Chuyên đề

Nhà thơ và những chuyến đi… làm báo…

Câu chuyện văn hoá
11:45 | 17/06/2023
Tôi không thể hình dung nổi lúc ông ngồi làm thơ thế nào, đầu óc ông mụ mị ra sao, tư thế bình thản hay lo lắng. T.
aa

Tôi không thể hình dung nổi lúc ông ngồi làm thơ thế nào, đầu óc ông mụ mị ra sao, tư thế bình thản hay lo lắng. Tôi cũng không muốn nói nhiều về thơ ông. Bởi thơ ông là con người ông, là cách sống của ông.

Chỉ cần tiếp xúc với ông là đọc vị ra tầng lớp thơ ông. Nó không sa đà vào cách tân cách teo khó hiểu, đánh đố bạn đọc. Và có lẽ, lúc ông ngồi viết ra những dòng thơ là lúc ông hồ hởi nhất, đau đớn nhất, vui sướng và tự do nhất. Vương Tâm đã về hưu, nhưng sức lực ông thì không, tâm huyết ông dành cho thơ vẫn căng trào và thơ vẫn chảy ra hằng ngày. Vương Tâm làm nhiều thơ, quá hai phần ba là thơ tình. Không phải loại thơ tình tán gái, cũng chẳng phải loại quá bi lụy, sướt mướt. Những bài thơ ấy, có cái buồn như gió, nỗi nhớ như bão, đủ xoáy vào trái tim người đọc những run rẩy của mùa, xao xác của lá và ngọt ngào của nụ hôn. Vương Tâm từng khóc trong thơ, tiếng khóc ấy vung vãi như những giọt pha-lê-thơ rớt xuống tâm hồn một tình-yêu-trẻ nào đó mà chỉ ông và những người tâm giao của ông hiểu. Ông từng có một Khúc lãng mạn cho tuổi hai mươi - một tập thơ đầy đặn của chủ thể sáng tạo, sống lại tuổi trẻ mình và ngun ngún với những nàng thơ của một thời. Tập thơ khiến những người mến mộ ông cảm thấy được chia sẻ, tất nhiên, ông cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại từ nhiều miền đất nước gọi về.

Nhà thơ Vương Tâm

Gia tài thơ Vương Tâm nhiều và phong phú. Nếu ai đó hỏi, tại sao Vương Tâm có thể làm được nhiều thơ như thế, mà không sa vào nhàm chán, thì câu trả lời chắc chắn là: mầm thơ ông được gieo vào nơi màu mỡ, nên gặt được những mùa bội thu. Trong tháng 8 năm 2009, Vương Tâm có trường ca Nhịp cầu mùa thu, cũng được bắc từ những nhịp cầu tình yêu của quá khứ và hiện tại. Nhịp cầu của cái tình riêng và khát vọng chung của đất nước. Nhịp cầu mùa thu gồm 19 chương, cũng là 19 nhịp cầu Long Biên, mỗi chương là một sự kiện lịch sử của quân và dân thủ đô từ năm 1945 đến hiện tại. Nhưng không chỉ có vậy, nhịp cầu của đất nước, của hồn thơ Vương Tâm sẽ không bị giới hạn bởi 19 nhịp, mà nó cứ nối dài mãi, như tình yêu Vương Tâm không bao giờ hết. Tôi có cảm giác, trong Vương Tâm, có một gã rất si tình nào đó đang núp bóng và nhiệm vụ của gã là mỗi ngày chỉ việc nhả thơ. Còn gã thơ tình Vương Tâm thật thì suốt đời lãng tử, yêu con người, yêu thiên nhiên lắm và rất đỗi thánh thiện. Nên vì thơ, Vương Tâm không chỉ nhận được những mùa thơ bội thu, mà còn nhận được những mùa trẻ, mùa đẹp và một hợp âm tình cảm bạn bè vọng lại rất đỗi tuyệt vời. Họ đến với ông chân thành, như ông đến với thơ vậy.

Rồi ông còn viết truyện ngắn, tiểu thuyết, như thể cái chất dành cho văn chương của ông tiềm tàng trong người còn nhiều lắm, đủ sức dành cho nhiều lĩnh vực khác nữa, và nếu có thời gian, nó sẽ được chủ nhân tận dụng hết. Hơn bốn chục đầu sách chưa phải là giàu có, nhưng cũng là đáng kể đối với rất nhiều người. Đầu năm 2023 nhà thơ Vương Tâm mới in hai tập sách Em vẫn như ngày xưa và Lạ lắm kiếp đam mê (NXB Văn Học). Nhiều giải thưởng báo chí đến với ông như một sự khích lệ đáng trân trọng. Đặc biệt trong cuộc thi phóng sự, bút ký về Hà Nội, nhân 1000 năm Thăng Long Hà Nội, ông đã được Giải Nhất, do báo người Hà Nội trao tặng, năm 2010. Đó là kết quả của những chuyến đi và những bài báo ra đời. Ấy là chưa kể ở lĩnh vực khác ông cũng đoạt những giải thưởng cao trước đó như: Giải A thơ tình báo Văn nghệ (2006-2007); Giải nhì Truyện ngắn do báo Người Hà Nội tổ chức năm 2006; Giải ba truyện ngắn 1200 từ do báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh, năm 2008. Và gần đây nhất ông còn đoạt giải ba truyện ngắn Tàn Tro trong cuộc thi viết về Hình tượng người chiến sĩ cảnh sát nhân dân (2022).

Nhiều bạn đọc tìm đến ông, những buổi giao lưu trên truyền hình là kết quả của sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, không mệt mỏi. Những bài báo nhiều tâm huyết, những lời mời mọc viết bài là kết quả của quãng thời gian dài làm báo uy tín và càng chứng tỏ nhựa sống của ông dành cho báo vẫn dồi dào. Tôi và ông thường có những chuyến của hai người. Những chuyến đi đôi khi chỉ là để tìm hiểu một vùng đất, để viết một bài báo nhỏ, thậm chí chỉ để chịu cái nắng nôi gió cát cho thấu thêm nhịp sống ở đời. Ông nhanh nhẹn và tôi còn trẻ. Ông chỉ bảo và tôi biết lắng nghe. Những chuyến đi, dù không thu được lợi trước mắt, thì đó cũng là những viên gạch cho tòa tháp vốn sống của những nhà văn. Vương Tâm ham rong ruổi đến nỗi, chỉ cần tôi “ới” một câu là ông lại hỏi: “Đồng chí có chỉ thị gì?”. Vương Tâm lại nhanh chóng sắp xếp những công việc không quá vất vả của một người đã về hưu, để đi chịu… vất vả cùng tôi. Cái tạng của ông nó như thế và ông cũng thích như thế. Giao du với những người trẻ để thấy mình thêm trẻ. Ông đã từng đi với nhiều người trước khi đi với tôi. Ngày trước còn trẻ ông chịu khó đi, nay tuổi đã cao, ông vẫn chịu khó đi. Ông vẫn duy trì đều đặn thói quen đó. Như thể không đi không chịu được. Như thể ông đi để “bắt mạch” cuộc đời này như có thời gian ông đã “bắt mạch” thời tiết. Trong những chuyến đi đó, có khi ông lại gặp một bóng hình đẹp đẽ nào đó, ở một vùng sơn cước nào đó, và lại mơ mộng, lại làm thơ. Lại còn chuyện, rất nhiều người nói đùa: “Vương Tâm sát gái”. Vì chỗ nào cũng thấy những cô gái trẻ xúm vào ông. Có lần ngay cả bà bán báo ở cổng trụ sở báo Nhân dân nhìn ông cũng bảo vậy. Tôi hỏi ông có đúng vậy không? Vương Tâm chỉ cười. Vậy là đúng rồi, họ nói không sai. Gặng hỏi làm sao để sát gái thì ông miễn cưỡng nói: “Bí quyết của tôi là im lặng, không làm gì nên các cô ấy không sợ”. Hoá ra, nhà thơ của chúng ta có tiếng nhưng không có miếng.

Sống ở đời, mỗi con người đều hướng một cái gì đó, ở mỗi thời đoạn nào đó để mà chinh phục, đuổi bắt. Với Vương Tâm, đơn giản, ông chỉ đuổi bắt những vần thơ, những xúc cảm dâng trào, những con chữ mà dường như nó vốn ẩn hiện đâu đó trong cuộc đời này, để làm giàu thêm gia tài thơ. Giờ về hưu, ông sống thanh thản như những cuộc chơi. Đó là chơi thơ và chơi ấm. Thú chơi ấm giúp ông thanh thản hơn và thêm bạn hơn. Những chiếc ấm, có thể lâu đời, có thể chỉ mới ra lò được ít ngày, nhưng về với Vương Tâm, chúng được sắp xếp theo trật tự của riêng ông ở căn nhà không lấy gì làm rộng. Nhưng chúng thực sự trở nên có hồn. Với những bộ ấm, không chỉ mất thời gian chăm chút cho nó mà cái công sưu tầm cũng ngốn biết bao thời gian. Ấm thường đi đôi với trà. Trà uống ngon, không những bởi bộ ấm chén đẹp, sạch mà còn phải chất chứa giá trị văn hóa nữa. Bộ sưu tập của nhà thơ được ông chia ra thành các bộ như: loại của Chu Đậu, Bát Tràng, Phù Lãng, Bình Dương, Thanh Hà, Bàu Trúc, Hương Canh, Quảng Ninh, Trung Quốc…Tất cả đều chất chứa tâm huyết của một người làm thơ, lãng mạn và yêu đời. Chỉ cần nghe thấy chỗ nào có ấm cổ là ông bỏ công sức đi tìm, mua bằng được. Và lúc này đây, khi tôi đang ngồi viết về ông, thì có thể ông đang lang thang ở một lò gốm nào đó, nói chuyện với những nghệ nhân sành gốm để tìm “tung tích” của những chiếc ấm mà ông chưa có trong bộ sưu tập. Nhưng cũng có thể, ông đang ngồi nhà, bật nhạc cổ điển, pha một ấm trà thưởng thức cùng lúc, đồng thời ngắm nghía những chiếc ấm quý giá của mình.

Với Vương Tâm, ông coi tôi như con, như một học trò. Tôi không quan trọng ông coi tôi là gì, chỉ biết những gì dành cho ông là một sự kính trọng. Ông cũng chẳng có thời gian để tìm hiểu xem tôi coi ông ra sao, người khác nghĩ ông thế nào. Ông chỉ biết mình nên sống hết mình và sống hồn nhiên một cách sâu sắc trong mọi mối quan hệ. Sâu sắc như ông đã từng làm những món quà để tặng thời gian, sâu sắc như ông đã từng đốt cháy mình cho khúc lãng mạn ở tuổi hai mươi, như ông đã từng tung lên trời những viên xúc xắc mặt người… Mỗi thời đoạn ấy, tôi biết ông đều cười hiền, như cái cười hiện tại ông vẫn dành cho người thân và bè bạn.

Những điều tản mạn về ông tôi ngồi và viết là quá ít ỏi so với những gì ông có. Bởi vì đứng trước ông, tôi thấy mình đang đứng trước cửa một ngôi nhà lớn và chỉ có thể quan sát được phần trước mặt. Những điều tôi muốn biết về ông sẽ còn nhiều. Nhưng tôi không muốn cái sự biết đó là mơ hồ. Tôi không thể lấy cái hình dung mơ hồ của một người làm thơ để đoán biết về một nhà thơ cũng có những giây phút mơ hồ. Vương Tâm với tất cả những gì ông đã sống, tôi mạn phép nói rằng ông không phải là một ẩn sĩ, cũng không phải là một người kéo chuông, nói cho thiên hạ biết mình là nhà thơ. Mọi thứ đối với ông đều đơn giản. Ông không quên đời sống này, càng không muốn mình bị hạn chế bởi tuổi tác. Lúc nào ông cũng muốn mình sống như một gã thanh niên với tất cả sự trẻ trung cần thiết. Và chẳng phải cố gắng, thì phong cách của ông đã trẻ trung rồi. Điều đó được thể hiện trong thơ, ví như: “Tình là tình cái đập tràn/ Yêu như thác đổ gào khan nỗi đời/ Tình là tình cái trống vui/ Vỗ nhanh trong nhịp ngậm ngùi nhớ nhung”. Có người trẻ nào định nghĩa tình yêu như thế, có người trẻ nào dám yêu như ông đã từng yêu? Vương Tâm làm thơ không nói nhiều, cũng như trong tình yêu, ông chẳng cần nói nhiều. Sự chăm chút của ông đã làm thay hết thảy. Và như thế, ông đã nhận về những điều mình thấy có ý nghĩa, tốt đẹp, với sự thỏa mãn của riêng ông, ý nghĩ của riêng ông.

Con tim ta có thể nghĩ ra sự hiến dâng nào? Tôi không biết, đó là quyền của mỗi người. Nhưng với tôi, Vương Tâm đã hiến dâng cho tôi, cho người thân và bè bạn của ông những nụ cười hình trái tim. Cái mộc mạc, chân chất của ông không thể giấu được sau nụ cười ấy. Và tôi muốn đáp lại ông những nụ cười như thế.

Nguyễn Văn Học

Nguồn Văn nghệ số 24/2023


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...