Sáng tác

Nhử cọp. Truyện ngắn của tác giả Trần Tuấn

Trần Tuấn
Truyện
11:00 | 13/08/2024
Baovannghe.vn - Sự u ám bao trùm lên toán quân. Ai cũng hiểu cái chết rình rập họ nơi rừng xanh, và sự trừng phạt còn ghê gớm hơn chờ đợi họ ở phía sau
aa
Nhử cọp. Truyện ngắn của tác giả Trần Tuấn
Nhử cọp - truyện ngắn của Trần Tuấn

Vào đời vua Minh Mạng, tại kinh thành Huế xảy ra một chuyện mà chưa thấy sử sách nào chép lại. Đó là chuyện về cuộc vượt ngục của Cọp Chúa. Một đêm mưa to gió lớn, giữa vòng vây dày đặc của tường đá, rào sắt và lính canh, Cọp Chúa biến mất như mọc cánh. Thế là bao nhiêu huyền thoại về Cọp Chúa một dạo im ắng, giờ lại trỗi dậy ở đất Thần Kinh. Chuyện Cọp Chúa quăng mình vồ mồi, cát đá dưới chân lún sâu nửa thước. Có lần hụt con mồi, móng vuốt mãnh thú khoét nửa thân đại thụ. Đại thụ trăm tuổi chảy nhựa rũ lá ba ngày sau thì chết. Lại đồn Cọp Chúa uống phải nước suối Tiên nên có phép thần thông biến hóa. Có điều nó không bao giờ hại người. Nhóm người chuyên lo chuyện trầm hương cho triều đình kể có lần mải theo mạch trầm quý, họ lạc vào rừng sâu, bị đói khát quật ngã ngay bên con đường thú dữ thường qua lại. Mê man không biết đã bao lâu, một sáng chợt tỉnh dậy, họ đã thấy mình nằm ở cửa rừng, xung quanh là chi chít những dấu chân cọp khổng lồ. Chợt hiểu ra, không ai bảo ai cả đám quỳ rạp tạ ơn Cọp Chúa cứu mạng. Nghe chuyện này, đức vua giận dữ cho tống ngục lũ người nọ vì tội khi quân. Đó là chuyện trước khi Cọp Chúa trở thành tên tù thảm hại, là một đấu sĩ chuyên mua vui cho đức vua và quần thần nơi Hổ quyền.

Đức vua ghét cọp. Ngài căm thù cái sức mạnh siêu quần của loài mãnh thú mà Ngài thường gọi là ác thú. Với Ngài, sức mạnh của chúng luôn hiển thị cái chết rình rập, cái chết của con người, mùa màng, muông thú... Chính Ngài cũng có lần suýt bỏ mạng vì nanh vuốt của chúng ngay giữa dòng Hương Giang thơ mộng. Lần ấy, nhân dịp lễ Tứ tuần Đại khánh của mình vào năm 1829, Đức vua quyết định mở một cuộc quyết đấu giữa hai loài chúa sơn lâm là cọp và voi cho dân chúng toàn thành thưởng ngoạn. Ngược lại với cọp, Ngài hết ức ưu ái họ nhà voi, vì theo Ngài đó mới chính là biểu tượng vĩnh cửu của sức mạnh vương triều. Những dịp vui, Ngài thường cho mở các cuộc huyết đấu như vậy. Hiển nhiên kết cục bao giờ phần thắng cũng thuộc về loài đại tượng mắt hí tai to. Để nắm chắc phần thắng, Ngài ra lệnh cắt nanh, bẻ vuốt mãnh hổ trước mỗi trận đấu rồi cột chặt chúng vào một cái cọc gỗ to chôn thật sâu xuống đất. Bữa diễn ra lễ mừng tuổi bốn mươi, mọi việc chuẩn bị cho cuộc đã chiến diễn ra như thường lệ. Mãnh hổ bị cột cứng vào cây cột lim mạn Bắc Hương Giang, mặt hướng ra sông. Nhà vua ngự ở thuyền Rồng cách bờ ba trượng, tay lăm lăm cầm dùi trống lệnh chuẩn bị khởi lễ. Trên bờ, dưới nước trống dong cờ mở, rộn tiếng đàn ca, tiếng tung hô Đức vua muôn tuổi. Dân chúng toàn thành đổ xô kín hai bờ sông chở xem màn kịch chiến sắp xảy ra. Thực ra hầu như ai cũng chỉ chờ đợi xem cuộc cầm cự dẫm máu đầy tuyệt vọng của mãnh hổ khi đã bị tước hết vũ khí diễn ra như thế nào. Bao nhiêu chúa sơn lâm đã đau đớn bỏ xác bên dòng sông này rồi. Những người già kể lại cho bầy trẻ nghe rằng gần bảy chục năm về trước, khi còn con nít chưa biết xỏ quần, họ đã được chứng kiến cảnh bốn mươi con voi chiến quần thảo cho tới khi giết sạch mười tám con cọp bị trói chặt. Quang cảnh giống như một lễ hiến tế kinh hoàng hơn là một cuộc đấu. Cồn Dã Viên nơi bầy thủ sát hại nhau nhiều năm về sau cỏ vẫn chưa mọc lại được...

Tiếng tung hô vẫn tiếp nhau vang dội. Con voi chiến, kẻ được chọn làm sát thủ hôm nay trên mình khoác tấm vải điều tua vàng viền hai chữ "Thiên vương" theo lối thảo hoa mĩ, nghênh ngang dạo bước giữa hai hàng tượng địch giáo dài nhọn hoắt. Dường như nó chẳng hề để ý tới đối thủ đang dựa lưng vào cây cột lim gầm gừ căm hận. Một tiếng trống vang lên. Nhanh như cắt, bằng động tác thành thục, gã quản tượng người Vân Kiều gỡ tấm vải điều phủ mình voi chiến móc vào đầu ngọn giáo dài nhất của người đội trưởng tượng địch. Một tiếng trống nữa con voi quay về phía thuyền rồng, phủ phục trong tiếng hô râm ran. Một hồi trống đổ dài, cuộc tử chiến bắt dầu. Chẳng cần đợi gã quản tượng thúc búa, con voi lao về phía cây cột lim mạnh như bão cuốn. Bụi tung mù mịt. Tiếng gầm rít ghê rợn của đôi mãnh thú làm chao đảo cả mặt sông. Những đám người xô dạt. Tiếng reo hò nín câm, nhiều người nhắm mắt lại. Trong những cuộc đấu kiểu này, ngón đòn quen thuộc của voi là dùng vòi quật cho đối thủ tối tăm mặt mũi, sau đó xô gãy cột dùng chân chà nát con vật tội nghiệp đã bị thúc thủ hoàn toàn. Nhưng trong cuộc đấu hôm nay, nó gặp phải một đối thủ quá dũng mãnh và tinh khôn. Những ngón đòn quen thuộc xem ra chẳng mùi mẽ gì. Bối rối sững lại vài giây, voi chiến lại điên cuồng lao tới trong tiếng trống giục liên hồi. "R... ắ... c" - cột lim đã gãy. Voi chiến tung chân. Bỗng một điều chưa từng thấy đã xảy ra: cùng lúc với tiếng gãy của cây cột là tiếng đứt phựt của dây chão. Trong cơn tuyệt vọng, mãnh hổ đã rún người bứt được dây trói, lao xuống sông phăm phăm bơi về phía thuyền Rồng. Không khí lặng ngắt ghê sợ. Không một ai kịp phản ứng. Thuyền Rồng tròng trành. Mãnh hổ loay hoay tìm cách leo lên thuyền. Đức vua là người nhận thấy hiểm nạn đầu tiên, Ngài vớ đại lấy cây sào trong tay gã cấm quân đâm mạnh vào đầu mãnh hổ. Đến lúc này, bầy lính tượng địch trên bờ mới sực tỉnh, ào xuống thuyền nhỏ bơi ra ứng cứu. Kịch chiến diễn ra trên sông. Kết quả mãnh hổ tử thương, máu người và thú loang đỏ cả vạt Hương Giang phía trước Phu Văn Lâu.

*

Sau lần thoát chết ấy, vua Minh Mạng vội vã cho xây một đấu trường kiên cố, đặt tên là Hổ Quyền. Hổ Quyền hoàn tất trùng vào năm Cọp (Canh Dần năm một tám ba mươi). Tên tuổi Cọp Chúa cũng bắt đầu từ đây. Qua bốn trận đấu đầu tiên tại Hổ Quyền, lần lượt bốn voi chiến của nhà vua bị hạ gục. Cũng phải kể thêm, từ khi có Hổ Quyền, do mức độ an toàn và để tăng thêm kịch tính, mãnh hổ không còn bị bẻ nanh vuốt, cũng không bị cột vào cọc gỗ nữa. Thế mà bỗng chốc Cọp Chúa biến mất, chẳng thèm đếm xỉa đến vòng canh gác trùng điệp quanh mình. Khỏi nói cơn giận lôi đình của Đức vua. Ngay sáng hôm sau, những kíp tinh nhuệ quân được tung đi khắp vùng sơn cước hòng săn tìm dấu tích mãnh thú.

Sự u ám bao trùm lên toán quân. Ai cũng hiểu cái chết rình rập họ nơi rừng xanh, và sự trừng phạt còn ghê gớm hơn chờ đợi họ ở phía sau nếu trở về tay không. Rừng núi mỗi chốc một lạnh lẽo và thăm thẳm. Đã có những tên lính xấu số bỏ xác dọc đường vì sốt rét hoặc bẫy tên độc. Một tuần, rồi mười ngày trôi qua, viên Đội già đầu lĩnh toán quân bắt đầu hoang mang. Ông cho dừng quân đóng trại nghỉ. Lương thực và sức vóc không thể cho phép tiến sâu hơn nữa. Giữa lúc chuẩn bị ban lệnh rút lui, viên Đội bỗng đờ người khi chợt nhớ tới gương mặt lầm lì đầy sẹo của gã thợ săn ấy. "Chỉ có hắn, phải, chỉ có hắn" - ông rên lên như phát rồ. Toán quân được lệnh hối hả cắt rừng tiến về bản Mun, bỏ lại cả những nồi cơm nấu dở.

- "Cái thằng thợ săn người Kinh ấy à? - Trưởng bản Mun ngơ ngác – Hắn bỏ bản đi lâu rồi, mang theo con vợ nữa. Hắn bắt được Cọp Chúa dâng cho vua, được thưởng nhiều vàng bạc, hắn đâu thèm sống với bản nghèo này nữa!"

Viên Đội già dậm chân kêu trời. Phải tìm bằng được gã thợ săn ấy, nếu không muốn chết. Toán tính lại lên đường như ma đuổi, đi dần xuống hướng Đông. Vừa đi vừa dò la, sau ba ngày thì đến một ngôi làng trù phú. Nghe hỏi về gã thợ săn bắt được Cọp Chúa dạo nào, cả làng xôn xao như có loạn. Ai nấy tranh nhau kể về sự mất tích kì lạ của vợ chồng gã thợ săn. Tài sản, vàng bạc và cả tòa nhà gỗ Mun lộng lẫy của vợ chồng gã chẳng hề suy suyển, còn người thì như bị bốc hơi, thế tới nay đã hơn mười mấy ngày rồi. Và xung quanh ngôi nhà ấy chi chít những vết như là móng cọp, nhưng to đến lạ lùng. Mặt viên Đội như đổ chàm. Ba năm về trước, giáp mặt gã thợ săn nổi tiếng về việc bắt sống được Cọp Chúa, khi gã về Kinh lãnh thưởng không hiểu sao một linh cảm không bình thưởng cứ ám ảnh ông nhiều ngày sau đó. Còn bây giờ, linh cảm ấy vụt hiện lên rành mạch đến ghê sợ.

Toán quân lầm lũi lên đường theo lệnh viên Đội già. Còn đi tới đâu thì họ không hề biết. Tới một vùng thung lũng thâm u tất cả được lệnh dừng lại. Ở đây không khí thật lạ, cách đó trăm thước còn nóng toát mồ hôi, bước tới một chút thì đã thấy lạnh toát. Gạt lũ lính qua bên, viên Đội một mình xăm xăm bước tới. Ông muốn chỉ một mình ông được chứng kiến sự thật mà ông hằng linh cảm. Rẽ cây rừng tiến thêm vài trăm mét, ông dừng lại quan sát. Kia rồi. Đập vào mắt ông là một đống lôm lốp trắng như thạch cao. Chẳng khó khăn lắm viên Đội già nhận ra hai bộ xương người đã rã rời vì mưa gió, cạnh đó là một bộ xương cọp khổng lồ nằm phủ phục. Sát bên là một miệng hố vuông vức rộng bằng ba chiếc chiếu, sâu hút, miệng hố cây cỏ mọc tràn lan. Một hố bẫy cọp theo kiểu nguyên thủy nhất lâu rồi không còn ai dùng cách ấy. Hơi núi lạnh giá mà viên Đội mồ hôi mồ kê tháo ra như tắm. Vất vả làm ông mới ngước nổi đầu nhìn lên phía trên miệng hố. Trên ấy nơi chạc cây cổ thụ chìa ngang miệng hố lủng lẳng một chiếc lồng sắt, phía trong là một bộ xương trẻ con trắng toát đang trong tư thế bám chặt thành lồng... Đứa con độc nhất của gã thợ săn lồng lộn, khóc thét trong chiếc lồng sắt treo lủng lẳng. Bàn tay non nớt của nó bật máu. Máu.. Máu... Bóng Cọp Chúa chờn vờn. Chờn vờn... Bóng Cọp Chúa lao vút, hai chân trước tung cao như muốn bung lấy chiếc lồng sắt. Không kịp rồi. Hố sâu nuốt chửng lấy cái bóng thú loang lổ... Phía trên miệng hố sâu, bầu trời xanh bao la giờ bị đóng khung vuông vức, nhỏ bé lạ thường. Phía trên ấy, tiếng khóc vẫn vọng xuống, ngằn ngặt... Viên Đội già hoa mắt, lảo đảo. Những hình ảnh loang loáng vụt qua, xoay tít, xoay tít. Ông ngã vật bên miệng hố, mê man bất tỉnh. Bộ xương trẻ con trong lồng sắt thoát tan thành bụi, rào rào trút xuống hầm bẫy cọp.

Tỉnh dậy, viên Đội già lặng lẽ lết tới bộ xương Cọp Chúa. Một cách máy móc, ông gỡ cặp nanh khổng lồ, sáng lóa màu bạc từ bộ xương thú đang nằm phủ phục.

Cầm cặp nanh mãnh thú trên tay, không hiểu sao nhà vua thấy trong người mệt bã. Đúng là của Cọp Chúa rồi, nhưng Ngài vẫn không tin lắm vào lời viên Đội già, rằng Cọp Chúa bị chết do sẩy chân xuống hố.

Nhà vua cho đóng cửa Hổ Quyền.

Chuyện cái chết của Cọp Chúa cũng không thấy sách sử nào chép lại.

Trần Tuấn | Báo Văn Nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Báu vật - Truyện ngắn của nhà văn Vũ Đảm Những buổi chiều ngang qua cuộc đời - Truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy Đọc truyện: Lửa trạng nguyên. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân Đọc truyện: Đêm định mệnh. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Việt Hòa
Văn nghệ Trẻ, số 01/1997
Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.