Sáng tác

Ngã rẽ một dòng sông. Truyện ngắn của Huỳnh Thạch Thảo

Huỳnh Thạch Thảo
Truyện
20:26 | 21/12/2024
Baovannghe.vn - Tôi trở lại và ngồi bên dòng sông quê lúc trời về chiều. Một quãng đường xa thêm chuyến xe ôm gần cả tiếng đồng hồ mới tới được ngã rẽ dòng sông
aa

Bên kia là làng quê với những rặng tre cùng tháng năm dãi dầu mòn gót chân chim vì đồng phèn nước đục. Nhớ bàn tay sần của cha trước khi mất, nắm chặt thốt nhỏ: "Đừng bỏ quê nghe con." Quê có chiếc cầu ván đóng đinh bắc qua con mương mọc nhiều cây cơm nguội để mỗi buổi tan học ngắt nhai chan chát và dẫm đạp êm êm khi thả diều vào mỗi chiều hè. Bên này là dòng sông quê không ngăn nổi gió Lào hanh khô xao xác bãi soi với cánh đồng thường úng ngập và bóng cha cầm sào mang áo tơi lá lùa vịt ăn đồng sau vụ gặt có phần do thiên tai, có phần do hạn hán. Tôi nhớ sau chiến tranh khi mà mọi người không còn canh cánh trong lòng bởi súng đạn, những cuộc càn quét với xích xe chà xát đồng nhà cùng những bàn chân ngập bùn lội ruộng tản cư thì con sông quê đột nhiên gãy khúc vào năm hạn lớn rồi mùa đông nước nổi để tạo nên ngã rẽ thêm nhánh phía Nam, trôi dần về hạ lưu đổ ra biển cả và phía Nam, như vùng đất hứa đã giật hẳn lớp trẻ chúng tôi xa dần dất mẹ. Hành phương Nam thuở cha ông mở mang bờ cõi, còn nay chúng tôi đi về phía ấy như lực hút nam châm, như một điềm báo của ngã rẽ dòng sông quê.

Chỉ có anh trai tôi vừa bỏ ba lô bạc thếch đất rừng đã học cấp tốc khóa sư phạm và quay lại làng. Anh trai tôi lấy vợ, cô dâu đất phố cùng trường và theo chồng về xứ đồng phèn. Tôi về, anh cười tươi bên chị. Đồng nghiệp và đám học sinh cười nói ồn ào trong ngày cưới, mẹ cười với bầu trời xanh ngăn ngắt. Thời gian trong dòng chảy, tôi ít có dịp về quê nhà - có lần ghé thoáng qua, mẹ tóc bạc nhiều, anh già sọm cùng chị và đứa cháu quẫy đạp trong đám tã lót. Tôi lại đi, hôm anh dự hội thảo ghé tạt chỗ tôi. Hai anh em ngồi nơi quán cóc lề đường, hàng cây tuôn lá với thu về sớm hơn trên dáng vẻ ủ rũ và gầy rạc của anh. Mới biết, chị nghỉ dạy bỏ bến sông quê chồng để về nơi cũ chạy chợ hay như bao người xuôi Nam kế tiếp. Tôi nhìn anh, anh cũng nhìn tôi, cái nhìn mờ đục, lảng bảng hơi sương như một dòng sông quê có anh, tôi cùng lũ bạn nô đùa giờ chợt nhạt nhoà.

Ngã rẽ một dòng sông - truyện ngắn của Huỳnh Thạch Thảo
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest.com

Năm sau anh mất. Tôi về, nhìn các đồng nghiệp và đám trò cũ của anh thuở trước, đông đủ như lúc đám cưới ngày nào. Chỉ khác bó huệ trắng thay cho đóa hồng và không có chị, chỉ có đứa cháu mang trên đầu vành tang trắng và mẹ tôi đứng bên khóc dài lặng lẽ lúc mà hàng sầu đông thềm nhà đang hồi thay lá. Tôi dự định đưa mẹ và cháu lên phố sau cái chết của anh để rời xa vùng đất sình lầy và ấn tượng vẫn đọng trong đầu bởi mối tình anh chị - Nhưng mẹ bảo, mẹ sinh ở làng quê và ở hẳn đấy với ngôi nhà ba gian lợp ngói âm dương gió hun hút thổi.

Tôi đi, mẹ nấu bữa cơm có cá đồng cùng nắm rau cải trộn hoa mướp vàng. Mẹ ngồi nhìn tôi dưới bàn thờ cha với hình ảnh đượm buồn, muốn nói "Đừng bỏ quê nghe con..." Và tôi, lúc ấy đã không thể như mẹ, lấy chồng qua sông như con nước xuôi dòng khó về nơi cũ. Tôi lầm lũi sang ngã rẽ phía Nam dòng sông hoà vào dân phố.

Vượt quãng sông cạn để lội bộ lên bãi soi có những con chim mỏ nhác đang chấp chới cánh và nhún nhẩy theo chiều gió - Cát rin rít, lành lạnh gót chân khiến tôi quay nhìn ngã rẽ dòng sông đang lấp dần với sự ngạc nhiên. Chiều le lói cho dòng sông hắt ngược ánh sáng tạo nên mảng sáng tối đôi bờ trong tiếng cá quẫy đớp bóng bên dề lục bình nằng nặng xuôi dòng - Tôi cúi đầu lầm lũi về làng, ngõ nhà hun hút tre xanh và ngai ngái mùi rơm ẩm mục để tôi chợt thảng thốt hình dung thấy mẹ lần hồi bên khung cửa chập choạng bóng đêm khi quanh xóm bếp lửa đỏ hồng và cháu tôi chạy quanh sân mỏi mắt mong mẹ trở về lúc mà mọi người cười nói rộn ràng. Nỗi đau thắt nghẹn đến khó thở cùng nỗi ân hận làm tôi xô vội rào tre để đến sân gạch - Chân tôi chợt dẫm lên nền xi măng thoáng rộng và ngôi nhà sáng rực ánh đèn. Đang ngơ ngác để nhận thấy bóng người đến bên trong tiếng kêu khẽ: "Kia, chú..." Tôi ngẩn người nhìn chị dâu một thời và mẹ tôi đã ra, bà khóc.

Chị dâu loay hoay mãi dưới bếp như cố ý lánh mặt sau bữa cơm. Mẹ ngồi nhai trầu với vết hằn năm tháng đã nhiều trên khuôn mặt bên đứa cháu đã lớn vô tư nhẩn nha nhai kẹo. Mẹ nói: "Sau khi thằng cả chết, chị mày qua sông tìm về. Con nước xuôi dòng, nó lại tần tảo nuôi con, lo mẹ với đầy nghĩa cử. Mẹ không trách nó..." Tôi ngước nhìn qua khung cửa nơi bầy đom đóm lập loè tụ hội dưới gốc cây sầu đông. Các gốc cây ấy hẳn còn đụn lên sần sùi nhựa vàng và chi chít dòng chữ i tờ cao theo lứa tuổi của tôi, của người anh hay dấu rựa chém của cha khi bị tên xã trưởng hãm dọa vì nghỉ hoạt động cộng sản - Mẹ nhỏ giọng trong cơn gió thoảng đầu hè xào xạc lá rụng: "Hơn hai mươi năm qua giờ thì nhánh sông đã lấp, những người ra đi đã dần về nơi chốn cũ, chỉ có con, chắc giàu lắm nên bỏ quê lên phố..."

Tôi bỏ quê nhưng vẫn còn hằn trong kí ức một dòng sông chảy dài, ào ạt từng con gió Lào xoáy tung cát bụi, mùa mưa dòng sông ngầu ngầu vẩn đục phù sa và cuồn cuộn nước đổ về ngập úng để mùa hè còn trơ đáy cát, tôi bỏ quê và lao đao trong cuộc sống đất phố bởi dân gốc rạ. Cặp kính cận đã dày lại dày thêm lúc mà cơ quan đang trên bờ vực tan vỡ, lúc mà Phương vợ tôi tăng thêm giờ dạy vào buổi tối để chống chèo cho căn hộ có cơ nguy chao đảo. Nhiều đêm mất ngủ không phải vì gió chuyển mùa mà những hoài niệm để tôi nằm nghe tiếng dế rên rỉ gáy trong cơn mê nhọc nhằn của Phương, của mùi khai nước tiểu từ đứa con gái cùng tiếng chổi của người phu quét đường - Lâu rồi không về thăm mẹ, thăm dòng sông bên lở bên bồi. Phương đã bao lần trở mình, khẽ hỏi: "Sao vậy anh?" Tôi thở dài lẫn trong tiếng thạch sùng điểm nhịp và thời gian cứ mãi trôi nơi chiếc đồng hồ quả lắc gõ đều vào đêm vắng.

..."Chú có khinh tôi không?" - Câu hỏi đầu tiên chị dâu thốt lên khi hai người tản bộ ra mé sông - Cơn gió nam non đã kéo về trong tháng tư khô se chuẩn bị đợt gió Lào nóng rát - Tôi gượng cười cùng chị ngồi xuống bãi cát ướt mịn để nói: "Chuyện đã qua rồi, nó như ngã rẽ dòng sông bây giờ phải lấp..." Vai chị thoáng rung trong tiếng nấc lúc gió đã đưa những đợt sóng ồ ạt xô bờ - Tôi nghe chị nói như gió thoảng qua một vùng lau sậy: "Chờ chú về để giao lại." Tôi nắm tay chị, bàn tay như dành cho đàn ông ở vùng đất cây khô cằn nuôi tôi khôn lớn, khẽ lắc: "Chị ở lại, còn có mọi người, còn mẹ và cháu - Chị đi nơi nào chẳng nghiệt ngã, đất phố chưa hẳn như dòng sông mang nặng phù sa”. Chị nhìn tôi, không giống như anh trai ngày nào với cái nhìn mờ đục mà qua ánh trăng sáng tỏ mắt chị bùng lên niềm hạnh phúc để tôi ngượng ngùng như người có lỗi đã đặt hết trách nhiệm lên đôi vai của chị, đôi vai đó một thời là dân đất phố.

Tôi đi, mẹ dân dấn nước mắt từ cổng rào tre. Chị tiễn chân đến tận bãi sông và tôi vượt sang nhánh sông lấp còn trơ cát trắng. Từ ngã rẽ dòng sông ấy, tôi quay lại vẫy tay chào chị trên nền cát mênh mông. Không biết chị nghĩ gì hay chị cũng như mẹ xem tôi giống một ngã rẽ cuối cùng của dòng sông.

Văn nghệ Trẻ, số 14/1998
Cùng Hồ Dzếnh về chân trời cũ

Cùng Hồ Dzếnh về chân trời cũ

Baovannghe.vn - Cũng như Trịnh Công Sơn…, Hồ Dzếnh là người có một nửa dòng máu Trung Hoa chảy trong huyết quản. Và cũng như nhạc sĩ họ Trịnh, ông xem quê ngoại là quê hương máu thịt của mình. Với Hồ Dzếnh, đó là hồn Việt, những câu văn ca tụng nước Việt hay và cổ điển.
Bản tin Văn nghệ ngày 21/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 21/12/2024

Baovannghe.vn - Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trang trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm 80 năm văn hóa, văn nghệ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Bài thơ "Dâng trà" của Nguyễn Quang Thiều

Bài thơ "Dâng trà" của Nguyễn Quang Thiều

Baovannghe.vn - Nhà thơ trở về với bản thể trong một nghi lễ giản đơn mà thiêng liêng! Người đọc nhận ra trong bài thơ một Nguyễn Quang Thiều luôn có sự thiết tha với cội nguồn, gốc rễ của mình.
Tập trung giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

Tập trung giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

Baovannghe.vn - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Biên soạn sách giáo khoa xã hội hóa và những “cửa ải” khó “nhằn”

Biên soạn sách giáo khoa xã hội hóa và những “cửa ải” khó “nhằn”

Baovannghe.vn - "Có những năm chúng tôi phải 'nín thở', không nghĩ là có thể cung ứng kịp sách cho năm học mới," PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó TBT Nxb Giáo dục Việt Nam chia sẻ