Diễn đàn lý luận

Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên: Một mình em, một mình sen

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái
Lý luận phê bình
10:10 | 09/07/2024
Đó là cái tình thơ nồng nã, đa cảm, đắm đuối hương yêu - không tàn phai qua năm tháng, của một bông sen xanh màu ngọc, trong chính cái tên: Ngọc Liên.
aa

Sau 4 tập thơ tình và 20 năm ngưng không xuất bản thơ, năm 2024, Phạm Thị Ngọc Liên trở lại với tập thơ tình thứ 5, mang tên lạ: Trong tôi có nhiều tôi. Tên tập thơ như số nhiều, song chỉ quy về một mối, là cái tôi trữ tình duy nhất của thi sĩ Phạm Thị Ngọc Liên - dường như được sinh ra chỉ để làm thơ yêu. Cả đời thơ, Ngọc Liên đã chỉ tập trung thơ, trong muôn một: yêu nhân vật trữ tình Anh, do chính mình tạo dựng, bằng cảm xúc nồng nàn yêu đương, trong dằng dặc thơ tình của chính mình, dài theo năm tháng.

Vậy, nhiều Tôi, chẳng qua biểu thị nhiều sắc thái yêu, tâm trạng yêu, biến tấu yêu và thăng hoa ngút ngàn yêu... của một cái tôi trữ tình phong nhiêu Phạm Thị Ngọc Liên, đã nghiệm sinh thăng trầm yêu trong suốt đời làm thơ tình của mình. Từ khi Liên còn là thiếu nữ tuổi tròn trăng. Giờ đây, khi cái tôi trữ tình của thơ Liên đã băng qua cả đoạn đời dài về thời - gian - thơ, về không - gian - thơ, trải nghiệm từ mùa xuân mùa hạ thiếu nữ, thanh nữ, đã cập bến mùa thu thiếu phụ của cuộc đời, thì may sao, trong thơ tình của Liên, muôn cái tôi vẫn đổ về nguồn cội cảm xúc, trong hình ảnh thông suốt thơ Liên. Đó là cái tình thơ nồng nã, đa cảm, đắm đuối hương yêu - không tàn phai qua năm tháng, của một bông sen xanh màu ngọc, trong chính cái tên cha mẹ đặt: Ngọc Liên là bông sen xanh.

Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên: Một mình em, một mình sen
Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên - Ảnh: TTO

Tỏa cả hương lẫn phô sắc, sen xanh đã thành biểu - tượng - yêu, riêng biệt và đặc thù trong thơ tình Phạm Thị Ngọc Liên. Đến tập thơ tình thứ 5, cái tôi trữ tình trong thơ Ngọc Liên vẫn cuồng nhiệt yêu đương như thuở nào tóc xanh thiếu nữ, song đã đằm thắm lại, lắng trong, với nhiều suy ngẫm sâu xa, nhiều chiều và tinh thần buông bỏ. Dường như, đã xuất hiện hai cái tôi hiện hữu theo chiều ngược nhau nhất của thơ Liên: Một cái tôi tuổi thiếu phụ thâm trầm, thấm thía, biết mình đã đi đến cuối mùa thu cuộc đời, rồi sẽ chuyển sang mùa đông giá lạnh. Và một cái tôi vẫn non xanh, quên thời gian, như còn bồng bột thưở thiếu nữ xuân thì...

Trong tôi có nhiều tôi - thơ tình tuổi thiếu phụ của Liên, vì thế, đã mặc nhiên phơi lộ những cặp cảm xúc trập trùng nhị nguyên, không hề muốn che giấu một phức cảm thơ. Liên cố tình đặt tên - nhiều ẩn ý - cho 5 phần tập thơ này, không theo thời gian tuyến tính, mà theo sự khác biệt của những tôi khác nhau, trong một tôi: 1. Một tôi hay cười, một tôi hay khóc. 2. Tôi cười với đám đông. 3. Tôi khóc một mình. 4. Còn một tôi im lặng - một tôi là chiếc bóng theo tôi. 5. Tôi gom nhiều tôi thành một tôi...

Sau gần 40 năm nhất quyết chỉ thơ tình, trong đó có 20 năm ngưng xuất bản, tập thơ thứ 5 này vẫn mang đậm bản thể thơ trữ tình đặc hiệu Phạm Thị Ngọc Liên. Tuy nhiên, cảm xúc “phân mảnh”: một tôi vỡ ra thành nhiều tôi, chính là cảm xúc mới mẻ nhất và đáng cảm động/ đồng cảm nhất của tập thơ, về cả tình thơ lẫn cách thơ. Ngoảnh lại 40 năm thơ tình của chính mình, nhà thơ cho thấy vô vàn hình ảnh trữ tình. Từ hình ảnh người thiếu nữ, chỉ biết yêu, biết mưa mà không tránh, biết bão mà không chạy, đến người thiếu phụ, biết chấp nhận nỗi đau, biết giấu diếm sự muộn phiền để phô ra khuôn mặt đẹp, biết tươi tỉnh như không khi bị quỵ ngã. Ấy chính là khí chất Nam Bộ tự thân: phóng khoáng, nồng nhiệt và thành thiệt. Khí chất này đã đem lại cho thơ Liên một phẩm - chất - thơ - không - thông - thường, mê đắm đấy, tha thiết đấy, nhưng tỉnh táo, biết điều chỉnh mình, cân bằng cảm xúc trước sự đời sớm nắng chiều mưa, biến chuyển không cùng.

Nếu ai đó thích cảm xúc thơ về quyền bình đẳng giới của phụ nữ Việt hiện đại, dễ thấy Phạm Thị Ngọc Liên đã tự giải phóng đến cùng cái bản năng và bản lĩnh sống của phụ nữ hiện đại bằng chính thơ tình. Trong thơ tình của mình, Liên đã không ngủ, mà “thức đến sáng và mơ”. Mơ về “vầng trăng chỉ mọc một mình”. Khi yêu đương đến cao trào, Liên đã muốn “giăng tay giữa trời mà hét” (tên các tập thơ tình mà Liên đã đặt đúng với trạng thái tâm hồn mình). Vì khi yêu, thơ tình của Ngọc Liên chỉ muốn tự khởi đầu bằng tình yêu, do chính mình là thi sĩ - chủ thể trữ tình - áp đặt, như thể “tự hát”!

Bởi chính mình phải lên tiếng, bằng giọng thơ của riêng mình.

Liên đã muốn thơ khởi đi từ chính cái tên mình: Ngọc Liên, bông sen xanh, tự ngoi lên từ bùn lầy, từ sự đơn côi, “một mình em - một mình sen”, để một lòng hướng đến cái ngày sen ngạt ngào tỏa hương trên mặt nước. Âu yếm, thiết tha nhưng vẫn cay đắng, nghĩ ngợi, với những khát khao cháy bỏng trong nhiều lần tự mình gọi tên mình: Liên, Liên, Liên... và còn muốn đẩy tên mình lên hình tượng cảm xúc cao trào về đóa sen xanh, âu yếm gọi mình là Sen Em: “Chọn một mùa nắng nhất để nở/ Như em chọn anh để yêu/ biết rằng sẽ có ngày khát cháy/ chỉ cần một khoảnh khắc nở bừng/ sá gì phút giây tàn tạ/ em tỏa hương như sen/ ở bến bờ anh...”. Và rồi, thẳng thắn đến bình thản, Liên cho thấy nhân vật trữ tình Anh của bài tình này đã chẳng được như sen, không chọn mùa nắng để nở, mà oái oăm đền đáp cho sen một tình yêu nhị nguyên: “Khắc nghiệt và hân hoan/ anh trao cho em cơn run mê đắm/ như mưa trao cho sen một buổi chiều ướt đẫm/ rồi yên lặng quay đi”.

Dẫu sao, mặc lòng, Sen em - đã chọn anh để yêu, như chọn một mùa nắng nhất để nở. Nên đã tự mình nhận chịu sự đơn phương cô đơn:

Sen một mình thơm/ em một mình hạnh phúc”...

Và bài thơ kết bằng câu thơ độc lập, như vĩ - thanh - buồn, cho chuyện tình của Sen em: dẫu mai này ra sao... Ra sao thì ra, miễn là sen đã tự chọn anh để yêu, thì sen một mình cũng vẫn tự cho là hạnh phúc...Tứ thơ “một mình chọn, một mình yêu” của bài tình Sen em đã được Ngọc Liên tinh tế thiết lập cảm hứng trên sự lựa chọn như duy lý, cứng cỏi của hoa sen, muốn nở hoa vào mùa nắng nhất, bất chấp sự lưỡng lự của nhân vật trữ tình Anh. Và một khi Sen em đã lựa chọn, nghĩa là Sen em bằng lòng/ cam lòng một mình thơm, một mình hạnh phúc, tự mình thấy đủ đầy ân phước của tình yêu! Đó cũng là tâm trạng cô đơn/ đơn phương đầy nữ tính “Một mình Em/ Một mình Sen” thật đặc hiệu, trong thơ tình Phạm Thị Ngọc Liên.

Nỗi cô đơn/ đơn phương này đã biểu thị sự độc lập suy tư về tình ái trong cái tôi trữ tình của Ngọc Liên, biết vượt lên sự thường nhật, để giữ tình yêu đầy ắp của chính mình: “Em vẫn nghĩ mình là đại dương/ có thể tràn lấp mọi vết thương gây ra từ anh/ nào ngờ không vùi lấp nổi mình...”.

Trong bài “Em và hồ điệp...”, viết từ 2009, Ngọc Liên đã tự mình nhận định một cách sáng suốt, đầy đau đớn, việc “Yêu một người đàn ông không chung thủy/ như đưa đầu mình vào thòng lọng/ chờ phút nghẹn thở”... Và, sau những phút giây đau khổ ấy, Liên đã bình tĩnh hiểu ra : ‘Nhưng đắm say nào không tan/ yêu đương nào không tàn/ rung động nào không trở thành bình thản...”, để rồi chấp nhận một cách bao dung, vừa với chính mình vừa với nhân vật làm mình đau khổ: “Tình yêu không dễ tàn lụi cho dù ta đã xa nhau/ thì thôi/ đừng biến thành thù ghét/ hỡi anh”... (Im lặng)

20 năm sau khi đoạt giải thưởng với tập thơ Thức đến sáng và mơ, Phạm Thị Ngọc Liên trở lại, vẫn giữ nguyên cái tôi trữ tình thuở nào, vẫn nở đóa sen xanh trong góc đời tự do lặng lẽ của mình. Vẫn kiêu hãnh “Cố ra vẻ ồn ào với chính mình/ nghe những bài hát Sơn Tùng MTP/ rồi nhún nhảy…” rồi lắng lòng nghe tiếng đô thị sôi động và thong thả uống từng ngụm nhỏ cà phê 3 in 1. Cái tôi nồng nàn, mãnh liệt của Liên đã lắng lại, “Hướng mắt nhìn cây lá chuyển động trong gió/ nheo mắt khi tìm ra một cánh hoa mới nở…”, rồi nhận ra “Nhạc bây giờ chuyển qua Yiruma/ từng nốt thánh thót/ Và chợt nhớ xót xa những ngón tay trên đàn của mình/ trong ngôi nhà cũ”...

Để rồi, sau đó, cái người cố ra vẻ ồn ào với chính mình chợt thấy: “Ngày thật lạ/ dẫu giống hệt như nhau/ tôi vẫn tự hỏi mình sẽ làm gì trong hôm nay/ những dự tính luôn thay đổi/ luôn bắt đầu bằng sự đột ngột/ một hẹn hò nào đó có thể hủy có thể diễn ra...”.

Bình thản sau những chợt thấy, Liên chốt hạ câu cuối cùng thành một khung trời khác, con đường khác - Cà phê uống ngụm cuối cùng/ rồi đi...

Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên: Một mình em, một mình sen
Tập thơ "Trong tôi có nhiều tôi" của nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên - Ảnh: NXB Hội Nhà văn

Như vậy, Liên cho thấy trong suốt gần 40 năm (và có lẽ nhiều năm sau nữa...), thơ tình của mình đã mặc nhiên là thơ tự do, không chịu giới hạn trong cảm xúc quen, trong vần luật, bằng trắc bổng trầm lên xuống của điệu thơ truyền thống. Tỉ lệ bài tình thể lục bát hoặc ngũ ngôn, thất ngôn của thơ Liên tuy vẫn độc đáo riêng tư, nhưng chưa bao giờ là áp đảo so với thể thơ tự do. Tràn đầy chỉ dấu tình tứ trong thơ Ngọc Liên là chi tiết văn xuôi. Trong đó là những chuyện tình xanh li ti của sự sống hằng thường, vốn xuôi chảy bất tận quanh ta…

Tự do yêu dẫn đường cho thi sĩ Ngọc Liên đến tự do thơ, thơ tự do.

Và tự do của chủ thể thơ trong sự giải phóng mọi giới hạn thơ.

Trong tôi có nhiều tôi, vì thế, là một khuôn mặt thơ với nhiều góc cạnh sáng - tối bất ngờ, bộc lộ bằng hết cái Tôi yêu đương của thi sĩ Ngọc Liên, vừa quen, lại vừa lạ, với cái tôi luôn sẵn ngạc nhiên về tình yêu xanh biếc với thời gian của bông sen ngọc. Vì thế, sau 20 năm ngưng lặng, lần nữa Phạm Thị Ngọc Liên đem trái tim yêu cháy bỏng, không chỉ tận hiến cho bản thể thi sĩ, đang vừa khát khao vừa muốn che giấu - ngọn lửa tình - vẫn cháy cả khi tuổi đã ngả sang chiều; mà còn muốn tặng cả khối tình đa sắc màu đó cho cả người đọc trẻ đang tuổi khao khát yêu đương thiết tha và lãng mạn, ngay trong thế kỉ hai mốt đầy lo âu và bất trắc này.

Sài Gòn, ngày 2 tháng 12 năm 2023

Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024

Nhà văn Phạm Thị Ngọc Liên ra mắt "Những bà già xinh đẹp" Thơ Trần Anh Thái Sáng tạo - Những bước chân của sự can đảm Thơ Vi Thùy Linh Thơ Thi Hoàng - Như ngọn đèn vặn nhỏ
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.