Diễn đàn lý luận

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật: Đời dung dị thơ cao siêu

Đỗ Thành Đồng
Chân dung văn học
16:30 | 09/07/2024
Ở tuổi 80, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật vẫn bình thản đến với đời bằng tâm hồn dung dị và tâm thơ cao siêu. Hẳn không phải ai cũng được trời ban cho thế.
aa

Ở tuổi 80, vượt qua ba lần tai biến, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật vẫn bình thản đến với đời bằng tâm hồn dung dị và tâm thơ cao siêu. Hẳn không phải ai cũng được trời ban cho thế.

Dung dị và cao thượng, hai trong một

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật tuổi Giáp Thân (1944). So với ông, từ tuổi đời đến tuổi thơ, tôi chỉ là đứa bé. Tôi biết đến ông khi còn là cậu học trò yêu thơ. Nhưng mãi đến năm 1994, trong một hội nghị của tỉnh Quảng Bình, tôi mới tận mắt thấy ông đứng đọc bài thơ Suối Bang trên sân khấu.

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật: Đời dung dị thơ cao siêu
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật

Trong tâm thế ngưỡng mộ, tôi chỉ ước muốn được đến gần ông. Vậy mà mãi đến năm 2010, tại đám tang của nhà giáo Phan Xuân Hải, tôi mới có dịp tiếp cận. Trong đám tang, nhà thơ đọc điếu văn, còn tôi trình bày văn tế. Xong việc, tôi tâm sự: “Thưa anh, em gần gũi với thầy đã mấy năm nay, giờ thầy đột ngột mất đi em quá hẫng hụt! Anh cho phép em làm bạn với anh như thầy được không?” Nhà thơ cười tươi, nếu vào Đồng Hới, nhớ ghé nhà chơi với tôi nhé! Tôi tìm đến nhà ông trong một đêm lạnh, khi “có chén” trong người. Ông đã không hề khó chịu mà còn mắc màn, lấy gối chăn.

Văn nghệ sĩ Ba Đồn (Quảng Bình) vẫn hay kể lại câu chuyện về nhà thơ Hoàng Vũ Thuật. Lúc bấy giờ, ông là cán bộ cấp tỉnh, nhưng mỗi lần ra Ba Đồn chỉ thích ngủ ở nhà thầy Hải. Sống một mình, có đam mê vẽ tranh Bác Hồ, nên nhà thầy Hải luôn bề bộn. Mỗi lần đến, nhà thơ lại ra tay vệ sinh. Thầy Hải kể: “Có lần tớ với Thuật tập thể dục buổi sáng ở bờ kênh. Tớ theo ngắm cá thì quay lại không thấy Thuật đâu cả. Hoảng hốt, tớ chạy quanh bờ gọi tên. Bỗng nghe tiếng ‘em đây mà’, tớ chạy vào, thấy Thuật đang kì cọ nhà vệ sinh. Tớ lại hốt hoảng: Ấy ai lại để khách quý làm việc này! Thuật nháy mắt cười, khách quý nào đâu, em là em của anh mà!”

Còn với tôi, có câu chuyện hết sức cảm động. Sau buổi tối “thanh niên” của đám cưới Hoàng Đăng Khoa, một số văn nghệ sĩ thân tình tập trung ở nhà tôi nhậu tiếp. Đêm đó, vợ tôi có việc gấp phải đi Hà Nội. Anh em nhậu say đi ngủ, để đũa bát nghênh ngang. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật vừa trải qua cơn tai biến lần hai, nên không uống. Trời tảng sáng, tôi giật mình vì nghe tiếng lanh canh ở bếp. Tôi vội chạy ra, thì thấy ông đã dọn dẹp, rửa sạch. Tôi cầm tay ông chảy nước mắt. Ông cười hi hi, chưa bao giờ mình coi việc này là của phụ nữ, huống hồ vợ cậu đi vắng. Các cậu say cả, còn mình tỉnh, lại không ngủ được thì phải làm việc chứ, coi như cùng góp phần vào cuộc nhậu, đừng bận tâm nhé!

Tôi cảm nhận được trong sự dung dị, thân tình đó của ông là một tâm hồn cao thượng. Ông rất giống đời thường và cũng rất khác đời thường. Bởi vậy, người không hiểu ông hay đem lòng đố kị. Mỗi lần như vậy, tôi và một số anh em tỏ ra bực mình. Còn ông khoát tay, các bạn nên nhớ, sự đố kị của người đời là biểu hiện cái thất bại của họ, nên rất cần thông cảm.

Sự khác đời thường của ông, đôi khi cũng dẫn tới trạng thái cô đơn. Nhưng ông cho rằng, cô đơn chưa hẳn là tệ hại. Càng cô đơn, thi sĩ sẽ càng thành công, vì cô đơn thuộc phạm trù cái đẹp!

Tâm thơ cao siêu và tràn đầy cảm xúc

Trong một lần tiếp nhà lý luận phê bình danh tiếng ghé thăm Ba Đồn, một nhà báo có hỏi: Tôi đọc và không thể hiểu nổi thơ Hoàng Vũ Thuật, còn anh đánh giá như thế nào về thơ “cụ”? Nhà phê bình trả lời, thơ cụ ấy thiên về thi pháp, kỹ thuật mà thiếu đi một dung lượng cảm xúc cho bạn đọc.

Tôi bèn phản ứng, thưa anh, nói như vậy là không công bằng với thơ Hoàng Vũ Thuật. Một dòng sông êm đềm, thuyền nước lững lờ rất dễ cảm xúc với nhiều người. Nhưng những khúc thác ghềnh, không thể nói là không đẹp. Vấn đề nó chỉ đẹp với số ít người dám trải nghiệm. Thơ cũng vậy, cái êm đềm, đèm đẹp thì có nhiều, dễ tạo cảm xúc với số đông. Nhưng những hình tượng thơ cao siêu, siêu thực chỉ dành cho số ít những người tận tâm với nó, mới say đắm nó. Nâng chén rượu, tôi cao hứng đọc đoạn cuối bài thơ Bên tượng linga của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật:

sung mãn những vằn gân nóng hổi

sản sinh dưỡng nuôi nghìn thế hệ

cao trên cao

lởn vởn hồn oan thoát chạy trước cơn

biến loạn

thánh tích linh thiêng đổ sụp bên đồi

ôi linga

ngạo nghễ máu dựng đứng giữa bầu trời

Tôi từng rùng mình và “choáng” bởi hình tượng ngạo nghễ máu dựng đứng giữa bầu trời. Nhiều người sẽ không hiểu nhà thơ nói gì, có thể còn cho là câu chữ “giật gân”, vì máu sao mà dựng đứng được. Nhưng cái hình ảnh linga trong hình tượng máu dựng đứng sẽ cho bạn đọc có tầm nhận thức liên tưởng đến nỗi đau của nàng công chúa Huyền Trân với cuộc tình màu sắc chính trị; đến nỗi đau lởn vởn hồn oan thoát chạy trước cơn biến loạn của đất nước. Thơ Hoàng Vũ Thuật “cao siêu” là ở chỗ đó, có cảm xúc hay không tuỳ thuộc vào tầm của người đọc. Tôi đọc thơ ông phải “nhấm nháp” từng câu từng chữ, luôn cố gắng liên tưởng những hình tượng thơ với đời thường. Càng cảm phục những lời gan ruột của ông: “Với tôi, hầu như tất cả những bài thơ viết ra đều xuất phát từ một chuyện buồn, một sự cô đơn, vật vã. Ngay những bài thơ gọi là có tính xã hội hoành tráng, nó cũng được gọi lên sau bao nỗi dâu bể, trầm cảm. Câu thơ vui cũng hình thành từ nước mắt.”

Nếu đọc thơ Hoàng Vũ Thuật mà chờ đợi những câu chữ mô tả, buồn là nói buồn, nước mắt là nói nước mắt, ắt sẽ thất vọng. Trong bài thơ Người digan ông viết: người digan không buồn/ chỉ biết hát/ nhiệt cuồng và mê loạn/ chiếc lưỡi đỏ bốc khói bầm môi. Hình ảnh lưỡi đỏ bốc khói bầm môi cho ta hiểu nỗi đau mất mát trong sự không buồn của họ.

Nhà phê bình văn học Văn Thành Lê đã đánh giá thơ Hoàng Vũ Thuật: “Triết lý, trừu tượng, lấp lánh tư tưởng và điệp trùng ngữ nghĩa…, thơ Hoàng Vũ Thuật là để đọc bằng mắt, thật tĩnh lòng, để suy tư, chứ không nên nghe bằng tai giữa ồn ào sân khấu. Không những thế, người đọc cũng phải nâng mình lên, cùng độ trải nhất định mới có thể thấu triệt, cảm nhận.” Đọc thơ Hoàng Vũ Thuật cần “bình tĩnh” trước sự phi lý của ông. Nếu đọc tên bài thơ Sự nổi loạn của xác chết rồi hỏi, xác chết làm sao nổi loạn được, thì sẽ càng không hiểu trong thơ ông nói gì: thản nhiên bên bờ biển/ thi thể nàng/ cá phơi sau bão/ vú dựng buồm nâu/ đôi mắt mãn nguyện/ nét cong con nước hoang// những xác chết nổi loạn/ trong tấm áo tơi tả nàng là mặt trời/ đen và đặc. Một thi thểthản nhiên? Lại còn vú dựng buồm nâu, rồi mặt trời/ đen và đặc? Tất cả dường như là phi lí, nhưng là sự phi lí để xác chết nổi loạn trở thành có lí, cái lí tố cáo sự đói nghèo bất công của thế giới người di cư, chết oan trên biển.

Một ví dụ khác, trong bài thơ Đất chết, khi nói về nỗi đau môi trường bị tàn phá, ông viết: khi giá rét lạc qua ngõ/ đám cải vừa lên bông/ cái chết rình trong lá con mắt thứ ba…/ đất há hốc/ thở/ tôi mặc áo bông nịt mũ/ thận trọng đi dọc bờ rào sương giá/ tiếng sấm nén chặt trong đầu/ mười ngón chân bật khóc. Chỉ có thơ Hoàng Vũ Thuật mới có thể nhìn thấy cái chết rình trong lá con mắt thứ ba, cũng chỉ ông mới nén chặt được tiếng sấm trong đầu và khóc bằng mười ngón chân. Đúng như nhà phê bình Hồ Thế Hà đã nhận định: “Trong thơ Hoàng Vũ Thuật, câu chữ thường lưu vong trong thế giới siêu thực để hư vô hóa những hệ lụy và bất ổn của cuộc sống hiện tại.”

Nói về cái đẹp, nhà thơ cũng có những thi ảnh, hình tượng khác người. Bài thơ Ảnh của dung có câu thơ đôi mắt miếu thờ khiến tôi muốn “đồng sáng tạo”. Đây là câu thơ đặc tả đôi mắt cổ điển, bí ẩn hay đặc tả cái miếu thờ như đôi mắt? Định hướng để độc giả đồng sáng tạo với thơ mình, cũng là mục đích, hướng đi cao siêu của thơ Hoàng Vũ Thuật.

Ngay cả khi đọc thơ người khác, ông cũng có cách đọc riêng. Ông nói: “Bây giờ đọc bài thơ mà hiểu ngay được nghĩa của nó thì không thích nữa. Tôi thấy hạnh phúc là đọc bài thơ phải dừng lại nhiều lần. Những chỗ không hiểu được mình kính trọng tác giả, hiểu được rồi càng kính trọng hơn.” Trả lời phỏng vấn của Nguyễn Đức Tùng, ông nói: “Tôi cự tuyệt với những thứ thơ chung chung, những thứ thơ lấy đề tài, chủ đề làm thước đo cho nghệ thuật.”

Đó cũng là những lời gan ruột mà ông luôn nói với những thế hệ kế tiếp như chúng tôi. Ông còn nói: “Biết lắng nghe là tốt, nhưng tốt hơn nữa là lắng nghe ai. Bởi cái hay, cái đẹp cũng thường lẫn lộn.”

Đúng như vậy, dù nay tuổi cao sức yếu, hoặc bởi lý do nào đó, ngồi với chúng tôi, nhà thơ thường ít nói. Nhưng riêng tôi, vẫn cố gắng lắng nghe trong sự im lặng của ông những điều dung dị và cao siêu.

Báo Văn số 27/2024

Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên: Một mình em, một mình sen Thơ Trần Thị Mỹ Hạnh Thơ Phạm Đương
Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Khói làng. Truyện ngắn của Hoàng Ngọc Điệp

Khói làng. Truyện ngắn của Hoàng Ngọc Điệp

Baovannghe.vn- Về tới đầu làng. Tôi ngơ ngác như lạc vào vùng đất lạ. Nhà cửa san sát, tườ bao khiến không gian bị chia cắt thành những ô vuông.
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương