Độc giả cả nước, đặc biệt là người Huế vẫn gọi Nguyễn Đắc Xuân là nhà “Huế học”, bởi ông chuyên nghiên cứu về nhà Nguyễn và Huế xưa; nhưng ông chỉ nhận là Người cầm bút xứ Huế. Khiêm tốn thế, nhưng gia tài của ông rất đồ sộ, lên đến gần 80 đầu sách, đủ mọi thể loại: Văn, thơ, nghiên cứu, lịch sử... Về lĩnh vực nào ông cũng để lại thành tựu quý giá, góp công làm nổi bật văn hóa xứ Huế vừa hào hùng, vừa nên thơ.
Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. |
Nguyễn Đắc Xuân sinh năm 1937, tại Huế. Mẹ là người Thanh Hóa, năm 16 tuổi bà bị tảo hôn, đi làm dâu mà như đi ở cho nhà giàu, không chịu nổi khổ sở, bà cùng với một người bạn cùng cảnh ngộ trốn vào Huế, vừa buôn bán trong các nhà hàng, sòng bạc vừa ca hát kiếm sống. Người đàn ông xứ Huế đang làm thủ quỹ cho nhà hàng khách sạn Morin, thường vào sòng bài đỏ đen, thấy bà xinh đẹp, hát hay; bà thì thấy ông thật thà, hào hoa phong nhã nên đem lòng yêu. Họ có với nhau một cậu con trai, đó là Nguyễn Đắc Xuân. Nhưng trớ trêu thay, ông đã có vợ con rồi, bà không được cả hai bên chấp nhận, ông đành gửi bà lên Đà Lạt ở với người o trên đó. Tuổi thơ của Nguyễn Đắc Xuân là cả một chặng đường gian khổ. Hàng ngày cậu Xuân phải đi làm mướn như người lớn, cũng chẳng được cắp sách tới trường. Mãi đến năm cậu 15 tuổi mới liên lạc được với cha rồi được mẹ cho về Đà Nẵng ở với cha. Ở đây anh em của cậu đều được đi học, nhiều người trong gia đình là dân thầy. Chỉ riêng cậu không biết chữ. Nhiều khi bị xem thường. Cậu cảm thấy nhục nên xin cha cho cậu trở lại Đà Lạt ở với mẹ và được người anh làm giấy khai sinh, trụt 6 tuổi để xin đi học. Chặng đường đi học cũng đầy gian nan, Cậu là người Huế, thông minh được các thầy người Huế dạy dỗ, cậu luôn đứng đầu lớp, và đi thi băng. Chỉ học trong vòng hai năm cậu thi đỗ thứ hai bằng Tiểu học tại Thành phố Đà Lạt. Người ký học bạ cho cậu đi thi lấy bằng Tiểu học là thầy Thích Nhất Hạnh ở trường Tuệ Quang. Đỗ Tiểu học thứ hai ở Thành phố Đà Lạt giữa ngày vui Hiệp Định Genève 1954 ra đời, xóa được mặc cảm không biết chữ cậu xin mẹ về Đà Nẵng với cha. Tiếp tục học Trung học. Năm 1956 Nguyễn Đắc Xuân về Huế, học trường Quốc Học, năm 1961 học Đại học Văn khoa Huế, rồi Đại học Sư phạm Huế. Lúc đang là sinh viên, Nguyễn Đắc Xuân là một trong những người sinh viên đầu tiên tranh đấu chống chế độ Ngô Đình Diệm và các chính phủ Sài Gòn sau đó. Tới năm 1965-1966 gặp lại thầy Thích Nhất Hạnh, làm thơ làm văn để chống chiến tranh của Mỹ. Thơ của anh và thơ của Thích Nhất Hạnh được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, như các bài Hòa bình (Tôi ước mơ) của Thích Nhất Hạnh, Để lại cho em của Nguyễn Đắc Xuân, in trong Mười bài tâm ca. Anh đấu tranh nổi tiếng đến nỗi chính quyền cho cảnh sát truy lùng, nằm trong diện tử hình. Thấy tình hình nguy hiểm, anh lên núi, theo kháng chiến, tham gia 9 năm trên rừng, qua 15 lần suýt chết. Hồi ở rừng anh làm ở Ban Tuyên huấn, vẫn tranh thủ làm thơ, viết văn. Nhà thơ Tố Hữu đã gửi tặng anh tập thơ, nhờ lãnh đạo Thừa Thiên chuyển đến tận tay anh ở vùng sâu phía nam Huế. Sau ngày thống nhất, Nguyễn Đắc Xuân không đi theo con đường quan chức, cũng không đi theo con đường khoa bảng, bởi từ ý kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Tòa viện trưởng Đại học Huế: “Giải phóng xong may ra còn có Huế để đối ngoại về văn hóa”. Nguyễn Đắc Xuân “ngộ” ra: “Cuộc đời tôi rứa rồi đó. Tôi là người cầm bút xứ Huế, tôi tự giao cho mình phải làm rõ cái di sản văn hóa của Huế để giúp Nhà nước đối ngoại về văn hóa”. “Cái tính cố hữu của tôi là làm gì thì phải làm cho đến cùng, phải là bậc thầy của việc ấy”. Từ đó đến nay, ông chuyên chú vào nghiên cứu văn hóa Huế. Dù làm Phó Tổng biên tập và Thư ký tòa soạn Tạp chí Sông Hương, hay làm Trưởng văn phòng báo Lao Động ở miền Trung và Tây Nguyên - vào thời báo Lao Động nổi đình nổi đám - ông vẫn chú tâm vào nghiên cứu văn hóa. Ông cũng là người đầu tiên ở báo Lao Động được nhận giải A, đó là bài Gió lại reo vào giữa lòng địa đạo miền Tây Thừa Thiên Huế.
Nguyễn Đắc Xuân tâm niệm rằng, muốn nghiên cứu thấu đáo về văn hóa Huế xưa, cần phải có ngoại ngữ, đặc biệt là chữ Hán, tiếng Pháp. Ngoài vốn liếng ngoại ngữ trong thời gian học trung học, đại học, ông phải bỏ ra nhiều năm trời tự học là chính. Rồi trong thời gian sưu tầm sách vở, ông cũng vừa làm vừa học. Đối với nhà nghiên cứu, tài liệu, sách vở... là công cụ giúp cho người viết thực hiện một cách tốt đẹp công trình. Mỗi lần tìm được tài liệu, hình ảnh, ý tưởng gì mới trong sách là ông cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nó giúp ông nắm được thông tin, có tư duy luôn đúng đắn và khoa học. Đến nay ông đã có một thư viện sách hàng vạn cuốn, gồm những bộ sưu tập chính như: Về nhà Nguyễn và các vua Nguyễn; Lịch sử Việt Nam có đề cập đến nhà Nguyễn và Huế; Nghiên cứu về lịch sử Nguyễn Huệ Quang Trung; địa phương chí; Văn chương và văn học Việt Nam; Lịch sử Phật giáo Thuận Hóa - Phú Xuân; Lịch sử giáo phận Huế; Hồi ký của các nhân vật trong nước và ngoài nước có liên quan đến Huế và chiến tranh Việt Nam; Gia phả các dòng họ lớn ở Huế; Sưu tập các bộ tạp chí, tập san đề cập đến Huế... Có đến 14 bộ sưu tập phong phú, chi tiết, quý giá, bằng các ngôn ngữ Việt, Hán, Pháp, Anh. Đó là kết quả của một người dành đến gần nửa thế kỷ nhịn ăn, nhịn mặc, kiên nhẫn, công phu, chịu tốn kém, chuyên chú vào sưu tầm sách, và tài liệu để làm nghề.
Thành tựu đáng kể trước tiên của ông là nghiên cứu về thời niên thiếu của Hồ Chủ tịch. Ông đã bỏ ra gần 30 năm theo đuổi chuyên đề “Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế”. Ông đã có tư liệu thành văn đầu tiên đó là bức thư của ông Chouquet - Hiệu trưởng trường Quốc học Huế viết ngày 07/8/1908 phúc đáp ngài Khâm sứ Trung Kỳ về lai lịch Nguyễn Sinh Côn (tên của Bác lúc theo học trường Pháp Việt Đông Ba và trường Quốc học Huế). Lá thư ấy cho ta thấy Bác đã học tại hai trường nói trên, lại gián tiếp xác định từ năm 1908, Bác Hồ đã có những hành động chống thực dân Pháp, và thực dân Pháp đã theo dõi Bác từ ấy.
Rất may cho ông là sau ngày thống nhất ông đã làm ngay công trình này trước nhất bởi vẫn có nhiều người bạn học, người hàng xóm của Bác còn sống, biết chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ như bác Lê Xuyến (cháu đích tôn của cụ Lê Trinh, người hàng xóm của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, ở 114 Mai Thúc Loan), ông Lê Viết Triết (Con trai ông Quảng Nghiêm, hàng xóm của gia đình ông Phó bảng ở dãy Trại đường Đông Ba), ông Lê Thiện (bạn cùng học một lớp với Bác ở trường Pháp Việt Đông Ba và trường Quốc học Huế) v.v… Nếu để chậm, đến nay họ đã qua đời thì...
Nhờ có tư liệu sống và những tư liệu trong sách vở, ông đã tái hiện lại cuộc đời niên thiếu của Bác Hồ một cách khoa học, đầy đủ, sinh động trong cuốn sách Bác Hồ, thời niên thiếu ở Huế (Nxb Trẻ 1990, được tái bản nhiều lần. Quan trọng nhất là tập Đi Tìm Dấu Tích Thời Niên Thiếu của Bác Hồ ở Huế do Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học và Nhà xuất bản Văn học xuất bản 2008). Tài liệu trong cuốn sách này là cơ sở đầu tiên để tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Huế. Ngoài ra ông còn viết hàng chục bài báo, với hàng trăm buổi nói chuyện trên ba miền đất nước và hàng chục cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình trong và ngoài nước về Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế. Nhà văn Thanh Tịnh đã phát biểu trong cuộc hội thảo ở Huế: “Nhờ có Nguyễn Đắc Xuân nghiên cứu kịp thời nên Viện Nghiên cứu Hồ Chí Minh tiện được 10 năm trong việc nghiên cứu thời niên thiếu của Bác”.
Hiểu sâu về văn hóa Huế, Nguyễn Đắc Xuân rất đau lòng về những di tích văn hóa Huế đang từng ngày bị xâm hại, mai một dần, nhất là mai một vì một bộ phận cán bộ không hiểu về văn hóa, đang tàn phá văn hóa. Ông đã dùng hàng chục bài báo, bài phát biểu nhằm giữ lại cho Huế văn hóa Huế hôm nay. “Mọi người đều biết, Huế có hai di sản văn hóa vật chất và phi vật chất của nhân loại, thành phố được UNESCO mệnh danh là “tuyệt tác thơ đô thị” nếu cái quy hoạch “tuyệt tác thơ đô thị” đó bị phá vỡ, bị tiêu diệt thì Huế còn gì để hấp dẫn khách du lịch? Cần bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, bảo vệ giá trị cảnh quan vốn có, những kiến trúc mới phải hài hòa với kiến trúc môi trường xung quanh”. Bởi vậy, năm 2004, có dự án chuẩn bị xây trên đồi Vọng Cảnh, khu du lịch Life Resort liên doanh với Hà Lan. Một cuộc bút chiến nảy lửa đã nổ ra giữa ông và một vị GS.TS ở Hà Nội cùng chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế, rồi thông tin tranh luận trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương, chân lý lại thuộc về Nguyễn Đắc Xuân. Còn nhiều bài góp ý của ông đối với chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế về quy hoạch đô thị, ông thấy tiếc cho “không gian cố đô Huế, từ Gia Long được quy hoạch rất hoàn chỉnh, đến cuối thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20, không gian ấy vẫn được người Pháp tôn trọng, không gian Huế được mở rộng chứ không phá vỡ không gian được quy hoạch”. Đến ngày nay “Việc quản lý xây dựng Huế không được quy hoạch lại, trình độ quản lý đô thị hạn chế, việc xây dựng bừa bãi không tính đến hậu quả”... Rất nhiều bài góp ý của ông có khi làm mất lòng những người lãnh đạo địa phương, nhưng cuối cùng người ta hiểu về ông, ông đấu tranh cũng vì giữ lại văn hóa Huế, để Huế mãi nên thơ, mãi trường tồn.
Công trình thứ ba, ông đi qua Pháp, nghiên cứu, làm rõ cuộc đời của 4 ông vua nhà Nguyễn đó là vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại. Nguyễn Đắc Xuân đã từng tâm sự, ông chỉ là nhà viết sử tự do, cũng chẳng được nhà nước đầu tư cho một đồng kinh phí để đi tìm tư liệu. Tất cả là tiền tự túc. Thế mà đầu năm 1999 ông đã bỏ ra 45 ngày sang nước Pháp để đi sưu tầm tư liệu về 4 ông vua triều Nguyễn nói trên. Paris mùa đông nước Pháp đang lạnh dưới không độ, hàng ngày ông phải dậy sớm, đi xe điện ngầm, có khi vượt hàng trăm cây số để đi tìm tư liệu. Ông kể, “ngoài khả năng biết tiếng Pháp, người đi tìm tư liệu còn phải biết thông thạo cách thức sử dụng phương tiện đi lại như Mê-trô, RERm, Bus, TGV, tàu bay. “8 giờ, trời vừa sáng, tôi đã ra khỏi nhà, nhiều hôm về đến chỗ trọ đã 11, 12 giờ đêm, tuyết ngập cả đế giày. Suốt 45 ngày ở Pháp, tôi không nghỉ ngày nào. Nhiều ngày tôi phải đi bộ hàng chục cây số, tôi có thuận lợi là quen nhiều người Huế ở Pháp, quen nhiều người Pháp đã đến Huế nên họ giúp đỡ cho tôi rất nhiều”. Khổ công nhất là ông tìm được đến nhà công chúa Như Lý - con gái vua Hàm Nghi ở Chabingac/Corrèze. Ông cũng là người nghiên cứu đầu tiên gặp con gái vua Hàm Nghi kể từ ngày nhà vua tạ thế (1944). Hiện công chúa đang là chủ lâu đài tên là De la Nauche. Chị của công chúa Như Lý là công chúa Như Mai, lúc ông gặp đã 94 tuổi, công chúa Như Lý 91 tuổi. Ông tranh thủ hỏi chuyện công chúa Như Lý về cuộc đời vua Hàm Nghi từ lúc còn ở Việt Nam cho đến lúc bị đi đày ở Algérie như thế nào, toàn những chuyện hay, hấp dẫn mà chưa ai biết.
Người Pháp từng “bảo hộ” Việt Nam, khi về nước đã mang theo rất nhiều sách báo, tư liệu của Việt Nam. Pháp lại là nơi lưu trữ tư liệu rất tốt nên nguồn tư liệu về Huế xưa vô cùng phong phú. Còn nhiều nhân chứng sống đang ở Pháp nên việc tranh thủ với thời gian gặp những nhân chứng sống đó, vì họ đã 90 trên 100 tuổi cả rồi. Năm 1996, ông còn gặp thứ phi của vua Bảo Đại tên là Mộng Điệp. Ông hỏi chuyện bà cặn kẽ, về nhà vua và cả những tay chân của cựu hoàng. Rồi gặp ông bà Tào Văn Trạch, người hay nấu những món ăn Huế dâng cho Bảo Đại, qua đó biết những tâm tình của Bảo Đại. Ông còn được xem phim, tài liệu, thư tay... của Bảo Đại, qua đó ông đã đính chính được dư luận cho rằng Bảo Đại không nói được tiếng Việt, không viết được chữ Quốc ngữ. Sau lần tiếp xúc này, ông cho xuất bản cuốn Hỏi chuyện bà thứ phi Mộng Điệp với cựu hoàng Bảo Đại. Những tác phẩm của ông viết về bốn ông vua triều Nguyễn nói trên như Bí ẩn về cựu hoàng đế Duy Tân, Chuyện ba vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân, Vua Hàm Nghi một tâm hồn Việt ở chốn lưu đày v.v... Những tư liệu của ông tìm được còn nhiều, ông đang công bố dần, nó như những thỏi vàng ròng lấp lánh và vô giá, sau này, dù có tiền chúng ta cũng không thể có được.
Công trình thứ tư của Nguyễn Đắc Xuân là Đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung ở ấp Bình An. Công trình này được gợi ý từ việc ông bỏ ra nhiều năm trời, sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa Huế. Ông thấy cần phải tìm ra nơi chôn cất vua Quang Trung, người anh hùng đã đánh thắng giặc ngoại xâm là quân Xiêm và quân Thanh, mở ra thời đại mới hào hùng. Huế là nơi Nguyễn Huệ đóng đô, lên ngôi hoàng đế tại núi Bân, lấy niên hiệu là Quang Trung, trước khi kéo quân ra Bắc tiêu diệt 29 vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long. Nơi vua Quang Trung đã đặt kinh đô, thời đại Nguyễn Huệ, Quang Trung, Quang Toản (1798-1801). Một người anh hùng như vậy cần phải có nơi để nhân dân ta đến thăm viếng và bái lạy. Nhưng như ta đã biết, nhà Nguyễn đã cho tận diệt hết di tích, tư liệu lịch sử nhà Tây Sơn. Lăng mộ vua Quang Trung ở đâu đã làm đau đầu các nhà sử học. Nhờ có vốn Huế học, Nguyễn Đắc Xuân đã lần tìm ra dấu tích lăng mộ vua Quang Trung, từ “tài liệu lịch sử, địa lý lịch sử, khảo cổ học, văn học cổ hiện đại, văn học dân gian, thảo mộc học, địa phương học”, mà GS Phan Huy Lê gọi là phương pháp liên ngành khoa học, hiện đại nhất. Vốn là nhà văn, Nguyễn Đắc Xuân lại bắt đầu từ trong văn học. Ông đọc bài thơ Cảm hoài của Ngô Thì Nhậm, lúc đó đang là sứ thần của vua Quang Trung sang Trung Quốc báo tang và cầu phong của vua Cảnh Thịnh. Bài thơ có câu “Đan Dương cung nguyệt điện tam thu” (Trông về cung điện Đan Dương, một tháng coi bằng ba thu), tác giả giải thích thêm hai chữ Đan Dương rõ hơn bằng lời chú: “Đan Dương cung điện phụng ngã tiên hoàng tàng bảo y chi sơn” (Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y Tiên hoàng ta). Lời chú của Ngô Thì Nhậm soi sáng cho ông biết cung điện chính của vua Quang Trung và khi mất thì được táng ngay trong cung điện ấy. Rồi dấu tích lăng mộ Quang Trung trong các thư tịch cổ như Đại Nam chính biên Liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi vua Quang Trung “táng ở bờ nam sông Hương”. Vậy nó nằm ở đâu? Ông nghiên cứu thơ văn Phan Huy Ích, một trọng thần thời Quang Trung - Quang Toản, Phan Huy Ích cho biết: Chùa Thiền Lâm nằm ở bờ nam sông Hương, chứng tỏ lăng mộ vua Quang Trung nằm một hướng với chùa Thiền Lâm. Vấn đề là xác định được chùa Thiền Lâm nằm ở đâu, cũng cực kỳ rắc rối vì nhà Nguyễn đã tận diệt, làm lạc hướng mọi di tích liên quan đến thời Tây Sơn. Sau nhiều lần mò trong thư tịch cổ, ông phát hiện ra chính xác chùa Thiền Lâm nằm ấp Bình An, xã Phủ Dương Xuân thuộc số 150 Điện Biên Phủ, ấp Bình An, phường Trường An, thành phố Huế ngày nay. Năm1988 ông công bố “Lăng mộ vua Quang Trung ở gần chùa Thiền Lâm”, (Nằm trên trục từ nam sông Hương lên đàn Nam Giao). Rồi ông đi thực tế, gặp người dân có dòng họ sống nhiều đời ở ấp Bình An, tiếp xúc với những biểu hiện của vùng lăng tẩm cung điện đã bị chôn vùi. Dựa vào thuật phong thủy, người xưa hay chọn nơi táng phải có tả thanh long, hữu bạch hổ, hậu chẩm, tiền án. Ông phát hiện ra xung quanh khu vực này có đủ các yếu tố phong thủy trên. Rồi có giếng cổ, “giếng loạn”. Rồi căn cứ vào thảo mộc, những cây hoa sứ, chỉ trồng nơi thờ cúng như lăng mộ. Cuối cùng ông xác định được địa điểm chùa Vạn Phước ngày nay (20/120 Điện Biên Phủ, ấp Bình An, P. Trường An, Tp Huế) là nơi tọa lạc Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn - tiền thân của cung điện/lăng Đan Dương của vua Quang Trung.
Dựa vào khám phá của ông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội thảo Khoa học Cung Điện Đan Dương Thời Tây Sơn ở Huế do GS Phan Huy Lê chủ trì, tổ chức khai quật thăm dò do PGS TS Bùi Văn Liêm - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Viêt Nam đảm nhiệm khai quật khu di tích này để xác định huyệt mộ vua Quang Trung. Bước đầu đã tìm thấy những chỉ dấu của cung điện, tìm được hố vật dụng bằng sành sứ thế kỷ 17, 18, những đá táng cột, vũ khí, đặc biệt là móng bức thành mà người Tây phương đã từng giới thiệu, những bia đá bị xóa hết chữ. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chỉ thị cho ngành văn hóa lịch sử Thừa Thiên Huế và Thành phố Huế tiếp tục khai quật để hoạch định ranh giới khu di tích Cung điện/ lăng Đan Dương. Câu chuyện đi tìm lăng mộ vua Quang Trung còn đang tiếp tục. Năm 2019, Nguyễn Đắc Xuân có cảm tưởng có thể qua đời đột xuất, những tài liệu nghiên cứu, hình ảnh, hiện vật về Cung điện Đan Dương sẽ bị phân tán, ông đã nhờ Nhà xuất bản Thế Giới dịch công trình Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn - tiền thân của cung điện Đan Dương/ sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung ở Huế. Sách đã gửi tặng cho các tòa đại sứ các nước ở Việt Nam. Tòa Tổng lãnh sự Ý tại Tp. Hồ Chí Minh đã hồi âm cho biết sau dịch Covid-19 Ý sẽ cùng với tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành công trình này. Ông đã cùng các nhà nghiên cứu đồng hành với ông tổ chức nên Không Gian Lưu Giữ Dấu Tích Cung Điện Đan Dương tại nhà ông Nguyễn Hữu Oánh (cháu năm đời của ngài khai canh ấp Bình An ở gần chùa Vạn Phước) tại 9/17/120 Điện Biên Phủ, ấp Bình An, thành phố Huế. Ba năm qua nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đã đến tham quan tìm hiểu Không gian lưu giữ này. Từ năm 1992, học giả Hoàng Xuân Hãn: “Đề nghị các giới chức Thừa Thiên theo thủ tục xếp hai “khu mộ Quang Trung/ và Phủ Dương Xuân” vào loại di tích lịch sử mà nhà nước phải bảo tồn và tu bổ, biến nó ra những điểm du lịch... vì Tây Sơn là một vấn đề rất thu hút”.
Chỉ riêng việc đi tìm lăng mộ vua Quang Trung này mà Nguyễn Đắc Xuân đã bỏ công sức trên 1/3 thế kỷ theo đuổi, nghiên cứu, tốn không biết bao nhiêu công sức, viết công bố hàng trăm bài báo, bài trả lời phỏng vấn, tổ chức nhiều buổi hội thảo và báo cáo khoa học, xuất bản 6 cuốn sách về chuyên đề Cung điện Đan Dương, riêng cuốn Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn tiền thân của cung điện Đan Dương/ Sơn lăng của hoàng đế Quang Trung ở Huế, dày đến 680 trang khổ lớn (NXB Văn hóa Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2007), đủ thấy nhà văn Nguyễn Đắc Xuân nặng lòng về quê hương xứ Huế như thế nào.
Nguyễn Đắc Xuân năm nay đã 85 tuổi, nhưng vẫn dẻo dai, vẫn miệt mài đi và viết, muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho quê hương xứ sở, bởi ông còn nhiều đầu sách chưa công bố, còn nhiều tài liệu quý hiếm đang chờ ông biến thành ngọn lửa của nghệ thuật. Ông xứng đáng là người có tên gọi là Người cầm bút xứ Huế.
Nguồn Văn nghệ số 36+37/2022