Diễn đàn lý luận

Nhà thơ, nhà báo Bình Nguyên Trang - Đằm thắm một chữ “Tình”

Vương Tâm
Chuyện văn chuyện đời
12:00 | 15/12/2024
Baovannghe.vn - Tôi bất ngờ có một miền ký ức như vô hình, tình cờ gặp nhà thơ Bình Nguyên Trang, đúng vào thời điểm chị lang thang tìm nơi ở trọ (hồi 2001). Lúc ấy Bình Nguyên Trang là phóng viên báo Hoa Học Trò, đã từng được giải Văn học Tuổi xanh của báo Tiền Phong (1997). Từ đó tôi được đọc thơ Bình Nguyên Trang, khi chị gửi đến báo Hà Nội Mới cuối tuần, nơi tôi làm việc ngày đó…
aa

Dặm trường một thuở “Tha hương”

Sau này tôi mới hay, Bình Nguyên Trang đã bắt đầu sống tự lập từ năm 10 tuổi, khi đi học trường chuyên văn ở huyện Hải Hậu, Nam Định. Từ đây mộng văn chương của cô bé Vũ Quỳnh Trang (tên thật của Bình Nguyên Trang) bắt đầu hình thành. Nỗi nhớ quê hương, với những bông hoa gạo và con sông chảy qua làng ấp ủ một hồn thơ bé bỏng, chờ đợi những bài thơ đầu tiên ra đời. Điều may mắn với Bình Nguyên Trang ngày đó, khi được học thày giáo dậy văn nổi tiếng Nguyễn Ngọc Ký, người đã nuôi dưỡng tâm hồn văn chương của Bình Nguyên Trang ngày một trỗi dậy. Sau này, nhà thơ Bình Nguyên Trang cũng đã từng viết trong một bài tản văn, nhắc lại những buổi dạy văn hay đến mê hồn của thầy Nguyễn Ngọc Ký. Đó là ấn tượng của ba năm trời cơm niêu nước lọ, vời vợi nỗi nhớ tuổi thơ.

Nhà thơ, nhà báo Bình Nguyên Trang - Đằm thắm một chữ “Tình”
Nhà thơ, nhà báo Bình Nguyên Trang

Đến khi được lên học trường chuyên Lê Hồng Phong, tại TP Nam Định, Bình Nguyên Trang tiếp tục sống “một mình”. Nhưng đến thời điểm này năng lượng thi ca đã tràn đầy, thúc cho những bông hoa thơ bật nở. Đó là bài thơ đầu tiên được in trên báo Hoa Học Trò, năm 1992, khi ấy Trang vừa tròn 15 tuổi. Bài thơ “Hoa gạo tháng ba” để lại dấu ấn của tâm hồn trong sáng, da diết nỗi nhớ gia đình, quê hương. Đây là sự khởi đầu tốt đẹp cho Bình Nguyên Trang. Liên tiếp sau đó là những giải nhất, cả thơ lẫn truyện ngắn của Thành Nam đã đến với cô học sinh chuyên văn này. Và, phác thảo một chân dung thơ bắt đầu hình thành, khi Bình Nguyên Trang trình làng tập thơ đầu tiên, vào tuổi 18 (Tập thơ “Lối về”-1995). Những năm tháng một mình hoang hoải, với tình yêu đầu tiên mộng mị, hồn nhiên đã làm nên một giọng điệu mới. Sau này, những bài thơ về hoa gạo, hay sự mầu nhiệm của thời gian tháng ba, cùng với hình ảnh người mẹ; Bình Nguyên Trang có khá nhiều câu thơ hay như: Nhưng hôm này con về lại khu vườn. Về lại tuổi thơ vịn cây cầu đã gãy. Vịn nỗi buồn rong rêu mà đứng dậy. Nhìn dấu vết thời gian qua tiếng thở dài (Mẹ). Hoặc bạn đọc không thể quên được những câu thơ khi “Mỗi tháng ba về”, rằng: Trái tim tôi màu hoa gạo rất hồng. Đập nhọc nhằn mùa tháng ba đói khổ. Tôi không được quên dù chỉ một viên sỏi nhỏ. Mòn mỏi những chiều nước chảy bèo trôi. Nỗi xót xa trong sự bươn chải theo thời gian nhà thơ tự sám hối, quay về: Có đôi khi tôi mê mải tháng ngày. Tôi phung phí thời gian và tuổi trẻ. Rồi tháng ba nhói lòng hoa khế. Tôi tìm về nhặt hoa gạo hố vôi. Đó là những ký ức về nỗi niềm “tha hương” luôn bật dậy mỗi khi chiêm nghiệm trong đường đời.

Sau tập thơ đầu tiên, cùng với giải thưởng “Văn học Tuổi Xanh” của báo Tiền Phong, Bình Nguyên Trang bắt đầu nổi lên là một cây bút đầy triển vọng về cả hai lĩnh vực văn thơ và báo chí. Mấy năm sau, chị cho in tập truyện “Chuyến tàu thời gian” - năm 2000; và tập thơ thứ hai “Chỉ em và chiếc bình pha lê biết” - năm 2003. Qua những tác phẩm lần này, bạn đọc nhận ra một Bình Nguyên Trang đang tìm con đường bứt thoát, khao khát sáng tạo. Chính vì thế mà Bình Nguyên Trang có những bài thơ hay và những câu thơ được găm vào trái tim người đọc, nhất là những bạn trẻ. Hẳn nhiều bạn còn nhớ đến những câu thơ tình đắm say của Bình Nguyên Trang: Em đã tưới hoa bằng nước mắt của em. Điều đó chỉ có em và chiếc bình pha lê biết; hoặc thẫn thờ như: Dường như anh đã bỏ em ở lại. Ngay khi ta ngồi bên nhau. Con ngựa tình yêu chạy ra ngoài đồng cỏ. Bỏ lại xanh xao một vạt nắng chiều. Nỗi cô đơn chồng chất với những tháng năm lang thang vô định.

Kể cả sau này, từ báo Hoa Học Trò chuyển sang báo Văn nghệ Công An, năm 2004, Bình Nguyên Trang vẫn “một mình” trong các gian nhà trọ. Chị đã chuyển đổi không biết bao nhiều nhà thuê, khắp bốn quận huyện, thành phố Hà Nội. Việc làm ổn định, sự nghiệp văn chương ngày càng phát triển, nhưng mọi nỗi niềm ưu tư vẫn còn đó. Yêu đằm thắm và ngọn nguồn thơ da diết, thậm chí có phần mãnh liệt, nhưng nữ sĩ vẫn ai hoài, sầu muộn. Thật nặng lòng khi nàng thơ bày tỏ với mẹ rằng: Mỗi lúc trên đường nghẹn lòng thổn thức. Những ảo tưởng như mùa sương về buông kín lối. Con đã miệt mài trên cánh đồng tình yêu. Tìm người đàn ông dám vì con mà bỏ quên tất thảy (Mẹ). Những ước mơ và khát khao không bao giờ tan biến trong trái tim nồng nhiệt, nữ sĩ Thanh Nam luôn luôn yêu thương cho dù chia xa: Em chờ gì phía cuối dòng sông. Cỏ vẫn xanh như ngày anh đến. Trái tim hát dưới vòng tay ghì chặt. Rạng rỡ tháng hai trên gương mặt xuân thì.

Những hồi ức lang thang một thời ở trọ kéo dài như mạch nguồn cảm xúc kỳ lạ trong thơ của Bình Nguyên Trang. Nỗi cô đơn thăm thẳm và tình yêu nồng cháy cùng sự mệt mỏi đã làm nên diện mạo thơ đằm thắm, và ngày càng lắng đọng trong những thi phẩm. Đây đó ta lại gặp những câu thơ ở trọ rất lạ lùng: Tôi thương đôi bàn chân mệt mỏi. Mười năm không đến nơi cần đến. Người đi lối cũ thuyền đỗ bến. Trước mắt, đường ơi, ngút ngát dài” (Hát về đôi chân mỏi). Đặc biệt khổ thơ trong bài “Ở trọ” đã làm lay động trái tim bạn đọc, với những câu buồn tê tái: Em đã lo âu khi nhìn lá đổi mùa. Lòng bơ vơ những lúc chiều sập cửa. Rời tay mẹ ra đi em là khách trọ. Bao ngôi nhà không đón đợi tiễn đưa hoặc còn đó là nỗi niềm lắng đọng: Khi nỗi buồn về ngủ lại trang thơ. Em hiểu được tất thảy đều ở trọ. Nhưng quả tim yêu anh như căn nhà bé nhỏ. Anh đừng xem em là khách trọ đôi giờ. Chân thực và đằm thắm hiển hiện rõ trong từng câu thơ. Đó là câu chuyện ngỡ không đến hồi kết, khi bất ngờ Bình Nguyên Trang đã thoát đời ở trọ, sau 22 năm đi tìm mình. Chị xây dựng gia đình và tập trung viết văn, viết báo, lo toan cho cuộc sống hạnh phúc. Đó còn là một diện mạo nữa của Bình Nguyên Trang, một nhà báo năng động và không kém phần bay bổng và lắng đọng.

Là tôi “Ba trong một”

Nghĩa là Bình Nguyên Trang vừa là nhà thơ, nhà văn, nhà báo cùng lúc với chức phận người làm báo. Hiện chị là Thư ký tòa soạn báo Cảnh Sát Toàn Cầu (số Tháng). Có một thời khi mới chuyển sang làm báo Văn nghệ Công an, bạn đọc không thấy Bình Nguyên Trang đả động gì đến in thơ nữa. Tịnh vắng đến 9 năm trời. Hình như Bình Nguyên Trang chỉ chuyên tâm viết báo, viết văn. Khi thì chị viết chân dung Văn nghệ sĩ, khi lại viết tản văn in rải rác đây đó. Thực ra chị vẫn làm thơ, nhất là sau khi “Qua sông”, càng trần ai hơn trước. Bất ngờ đến năm 2012, chị gây ngạc nhiên cho bạn đọc khi in liền ba cuốn sách, thơ Những bông hoa đang thiền, truyện ngắn Mùa đom đóm mở hội và báo Sông của nhiều bờ. Nghĩa là lại vẫn hiện nguyên hình chân dung “3 trong1” ngay từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường.

Đặc biệt tập thơ Những bông hoa đang thiền vừa ra mắt bạn đọc đã được nhận ngay giải A của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Chưa hết, sau đó một năm chị lại được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam qua hội đồng văn xuôi. Nhiều người ngỡ như “trái khoáy”, nhưng thực tình Bình Nguyên Trang cũng gây ấn tượng sâu sắc, trên những trang văn xuôi. Đặc biệt là những bài ký chân dung văn nghệ sĩ và truyện ngắn. Người đọc có thể nhận thấy những bài báo của Bình Nguyên Trang, cùng những tản văn đều thấm đẫm chất thơ, nặng trĩu tình cảm. Chị đã hòa đồng sâu sắc với những đề tài mình quan tâm. Với nhân vật, chị đã viết như tận lòng, da diết những nỗi niềm được chia sẻ. Trực giác cảm nhận với mạch văn quyến rũ là làm nên một giọng điệu Bình Nguyên Trang. Chị viết về người khác như viết cho chính mình. Sống cùng những biến động, thăng trầm cùng nhân vật như một sự hóa thân giầu cảm xúc, đã tạo nên một phong cách báo chí của Bình Nguyên Trang.

Bên cạnh đó, những trang tản văn giầu chất thơ, mang dấu ấn tác giả hết sức rõ nét. Người đọc nghẹn ngào với những tâm sự của tác giả khi viết về mẹ trong bài Như một cánh đồng. Đồng thời đây cũng là hình ảnh mang biểu tượng trong thơ của Bình Nguyên Trang. Sự nhịp nhàng giữa văn và thơ đã tạo dựng cho những áng văn trẻ trung nhưng không kém sâu sắc của một nữ sĩ mới chớm tuổi 40. Quả chị đã viết những con chữ, đọc day dứt làm sao: “Đôi lúc ngồi soi gương, tôi nhìn thấy sau tôi là Mẹ. Trong đời, không ít lần vì quá yêu thương người mà trái tim trúng đạn, tôi chạm tay vào vết thương và cảm nhận ấm áp tình Mẹ”. Đó không phải là những câu chữ theo nghĩa tản văn dông dài, mà là cõi tâm linh uất trầm, muốn trở về cõi linh thiêng là Mẹ. Hoặc khi viết về âm nhạc trong bài Người nuôi nấng những giấc mơ về âm nhạc, Bình Nguyên Trang đã bày tỏ: Nhạc Trịnh không mang đến những phát hiện, mà chỉ là gọi ra những mùi hương, những dấu vết đâu đó trong mỗi người, vào mỗi sớm mai họ ngồi trước hiên nhà và tự hỏi về thân phận của mình trong đời sống bao la rất thực và cũng rất ảo này. Viết như vậy quả tinh tế và bất ngờ.

Cõi tình huyễn mộng

Đúng như Bình Nguyên Trang có lần đã viết, tài sản lớn nhất của tuổi trẻ không thể không nhắc đến là Tình Yêu. Mới đây tôi có dịp gặp lại nhà thơ Bình Nguyên Trang, và đã được xem tập thơ thứ ba của chị, với cái tên Những người đàn bà trở về sắp phát hành trong thời gian tới. Thì ra thơ và tình yêu vẫn hội tụ trong mọi cung bậc cảm xúc mà Bình Nguyên Trang ấp ủ bấy lâu. Bạn đọc có thể đã đọc những bài thơ trong tập sách trên Facbook của chị. Tôi cũng vậy, đã bắt gặp ở đâu đó những câu thơ ẩn chứa những trăn trở, trong thơ Bình Nguyên Trang: Em người đàn bà tan trong ký ức. Em còn gì trao anh khi ngày đã chiều rồi. Rồi lại cho khi nữ sĩ cảm thấy bâng khuâng: Như tình cờ mùa thu rơi xuống cỏ. Trời mưa giăng nỗi nhớ sương mù. Ai gọi đông về trên phố. Mà lòng em khăn áo ngóng chờ.

Cùng với tập thơ mới, Bình Nguyên Trang còn cho in tập tản văn “Hoa gạo cuối trời”. Vẫn là những niềm khắc khoải với thời gian và quê hương. Nhất là Mẹ, nguồn cảm xúc không bao giờ cạn kiệt trong tâm hồn của nhà thơ. Người ta nói Bình Nguyên Trang viết già trước tuổi, có lẽ đúng nhưng đã đến độ chín sâu lắng, thiết tha tình yêu cuộc sống. Trong tập thơ chị viết về con, với sự nồng nàn, bất tận. Còn tản văn chị lại viết về mẹ, trong nỗi nghẹn ngào day dứt khôn nguôi. Chị luôn hằng mong được mẹ che chở mọi nơi, mọi lúc. Chính nội dung tác phẩm “Hoa gạo cuối trời” là một thi phẩm văn xuôi chị viết về mẹ đau đáu cõi lòng, từ ngày xa quê: Ngày tôi chào mẹ để đi về thành phố, mẹ đứng vẫy tay nhìn tôi không nói điều gì. Khi chiếc xe chở đầy hành khách đã đi rất xa rồi, ngoái lại tôi vẫn nhìn thấy bóng mẹ nhỏ nhắn và im lặng như một bông hoa gạo cuối trời. Bình Nguyên Trang là thế, đằm thắm, lắng sâu trong tâm hồn của một thi nhân.

Văn nghệ số 25-2016

Nhà thơ, nhà báo Bình Nguyên Trang - Đằm thắm một chữ “Tình”
Vườn quốc gia Giao Thủy - Nam Định. Ảnh Internet
Ðồi phượng hoàng. Truyện ngắn của Nguyễn Trường

Ðồi phượng hoàng. Truyện ngắn của Nguyễn Trường

Baovannghe.vn - Đoàn đi tìm mộ liệt sĩ lên đồi Phượng Hoàng có năm người, bà Nghề, mẹ liệt sĩ Đỗ Hồng Sơn; bà Dưỡng, mẹ liệt sĩ Nguyễn Quang Vinh. Hai người đàn ông Vương, Quang - em trai liệt sĩ Sơn. Ông Thạch, dân địa phương dẫn đường. Tâm trạng nhất là ông Thạch, người đã tham gia bốc bốn ngôi mộ trên đồi Phượng Hoàng về nghĩa trang Cam Lụa.
Mùa cấm én - Truyện ngắn của Tuyền Nguyễn

Mùa cấm én - Truyện ngắn của Tuyền Nguyễn

Baovannghe.vn - Nước ngập xăm xắp bờ ruộng, từng đàn én kéo nhau bay về, chao liệng trên không trung, tạo thành vô số chấm đen điểm xuyết trên nền trời xanh cao vời vợi. Cả cánh đồng như đang vào ngày hội chim én.
Ma thuốc độc. Truyện ngắn dự thi của Lê Văn Thân

Ma thuốc độc. Truyện ngắn dự thi của Lê Văn Thân

Baovannghe.vn- Mùa này, sương phủ trắng sườn đồi. Người qua đường cởi nón dừng lại một chút sương đã bám vào mái đầu. Càng đi càng mất hút trong sương. Sương bám vào khuôn mặt lạnh tanh của những người khi ngang qua nhà tôi.
Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1975: Diện mạo và khuynh hướng

Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1975: Diện mạo và khuynh hướng

Baovannghe.vn- Tiểu thuyết lịch sử sau Đổi mới cũng đang làm cuộc chuyển mình với những tìm tòi, đổi mới trong quan niệm thẩm mĩ về lịch sử và tiểu thuyết lịch sử
50 năm văn học Đà Nẵng nhìn từ hai chân dung thơ: Đông Trình - Tần Hoài Dạ Vũ.

50 năm văn học Đà Nẵng nhìn từ hai chân dung thơ: Đông Trình - Tần Hoài Dạ Vũ.

Baovannghe.vn - Đông Trình và Tần Hoài Dạ Vũ là hai chân dung có những điểm tương đồng và có nhiều dị biệt - dị biệt giữa họ và người cùng thời - điều làm nên cá tính sáng tạo cho mỗi nhà thơ. Và nhìn từ hai chân dung thi ca ấy cũng có thể thấy phần nào sự biến động và hệ quả của các khuynh hướng, trong mỗi giai đoạn văn học.