Năm nay, gần một tháng qua mà đã có ba cơn bão đổ vào nước ta. Nắng mưa là quy luật của tự nhiên, nhưng với nước ta, giờ đây, ngày nắng nhiều hơn, ngày mưa ít hơn. Con người đã khai thác thiên nhiên quá mức, dẫn đến mất rừng, mất sông.
Mấy ngày vừa qua tôi đi ngang sông Hồng, dòng sông mẹ. Lúc này nước đang lên. Theo tôi nhớ thì mức nước này đã gần như báo động một. Ngược thời gian, những năm 80 của thế kỉ trước, nước sông Hồng còn to, phù sa ngầu sắc đỏ, người dân cứ nhìn lên cây tre cắm ở điếm canh đê có treo các bồ nhỏ là biết mức báo động của dòng sông. Treo một bồ là báo động một, hai bồ là báo động hai, ba bồ là báo động ba, ở mức này, nước lên cách mặt đê độ 50 cm.
Một thoáng sông Hồng Ảnh internet |
Khi ấy, cùng lực lượng thường trực canh đê ở điếm canh, bà con sẵn sàng cho việc đối phó với lũ khi đê có sự cố mà chẳng cần cuộc diễn tập tốn kém nào. Lúc nước mới lên, tràn vào bãi, người dân bắt cá để ăn, bắt giun, vờ cho gia cầm. Nước về, kéo củi khô trôi theo, cả lau sậy, cây chuối còn nguyên buồng…Dân làng tranh thủ ra vớt củi, đánh đống trên mặt đê, sau đó dùng xe bò cải tiến chở về, mấy tháng mùa sau, không phai lo chất đốt cho cả nhà. Khi con nước lên báo động hai, ba, ca dòng sông là một dòng chảy cuồn cuộn, có những xoáy nước đường kính mấy mét. Bọn trẻ trâu chơi, cứ ném que củi xuống chỗ xoáy, một lúc sau biết mấy que củi ấy lại bùng lên nhấp nhô trôi theo dòng. Đám trẻ ấy, không ai bị tai nạn đuối nước, vì khi mùa hè, những ao hồ không bị ô nhiễm, trẻ em nhảy ùm xuống tắm, học bơi nhanh, ai cũng bơi giỏi như dái cá. Nếu không may, trượt chân, gặp xoáy nước, thì nhanh như cắt, các bạn cùng nhổ cây tre dài, lao ra chỗ xoáy nước để nạn nhân bám vào, sẽ hết nguy hiểm ngay.
Nước rút, trên bãi là một lớp phù sa màu mỡ, hứa hẹn một mùa màu bội thu, nhất là mùa khoai, bởi "Khoai đất lạ, mạ đất quen"
Dân ta gắn bó với sông nước bao đời nay. Đọc "Mẫu thượng ngàn" ở miền Bắc hay "Mùa len trâu" ở miền Nam thì ta biết người dân vẫn sống rất tốt với vùng chiêm trũng ở miền Bắc và mùa lũ của miền Nam. Và cuộc sống sẽ bị đe dọa khi thiếu mưa, thiếu lũ.
Ngày trước, khi mùa khô đến, dòng sông chỉ "gầy đi”. Giờ đây, những con đập thủy điện, những mỏ khai khoáng tràn lan, chặt phá rừng làm rẫy, trồng cây công nghiệp đã làm những con sông, ngay cả sông Hồng (sông Cái) ốm đau bệnh tật. Từ lâu, nước sông Hồng không ngập mố cầu Long Biên. Mấy hôm nay nước lên ngập bãi giữa, có phù sa ánh lên sắc đỏ, như hình ảnh sông ốm lâu ngày bình phục, khỏe ra chút khi có mưa đầu nguồn.
Chúng ta, với những cái lợi trước, vẫn cứ tàn phá thiên nhiên, khai thác cát tận thu, phá rừng bừa bãi, đập thủy điện mọc lên...Tôi nghĩ, ngay con sông Cái còn bị ốm triền miên thế này, thì về sau con cháu chúng ta chắc không con cơ hội khi đi xa về được "úp mặt vào sông quê". Nó sẽ chỉ còn trong câu hát, trong văn học, thơ ca. Sông Hồng sẽ không còn đỏ nặng phù sa, sông Cầu không còn nước chảy lơ thơ. Sông Đuống còn gì nữa không? Con sông của làng quan họ? Hay những mùa nước nổi phương Nam?...