Sau một năm bị hoãn do đại dịch Covid 19, cuối cùng Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ X cũng đã được tổ chức, đáp ứng lòng mong mỏi của các cây bút viết văn trẻ trên khắp cả nước muốn được gặp gỡ giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Trước thềm Hội nghị "Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X" phóng viên Văn nghệ đã có cuộc trao đổi với đại biểu trẻ tham dự Hội nghị
* Chào Ngô Bá Hòa, tôi được biết anh và đọc tác phẩm của anh khá lâu rồi, vậy đây là lần thứ mấy anh thạm dự Hội nghị Những người Viết văn trẻ toàn quốc? Đến với Hội nghị lần này anh muốn chia sẻ điều gì với các bạn viết trên khắp cả nước?
- Đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất tôi tham dự Hội nghị viết văn trẻ, bởi tôi là một trong những đại biểu già nhất của Hội nghị này. Đến với Hội nghị lần này, tôi chỉ hi vọng gặp gỡ thêm nhiều người viết trẻ đại diện khắp mọi miền đất nước cùng với những người viết trẻ miền núi để củng cố thêm câu trả lời cho câu hỏi của mình: văn học dân tộc miền núi đang ở đâu?
* Cá nhân tôi nghĩ mảng văn học dân tộc miền núi vẫn luôn chảy trong dòng chảy của văn học Việt Nam, và nó sẽ luôn là mảng đề tài không bao giờ mất đi được. Có nhất thiết phải đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này không?
- Dòng chảy của Văn học Việt Nam đương đại từng được hợp lưu với một nhánh mang tên Văn học dân tộc, miền núi. Nhánh này trong thời điểm đó xuất hiện rất nhiều nhà văn, nhà thơ mà khi nhắc về Văn học dân tộc, miền núi đều phải kể đến tên tuổi của họ. Theo thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội dòng chảy này dần biến mất. Tuy nhiên, các nhà Văn dân tộc vẫn miệt mài sáng tác để khẳng định mình. Nhưng có một sự thật, những sáng tác của họ không được coi trọng, chú ý. Họ vẫn lẩn khuất đâu đó như những cánh bèo trôi giữa dòng sông văn chương cuộn chảy.
* Theo tôi, các nhà văn dân tộc miền núi qua các thời kì họ vẫn xuất hiện trên văn đàn, được nhiều người biết đến đấy chứ. Là người viết trẻ, anh đánh giá thế nào về đội ngũ viết văn trẻ của dòng văn học dân tộc miền núi trong những năm gần đây?
- Là một người viết trẻ sinh ra và lớn lên ở miền núi, những khó khăn của tôi trên con đường đến với văn chương cũng giống như tất cả các bạn viết trẻ khác đang âm thầm, miệt mài sáng tác trong im lặng. Nếu nhìn vào lực lượng trẻ miền núi những năm qua chúng ta thấy nổi lên những Chu Thị Minh Huệ, Kiều Duy Khánh, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Luân, Nông Quang Khiêm và gần đây là Lý Hữu Lương nhưng họ chỉ là số ít trong rất đông các bạn trẻ khác vẫn âm thầm sáng tác.
* Vậy theo anh đâu là điểm mạnh cũng như những hạn chế của các cây bút viết về đề tài dân tộc miền núi?
- Những người viết trẻ miền núi có nhiều thuận lợi, khi họ sinh sống ở vùng đất có nét đặc trưng riêng của văn hoá dân tộc thiểu số. Những vùng đất đó ngồn ngộn tư liệu cuộc sống, đầy rẫy những phận người cùng khổ và được thiên nhiên ban tặng nhiều tiên cảnh. Thuận lợi nhiều thì khó khăn cũng không ít. Chính vì ở nơi địa thế trắc trở nên công cuộc cầm bút của các bạn ấy là cả một cuộc đấu tranh. Ngoài những áp lực về mưu sinh (điều mà một cây bút trẻ không thể tự dùng ngòi bút để lo liệu) thì những tác động của ngoại cảnh cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các bạn viết miền núi. Để họ vững tin cầm bút, phát triển, khẳng định được bản thân là cả một sự cố gắng, vượt lên.
PV