Sự du nhập của lí thuyết văn học hậu thuộc địa ở Trung Quốc bắt đầu vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, với việc xuất bản một số lượng lớn các sách lí thuyết văn học hậu thuộc địa được tuyển dịch, giới thiệu. Đến năm 1999, khi các nghiên cứu về lí thuyết văn học hậu thuộc địa trong nước đạt tới độ chín thì việc nghiên cứu văn học hậu thuộc địa bắt đầu có những bước tiến mạnh mẽ. Trên các tạp chí chuyên ngành văn học ở Trung Quốc, số lượng các bài phê bình văn học hậu thuộc địa tăng nhanh chóng, bao gồm các nghiên cứu về dịch thuật, so sánh, về lí thuyết hậu thuộc địa, văn hóa, văn bản học,… Thu thập trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2013, tổng cộng có 36052 đề mục cho thấy sự phát triển nhanh chóng của các nghiên cứu văn học hậu thuộc địa ở Trung Quốc.
Ở giai đoạn đầu (1990 - 2000), cùng với việc giới thiệu các tác phẩm văn học hậu thuộc địa, các nhà nghiên cứu còn chú trọng vào hướng nghiên cứu văn hóa, lí thuyết, nghiên cứu văn bản văn học hậu thuộc địa. Trong bài báo Pearl S.Buck và lí thuyết hậu thuộc địa, tác giả Quách Anh Kiếm đã so sánh tư tưởng trong tác phẩm của Pearl S.Buck với quan điểm hậu thuộc địa của Edward Said, và chỉ ra rằng các tác phẩm của bà đã được viết bằng chất liệu và tâm hồn phương Đông, phản ánh một thứ “chủ nghĩa phương Đông” độc đáo giàu bản sắc Trung Quốc. Dưới góc nhìn của một người Mĩ (mà hầu như) gắn bó cả đời với đất nước Trung Quốc (30 năm sống tại đây), Pearl S.Buck - nữ văn sĩ của hai thế giới - đã viết những trang văn miêu tả đời sống xã hội Trung Hoa cuối thế kỉ XIX vô cùng chân thực, xúc động. Giai đoạn này, đất nước Trung Quốc phải gồng mình gánh chịu thiệt hại do các nước đế quốc, thực dân như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản gây ra. Tư tưởng hậu thuộc địa của Pearl S.Buck trong các tiểu thuyết East wind, West wind (Gió Đông, gió Tây, 1930), The good earth (Đất lành, 1931), A home of earth (Nhà tranh vách đất, 1935),... cũng vì thế mà đau đáu, thường trực mối bi thương sầu thảm về hiện thực tàn khốc của xã hội hậu thuộc địa. Đề tài chiến tranh trong tiểu thuyết của Pearl S.Buck cũng như những mô tả của bà về tiến bộ của văn hóa phương Tây đã phần nào phản ánh suy nghĩ về tiềm năng hội nhập giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Bài viết của Quách Anh Kiếm cho thấy cái nhìn khá toàn diện về tư tưởng hậu thuộc địa của Pearl S.Buck, đó là, thoát li khỏi tư tưởng trói buộc trong cuộc đối đầu giữa phương Tây và phương Đông, giữa thuộc địa và hậu thuộc địa, giữa trung tâm và ngoại vi, đồng thời mổ xẻ một cách khách quan quan hệ Đông - Tây.
Trong bài viết Luận giải sự tự thành của các nhân vật nam, nữ chính trong tác phẩm “Wide Sargasso sea”, tác giả Tào Lợi đã bắt đầu khám phá việc tạo dựng sắc thái hậu thuộc địa thông qua việc phân tích hình tượng nhân vật trong các tác phẩm văn học. Tào Lợi đã thử tìm hiểu con đường khám phá cái tôi, phân tích bản chất tâm lí hậu thuộc địa của các nhân vật nam, nữ chính trong Wide Sargasso sea, qua đó, lột tả được chỗ giống nhau của chế độ nam quyền độc đoán cùng lối cai trị thực dân hà khắc đối với người phụ nữ, làm cho người phụ nữ không thể cất tiếng nói tự do, không được làm chủ cái tôi cá nhân. Cách giải thích của Tào Lợi đã cho thấy xu hướng nghiên cứu liên ngành, đó là sự đan xen giữa các nghiên cứu về hậu thuộc địa và nghiên cứu về chủ nghĩa nữ quyền.
Sau những công trình giới thiệu về lí thuyết hậu thuộc địa, cộng đồng học thuật ở Trung Quốc dường như đã có cách tiếp cận nhạy bén hơn. Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu phân tích, khai thác, đi sâu tìm hiểu về tiểu sử các nhà văn, nhà thơ hậu thuộc địa người châu Phi, Ấn Độ (Soyinka, Walcott, Naipaul,...), giới thiệu thêm các tác phẩm văn học hậu thuộc địa của một số nhà văn nổi tiếng như Amos Tutuola, Chinua Achebe, Buchi Emecheta, Ben Okri,... Ở bài viết Sự lai tạo trong tiểu thuyết hậu thuộc địa tiếng Anh của Ấn Độ, tác giả Thạch Hải Tuấn bàn tới tính lai và tính đa dạng của tiểu thuyết Ấn Độ hậu thuộc địa. Với tiểu thuyết Midnight’s children (Những đứa trẻ lúc nửa đêm, tác phẩm đã được chuyển thể thành phim của nhà văn Salman Rushdie), Thạch Hải Tuấn đã có những phân tích kĩ lưỡng về nội dung cốt truyện, màu sắc chính trị, số phận nhân vật, các ẩn dụ trong tác phẩm về những biến động của lịch sử xã hội Ấn Độ buổi giao thời (khoảng 1947, thời điểm Ấn Độ giành lại độc lập được tác giả bài viết lí giải hết sức cặn kẽ thấu đáo). Những đánh giá như vậy đã truyền sức sống, thúc đẩy, tạo đà cho nghiên cứu văn học hậu thuộc địa ở Trung Quốc tiến lên giai đoạn đỉnh cao, vào thời kì sau.
Giai đoạn 2 (2000 - 2007) được xem là thời kì vàng son của hoạt động phê bình văn học hậu thuộc địa ở Trung Quốc. Lúc này, nghiên cứu văn học hậu thuộc địa đã có những đột phá lớn về phạm vi, phương pháp và cả chiều sâu. Sự bùng nổ của các nghiên cứu về những nhà văn đoạt giải Nobel sau thời kì thuộc địa; sự hiểu biết về các văn bản cổ điển hậu thuộc địa của phương Tây; sự gắn kết giữa lí thuyết hậu thuộc địa với chủ nghĩa nữ quyền trong phương pháp luận; xu hướng đa dạng trong các nghiên cứu về văn học Anh sau thời kì thuộc địa,… là những khía cạnh nổi bật của hoạt động phê bình văn học hậu thuộc địa giai đoạn này. Hàng loạt nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp văn học của các nhà văn, nhà thơ đoạt giải Nobel văn học như Soyinka (Nigeria), Walcott, Naipaul (Ấn Độ), Coetzee (Nam Phi),… nâng tầm cho lí luận phê bình văn học hậu thuộc địa Trung Quốc dịch chuyển đến gần hơn với trung tâm của văn học hậu thuộc địa thế giới. Cuối những năm 2000, sự hiểu biết của Trung Quốc về lí thuyết hậu thuộc địa đã khá chín muồi, tạo nền tảng tư liệu cho sự phát triển, tiếp biến văn học hậu thuộc địa ở Trung Quốc. Từ năm 2002, một làn sóng nghiên cứu về Naipaul và Coetzee đã nổi lên. Từ góc nhìn hậu thuộc địa, khá nhiều người làm luận văn, luận án chọn cách phân tích, nghiên cứu các chủ đề về đảo quốc Trinidad, Ấn Độ, Châu Phi thông qua các tác phẩm nổi tiếng của Naipaul. Các bài nghiên cứu Giải mã Naipaul qua bi kịch của người đàn ông vô gia cư trong “An area of darkness” của Mai Hiểu Vân, Lí giải tính hậu hiện đại và hậu thuộc địa của tác phẩm “Phố Miguel” của Trương Đức Minh cùng chỉ ra sự mất phương hướng của chính Naipaul thông qua việc mô tả sự cám cảnh của bản thân ông khi đánh mất bản sắc văn hóa như thế nào. Mối quan hệ cha con trong tác phẩm Half a life (Nửa đời) chính là biểu trưng của mối quan hệ giữa nhà văn Naipaul và văn hóa Ấn Độ cũng được tác giả Doãn Tích Nam khai thác triệt để. Hay như, sự va chạm giữa các yếu tố hậu hiện đại với những thân phận không có cùng bản sắc văn hóa ở phạm vi một thuộc địa đã được bàn tới trong nghiên cứu của Trương Đức Minh. Nhìn chung, các bài viết trên được xem như những điển hình nghiên cứu về hậu thuộc địa và Naipaul, chúng cho thấy tư duy hậu thuộc địa trong tác phẩm của Naipaul trên cả hai phương diện nội dung và hình thức.
Một phương diện khác, mảng văn học ngôn ngữ Anh hậu thuộc địa cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm. Phạm vi nghiên cứu văn học ngôn ngữ Anh hậu thuộc địa được mở rộng một cách tích cực về không gian địa lí như: văn học Ấn Độ, văn học Canada, văn học Australia, văn học người Hoa ở Malaysia, văn học người Hoa ở Mĩ, văn học Caribean, văn học phụ nữ da đen nước Mĩ, văn học hậu thuộc địa của Nhật,... làm xuất hiện một thế hệ học giả tiêu biểu về văn học ngôn ngữ Anh hậu thuộc địa như: Trương Đức Minh, Vương Bảo Lạp, Thạch Hải Quân, Lan Nhân Triết, Phó Tuấn, Nhiệm Nhất Minh, Cù Thế Kính,... Nghiên cứu của các học giả này, một mặt vừa quan tâm khám phá nhiều hơn nữa những tác phẩm văn học hậu thuộc địa, vừa đi sâu vào những nghiên cứu về tính thực dân hoặc tính hậu thuộc địa trong văn học kinh điển phương Tây; mặt khác, các nghiên cứu này vừa đại diện cho góc nhìn của chủ nghĩa đế quốc trong văn học phương Tây, lại vừa là góc nhìn chống chủ nghĩa đế quốc trong văn học hậu thuộc địa ở Trung Quốc. Những biểu hiện đó là đòn bẩy cho sự phát triển xu hướng đa nguyên hóa trong nghiên cứu văn học hậu thuộc địa, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình nghiên cứu văn học ngôn ngữ Anh của Trung Quốc ở giai đoạn này.
Giai đoạn cuối, tính từ năm 2013 đến nay, là giai đoạn của văn học hậu thuộc địa đương đại ở Trung Quốc. Việc các nhà nghiên cứu vận dụng các phương pháp nghiên cứu mới như: kết hợp phê bình sinh thái trong văn học hậu thuộc địa; mổ xẻ cơ chế ảnh hưởng giao thoa giữa các tác phẩm hậu hiện đại và các tác phẩm hậu thuộc địa; đào sâu vào các khía cạnh giao thoa, tính đa nguyên xuyên văn hóa trong nội dung và phương pháp nghiên cứu văn bản văn học,... đem đến cho nghiên cứu văn học hậu thuộc địa ở Trung Quốc một diện mạo mới, sinh khí mới. Từ những tư duy và định hướng nghiên cứu mới này có thể dự đoán rằng, nghiên cứu văn học hậu thuộc địa của Trung Quốc không hẳn chỉ vang bóng một thời, mà trong tương lai nó vẫn còn một khoảng không rộng lớn để khai thác. Các bài nghiên cứu như Lược thuật phê bình sinh thái đối với văn học hậu thực dân của Chu Tân Phúc - Trương Tuệ Tông, Bàn về phê bình sinh thái đối với văn học hậu thuộc địa - một góc nhìn mới về phê bình sinh thái của Giang Ngọc Cầm,… cho thấy những góc nhìn mới của lí luận phê bình sinh thái đối với văn học hậu thuộc địa. Một góc nhìn khác, qua bài viết Kinh điển văn học thực dân và sửa lại kinh điển - sự viết lại hậu thuộc địa trong tiểu thuyết “Foe” của Coetzee đối với tác phẩm “Robinson Crusoe”, tác giả Trương Dũng đã đi sâu phân tích tính chất hậu hiện đại trong tiểu thuyết Foe thông qua sự đối chiếu so sánh với cơ chế ngôn ngữ trong việc sửa lại văn bản ở tác phẩm Robinson Crusoe.
Nhìn lại quãng đường nghiên cứu văn học hậu thuộc địa ở Trung Quốc đã qua có thể thấy những thành tựu và cả hạn chế. Việc phê bình văn học hậu thuộc địa mới chỉ dừng lại ở nhận thức bề nổi, chưa có nghiên cứu toàn diện về tính không đồng nhất và sự khác biệt trên các mặt lịch sử thực dân, tâm lí thực dân, văn hóa khu vực, hình thái ý thức được thể hiện trong lĩnh vực văn học. Các nhà nghiên cứu còn khuôn mẫu trong nhận thức về sự chống lại bá quyền, chống lại sự thống trị của thực dân. Bên cạnh những hạn chế này, phê bình văn học hậu thuộc địa ở Trung Quốc cũng có điểm tích cực. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các học giả Trung Quốc đã mạnh dạn khai phá các xu hướng mới trong nghiên cứu văn học nước ngoài, việc nghiên cứu văn học ngôn ngữ Anh trong bối cảnh xuyên văn hóa hậu thuộc địa được xem như một bước chuyển táo bạo, hứa hẹn những cống hiến quan trọng, tạo tiền đề cho quá trình hội nhập với nghiên cứu hậu thuộc địa đương đại.
Nguồn VNQĐ