Có nhiều cách thức để đưa tác phẩm văn học đến với bạn đọc, mỗi cách thức đều có lợi thế và bất lợi riêng mà tác giả luôn phải cân nhắc và đưa ra lựa chọn thích hợp cho tác phẩm của mình. Tiếp cận các nhà xuất bản và các nhà phát hành sách để bán bản quyền tác phẩm là một trong những cách thông thường nhất và đòi hỏi nhiều nhất bởi quá trình duyệt bản thảo thường kéo dài, công kỹ, bản thảo phải cạnh tranh với nhiều bản thảo khác, nhiều tác giả khác và phải có sức thuyết phục đối với nhà đầu tư.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Đây là con đường mà rất nhiều tác giả muốn đi bởi nó mang lại nhiều thuận lợi cho người sáng tác hơn cả. Khi bán bản quyền cho các đơn vị kinh doanh, tác giả sẽ được nhận nhuận bút cho tác phẩm của mình, đồng thời mọi công việc về biên tập, trình bày, in ấn, phát hành… đều có đội ngũ của nhà xuất bản hoặc nhà phát hành thực hiện, tác giả chỉ tham gia một phần nhỏ trong quá trình hoàn thiện cuốn sách và như vậy đồng nghĩa với việc tác giả sẽ có nhiều thời gian hơn cho các ý tưởng mới và sáng tác mới, điều mà hầu hết người viết sẽ ưu tiên. Để thành công trong việc tiếp cận với các nhà xuất bản và các công ty phát hành sách, tác giả cần phải có sự tìm hiểu và chuẩn bị kỹ lưỡng cho bản thảo của mình. |
1. Xác định nơi để gửi bản thảo
Các nhà xuất bản là địa chỉ đầu tiên tác giả có thể nghĩ đến. Tuy nhiên, tác giả cần tìm hiểu kỹ về từng nhà xuất bản.
Nhà xuất bản là đơn vị trực thuộc nhà nước và chịu sự quản lý của nhà nước. Trách nhiệm chính của họ là xin giấy phép phát hành từ Cục Xuất bản cho một ấn bản sách. Sau khi có giấy phép, họ có thể tự phát hành sách hoặc liên kết với công ty phát hành sách tư nhân hoặc cá nhân tác giả để đưa quyển sách tới độc giả. Như vậy, có một số nhà xuất bản đồng thời cũng là nhà phát hành, họ sản xuất cuốn sách từ đầu đến cuối, bao gồm các khâu như mua bản quyền, dịch thuật, biên tập, dàn trang, thiết kế, in ấn và kinh doanh tác phẩm nhưng có một số nhà xuất bản không kinh doanh, nghĩa là họ sẽ không mua bản quyền tác phẩm. Trước khi quyết định gửi bản thảo cho nhà xuất bản nào đó, tác giả nên tìm hiểu xem nhà xuất bản ấy đang thực hiện chức năng nào, nếu họ đang kinh doanh thì liệu họ có kinh doanh tác phẩm văn học hay không và tác phẩm của mình có nằm trong dòng sách mà họ đang đầu tư hay không…
Ngoài các nhà xuất bản thì còn có các công ty phát hành sách là nơi mà tác giả có thể tìm đến để hợp tác đưa tác phẩm đến với bạn đọc. Hiện nay, trên thị trường, số lượng sách do các công ty phát hành mua bản quyền, dịch thuật, in ấn, phát hành… là rất lớn nên họ chắc chắn là những địa chỉ mà tác giả không nên bỏ qua.
Công ty phát hành sách là công ty tư nhân đăng ký hoạt động phát hành, xuất bản phẩm; khác với nhà xuất bản, họ không thể tự phát hành cuốn sách ra thị trường mà phải liên kết với một nhà xuất bản của nhà nước để được cấp giấy phép phát hành. Mỗi công ty thường có tiêu chí hoạt động riêng, nếu quan sát, tác giả có thể nhận thấy rõ ràng nhóm đối tượng bạn đọc mà họ chọn để phục vụ, gắn kết và xây dựng cộng đồng. Thông thường, các công ty phát hành sách rất mạnh trong việc xây dựng đội ngũ truyền thông , họ chú trọng đến việc bán lẻ và thường có nhiều chiến lược để lan tỏa tác phẩm, vì vậy đây là một trong những kênh rất tốt có thể giúp tác phẩm đến được với đối tượng bạn đọc phù hợp với nó. Để chọn được nhà đầu tư tốt nhất cho tác phẩm của mình, tác giả cần tìm hiểu về thị trường sách, tìm hiểu về các dòng sách đang thịnh hành cũng như các công ty, các nhà sách đang hoạt động tích cực và chủ động liên hệ gửi bản thảo. Nếu tác phẩm phù hợp với tiêu chí của họ, khả năng tác giả nhận được lời mời hợp tác là rất cao.
2. Chuẩn bị bản thảo trước khi gửi đến các nhà xuất bản hoặc các công ty phát hành
Phải luôn gửi đi bản thảo tốt nhất của mình.
Đây là lời khuyên mà chắc chắn tác giả nào cũng đã từng được nghe từ những người đi trước. Làm hết sức cho tác phẩm của mình là điều mà tác giả luôn được người khác kỳ vọng. Nó không chỉ là việc phát triển hết tiềm năng cho ý tưởng của mình khi sáng tác mà còn là quá trình đọc đi đọc lại, tự biên tập, tự chỉnh sửa từng câu từng từ để bản thảo ít lỗi nhất có thể. Bên cạnh đầu tư thật kỹ cho tác phẩm thì tác giả luôn phải chuẩn bị cho mình một tiểu sử văn học đầy đủ để gửi kèm bản thảo bởi các đơn vị tiếp nhận bản thảo luôn cần biết tác giả là ai, nền tảng ra sao, đã có quá trình hoạt động văn chương thế nào… Những thông tin này không chỉ giúp các biên tập viên biết rõ về tác giả mà còn phần nào giúp họ hình dung ra bối cảnh sáng tác từ đó có thể tiếp nhận tác phẩm một cách sâu sắc hơn, trọn vẹn hơn. Bởi vì công việc trong ngành xuất bản rất áp lực và các biên tập viên luôn bận rộn, họ sẽ không có nhiều thời gian dành cho một bản thảo trừ khi bản thảo ấy xuất sắc đến mức họ không thể bỏ qua, nên để việc tiếp cận đạt hiệu quả công việc thì ngay từ đầu tác giả nên sẵn sàng mọi thông tin cần thiết.
Ngoài tác phẩm và tiểu sử văn học ra thì tác giả còn cần chuẩn bị cho mình một bản “thuyết minh” ngắn gọn súc tích về tác phẩm. Sáng tác là một quá trình dài và nhọc nhằn, việc đọc và thẩm định bản thảo cũng mất không ít thời gian và tâm sức, vì vậy, thật cần thiết để tác giả nhìn lại tác phẩm của mình, nó có phải là cuốn sách mà bản thân tác giả mong muốn, liệu nó có mang lại ích lợi nào đó cho bạn đọc, và có thuyết phục được nhà đầu tư? Có điều gì khiến tác giả băn khoăn, tác giả gửi gắm… mà có thể cô đọng trong ít dòng ngắn ngủi? Mặc dù bản thân tác phẩm có thể tự hùng biện cho chính nó, nhưng trong việc tìm kiếm nhà xuất bản hay các công ty phát hành để hợp tác đưa tác phẩm ra thị trường, tốt nhất là tác giả có sự chuẩn bị để có thể thuyết minh về tác phẩm một cách cụ thể, trực tiếp và thực tế nhất bởi hội đồng duyệt bản thảo thường không phải chỉ có các biên tập viên mà còn có chủ đầu tư, bộ phận kinh doanh… Nhiều người trong số họ rất bận với các công việc chuyên môn của mình, một lời giới thiệu ấn tượng làm bật lên được vấn đề trọng tâm mà họ đang quan tâm có thể là bước đầu tiên thuyết phục họ dành thêm thời gian cho bản thảo của mình. Nhìn nhận thực tế như trên có thể giúp tác giả chuẩn bị tốt, thể hiện sự chuyên nghiệp và thiện chí của mình trước hội đồng duyệt bản thảo.
Đối với một tác giả, tiếp cận các nhà xuất bản, các công ty phát hành, các nhà sách là việc sẽ phải tiến hành thường xuyên, song song với việc sáng tác, chắc chắn không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. Trên hành trình của một tác giả, việc bị từ chối bản thảo có lẽ là điều không thể tránh khỏi, thậm chí nó còn xảy ra với tần suất cao đến nỗi nhiều người nói rằng nếu bạn vẫn còn cảm thấy bị tổn thương khi bản thảo của mình bị từ chối thì bạn chưa thể trở thành một người sáng tác chuyên nghiệp được. Khi ngành xuất bản truyền thống đang gặp nhiều khó khăn thì điều cụ thể nhất và cần thiết nhất mà mỗi tác giả có thể làm là xác định được nơi mình có thể nhận được lời đề nghị hợp tác và chuẩn bị thật chu đáo cho bản thảo của mình.
Lệ Hằng | Báo Văn Nghệ
------------
Bài viết cùng chuyên mục: