Chuyên đề

Người viết với chuyên đề Viết & Đọc

Câu chuyện văn hoá
15:18 | 27/07/2023
Trong quá trình thực hiện cho ra đời chuyên đề Viết&Đọc, những người thực hiện luôn lắng nghe những ý kiến, phản hồi của bạn đọc bằng thái độ cầu thị
aa

Trong quá trình thực hiện cho ra đời chuyên đề Viết&Đọc, những người thực hiện luôn lắng nghe những ý kiến, phản hồi của bạn đọc bằng thái độ cầu thị, coi đó là nền tảng quan trọng để điều chỉnh, nâng cao chất lượng qua từng ấn phẩm, sao cho phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của những người quan tâm đến văn chương trong nước và thế giới. Bên cạnh những bạn đọc công tâm, khách quan và cũng vô cùng khắt khe đó, không thể không nhắc đến những người viết đã dành nhiều thời gian, tâm sức cho từng bài viết, từng tác phẩm gửi đến cộng tác với Viết&Đọc. Chúng tôi xin trân trọng chia sẻ cùng bạn đọc, bạn viết những điều tâm huyết mà Người viết dành cho Viết&Đọc.

  1. Thưa ông, cơ duyên nào đã đưa ông cộng tác và viết bài cho chuyên đề Viết&Đọc?

Nhà phê bình Ngô Thảo: Tôi vốn mê đọc, nên thường lân la ở cơ quan Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Khi biết Giám đốc Nxb – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cùng các anh chị ở Nxb có ý định ra một Giai phẩm văn chương, là tôi ủng hộ ngay.

Vẫn tự biết, mình đã là lớp người của quá khứ rồi, nên việc có ích nhất chỉ là cổ vũ những tìm tòi, sáng tạo làm sôi động hoạt động văn chương, khơi nguồn năng lượng ở nhà văn mọi lớp tuổi để văn học có những tác phẩm được người đọc rộng rãi chú ý. Đất nước đã gần 100 triệu dân, đa số là công dân trẻ, đi học, đi làm, mà ấn phẩm văn chương chỉ dừng ở con số hàng nghìn, thì vị trí xã hội của nhà văn, của văn chương sa sút là một thực tế. Một chuyên san kịp thời giới thiệu những tác phẩm hay, mới, tập họp được nhiều cây bút đang sung sức, tự nó đã có nhiều tác dụng, cả với người viết lẫn người đọc. Việc phát hành rộng rãi trong ngoài và nước vừa chứng tỏ chất lượng bài vở, vừa nâng giá trị văn chương trong mắt nhiều đối tượng lâu nay có vẻ xem thường, và xa rời văn chương… Rất tiếc là trình độ tôi có hạn, nên cũng chỉ làm người đọc và cổ vũ là chính.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập:

Vốn từng làm báo Văn nghệ Trẻ với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nên khi biết Viết&Đọc do anh sáng kiến và phụ trách, tôi rất vui. Tôi tìm đọc, ngay lập tức tôi nhận ra đây là tạp chí văn chương đáng đọc nhất hiện thời.

Sau đó tôi đặt mua dài hạn, mặc dù cả nhà văn Yên Ba và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đều sẵn sàng gửi tặng. Những gì tôi thích thường tôi tự mua chứ không muốn được tặng biếu. Mua cũng là cách thể hiện sự tôn trọng của tôi với Viết&Đọc. Nhiều lần Nguyễn Quang Thiệu động viên tôi tham gia Viết&Đọc. Nể quá tôi mạnh dạn gửi chùm tản văn về Hà Nội. Khi thấy sáng tác của mình đăng ở Viết&Đọc được sáng và sang hơn, tôi đã tự giác cộng tác với chuyên đề này.

Nhà văn trẻ Phát Dương: Không hiểu bằng cách cụ thể nào,Viết&Đọc như một “truyền thuyết văn chương” của những lời đồn.

Tôi bắt gặp đâu đó, trên không gian mạng và cả những cuộc trò chuyện thực, bàn luận về chuyên đề. Rằng có bài trên Viết&Đọc thì rất… oai. Rằng chuyên đề tự do, phóng khoáng. Rằng một ấn phẩm chất lượng, đầu tư. Ngay cả trên chuyến xe đi trại sáng tác, nghe các nhà văn nhắc về chuyên đề này, làm sao tôi không chú ý được! Họ kể, điểm tên, so sánh những cây bút trẻ. Tự bản thân mỗi người nghệ sĩ đều ham muốn thử thách bản thân, dù chuyên nghiệp hay non nớt. Tôi muốn viết. Nên khi nhận được đề nghị cộng tác từ biên tập viên, tôi lập tức sắp xếp gửi ngay.

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng (từ Canada):

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có nhã ý đề nghị tôi viết bài giới thiệu các cây bút hải ngoại, tôi hào hứng nhận lời, và đến nay chúng tôi đã qua nhiều số, về thơ.

Có phải đó là cơ duyên? Đó là niềm vui lớn đối với tôi, không những vì tác phẩm được bạn đọc chú ý, mà còn là cái vui chung trong việc mở một cánh cửa giữa Nam và Bắc, trong nước và ngoài nước.

2. Lý do nào khiến ông chọn tác phẩm của mình đăng trên Viết&Đọc?

Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Người ta nói chọn mặt gửi vàng, tôi làm đúng như vậy khi chọn tác phẩm gửi cho Viết&Đọc. Tác phẩm của tôi tất nhiên không là vàng, chúng là những gì tôi ưa ý nhất.

Nhà văn trẻ Phát Dương: Trên tất thảy, là sự tự do. Người trẻ dù có mang đôi cánh sáp vẫn mong được một lần bay. Họ muốn tung người, thỏa thuê trong cơn gió chữ: bay giữa bầu trời rộng lớn không vướng víu lá cành và dây điện ngang dọc. Họ muốn được làm trước khi được sai. Câu động viên của biên tập viên như bước chạy đà nâng cánh: cứ viết đi, bất cứ ý tưởng nào mới lạ. Có điều gì hấp dẫn hơn thế? Hơn cả miếng bánh ngon với người đói lâu ngày, văn chương cần sự tự do ấy. Và khi biết mình sẽ được lắng nghe, góp ý, được sáng tạo và học hỏi; tôi không thể không viết.

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng (từ Canada): Tôi học được nhiều từ các tác giả trên Viết&Đọc, những người nổi tiếng và những người mới viết.

Có bốn đặc điểm của Viết&Đọc:

- Ý thức làm mới văn chương.

- Ý thức hòa hợp dân tộc.

- Mở ra thế giới đương đại.

- Tiếng nói ngày càng thẳng thắn đối với các vấn đề xã hội.

Nhân đây, tôi xin cám ơn Ban biên tập Viết&Đọc, số Mùa Hạ 2023 có mục giới thiệu về tập “Thơ buổi sáng”, gồm một chương nhận định của nhà phê bình Đỗ Quyên. Tôi hiểu đây là tấm lòng của các anh chị đối với thơ, nói chung.

3. Ông đánh giá vị trí của ấn phẩm Viết&Đọc trong sự quan tâm của bạn đọc như thế nào?

Viết& Đọc mùa Hạ

Nhà phê bình Ngô Thảo: Hơn 5 năm, chưa phải là dài. Một chuyên đề in hàng quý, nên cũng không đặt cho nó những sứ mệnh gì lớn lao quá, dễ làm mếch lòng nhiều người chưa có dịp tham gia viết hoặc đọc Chuyên đề. Chỉ biết rằng, trong nhiều ấn phẩm của Hội hiện nay, thì Viết&Đọc xem ra có diện mạo bắt mắt nhất, có người hâm mộ thuộc nhiều giới, và hình như số lượng phát hành đang ngày một tăng. Đó là những tín hiệu làm nên bởi chất lượng bài vở, cách tổ chức nội dung từng số Chuyên đề. Đó cũng là lời kêu gọi, lời khuyến khích gửi tới những bạn viết văn, yêu văn chương tự nâng mình lên để có tác phẩm xuất hiện trong ấn phẩm đang nằm trong tầm ngắm của bạn đọc ngày càng yêu cầu cao đối với văn chương này.

Riêng tôi, làm lý luận phê bình, tôi đánh giá cao những bài viết các thể khác nhau thuộc phần này. Nhiều bài không chỉ có giá trị văn chương, mà còn có giá trị khoa học. Để khuyến khích các nhà khoa học nhân văn có bằng cấp viết bài cho phần này, có lẽ Chuyên đề nên đăng ký chỉ số ISI (Institute for Scientific Information) - cơ sở dữ liệu của Viện Thông tin Khoa học tại Hoa Kỳ hoặc Scopus - cơ sở dữ liệu của Nhà xuất bản Elsevier tại Hà Lan. Cả nước hiện có 387 Tạp chí được coi là khoa học nằm trong danh sách này. Mà lạ là gần chục Hội sáng tạo văn học nghệ thuật, không một cơ quan ngôn luận nào có tên trong danh mục này. Khoa học tự nhiên đang có phong trào đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, phục vụ đời sống. Hàng ngàn tiến sĩ, thạc sĩ văn chương cũng nên đưa những lý luận cao siêu họ nghiên cứu, soi chiếu vào văn học hiện đại nước nhà bằng những bài viết có giá trị. Nên chăng, Chuyên đề Viết&Đọc đi tiên phong trong việc này!

Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Tôi đã nói nhiều lần rồi. Đây là tạp chí văn chương đáng đọc nhất hiện thời. Tất cả báo chí văn chương Việt không một tờ nào sánh được. Vừa rồi tôi đã viết Facebook: "Nhà văn nào được đăng trong tạp chí này đều rất mừng, tui cũng rứa. Lời khuyên chân thành với các nhà văn trẻ và những ai yêu văn chương: Nên đọc và viết cho tạp chí này. Các bạn sẽ không phải hối tiếc."

Nhà văn trẻ Phát Dương: Trong văn đàn hay cộng đồng người viết nói chung, Viết&Đọc giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Mỗi quý một số, tôi trông thấy các cây bút trẻ vừa tò mò (vừa ganh tị) vừa theo dõi các cái tên mới, những tác phẩm, những hiện tượng đang diễn ra trong giới văn chương. Có điều, nếu ví giản dị Viết&Đọc là một loại hoa quý thì cây hoa này mọc nơi rừng rậm. Tức là độ phổ biến còn hạn chế, ít nhiều chỉ những người viết nhắc với nhau. Sự đa dạng còn hẹp (đường rừng ít ai dám bước). Tôi nghĩ nếu được phổ biến rộng hơn, đây hẳn sẽ trở thành một mục tiêu phấn đấu tốt cho những ai muốn viết và sống với con chữ. Thế thôi.

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng (từ Canada): Trong một rừng báo chí hiện nay, Viết&Đọc là thứ mới nhất, can đảm, bao dung nhất. Nó làm công việc mở đường. Thành kiến hãy còn nhiều: Viết&Đọc giúp xóa bỏ điều ấy. Nhưng mặt khác, một nền văn học dù bao gồm nhiều tác giả, thì giá trị của nó trong thời gian vẫn phải dựa vào một vài cây bút tài năng. Trong khoa học cũng thế. Các nhà văn có cá tính; và giọng nói riêng tư của họ làm nên giọng nói của một nền văn học. Tôi tin rằng trên thế giới hiện nay kỹ thuật viết là quan trọng. Phong cách và kỹ thuật viết: hai thứ làm nên các tác phẩm nổi tiếng thời bây giờ.

Viết là sự thăm dò vào cái bên trong và cái bên ngoài của một đời sống. Rời bỏ cái cũ, những giáo điều, cũng khó khăn và đau đớn như khi bạn rời bỏ một tình yêu. Chúng ta mất quá nhiều, sau chiến tranh, sau chia rẽ, tàn lụi, vong thân; sự tưởng tượng văn chương bù đắp điều ấy. Văn chương hôm nay phải làm cho người Việt gần lại với nhau, Nam và Bắc, trong và ngoài, già và trẻ. Giai phẩm Viết&Đọc làm được phần nào, mở rộng cánh cửa cho nhiều nhà văn nhà thơ khác nhau, thuộc mọi khuynh hướng. Nhưng văn chương, trong khi nối kết con người, lại là một thứ nghệ thuật cô độc, hướng vào bên trong. Những tác phẩm xuất sắc bao giờ cũng tìm được sự cân bằng giữa hai đối lập: tôi và người khác.

Viết & Đọc mùa Xuân

Tôi mong giai phẩm khai triển thêm các khuynh hướng: về văn xuôi miền Nam, về văn xuôi hải ngoại, chuyên đề về một tác giả, nghiên cứu và phê bình. Riêng phê bình, có hai loại: phê bình lý thuyết, trong nước hay gọi là lý luận (critical theory), và phê bình thực hành (practical criticism). Cả hai đều quan trọng như nhau. Theo tôi, phê bình lý thuyết hiện khá mạnh, nhưng phê bình thực hành còn yếu, không có tác dụng gì mấy đối với thực tế sáng tác.

Một chuyên đề làm nên trung tâm của các sinh hoạt văn học, ở đó những người thành thực nhất có thể kể lại câu chuyện đời mình và được lắng nghe. Câu chuyện ấy ngày càng sâu và ngày càng phong phú, ngày càng đẹp và ngày càng đau khổ. Ban biên tập Viết&Đọc thật khiêm tốn, tôi biết thế, và tôi yêu mến điều ấy. Nhưng những người khiêm tốn nhất thường là những người có hoài bão lớn. Tôi xin được cám ơn các bạn về những hoài bão ấy.

Xin trân trọng cảm ơn và chúc các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình luôn mạnh khỏe, dồi dào sáng tạo và hạnh phúc!

PL ( thực hiện)


Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.