Văn hóa nghệ thuật

Năm 2024 một mùa giải văn chương nhiều màu sắc

Đỗ Anh Vũ
Sách
10:00 | 24/01/2025
Baovannghe.vn - Nhìn về giải thưởng năm 2024 của Hội Nhà văn Việt Nam, có thể thấy bức tranh giải thưởng năm qua khá sống động, phong phú với hầu hết các hạng mục đều chọn ra được những tác phẩm tiêu biểu.
aa

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam luôn là giải thưởng văn học được trông đợi hàng năm. Không ít công chúng yêu văn chương coi đây là một thước đo quan trọng, từ đó để tìm đọc những tác phẩm nổi bật, đã qua sự sàng lọc, đánh giá, bình chọn của các hội đồng có uy tín cao về chuyên môn. Nhìn vào giải thưởng Hội Nhà văn năm nay, những tác phẩm được giải rõ ràng không phụ lòng của những người mong đợi.

Năm 2024 một mùa giải văn chương nhiều màu sắc
Tập truyện ngắn - Trên đỉnh giời

Ở hạng mục văn xuôi, giải đặc biệt được trao cho tập truyện ngắn Trên đỉnh giời của nhà văn Y Ban và một giải thưởng khác dành cho cuốn tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái của nhà văn Phạm Thị Bích Thủy. Công chúng đã biết đến Y Ban nhiều năm qua như một cây viết sở trường với thể loại truyện ngắn và đã có nhiều tác phẩm dành giải thưởng, gây tiếng vang trong đời sống văn học. Có thể kể đến các truyện ngắn được nhiều người biết đến của chị như Bức thư gửi mẹ Âu Cơ giành giải thưởng Tạp chí Văn nghệ quân đội (1989-1990), I am Đàn bà dành giải Nhì cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ năm 2006. Với tập truyện lần này, Y Ban vẫn giữ được phong độ và nhất quán với một phong cách táo bạo, dữ dội, gai góc, mãnh liệt, dám khai thác những góc khuất, những vùng tối, những điều mà nếu chỉ thiếu đi một chút dũng khí, một chút bản lĩnh sẽ không dám đụng bút chứ chưa nói đến việc viết thành công. Truyện ngắn được chọn làm tên chung cho cả tập, Trên đỉnh giời, là một trong những tác phẩm tiêu biểu và điển hình nhất lần này. Truyện viết về một gia đình nghèo ở miền núi, có ông bà, bố mẹ và ba đứa trẻ, hai gái một trai. Sau khi người mẹ qua đời trong một trận mưa rừng mà không kịp trú ẩn, người cha nghiện rượu muốn dùng đứa con gái lớn để giải quyết nhu cầu tình dục của mình, bất chấp sự phản kháng của con gái và sự phản đối của bà nội - mẹ đẻ ra ông ta. Ngòi bút của nhà văn dắt người đọc đi qua ranh giới mong manh của cái thiện và cái ác, của ánh sáng và bóng tối. Cô con gái lớn đã kịp chạy thoát để đến với một tình yêu thực sự của mình, sinh con với anh ta, sau đó quay trở lại để bảo vệ em gái của mình, tránh không rơi vào sự cưỡng bức của người cha nghiện rượu. Ở một khu vực dân cư thuộc vùng sâu vùng xa, nơi mà cái nghèo dễ kéo theo những tăm tối về nhận thức, về đạo đức; ngòi bút nhà văn bằng mọi cách cất tiếng nói để bảo vệ và bênh vực cho con người, đặc biệt là những người phụ nữ yếu thế. Văn học như thế chính là thứ vũ khí sắc bén góp phần chống lại cái xấu cái ác, dập tắt và ngăn chặn, không cho phép nó lây lan. Biệt đội thiên lý là một truyện ngắn xuất sắc khác, kể về nhiệm vụ đặc biệt của những nữ chiến sĩ, đó là phải trở thành bạn gái, thành người tình của kẻ địch rồi tiêu diệt chúng. Rất nhiều cảm xúc ngang trái, nhiều hy sinh thầm lặng, nhiều biến cố và bước ngoặt bất ngờ mà chính những người trong cuộc không ngờ tới. Dư âm của bao câu chuyện còn kéo dài sang tận thời bình với bao day dứt, xa xót, khắc khoải. Còn với Gia đình có bốn chị em gái của Phạm Thị Bích Thủy, đây là lần đầu tiên văn chương Việt có một tiểu thuyết dày dặn hơn 600 trang về đề tài gia đình mà nhà phê bình văn học Phạm Xuân Thạch đã so sánh nó với Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky. Tác phẩm của Phạm Thị Bích Thủy có thể xem là một hồi chuông cảnh báo về sự tha hóa đạo đức của con người trong xã hội đương đại thông qua câu chuyện của một gia đình cụ thể: ông bà Bình Bằng và bốn cô con gái Thương - Ái - An - Yên. Thương có một xuất phát điểm vốn rất tốt, là người chị biết thương yêu và hy sinh cho các em, bản thân cô cũng tốt nghiệp đại học. Thế rồi càng ngày trong lòng cô chỉ còn lại sự hằn học và căm ghét những kẻ giàu có hơn mình, suy bì và tị hiềm khi thấy các em có cuộc sống vật chất tốt hơn. Cái ác từ Thương đã lây lan trở thành cái ác trong Hùng Đức, con trai lớn của cô. Cao trào đỉnh điểm của truyện là cái chết thảm khốc của Thường, chồng Ái, cũng là đánh dấu sự tan vỡ của một đại gia đình có bốn chị em gái.

Năm 2024 một mùa giải văn chương nhiều màu sắc
Tiểu thuyết - Gia đình có bốn chị em gái

Ở hạng mục thơ, có ba tập cùng được trao giải. Đó là Phục sinh của Đào Quốc Minh, Viễn ca của Nguyễn Tiến Thanh và Đồng của Trần Lê Khánh. Có thể nói, mỗi tập thơ mang đến một vẻ đẹp riêng của hình tượng, ngôn ngữ và nhạc tính, từ đó chinh phục bạn đọc. Đào Quốc Minh đã xuất bản trước đó 6 tập thơ, trong đó tập Những người vũ công Memphis được trao giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015. Với tập thơ lần này gồm 180 bài thơ, theo tôi, Đào Quốc Minh đã tìm về với hồn cốt phương Đông để rồi từ đó bật ra những thi ảnh kỳ lạ, đẩy tư tưởng các bài thơ về những chiều kích của các phổ niệm ám ảnh giữa sự sống và cái chết, giữa lịch sử và tương lai: Ôi phố phường lầm lũi dấu chân/ Ngươi là ai mà quỳ bên tượng gỗ/ nguyện cầu chi cho bức tường đã đổ/ để một đêm trăng lam tuyền/ ngươi lãng quên những âm thầm xưa/ rồi trở thành con đười ươi nhỏ/ lặng khóc bên trời trong rừng hoang (Câu hỏi về loài người).

Nguyễn Tiến Thanh với Viễn ca là sự tiếp nối của một hồn thơ lãng tử du ca, từng gây được sự chú ý với bạn đọc qua hai tập thơ xuất bản cách đây 3 năm: Chiều không tên như vết mực giữa đờiLoạn bút hành. Thơ Nguyễn Tiến Thanh phóng khoáng như muốn kéo dài hồi quang của một thời tuổi trẻ, luôn chú trọng vần và nhịp điệu, những từ ngữ Hán Việt được sử dụng một cách đắc địa tạo không khí cổ điển đầy hư ảo: Triền đê cũ cỏ mọc ngày xa hút/ Bóng cô giang lặng lẽ bên trời/ Người bước chậm, chậm thôi từng cơn gió/ Thổi qua môi nghe tan rã nụ cười (Chợt gặp), Gió giã từ nông nổi/ Mây trôi qua hoang đường/ Em còn hai mươi tuổi/ Ta đã đời phong sương (Giao mùa). Với Trần Lê Khánh, anh đã từng được công chúng biết đến qua hai tập thơ được giải: Xứ - Rung một ngọn mây (Giải thưởng Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2021) và Ngàn bài thơ khác (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022). Trong những tập trước đây, Trần Lê Khánh nỗ lực tìm tòi theo hai hướng chủ đạo: viết tối giản và viết bằng lục bát. Tập thơ lần này tiếp tục đánh dấu những cách tân về lục bát của anh: Phố khuya đổ cơn mưa người/ ta về trú dưới nụ cười thanh xuân/ áo cay cơn gió thổi gần/ ru người trăng lấy hết phần của đêm/ gặp nhau trong phút yếu mềm/ em xe cuộn chỉ quấn thêm vào lòng/ sông còn giữ nổi sóng không/ bàn tay ta vỗ lên dòng nước xanh (Xứ 8).

Năm 2024 một mùa giải văn chương nhiều màu sắc

Tập truyện ngắn - Lạc đà bay

Viết cho thiếu nhi luôn là một mời gọi và thách thức. Chúng ta đã từng có một lớp nhà văn người lớn viết cho thiếu nhi và bây giờ là một thế hệ cầm bút mới. Mai Chi và Huỳnh Long (cùng sinh năm 1984) từng được biết đến với tác phẩm truyện tranh Khu rừng vui tưng bừng (NXB Phụ nữ, 2023) lần này đã dành giải thưởng với cuốn truyện dài Chiếc xe buýt bay. Tác phẩm được viết theo phong cách giả tưởng, Khánh cận cùng hai người bạn trèo lên một chiếc xe buýt bỏ hoang, chiếc xe đã đưa các bạn nhỏ đi xuyên không gian và thời gian, tham quan một thành phố trong tương lai. Câu chuyện là một bài ca tình bạn của tuổi thơ trong sáng, giúp các em được bay bổng rồi sau đó lại trở về nhà để thấm thía giá trị của tình cảm gia đình. Tác phẩm còn mang thông điệp nhắc nhở mọi người hãy bảo vệ môi trường sống quanh ta bởi trái đất mỗi ngày một già đi và cạn dần nguyên liệu.

Nhìn về giải thưởng năm 2024 của Hội Nhà văn Việt Nam, có thể thấy bức tranh giải thưởng năm qua khá sống động, phong phú với hầu hết các hạng mục đều chọn ra được những tác phẩm tiêu biểu. Đó cũng là nỗ lực sáng tạo của những thế hệ cầm bút tiếp nối nhau, góp phần khẳng định vị trí và tầm quan trọng của văn chương trong đời sống xã hội hôm nay.

Lý Thường Kiệt ở Trường Sa - Thơ Chung Tiến Lực

Lý Thường Kiệt ở Trường Sa - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Chộn rộn ngực khi gặp/ Thơ Thần ở Trường sa
Trồng cơn khói - Thơ Hồ Thị Ngọc Hoài

Trồng cơn khói - Thơ Hồ Thị Ngọc Hoài

Baovannghe.vn - Lá trúc lá tre gom đốt/ khói vương thơm chiều quê.
Phong tục mừng tuổi lì xì ở Trung Quốc

Phong tục mừng tuổi lì xì ở Trung Quốc

Tục thưởng tiền cho trẻ con tương truyền xuất phát từ thời Đường Huyền tông. Bấy giờ An Lộc Sơn biết Huyền tông sủng ái Dương Quý phi, liền tôn bà làm mẹ nuôi (dù An Lộc Sơn hơn Dương thị tới hơn mười tuổi).
Người giữ lửa. Tản văn của Trần Quỳnh Nga

Người giữ lửa. Tản văn của Trần Quỳnh Nga

Baovannghe.vn - Ông tôi, người giữ lửa - ngọn lửa tuổi thơ của tôi những năm tháng tươi vui giờ đã xa rồi. Mộ người nằm giữa cánh đồng, chỗ những đám cỏ may khô vàng, chỗ những con cào cào trú đông ngủ vùi trong lùm dứa dại…
Lạ - Thơ Bùi Thúy

Lạ - Thơ Bùi Thúy

Baovanngge.vn- Em đôi tà áo lụa/ lặng lẽ giữa phố đông