Đêm trảng cát - truyện ngắn của Phan Văn Minh |
Cảm giác đó lại đến với chị Hoài khi thằng Ro nằm yên được một chặp. Chị đang chờ gà gáy dạo đầu để tiếp tục đi dang sương ngoài trảng cát.
Nằm trên giường, mắt chị cứ mở thao láo nhìn vào bóng tối. Cái bóng tối gợi nhớ khiến chị rùng mình. Chị lật nghiêng bên này bên kia. Vạt giường tre nghiến trèo trẹo dưới lưng làm cảm giác ấy tăng thêm. Đó là thứ cảm giác gồm cả sự rạo rực lẫn sợ hãi. Nó râm ran bốc nóng ở hai gò má, hồi hộp và rờn rợn. Nó bắt chị phải tưởng tượng ra những điều kì thú mặc dầu chị cố tự xua đuổi. Chị vùng dậy thắp đèn, loay hoay làm những việc lặt vặt. Rồi chị đi sắc thuốc cho thằng Ro. Nhưng dù chạy trốn cách nào, cảm giác ấy cũng bám riết lấy chị làm người nhẹ hẫng, y như có đôi cánh tay vạm vỡ đang bế thốc chị lên. Chị chống tấm cửa liếp, bước ra sân. "Chà, trăng!" Chị than và ngồi xuống bên ngạch cửa nhìn ra. Trảng cát mênh mông một màu vàng bệch. Trăng hạ tuần hắt xuống thứ ánh sáng đồng thau. Bây giờ chị để mặc cho dòng hồi ức kéo về trong sự lo âu và mong đợi.
Mười ba năm trước cũng đúng vào một đêm trăng khuyết, lần đầu tên chị Hoài gặp nó: cái cảm giác gồm cả sự rạo rực lẫn sợ hãi. Nó cũng râm ran bốc nóng ở hai má, hồi hộp ở ngực và rờn rợn ở vùng dưới. Và chị một mình lang thang trong trảng cát như người mộng du. Gan bàn chân chị lún dưới cát nhồn nhột. Ngọn gió nằm mơn trớn trên cổ, luồn vào trong nách chị gai gai. Ánh trăng mát rượi ôm ấp dải rừng phi lao tám triệu cây vừa tròn hai tuổi. Nhưng cảm giác rạo rực nóng bừng lại mỗi lúc một hừng hực bốc lên trong người chị như cồn cát giữa ban trưa gió chướng. Chị dừng lại bên con đường mới đắp xuyên qua trảng, mắt long lanh nhìn thẳng vào vầng trăng thượng huyền hình múi bưởi. Chị không hiểu điều bí ẩn nào của đất trời đã gây nên cái cảm giác kì lạ làm cho chị nửa muốn bay lên chín tầng mây, nửa muốn nằm bệt trên mặt cát. Trong niềm hưng phấn cực độ, chị muốn gào thật to và cào xé một cái gì đó. Nhưng đột nhiên có tiếng ho vẳng gần đâu đấy làm chị giật thót. Chị đảo mắt nhìn quanh và nổi gai ốc khắp mình khi thấy một bóng đen nằm co quắp dưới chòm phi lao xòe tán cách vài bước. Bóng đen khẽ cựa quậy. Một giọng người ngột ngạt cất lên:
- Ai đó? Có ve dầu làm ơn cho mượn.
Chị Hoài định thần nhìn kĩ. Chị hoàn hồn khi nhận ra anh bán nong. Anh ta vẫn thường đội một chồng nong đi qua con đường này, vừa đi vừa rao "Nong không? Nong đây!"
- Anh bán nong hả? Sao nằm đây? - Chị Hoài bước lại gần hỏi.
- Khi tối đi qua đây tự nhiên người phát nóng lạnh, cất bước không nổi nữa. Làm ơn cho mượn ve dầu gió - Người đàn ông vẫn nói bằng giọng ngạt mũi.
Chị Hoài phân vân một lát rồi bảo:
- Hay là... anh vào trong hiên nhà tôi nghỉ tạm. Nằm ngoài này coi chừng bị trúng gió.
Anh bán nong ho khục khặc, nhổm ngồi dậy nhìn chị Hoài:
- Tôi ngại... Anh nhà chị có khó tính không?
- Nhà tôi sẽ ăn thịt anh. Thôi vào đi! Ở ngoài trảng có ma đấy!
Chị Hoài cười khúc khích, quay vào trước. Anh bán nong hình như cũng sợ ma nên lật đật đứng dậy đội chồng nong lẽo đẽo theo sau. Tới hiên, anh ta rón rén đặt chồng nong nằm ngửa rồi nhẹ nhàng ngả lưng xuống không một tiếng động. Chị Hoài cầm đèn đem cho anh ve dầu. Chị thấy người anh gầy nhom, da mặt mai mái vàng. Đúng là nước da của người miền trung du. Với khuôn mặt xương xẩu, thoạt nhìn có thể nghĩ anh khoảng bốn mươi, nhưng trông kĩ lại là hăm lăm. Chị Hoài lấy làm lạ rằng với tạng người như thế làm sao anh vác nổi chồng nong trên chục chiếc đi hết làng này đến làng khác. Chị thở dài, tắt đèn lên giường nằm. Cái cảm giác rạo rực ban nãy đã tạm lắng bây giờ nổi dậy thành hình khối rõ ràng hơn trên người chị. Người đàn ông kia vẫn nằm không cựa quậy trong khoảng tranh tối tranh sáng ở ngoài hiên. Chị buột miệng hỏi:·
- Anh này, anh chết rồi hả?
Chị thấy anh ta khẽ động đậy nhưng không có tiếng trả lời. Không nín được, chị lại hét lên như người mơ ngủ:
- Anh bán nong!
- Gì thế chị chủ - Anh bán nong giật mình ngồi dậy, giọng hốt hoảng.
- Anh... anh chưa trả tôi ve dầu.
- A... đây...
Chị Hoài gắt:
- Đây cái gì. Đem vào cho tôi!
Bóng người đàn ông ngập ngừng bước qua cửa. Hai tai chị Hoài bắt đầu kêu o o. Mặt chị bừng bừng. Điều duy nhất chị còn tri giác được là cái bóng anh ta to dần, hơi thở anh cuốn tới như một cơn lốc giật. Chị ú ớ không thành tiếng:
- Anh... xoa cho tôi...
Hơn nửa tháng sau chị Hoài phát hiện mình có mang. Anh chàng bán nong không bao giờ còn đi qua con đường ấy nữa. Sờ cái bụng lum lúp của mình, chị mỉm cười: "Người đâu mà vừa nhát lại vừa yếu như sứa. Nhưng dù sao hắn cũng gởi cho mình được cái này." Chị lại lao vào công việc với niềm khắc khoải mong chờ một đứa con ra đời. Chị cứ ễnh bụng ra trước bàn dân thiên hạ. Dân xóm trảng cát lúc đầu cũng có vài lời đàm tiếu nhưng cuối cùng người ta xem việc chửa hoang của chị như là sự tất yếu. "Nó kiếm đứa con hủ hỉ. Chẳng lẽ ở vậy suốt đời!" Đó là ý kiến của các bà trong xóm.
Thằng Ro sinh ra nặng một kí tám nhưng đã mang vẻ mặt của một trung niên. Và sau này khi lên mười ba tuổi nó có dáng dấp của một cụ già. Khắp trên trán, trên thái dương và quai hàm nó chằng chịt những lằn gân xanh. Lưng còng. Lòng trắng trong mắt nó vằn vện những tia máu. Hàng xóm nhìn thằng bé chỉ biết nựng những câu đại loại "lớn nhanh, lớn nhanh cho mẹ mày nhờ". Còn chị Hoài thì cưng nó như trứng mỏng. Khi đi làm ngoài đồng, chị vác luôn chiếc nôi treo bên gốc phi lao trên bờ. Thằng bé ham bú ít ngủ, thường quậy khóc rất khó chịu, và chẳng mấy khi cười đùa. Những bà bạn giúp chị Hoài làm cỏ lúa ái ngại giùm cho chị: "Hoài à, không biết rồi mày làm ăn thế nào với ông trời con của mày." Thằng Ro già nhanh hơn lớn. Nó ăn khỏe mà đau ốm cũng nhiều. Điều làm chị Hoài khổ tâm nhất là ít khi nó quan tâm tới người khác và không thể học hành gì được. Suốt ngày nó thơ thẩn một mình ngoài rừng dương hoặc mải mê đào những cái hố nhỏ trên cát. Sau đó nó về nhà với vẻ mặt nhăn nhó nổi đầy gân xanh, lục lạo phá đổ các thứ trong nhà và hằn học vì không tìm thấy một cái gì đó. Chị Hoài có hỏi nó cũng không chịu trả lời. Bị ngăn cản thì nó lăn đùng ra vừa đạp vừa gào tướng lên, có trời dỗ cũng không nín. Một lần nó làm đổ lư đèn trên bàn thờ, chị Hoài chỉ phết một roi vào đít, tức thì nó chạy ra nằm vạ trên cát, khóc rống lên đến khi tắt thở. Thấy thế chị cũng ngã xuống ngất xỉu. Tám Lài và hàng xóm đã cứu được hai mẹ con bằng nước đái và củ sả. Sau trận đó chị Hoài không bao giờ còn dám đụng đến thằng Ro nữa. Thấy nó đập phá chị liền tìm một thứ quà gì đó dỗ cho nó ăn. Dần dần, chị để bánh và trái cây khắp chỗ trông mong giảm được những cơn giận của nó. Việc này xem ra có kết quả.
Khi thằng Ro lên mười ba thì rừng phi lao tám triệu cây đã bị đốn trụi. Chuyện đó giống như một bệnh dịch bắt đầu từ đợt khai thác đầu tiên của công ty lâm nghiệp. Chỉ trong vòng một tháng, một ngàn rưỡi hecta rừng chặt sát đất. Hình như quá nửa số chỉ còn trơ lại những gốc cây bị dân các xã vùng cát đều tham gia vào cuộc triệt hạ này. Rừng phi lao lại hoàn nguyên về thời kì sa mạc. Sau một mùa hè tất cả chân ruộng ven trảng đã bị cát xâm lăng. Cây lúa mọc lên còi cọc bệnh hoạn. Cát nóng hút kiệt nước kênh mương. Chị Hoài phải nhận thêm một sào thổ hạng sáu để làm hoa màu phụ. Suốt ngày chị quần quật tưới tắm cho những luống dưa cà. Còn thằng Ro vẫn tiếp tục phơi cái đầu to tướng đầy gân xanh dưới nắng cháy ngoài trảng. Càng ngày nó càng đi sâu hơn vào động cát mênh mông, đào những cái hố sâu hơn để tìm một cái gì đó. Nếu rình sẽ nghe nó lầm thầm nói những câu không ai hiểu được. Đến xế chiều nó về nhà người đẫm mồ hôi. Những tia máu trong lòng trắng mắt trở nên tím bầm và chân tay run lẩy bẩy. Nó không còn đủ sức để lục lạo đập phá mà lo kiếm thứ gì ăn thật no rồi lăn ra ngủ. Đến đêm nó thường đột ngột chồm dậy ngồi nói lảm nhảm một mình. Hình như nó đối thoại cùng ai đó về một ngôi nhà bằng vàng trong lòng cát. Lúc đầu chị Hoài cũng sợ nhưng sau rồi quen dần. Hàng xóm bảo đó là chứng mơ ngủ của con nít.
Đến giữa thu năm đó, bệnh trạng thằng Ro chuyển hướng nguy kịch. Nó nằm trên chõng suốt ngày rồi vùng dậy lúc đỏ đèn trong trạng thái mê ngủ. Nó vừa cằn nhằn chửi ai đó vừa xăm xăm mở cửa đi ra ngoài. Bất kể sáng trăng hay tối trời, nó lội trong những vũng nước đọng ngoài trảng ít nhất vài giờ. Mười ngón tay nó sưng vù lên vì phải đào bới hết hố này sang hố khác trên cát ướt. Đôi lúc nó ngửa mặt lên trời mà tru như chó dại. Lúc đầu chị Hoài cầu cứu hàng xóm đuổi theo lôi nó về. Nhưng như vậy nó sẽ vùng vẫy, kháng cự kịch liệt cho đến khi tắt hơi. Lại phải cấp cứu bằng sả và nước tiểu. Nhưng đêm tiếp theo chị Hoài để mặc cho nó hết đi rồi về với vẻ mặt phờ phạc ma quái. Chị sang nhà Tám Lài tìm chút an ủi trong tiếng hò hét đùa nghịch của lũ con thị. Tối nay thị bảo Hoài: "Tao nghĩ hồi xưa mày giữ thằng Quăn lại nuôi thì bây giờ đã sướng cái đời." Thằng Quăn là đứa con lai của chị Hoài. Nó vừa cùng gia đình cha mẹ nuôi sang Mỹ từ tháng trước. Hôm liên hoan chia tay với bà con, nhà ông Hội tổ chức linh đình, có mời cả làng tới dự. Nghe nói ngoài những của cải có thể bán được, các thứ còn lại họ đem biếu không cho hàng xóm. Có người được tấm hoành khắc bốn chữ "Tân gia vạn phúc", đôi nét còn dấu sơn son. Có người được chiếc khăn đóng gián nhấm vài chỗ. Chị Hoài không dự cũng không nhận chiếc áo dài cưới màu tím than do bà Hội sai người đem tặng. Mặc cho người ta bảo chị ganh tị, tiếc của đời; mặc cho bốn dây pháo nổ ran cả nửa tiếng đồng hồ, chị nằm chèo queo trên giường khóc tức tưởi về nỗi bất hạnh thời con gái của mình.
Năm mười tám tuổi Hoài sa vào tay bọn Mỹ. Chúng bắt được chị đang xúc tép ngoài sông rồi thay phiên nhau hành hạ chị suốt một buổi chiều. Những người có mặt trên khúc sông hôm ấy đều thấy cảnh đó, đều nghe tiếng kêu gào thảm thiết của chị nhưng không ai dám cứu. Bây giờ chị tự hỏi rằng sao lúc đó mình không chết. Chị chỉ bị choáng ngất một chặp rồi xuống sông kì cọ cho đến tối hẳn mới lủi thủi về nhà. Bà dì ruột, người nuôi chị từ bé đã khóc hờ suốt đêm như nhà có tang. Riêng chị không còn nước mắt để khóc cùng. Mọi thứ nước trong người dường như đã khô kiệt. Ba tháng sau cả hai dì cháu mới biết chị có mang, bà dì bảo: "Phá đi!" Nhưng cả hai người đều không có kinh nghiệm về chuyện phá thai nên cái vật bất hạnh cứ lớn mãi lớn mãi trong bụng, cho đến một lúc chị nhận ra những cảm xúc thiêng liêng của một bà mẹ. Chị lo may sắm tã lót và nói với bà dì: "Thôi dì ạ, may ra nó là một cái thằng. Nhà mình thiếu đàn ông." Bà dì nhìn cô cháu gái, thương cảm: "Mỹ trắng hay Mỹ đen?" - "Chỉ có một thằng đen." Dì thở dài, lặng im đi tìm củi đốt than và chặt một thúng cây dủ dẻ.
Đứa con sinh ra như một mắt xích trong chuỗi dài những thách thức của tạo hóa: da đen cạy và tóc xoăn tít. Dì cháu chị Hoài cúi đầu nhận lấy số phận mà không dám than vãn một lời. Họ sợ đắc tội cùng trời phật.
Năm thằng Quăn lên ba thì bà dì mất. Hai năm sau nhằm đúng vào ngày thi hành hiệp định, chị Hoài bị mảnh pháo lụi vào mông. Người ta gởi Quăn cho nhà ông Hội. Nó đã lớn ngồng, có thể lùa cặp bò cái đi ăn tận đồng xa. Khi chị Hoài bình phục, ông Hội thương lượng với chị xin nhận nó làm con nuôi. Chị không phản đối gì, chỉ yêu cầu ông cho nó ăn học tử tế. Nhưng thời buổi đạn bom, sống được đã khó nói gì đến chuyện học hành. Thằng Quăn lớn lên cùng đàn bò ngày một đông trên những cánh đồng hoang hóa. Còn chị Hoài cũng dần quên nó đi để hoàn tất nỗi cô đơn của mình cho đến cái đêm rạo rực chị hoài thai thằng Ro.
Đêm nay ngồi nhà Tám Lài nghe thị khơi lại chuyện đó, chị Hoài cứ nghĩ ông trời đang tung ra những tiết mục đặc sắc nhất trên cuộc đời chị. Bất giác, một nỗi oán giận dâng lên nghẹn nơi cổ. Nhưng giận ai bây giờ? Chị hỏi Tám Lài:
- Em già chưa chị Tám?
Tám Lài lập bập điếu thuốc con mèo, lùi một bước ngắm chị Hoài:
- Mày hả? Còn lấy được một tá trai tân em ạ!
- Không, tôi không định lấy chồng. Nhưng chẳng lẽ sống mãi thế này, buồn quá.
Tám Lài cười sang sảng, ném gói thuốc cho Hoài:
- Hút đi! Đúng, con người ta sống cốt là để vui sướng. Tao xem thằng Ro không xong đâu. Mày phải đẻ vài đứa nữa kẻo lại thành bà cô quả.
Chị Hoài mỉm cười, châm một điếu thuốc. Những ngày gần đây chị đâm ra nghiện:
- Đẻ không đẻ gì cũng được. Nhưng này...! Ông Hải chị bảo thế nào?
- Tao nói với mày rồi. "Chả" đặt vấn đề hết sức tự nhiên. Ừ tao thích những con người như thế. Nếu ưng, mày và chả cứ đường hoàng đến nhà nhau mà ở như vợ chồng, không cần dài dòng chi cả. Tự nguyện tự giác là tốt nhất.
Chị Hoài rít một hơi thuốc thật đẫy, chăm chăm nhìn đóm lửa ở đầu điếu thuốc đang cháy ngún. Chị nhớ tới cái buổi chiều mưa dầm chị bước vào quán Tám Lài gặp ông Hải đang ngồi uống rượu một mình. Ông gật đầu chào chị với một cái nhìn tích tắc. Nhưng sau tích tắc đó chị Hoài bỗng rùng mình. Một luồng hơi nóng rần rần bốc từ dưới lên làm hai má chị đỏ bừng. Chị cảm thấy dường như cả cuộc đời mình từ quá khứ đến hiện tại đều bị thấu suốt. Còn tương lai cũng sắp bị cuốn vào một dòng chảy mơ hồ nào đó. Chị chợt nghĩ đến thằng Ro và nhủ thầm: "Không, không, tôi sợ...". Nhưng chị lại ngồi ở một góc tối và ngắm người đàn ông ấy. Khuôn mặt to, râu quai nón, da ngăm đen. Cặp vai ông che kín khung cửa sổ. Ông đang nhìn những giọt tranh hay nhìn ra trảng cát, hay nhìn thấu tận chân trời nào thì chỉ trời biết. Cả con người ông chỉ toát ra một thứ mà người ta có thể nhận biết được. Đó là vẻ cô đơn bí hiểm. Kể từ hôm đó, bên cạnh nỗi ám ảnh về đứa con bệnh hoạn có thêm hình bóng hư ảo của ông Hải. Có đêm chị chiêm bao thấy mình đang ái ân cùng ông ta. Chị đâm sợ và kể với Tám Lài. Thị nhìn chị dọc một đường từ ngực tới bụng dưới làm chị phát nhột, rồi bảo:
- Tao chẳng hiểu gì về tay này lắm. Người đâu mà cứ u u minh minh như mấy cái tháp Chàm. Nhưng nếu mày thích thì tao nói cho mà nghe. Chả bảo tao nói với mày rằng chả muốn lấy mày làm vợ.
- Trời trời! - Chị Hoài đỏ mặt kêu lên - Thẳng thừng như vậy sao?
- Chứ còn gì nữa mà quanh queo. Ít ra chả cũng đã bốn lăm năm mươi rồi.
- Nhưng cũng phải tìm hiểu đã chứ!
- Phần mày chả đã hiểu tận chân lông rồi. Còn chả thì mày chẳng thể hiểu thêm được gì hơn tao đâu. Chả ở trên trời rơi xuống, làm nhân viên kiểm lâm. Nhà chả là cái trại mới cất ở trên Cồn Voi kia. Chỉ có thế thôi, con ạ!
Chị Hoài chợt nhớ gần tháng nay sáng sáng chị thường thấy một bóng người đi lên đi xuống ở Cồn Voi. Buổi chiều thì thấy ông ta hì hục đào mấy gốc dương khô rồi trồng vào đó những cây con. Hình như ông ở đó một mình.
- Có vợ con gì không? - Chị Hoài hỏi.
- Tao đã bảo chỉ biết có thế thôi mà lại! - Tám Lài gắt rồi lại cười xòa - À, ngoài ra, đó là một thằng đực. Được chưa? Mày có ưng thì ra nói lại chả.
- Em chỉ ngại mình già rồi. Không khéo người ta cười thúi đầu.
- Con mẹ này! - Tám Lài mắng át - Tao đã bảo mày còn trẻ đẹp gấp mười lũ con gái xóm này. Ai quên được mới năm nào đây mày mặc chiếc rốp trắng múa bài tình ca du mục, làm bọn choai choai cứ nhảy dựng...
Chị Hoài đỏ mặt cắt ngang:
- Thôi em lạy chị! Cứ nhắc cái chuyện cũ rễ cũ rích. Em về xem thằng Ro thế nào.
Thằng Ro đã về ngủ. Mặt mày tay chân nó dính đầy cát. Chị Hoài sờ đầu, xoa đầu cho nó và giật mình về câu chuyện đã nói với Tám Lài khi nãy. "Thằng con mình đấy, máu mủ mình đấy, mình đã cố sinh ra nó thì cũng cố mà gánh chịu." Những ngày qua chị đã tất tả chạy thuốc cho con. Hết thuốc Tây đến thuốc Bắc, cũng không xong. Người ta đồn núi Ngọc Sơn có Tiên Ông vừa giáng trần nhập xác, vừa chữa bệnh vừa xem gia sự, cho số đề, rất linh nghiệm lại chẳng tốn bao nhiêu tiền. Chị Hoài đã đến hầu và được Tiên Ông gởi cho ba thang thuốc Nam gồm toàn lá đinh lăng, dặn đem về sắc xong hòa với nước mắt và tro tóc bạc. Cứ đến gà gáy dạo đầu, người mẹ phải đứng giữa trời dang sương cho đến sáng rồi chải lấy những sợi tóc bạc. Làm được ba đêm như thế chứng mộng du sẽ dứt. Chị Hoài đã thực hiện được hai đêm rồi. Tóc có bạc nhanh và nước mắt thì bao giờ chị cũng có. Nhưng bệnh của thằng Ro vẫn chưa thấy dấu hiệu thuyên giảm mà niềm tin của chị đã vơi đi khá nhiều. Chỉ còn một đêm nay nữa thôi cho sự hiệu nghiệm của liều thuốc tiên kia. Ít ra là đối với niềm tin của chị.
Nhưng đêm nay chị Hoài đi ra trảng không phải để dang sương.
Khác với đêm của mười ba năm về trước, đêm nay cái cảm giác rạo rực ngay từ đầu đã hiện thành hình khối rõ ràng. Chị Hoài đã hiểu cái mà bản năng cơ thể chị đang cần. Và chị đi sâu vào trảng cát để cố chống lại sức hấp dẫn của con đường đến nhà ông Hải. Hình ảnh tiều tụy ma quái của đứa con trong tim chị được thay dần bởi cái thân thể trung niên cường tráng của người đàn ông mà chị mới tiếp xúc đôi lần ấy. "Ôi.... ông Hải! Ông là người thế nào? Phải chăng đây là tiết mục đặc sắc cuối cùng mà tạo hóa sẽ diễn trên số phận ta?" Chị nhắm mắt lại, chới với dang hai tay tìm một điểm tựa. Chị cảm thấy tất cả sức lực mình đang căng ra lần cuối cùng trên hai bầu vú, tất cả niềm khao khát của mình đang cuộn vồng ở phần dưới bụng. Trong ánh trăng màu đất nung đặc quánh, chị đi như trong chiêm bao. Hai bàn chân dường như không chạm đất. Chị khiếp sợ mọi phương hướng, nhưng vẫn có cảm giác mình bị cuốn hút tới một nơi nào đó đã định trước. Rồi trong lúc ý thức tan ra như sương khói trong lúc tất cả bản năng còn lại công phá dữ dội trên từng lỗ chân lông, chị nhận ra mình đang đứng trước khung cửa sáng đèn của nhà ông Hải. Dường như ông ta cũng đang ngồi lặng yên chờ chị từ hàng vạn đêm nay. Chị ngã vào ngực ông, bấu chặt lấy ông như sợ cái giây phút mặc khải ấy trôi đi.
Trong không gian hư ảo của đêm trăng cuối mùa, trảng cát vẫn lặng yên. Con người hình như nghe có tiếng rì rào cựa mình của những chồi dương non đang đâm toạc lớp vỏ nâu già cỗi.
P.V.M
---------
Bài viết cùng chuyên mục: