Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng sinh năm 1973, quê quán làng Tịnh Đông Tây, Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam. Hiện là giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Huế.
Tác phẩm đã in: Điệp ngữ tình (54 bài thơ tình, 2007); Giấc mơ buổi sáng (333 bài thơ thiếu nhi, 2012); Họng đêm (175 bài thơ tự do, 2012), Đầu non cuối bãi (54 bài thơ lục bát, 2014); Giấc mơ buổi sáng (345 bài thơ thiếu nhi, 2012, tái bản 2017); Thương hoài thương hủy (304 bài thơ, 2020).
Trong trẻo và lắng đọng, thơ thiếu nhi Nguyễn Lãm Thắng đang tạo nên một dấu ấn đặc biệt trên thi đàn Việt. Nhân dịp dự trại sáng tác Văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Phú Yên - tháng 4/2023, nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng đã có cuộc trò chuyện về công việc sáng tác của mình.
Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng và một số tác phẩm đã xuất bản |
* Được biết, Nguyễn Lãm Thắng hình như đang nắm một kỷ lục với việc sáng tác trên 2.000 bài thơ thiếu nhi bằng tiếng Việt. Xin anh nói kỹ hơn về “con số” này?
- Thưa anh, tôi cũng chưa rõ có phải là kỷ lục hay không. Con số trên cũng chưa được tôi thống kê chính xác, nhưng cũng khoảng đó. Thế giới của tôi tràn ngập trẻ thơ, nên có lẽ, con số ấy sẽ còn tăng lên. Hy vọng vậy.
* Là tác giả có khá nhiều thơ trong các bộ sách giáo khoa (SGK), anh nhìn nhận gì về việc lựa chọn các sáng tác đưa vào SGK phổ thông, từ khi anh còn đi học và đến hiện nay?
- Các nhóm tác giả của các bộ SGK mới theo chương trình phổ thông 2018 đã chọn gần 20 bài thơ, đoạn thơ của tôi đưa vào các bộ sách. Tôi nghĩ, đây là sự may mắn của bản thân tôi. Các tác giả SGK, theo tôi, sẽ có những tiêu chí lựa chọn phù hợp. Tôi nghĩ, bộ sách nào cũng có những giá trị đặc thù. Tất nhiên, họ cũng phải dựa trên khung của Bộ Giáo dục - Đào tạo với những chủ đề được định hướng cho từng độ tuổi của mỗi bậc học. Việc thay đổi SGK lần này, các nhóm tác giả cũng mong muốn đưa vào các tác phẩm mới của các tác giả mới bên cạnh các tác phẩm “kinh điển” đã gắn liền với các thế hệ học sinh. Họ cũng mong muốn cập nhật những cái mới cho phù hợp với xu hướng hiện đại. Và dĩ nhiên, không tránh khỏi những ý kiến trái chiều.
* Đã có khoảng 300 bài thơ thiếu nhi của anh được phổ nhạc, lại thêm một kỷ lục! Anh nhìn nhận như thế nào về mức độ phổ biến của những bài hát này?
- Đúng là tôi có hơn 300 bài thơ thiếu nhi được phổ ca khúc của các nhạc sĩ: Quỳnh Hợp, Yên Lam (TP. Hồ Chí Minh), Trương Pháp (Huế), Hồ Hoàng (Cần Thơ), Hoàng Lương (Vũng Tàu), Lê Trọng Nghĩa (Quy Nhơn), Hồ Ngọc Phước (Quảng Nam), Nguyễn Ngọc Tiến (Mỹ),... Tuy vậy, những ca khúc đến với công chúng còn khá khiêm tốn. Người nhạc sĩ khi phổ xong, họ phải bỏ tiền túi ra để in ấn hoặc làm MV. Với số lượng ca khúc nhiều mà chưa có nguồn kinh phí để đưa tác phẩm đến với các bạn nhỏ, cũng chỉ ngậm ngùi và không biết chia sẻ cùng ai. Các ca khúc chỉ tồn tại với thân phận bản ký âm mà thôi. Tôi thấy cũng hơi tiếc nhưng tất nhiên vẫn rất vui vì các tác phẩm của tôi được gặp gỡ, nhận được sự đồng cảm của các nghệ sĩ.
* Anh thấy thị trường tiêu thụ những sáng tác thiếu nhi của mình như thế nào? Đánh giá thu nhập so với việc sáng tác cho người lớn?
- Tôi vẫn theo dõi trên các kênh điện tử, thấy tác phẩm của mình được sử dụng khá nhiều. Tôi rất vui khi các cháu tiếp cận với những tác phẩm của mình. Vậy là hạnh phúc lắm rồi. Còn vấn đề “thu nhập” thì...
* Anh nghĩ gì về sự tác động, nuôi dưỡng của nghệ thuật đối với tuổi thơ?
- Tất cả những hoạt động nghệ thuật được diễn ra không chỉ ở người lớn mà còn ở sự sáng tạo của chính các bạn nhỏ, nó luôn tác động rất lớn, để nuôi dưỡng trí não và tâm hồn. Ngoài ra, nghệ thuật còn bảo vệ và hỗ trợ sự phát triển các giác quan của trẻ. Con trai tôi thì luôn ủng hộ các sáng tác và những ca khúc phổ nhạc của tôi. Với người sáng tác, đó là một điều đáng mừng. Với một người cha, điều đó còn đáng mừng hơn nữa…
Đào Đức Tuấn (thực hiện)
Nguồn Văn nghệ số 16/2023