Sáng tác

Ngày ấy ở quê tôi. Tuyện ngắn của Nguyễn Hoa Lư

Nguyễn Hoa Lư
Truyện
06:00 | 31/08/2024
Baovannghe.vn - Đêm vùng núi nhẹ lâng hoang sơ và huyền bí. Bóng núi uy nghi trập trùng gần xa. Những vì sao to một cách lạ thường
aa
Ngày ấy ở quê tôi. Tuyện ngắn của Nguyễn Hoa Lư
Ngày ấy ở quê tôi - truyện ngắn của Nguyễn Hoa Lư

Mùi cỏ khô thơm nồng và tiếng rì rào của những vòm lá nặng trĩu khiến Huyền không sao ngủ được. Trong lán, đám "Lính nhóc" của Huyền ôm nhau ngủ khì, hiền như một lũ ốc sên. Suốt cuộc hành trình dài 30 cây số lên đây, đứa nào cũng mệt nhoài. Vừa ăn tối xong là cả bọn mắt cứ díp lại như bị dán keo.

Vẳng lại tiếng cười đùa của nhóm "cảnh giới" do Cương chỉ huy. Huyền vén màn lặng lẽ bước ra ngoài.

Quanh bếp lửa, đám con trai đứa nằm đứa ngồi ôm bụng cười ngặt nghẽo trước một màn kịch câm của cu Đen. Sau mấy tuần tập huấn ở nhà Văn hóa Thiếu nhi tỉnh về, cu cậu đang cố hết sức trổ hết tài nghệ của mình.

Cương ngồi yên, mắt đăm đăm nhìn về phía núi Ngựa Nhảy. Bóng lửa hắt trên mặt anh lấp loáng khiến vết sẹo dài ở thái dương trông vừa ngộ nghĩnh vừa kì dị.

Xong tiết mục của mình, cụ Đen cúi chào khán thính giả một cách điệu nghệ. Rồi sửa lại chiếc mũ to bè, thắt lại chiếc cravát bằng giấy bồi, khẽ vuốt nhẹ bộ ria mép tưởng tượng, hắng giọng trình trọng nói:

- Thưa quý vị, để thay đổi không khí, xin mời quý vị thưởng ngoạn vài câu chuyện quê tôi của Gentleman Cương (*)...

Cả bọn vỗ tay nhao nhao tán thưởng. Cương như sực tỉnh. Anh cúi xuống đẩy một gốc cây lớn vào bếp. Tàn lửa tóe ra, nổ lách tách. Đám trẻ háo hức chờ đợi. Huyền cũng lẳng lặng tựa lưng vào một phiến đá mát lạnh, bó gối ngồi nghe.

Giọng Cương trầm trầm. Anh nhẫn nha như một ông lão: "Ngày ấy ở quê tôi..."

*

"Ngày ấy ở quê tôi có một cù lao nhỏ nổi lên giữa dòng sông rộng. Cù lao ẩm thấp, sình lầy và um tùm cây dại. Nói nhỏ nhưng nếu có ai vô phúc lọt vào đó, tìm đường ra bến bìa sông có khi cũng mất cả buổi. Người ta gọi đó là cù lao rắn vì ở trên đó rắn nhiều vô thiên lủng.

Cậu tôi là người bắt rắn có tiếng trong vùng. Dân gọi ông là ông Hắc Xà. Quanh năm ông Hắc Xà chỉ bận một chiếc quần xà lỏn, người đen như một thỏi hắc ín. Ông sống trên một cái xuồng nhỏ, ngang dọc trên sông. Người ta bảo ông vẫn thường ngồi thiền dưới đáy sông. Chuyện đó thực hư ra sao tôi không rõ. Tôi còn nghe nói thỉnh thoảng ông vào ngủ trong cù lao rắn. Lần đó tôi nắm tay ông hỏi:

- Nghe nói cậu dựng một cái lều trong cù lao rắn?

- Ha ha... ha..., không phải lều đâu nhóc ạ - Ông nheo mắt nhìn tôi - Đó là cung điện của cậu đấy. Cung điện của lãnh chúa Hắc Xà trong vương quốc rắn! Mà này, tối nay vào ngủ với cậu nhé.

- Trong cung điện hở - Tôi hỏi mà líu cả lưỡi.

- Tất nhiên rồi, sợ hả nhóc?

- Cháu không sợ! - Tôi hét lên và ngay lập tức có cảm giác tai bị ù đi.

- Quân tử nhất ngôn nhé. Một lời hứa ba ngựa đuổi không kịp! - Cậu tôi cười kha kha, khệnh khạng bỏ đi.

Xâm xẩm tối thì xuồng cập cù lao. Cậu tôi neo xuồng vào một cây dừa nước, rút ra một bó đuốc, châm lửa đốt lên. Đuốc cháy rừng rực. Ông quay lại thản nhiên nói: "Cứ theo chân tao mà bước, không được chệch sang quá hai gang, cũng không được lùi sau quá hai bước". Tôi răm rắp tuân theo. Vây quanh chúng tôi là những đám lá hình thù kì quái. Tiếng ếch nhái râm ran. Thỉnh thoảng tim lại thót lên khi tôi đột nhiên nhìn thấy những đốm lân tinh to, sáng như hai ngọn đèn. Không biết đó có phải là lũ mèo hoang đi đêm không. Cũng có khi chúng tôi lọt thỏm trong sự yên lặng huyền bí. Chỉ nghe tiếng muỗi kêu như sáo và những tàn lửa nổ lách tách. Muỗi ở vùng này cũng nhiều khủng khiếp. Một lần, khi đang ngồi trên xuồng ông Hắc Xà, chính mắt tôi nhìn thấy một con rắn bay từ trong bờ cây ra. Con rắn nằm trên một đám bụi mỏng, cứ thế bay là là dọc theo bờ sông. Rõ ràng là rắn đã hóa tinh, luyện được phép cân đẩu vân. Ông Hắc Xà nhìn thấy mặt tôi tái mét mới bật cười ha ha, vỗ mạnh mái chèo xuống dòng sông, nước bắn tung tóe. Đám bụi tan đi, con rắn rơi tõm xuống nước. Lúc đó mới vỡ lẽ: Đám bụi kia chính là một bầy muỗi... chuyện xảy ra trong tích tắc, giữa thanh thiên bạch nhật mà cũng khiến tôi ớn lạnh một lần nhớ lại.

Còn lúc này, chân bước thấp bước cao trên con đường ngoằn ngoèo trong cù lao rắn âm u tôi cứ hối hận mãi: Ham chi cái danh quân tử. Chắc ông cậu dẫn mình xuống âm ti thăm Diêm Vương mất rồi!

Nhưng rồi chúng tôi cũng vào được đến lều. Tôi tót ngay lên cái chõng tre ngồi nín khe, vẫn nghe tim như một chú ếch nhảy rộn ràng trong lồng ngực. Cậu tôi chăm cây đèn hột vịt ở góc lều ngồi quay ra ngoài. Tôi nghe thấy tiếng bịch bịch vừa nặng vừa gọn. Ông bước vào, quẳng xuống nền nhà hai con rắn to bằng bắp chân người lớn, dài loằng ngoằng có đến vài mét. Tôi không thưa thốt được gì cả vì hai hàm răng cứ thế mà đánh bò cạp. Cậu tôi cười hì hì: "Bây giờ thì chú mày hiểu thế nào là theo đóm ăn tàn rồi chớ." Cha chả, vậy là sau hai cậu cháu chúng tôi là cả một binh đoàn rắn lúc nhúc bò theo...

Sau lần đó dẫu Thiên Lôi có xuống trần dùng dao ghè răng cũng đừng hòng bắt tôi hé miệng ra nói chuyện rắn rít với cậu tôi nữa...

Cương thở hắt ra nhè nhẹ. Mắt anh vẫn như bị hút chặt về phía núi Ngựa Nhảy. Bóng núi đậm đặc và những vì sao to, sáng lòe lên. Lũ trẻ nhìn nhau ngơ ngẩn. Chúng nhột nhạt y như vừa cùng anh thoát khỏi cù lao rắn kinh dị đó.

Vẫn với vẻ mặt đăm đăm và giọng nói đều đều, chẳng một lời mào đầu, Cương tiếp tục một câu chuyện khác: "Ngày ấy ở quê tôi có ông lang Trình.."

Thực ra đó là một ông thợ mộc. Nhưng ông lại lừng danh nhờ món thuốc gia truyền chữa gãy xương. Ông chữa bệnh không cần bông băng, cũng chẳng phiền đến các dụng cụ y tế đắt tiền như ở bệnh viện. Mỗi ca bệnh chỉ tốn một nắm xôi nếp với một con gà choai luộc lên rịt vào vết thương là xong.

Lần đó tôi và thằng Ngọc, một người bạn lối xóm rủ nhau đi chặt củi. Thằng Ngọc lén mượn cây rìu gia bảo của ông ngoại hắn mang theo. Cây rìu sắc như nước, chém cây như chém chuối. Hắn vừa làm vừa ba hoa một chuyện gì đó, tay vương vào chùm rễ đa buông lòa xòa trên đầu. Mũi rìu sáng loáng chệch hướng, bay thẳng vào ống chân. Cu cậu hét lên đau đớn rồi gục xuống. Tôi chạy lại thấy máu phun ra.

Xương ống chân lòi trắng hếu. Khúc chân quặt xuống như một cành cây gãy. Tôi chỉ biết ôm chặt lấy bạn, hét toáng lên. Vừa may có ông lang Trình đi qua. Ông xé áo, bẻ một nhánh cây làm nẹp băng tạm rồi cứ thế vác thằng Ngọc trên vai băng băng về nhà.

Một tuần sau, giữa đám bạn, thằng Ngọc vén quần lên, chỉ vào vết sẹo dài đang kéo da non, giọng đầy bí mật:

- Thấy thiên hạ sùng bái tài năng của ông lang Trình quá, tớ nửa tin nửa ngờ. Bữa đó thấy ông từ dưới dốc đi lên, tớ nảy ra ý định muốn thử tay nghề ổng một phen. Nhìn lũ bạn đang tròn mắt xung quanh, hắn bốc lên, tay xoa xoa vào cái bụng to, trắng như bụng Trư Bát Giới phá lên cười khanh khách:

- Nói ra có khi lũ mày không tin, nhưng tao thề là lúc đó tao thấy mát lạnh! Cũng không đến nỗi đau như mình tưởng đâu... Đứa nào không tin, cứ thử xem, khắc biết!

"Vậy đấy, chuyện ở quê tôi...". Cương nhìn quanh, mỉm cười. Nụ cười ngượng ngập, thoáng buồn. "Mà này, kéo củi ra ngay, cu Đen giúp anh một tay khiêng nồi bắp luộc xuống kẻo khét hết cả bây giờ.

*

Khi lũ trẻ đã đi ngủ hết. Cương nhìn đồng hồ nói:

- Huyền về lán ngủ đi, khuya rồi.

Huyền không trả lời. Cô thầm nghĩ: "Hễ cứ rời lũ nhóc ra là anh chàng lại thu mình trong vỏ ngoài khắt khe và khó gần ấy." Huyền buột miệng hỏi:

- Quê anh Cương ở đâu vậy?

Cương ngước nhìn Huyền. Cái nhìn lạ lẫm, ánh mắt chợt lạnh đi của anh khiến Huyền bối rối. Cô nói như thanh minh:

- Chẳng lẽ có điều gì bí mật hay sao?

- Không, không có điều gì bí mật cả - Cương ngập ngừng. - Bố tôi xứ Nghệ, mẹ tôi người Bình Định. Cả hai đều đã chết trong chiến tranh. Tôi trở thành em nuôi của một tiểu đội đặc công. Chín người ở chín tỉnh khác nhau...

Huyền quá bất ngờ đến đỗi cổ họng cô dường như nghẹn lại. Nhập nhờ trước mắt Huyền những ngọn lửa nhảy múa. Thật lạ lùng như những câu chuyện quê tôi, như chính sự xuất hiện của Cương.

Chừng năm tháng trước, một sáng ông chủ tịch xã dẫn đến chỗ Huyền một anh chàng nhỏ thó, da xanh rớt. Giọng ông chủ tịch oang oang:

- Xin giới thiệu với đồng chí bí thư đoàn thanh niên, đây là cán bộ bưu tá mới của chúng ta. Đề nghị đồng chí giúp đỡ người lính mới này.

Hóa ra đó là một chàng trai có mái tóc mềm mại và cặp mắt sáng. Thế mà thoạt tiên Huyền đã suýt gọi bằng chú.

Giọng khàn khàn, Cương nói khó nhọc:

- Những câu chuyện quê tôi ấy mà, thấy lũ nhỏ thích, tôi kể cho chúng nghe...

- Em không nghĩ rằng anh là tác giả của những câu chuyện lạ lùng đó.

- Đó là cả câu chuyện dài bi thảm.

Huyền nhìn anh cầu khẩn:

- Kể cho em nghe đi.

Giọng Cương xa xôi:

- Hồi ấy, cả tiểu đội đặc công chốt trên một ngọn đồi cao suốt cả mùa mưa. Xung quanh là một màn mưa dày đặc còn dưới chân đồi bọn chúng bao vây đến cả tiểu đoàn. Không biết ai đó đã nghĩ ra một "Câu chuyện quê tôi", kể cho cả tiểu đội nghe. Vậy là lần lượt mỗi người đều tham dự vào trò chơi lạ lùng này. Nó làm cái chết đến đỡ cùng cực hơn. Các anh tôi không chết vì súng đạn mà chết vì đói và kiệt sức. Tôi không rõ khẩu phần của các anh là bao nhiêu. Riêng tôi, em út của tiểu đội, mỗi ngày được phát hai miếng lương khô to bằng bao diêm. Trong những tuần cuối, cứ vài ba ngày tôi lại nghe vang lên ở hầm bên cạnh một phát súng tiễn biệt khô khốc. Tiếng súng chìm lỉm trong màn mưa dày đặc. Thêm một người ra đi. Tôi cứ đếm một... hai... ba... tám. Một sáng, người thứ chín bò sang hầm tôi. Anh là anh cả của tiểu đội. Mắt trũng sâu, đờ dại, anh nói rời rạc: "Hãy cố mà sống." Cương nhìn Huyên, ánh mắt sâu thẳm:

- Tiểu đội đặc công được nhiều người biết đến. Nhưng cái chết bi thảm của họ thì đây là lần đầu tiên tôi kể cho người khác nghe.

Im lặng. Thật lâu, Huyền mới hỏi lại:

- Vì sao vậy?

- Lúc đầu tôi nghĩ là chưa cần thiết. Còn sau này thì... - Cương ngập ngừng, nói nhỏ - Nói chung tôi tưởng mình không bao giờ còn cơ hội nữa...

Cương chợt im bặt. Huyền sững sờ nhìn những giọt nước mắt ràn rụa trên má anh lấp lánh chảy...

*

Ngày ấy ở quê tôi. Tuyện ngắn của Nguyễn Hoa Lư
Tranh: Island (Ship’s Stern) của John Marin.

Gần trưa, đoàn "thám hiểm" đã có mặt ở đỉnh thác Ngựa Nhảy. Từ đây, nhìn dòng nước ầm ầm đổ xuống vực, có cảm tưởng như đang đứng trước một đoàn ngựa trắng tung bờm lao xuống khe sâu. Cả đoàn tiếp tục men theo bờ suối đi lên. Hai bên bờ là rừng đại ngàn. Bóng cây cổ thụ xòe tán che lòng suối mát rượi. Dọc theo bờ suối, những tảng đá trắng lớn nhỏ vuông vắn như bàn cờ và rộng đủ làm những xới vật dã chiến cho những ai có tinh thần thượng võ.

Đoàn quyết định dừng lại chuẩn bị cơm trưa. Huyền tíu tít chuẩn bị xoong nồi củi lửa. Số còn lại nhào xuống suối tắm.

Đám dưới suối la hét ầm ĩ, trong khi cu Đen ì ạch lăn xuống một khúc gỗ khô, to bằng hai người ôm. Đen nhảy phóc lên thân cây. Cu cậu vấn quanh đầu mấy sợi dây leo, cắm vài chiếc lông chim ngất nghểu trước trán. Sau lưng là một cánh cung cong vút. Đen hoa chân múa tay như một thủ lĩnh da đỏ. Kiếm được cây sào dài, vị thủ lĩnh chống thuyền thẳng ra giữa dòng nước.

Cả đám reo hò ùa theo như một đám nước. Vị thủ lĩnh bơi xuồng trôi xuôi. Mải vui, lũ trẻ không hề hay biết một hiểm họa đang chờ đợi chúng. Chiếc thuyền lững lờ trôi xuôi, đột ngột nhập vào một dòng nước xiết. Nó khẽ trùng trình rồi băng lao thẳng đến thác Ngựa Nhảy.

Việc xảy ra quá nhanh khiến thoạt tiên lũ trẻ đứng ngớ người ra. Vị thủ lĩnh da đỏ thì mải nhảy múa. Một đứa hét lên: "Nhảy xuống Đen ơi!" Nhưng đã muộn. Cu Đen ngồi thụp xuống, bíu chặt lấy thân cây.

Cu cậu nhớn nhác nhìn lên bờ tìm kiếm.

Trên một bụi cây rậm rạp, Cương đang thận trọng gỡ một cụm phong lan. Trong khoảng không gian trầm mặc của rừng già, những nhánh hoa rũ xuống rực rỡ một vẻ đẹp đài các như hút hết tâm trí Cương.

Đen cong người gào lạc giọng: "Anh Cương, cứu em với!" Đám trẻ quay lại, cũng gào lên cuống quýt. Cương thả rơi cụm phong lan, anh đu người chuyển qua một nhánh cây, rồi tuột ào xuống đất. Đám hậu cần cũng vừa nháo nhào ùa ra.

Giữa dòng, cu Đen như con nhái bén bám chặt lấy thân gỗ, mặt cắt không ra máu. Cương vụt chạy đến bờ vực. Băng qua mấy mỏm đá, xoải chân đứng chờ ở đỉnh thác. Có thể dùng hết sức ghim thân cây lại mấy giây, đủ thời gian cho con nhái bén bíu lấy tay anh. Trên bờ suối, Huyền đứng chôn chân một chỗ. Cô run bắn người, tay bám chặt vào một gốc cây.

Khi sắp băng đến miệng thác, khúc gỗ đột ngột chuyển hướng. Nó xoay ngang, vượt khỏi tầm tay Cương. Cả thân gỗ nằm ngang trên miệng thác. Nó trùng trình như luyến tiếc quãng suối phẳng lặng vừa đi qua. Cương thả người, chọn lấy một đầu cây, vồng cong người như một cây cung, ấn thân gỗ húc thẳng vào vách đá đối diện. Lũ trẻ hét toáng lên: "Đen, nhảy lên bờ ngay." Cu Đen nãy giờ đang bị thôi miên bởi khoảng không hun hút dưới miệng vực. Nó bật dậy, nhào đến. Bàn tay run rẩy của cậu bé vừa bám vào vách đá lởm chởm, sắc lạnh thì cả Cương và thân gỗ cùng nhào xuống, mất hút dưới đáy vực.

*

Phải đến gần tối, những người lính trong doanh trại bộ đội gần đó mới tìm được xác Cương. Họ khiêng anh về trại. Đám trẻ líu ríu theo sau, khóc thút thít. Cả lũ ngơ ngác như gà lạc mẹ. Huyền lảo đảo bước. Những vết xước ở chân tay ở mặt bật máu. Một người lính đến, khoác tay cô lên vai mình rồi lặng lẽ dìu cô đi.

Những đống lửa được đốt lên sáng rực. Hai người lính bồng súng trang nghiêm đứng cạnh Cương. Gần nửa đêm thì ông chủ tịch đánh xe lên. Ông ôm đầu Cương òa khóc như một đứa trẻ.

Huyền vẫn ngồi chết lặng ở góc nhà. Nước mắt đã cạn kiệt, miệng đắng như đầy cát. Huyền thấy nhức buốt ở thái dương.

Rồi Huyền thiếp đi. Cô mơ thấy mình đang cuống cuồng chạy dưới chân thác Ngựa Nhảy. Dòng thác gầm réo, sôi sục. Cô gào muốn đứt hơi khi tìm thấy bàn tay Cương chới với trên mặt nước ngầu bọt. Gió giật mỗi lúc một mạnh. Dòng nước gầm gào như một hỏa diệm sơn mịt mù khói sóng. Huyền ngã xuống lịm đi. Chợt nghe lũ trẻ cười rúc rích. Trên bãi cỏ, cả đám trẻ đang vây quanh Cương. Anh chàng đang chìa cánh tay dập nát của mình cho ông lang Trình băng bó. Cạnh đó, ông Hắc Xà cười kha kha: "Tớ vừa ngồi thiền, chợt một khúc gỗ thúc vào ngực bật ngửa, tay vớ phải chú em đây. Vậy là tớ xách lên như xách một con cò gặp bão..." Huyền quay lại nhìn, dòng nước đang tràn lên.

-------------

(*) Gentleman (Tiếng Anh): Ngài.

----

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc văn, đọc truyện Đọc truyện ngắn Nguyễn Thị Mai Phương Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng Đọc truyện: Bên sông giặt áo - Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương
Văn nghệ Trẻ, số 9/1997
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...