Đoàn chia làm hai. Các anh Vũ Tú Nam, Võ Huy Tâm, Hoài An đi thực tế Quảng Ninh, còn Phan Thanh Nam và tôi đi thực tế ở Hải Phòng.
Chúng tôi thâm nhập các cơ sở ở cảng. Anh Hòe là cảng trưởng. Lúc đó, Mỹ đang phong tỏa cảng Hải Phòng bằng một hệ thống thủy lôi dày đặc. Ngoài khơi, những tàu bè quốc tế, đem hàng viện trợ cho Việt Nam đánh Mỹ, cũng bị máy bay Mỹ thả bom bao quanh tàu, không cho thuyền Việt Nam cấp mạn lấy hàng... Tôi được anh Hòe bố trí một tàu nhỏ, đi dọc sông Ruột Lợn, ra tít tận ngoài khơi. Thuyền trưởng lúc ấy đã gần năm mươi, người Nam Bộ, anh khoe, những năm 1956, 1957 đưa đoàn văn nghệ sĩ miền Nam đi thực tế ở biển. Cũng trên con tàu nhỏ này, anh đã đưa Bùi Đức Ái (tức nhà văn Anh Đức) đi thực tế, và khi về, Bùi Đức Ái đã viết được truyện ngắn Con cá song. Nếu tôi nhớ không nhầm đã được giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ.
![]() |
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong trận 12 ngày đêm. Ảnh minh họa. Nguồn : TTXVN |
Ngày mười tám tháng mười hai, anh Hòe bố trí cho tôi và Phan Thanh Nam ra phao Zero, từ đó, vào tham quan kho nổi H10, một kho trung chuyển hàng, làm toàn bằng ghép tàu và các luồng nứa, một công trình đầy sáng tạo của quân và dân Hải Phòng. Gần trưa tới nơi, mãi xẩm tối cả anh Hòe, tôi và Phan Thanh Nam mới lên bờ. Ăn cơm qua quít ở nhà khách cảng xong, Phan Thanh Nam, lúc ấy chưa lấy vợ, đi xuống ngay nơi hai cô sinh viên y khoa đi thực tập, để gặp gỡ như đã hò hẹn, còn tôi, ở nhà, đón đoàn Quảng Ninh về, để chuẩn bị về Hà Nội.
Đêm 18 tháng 12, còi báo động ở Hải Phòng hú lên... Đoàn đã về đầy đủ... Trận bom ngày 16 tháng 12 ở khu Thượng Lý là bước tập dượt để ném bom B.52 vào Hà Nội. Tôi đã qua khu bom B.52 ấy. Có nhà đã chết mất hai phần ba gia đình... Người Việt Nam vốn hiếu thuận và chưa thoát khỏi phong tục cổ truyền. Những vòng khăn trắng đại tang của những người vợ, người mẹ, của những em bé đi trên đường phố làm lòng tôi đau thắt lại...
Ở một chòi bảo vệ ở khu Cảng, tôi đã chứng kiến một con chó mẹ nuôi hai con mèo... Người chủ của con chó nói: Tôi đi cứu sập ở Thượng Lý về gặp hai con mèo con đờ đẫn, bò và kêu trên đống gạch đổ nát. Tôi thương quá ôm về. Nhà tôi cũng trúng bom bữa nọ, đàn chó con chịu nạn thay cho tôi. Con chó mẹ chạy ra ngoài cảng nên còn sống. Mấy bữa nay nó cương sữa nhớ con, kêu ăng ẳng luôn mồm. Tôi chợt nghĩ, những con mèo này sẽ bú sữa của nó, và có khi nó cho bú thật... Và quả nhiên ý nghĩ của tôi là đúng... Ông rạng rỡ một chút và gương mặt lại xầm buồn.
Tìm mãi, tôi gặp Phan Thanh Nam trong dòng người đổ ra đường, sau hồi còi báo yên. Xe ô tô do anh Châu lái đã chờ sẵn ở ngã ba đường. Phan Thanh Nam và tôi nhảy lên xe và lao về Hà Nội... Đêm ấy, đêm 18 tháng 12, bom B.52 của Nixơn giội vào khu tập thể An Dương và những khu đông dân ở Uy Nỗ Đông Anh và Thanh Trì... xe pháo đi đầy đường 5. Đi đến giữa đường, cả đoàn rất mệt, liền ghé vào một ngôi trường cấp 2, kê ghế học trò lên mà ngủ... Và sáng 19 tháng 12, chúng tôi về Hà Nội sớm.
Cầu phao Gia Lâm phải đi vòng theo tuyến Thạch Bàn mà sang. Dọc đường, dân Hà Nội nườm nượp sơ tán. Phải hàng tiếng đồng hồ mới băng qua bờ bên kia được. Về đến tòa soạn, ai cũng reo mừng, vì cả cơ quan có độc một chiếc ô tô, đang chờ để mọi người đến khu sơ tán. Anh Châu về qua nhà một chút, hai giờ chiều lại chuẩn bị về Quốc Oai, đất sơ tán năm 1972 của Tuần báo Văn nghệ.
Tôi vẫn ở 4 Lý Nam Đế, tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội, vì vừa chuyển từ quân đội trở lại Hội Nhà văn. Tổng biên tập Nguyễn Văn Bổng gặp tôi nói:
- Cậu phải phụ trách tổ trực chiến ở Hà Nội. Cử phóng viên đi viết bài, thu thập bài của cộng tác viên về cho báo. Được bài, cử người gửi lên nơi sơ tán duyệt, sau đó đem về Hà Nội in...
Lúc ấy tôi là tổ phó tổ văn xuôi (tức là ban văn xuôi như hiện nay) tổ trưởng là nhà văn Võ Huy Tâm. Tổ có tám người chia làm hai kíp: Kíp một gồm Võ Huy Tâm, Ngô Ngọc Bội, Hoài An và Ngọc Tú, kíp hai gồm tôi, Nguyễn Thành Long, Hồng Phi, Trần Hoài Dương... Khi sơ tán, tôi phụ trách tổ trực chiến gồm tôi, Hồng Phi, Trần Hoài Dương (văn xuôi), Hữu Nhuận (lý luận phê bình), Phạm Hữu Trí (họa sĩ), cả thảy có năm người.
Đêm 19 tháng 12, B.52 lại đánh vào thành phố 8h30 tối, giờ giặc đến, cả mọi người đều xuống hầm. Hà Nội báo động, im phăng phắc.
Trụ sở báo Văn nghệ 17 Trần Quốc Toản, có một căn hầm, khả dĩ chống được mảnh bom, dành cho mọi người, lúc này, chỉ còn cho tổ trực chiến. Bom B.52 bắt đầu đánh ở ngoại vi thành phố. Trực đêm hôm đó có tôi và Phạm Hữu Trí, hai đứa uống rượu với lạc rang rồi cùng xuống hầm. “Dù sao, thì cũng không nên gan một cách vớ vẩn
- Trí nói - Nếu tao và mày chết thì lấy ai làm báo Văn nghệ”. Trí cười rất to và thoải mái. Nhưng hầm đã đầy ắp người. Mấy nhà láng giềng của Tuần báo Văn nghệ, “tăm” thấy báo có căn hầm kiên cố nhất, đã lắp đầy ắp. Khi chúng tôi xuống, họ cho chúng tôi là “khách”, không hề quan tâm, và không một ai nhúc nhích, nhường chỗ cho chúng tôi. Chúng tôi lại ngoi lên và ngồi trong hành lang. Chỉ có hai đứa. Đêm ấy, hầu như chúng tôi thức trắng. Mờ sáng, Xuân Trình đến đưa bài viết về An Dương. Tôi đọc, cảm động lắm, gửi luôn cho anh Nguyễn Văn Bổng. Thơ thì không thiếu. Nhiều bè bạn đến gõ cửa đưa bài. Phía 51 Trần Hưng Đạo, nhờ có chiếc hầm kiên cố, cụ Tuân không chịu đi sơ tán. Ông Bảo Định Giang bố trí cho cụ một căn phòng kế độc một chiếc bàn. Cụ mắc chiếc võng dù và đu đưa ở đấy, nghĩ thêm những bài viết cho “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, ở 51 Trần Hưng Đạo còn lại anh Chế Lan Viên. Có một vài chiến tướng như thế, thì tổ làm báo trực chiến của tôi cũng không đến nỗi lo lắng lắm. Tôi chia người đi viết. Hồng Phi viết ở nội thành. Trần Hoài Dương thì thích những đề tài cho trẻ em. Bệnh viện Bạch Mai cũng bị dính bom. Ngọc Tú đang theo đuổi để viết về đó. Còn tôi, tôi ra ngoại thành.
Những phóng viên của báo Nhân Dân như Phạm Thanh, Nguyễn Sinh, của báo Chính Nghĩa như Lữ Giang đều sớm đưa bài đến. Những bài phản ánh kịp thời thì đã có, nhưng chưa có những bài hay. Tôi giao cho Hữu Nhuận ở lại thu thập bài vở…
Còn tôi đi ra ngoại thành Đông Anh
*
Đông Anh, Yên Viên, Thanh Trì đều bị bom B.52 quần đi đánh lại.
Từ Hà Nội, đêm 20 tháng 12, tôi đạp xe theo đường Gia Lâm, Gia Quất, qua đò Đông Hội, rồi tìm lên Đông Anh. Sân bay Nội Bài cũng nhận đủ bom B.52 của giặc Mỹ.
Mỹ chủ trương đánh vào khu dân cư. Ở làng Phù Xá Đông, một vệt bom đã đánh sâu vào cạnh đường. Bom đánh vào Uy Nỗ, vào Cổ Loa, nhiều gia đình mang khăn trắng, có nhà cha mẹ, con cái đều bị bom, người chết, người bị thương, rất thương tâm.
Tôi đi vào ga Đông Anh. Bom Mỹ đánh vào ga rất dữ dội. Có cả một đống thanh ray xe lửa, bị dựng lên như bó đũa. Ấn tượng B.52 để trong tôi, người từng ở Trường Sơn, từng ra vùng chiến đấu ở Khe Sanh, đến nhiều nơi ác liệt của Khu Bốn cũng không thấy dữ dội, nặng nề làm vậy. Nhưng không khí chiến đấu, sản xuất vẫn không có gì xáo động. Hình như người Việt Nam, đến những tháng năm này, dù bom đạn có căng thẳng đến mấy, việc chống giặc Mỹ xâm lược và chi viện miền Nam, đối với miền Bắc, không phải là chuyện phải nhắc nhở nữa, mà là công việc thường trực của mỗi nhà. Ai cũng muốn cống hiến lớn nhất, đùm bọc lẫn nhau, quyến quyện vào nhau để chiến thắng giặc. Tôi dự những đám tang, ở lại để tận mắt nhìn thấy, ngay đêm hôm đó, dân làng những nơi bị bom, đem tre nứa đến dựng lại nhà cho những người bị nạn, chia sẻ từng cân gạo, cân mì trong những ngày gay gắt.
Báo Văn nghệ ra hàng tuần, nên bài vở trước những sự kiện lớn, cũng không bức bách bằng báo hàng ngày. Tôi ghi chép kỹ lưỡng để cố viết một bài kỹ hoặc phóng sự cho thật đắt. Viết ký rất khó. Phóng sự lại càng khó. Kỹ phải có tài hoa. Tư liệu ít, bình, nhận xét nhiều hoặc ít phải là những nét độc đáo. Còn phóng sự thì nét chủ quan của người viết ẩn sau những con số, những sự kiện. Tôi chọn lối thứ hai, cố làm một thiên phóng sự B.52.
Tôi ngồi viết bài vào buổi sáng ở một làng quê, bài phóng sự “Lửa tháng Chạp”. Thấy không có cái tên nào hay hơn, tôi đành để cái tên ấy, với tình cảm của người lính đã từng làm “lính” ở với lính, đi trọn cuộc chiến tranh vào Nam, ra Bắc... Tôi viết tất cả những điều tai nghe mắt thấy ở một vùng điểm phía Bắc, B.52 đánh vào. Viết một mạch vì tư liệu quá nhiều, lòng cũng đầy phấn hứng, căm giận và thấy rõ trách nhiệm của từng lời nói trên mặt báo... Tôi viết, và lên đường về nơi sơ tán để nộp bài ngay. Khi đi qua Sơn Đồng, gần Trôi, làng ấy cũng vừa bị trúng bom. Xác người nằm rải rác trên bờ cỏ. Những chiếc quan tài đỏ chói để đầu bờ la liệt. Tôi đếm được 28 cái... Ở làng Yên Mỹ, Kim Anh, chôn nhau suốt đêm đến sáng. Nghe tiếng khóc cũng đủ rợn người, huống hồ ở đây, nào người gào thét, nào hai mươi tám chiếc quan tài đỏ chói cứ đập vào mắt. Tôi ứa nước mắt khóc cùng gia đình những người bị nạn và đi xuyên đường làng, về nhanh nơi sơ tán. Bài được thông qua nhanh chóng và được đưa lên in...
Văn nghệ sĩ ở lại trong lòng Hà Nội bữa ấy cũng đông. Lớn tuổi thì có cụ Nguyễn Tuân, anh Chế Lan Viên, Tế Hanh. Những anh em trẻ thì có Lữ Huy Nguyên, Lữ Giang, Tô Hà… Anh Nguyễn Bắc, giám đốc Sở Văn hóa thông tin, là một trong những người trực chiến cùng với Bộ Tư lệnh thủ đô, đã ghi được từng phút, từng giờ trong những đêm Điện Biên Phủ trên không. Bài vở không thiếu, do đó có thể chọn được nhiều bài tốt, bài hay. Số báo đặc biệt về những ngày đêm
B.52 ở Hà Nội là một số báo khá, sôi động, nhận được nhiều lời khen. Cụ Tuân hào hứng hơn ai hết. Cụ đội mũ sắt, lên com-măng-ca ra trận địa cao xạ pháo, rồi về thức đến khuya viết bài. Lúc đó, cụ đã ra tập ký độc đáo “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” nằm trong mạch văn tùy bút nổi tiếng, liền một mạch với Vang bóng một thời: Chùa Đàn - Sông Đà - Sông Tuyến. Lối văn hào hoa uyên bác, trí tuệ, không lẫn vào đâu được, dù chỉ là một vài dòng rất ngắn. Tôi thường sang đặt bài và lấy bài ở nơi cụ tọa lạc, ở 51 Trần Hưng Đạo. Lúc thì cụ ngồi chơi ngoài ghế đá tư lự, lúc thì cụ ngồi trên võng. Dùng đùi làm bàn viết. Cụ ghi chép trên quyển vở bìa cứng, đẹp, mỏng. Hình như Nguyễn Tuân không thích ngồi vào bàn để viết. Ở nhà riêng, cụ ngồi trên chiếu viết trên một chiếc tráp cổ, như những nhà nho xưa vẫn hay dùng. Còn thời chiến này, cụ viết bài, ngồi trên võng ni-lông…
Số báo Văn nghệ, in đầu trang nhất ảnh Nguyễn Tuân đội mũ sắt. Cụ xem, khoái lắm. Tôi đưa nhuận bút và báo biếu cho cụ, cụ giở xem một lượt, rồi nói: “Được đấy, cậu ạ”... Cụ rót một chén rượu đưa cho tôi rồi rút trong bình hoa một bông hồng trắng và nói:
- Tặng cậu!
Tôi đón nhận lấy sự ưu ái ấy, coi như là một phần thưởng cho đời phóng viên của mình.