Để có 2 tập Thơ ngắn ra đời trong 5 năm (Tập 1 năm 2015, tập 2 năm 2019) thì Nguyễn Hoa đã sáng tác khoảng chừng 30 năm có lẻ. Như vậy sự hình thành Thơ ngắn đủ độ dài hơn một thế hệ để ổn định giá trị chính mình. 2 tập Thơ ngắn khoảng 120 bài. Bài dài nhất 8 câu, ngắn nhất 3 câu. Có mấy bài lục bát, mấy bài 4 câu, 5 câu, 6 câu. Phần bao trùm là thơ tự do. Thế mạnh của thơ tự do là ít chú ý đến vần điệu, mà chỉ cần phát triển ý, thơ tự do vì thế thường dài, khó thuộc. Ý thức được điều này, học được từ cách nói của ca dao tục ngữ thành ngữ, của các thể thơ ngắn trong và ngoài nước, Nguyễn Hoa cô chữ lại, bó câu lại, bài thơ còn vài câu, ý gọn tứ rõ ảnh thật và trong như một câu hát.
Khác với niêm luật của thơ truyền thống và thơ cổ điển phương đông, thơ Nguyễn Hoa thường hay đi từ biểu tượng đến hình tượng. Chính cái đa dạng của biểu đạt văn xuôi tạo thế cho anh “thôi xao” mà có câu thơ lóng lánh. Anh lại chú ý đến lôgic của đối tượng nên cách cảm của anh dẫn đến cách nói hấp dẫn. Ta xem bài Với Bông hồng: “Ngoài cửa sổ phòng tôi/ Bông hồng nở/ Tôi muốn hái/ Tặng em/ Nhưng không nỡ/ Làm trống đi một chấm đỏ của trời xanh”. Ở đây có sự liên kết của bông hồng, trời xanh, em và tôi. Người thường thì phải em mới số một, và bông hồng chắc ở trên tay. Người thơ có đắn đo nhưng rồi chọn cái đẹp thiên nhiên hài hòa. Thế là đụng đến mỹ học rồi.
Hay bài Mặt đất ươm cây: “Khi những con chữ/ Mảnh vụn trái tim tôi/ Vỡ.../ Được đặt lên bàn tay bạn như hạt giống nhỏ/ Và Bạn ơi/ Tôi làm sao không sung sướng/ Được ngã nhào thành mặt đất ươm cây!”. Phải phủ định đi, phải qua cái tận cùng, thậm chí là cái chết, để hồi sinh lại, để phục sinh lại, để mà “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa! – thơ Nguyễn Đình Thi”. Bài này vừa Chân vừa Thiện. Nó giúp ta nhìn được cái khẳng định trong cái phủ định, mà ta hay gọi là lạc quan.
Giọng điệu triết lý trữ tình là âm hưởng chủ đạo trong Thơ ngắn Nguyễn Hoa. Bài thơ Mỗi một: “Mỗi sớm/ Một nụ hôn/Mỗi chiều/ Một mong đợi/ Mỗi khát/ Một đời người thì đầu là trữ tình giữa là tâm trạng kết là triết lý. Đang từ trạng ngữ thời gian với những cụ thể, tự dưng mở ra một trạng thái, mà có lý. Bài Cõi người: “Buồn một trăng mọc/ Buồn một trời sao chín mọc/ Đơn cô/ Hoang sơ/ Buồn một nỗi buồn/ Đợi chờ/ Buồn ngàn nỗi buồn/ Người tới.../ Hôi hổi/ Cõi người!” trên tác giả dùng số từ để liệt kê. Bài thơ chuyển cũng từ số từ nhưng là ngàn, vậy là nhiều, là tập thể rồi. Vẫn buồn nhưng là chia sẻ. Mà thơm ngon vì nó hôi hổi như miếng bánh ấy. Thăm thẳm lắm.
Từng là một người lính, nay làm văn, tạm chuyển từ khẩu súng sang cây bút, không lạ gì chủ đề giữ nước, chiến tranh, những hy sinh mất mát cứ đeo bám lấy anh, tạo cho anh có một quan điểm nhất quán về lịch sử, về kẻ thù, về hòa bình. Trong Chiến Tranh (1): “Những người lính/ Chết trong chiến tranh/ Đau không chỉ riêng mẹ/ Cả nhân loại tội tình/ Đã giết đi tuổi trẻ!” Giết đi tuổi trẻ là giết đi mùa xuân của nhân loại. Trong Chiến Tranh (2): “Trong chiến tranh/ Những người đàn ông/ Thử thách lòng mình/ Dũng cảm/ Còn những người phụ nữ/ Ngoài dũng cảm/ Đó là sự đợi chờ/ Trong cô đơn!”. Những người vợ, những người mẹ, những người yêu họ anh hùng làm sao. Nguyễn Hoa đã nói hộ cho ta một nỗi niềm ngưỡng phục.
Nhân vật trữ tình trong Thơ ngắn Nguyễn Hoa cũng đa dạng nhưng đều có chiều sâu nhân bản và lý tưởng. Họ trước hết là những người mẹ, người vợ, con cái... nhưng nhiều nhất vẫn là em và người lính – đồng chí. Trong bài Ngọn Gió, mẹ vẫn nghèo khổ lắm: “Cồn cát dài trắng muốt/ Những mái nhà loi thoi/ Hàng dương xanh không khuất/ Cửa mở ngóng sóng khơi/ Mẹ gày nắng bạc vai/ lửa trời vàng vẫn đổ” để tình con hiếu thảo như một cách ví hay: “Thơ con như ngọn gió/ Từ biển về mẹ ơi”. Cả bài thơ cấu tứ như câu chuyện. Khi đặt cái tinh thần là thơ ví như ngọn gió mát là làm mát lòng mẹ, mới hiểu câu triết ly nước mắt chảy xuôi để càng thương mẹ hơn. Ta chỉ cho mẹ được có vậy thôi.
Bài Trước Mồ Mẹ lòng riêng mà nói chung: “Ngày đông trước mồ mẹ/ Mẹ ơi! Con gọi mẹ một tiếng/ Chỉ lời gió xạc xào/ Mẹ ơi! Mẹ ơi – Con gọi mẹ hai tiếng/ Chỉ cỏ khẽ rùng mình/ Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ ơi – con gọi mẹ ba tiếng/ Trăng mờ tỏ hương khói se hanh/ Vẳng nghe tiếng mẹ: Kỳ con”. Ba câu gọi. Gọi một tiếng, hai tiếng động đến thiên nhiên. Lần gọi ba tiếng động đến lòng người. Lòng mẹ thương con kể cả khi đã khuất.
Nhưng trong Thơ ngắn Nguyễn Hoa, bài thơ Đất Gụi Gần mới là đặc sắc cho thi pháp của anh khi viết về mẹ: “Cha áo cỏ xanh – Mẹ non trẻ/ Con áo cỏ xanh – Mẹ luống già/ Đường dài cha đi – Mẹ bước khỏe/ Đường ngắn con đi – Mẹ chân chậm/ Gặp mặt cha, con – Mẹ mùa xuân/ Cha mẹ không còn – con tóc trắng/ Trời cao xanh – Đất gụi gần!”. Những cặp so sánh đều tương hợp hoặc tương phản có lý. Kết trời đất như thế là như thành ngữ. Cái quan trọng là sự khẳng định luân lý tự nhiên. Nó là thế. Nó nhất định phải thế. Chúng ta dựng nên nó, Giữ gìn nó chính vì cái chân lý hiển nhiên đó. Bài thơ có kết nhịp 4/3 chắc khỏe.
Nhân vật trữ tình xuất hiện gần như nhiều nhất trong Thơ Ngắn Nguyễn Hoa là Em. Không ngờ Nguyễn Hoa đa tình đến thế. Em ở ngoài đời, em ở trong mơ. Em ở miền núi rừng, em ở miền sông biển. em ở khi xa, khi gần, đều thiết tha, đắm say, tan biến. Hãy xem Muối: “Em là muối/ Ướp nỗi đau/ Tươi mãi!”. Tình mà có nỗi đau đến chết như vậy thì tình phải sâu lắm. Và kỷ niệm không thể quên được ấy được ướp giữ tươi mãi nó mới đẹp ấm làm sao!
Nhưng tình yêu phải có ngọt ngào. Thì đây Xuân Quánh Ngọt: “Trời non non/ Lộc biêng biếc/ Em thơm ngon/ Xuân quánh ngọt/ Trời non non...”, có lẽ không cần bình gì thêm.
Tôi muốn dẫn một bài chốt nói về em. Bài Mùa Hạ: “Tràn trề mưa mùa hạ/ Nở bung cả đất trời/ Vàng cao xanh nắng hạ/ Cuồn cuộn trôi sông đầy/ Ngất ngây em mùa hạ/ Chín thơm anh giữa ngày!”. Cái ngất ngây em làm chín thơm anh là độ hóa thân hòa quyện cao trào của tình yêu làm ta cũng bỗng dưng khát thèm mà mơ mộng!
Những bài thơ có địa danh cụ thể cũng đóng một vai trò không nhỏ làm nên diện mạo Thơ ngắn Nguyễn Hoa. Ở đây chủ đề yêu đất nước quê hương được cụ thể hóa. Bài Ở Chùa Keo: “Hội làng mở/ Anh gõ vào khánh đá chùa Keo/ Đá vang cung bậc đá/ Còn anh?/ Ngoài kia ào ạt trận mưa mùa hạ/ Sấm nổ/ Còn anh?/ Ngoài kia cánh đồng lúa đang mát xanh/ Hoa lúa trổ/ còn anh?”. Quá khứ trong vang hiện về, hiện tại động ầm đã đến, tương lai sáng tươi vẫy gọi, còn anh? Chả lẽ cứ tồn tại hay không tồn tại mãi sao? Bài thơ này cú pháp và giọng điệu đơn giản, nhưng ẩn cái triết lý trong trữ tình thì thủ pháp thật cao tay.
Bài Đêm Trăng Cần Thơ: “Trăng vàng chín đêm/ Mênh mang sông lên/ Miệt vườn bừng dậy/ Cỏ cây múa nhảy/ Hương thơm tràn đầy.../ Đất trời hây hây/ Ngất ngây thành phố/ Ninh Kiều tôi say/ Bến bờ xuân lạ...” là một bức tranh hàm chứa sức sống bao đời của đất nước con người phương Nam.
Còn nhiều bài thuộc dạng này, nhưng tôi chỉ xin chọn bài Hoàng Sa. Nỗi đau mất đất lại phải chịu đựng sự trắng trợn. Mà vẫn phải nhẫn. Mà vẫn phải nói. Nói với tổ tiên, với đất đai, với cỏ cây, với linh thiêng, rằng chúng tôi vẫn hiện diện, cả dân tộc tôi đang hiện diện, không vấp lại nỗi đau Trọng Thủy – Mỵ Châu: “Bãi cát vàng – Bãi cát vàng – Bãi cát vàng/ Hoàng Sa – Hoàng Sa – Hoàng Sa/ Sóng chìm sóng nổi/ Bao ngôi mộ gió/ Hồn người/ Từ Lý Sơn gọi/ Xương thịt cây dâu thiêng/ Đang nói, đang nói, đang nói.../ Có tôi, có tôi, có tôi!/ Ba trăm năm không mỏi!”. Để cây dâu đại diện là hay. Cái cây dâu của phụ tử của mái nhà cổ tích thành hình tượng của hôm nay đấu tranh giữ đất tiếp nối 300 năm không mỏi thì ý tứ tinh trầm đến thế.
Trên tôi đã nhắc tới một chút kỷ niệm với bài Chim Sơn Ca. Xưa nay Xướng ca vô loài đã là thành ngữ. Nó cũng là một sự thật. Tài hoa cỡ như Đào Duy Từ cũng còn phải bỏ đất Bắc hà mà đi. Nhưng dù tiếng đại bác có gầm thì chim họa mi có ngừng hót không? Không. Bài thơ nói hộ cho người nghệ sỹ hãy cứ là mình, dẫu có... Chim Sơn Ca: “Bình minh/ Chim sơn ca mải mê cất cao tiếng hót/ Chùm lá biếc rung ring/ Người đi săn/ Giương súng lên rình!/ Mà không hay biết/ Chim sơn ca vẫn hót/ cho cả số phận mình!”
Chất trữ tình ôm lấy chất triết lý, dẫn dắt chất triết lý, tạo thế bất ngờ. Đã thức ngộ đến thế thì cảnh giới thiền vẫn có, bất chấp là động hay là tĩnh. Đây là một trong những bài thơ ngắn của Nguyễn Hoa được độc giả và đồng nghiệp đón nhận nhiều nhất.
Để nói về Thơ ngắn Nguyễn Hoa cũng như sự đóng góp về thi pháp hiện thực triết lý trữ tình của anh trong Thơ ngắn chắc không thể nói hết trong một bài. Những giá trị của nó rồi sẽ được nhiều người, được cả thời gian nữa cảm nhận. Bài viết này chỉ ghi lại một lao động miệt mài và lặng lẽ của một người thơ khiêm nhường nhưng trân trọng thành quả của mình. Và đó là một điều đáng quý.
Nguồn Văn nghệ số 28/2020