Nhiều lần nửa đêm chợt tỉnh, ngồi cười một mình vì bỗng dưng nhớ đến cơ quan cũ, nhớ đến nhiều câu chuyện cũ, nhiều anh em cũ, đặc biệt là người thủ trưởng cũ tài hoa và duyên dáng, nhà “chiến thuật” mưu mẹo đối với công tác quản lý một cơ quan văn nghệ, người ít mà cá tính thì nhiều. Một cơ quan nửa quân sự nửa dân sự, nửa công chức nửa tự do, có một thứ lề luật riêng, áp dụng theo kiểu nửa gia đình, nửa cơ quan rất linh hoạt. Khi nghiêm khắc thì nghiêm khắc số một mà khi xuê xoa thì cũng dễ dãi thoải mái hàng đầu. Chúng tôi rất khoái vì cảm thấy mình được sống trong cơ chế luật ngoài luật. Khi thì trên luật, khi dưới luật, lúc lại trong luật, lấy tình làm gốc, với một ông thủ trưởng lúc nào cũng tận tụy vì tập thể, lấy ân tình theo kiểu “gia trưởng” làm lãnh đạo. Ông từng giải quyết mọi sự rắc rối của cơ quan đối với cấp trên một cách êm xuôi. Khi quyết liệt, lúc xuề xòa. Cơ quan lúc nào cũng sôi động. Ông là một văn nhân “khá thất thường” khi nóng khi lạnh. Mà đúng là, nếu ông không “nóng lạnh” thì sẽ trở nên nhạt nhẽo, vô duyên theo kiểu sáng cắp ô đi tối cắp về, không giữ được người tài mà cũng chả giữ được cả mấy anh “chấp hành nghiêm” đồng nghĩa với nhạt nhẽo.
|
Tôi là thằng đàn em chót chét, út ít, được sống giữa những ông anh “đấng bậc”, danh tiếng nổi như cồn. Văn thơ lừng lẫy, đi Nam về Bắc, đi Tây về Tầu xoành xoạch. Có lúc coi Trời bằng Vung. Lúc lại coi Vung bằng… Trời. Mỗi ông mỗi vẻ. Mỗi ông một cá tính. Chả ông nào giống ông nào. Vậy mà cả khi chơi, hay làm việc, lúc “lên bờ xuống ruộng” do cơ quan có nhiều người đồn sắp bị giải tán (chả là Khu ủy không còn, còn mỗi Quân khu, nghe mà ớn lạnh!), vậy mà con thuyền cơ quan dưới tay chèo chống của Nguyễn Chí Trung, không khí lúc nào cũng rầm rập vui vẻ, không phút giây bê trễ. Mình là Trại viết của Khu Ủy cũng được mà Quân khu cũng hay. Quân Khu V có một cái “trại viết” hay nhất toàn quân, không ai giải tán được. Ông an lính sự việc to, biến thành sự việc nhỏ liền. Một cái “trại viết” cấp Quân Khu lẽ ra chỉ nên tồn tại một vài tuần, cùng lắm vài tháng. Đằng này nó tự nhiên như các ban bệ đã có sẵn từ trong rừng ra. Nó nghiễm nhiên được kéo dài hàng năm. Và tình hình này, nó có vẻ sẽ còn “cố thủ” bất tận. Sự ra đời và tồn tại của nó là do sức mạnh của “ông cơ chế” một phần. Một phần do sức vóc chung của anh em không thể thay thế được. Nguyễn Chí Trung “thuyết khách”, tức là giải thích cho các thủ trưởng cấp trên như thế. Trại viết này có những tên tuổi lớn, lớp trước lớp sau có tầng có bậc như: Phan Tứ (Lê Khâm), Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành), Thu Bồn (Hà Đức Trọng), Bùi Minh Quốc (Dương Hương Ly), Lưu Trùng Dương, Thanh Thảo, Trần Vũ Mai, Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Cao Duy Thảo, Ngô Thế Oanh, Ngân Vịnh, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Phục… không phải do ngẫu nhiên. Đây là lớp văn nghệ sĩ tinh hoa của hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, vừa hoành tráng vừa kiêu hãnh, anh em đang độ chín nhất, không thể một lúc gom về được. Trại viết Quân khu V trở thành một cơ quan nằm trong cơ chế mà thực ra là ngoài cơ chế. Cơ quan chủ quản cho lương, cho biên chế, cho nhà cửa, mới đầu là của Khu uỷ Khu V, sau khu Uỷ không còn thì là của Bộ tư lệnh Quân Khu V. Có thể nói luôn, hồi mới giải phóng, chuyện nhà cửa đặt văn phòng không hề khó. Thậm chí, mỗi thành viên của “trại” còn được phân một ngôi nhà, hay phòng ở sang trọng trong một ngôi biệt thự. Nhưng về mặt chuyên môn đường hướng có tính chiến lược lâu dài, mang ý nghĩa nền móng cho một nền văn học xứng tầm thời đại thì phải có đội ngũ sáng tác đủ mạnh để gánh vác. Đó là một trong những mục tiêu khát vọng của những nhà chỉ huy đang nắm giữ cả “phần hồn” lẫn “phần xác” của nó. Nó phải không những tự khẳng định được mình mà còn phải có ảnh hưởng lớn góp mặt cùng các vùng miền tạo nên diện mạo chung của niền văn học cách mạng đang đà phát triển. Thực ra hai phần ba các anh chị em “trại viên” đều đã có những tác phẩm danh tiếng tầm cỡ quốc gia. Thậm chí có một số tác giả lớn “ngang tầm thời đại” đã có sách in ở nước ngoài như Phan Tứ với “Bên kia biên giới”, “Gia đình má Bẩy”, “Mẫn và tôi”. Nguyễn Chí Trung có “Bức thư làng Mực”. Thu Bồn có “Trường ca Chim Chơ rao”, “Ba gian khát”, tiểu thuyết “Dưới đám mây màu cánh vạc”. Lớp đàn em sau tí có “Thành phố không bị chiếm” và “ Học phí trả bằng máu” của Nguyễn Khắc Phục; Thanh Thảo có “Dấu chân qua trảng cỏ”, trường ca “Những người đi tới biển”; Thái Bá Lợi có “Vùng chân hòn tầu”, “Hai người trở lại Trung đoàn”; Nguyễn Trí Huân có "Mặt cát" và “Năm 1975, họ đã sống như thế”; Trần Vũ Mai có “Cảm giác lạc quan” sau NXB đổi tên là “Ở xã Trung Nghĩa"; Thanh Quế có "Trước nhà em sông Vu gia”; Bùi Minh Quốc nổi tiếng với nhiều bài thơ mang tên Dương Hương Ly v.v… Sự chỉ đạo có tính “chiến lược” ở trên cao, ngoài Trung ương, với cái bóng to đùng to đoàng, nhưng rất chập chờn, lúc rất cụ thể, khi mơ hồ, ấy là ông anh cả Nguyên Ngọc. Lúc ấy, dưới con mắt chúng tôi, Nguyên Ngọc là một nhà văn tầm cỡ thế giới. Ông vừa là một đại biểu Quốc Hội và là một nhà văn lừng lẫy thuộc "chiếu trên". Lúc nào chúng tôi cũng cảm thấy như ông sắp vào Trung ương đến nơi. Ông sắp lên to nữa. Rất to. Hai bên Nguyên Ngọc, một bên là Chủ tịch nước Võ Chí Công. Một bên là Đại tướng Chu Huy Mân, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị. Họ là những đồng đội thân thiết với nhau từ hồi kháng Pháp. Họ đồng cam cộng khổ với nhau trên rừng chiến khu chứ đâu phải chỉ có quan hệ cấp trên cấp dưới. Nguyễn Chí Trung với Nguyên Ngọc là hai cá tính mạnh. Cả hai lúc nào cũng sục sôi cách mạng. Cả hai ông đều luôn luôn có những ý tưởng mới. Hai ông là các “yếu nhân” của anh em chúng tôi. Và, chính hai ông, mỗi ông đều có cuộc sống riêng tư khá khác nhau, với những quan niệm rất khác, rất xa nhau, nhưng lúc nào cũng cùng nhau chụm về khát vọng xây dựng cơ quan Văn nghệ Khu V có một vóc dáng mới, một tầm cỡ mới, luôn luôn dẫn đầu phất lá cờ xung kích và quyết thắng. Về tính cách Nguyên Ngọc, ông là người quyết liệt, không khoan nhượng. Còn Nguyễn Chí Trung thì quyết đoán, độc đoán, nhưng cũng không kém phần uốn éo lượn lờ, lạng lách trong cơ chế rất ngoạn mục. Phải nói luôn, cái uốn éo lượn lờ này chỉ có ở Nguyễn Chí Trung. Và, tất cả là vì lợi ích của anh em. Ông lo cho anh em, không bao giờ tơ hào một tẹo tèo teo vật chất nào. Nguyên Ngọc và Nguyễn Chí Trung cho đến mãi bây giờ tôi cũng không dám quyết là hai ông có thân nhau không. Ý tôi muốn nói cái thân thiết giống như những cặp bạn thâm tình chí cốt. Nhưng trong công tác hai ông gắn bó, gần gũi hỗ trợ bổ sung cho nhau. Hồi đó, họ quá hiểu gan ruột của nhau, kiêng nể nhau một cách vô tư. Hai ông như hai trụ cột. Một ông rất rõ hình hài, tay dao tay thớt, tay hòm chìa khoá. Còn ông kia là linh hồn, là chiến lược. Đội hình chung của nền văn học Khu V là quá lý tưởng, quá đẹp: Quân lính tài hoa. Chỉ huy giầu kinh nghiệm, nhiệt huyết. Cái tài tình của Nguyễn Chí Trung là khi đang trong giai đoạn tranh tối tranh sáng, một mình ông chạy qua chạy lại bên Quân Khu và bên Khu ủy, lo được cho số anh em bên dân sự “nhảy” một phát sang bên quân sự, thành ra có hai suất lương. Lương ấy cho vào quỹ chung và… làm vốn. Trại viết chăn nuôi hàng trăm con gà mái công nhiệp để cải thiện đời sống còn eo hẹp của các nhà văn trại viên. Bọn gà này cung cấp trứng cho anh em tôi cải thiện. Đôi lần tôi, Thanh Thảo, Ngô Thế Oanh, Thái Bá Lợi bí tiền mua rượu bèn gặp mấy cô cấp dưỡng cho mua chịu trứng “tiếp khách”. Thực ra chúng tôi đem ra chợ bán lại cho mấy bà hàng thịt “chuyển khoản” lấy cân thịt bò và vài xị rượu về đánh chén. Chuyện chúng tôi mua chịu trứng gà thường xuyên đến tai anh Trung. Họp chi bộ chúng tôi bị đưa ra kiểm thảo uống rượu không có lý do và đi đến nghị quyết “Ba tháng tới, đồng chí Thái Bá Lợi phải “treo bút”, đồng chí Trung Trung Đỉnh bị cảnh cáo nội bộ”. Riêng Thanh Thảo và Ngô Thế Oanh, vì không là đảng viên nên không bị kỷ luật! Anh Nguyễn Chí Trung nói trong cuộc họp rất nghiêm trọng, thậm chí anh không quên “nâng quan điểm” với thái độ đau khổ vô cùng. Anh nửa khóc nửa mếu nửa van xin các đồng chí, nửa quát mắng mấy thằng đàn em chơi hoang. Anh Phan Tứ, sau khi kiểm điểm cũng rất nghiêm trọng, nhưng cuối cùng thì, tôi xin “bảo lưu” ý kiến của tôi là không kỷ luật kiểu “treo bút” như thế được. Bọn tôi thì cười hì cho xong. Sau họp, Thái Bá Lợi ghé tai tôi nói nhỏ: Ông Phan Tứ họp kiểm điểm anh em mình uống rượu mà miệng ông ấy sặc mùi rượu. Tôi bảo ừ, bác ấy uống hơn anh em mình nhiều nhưng bác ấy không nhậu, chỉ uống một mình để lấy hứng sáng tác thôi. Cuộc họp nào anh Phan Tứ cũng yêu cầu “bảo lưu” rất nghiêm chỉnh. Trại viết Khu V chúng tôi tuy nho nhỏ nhưng bạn bè, chiến hữu đông đảo. Ngoài Huế có cánh Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ thường qua lại. Trong Sài Gòn cánh Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Diệp Minh Tuyền, thầy trò Nguyễn Trọng Oánh, Trần Mạnh Hảo thường xuyên đến rồi đi như người nhà. Ngoài Bắc cánh “tướng tá văn nghệ”, như Xuân Diệu vẫn nói, có anh Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Bổng, Vũ Cao, Giang Nam thỉnh thoảng lại kéo quân, là các nhà văn của báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Trại viết Quân đội ra ra vào vào ghé thăm như một cái trạm “trung chuyển”. Nguyễn Chí Trung như vị chỉ huy toàn tuyến, mặc dù lúc ấy ông đang “cầm quân” ở đây, chỉ là một “vùng chiến thuật”, nhưng phải là vùng “chiến thuật” trọng yếu. Ông lúc nào cũng bận rộn, tất nhiên. Bận lo tuyển thêm quân. Bận lo hậu cần cơm áo gạo tiền. Bận lo cho các thành viên của trại sớm ổn định để ngồi viết và viết. Đi và đi. Ngày ấy cả ba miền đều có các trung tâm văn học của mình. Trong Nam số anh em của Văn nghệ Giải Phóng và Văn nghệ Quân Giải Phóng tụ họp lại xung quanh ngôi nhà 81 Trần Quốc Thảo. Còn ngoài Bắc sẵn có Tạp chí Văn nghệ Quân Đội và báo Văn nghệ. Miền Trung sứ mạng văn nghệ chính, tự nó thuộc về Trại viết Quân Khu V. Các nhà văn nổi tiếng trên toàn cõi mà tôi vừa kể như là một sự mặc định tất yếu. Hồi ấy trên văn đàn, tôi hoàn toàn vô danh. Năm 1977, sau 2 năm giải phóng tôi mới được lệnh của tỉnh đội Gia Lai về Đà Nẵng (quân khu) để theo học Đại học. Tôi mừng quá, “nhảy” liền. Ở trường, tôi gặp thầy Hoàng Châu Ký, được nghe thầy giảng một “cua” khởi đầu khiến tôi như kẻ lạc đường lâu ngày tìm ra lối mở. Tôi mon men đem cái trường ca viết về chàng du kích Gia Rai “PuilK’Lớ” đang viết dở khoe. Thầy bảo để thầy giới thiệu cho mấy anh bạn của thầy ở trại viết như Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Bùi Minh Quốc góp ý. Thực ra tôi cũng đã có quen mấy anh này. Năm 1976 Thu Bồn và Bùi Minh Quốc đã lùng sục tìm tôi khắp cao nguyên để đưa về trại. Nhưng có lẽ do cái duyên chưa đến. Hồi đó tôi đang rong ruổi trong các làng vùng sâu để làm cán bộ “tăng cường” cho các buôn làng, không ai tìm được. Bây giờ thấy họ ở trên cao quá, mình là cái thá gì mà dám đến? Rồi một buổi chiều, thầy Hoàng Châu Ký đi họp về, cho xe qua ký túc xá bảo mọi người gọi tôi ra. Ông bảo: Sáng nay mình có hẹn với anh Nguyễn Chí Trung, chiều cho cậu qua bên đó chơi, nhớ mang theo cái trường ca nhé. Tôi mừng run lên vội vã đi theo. Đến cổng 10 Lý Tự Trọng xe dừng lại, thầy bảo, cậu vô đó đi, ảnh đang chờ. Tối tự lo xích lô mà về.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung, vì đã có hẹn trước, nên ông đang ngồi sẵn bên bàn chờ tôi. Ông vồn vã đón tiếp, hỏi han đủ thứ rất dịu dàng, nhẹ nhàng. Tôi thì lóng ngóng, rụt rè. Bỗng ông hỏi, em có chơi với mấy anh ở trại đây chưa? Tôi dạ, em chỉ biết anh Thái Bá Lợi, anh Thanh Thảo qua qua thôi ạ. Nguyễn Chí Trung hỏi: Em có biết uống rượu không? Tôi cảm thấy sướng rơn, vì đúng “sở trường” của tôi. Tôi nói, em có. Em mời thủ trưởng ra kia làm vài li nhé? Bỗng Nguyễn Chí Trung nghiêm giọng: Em về đây là để đi “cắm” ở Tây Nguyên, cấm em được đi theo hai anh này nhậu nhẹt, rượu chè. Không rượu chè gì hết!
Tôi hơi ớ người. Im thít. Và tự hỏi, sao lại về đây? Sao lại “cắm”. Tôi chưa kịp biết đầu cua tai nheo gì thì Nguyễn Chí Trung hỏi:
- Em có biết đi xe máy không?
Tôi tất nhiên là có, nhưng trong đầu loáng ý nghĩ rất nhanh, bảo “có” khéo lại nguy, ông ấy đánh giá mình ăn chơi nên nói nhỏ, dạ không, em chả biết đi.
Nguyễn Chí Trung đứng dậy, nói:
- Giải phóng hai năm rồi mà có cái xe máy em cũng chưa đi được là sao?
Tôi vội cải chính:
Dạ có, xe hon đa thì em đi được, các loại khác thì không ạ.
Ông bảo tôi đọc thử một chương trường ca cho ông nghe. Tôi bảo em không biết đọc thơ, em nhờ thủ trưởng đọc hộ. Tôi trao cái trường ca, bản đánh máy hẳn hoi cho ông. Ông bảo, thôi em về đi, mai ba giờ chiều qua đây gặp anh. Tôi về, khấp khởi cả đêm cả ngày, chờ đến ba giờ chiều mai, phi xích lô đến. Vẫn bối cảnh y hệt hôm qua, nhưng ông tay cầm cái trường ca của tôi, không nhìn vào giấy mà ông đọc oang oang, đầy diễn cảm. Tôi lò dò ngồi vào ghế. Ông có vẻ khoái chí, bảo:
- Hay. Hay lắm. Ông đọc mấy câu rồi ngồi xuống ghế đối diện với tôi, nói:
- Bây giờ em lấy xe cơ quan đèo anh vào gặp ông Ba, Cục Chính trị.
Tôi chưa hiểu ông bảo đến đấy làm gì, nhưng cũng vâng dạ ngay tắp lự.
Ông xuống phòng mấy anh phục vụ nói một anh dắt cái xe máy ra. Anh này còn trẻ, nói tiếng Quảng, đưa cái xe ra trao cho tôi. Tôi đạp toát mồ hôi mà cái xe cứ kêu xoèn xoẹt, không nổ máy. Nguyễn Chí Trung đứng bên ra lệnh: “Nổ!”- “Nổ máy!”. Tôi lại cong lưng đạp. Cái xe vẫn cứ ì ra. Ba bốn lần Nguyễn Chí Trung ra lệnh “Nổ máy”, ba bốn lần ục ục không nhúc nhích. Anh bạn công vụ kia cười cười. Đoạn, ngoạc cái dây điện của máy vào bu-di, bảo tôi, anh đạp đi, được rồi đó. Tôi cựa nhẹ cần khởi động, cái xe nổ máy giòn tan. Thầy trò tôi vọt ra phố. Tôi chợt buồn cười nhớ lại chuyện lúc nãy ông “ra lệnh” cho cái xe nổ máy! Tôi đã từng nghe anh Thái Bá Lợi kể nhiều giai thoại về ông hồi trên rừng Trà Mi, hồi Nước Oa, Nước Ồ. Ông là chúa hay quên. Có lần đi tắm dưới suối về, ông vừa tắm vừa suy nghĩ gì đó, mải nghĩ chuyện họp chi bộ tối qua thế nào mà khi tắm xong, ông quên mặc quần áo, cứ để nguyên xi thế chạy lên lán, làm mấy cô chị nuôi hết hồn, chạy tán loạn. Rồi chuyện yêu đương của ông. Ông yêu say đắm, thực ra không phải yêu mà chỉ là mê chi H nhà văn trẻ. Chị này vô tư, không chú ý lắm đến sự chăm sóc tinh tế của ông. Nhưng có lần chị đi công tác đồng bằng sáng sớm. Ông là thủ trưởng nên nắm rất rõ hôm nay ai đi hướng nào, ai xuống vùng nào. Ông đón lõng người yêu đi hướng qua suối nước Ồ liền đứng giữa đường giao liên chờ. Khi toán của nàng vừa qua suối thì ông xuất hiện, tay cầm quyển sách đến bên, nói nhỏ với giọng vừa thiêng liêng vừa ráo riết: “Anh tặng em, hy vọng sau chuyến đi phía trước này về, em sẽ được kết nạp Đảng”. Chị xúc động mở gói giấy báo. Đó là cuốn điều lệ Đảng! Ôi trời, chị chợt kêu lên rồi cầm tay anh cám ơn. Anh kéo nhẹ tay chị rồi vội buông cho chị tiếp tục đi theo mấy đồng chí của đội công tác cùng hành quân. Anh đứng đó ngây người nhìn theo chờ toán cán bộ đi khuất mãi vào rừng rồi mới quay về. Quà tặng người yêu của Nguyễn Chí Trung độc đáo có lẽ nhất thế giới. Ông là như thế. Ngày mới giải phóng đi công tác Tây Nguyên, ông cùng ngồi xe con đi với anh em. Giữa đường đèo Măng Giang hiểm trở, vòng vèo, cao chất ngất mà ông không ngơi nhắc nhở cậu lái xe cẩn thận thế này, chú ý thế kia. Cậu ta khó chịu vì tính nhắc nhở nhiều không cần thiết của ông. Càng bị ức chế, bị nhắc nhở càng cho xe chạy với tốc độ cao. Ông liền ra lệnh rất gay gắt yêu cầu đồng chí lái cho xe dừng lại, họp tổ đảng. Họp tổ đảng chấn chỉnh tinh thần đảng viên…
Hôm nay tôi đèo hon-đa đưa ông đến Quân khu bộ, dắt xe theo ông qua cổng. Người lính gác “chào các thủ trưởng” rồi chỉ dẫn cho chúng tôi đến dãy nhà cấp 4. Ông bảo tôi dựng xe đứng chờ. Ông vào gặp ông Ba. Tôi đứng ngoài hiên. Nghe tiếng ông từ trong phòng nói: “Báo cáo anh cậu này là một trường hợp đặc biệt. Hắn vô năm sáu tám, nói giỏi cả tiếng Ba Na lẫn tiếng Gia Rai. Có truyện ngắn in trên Tạp chí nhà mình. Mới đây nó có cái trường ca viết về người anh hùng Gia Rai rất độc đáo”. Nói rồi ông đọc trường ca của tôi. Lặng đi một lúc, tôi nghe tiếng ông Ba: “Thế thì nhận cậu ấy về đi”. Tiếng Nguyễn Chí Trung: “Tôi vô đây xin anh cho biên chế. Định đưa cậu này về “cắm” lâu dài trên Tây Nguyên”. Tiếng ông Ba: “Thế làm thủ tục cho nó đi’. Tiếng Nguyễn Chí Trung: “Đây, hồ sơ đầy đủ tôi làm sẵn đây rồi, anh chỉ cần ký “đồng ý giao cho Ban Tổng Kết thực hiện là được”. Hồi ấy trại viết biên chế thuộc “Ban Tổng Kết”. Im lặng. Hình như ông Ba đang ký giấy. Tiếng Nguyễn Chí Trung: “Cậu ấy có đi cùng tôi đây”. Nói rồi ông thò đầu ra cửa vẫy tôi lại. Tôi vào chào ông Ba. Xong! Thế là tôi trở thành thành viên trại viết, bỏ học bên trường văn hoá của thầy Hoàng Châu Ký luôn!
Cuộc đời hình như có cái vụ tướng số thật!
Anh Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay” mở đầu với công cuộc xây dựng miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa bằng sức người và đôi bàn tay tạo nên của cải: “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Đảng đã dựng nên đại công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ngày ấy chàng trai trẻ, Chính trị viên đại đội Nguyễn Chí Trung là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” lẫy lừng. Rồi ông bươn chải trong đời lính. Vừa làm lính vừa viết văn với truyện ngắn lừng danh “Bức thư làng Mực”. Một truyện ngắn viết về miền núi xuất sắc vào hạng nhất, dựng được không khí chiến tranh nhân dân ở Tây Nguyên với một bút pháp độc đáo, tinh tế và hấp dẫn khiến cả làng văn hồi đó sững sờ.
Nguyễn Chí Trung nổi tiếng ở quân khu V thời chống Mỹ không chỉ vì tài viết văn. Ông còn là một chuyên viên cao cấp quân sự hàng đầu của quân khu. Ông thường xuyên xuống chỉ đạo tác chiến cho các đơn vị mỗi khi có chiến dịch. Ông cũng là một cán bộ tuyên giáo tự nguyện lo về công tác “chính trị tư tưởng” bồi dưỡng cho các chiến sĩ thi đua làm báo cáo thành tích. Ông là một cái kho tư liệu về các chiến dịch lớn nhỏ của Khu V. Một người lính xông xáo khắp các chiến trường. Mãi sau này ông ra sống vào chết trên chiến trường Căm Pu Chia mới được phong hàm cấp tướng. Hình như ông không được hưởng mấy tí thời bình. Cả cuộc đời ông là chiến tranh. Cho đến khi được về Thủ đô làm đến chức vị đứng dưới một người, đứng trên mọi người mà ông vẫn tự mình sống trong không gian thời chiến. Ông không cho phép mình hưởng chút nghỉ ngơi an nhàn của tuổi già. Ông không sống được trong sự bình ổn. Với ông, cuộc sống mà không có “vấn đề gì” thì là vô nghĩa. Tôi thấy ông vẫn sống trong bầu không khí của trận mạc. Và cuối cùng ông vẫn là một nhà văn. Một nhà văn tài hoa, sắc sảo, đặc biệt là tài thẩm định văn chương. Ngày nhà thơ Thu Bồn sáng tác trường ca “Ba gian khát” được Nguyễn Chí Trung đọc góp ý, sửa chữa, cắt tỉa mà sau này mấy anh em tôi nói vui là “Ba gian cắt”. Có dao có kéo của Nguyễn Chí Trung phát quang, tỉa tót nó mới được đánh già là một trong những trường ca “xuất sắc hàng đầu viết về Tây Nguyên” ngày sau giải phóng. Ông có một cuộc đời phong phú, từng trải chiến trận và ông là một người lính tình nguyện hàng đầu trên chiến hào chống bọn diệt chủng Pôn Pốt - Iêng-Xa-Ri. Cuối cùng, ông là nhà văn đoạt giải Asean với tiểu thuyết “Tiếng khóc của nàng Út”. Đây là một thiên tiểu thuyết trữ tình giàu chất thơ mang đậm chất nhân văn và sự yêu thương con người của một bầu nhiệt huyết không bao giờ nguôi cạn. Ông là một tấm gương hy sinh và luôn luôn là một người trung kiên với một lý tưởng mà ông đã chọn. Dù ai cho đúng cho sai, bảo ông là gàn dở hay duy ý chí, duy mỹ, thì ông vẫn một lòng tự khẳng định mình qua những trang văn đẹp đến nao lòng.
Hoan hô anh Nguyễn Chí Trung!
Văn nghệ số 47/ 2015
Tây Nguyên. Tranh Bocautrang |