Cuốn nhật ký chiến trường này của nữ nhà báo Lệ Thu đã ghi chép những sự kiện xảy ra từ 10/8/1973, ngày chị bắt đầu lên đường về Nam, về với quê hương (mà chị đặt tên là Đường về) cho đến 1/5/1975, ngày chị “hạ cánh xuống sân bay” Gia Lâm - Hà Nội, hân hoan trong niềm vui chiến thắng trọn vẹn.
Nhật ký, đúng theo nghĩa của thể tài này, là ghi chép một cách trung thực những gì đã xảy ra cho mình và với những gì chung quanh. Cuốn nhật ký chị đã cất giữ suốt 40 năm, tưởng chừng sẽ ngủ yên, vì “nghĩ nó chỉ là những kỉ niệm buồn vui của riêng mình”. Nhưng giờ đây, chị lại “muốn nó được đến với mọi người, để những sự tích anh hùng của những trái tim đau thương, những tâm hồn cao cả ấy được lấp lánh giữa cuộc đời, được sống mãi với thời gian, không bị ai lãnh quên, không bị ai làm hoen ố!”, như lời chị tâm sự (tr.301).
Có lẽ những “sự tích anh hùng” của cả dân tộc một thời không dễ ai quên. Sự lay động tâm hồn người đọc qua những trang Nhật ký Lệ Thu, lại còn chính là “những tâm hồn cao cả lấp lánh giữa cuộc đời” đã góp phần làm nên “nụ cười chiến thắng”, làm nên “niềm vui bất tận” của dân tộc này.
*
Điều gì thôi thúc nữ nhà báo Lệ Thu đang có một vị trí quan trọng ở một tòa báo lớn ngay giữa thủ đô yên lành lại xông pha vào chiến trường miền Nam với hòn tên mũi đạn như vậy? Câu trả lời là:
* Tình cảm Mẹ, Con và quê hương Bình Đình trong tâm hồn
Ngoài nhiệm vụ là một đảng viên phải phục tùng sự phân công của tổ chức Đảng, có lẽ ấy là tình cảm với Con và với Mẹ, là tình cảm với quê hương Bình Định nói riêng. “Bây giờ, đối với mình cuộc sống là một cuộc chiến đấu mới, chẳng kém cam go. Một phía là Con, một bên là Mẹ, mình phải chọn cả hai. Nhưng cái riêng của cuộc đời mình phải lặn xuống, nhường chỗ cho cái chung” (tr.297). Xuyên suốt những trang Nhật ký, Lệ Thu đã dành nhiều tình cảm của mình cho Con và Mẹ. Chính tình cảm với Con, mà chị phải vào Nam chiến đấu, như lời bài thơ Viết cho con mà chị ghi lại trong nhật ký ngày 20/9/1973, là “không muốn con lớn lên con phải làm nô lệ/ nên bây giờ mẹ phải ra đi… khi Tổ quốc gọi tên từng thế hệ/ trong vinh quang con không phải cúi đầu”. Đó là tâm trạng giằng xé của người mẹ khi phải dứt ruột với đứa con yêu vào chiến trường miền Nam được chị thể hiện ngày từ những dòng đầu trang Nhật ký: “Một đêm nữa rồi xa con, chẳng biết bao giờ mới gặp lại. Con ngủ thanh thản bình yên quá, có biết tí gì đâu” (Nhật ký 10/8/1973, tr.7). Chị “níu kéo” từng giây phút được ở bên con: “May quá, xe không đến đón sớm như dự kiến (…) Mà tự nhiên sáng nay Bình cũng thức dậy sớm hơn mọi khi. Vậy là cả nhà còn được ăn sáng với nhau một bữa nữa. Con vẫn rất ngoan và vui vẻ, mặc dù nhìn thấy “hành lý”, biết mẹ sắp “đi công tác” (…) Chắc con vẫn tưởng má đi công tác mấy hôm rồi về như mọi khi, nên hớn hở vẫy chào, toét miệng cười rất hồn nhiên. Mình lên xe, nước mắt cứ tuôn ra không dừng được” (Nhật ký 11/8/1973, tr.9). Tình cảm với con là động lực giúp chị vượt qua cả những “thất vọng trước một sự thật trớ trêu của cuộc đời” của chị sau này: “Nếu như trên đời này má không có con, má cần chi sống những ngày này nữa! Nhưng má sống, nuôi hy vọng đem lại niềm vui, hạnh phúc, tự hào cho con” (Nhật ký 11/9/1974, tr.203).
Tình cảm với Mẹ của Lệ Thu cũng chính là niềm thôi thúc để chị trở về miền Nam quê má công tác, chiến đấu. “Khi được thông báo ở trong danh sách “đi B”, mình chưa kịp nghĩ gì, cũng chẳng quan tâm chức vụ gì, chỉ thấy vui mừng vì sắp được gặp Má và các em sau gần 20 năm cách xa biền biệt! Đã bao lần mình mong mỏi được về quê” (Nhật ký 10/8/1973, tr.8). Hình ảnh má xuyên suốt trong hành trình đường về của chị. Về đến quê nhà Bình Định mà chưa gặp Má, lòng chị xốn xang không yên. “vậy là cuối cùng con không được gặp Má, chao ôi! Cuộc đời sao mà tàn nhẫn, độc ác thế này” (Nhật ký 1/5/1974, tr.135). Thậm chí, chị dằn vặt nghĩ, có lẽ do mình khát khao gặp Má nên đâm ra sơ hở, để kẻ địch biết, bắt Má bỏ tù: “Trời ơi, Má, hoạt động suốt từ những năm 1962 đến giờ không bị lộ, vậy mà nay… Có phải chăng là do mình? Hẳn là như thế rồi còn gì nữa! (…) Sao mình ngu thế nhỉ? Chỉ vì khát khao gặp má…” (Nhật ký 30/11/1974, tr.218). Từ tình cảm đối với Má của riêng mình, Nhật ký Lệ Thu dành nhiều trang viết trân trọng sự giúp đỡ, che chở cho cách mạng, cho những người con chiến đấu vì sự yên bình của xóm làng, vì sự thống nhất của nước nhà của những bà má quê hương. Đó là má Đốc, sống một mình bên chốt Gò Tháp của địch, có 5 đứa con hy sinh cho cách mạng. Hôm đứa con thứ 5 hy sinh “má chỉ lặng im, không khóc, mấy đứa trước cũng đều thế, má không khóc đâu”. Trả lời câu hỏi của má, “Con má hy sinh có dũng cảm không?”, mấy đứa bạn con má kể rằng: “Chúng con chiến đấu suốt sáu tiếng đồng hồ, cuối cùng hết đạn, chúng nó ào lên. Không muốn sa vào tay giặc, anh ấy đập bể súng và đạp quả lựu đạn cuối cùng, bốn thằng lính và anh cùng chết!”. Nghe má hỏi, “Nó hy sinh như vậy được đấy chớ, phải không con?” mà tác giả những dòng nhật ký phải nghèn nghẹn, thẫn thờ thốt lên: “Chao ôi, người mẹ Việt Nam”. Còn danh hiệu nào hơn để dành tặng cho mẹ nếu không phải là danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng mà sau này cả dân tộc vinh danh! (Nhật ký 16/3/1974, tr.92). Đấy còn là mẹ Lụa như bao bà mẹ Việt Nam cần cù, tội nghiệp khác. Ngoài biển địch càn quét, không một ai dám ra khơi đánh cá, biển lặng ngắt. Vậy mà nhà mẹ luôn có cá thu mẹ để dành từ bao ngày chờ ngày có khách, là những cán bộ hoạt động cách mạng.. Ôi, tấm lòng người mẹ…(Nhật ký 1/7/1974, tr.170).
Nhật ký Lệ Thu dành những trang xúc động, tha thiết, viết về nỗi nhớ quê hương da diết của mình. Có lẽ đây là tâm trạng, tình cảm chung của tất cả những đứa con xa quê tập kết ra Bắc, ngày Bắc đêm Nam. Những đoạn nhật ký viết về quê hương Bình Định bao giờ cũng vừa là tâm trạng bồi hồi, xao xuyến; vừa là tiếng reo vui hân hoan, ngỡ ngàng của nữ nhà báo Lệ Thu. Đó là khi được đặt chân lên mảnh đất quê hương sau 20 năm xa cách cũng giản dị mà đầy xúc động: “Bàn chân ta đã đặt lên mảnh đất quê hương. An Lão đây rồi. Bình Định ơi, quê hương yêu dấu của ta!” (Nhật kí 1/1/1974, trang 49); là khi thấy quê hương trong tầm tay với mà không đến được, nên: “Ban đêm có thể đứng trên cao nhìn xuống đầm Thị Nại, núi bà Đen, núi Xương cá, núi Kỳ Sơn, tháp Bánh Ít… thấy ánh đèn nhấp nháy ở thành phố Quy Nhơn, đồi Ra Đa… Thấy đấy mà không về được! Gần hai mươi năm rồi mới trở về đây, được nhìn cảnh vật thân yêu - nơi ta ra đời, nơi Má và các em ta đang sống. Xã Phước Hòa, Phước Lý, Phước Hậu… dưới kia, gần gũi quá! Cánh đồng mênh mông trù phú ngày nào, giờ hoang vu, không nhà cửa, không bóng người” (Nhật ký 19/4/1974, trang 103). Thật dễ đồng cảm với người con xa quê, đứng giữa quê hương Phước Hưng, “nhớ lại quang cảnh, đường sá, nhà cửa của quê hương mình thuở trước”: “Tất cả giờ đây đã thay đổi, nhưng bầu trời vẫn trong xanh, mặt đất vẫn dịu hiền, ấm áp như xưa. Tôi muốn uống lấy tất cả niềm vui nỗi buồn, muốn thâu tóm lấy, muốn khắc ghi lại tất cả những gì là máu thịt của quê hương…” (Nhật ký 26/4/1974, tr.117).
Đỉnh điểm của tình cảm mà chị dành cho quê hương Bình Định là thực hiện thành công bài diễn văn cho Ngày Chiến thắng của Bình Định. Chị viết trong Nhật ký ngày 2/4/1975 rằng: Trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng khi vừa giải phóng xong Quy Nhơn, “Khu ủy khu 5 có điện gọi mình ra Đà Nẵng, trong khi Bình Định lại nhờ mình viết diễn văn để đọc trong ngày lễ trọng mừng chiến thắng và ra mắt chính quyền mới, chính quyền của Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh Bình Định. Không nỡ từ chối bất cứ việc gì của quê hương, nên mình nhận lời, và bây giờ phải viết xong diễn văn thì mới có thể trở ra Đà Nẵng được”. Nhờ vậy, hôm nay, sau 40 năm, trong những ngày hào hùng kỷ niệm Bình Định, và cả đất nước hoàn toàn giải phóng, ta được đọc lại những dòng hào sảng trong bài diễn văn Ngày Chiến thắng ấy (tr.281-290), “vừa phải hùng hồn mang khí thế chính trị của một chính thể vừa chiến thắng, vừa phải tình cảm ấm áp và nhân nghĩa của một chính quyền từ dân mà ra, còn đang nóng hổi ân sâu nghĩa nặng và xương máu hy sinh của bao người” (tr.281) của nữ nhà báo Lệ Thu.
* Tinh thần lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào Ngày Chiến Thắng
Chúng ta thường tự hỏi ngọn nguồn nào làm nên Ngày Chiến thắng? Và chúng ta cũng rất dễ dàng để trả lời cho câu hỏi đó. Nhưng tự thẳm sâu, có một nguyên do bình dị làm cho người dân Việt luôn tin tưởng vào cuộc chiến chính nghĩa của mình, cũng như tin tưởng mãnh liệt vào ngày chiến thắng cuối cùng của dân tộc, thống nhất đất nước, là bởi người dân Việt rất lạc quan, yêu đời, tin tưởng trong bất kì hoàn cảnh nào. Những trang Nhật ký Lệ Thu cũng góp phần lí giải ngọn nguồn chiến thắng ấy. Đấy chính là “nụ cười chiến thắng” của Việt Nam.
Cụm từ “nụ cười chiến thắng” làm ta liên tưởng đến nụ cười của chị Võ Thị Thắng, hiên ngang, bất khuất, đĩnh đạc khi đối diện với kẻ thù man rợ. Đó là nụ cười của một anh hùng. Nhưng nụ cười lạc quan yêu đời của những gương mặt bình dị trong Nhật ký Lệ Thu cũng thật anh hùng không kém!
Trước hết, trong chiến tranh gian khổ, bom đạn ác liệt, người dân quê Bình Định không hề run sợ. Đọc đoạn văn dưới đây, liệu người đọc sẽ hình dung đây là khung cảnh làng quê Bình Định trong chiến tranh ác liệt hay trong hòa bình an vui? Nhật ký ngày 12/2/1974 ghi: “Trong những ngày ở Hoài Châu, mình đã chứng kiến sự ngạc nhiên của các nhà báo ngoại quốc khi họ đến thăm vùng giải phóng Hoài Nhơn (…) Đặt chân lên vùng giải phóng Hoài Nhơn, họ thật sự ngạc nhiên và khâm phục. Bởi vì Hoài Nhơn không như họ nghĩ, xác xơ, đói rách, bệnh hoạn… Hoài Nhơn đang vươn lên xanh tươi sự sống, cả cảnh vật và con người. Ai cũng tươi vui, hồ hởi, thân thiết. Đồng ruộng Hoài Hảo và Hoài Châu xanh mơn mởn, mặc dù pháo địch nổ hằng ngày rất dữ dội. Nhân dân vẫn cấy lúa, trồng khoai, họp chợ. Các em vẫn đi học bình thường. Không thấy ai tỏ ra sợ hãi. Nơi đây bom đạn đã quá thừa thãi đối với con người. Họ vượt lên trên cái chết và giờ đây chiếm lấy sự sống” (tr.77-78).
Câu chuyện gặp những nhà báo Mỹ được kể liền sau đấy thật thú vị. Nó chứng tỏ người Việt đã biết đùa, đùa một cách trí tuệ, đùa để “vượt lên trên cái chết”, vượt lên trên bom đạn. Chuyện kể, nữ nhà báo Lệ Thu đã nhờ anh phóng viên báo New York Times người Mỹ biết rành cả tiếng Việt lẫn tiếng Tàu dịch hộ câu: “Ụa tả nị, nị tả ụa- cắng xải dâu tí xìn”. Chàng phóng viên biết vế trước là “Tôi đánh anh, anh đánh tôi”, nhưng không tài nào dịch được vế sau, vì chị đã dùng mẹo “nói lái” là “xái cẳng xin tí dầu”. Chàng phóng viên người Mỹ chỉ biết giơ tay lên trời cười thoải mái, khâm phục (tr.81).
Chất lạc quan của người Việt, chất tếu táo của người lính hình như thấm đẫm trong người nữ nhà báo Lệ Thu. Đoạn đối thoại sau là một minh chứng. Sau một trận đánh, thím chủ nhà ra đón chị và “thím vuốt tóc tôi rồi vuốt xuống vai, xuống lưng tôi, rồi ôm lấy tôi thổn thức: “Con, trời ơi, tội chưa! Tao nghe nổ súng trên mặt đường, lo quá. Có ai sao không con?”. Tuy còn mệt nhưng thấy vui hơn bao giờ hết, tôi cười nói vui với thím: “Dạ, không ai sao cả thím. Chỉ mình con bị …!”. Thím ngạc nhiên vừa lo lắng đẩy tôi ra một chút, ngắm nhìn từ đầu đến chân: “Chớ con bị làm sao?”. “Con bị… đói bụng thím à!”. Thím phì cười, đôi mắt và cả khuôn mặt thím sáng bừng lên bên ánh lửa của ngọn đèn dầu” (tr.89). Những chi tiết đậm chất lạc quan, u-mua như thế trong Nhật ký Lệ Thu không hiếm!
Nguồn Văn nghệ số 18+19/2021