Chuyên đề

Nhìn lại những sáng tác về chiến tranh biên giới Tây Nam

Câu chuyện văn hoá
08:52 | 22/05/2022
Sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), khi dân tộc vẫn còn hân hoan trong niềm vui chiến thắng thì những người thanh niên trẻ tuổi lại đến với biên giới Tây Nam tham gia chống Pol Pot xâm lược. Trong số đó có rất nhiều người lính tình nguyện lên đường sang đất nước Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế cao cả bởi chế độ Khmer Đỏ (Khmer Rouge) do Pol Pot lãnh đạo đang thực thi chính sách diệt chủng man rợ trên đất nước này
aa

Sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), khi dân tộc vẫn còn hân hoan trong niềm vui chiến thắng thì những người thanh niên trẻ tuổi lại đến với biên giới Tây Nam tham gia chống Pol Pot xâm lược. Trong số đó có rất nhiều người lính tình nguyện lên đường sang đất nước Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế cao cả bởi chế độ Khmer Đỏ (Khmer Rouge) do Pol Pot lãnh đạo đang thực thi chính sách diệt chủng man rợ trên đất nước này. Đây là thời đại đau thương của dân tộc Campuchia và dân tộc Việt Nam mà văn học ở hai đất nước đóng vai trò là “thước đo của lịch sử” đã ghi lại một cách chân thật và xúc động nhất. Những tác phẩm viết về chiến tranh biên giới Tây Nam đã góp phần làm phong phú thêm bức tranh chung của văn học Việt Nam hiện đại.

Trong quyển Văn học Việt Nam đổi mới - Từ những điểm nhìn tham chiếu, Phan Tuấn Anh gọi đề tài chiến tranh biên giới (ở cả phía Bắc và phía Nam) là “đề tài ngoại biên”. Theo tác giả này, thứ nhất, “việc nhiều sáng tác và cả phê bình phải chờ một thời gian dài”; thứ hai, “vị thế ngoại biên của tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh biên giới còn nằm ở phương diện chủ thể sáng tạo nên tác phẩm”, cụ thể là “những nhà văn này đều là đồng nghiệp/ đội của nhau, họ đều là những sĩ quan cấp cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam”. Ngoài ra, tính ngoại biên còn có thể được lý giải bằng việc các nhà văn tập trung bút lực viết về “Đất bên ngoài Tổ quốc” (Lê Minh Quốc), về hình tượng người lính tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên đất nước Campuchia.

Dòng văn học này bao gồm bốn mảnh ghép quan trọng. Mảnh ghép thứ nhất là thơ ca viết về đề tài chiến tranh biên giới, tạc dựng hình tượng người lính tình nguyện, đặc biệt là những cung bậc cảm xúc, trạng thái tâm lý của chủ thể sáng tạo (hầu hết là người lính chiến đấu ở biên giới Tây Nam và Campuchia) trên chặng đường chiến đấu gian khổ, nguy hiểm. Nỗi nhớ quê hương, nhớ người yêu, tình yêu thiết tha đối với mảnh đất, con người, phong tục tập quán, những nét văn hóa truyền thống của Campuchia được các tác giả gửi cả vào thơ ca. Những gương mặt nhà thơ tiêu biểu cho mảng sáng tác này là Phạm Sỹ Sáu với Điểm danh đồng đội, Hành tráng sĩ mới, Ra đi từ thành phố, Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ, Với Voi Pét mùa mưa,… Nhà thơ Lê Minh Quốc với tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc - tiếng lòng của người lính xa quê, tham gia làm nhiệm vụ tình nguyện ở nước bạn. Mặc dù người lính ấy vẫn canh cánh trong lòng nỗi nhớ cố quốc, khát khao trở về quê hương nhưng ý thức trách nhiệm, ý chí chiến đấu của người lính khoác lên mình màu áo quân tình nguyện vẫn ngùn ngụt, sục sôi trong tâm hồn của họ. Một số bài thơ tiêu biểu trong tập thơ này là Mùa trăng Phum Giềng, Gặp ở Ăng - co Vát, Đêm ở rừng Choan - San, Viết từ cánh rừng Đông Bắc Campuchia, Đêm trú quân ở Xam công Thmây nhớ Hàn Mặc Tử,… Ngoài ra, Cao Vũ Huy Miên, Trần Trí Thông, Lương Hữu Quang, Ngân Vịnh,… cũng là những gương mặt vô cùng xuất sắc.

Truyện ngắn là mảnh ghép thứ hai trong dòng văn học viết về đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam. Các tác giả đã phản ánh chân thật hiện thực cuộc chiến đấu chống Khmer Đỏ, xây dựng thành công hình tượng anh bộ đội Việt Nam với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng và nhiệm vụ quốc tế cao cả. Truyện ngắn về đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam trở thành phương tiện để người lính ghi lại những câu chuyện hoặc mắt thấy tai nghe, hoặc tưởng tượng nhưng vẫn đảm bảo tính chất phản ánh hiện thực cuộc chiến đấu, đời sống quân ngũ, vẻ đẹp tâm hồn của người lính Việt Nam và người Campuchia. Một số tác phẩm xuất sắc trong mảnh ghép này là Bài thơ của Anh (Chu Lai), Anh ấy không đơn độc (Văn Lê), Chăn Tha (Trần Thùy Mai), Biển Hồ yên tĩnh (Mai Ngữ), Khô Chănđara (Đỗ Viết Nghiệm), Ánh lửa (Trần Đình Thế), Đường qua phum Tha Khây (Khuất Quang Thụy),… Phần lớn những truyện ngắn này được nhà văn viết tại chiến trường Campuchia, không có độ lùi thời gian nhất định như tiểu thuyết.

Mảnh ghép thứ ba là ký. Tuy số lượng ký viết về đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam không nhiều, song cũng là một đóng góp quan trọng không thể không kể đến. Ký sự, phóng sự tập trung ghi lại những thông tin chiến sự quan trọng, những ngòi bút ký sự, phóng sự chủ yếu bị thôi thúc bởi đời sống chiến đấu, nhanh chóng góp một tiếng nói kịp thời. Tiêu biểu nhất là thiên ký sự Đường và Phnom Pênh của Thiếu tướng Phó tư lệnh Bùi Cát Vũ được đăng nhiều kỳ trên báo Sài Gòn Giải phóng. Thành công nhất trong loại hình ký là hồi ký chiến tranh. Phần lớn hồi ký chiến tranh là dòng hồi ức của cựu chiến binh về một thời chiến đấu đau thương nhưng oanh liệt. Các tác giả đã kết hợp linh hoạt các phương thức như tự sự, trữ tình, nghị luận, cung cấp những tư liệu của quá khứ mà đương thời chưa có điều kiện nói được. Những tác phẩm hồi ký xuất sắc trong mảng sáng tác này bao gồm Rừng khộp mùa thay lá (Nguyễn Vũ Điền), Từ biên giới Tây Nam đến đất chùa tháp (Trần Ngọc Phú), Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn), Chuyện lính Tây Nam (Trung Sỹ), Đất K. (Bùi Quang Lâm),… Bút ký Mùa linh cảm của Đoàn Tuấn cũng là tác phẩm có giá trị văn học với ngôn từ giàu hình ảnh, cảm xúc, có khả năng tác động đến tâm hồn người đọc.

Tiểu thuyết là mảnh ghép cuối cùng, cũng là mảnh ghép quan trọng của văn học về chiến tranh biên giới Tây Nam, đóng góp không nhỏ cho diện mạo văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Hầu hết các tác phẩm tiểu thuyết về đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam đều được viết sau chiến tranh, khi các nhà văn đã có độ lùi thời gian nhất định, vì thế góc nhìn về chiến tranh và người lính trong mảng tiểu thuyết này là góc nhìn của con người hiện đại với những trải nghiệm sâu sắc về chiến tranh. Do được viết sau khi những người lính năm xưa đã trở về từ cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nên các nhà văn có điều kiện trau chuốt ngòi bút, chú trọng phương diện nghệ thuật của tác phẩm. Mặc dù tái hiện hiện thực cuộc chiến tranh khốc liệt diễn ra ở biên giới Tây Nam (Việt Nam), một số vùng đất thuộc lãnh thổ Campuchia và tiến gần biên giới Campuchia - Thái Lan, song tiểu thuyết về đề tài chiến tranh chống lại bè lũ Khmer Đỏ không nặng nề tính tuyên truyền và tính cổ vũ mà tập trung thể hiện cả những góc khuất, phần vô thức - “phía” bên trong phức tạp của con người. Có thể nhận thấy số lượng tác phẩm thuộc mảng sáng tác này không nhiều, tiểu thuyết về đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, đáng chú ý Dòng sông Xô Nét (Nguyễn Trí Huân), Không phải trò đùa (Khuất Quang Thụy), Khoảng rừng có những ngôi sao và Ngôi chùa ở Pratthana (Văn Lê), Bên dòng sông Mê (Bùi Thanh Minh), Mùa xa nhà (Nguyễn Thành Nhân), bộ tứ tiểu thuyết Đất không đổi màu, Biên giới, Bên rừng thốt nốt và Người khóc mướn (Nguyễn Quốc Trung), Miền hoang (Sương Nguyệt Minh),… Viết khi chiến tranh đã đi qua là điều kiện thuận lợi để các nhà văn có thể tiếp thu và vận dụng những phương pháp sáng tác, thủ pháp nghệ thuật của tiểu thuyết hiện đại trên thế giới. Đặt tiểu thuyết về chiến tranh biên giới trong sự đối sánh với tiểu thuyết thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, tác giả Phan Tuấn Anh cho rằng: “Nếu các cuộc chiến tranh chống Mỹ và Pháp chứng kiến những tiểu thuyết ra đời gần như ngay lập tức, hoặc chỉ có độ lùi đôi năm, thì chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam (tập trung vào giai đoạn 1978 cho đến năm 1989), hải chiến Trường Sa năm 1988… phải chờ đợi đến hai, ba thập niên sau các tác phẩm mới được xuất bản”.

Từ những tác phẩm đầu tiên cho đến những tác phẩm vừa mới ra đời, có thể thấy, các tác giả trong mảng sáng tác về đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam đã dần dần “hiện đại hóa” đứa con tinh thần của mình. Mảng sáng tác này sau bốn mươi năm vẫn không ngừng tuôn chảy, hòa mình vào dòng chảy chung của nền văn học dân tộc, trở thành một luồn nước không thể thiếu trong dòng sông văn chương mênh mông.

Nguồn Văn nghệ số 21/2022


Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.
Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Baovannghe.vn- Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật.