Người năm cũ - Truyện ngắn của Thu Trang |
Năm nào cũng vậy, cứ độ rằm tháng chạp, lại thấy ông già xuất hiện với chiếc tay nải, bộ đồ nâu bạc thếch và chiếc gậy trúc cũ kĩ gõ lốp cốp khắp xóm, cất giọng khàn khàn. "Ai lặt lá mai, lặt lá mai không?...”
Lần đầu tiên ông xuất hiện, bọn trẻ chạy ùa theo và chúng phát hiện ở ông một đôi mắt trắng đục vô hồn. Chúng thầm thì với nhau: "Ông già mù". Và nỗi hiếu kì ban đầu lập tức biến thành niềm tự hào khi chính chúng (chứ không là ai khác) khám phá ra điều bí mật này.
Điều bí mật lập tức được truyền đi khắp xóm. Ban đầu, không một nhà nào trong xóm thuê ông. Hầu hết dân làng sống bằng nghề trồng mai. Thu nhập chính của cả năm trông mong vào phiên chợ giáp tết. Bao nhiêu công sức suốt mười hai tháng đổ dồn vào những gốc mai. Có những cội mai đã được nuôi nấng, uốn tỉa hàng chục năm. Người ta không thể giao phó sự may rủi vào một ông già mù. Dù việc lặt lá mai là một việc đơn giản nhưng cũng đòi hỏi sự khéo léo bền bỉ và kinh nghiệm, nếu không mai sẽ không ra nụ hoặc nở đúng kì.
Vì thế, ông già đi khắp xóm mà không một nhà nào gọi. Có một đứa bé khoảng bảy, tám tuổi đang thơ thẩn trước sân nhà. Con bé không bình thường như những đứa trẻ khác. Ngay từ khi mới sinh, bác sĩ đã thông báo có một sự trục trặc trong bộ máy phát âm của nó. Nhưng trái với những đứa trẻ khuyết tật khác, con bé dù không nói được nhưng vẫn tiếp thu tốt mọi âm thanh bằng thính giác. Nó là một đứa trẻ nhạy cảm và thông minh. Bác sĩ bảo năm con bé lên tám sẽ tiến hành phẫu thuật, đưa nó trở lại bình thường. Người cha chờ đợi và lo liệu cho cái ngày này từ lâu. Lúc con bé đứng chơi thơ thẩn, người cha đang đắp gốc mấy chậu mai. Mấy gốc mai này đã được trồng từ khi con bé mới mở mắt chào đời và người cha đã đổ bao nhiêu công sức vào chúng với hi vọng bán được nhiều tiền, chạy chữa cho con bé. Con bé thường quẩn quanh bên người cha khi ông làm lụng trong vườn. Giữa hai cha con dường như có một mối đồng cảm sâu sắc. Chỉ cần nhìn vào mắt con bé, người cha hiểu ngay nó muốn điều gì.
Hôm ấy nghe tiếng ồn ào của đám con nít, con bé chạy ra cổng và trông thấy ông già. Lập tức, mái tóc, chòm râu điểm bạc, bộ đồ cũ kĩ và chiếc gậy trúc của ông thu hút sự chú ý của nó. Con bé ngây người nhìn rồi chạy đến níu tay người cha, mắt chớp chớp chỉ về hướng ông già. Người cha đặt cây cuốc xuống:
- Con muốn nói tội nghiệp ông già mù à?
Con bé gật gật đầu. Đưa tay chỉ về phía ông già rồi chỉ mấy gốc mai.
- Con muốn cha gọi ông già vào lặt lá mai phải không?
Lần này, con bé nhoẻn miệng cười. Nhìn lúm đồng tiên xinh xinh trên đôi gò má và đôi mắt tròn xoe của con bé người cha chỉ mong làm mọi việc để nó được vui lòng.
Năm ấy, vườn mai nhà hai cha con trúng rộ. Người cha vui vẻ "khoe" với mọi người: "Ông lão không chỉ lặt lá mai mà còn uốn hình cây kiểng rất khéo léo. Đôi bàn tay ông như "nhìn" thấy được đâu là những cành nhánh thừa thãi. Cây mai nào ông nhặt lá cũng đều sai nụ và nở hoa đúng vào những ngày tết."
Người cha còn bán được những cội mai được ông lão uốn hình con công con phượng với giá thật cao, thu được món tiền kha khá chuẩn bị giải phẫu và điều trị cho con gái.
Cuối năm ấy, như lời hẹn, ông già lại đến. Lần này, con bé ra tận ngoài ngõ, đón ông. Nó cất giọng mừng rỡ, yếu ớt:
- Ông ơi, ông vào lặt lá mai vườn cháu.
Giọng run run của con bé giống như chim vành khuyên vừa tập hót khiến ông già cảm động ứa nước mắt. Ông xoa đầu con bé:
- Ông mừng cho cháu. Mừng cho cháu lắm.
Suốt buổi, con bé lẽo đẽo theo bên ông.
- Ông ơi, sao lâu quá ông không ghé qua đây?
- Ông chỉ ghé vào dịp gần tết để lặt lá mai.
- Còn mọi khi ông đi đâu vậy?
- Ông về quê của ông.
- Thế quê của ông ở đâu?
Ông lão ngừng tay vịn cành, dõi cặp mắt vô hồn vào khoảng không xa xăm.
- Ở xa lắm cháu à.
- Ông dẫn cháu về quê ông chơi đi. Cháu xin phép cha.
Ông lão ngẩn người. Ông không biết trả lời con bé ra sao. Ông đâu có muốn nói dối trẻ con. Mà con bé rất dễ thương. Nó tỏ ra quyến luyến ông lắm.
- Quê của ông ở xa lắm cháu à. Chừng nào cháu lớn, cháu mới đi đến nơi ấy được.
Người cha rầy con gái:
- Bé Mai. Để ông làm việc. Đừng có quấy rầy ông.
Ông già cười hiền từ:
- Không sao. Không sao.
Năm ấy, không riêng gia đình hai cha con, nhiều nhà trong xóm mở cổng đón ông lão. Năm ấy, mai đơm đầy cành, mai nở rộ khắp xóm. Cả làng trúng mùa hoa…
Từ đó, cứ mỗi độ gió chướng lao rao thổi lại thấy ông già xuất hiện trên con đường dẫn vào làng. Hình ảnh ông giờ đã trở nên quen thuộc với dân làng. Từ lúc nào không biết, mọi người đã bắt đầu mong ngóng ông. Sự xuất hiện của ông lão về làng gắn liền với mọi điều may mắn. Có nghĩa là những ngày tết đang cận kề, mọi người đã qua khoảng thời gian vất vả cực nhọc, sắp tận hưởng những ngày thảnh thơi vui chơi với hi vọng về mọi sự tốt lành. Ngoài việc lặt lá mai, dần dần ông già còn bày cho dân làng cách ươm trồng, chăm sóc, uốn nắn cây kiểng. Dân làng đón tiếp và cư xử với ông rất thân tình. Riêng cha của con bé đã mời ông ở hẳn lại. Ông lão đã từ chối. Ông bảo rằng ông còn phải về quê. Nhưng nếu có ai hỏi quê ông ở đâu thì ông lại bần thần lặng im. Vì thế không ai nhắc đến nữa. Chỉ có con bé, những đận ông ghé nhà, nó vẫn theo gợi chuyện.
- Ông ơi, quê của ông chắc đẹp lắm hở ông?
- Ờ, đẹp lắm cháu à.
- Ở đó có trồng mai không?
- Có chứ. Nhiều lắm. Đủ loại, nào mai chiếu thuỷ, tứ ly rồi bạch mai, hoàng mai...
- Ồ, thích quá.
Con bé reo lên rồi bỗng im bặt. Nó vừa thoáng thấy hai giọt lệ ứa ra từ khoé mắt sâu thẳm của ông già.
Nó bỗng nghe tim mình thắt lại dù nó không hiểu vì sao. Không dám hỏi nữa nhưng nó định thế nào lớn lên nó cũng tìm đến, thăm quê ông lão.
Một năm, con trăng tháng chạp tròn rồi khuyết dần, khuyết dần mà vẫn chẳng thấy bóng dáng ông lão. Mọi người đều mong ngóng ông. "Sao năm nay ông già không đến." "Chẳng biết chuyện gì đã xảy ra với ông?" Người ta bảo nhau như vậy rồi cũng chẳng ai tìm ra lí do sự vắng mặt của ông. Người buồn nhất làng có lẽ là con bé. Ông lão đã hứa năm nay sẽ ở lại ăn tết với nhà nó. Con bé đã soạn sửa mọi thứ. Từ nồi thịt kho, kẹo dưa giá, hũ rượu thuốc... Mất mẹ từ khi mới ra đời, con bé đã sớm tập tành nết lo toan như người lớn. Thêm nữa, nó rất yêu mến ông lão. Với nó, ông không chỉ là người đến lặt lá mai thuê, mà như một người thân. Nó đã đếm từng ngày trông chờ...
Thế mà ông lão đã không đến. Con bé càng sầu thảm hơn khi trong làng có người buôn chuyến xa về kể rằng: "Có một ông già mù nằm chết ven đường. Ông già hành khất thường đi từ làng này sang làng khác, không nhà cửa, không thân thích nên bà con xung quanh đó đã hùn tiền mua cho tấm áo quan, đắp điểm cho nấm mộ. Nghe như lời tả của người nông dân ở đây thì ông già hành khất rất giống như ông lão vẫn đến lặt lá mai ở làng ta."
Chẳng biết hư thực thế nào nhưng từ dạo ấy, không bao giờ còn thấy ông già với tiếng gậy trúc gỗ lốc cốc đi vào làng nữa.
*
Năm năm sau, hình ảnh ông già mù đã phai mờ dần trong kí ức của dân làng. Năm năm với bao đổi thay, làng Mai đã trở thành một làng hoa kiểng có tiếng, người mua kẻ bán tấp nập. Tết ấy, có một bà khách sang trọng đến xem vườn kiểng của làng. Bà ghé vào khu vườn của hai cha con. Sau khi dạo một vòng ngắm nghía, bà dừng lại trước một cội mai già, tần ngần, ra vẻ xúc động.
- Xin cho hỏi ai là người đã uốn hình con rồng này?
Đó là cội mai cao tuổi nhất ông lão mù đã uốn cho vườn nhà trong năm cuối cùng ông đến đây. Có rất nhiều người hỏi mua và đặt giá rất cao nhưng hai cha con đều từ chối. Họ muốn giữ lại một kỉ niệm về ông lão. Cô gái (chính là con bé năm nào) bảo với bà khách:
- Dạ, chính ông cháu đã uốn.
Bà khách nhẹ lắc đầu:
- Tôi có biết một người đã từng uốn nên hình dáng con rồng thế này. Chỉ duy nhất một người.
Bà khách kể:
- Ông ấy là nghệ nhân có tiếng ở làng tôi xưa kia. Ngày ông thân tôi còn sống vẫn thường mời ông đến nhà uống trà, đàm đạo về cách nuôi trồng hoa kiểng. Vườn kiểng của ông rất nổi tiếng với đủ loại cây quí được chăm sóc, uốn tỉa công phu. Người chơi kiểng ở các làng lân cận thường tìm đến ông tham quan và trao đổi kinh nghiệm. Rồi những năm chiến tranh, vườn nhà ông chịu chung số phận của cả xóm, trở thành vùng tranh chấp, là mục tiêu oanh tạc của moọc-chê, bom, pháo... Chỉ có một quả napan thôi mà trong chốc lát công sức gây dựng bao năm trời của ông lão đã bị thiêu rụi. Khi gắng sức lao vào dập tắt lửa để cứu lấy cây kiểng, ông bị mù cả hai mắt. Đau khổ, tuyệt vọng khiến ông như người mất trí. Ông bỏ làng ra đi, trôi giạt khắp nơi và đã làm đủ nghề để sinh sống. Về sau, già yếu, nghe nói phải đi ăn xin. Nhiều người khuyên ông trở về làng cũ, nhưng dù thế nào, ông cũng không thể quay trở lại cái nơi ông hằng tha thiết nhớ mong. Bởi vì, ông có thể cam chịu mọi vất vả, kể cả đói khổ và cái chết nhưng làm sao ông có thể chịu đựng nổi khi mọi người biết rằng người nghệ nhân tài hoa năm nào giờ đã trở thành một lão già hành khất.
Bà khách đã ra về từ lâu mà hai cha con vẫn còn đứng lặng nơi cội mai già. Họ bần thần nhìn dáng con rồng uốn lượn với cái đầu ngẩng cao vươn lên bầu trời và như thấy hiện lên mồn một hình ảnh ông già mù với chiếc tay nải, bộ đồ nâu bạc thếch, chiếc gậy trúc gõ lốc cốc, cất giọng rao khàn khàn "Ai lặt lá mai, lặt lá mai không...?"