo chúng tôi rằng đừng đau buồn, rằng chú đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, đã về nơi bình yên vĩnh cửu. Thập tự ấy như những hành trình mà tôi đã có thời gian theo chú giúp đồng bào mình, trong đó có ngôi làng bé nhỏ của chúng tôi.
Khi mưa ngừng rơi, những giọt nước còn đọng lại trên cỏ, trên bia mộ, vẫn giữ nguyên hình thập tự, lấp lánh dưới ánh sáng mờ nhạt của buổi chiều. Bầu trời dần dần sáng hơn, những tia nắng yếu ớt xuyên qua mây, chiếu xuống mảnh đất nơi chú Ri yên nghỉ.
Lòng tôi dịu lại, nỗi đau mất mát dường như vơi bớt phần nào. Tôi nhớ lại nụ cười hiền từ của chú, nhớ lại những câu chuyện chú từng kể cho tôi nghe về cuộc đời, về những gì chú đã trải qua. Cơn mưa thập tự này, với tôi, là một lời nhắn nhủ rằng chú Ri không bao giờ rời xa, rằng chú vẫn luôn ở bên, dù trong cuộc đời này hay ở một thế giới khác. Cơn mưa thập tự ấy sẽ mãi là một kỉ niệm đẹp, một minh chứng cho tình yêu và sự hiện diện vĩnh cửu của chú trong trái tim tôi.
“Huy ơi, cho ông ly nước!” Tôi thều thào nói.
Có chiếc áo blouse đi tới rồi tiếng gọi: “Người nhà bệnh nhân Triệu đâu.”
Huy chạy vào hớn hở: “Ông tỉnh rồi! Ông tỉnh rồi!”
Tôi mơ màng nói. Mùa xuân đến rồi. Ông và cháu sẽ về quê, cùng nằm giữa núi rừng cỏ hoang bạt ngàn gió. Cỏ chạy ngút mắt đến tận những ngọn núi xanh mờ xa. Cỏ len lén bên ông và cháu, chạm nhẹ vào người như những ngón tay ve vuốt mỗi khi gió thổi. Những bông hoa mùa xuân lặng lẽ nở giữa miền hoang vu. Mặt trời hắt lên những tia nắng hiếm hoi giữa cơn mưa phùn tháng Giêng. Gió mang hương thơm của mùa xuân phân phát khắp nơi. Trên đồi cao hoang vắng, ta hòa mình với thiên nhiên, giữa tự do thung thênh. Núi đồi thung sâu màu xanh biếc, hoa dại thầm thì nở hoang vu. Dưới khe nước chảy trong màu mắt. Tất cả chìm đi trong tiếng chim kêu gọi bầy xào xạc nửa chừng xuân. Những người thân đã khuất của gia đình và chú Ri dường như đang mỉm cười cùng chúng tôi trong mùa xuân ảo ảnh, mộng ngửa bày ra bờ cõi xanh màu tháng năm.