Sáng tác

Miền nhớ. Truyện ngắn của Lưu Sơn Minh

Lưu Sơn Minh
Truyện
11:00 | 28/10/2024
Baovannghe.vn - Cứ đêm về anh lại nghe thấy tiếng cồng chiêng. Những thanh âm ám ảnh suốt bao đêm mất ngủ: "Cheng... cheng...". Không thể trốn tránh được. Dường như nó âm thầm đi bên cạnh anh để chờ ngọn đèn tắt là vang lên "cheng cheng "... Anh nhắm mắt lại và thấy mình đứng giữa một vòng quay. Giáo mác vung lên... hát lên... và vòng quay lấp loá, màu của da thịt, màu của vòng bạc chói loà trước mặt anh: "Mày, chính mày đã phản bội lũ làng..."
aa

Anh vùng chạy "không không...". Tiếng hét đập vào vách tường và bật lại thẳng ngay vào mặt anh.

Anh gục xuống ôm đầu "cheng... cheng"...

"Lũ làng phải giết mày thôi, bọn tao quí mày như con trâu ngoài ruộng, như cái ché trong nhà. Nhưng lũ làng phải giết mày thôi, ơ thằng người Kinh...”

Anh cuống cuồng quờ tay tìm cái công tác đèn và bật lên. Không khí xung quanh ngột ngạt ghê gớm. Anh thở hồng hộc và rót vội cốc nước lọc. Nước mát lạnh... Anh táp nước vào mặt mình cho tỉnh táo và chợt hiểu rằng, anh sẽ lại mất ngủ đêm nay...

*

Mãi như thế này thì chết. Căn phòng trống đến rợn người. Những kỉ vật của bố mẹ anh được đám mạng nhện nối lại với nhau thành một mớ bòng bong quá khứ. Lũ làng à? Lũ làng nào nhỉ? Một con người từ bé đến lớn chưa ra khỏi thành phố bao giờ lẽ nào lại có liên quan đến họ? Kể từ ngày ông cụ mất, anh mới sinh ra cái chứng ấy. Trước kia anh sống vô tư như mọi người khác. Cuộc sống bình thường cứ thế trôi đi không hề gợn một nỗi buồn...

Thế đấy, còn bây giờ anh đang ở trong cơn tuyệt vọng. Những tiếng gào thét dường như từ trong tiền kiếp tuôn chảy về ào ạt, vây quanh anh thành vòng lưới vô hình. Ban ngày đi làm, anh như một người mất hồn và chẳng hề hiểu những gì người ta nói với anh cả. Trong đầu anh u u những âm thanh kì quái hoang sơ "cheng... cheng"... Và ngày như thế bao giờ cũng kết thúc bằng đêm...

Một người bạn bảo anh "Này Khoa, chắc mày bị ma ám rồi, hay là thử đi xem bói với tao!" Chẳng có ông thầy bà thầy nào nói gì hết. Họ như bị lạc vào cùng một lối u mê, họ rên ư ử và gục xuống sau khi khấn vái một hồi...

Anh lại ngơ ngác đứng lên, đi ra cửa và lừ lừ về nhà theo những lối đã quen thuộc, bỏ mặc người bạn ngơ ngác phía sau gọi ầm cả đường...

Anh thử uống một chén rượu. Thứ nấu bằng sắn, khà... cảm giác rát bỏng ở lưỡi từ từ lan xuống họng. Anh không thể nào kìm nổi một cái rùng mình. Mâm bát của bữa cơm chiều đổ lỏng chỏng trên sàn nhà. Khà, chén thứ hai cay sặc sụa và bốc nóng lên đầu, lên mặt. "Lũ làng ơi... thằng người Kinh nè! Đâm cho nó một giáo!..." Anh rót tiếp, người ta bảo uống rượu thì quên. Ừ thì quên, lũ làng cũng mặc lũ làng, nào đâm thì đâm... đâm đi!...

Buổi sáng nghỉ việc, anh bắc ghế ra cửa nhìn phố phường. Trong đầu anh vẫn ong ong tiếng hát xa lạ:

"Ê, ê... cái suối này của tao

cái rừng này của tao

Ê, ê... thằng người Kinh kia ơi

sao mày phản bội lũ làng?...

Một thằng bé nhặt rác đi qua, nó thản nhiên nhìn anh như một thứ không nhặt được. Gió ngược thổi chênh chênh cái bóng nhỏ gầy của nó xa dần. Đến cuối đường, nó rẽ sang phố khác, và mất hút...

Vậy mà bố anh mất đã gần một năm. Suốt thời gian ấy, anh sống vật vờ trong những cơn kinh hoảng và bất cần. Dần dà, anh cảm thấy quen hơi với những bài hát hoang sơ, quen với giáo mác và cồng chiêng. Anh biết rằng chúng không giết nổi anh. Lũ giáo mác kia đâm vào người anh như xuyên qua một màn sương dày đặc. Dường như vì thế, sự căm tức của đám người ấy càng ngày càng ghê gớm hơn. Bây giờ trong câu hát hoang dại, họ cầu viện đến Giàng, đến ma núi và ma suối để giết tên phản bội. Nhưng tất cả chẳng có tác dụng gì hơn. Đêm đêm anh trở nên thản nhiên đón nhận những đôi mắt căm thù và sự quái ác của khúc ca làm nhịp cho giáo mác.

"Này con ma núi...

Này con ma suối...

Thằng người Kinh phản bội lũ làng

Nó không phải là người tốt

Sao mày không giúp tao giết

Sao mày không để ngọn giáo trai làng đâm vào tim nó...

Sao mày không bắt nó trả nợ lũ làng..."

Anh bắt đầu nhẩm theo những câu hát ấy và tự nhiên thuộc từ lúc nào chẳng biết. Sáng nay anh đang xếp dọn đống giấy tờ của bố anh, miệng lẩm nhẩm "Này con ma núi..." thì chợt tìm ra tấm bằng "Tổ quốc ghi công" của ông chú, em ruột bố anh. Chẳng hiểu sao ông lại giấu tấm bằng cùng đám giấy tờ bọc kĩ lưỡng vào tận sâu một góc nhà, lẫn cùng một loạt những thứ linh tinh khác. Anh chạy vội ra phố mua cái khung kính về và lồng tấm bằng vào rồi treo lên một góc tường. Dù sao, đây cũng là niềm kiêu hãnh của quá khứ. .. Anh biết quá ít về ông chú này. Ông là em sát ngay sau bố anh và hi sinh từ thời nảo thời nào, hồi bố anh còn chưa biết mẹ anh...

Xong xuôi, anh ăn uống qua loa và nằm xuống ngủ. Được một lúc anh lại tỉnh dậy và nhận ra đêm đã xuống. Thế là anh bắt đầu nằm yên, và chờ đợi sự lặp lại của cơn tức giận nguyên thuỷ hàng đêm...

*

Chừng như hôm nay lũ làng tức tối ghê gớm. Thằng người Kinh vẫn không hề nhận nó phản bội. Già Rô quát: "Mày nhận đi, mày lừa lũ làng! Mày ăn cơm uống nước chúng tao, sao mày không dám nhận là mày theo thằng Tây. Đồ hèn, chúng tao không muốn để máu thằng hèn làm bẩn đất buôn làng. Trai làng sẽ ném mày xuống cuối con sông để cho mày khỏi làm bẩn nguồn nước..." Thằng Dút trỏ vào mặt thằng người Kinh: "Mày đánh lừa tao, mày không phải là cán bộ. Cán bộ không dẫn thằng Tây về bắn lũ làng, Tao không tin mày nữa..."

Mới ngày nào, già Rô còn nuôi giấu cái thằng đang bị trói vào cột kia. Lúc ấy, sao nó tốt thế. Nó dạy bọn thanh niên bắn cái súng, nó dạy con nít hát bài hát về Cụ Hồ. Thế rồi nó đi... Đến tận hôm rồi, nó về buôn cùng mấy thằng Tây bắt, giết bao nhiêu người. Mãi già Rô mới nhận ra nó, Giàng ơi, cái mặt nó bấy giờ sẹo ngang sẹo dọc như thằng kẻ cướp. Mà cái chân nó đi cà nhắc, cà nhắc phải có hai thằng linh dìu nó đi... Thế là cả buôn biết rằng không tin được nó nữa, chính nó đã dẫn Tây về đây. Già Rô bảo đám con trai làng phục ở đầu suối chờ nó đi qua thì cướp lấy nó... Bây giờ nó ở đây, nó bị trói vào cái cột đầu buôn. Hai thanh niên đã bị Tây bắn chết lúc cướp nó. Nhưng mà lũ làng cũng ưng bắt nó về để xử tội thằng phản bội...

Người bị trói buồn rầu nhìn lũ làng, anh biết chẳng thể nào thuyết phục nổi những con người chân thật trước mặt nữa. Trong trí óc thô sơ của họ, sự phản bội của anh đã được khẳng định rồi. Người cao tuổi nhất buôn, già Rô, đã xác nhận điều đó. Ngày anh mới lên đây, chính già Rô đã cưu mang che chở anh qua mấy trận càn. Vậy mà già nói anh phản bội, có nghĩa là không sai được. Thắng Dút, con trai của già đã từng cứu anh thoát khỏi một cơn sốt chết người. Ngày ấy, nó phải leo lên tận mấy ngọn núi cách buôn cả ngày đường để tìm thuốc cho anh. Lúc về, vội quá, tý nữa nó lăn xuống vực... Bây giờ họ chửi anh mà không hề nhắc đến cái ơn dạo trước. Đấy mới là nỗi đau lớn nhất của anh...

*

Khoa thẫn thờ giở cuốn nhật kí của bố anh ra. Đây là lần đầu tiên anh biết tới những dòng suy tư bí mật của ông cụ.

"Ngày...

Tôi tiễn Toàn về một cách hết sức tẻ nhạt bởi không thể nào tập trung được nữa. Tôi biết câu chuyện này quá muộn, và không chỉ tôi, mọi người sẽ biết đến nó quá muộn. Thậm chí hầu như sẽ chẳng ai biết về nó ngoài Toàn và tôi cả. Ngày ấy, người của đoàn thể đã tìm ra xác thằng Thái em tôi bị giặc Pháp bắn chết gần bờ con sông mà dân ở đó gọi là con sông Lớn. Tôi đã từng tự hào biết bao khi nhận tấm bằng liệt sĩ để tên nó. Vậy mà cái ngày hôm nay đáng nguyền rủa này đã run rủi để Toàn kể cho tôi biết tất cả sự thật. Tại sao tôi lại nghỉ làm vào đúng cái ngày Toàn đến tìm tôi? Lẽ ra nếu tôi đi làm, mãi mãi tôi sẽ không gặp Toàn và chẳng bao giờ biết gì hết. Tôi sẽ không biết em tôi đã dẫn Pháp về tàn sát những người từng che chở nó suốt bao năm. Nó bị chính bọn Pháp bắn chết. Toàn cũng không rõ đám lính Pháp này có biết em tôi là thằng phản bội hay không, nhưng cái chính là thật đáng đời cho nó. Chỉ có điều hai người thanh niên áp giải nó ra sông cũng bị chết theo. Vậy là cả khi chết, nó vẫn còn gây hại cho nhân dân. Quả thật bây giờ tôi không biết làm thế nào nữa... Toàn là bạn thân nó. Anh ấy chỉ kể cho mỗi tôi nghe câu chuyện này và yên tâm ra đi. Bởi Toàn đã trút gánh nặng lên vai tôi... Kể từ đây con tôi sẽ được hưởng cái quyền lợi nhờ thằng chú liệt sĩ giả. Nhưng tôi không có quyền nói ra cái giả dối ấy bởi vì nó đồng nghĩa với sự dập vùi... Thôi, đành vậy..."

Khoa ngẩng mặt lên nhìn ra phố, nắng đã vàng trên mái những ngôi nhà bên kia đường. Vậy là bố anh đã cất công giấu thật kĩ tấm bằng để khỏi phải chịu sự tra tấn bởi điều giả dối mà ông cũng có phần trong đó đập vào mắt hàng ngày...

Khoa đứng dậy khoác cái áo và dắt xe đi làm. Chiều nay, nhất định anh phải tháo tấm bằng ra và đưa nó về chỗ cũ...

"Ngày...

Tôi không chịu đựng hơn được nữa. Kể từ ngày biết câu chuyện ấy, đêm nào tôi cũng bị ám ảnh bởi câu giận dữ của những người dân ở buôn làng xa tít trong kia. Họ đòi tôi một sự thật và cả sự trả thù kẻ phản bội cũng như thằng dối trá. Nhưng tôi sẽ im lặng cho đến ngày tôi chết dù phải chấp nhận cơn ám ảnh này. Con tôi sẽ được hưởng tất cả, thế là quá đủ với tôi. Tôi biết mình hèn hạ lắm, nhưng chẳng thể nào khác được...”

Khoa trở nên có thiện cảm với những người đòi đâm anh đêm đêm. Họ là những kẻ chất phác, yêu và ghét hết sức phân minh. Anh đã được hưởng những quyền lợi từ sự phản bội của chú anh đối với họ, và anh phải gánh lấy các hậu quả ấy. Chính họ sẽ chẳng bao giờ đâm chết được anh. Nhưng cũng vì thế mà họ còn đeo đẳng cho đến chết. Dù sao, bố anh cũng đã gánh đỡ cho anh mối thù này suốt những năm cuối cuộc đời của ông. Ông gầy rộc đi nhưng vẫn cố sống để nhận về mình nỗi đau gian dối... Bây giờ, nếu anh không nói, chẳng biết anh có làm hại đến ai. Thế nhưng chỉ cần anh hé lộ sự thật ra, hình như đó sẽ là sự phản bội lại cha anh, một người suốt đời đã cống hiến cho sự nghiệp và dành tất cả cho đứa con trai duy nhất sau cái chết quá sớm của người vợ. Tức là... anh biết, anh sẽ không bao giờ để cho một ai rõ được câu chuyện này...

*

Thái bắt đầu nói sau bao nhiêu lâu im lặng: "Tôi không phản bội lũ làng. Nhưng lũ làng không tin tôi, vậy xin cứ giết tôi đi. Lũ làng hãy cho thanh niên đưa tôi xuống cuối con sông lớn và giết tôi ở đấy. Chỉ có điều không phải trói tôi đâu, tôi xin thề có mặt trời tôi sẽ không bỏ chạy như một thằng hèn nhát..." Già Rô cúi xuống ngẫm nghĩ rồi gật đầu: "Được, tao cho thằng Dút đưa mày ra con sông Lớn. Mày sẽ được chết như mày muốn. Dù sao ngày xưa mày cũng là thằng người tốt. Nhưng bây giờ thì mày chẳng còn tốt nữa..." Ông quay lại: "Ơ này Dút, mày với YDơn dẫn nó ra sông Lớn. Chúng mày giết nó rồi ném nó xuống sông. Nó là người dưới xuôi, con sông Lớn sẽ đưa nó về xuôi. Đất này không muốn có thằng phản bội..."

Dọc đường, Thái im lặng đi trước hai người thanh niên đã từng gắn bó với anh. Nhưng giờ thì họ căm thù anh hơn cả bọn Pháp. Và Thái chợt nhận ra nỗi oan của anh sẽ chẳng có ai giải thích với lũ làng nữa. Họ đã quay lưng lại anh rồi...

*

Khoa trở nên bồn chồn hơn. Anh đang đứng trước sự lựa chọn của chính cuộc đời anh. Nếu bây giờ anh nói ra sự thật, anh sẽ mất tất cả để đổi lấy sự thanh thản. Bằng không lương tâm mãi mãi ám ảnh suốt cuộc đời còn lại của anh.

Đôi lúc Khoa hăm hở đứng dậy và đi ra cửa với một cơn phấn khích. Anh cảm thấy mình có đầy đủ dũng cảm để nói hết những bí mật của hàng bao nhiêu năm cũ. Nhưng dọc đường dù chưa biết đi đâu, anh chợt cảm thấy mình có một nỗi sợ hãi vô cớ, không thể lí giải được. Và sau một hồi đạp lòng vòng, anh trở về nhà, lại sẵn sàng đón một cơn giận mới của lũ làng...

*

Bọn lính bắt được Thái khi anh chuẩn bị vượt con sông Lớn trở về với lũ làng. Chúng đánh đập anh suốt mấy ngày. Thế rồi thằng quan hai Pháp đột nhiên bảo ngừng đánh. Nó đợi đến khi những vết thương ở mặt và người Thái đã lành nhưng hai chân đau vẫn làm anh đi khập khiễng thì bắt đầu chuẩn bị cuộc càn. Chỉ có hai thằng lính kèm hai bên để lôi anh đi đã đủ để lũ làng tin rằng anh dắt Tây giết họ. Và kế sách độc ác của thằng quan hai đã thành công...

Đang đi Thái chợt linh cảm thấy có những mũi súng chĩa về phía ba người. Anh vội vã hét lên "Nằm xuống, Tây!" và xô ngã Dút. YDơn cũng thụp xuống theo họ nhưng không kịp. Cả ba người đã sa vào ổ phục kích của một đám lính Tây mới kéo lên.

Lũ làng chỉ nhận được xác của Dút và YDơn bởi vì Thái cố chạy khập khiễng về phía con sông Lớn để đánh lạc hướng bọn lính. Nhưng chúng đã bắn chết Dút và YDơn ngay sau khi xả đạn về phía Thái. Thế là lời nguyền độc nhất của lũ làng đã treo vào đầu Thái, kẻ đánh lừa lũ làng để cố hại thêm hai người trai giỏi. Hôm sau, Pháp lại kéo về và đốt sạch mấy chục nóc nhà rồi giết hơn một nửa dân trong buôn. Số còn lại bạt đi nơi khác và vì thế câu chuyện sẽ chẳng bao giờ có ai biết nữa. Hoạ chăng chỉ có Toàn đã được nghe về nó từ miệng của một người trong buôn hấp hối nằm lẫn với đám xác chết và tàn tro sau đám cháy. Anh im lặng trở về và chỉ kể cho mỗi người anh ruột của Thái mà thôi.

Cuối cùng Khoa quyết định kể tất cả câu chuyện cho ông Giám đốc nghe. Lo sợ trước những sụp đổ của thằng người yêu đứa con gái mình, ông đã khuyên Khoa tiếp tục im lặng. Dĩ nhiên ông không biết Khoa luôn luôn bị những người hoang sơ đến từ cõi nào đó đòi trả thù. Ông nói với Khoa rằng chỉ cần kể với ông là đủ, lương tâm sẽ không thể cắn rút anh được nữa bởi bây giờ anh không còn nói dối. Cuối năm Khoa sẽ được cử đi công tác nước ngoài và khi về, đám cưới đã sẵn sàng chờ đón anh...

Khoa trở về nhà với tâm trạng khá nhẹ nhàng. Chắc rằng đêm nay những người dân buôn làng đó sẽ không đòi giết anh nữa. Khoa đạp vội vã trên đường vì sợ bị mưa. Trên trời những đám mây đen nặng trĩu vùn vụt như đuổi theo anh. Khoa ngửng cổ lên nhìn trời với một vẻ thanh thản sau khi nói ra những gì anh cho là sự thật. Mặc dù... thật ra chỉ có bầu trời thanh cao mới biết được đâu là sự thật, và mãi mãi, chỉ có bầu trời mới biết được mà thôi... Mãi mãi...

Miền nhớ - truyện ngắn của Lưu Sơn Minh
Tranh của Paul Cezanne

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa Đọc truyện: Kí ức Ngoi. Truyện ngắn dự thi của Hà Phạm Phú Đọc truyện: Anh trai tôi. Truyện ngắn dự thi của Hoàng Ngọc Điệp Đọc truyện: Canh chua. Truyện ngắn dự thi của Ryan Phạm Đọc truyện: Dưới đế giày sũng nước. Truyện ngắn của Thu Trân
Văn nghệ Trẻ, số 02/1998
Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.