Hội thảo có sự tham dự của đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS, TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo đã nhận được 68 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, với nhiều chủ đề và góc nhìn phong phú, đa dạng về hoạt động xuất bản như: - Những tiêu chí đánh giá cụ thể và các yếu tố tác động đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản Việt Nam hiện nay - Hoạt động đào tạo nhân lực ngành Xuất bản của các nước trên thế giới và một số gợi mở đối với Việt Nam… |
Việc tổ chức hội thảo chính là bước đánh giá hoạt động xuất bản, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản ở Việt Nam sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Đại biểu dự hội thảo |
Theo đó, thời gian qua, các cơ sở đào tạo chủ lực trong lĩnh vực Xuất bản đã tích cực rà soát, đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong cả 3 lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, theo hướng hiện đại, khoa học, lấy người học làm trung tâm, chú trọng tính thực hành, thực tế và tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp đội ngũ cán bộ ngành Xuất bản. Nhờ đó, đã đào tạo và cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực xuất bản ngày càng có năng lực, trình độ, phẩm chất, cơ bản đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, phát triển nguồn nhân lực xuất bản trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, như: Việc thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng còn chậm, đặc biệt là trong xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp với tính đặc thù của hoạt động xuất bản; một số cơ quan chủ quản nhà xuất bản chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển, đặc biệt là chiến lược phát triển nguồn nhân lực; ít cơ sở đào tạo nguồn nhân lực xuất bản; nguồn nhân lực để thực hiện chuyển đổi cơ cấu sách in sang sách điện tử còn thiếu và yếu; một số cơ sở xuất bản sử dụng nguồn nhân lực xuất bản chưa thực sự chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, dẫn đến không theo kịp sự phát triển của thực tiễn.
Để nâng cao năng lực hoạt động xuất bản và đội ngũ người làm xuất bản,trng thời gian tới cần thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên ngành Xuất bản trong các cơ sở đào tạo; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng phương tiện hiện đại trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Xuất bản; tăng cường sử dụng phương tiện hiện đại trong hoạt động giảng dạy để cải tiến phương pháp, hình thức và công cụ giảng dạy và học tập; tăng cường và hoàn thiện hệ thống học liệu phục vụ công tác đào tạo; khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận, tổng kết thực tiễn trong ngành Xuất bản.
Tăng cường gắn kết giữa cơ sở đào tạo với cơ quan, doanh nghiệp, nhà xuất bản, cơ sở in, phát hành trong quá trình đào tạo; gắn việc đào tạo, dự báo nhu cầu đào tạo với yêu cầu thực tiễn của ngành Xuất bản, in và phát hành; Cùng với đào tạo tại các cơ sở đào tạo đại học, các cơ quan xuất bản cũng cần phải thường xuyên tiến hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp thường kỳ đối với cán bộ, biên tập viên, trong đó đặc biệt chú trọng các nội dung gắn với chuyển đổi số xuất bản, trí tuệ nhân tạo, kiến thức về truyền thông, tiếp thị, kinh doanh, thương mại hóa trong hoạt động xuất bản…
Kết thúc hội thảo, Ban Tổ chức cho biết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các đơn vị liên quan sẽ phối hợp chất lọc ý kiến tham luận, góp ý để xây dựng báo cáo kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật để tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ biên tập, xuất bản ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay./.
Minh Nguyệt | Báo Văn Nghệ
--------
Bài viết cùng chuyên mục