Các liều thuốc cấp cứu có làm dứt cơn, nhưng bệnh nhân không tỉnh lại. Cơn mê sảng kéo dài và biểu hiện mỗi lúc một xấu đi. Quả thật, đây là một bệnh nhân khó xử lý mà tôi mới gặp lần đầu.
“Ha… ha… ha…! Chúng mày đừng hòng. Tao không sợ… A! A! giết tao à? Được thôi. Kẻ sẽ chết là chúng… mày… Là thằng Nguyễn… Văn… Thiệu.”
“Mẹ, mẹ… ơi, mẹ của tôi, mẹ anh hùng…”
![]() |
Minh họa Ngô Xuân Khôi |
Những cơn mê sảng như vậy cứ tiếp diễn ở bệnh nhân. Kể từ lúc tiếp nhận ở trạm Thạch Hãn cho đến giờ, đã 20 tiếng đồng hồ rồi mà bệnh nhân vẫn triền miên trong những cơn hôn mê như vậy. Các liều thuốc cấp cứu có làm dứt cơn, nhưng bệnh nhân không tỉnh lại. Cơn mê sảng kéo dài và biểu hiện mỗi lúc một xấu đi. Quả thật, đây là một bệnh nhân khó xử lý mà tôi mới gặp lần đầu. Tôi gần như có mặt đủ 20 tiếng đồng hồ bên cạnh bệnh nhân. Tim tôi nhiều lúc thắt lại, hồi hộp khi thấy huyết áp tăng đột biến, nhưng nhịp tim và nhịp thở của bệnh nhân lại tụt xuống và yếu ớt. Tuy nhiên, sự cố gắng của chúng tôi cũng hồi sức được cho bệnh nhân sau mỗi cơn mê. Bữa cơm chiều tôi chưa có thì giờ để ăn. Chúng tôi phải giành giật anh trước cửa tử thần từng phút một. Tôi cũng tranh thủ những lúc bệnh nhân hồi phục để lập bệnh án. Những anh chị em cũng từ nhà tù Mỹ - Thiệu trở về đã giúp tôi những điều cần thiết của bệnh án. Bệnh nhân của tôi có nhiều tên, nhưng gọi anh tên nào anh cũng lắc đầu. Anh chỉ nhận mình là N.145. Đó là bí số, cũng là tên kẻ địch đã gọi anh suốt 9 năm qua. Trong cơn mê, anh vẫn tự xưng mình là N.145. Thực ra N.145 chỉ là một bí số của anh trong hoạt động tình báo. Kẻ địch đã bắt nóng anh và anh cũng chỉ nhận mình là N.145. Về sau, chúng hỏi mãi anh mới khai tên là Hồ Chiến Thắng, nhưng luôn luôn anh xưng mình là N.145.
- Tên tao ấy à? Chúng mày biết đó, N.145! Đây tên tao, bây kẻ to tướng trên bìa hồ sơ đây còn gì nữa. Mù hay sao mà không đọc được? Ha… ha… Chúng mày là một lũ mù! Ha… ha… ha… 145, N.145 đây, nghe chưa? Biết chưa?
Tôi đã lập xong bản bệnh án của N.145 mà tưởng như mình vừa đi qua một quãng đời xót xa và anh dũng của một con người. Tôi đến bên giường bệnh. Anh vẫn đang ngủ trong cơn mê mệt. Đôi mắt anh vẫn nhắm nghiền, và nhịp thở ra yếu ớt. Nhưng vầng trán cao của anh có thể nói được về những ngày bất khuất của anh. Tôi ngồi đọc lại bệnh án và hy vọng sẽ phát hiện được điều gì đó cho việc phân định bệnh và chỉ định điều trị.
“Hồ Chiến Thắng, 37 tuổi, bị Mỹ bắt giam từ tháng ba năm một ngàn chín trăm sáu mươi lăm, được trao trả lúc mười giờ sáng ngày mười tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi ba tại trạm Thạch Hãn (Quảng Trị). Tình trạng bệnh nhân lúc tiếp nhận: tỉnh táo, thể trạng suy nhược nặng, gầy, da xanh, môi thâm tím, trên trán bên trái bị thương còn băng. Khi hỏi về vết thương ấy, bệnh nhân nói: “Chúng nó đánh, sáu tháng rồi chưa lành. Nhưng khỏi lo, về đây là lành thôi…” Nói xong, bệnh nhân thét lên dữ dội và ngã vật ra hôn mê.
Huyết áp tại chỗ không đo được (do bệnh nhân giãy mạnh quá).
Tim: nhịp một trăm bốn mươi lần phút, đập gấp, mạnh nhưng không đều. Nhiệt độ: ba mươi chín độ năm. Phổi: tiếng thở thô, nhịp thở nông. Gan to ba xăng-ti-mét, sờ thấy dưới bờ sườn, ấn đau. Có nhiều tĩnh mạch nổi dọc cổ, cằm hơi bạnh ra. Mắt dại, đồng tử giãn. Các phản xạ: dường như không thấy. Bệnh nhân mất cảm giác dưới da. Cơn mê liên tục. Bệnh nhân giãy giụa, tay chân cứng…
… Theo anh em cùng trao trả kể lại, bệnh nhân ngày trước tham gia lực lượng vũ trang giải phóng làm công tác tình báo, bị bắt trong khi làm nhiệm vụ. Chúng tra tấn đủ các cực hình như: đóng đinh vào đầu ngón tay, ngón chân; tra điện vào chỗ hiểm; đổ nước xà phòng cho căng bụng rồi cho bọn tay chân dẫm cho trào nước ra đường mũi, miệng…; bắt ngồi trước những bóng đèn mấy nghìn oát; hay bị đánh vào vai, đầu…
Bệnh nhân bắt đầu có cơn mê sảng từ năm một nghìn chín trăm bảy mươi. Khi kẻ thù đem mẹ anh ta đến và bắt bà khuyên anh đầu thú… Anh ta và cả bà mẹ đều không chịu thua kẻ thù. Bọn chúng đã giết bà mẹ trước mặt anh.
Những cơn mê càng về sau càng dài và gần nhau hơn. Trong những cơn mê, anh thường cười rất đanh vào mặt kẻ thù và luôn ca ngợi mẹ mình. Bọn địch thường tức giận đánh anh cả trong lúc lên cơn…
N.145 của tôi vẫn triền miên trong những cơn mê như vậy. Tôi cứ hy vọng sau mỗi giấc ngủ, anh sẽ tỉnh lại như mọi bệnh nhân thần kinh khác. Nhưng ở N.145 thì khác, cơn này tiếp cơn kia, mê sảng rồi ngủ, ngủ dậy lại lên cơn. Tôi đã bắt đầu thấy thiếu tự tin ở những liều thuốc và ngay cả kiến thức nhỏ bé của mình. Tôi thấy lúng túng trong chẩn đoán. Dường như một cơn bệnh mà tổng hợp cả những kiểu hôn mê: của một cơn Adam Stốc của tim, của một cơn sốc hạ glucose trong máu, cũng có hiện tượng của một kiểu tăng urê máu và càng có nhiều triệu chứng của những cơn động kinh do chấn thương não… Đã có lúc tôi thấy bụng dạ mình cồn cào. Tôi lo không cứu được anh. Bởi vậy nên mỗi lần hội chẩn, tôi thường nêu ra nhiều giả định để tập thể anh chị em bác sĩ giúp tôi phân định dần và tôi yêu cầu tăng cường hội chẩn. Cũng có thể nói rằng: Đối với nghề nghiệp của chúng tôi, cái chết của một bệnh nhân không phải là ít gặp và những bệnh nhân thập tử nhất sinh không phải là không nhiều. Tôi cũng đã nhiều lần thức trắng, đem hết tâm trí ra cùng anh chị em cứu sống họ. Có những trường hợp sự cố gắng của chúng tôi không kết quả. Nhưng… mỗi chúng tôi đều thấy nhẹ lòng vì mình đã tát đến gàu nước cuối cùng…
Vậy nhưng ở N.145 này, ở người bệnh nhân tôi mới tiếp xúc có hai mươi tiếng đồng hồ này, như có một cái gì gắn bó quá mức. Tôi biết mình đã cố gắng đến tối đa… nhưng nếu anh ta qua đời thì tôi không thể yên tâm được. Tôi tự hỏi cái lý do đó và có thể trả lời ngay rằng: Anh ta sống qua một thời đại man rợ của bọn giết người. Chúng nó đã không giết được anh. Anh đã về đây, như bí danh của anh, đó là người chiến thắng. Vậy lẽ nào chúng tôi khoanh tay… Nỗi băn khoăn, lo lắng đến tột cùng của tôi và đồng nghiệp của tôi chính là chỗ đó.
*
Đêm đã gần hết. Một con chim lạ ở phía sân bay Ái Tử thức dậy kêu lên lanh lảnh, chắc đó là một con chim sống sót được qua những đợt mưa bom bão đạn. Tôi nhìn ra ngoài, trời đã bừng sáng. Khí trời lành lạnh của buổi sớm mai theo ngọn gió từ phía sông Hiếu nhè nhẹ thổi vào mặt. Tôi thấy người tỉnh táo sau một buổi chiều và một đêm thức trắng căng thẳng. Tôi đứng bên khung cửa sổ, hít không khí trong lành của ban mai với nhiều hy vọng. Bỗng từ phía giường bệnh, N.145 cựa mình và xin nước uống. Tiếng nói của anh rất nhỏ nhẹ. Thói quen của nghề nghiệp giúp tôi nhận thấy anh đã tỉnh lại. Như được một niềm vui lớn, tôi hớn hở đến bên anh. Đôi mắt anh đã trở lại bình thường với những nét hiền từ trong sáng.
- Anh khát nước phải hông?
- Dạ!
Tôi rót nước sâm đã pha sẵn cho anh uống. Anh ngoan ngoãn như một đứa trẻ, ực từng thìa một. Tôi nhìn anh uống ngon lành và ngắm khuôn mặt anh - Nghề y của chúng tôi vẫn thường ngắm như vậy, không phải để bình luận cái đẹp, cái xấu trên khuôn mặt của một con người mà là để tìm sự đổi thay và nhận ra bệnh tật.
Anh biểu hiện rõ những tháng năm cơ cực sống trong nhà tù đế quốc. Đôi gò má nhô lên, cằm hơi bạnh ra cùng với vầng trán cao tỏ rõ sự kiên nghị vốn có ở anh. Đôi mắt anh vẫn ẩn một sự mệt mỏi của con bệnh…
- Anh có đói không?
- Dạ, không.
- Anh mệt lắm phải không?
- Ừ, cũng mệt… Bác sĩ ơi, đây là bệnh viện nào vậy?
- Dạ, đây là bệnh viện vùng giải phóng của ta.
- Vậy na, chu cha, sướng quá hè! Tôi được về thiệt rồi na…
- Dạ, thiệt đó.
- Sướng quá hè…
Đôi môi anh nở một nụ cười rất cởi mở. Nụ cười như cái dấu chấm của một phương trình quá khó đã được giải. Tôi muốn hỏi anh thêm về con bệnh của anh, nhưng lại sợ trong những câu hỏi của mình có điều gì khơi lại những ký ức đầy đau thương và căm giận trong anh không? Biết đâu một sự vô tình đã kéo con bệnh trở lại… Tôi ngồi im, xin anh cho đo huyết áp. Cơ thể anh trở về trạng thái bình thường. Tim anh đập thong thả, tuy biểu hiện yếu mệt nhưng vẫn rất gọn gàng. Tôi nghe những nhịp đập của tim anh mà thấy lòng mình nhẹ nhõm. Cả ngày hôm đó, từ lúc rời bệnh viện để về nơi nghỉ, tôi không tài nào chợp mắt được. Đôi mắt của N.145 như một tia sáng chiếu ngược vào mắt tôi. Tôi thấy có một cái gì đó cứ lẩn quất trong đầu. Tôi cố gạt đi và tự cho rằng đó là do mình cảm phục về một quá khứ trung kiên, dũng cảm, gan góc của N.145.
Cuối buổi chiều của ngày thứ ba, như thường lệ, tôi trở lại bên giường bệnh của N.145. Thấy tôi, anh ngồi nhổm dậy và tươi tắn hẳn lên:
- Chào bác sĩ. Chà, mấy ngày qua bác sĩ vất vả với tôi quá hè?
- Dạ, có gì đâu anh. Hôm nay anh thấy trong người thế nào?
- Khoẻ rồi… Nè, bác sĩ ơi, tôi muốn được đi ra ngoài trời một chút có được không?
- Được lắm, điều đó cũng rất cần đối với anh.
Tôi hiểu lòng anh, nỗi lòng của một chiến sĩ chín năm ngồi trong tù đế quốc… Tôi đưa anh ra phía hành lang và giới thiệu với anh quang cảnh xung quanh. Nơi cột cờ kia là tháp canh cũ ở đầu đường 9 giữa thị xã Đông Hà, bây giờ là “thủ phủ” của Chính quyền Cách mạng tỉnh Quảng Trị. Phía Nam, cả khu vực ngổn ngang đuyra, sắt thép nằm chỏng chơ kia, là sân bay Ái Tử ngày trước.
- Chu cha, đáng đời chúng nó. Ở đây trước anh em mình đánh giỏi lắm bác sĩ hè?
- Dạ…
Anh nhìn say sưa những lá cờ Cách mạng bay phần phật trước gió và ngắm no con mắt khoảng trời tự do. Trời xanh kia, những áng mây xốp bồng bềnh, và những cánh chim chiền chiện bay lượn lanh lảnh tiếng hót véo von kia, với anh đều mới lạ và thân thiết. Những ngày trong xà lim như những người chiến sĩ Cộng sản khác, anh chỉ thèm một tia nắng dọi, thèm một luồng gió mát. Bây giờ tất cả đã có quanh anh. Có lẽ những cái đó gợi cho anh về quê hương. Anh quay lại hỏi tôi:
- Nè, tôi hỏi không phải, bác sĩ quê ở tỉnh nào? Gia đình có còn ai không?
Câu hỏi của anh làm sống lại trong tôi những kỷ niệm về quê hương, gia đình. Mười chín năm rồi, tôi không được một tin gì khác ngoài cái tin ác độc: Anh tôi đã hy sinh ở Côn Đảo và mẹ tôi bị giặc bắt. Hai cha con tôi đi tập kết. Ngày đó tôi mới bảy tuổi. Anh Hai tôi còn đưa tôi xuống tận bến cảng để tiễn biệt. Dù đã gần hai mươi năm trôi qua, tôi không thể quên được hình ảnh buổi chiều đó ở bến cảng Quy Nhơn. Anh Hai tôi đã đứng ngoài chắn barie khu cảng, giơ cao tay vẫy ba tôi và tôi. Tôi quay lại nhìn anh rồi bước xuống tàu theo cha mà thấy lòng bùi ngùi quá. Mới đó, bảy nghìn ngày rồi! Tôi đã lớn lên trên miền Bắc, đã tốt nghiệp trường đại học y khoa. Đáp lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, cả hai cha con tôi đều tình nguyện trở về miền Nam chiến đấu. Cha tôi về khu Năm và được chiến đấu trên mảnh đất quê nhà. Bản thân tôi được vào quân y, tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị và bây giờ làm nhiệm vụ đón tiếp anh chị em tù chính trị do kẻ địch trao trả. Đã nhiều lần, tôi hy vọng trong những đoàn người từ bên kia sông Thạch Hãn trở về, trong những bệnh nhân tôi khám đây, sẽ có người mẹ thân yêu của tôi.
Bỗng dưng, tôi thấy mình nhỏ bé lại và trước N.145, tôi không phải là một bác sĩ mà chỉ là một đứa em gái quê hương của anh. Tôi kể vắn tắt anh nghe về hoàn cảnh của tôi. Anh ngồi im lặng như thông cảm với tâm tư của tôi. Bỗng anh quay lại hỏi tôi dồn dập:
- Bác sĩ năm nay bao nhiêu tuổi?
- Dạ 26 tuổi.
- Vậy na, vậy thì qua(1) hỏi thiệt, em quê ở xã gì?
- Dạ em ở An Chấn.
- Chu cha - Anh thốt lên mừng rỡ - Vậy chớ hồi ở nhà em có tên gì nữa không?
- Dạ! Cha mẹ em gọi là…
- Có phải là Bốn không?
- Ôi! Mười mấy năm sống ở Miền Bắc, có mấy ai biết cái tên cúng cơm đó của tôi. Như có một luồng điện chạy qua người, toàn thân run lên, tim đập gấp, tôi quay mắt lại nhìn thẳng vào mặt anh:
- Dạ phải…
- Trời ơi!… Bốn… Anh đây mà… Anh Hai của em đây mà.
- Anh Hai! - Tôi reo lên trong xúc động và không sao cầm được nước mắt.
- Bốn, trời ơi! - Anh ôm chầm lấy vai tôi lắc lia lịa - Con nhỏ, mày lớn thế này… Anh đang ngập trong niềm vui thì bỗng hai mắt anh nhắm lại, mặt biến sắc và anh đưa tay ôm đầu… Nỗi xúc động vui sướng trong tôi bị cắt ngang, anh ngất trong tay tôi.
- Anh Hai, anh Hai! - Tôi gọi anh, tiếng gọi của một đứa em gái chứ không phải của một bác sĩ nữa.
Mọi người đến giúp tôi đưa anh vào giường. Anh cười sảng khoái. Anh cười to và vui mà lòng tôi thì như dao cứa. Anh cười bao nhiêu tôi khóc bấy nhiêu.
Những đồng đội của tôi và những bệnh nhân nằm cùng phòng rất ngạc nhiên. Họ chưa chia trọn với anh em tôi niềm vui sum họp thì phải chia với tôi nỗi đau… Anh nằm im lặng một chút rồi lại cười, cười sang sảng khoan khoái như lúc đầu.
- Thiệu ơi, mày thua rồi, thua cuộc rồi! Mày không giết được tao, tao đã trở về với Tổ quốc tao, gia đình tao… Ha… ha… ha…
Tôi đứng bên anh, săn sóc anh và làm những động tác của một bác sĩ nhưng sao thấy mình không phải là bác sĩ. Tôi thấy bối rối quá. Bỗng lúc đó, Bác sĩ trạm trưởng cùng mấy anh chị em đồng nghiệp khác của tôi đến với tôi. Bác sĩ trạm trưởng đến bên anh tôi và hỏi:
- Đây là anh ruột của đồng chí à?
- Dạ phải ạ.
- Xin chúc mừng đồng chí, bây giờ thì “vừa là đồng chí vừa là anh em”. Một bên nghĩa nước, một bên tình nhà. Thường thường, chúng ta phải vì nghĩa nước mà hy sinh tình nhà, nhưng đồng chí thì đạt cả hai. Phải không?
- Dạ! - Tôi khẽ đáp.
- Diễn biến bệnh nhân có gì mới không?
- Báo cáo thủ trưởng, tình trạng huyết áp và nhịp tim ở biên độ cho phép, đồng tử giãn ít…
Bác sĩ trạm trưởng nghe tim, xem lại hồ sơ và nói:
- Đồng chí phải rất bình tĩnh. N.145 đang mê, nhưng đây là cơn mê do xúc động bởi niềm vui… Cơn hôn mê đó sẽ không kéo dài, có phải vậy không các đồng chí? Bây giờ cho bệnh nhân ngủ và có thể xác định hướng điều trị lâu dài được rồi. N.145 là một chiến sĩ kiên cường, cuộc đoàn tụ hôm nay sẽ thêm sức để anh ấy có thể nhanh chóng hồi phục.
Tôi thấy lòng nhẹ nhàng dễ chịu. Tôi nắm chặt tay anh và hy vọng sau giấc ngủ, anh sẽ tỉnh dậy và nụ cười hiền dịu của người chiến sĩ giải phóng, của anh Hai tôi sẽ nở trên môi.
1. Qua: tiếng miền Trung có nghĩa là anh (xưng thân mật).