Sáng tác

Những buổi chiều ngang qua cuộc đời - Truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy

Nhà văn Đỗ Bích Thúy
Danh tác văn học
14:00 | 07/08/2024
Baovannghe.vn - Tôi ngồi xuống, giữa những ngôi mả hoang thấp lè tè sàn sàn mặt đất. Đêm bắt đầu kéo bóng xuống tận mép sông. Những con cò lửa lao ra từ bụi cây xùm xòa, cắt gió vùn vụt. Cỏ lạnh buốt. Khói từ những thân ngô chưa khô hẳn quẩn quanh trong cơn gió bấc đầu mùa chậm chạp thổi. Và tiếng nói chuyện đâu đó cũng mơ hồ cất lên. Tôi cố gắng tập trung để nghe xem người ta đang nói gì, vọng lên từ lòng đất. Nhưng câu được câu chăng, không sao chắp nối được.
aa

Tôi ngồi xuống, giữa những ngôi mả hoang thấp lè tè sàn sàn mặt đất. Đêm bắt đầu kéo bóng xuống tận mép sông. Những con cò lửa lao ra từ bụi cây xùm xòa, cắt gió vùn vụt. Cỏ lạnh buốt. Khói từ những thân ngô chưa khô hẳn quẩn quanh trong cơn gió bấc đầu mùa chậm chạp thổi. Và tiếng nói chuyện đâu đó cũng mơ hồ cất lên. Tôi cố gắng tập trung để nghe xem người ta đang nói gì, vọng lên từ lòng đất. Nhưng câu được câu chăng, không sao chắp nối được.

Không biết cái bến sông quạnh quẽ này có duyên gì mà năm nào cũng có người chết trôi dạt vào. Phần nhiều là đàn bà. Thảng hoặc là một đứa trẻ, đều chẳng còn nhìn rõ mặt mũi ra sao. Bố con lão Mùi chèo đò năm nào cũng vớt xác người chết đã thành quen. Làng cũng dần hình thành cái lệ trích quỹ mua cho người chết manh chiếu, tiện thể sắm cho bố con lão bộ cuốc xẻng. Còn dành hẳn cái mỏm đất bạc màu ven sông này làm nơi chôn cất. Mỗi năm một lần, trước khi về làng ăn Tết, lão Mùi lại thắp cho mỗi một mô đất nén nhang. Cây nhang nào cũng cháy ngấu nghiến, một chặp đã hết.

Từ hôm trời bắt đầu ngả rét, chiều nào tôi cũng ra đây. Tôi sợ buổi chiều nhập nhoạng trong nhà mình. Cái khoảng thời gian chưa tối hẳn nhưng cũng không còn sáng, không thắp đèn thì thiếu mà thắp đèn thì thừa, cửa rả phải mở toang hoang cho muỗi từ trong xó nhà, gầm giường rủ nhau bay ra. Trời tháng Mười tối sớm, vừa còn nắng đấy đã tối đến nơi. Căn nhà vách đất bỗng chốc rộng mênh mông mà chồng tôi thì ngày nào cũng về muộn. Vậy là tôi một mình ra cái mỏm đất ngoài sông. Ngồi ở đây có thể nhìn thấy anh từ lúc anh bắt đầu bước xuống đò. Mấy hôm đầu, chồng tôi vừa bước lên bờ bên này đã vừa đi vừa chạy về nhà. Không thấy tôi, anh cuống lên, rút cây sào dài lúc nào cũng giắt sẵn ở chái nhà lao ra giếng làng, vạch mớ cỏ thài lài mọc rậm rì bờ giếng rồi chọc chọc cây sào xuống nước tối om, vừa chọc vừa gọi ời ời.

Tôi còn mải nghe xem người ta lao xao nói gì, quên cả đứng dậy về nhà. Hôm nào cũng thế. Những buổi chiều nhập nhoạng không có chồng ở bên, cái cô quạnh tứ phía tấn công đã làm tôi không chịu thấu. Trong khi đó, ngoài bờ sông này, bên những tiếng nói mơ hồ, lúc thực lúc hư, dẫu sao cũng làm tôi cảm thấy mình đang được bao bọc. Và còn dòng sông nữa, chính là nó, với dòng chảy nhẫn nại, miệt mài, đã mang đi khỏi tôi bao nhiêu rối ren tưởng như không thể nào gỡ được. Dòng sông như tấm gương phản chiếu những biến động đến rồi đi, không kiểm soát nổi của chúng tôi. Nó gắn chặt với quá khứ, nó là hồi ức, là những khát vọng khôn cùng bị dồn nén, giấu giếm, những kiệt quệ và hồi sinh... Nó đã mang đi tuổi trẻ, mang đi người thiếu phụ nồng nàn, say đắm, mang đi cả những giông gió đã từng quật ngã, dập vùi thân phận người...

Rồi chồng tôi cũng biết tôi ở đâu. Ngày nào không thấy tôi ngồi trong nhà là anh bôi đầy dầu gió lên người rồi xồng xộc trở ra bờ sông. Anh thở dài thườn thượt. Anh biết tôi ở đâu, nhưng không thể hiểu nổi tại sao vợ anh cứ phải ra tận bờ sông hoang lạnh để ngồi vào cái lúc mà những con ma không nhà hẹn hò nhau, lượn lờ đùa cợt trên mặt nước đen. Những con ma ấy thức dậy lúc trời bắt đầu tối, cựa mình dưới mặt đất chỗ tôi ngồi, len qua khe nứt dưới gốc cỏ may, trồi lên. Anh không thấy gì cả, không hiểu gì cả, và vừa dứt tôi ra khỏi sức hút mãnh liệt ấy anh vừa càu nhàu:

- Lại ra đây nữa rồi. Tôi đã nói mãi mà mình chả nghe tôi gì cả. Trời lạnh thế này... sao mình không ngồi ở nhà?

Trời đã tối hẳn. Chỉ còn loáng thoáng vài con đom đóm lập lòe lượn trong góc nhà. Anh cài cửa trên, hai vợ chồng xuống bếp nhóm lửa. Anh ấn tôi ngồi xuống chiếc ghế con rồi tự anh đi vo gạo, rửa nồi, mổ cá. Xong, bày tất cả ra bếp, ngồi nấu một lượt cho nhanh, khỏi công đứng lên ngồi xuống.

Những buổi chiều  ngang qua cuộc đời - Truyện ngắn của nhà văn Đỗ Bích Thúy
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Lửa lật đật cháy. Năm nay làng chỉ thị chặt hết tre đi, chỉ để lại một dãy giữ chân đê. Nghe đâu huyện sắp nới rộng về đến đây rồi, ai lại để những bụi tre nhà quê chình ình ra đấy nữa. Ừ thì chặt. Làm người huyện ai chả thích. Tre chặt, cây thì bán cho đám thả bè ngoài sông, gộc đào lên, phơi cho khô rồi đem về đun. Năm nay có nhiều gộc tre, chắc cũng đủ đun đến hết mùa đông.

Hai vợ chồng ngồi ăn cơm ngay trên bếp. Anh cứ cố xới đầy mãi bát của tôi. Anh biết tôi chẳng thể ăn nổi bát thứ hai từ lâu rồi. Mấy chục năm sống cạnh nhau, thân thuộc đến nỗi cảm thấy đã lẫn vào nhau, mới hay, chẳng có gì mà con người ta không chịu được. Nhà tôi, đã có lúc vợ nằm thì chồng ngồi, đến bữa chờ các con ăn xong rồi lấy bát đến lượt bố mẹ. Giờ lại quay về chỉ còn hai vợ chồng. Còn hai người thì tự dưng thứ gì cũng thừa ra. Ngày cũng dài hơn, giống như gần cửa sông, nước càng mênh mông thì đò càng trôi chậm...

Chồng tôi gắp cho tôi miếng cá rồi chống đũa:

- Mình cố ăn đi. Mà... từ mai đừng ra nghĩa địa ngồi nữa nhé. Ngoài ấy hư khí nhiều, trời trở lạnh thế này, bao giờ mình mới khỏi bệnh được? Ai gặp cũng hỏi tôi sao không đưa mình đi viện. Tôi lo cho mình quá. Mình có thương tôi không? Thương thì nghe lời tôi, nhé!

Miệng tôi lại đắng ngăn ngắt. Vậy là đến cả chồng tôi cũng không còn tin tôi nữa rồi. Tại anh nghe người ta nói nhiều quá, hay tại tôi không làm anh tin rằng tôi vẫn bình thường, chỉ có dạo này sức khỏe tôi không được tốt thôi. Nhưng dù sao thì tôi cũng có biểu hiện gì bất bình thường đâu. Đấy là anh còn chưa biết đã bao nhiêu lần bọn trẻ con đứng thập thò sau hàng ô rô nhìn vào, hễ tôi phát hiện ra, gọi chúng là chúng ù té chạy. Vừa chạy vừa hú hét, giẫm đạp lên nhau. Cứ thế rồi đến lúc chúng ném đá vào tôi thôi. Nghĩ đến đấy tôi sợ nổi gai ốc. Ngày bé, một lần theo cha lên bờ, vào một cái chợ ven sông để bán cá, tôi đã từng thấy một người đàn bà điên xõa tóc, quần áo rách hở da hở thịt, bị bọn trẻ con quây quanh vừa hò hét vừa ném đá đến ngã lăn ra. Nước mắt tôi ứa ra. Một giọt, hai giọt, rơi vào bát cơm. Chồng tôi lập cập đứng dậy, chạy đi lấy khăn mặt.

Một chốc, anh cầm bát cơm của tôi gạt sang bát anh, xới bát khác cho tôi, gắp thêm một miếng cá.

- Tôi xin mình. Đừng nghĩ linh tinh nữa. Đừng khóc. Tôi lo lắm...

Nói rồi anh cúi xuống bát cơm trộn nước mắt nguội ngắt ngơ, và lấy và để.

Anh giống cha tôi. Càng sống lâu với anh tôi càng thấy anh giống cha tôi vô cùng. Anh lớn hơn tôi rất nhiều. Anh cư xử với tôi như với một đứa con gái bé bỏng, hơn là một người vợ đã bên anh ngót ba chục năm trời.

Anh vùi một cục gạch trong bếp, đợi cho nóng rãy lên rồi gói vào giẻ, ủ trong chăn. Ngày xưa, đã có lúc phải ủ ba bốn viên liền cho bọn trẻ khỏi tranh nhau, vậy mà vẫn có đêm con Thơm dỗi chị lén bỏ ra ngoài đống rơm, rúc đầu vào, thò chân ra, ngủ đến sáng. Những năm tháng ấy rồi cũng lùi xa.

Tôi úp mặt vào cổ chồng. Trán tôi chạm vào cái cằm tua tủa râu của anh. Dạo này chồng gầy đi nhiều quá, gầy đến nỗi không còn hơi ấm nữa. Tôi áp sát vào anh một hồi lâu mới thấy giữa hai người ấm lên một chút. Vậy mà anh cứ cố dốc sức. Anh biết rõ ràng không chỉ tôi mà cả anh, đều đã kiệt quệ, đã như ngọn đèn sắp cháy hết bấc, nên phải cố để đừng leo lét quá. Mà anh vẫn như thế từ ngày tôi gắn vào với anh, anh chỉ ngồi xuống nghỉ ngơi khi không thể nào đứng lên được nữa.

Bây giờ, khi tất cả đã qua đi, cả cuộc đời cũng sắp qua đi, khi đã đứng ở lằn ranh giữa ngày và đêm, bắt đầu cảm thấy được cái lạnh lẽo giao mùa, tôi mới thấy rằng anh luôn luôn đúng, khi đưa ra một quyết định nào đó cho cuộc sống lận đận của chúng tôi. Và anh càng đúng khi nói rằng, cho dù không phải khi nào ngày hôm sau cũng tốt đẹp hơn ngày hôm trước, nhưng hôm sau nữa, rồi sau nữa, thì nhất định sẽ hơn, sẽ không phụ lại niềm hy vọng của con người...

*

Một buổi sớm, nắng lên ấm áp đột ngột giữa những ngày đông tháng giá dài lê thê, tôi sinh con Thơm. Đứa thứ tư trong đàn con của tôi.

Ánh mặt trời vàng mơ chiếu qua khe nứt trên bờ tường đất rọi vào mặt nó. Bà Lâm - người túc trực bên tôi suốt một đêm trắng - vừa vỗ đen đét vào mông con bé vừa mắng:

- Ở đâu ra mà trắng trẻo xinh xắn thế này hở con? Cha bố con mẹ mày. Khóc đi! Khóc đi chứ! Ơ hay! Sao không khóc lại cười thế hử? Thôi chết rồi... đàn bà con gái mà ngược đời thế này thì khổ thôi con ơi!

Chồng tôi xót con, giữ rịt tay bà Lâm lại. Con bé nhoẻn miệng cười thật, mặc dù hai mắt vẫn nhắm tịt. Bọn trẻ nhảy cẫng lên, lao vào em thơm chùn chụt. Ngay lúc ấy, chồng tôi lấy tên Thơm đặt cho con.

Tôi quay mặt vào vách. Tôi đã sinh liền bốn đứa con gái. Chồng tôi thì mong có một thằng con trai. Như mọi người đàn ông khác ở làng, anh lo thiếu người đội mũ rơm chống gậy. Chỉ có một nỗi chờ đợi ấy thôi mà tôi không làm được. Con Thao cấu nhè nhẹ vào vai, kéo mẹ quay ra:

- Mẹ thơm em đi chứ. Mẹ không thơm lại quay mặt đi như thế, em tủi thân bây giờ.

Bà Lâm đuổi bọn trẻ ra, con Thao gào tướng lên.

Hằng ngày, vợ chồng tôi đi làm, mấy con chị ở nhà đút nước cơm, nước cháo cho em. Chỉ cần kề cái thìa vào miệng là nó há ra, đợi chị đổ thứ nước ấy vào, chóp chép nuốt. Từ ngày có em, con Thao quên bẵng mấy con búp bê bằng rơm các chị bện cho. Nó có vẻ lớn hẳn lên, hai con chị tự dưng không phải lo trông nữa. Dúi cho nó một khúc sắn, bảo ngồi nhà trông em là muốn làm gì thì làm. Thao cho em ăn, xi em ị, ru em ngủ. Hai chị em ở nhà, lúc nào em nhớ sữa quá nó đút ngón tay vào miệng em, em mút chùn chụt. Mút một lúc không thấy gì em nhí nhách khóc, chị cũng khóc. Nó nhá sắn cho em ăn từ lúc em chưa mọc răng. Ăn sắn nướng rồi uống nước, vậy là em no căng cả bụng. Chiều nào đi làm về tôi cũng nghe những chuyện tương tự như vậy về việc chăm bẵm em của nó.

Hai tháng sau khi sinh con, tôi đã khô quắt queo như một gốc rạ, hai bầu ngực vắt không ra nổi giọt sữa. Thiếu sữa mẹ mà con bé da dẻ cứ đỏ hồng, mình tròn lẳn, nặng trình trịch. Con Thao tha em đi khắp làng. Ai gặp cũng giữ lại, thơm một cái. Người ta bảo đấy là giời cho không vợ chồng tôi.

Vụ gặt tới. Trên đồng thân lúa bạc trắng, bông dựng đứng như cỏ may. Chúng tôi khiêng thùng đập lúa ra đồng từ sáng, gặt đập đến chiều mới được non nửa thùng. Chưa bao giờ mùa gặt lại thiếu hương lúa mới đến thế. Bọn trẻ phấp phỏng đợi đến ngày có nếp mới về, mẹ sẽ vò, xay giã rồi làm bánh giày cho chúng ăn. Năm nào những ngày làm bánh giày cũng là những ngày vui nhất của trẻ con. Có khi mùa lúa chỉ có vài chục bó mạ dùng giống nếp cũ cũng dành riêng làm bánh giày cả. Người lớn hì hục giã, trẻ con ngồi quây xung quanh hít lấy hít để. Chỉ đợi thắp hương xong là mỗi đứa một chiếc gói trong lá chuối chạy khắp xóm. Năm nay thì đến thóc tẻ cũng chẳng ra hồn.

Gió thênh thang trên những thửa ruộng chưa gặt như lùa vào nhà trống. Không nghe nổi tiếng những hạt lúa chín rụng xuống mặt ruộng khô khỏng. Bầy chim kéo về nhặt thóc rơi. Suốt một năm trời chúng chỉ về làng một lần. Năm nào nghe tiếng chim kêu xé trời là biết được mùa. Năm nay, chúng sà xuống mặt ruộng lại xao xác bay đi. Trời u ám. Tôi đặt hai cum thóc nếp nhẹ bỗng lên trên thùng thóc tẻ, hai vợ chồng khiêng về một thể. Con Thao vẫn vần vò em ngoài đống rơm vừa đập xong. Trên đồng trống không, chiều xuống, chỉ nghe thấy tiếng cười của hai chị em nó.

Cả làng lặng đi. Không ai bảo ai, nhà nào cũng cử người lên ngủ trên nương sắn. Cố một thời gian nữa, lá sắn vàng thì dỡ được. Nhưng nhổ thử vài gốc, mỗi gốc cũng chỉ dăm ba củ, nhỉnh hơn rễ cọc một chút. Trời lại gay gắt nắng. Nhà trên cao, nhà dưới thấp giếng đều cạn khô. Đến cả dòng sông cũng cạn, xắn quần qua đầu gối là lội qua được. Đấy cũng là năm đầu tiên sau hàng chục năm không có người chết trôi nào dạt vào làng. Đám buôn bè gỗ, luồng, cũng chịu mắc kẹt ở lại. Nhìn bốn phía chỉ còn loáng thoáng màu xanh của rừng cọ rất xa làng. Ngày trước, nhà nào cũng sống lẫn trong rừng cọ, dần dần mỗi năm chặt đi một ít. Chặt đến đâu đất khô đến đấy. Vậy nhưng cứ chặt. Chặt để lấy chỗ cho con cái làm nhà, lấy chỗ trồng thêm vài gốc chè, dăm hàng mía. Chỉ có người chặt, không có người giữ. Rừng cọ cứ lùi vào xa mãi. Mỗi năm, trên triền đồi đỏ lại mọc ra thêm vài ngôi nhà chon von, quây một mảnh đất làm vườn rau, cạnh đấy là chuồng gà, chuồng dê. Chỉ có nhà tôi là gần như không thay đổi gì. Hai đứa lớn bắt đầu đi học. Đứa chị đợi đứa em nên cả hai học cùng một lớp. Căn nhà chúng tôi đang ở đã chật rồi, chẳng vì chúng lớn một tý mà chật thêm.

Chồng tôi theo người ta lên nương canh sắn. Nói là canh chứ cũng chỉ túm tụm lại vài ông chui vào một lán, hút thuốc là tán gẫu rồi ngủ đến sáng bạch. Có gì mà canh. Đi cho vợ con yên tâm vậy thôi. Ở nhà mấy mẹ con mang chiếu ra sân rải, đến khi trời dịu đi, chúng ngủ chồng lên nhau tôi mới bế từng đứa vào nhà.

Nghèo đói mấy thì rồi cũng qua thôi, người làng bảo nhau thế. Vả lại, ông trời lâu nay vẫn công bằng, mất vụ này thế nào cũng được vụ sau. Không đủ thóc gạo thì ăn rau ăn cỏ, thêm thắt vào cho chặt bụng. Trong làng vẫn có đám cưới, vẫn có một vài nếp nhà mới e dè cất lên. Ngày nắng quá thì làm đêm. Chưa tỏ mặt người đã ra đồng rồi lại nhập nhoạng mới bắt đầu buổi cày. Mà cũng chỉ xới đất lật cỏ lên để đấy chứ đã có giọt nước nào mà gieo trồng. Mấy dây khoai găm xuống còn không sao bén rễ được. Nhưng ngày nào cũng phải ra đồng. Bụng đói mà không dám làm gì thì chịu sao nổi. Đồng đất của mình đấy, có ai đánh cắp đâu. Nếu không ra đồng thì một lúc nào đó sẽ chết, ngay trong ngôi nhà của mình. Sao Thần Nông ở cuối trời kia đêm nào cũng nhấp nháy đến sáng, Thần Nông ở trên cao nhìn xuống thấy đồng đất bỏ hoang, không thể đành lòng mãi được. Nhất định ông ấy sẽ làm gì đó cho cái làng này. Và những luống ải cứ xếp đầy mãi lên, khô trắng khắp đồng.

Hình như con Thơm lớn lên không như người ta. Tôi úp mặt ngoài đồng từ sáng sớm đến tối mịt hết ngày này qua ngày khác, không để ý được đến con. Một buổi chiều, về sớm một chút, tôi bắt gặp con Thuần đang ngồi đối diện với em ngoài hè, bắt em há miệng, lè lưỡi ra.

- Con làm gì em thế kia, Thuần?

- Con... con xem em có mọc mụn trong miệng không...

- Sao lại phải xem? Em không ăn cơm à?

- Không... không phải thế...

Con bé ấp úng, chỉ vào đứa em đang ngồi yên, miệng vẫn há. Tôi giật mình. Con Thuần bảo, mẹ không nhớ em đã bốn tuổi rồi sao, bằng tuổi em con Thao đã cãi nhau với chị rồi. Tôi giật mình nhìn con. Cái miệng lúc nào cũng tươi roi rói, nhưng đúng là nó tịnh không nói một câu nào. Tôi đã không để ý, đêm hôm xong việc thì nó đã ngủ trong lòng con Thao, bên ngoài là con Thuần, con Thi, chúng nó nằm úp thìa vào nhau mà ngủ, không sao len vào được.

Tôi đưa con vào rừng từ sáng sớm. Trời vẫn nắng như mọi ngày, nắng rọi qua khe nứt của vách đất, xiên từ đầu nhà đến cuối nhà, nhìn rõ những hạt bụi bay lấp lánh. Tôi kéo con ra khỏi tay chị nó, cả hai chị em đều đang ngủ rất say. Hai mẹ con băng qua những mảnh đồi trơ khấc từng đống cây, rễ sắn nham nhở. Dưới gốc một cây cọ lớn, xung quanh hoa bạch yến mọc hoang nở bừng bừng, tôi đặt con Thơm xuống:

- Thơm, nghe mẹ nói không?

Thơm gật gật đầu.

- Không được gật như thế, con phải trả lời mẹ.

Con bé lại gật. Tôi nắm chặt lấy hai bàn tay đỏ hồng của nó.

- Mẹ bảo, con có nghe mẹ không? Con nói đi: con yêu mẹ. Con yêu thầy. Con yêu chị Thuần, chị Thi, chị Thao. Mẹ nói nhanh quá phải không? Mẹ nói chậm lại nhé. Con nghe đây: con... yêu... mẹ... Thơm! Mở miệng ra con. Con đau à? Con đau ở đâu? Con há miệng ra mẹ xem. Há ra, con...

Hai mắt con Thơm mở to nhìn thẳng vào tôi, hình như nó sợ để tôi phải chứng kiến thất bại của mình. Nó há miệng, từng sợi gân xanh trên cổ nổi lên, mặt đỏ gay. Tôi càng dốc sức thử khả năng nói của nó. Một nỗi sợ hãi vô hình ùa đến làm tôi bủn rủn. Con tôi đấy, hơi thở nặng nhọc, đôi môi xinh xắn hết mở ra lại khép lại, nước mắt trào ra. Tôi nói không ra hơi:

- Thơm! Mẹ xin con đấy. Con thấy đau ở đâu? Con đừng khóc. Từ từ thôi, nào, con nói mẹ nghe. Con đau trong cổ à? Hay đau trong ngực này, hở con? Thơm, con có nghe mẹ nói không? Con cố lên nhé, cố một chút thôi con. Thơm ơi, ở nhà các chị đang chờ con, chị Thao đang chờ con đấy. Con yêu chị Thao nhất nhà phải không? Chị Thao bảo mẹ là thế nào con cũng nói được, vậy con nói đi. Con nói chậm thôi, nói theo mẹ nhé. Mẹ sinh con đủ ngày đủ tháng mà, Thơm ơi!...

Tôi nắm chặt lấy hai vai con lắc lia lịa. Nó ú ớ kêu. Tiếng kêu như tiếng con mèo con bị bóp cổ. Sau lưng tôi có ai lao đến, xô tôi ngã đè lên bụi bạch yến. Con Thao. Nó đang ôm lấy em, hai tay con em quàng lấy cổ chị, bíu chặt... Trời đột ngột đổ mưa, sấm sét chí chát. Tiếng hạt mưa giội xuống rừng cọ làm không gian như bị băm vằm. Thơm tụt khỏi tay chị, chạy lại với mẹ. Tôi vẫn nằm bẹp trong bụi bạch yến không dậy được. Hoa bạch yến đẫm hương rụng đầy lên người.

Người làng bảo tôi đem con lên chùa mà gửi. Người ta bảo mắt con Thơm là mắt của chốn thanh tịnh, không phải ở nơi trần gian cơm áo này. Giờ thì người ta nói thế nào tôi cũng tin. Sinh con ra cũng là sự tiếp nối chuỗi ngày khó khăn triền miên trong cuộc sống của chúng tôi rồi. Chồng tôi bảo, ngày xưa cha mẹ sinh anh em anh ấy cũng nghèo đói chẳng khác gì chúng tôi bây giờ, có khi còn khốn khó hơn. Vậy mà có ai không lớn lên thành người đâu. Con Thơm là út ít, nó gánh hết tội nợ cho cả nhà nên mới thành ra thế. Đừng có nghe người ta nói mà làm gì dại dột. Từ giờ trở đi phải chăm lo cho nó nhiều hơn những đứa khác. Đấy là trả nợ nó.

Nhà chúng tôi ở rìa làng. Căn nhà mà vợ chồng tôi dắt các con vào ở trước đó là một ngôi miếu. Nghe nói trước kia là miếu thờ một ông họ Nguyễn đã có công khai phá cái thung lũng ăn vẹt vào núi này. Nhưng sau bần hàn cơ cực quá, lo cái nóc nhà mình chưa xong nên không ai còn ngó ngàng gì nữa. Rồi đến một chặp hai bố con lão Mùi chèo đò chui vào sửa sang cho giống cái nhà, ở bừa. Được vài tháng, hết bố đến con thay nhau làm lật thuyền, cũng may toàn khi vắng khách, không mang tội với ai. Nhưng có người bảo đấy là tại ở tranh chỗ của thành hoàng nên bị phạt. Hoảng quá, hai bố con lại quấn gói xuống căn lều cũ sát bờ sông.

Khi dắt díu nhau đến đây, chồng tôi bảo: “Cứ ở thôi mình ạ. Làm gì thất đức thì mới sợ chứ ngay thẳng như mình chẳng thần nào nỡ phạt”. Thì ở. Vả lại cũng chẳng còn chỗ nào khác nữa. Nhà không có con trai, sau chẳng đỡ đần gì được cho làng thì đến cả mở miệng cũng không dám lớn tiếng, huống hồ đòi mảnh đất cắm cọc.

Hằng ngày, vợ chồng tôi ra đồng, tranh thủ trồng đủ thứ trên tý đất toen hoẻn cuối làng. Không cho đất nghỉ một ngày. Làm xong phần mình thì vác cuốc đi làm thuê cho nhà khác. Đất làng tôi một phần đất ba phần sỏi đá. Vụ nào cũng cặm cụi nhặt hàng gánh, hàng gánh sỏi ngay trên đồng. Nhặt mãi, nhặt mãi, mỗi năm một ít, mang đổ ra sông. Vậy là mặt đất cứ thấp dần xuống. Đất cho cây bám rễ mỏng tang, chưa ngập lưỡi cuốc đã nảy ngược lên. Vụ nào cũng đổ lên đấy đủ thứ phân gio, nhưng chỉ hết một vụ là mặt đất đã bạc phếch ra, cứng đen đét. Ruộng cao, ít nước, chỉ cấy được một vụ lúa, còn một vụ trồng màu. Bao nhiêu năm trời người làng trồng dưa hấu sau khi cày lật gốc rạ lên, nhưng dưa đỏ quả bé như nắm tay, vừa bán vừa cho không xong. Vậy là cứ tấn công lên rừng mãi, lấn rừng đến đâu thì đất đỏ bày ra đến đấy. Gió tạt qua mặt đất đỏ. Lùa qua từng khe đồi, tràn vào làng nóng hừng hực. Mùi đất khô rang khen khét len vào mọi ngõ ngách. Những ngày nắng nóng không chịu nổi bọn trẻ trong làng lại kéo nhau vào sâu tít trong đồi, tìm khe nước dìm mình xuống. Chúng nô nghịch trong đó đến tối mịt mới lốc nhốc kéo về.

Chờ mãi, chờ mãi, cuối cùng thì những cơn gió mang hơi nước lành lạnh cũng tràn về, lùa trên cánh đồng, những triền đồi đang xanh dần. Mấy người làng rủ chồng tôi đóng gạch. Nghe nói chỉ mất công chuyển qua đò thôi, sang bờ bên kia là ối người muốn mua rồi. Thì cũng thử một phen, biết đâu lại mở mày mở mặt cho các con đỡ cơ cực. Hai vợ chồng vào làng gõ cửa từng nhà, vay mỗi nơi một ít góp vốn thuê thửa ruộng nạc nhất sát bờ sông.

Cả cánh đồng mấp mô tứ mùa hanh hao khô nỏ, tát nước còng lưng mới tạm đủ lấp xấp mặt ruộng lấy chỗ cho cây mạ bén rễ, vậy mà riêng thửa ruộng chúng tôi định đào đất làm gạch này lại màu mỡ, mịn màng đến kỳ lạ. Thửa này của vợ chồng nhà Báu, cũng ba, bốn đời cong lưng trên đồng không khá lên được. Hằng năm, thóc gạo ngô lúa cho mấy miệng ăn chủ yếu từ đây mà ra. Nhưng tính chuyện làm gạch thì cũng háo hức, làm liều một phen xem sao. Ba bốn anh em trong làng người bỏ vốn kẻ bỏ công, còn vợ chồng Báu thì bấm bụng “nhịn” một vụ không trồng cấy gì.

Phải đào sâu xuống chừng mét rưỡi, hai mét mới tới phần đất nạc, đen sẫm đóng gạch được. Tất cả các nhà huy động trẻ con người lớn ra đồng hết, sức đến đâu làm đến đó. Bọn trẻ nhảy múa trên những thớ đất mát lạnh, chúng thì thụt tính với nhau, nếu mà có nhiều tiền, thật nhiều tiền, đến mức mẹ chúng không phải giấu giếm từng tờ bạc nhàu nát trong cạp quần mà để khắp các hòm xiểng trong nhà, thì lúc ấy chúng sẽ thoải mái mua sắm những gì chúng thích. Con Thơm vẫn không có gì khá hơn. Dạo này nó ít cười, ít nói. Đến bữa cũng chỉ ăn mấy miếng cơm các chị nhá cho, mặt buồn rười rượi, mắt càng ngày càng to, nhìn mà như không nhìn. Tôi mải việc, bỏ quên mất con, bấy lâu vẫn mặc con chị nó là cái Thao trông nom. Thì thôi, con chị trông con em mà đâu vào đấy là được rồi. Chồng tôi vẫn nhắc là phải quan tâm hơn đến nó, nó gánh nợ đời cho cả nhà. Không phải tôi không nghĩ thế, nhưng biết làm sao được. Chưa bữa cơm nào ngồi vào mâm mà không nghĩ đến bữa sau có gì để ăn. Bọn trẻ đứa nào cũng khôn trước tuổi. Tôi hầu như không phải dặn dò chúng ngày hôm nay làm gì, không được làm gì, chúng tự bảo ban nhau. Tôi cũng không có thời gian để làm việc đó nữa. Suốt một ngày làm quần quật, tối đến xong việc thì bọn trẻ đã ngủ. Con Thao ru em như mẹ ru con, bế gọn em trong lòng đến sáng. Đêm nào nóng nực nó vừa ngủ vừa phe phẩy quạt cho em. Thậm chí, hai con chị giành phần trông em với nó cũng không được. Con Thơm mặt buồn thì con Thao mặt cũng buồn theo. Thi thoảng lắm mới thấy hai chị em nó cười. Đôi khi tôi có cảm giác hai con giận mình. Nếu là chúng có khi mình cũng giận. Cái ý nghĩ bị bỏ mặc đã quẩn quanh trong đầu chúng. Hai đứa lớn đi học một buổi, một buổi vào làng chăn trâu hộ người ta, vài hôm một lần lại có nhà nào đó cho ống gạo, ống ngô mang về. Đêm các em ngủ thì chúng mang sách ra dạy nhau học, đốt lửa to lên mà học.

Bà Lâm đi chợ về ngang qua, ghé vào cho con Thơm miếng bánh đúc, nó hờ hững cầm lấy, cất đi dành phần các chị về cùng ăn. Bà Lâm lại bảo tôi, mang con vào chùa mà gửi. Ở đấy không ai nhìn thấy khiếm khuyết của nó, không ai đòi hỏi nó phải làm những gì mà một người bình thường phải làm, nó sẽ đỡ khổ. Bà Lâm đang nói thì con Thao xông vào, mặt hầm hè:

- Bà xui mẹ cháu cái gì thế? Cháu nghe hết rồi, bà ác lắm. Bà không biết thương ai cả...

Chưa bao giờ dạy con được phép hỗn hào với người lớn như thế, giận quá, tôi rút thanh nứa cạnh bếp vụt cho một nhát vào mông. Con bé bặm môi quay đi, ôm em chạy tuốt ra ngõ. Từ hôm ấy, lúc nào nó cũng kè kè cạnh em, đi một bước cũng tha em một bước như mèo mẹ tha mèo con.

Đêm cuối tháng, trăng còn lưu trên trời cho đến mờ sáng. Tôi mặc thêm cho con hai, ba chiếc áo của cả mấy đứa chị rồi bế đi. Qua sông, nước mấp mé mép thuyền, tôi vã nước vào mặt mà con bé vẫn say sưa ngủ. Từ lúc sinh con ra đến giờ số lần tôi bế nó thế này chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà cũng chưa lần nào bế được trọn một đêm. Ba con chị còn được mẹ ru ngủ vài lần, đến lượt nó tôi gần như phó mặc cho con Thao. Bàn tay bé xíu của con bé quờ quạng rồi luồn vào trong áo tôi tìm bầu vú. Tự dưng tôi muốn quay về nhà, quay về ngay, nhảy xuống sông mà bơi về. Tôi đang làm gì thế này? Con tôi còn bé quá, không phải nó đã bốn tuổi, không phải nó đã không còn bú mẹ nữa, cái bàn tay lần tìm bầu ngực lép trong manh áo vá víu của mẹ vẫn là bàn tay của đứa bé mới sinh ra đời. Trăng quãi trên mặt sông vàng sóng sánh. Xung quanh tiếng người lớn ồn ào nói chuyện làm con bé thức giấc. Con bé xinh quá! Người ta ngắm nghía, thốt lên và lục tìm trong túi xách xem có gì cho nó không. Tôi thấy tức ngực, ghì lấy con.

Gần trưa, hai mẹ con mới đến được cổng chùa. Vắng vẻ, hiu hắt, một bên cánh cửa đang hé mở. Đây là một trong số những ngôi chùa mà cha đã cập thuyền và đưa tôi lên. Tất cả các ngôi chùa gặp dọc đường lên thượng nguồn cha đều dừng lại. Có khi ở đó vài ba ngày mới đi. Không ngờ đây là nơi cuối cùng chứng kiến cha tôi đặt chân lên mặt đất. Tôi đặt con xuống bậc đá cuối cùng, xoay nó lại gần sát mình. Như người đang cơn mê ngủ, tất cả những hình ảnh ngày tôi sinh con đang trở lại: nó bé bỏng và luôn mỉm cười. Nó lớn dần và chạy đi chạy lại trong ngôi nhà trên đồi cao. Nó bíu cổ chị lang thang khắp xóm trong xóm ngoài. Khi muốn biết nó đang ở đâu tôi phải gọi con chị thay cho gọi nó... Một nỗi sợ hãi ghê gớm đã choán lấy tôi khi tôi nhìn thấy bốn chị em túm tụm chơi trò mua bán, ba con chị đứa bán đứa mua, và nó đóng vai thúng gạo. Cái thúng gạo được nhấc lúc nào cũng mỉm cười, hài lòng, sung sướng vì không bị bắt ngồi vào một góc. Tôi không chịu nổi ý nghĩ đứa con xinh đẹp nhất trong đàn con của tôi, ngày nào đó phổng phao thành một thiếu nữ và sẽ nhận thức được nỗi bất hạnh tột cùng của nó. Vậy thì chốn thanh tịnh này sẽ chôn vùi được tương lai mà nó chưa kịp cảm nhận.

Tôi lắp bắp không ra câu rồi vội vàng dúi vào tay con túi quần áo, đẩy nó về phía hai cánh cổng đang mở, bên trong vọng ra tiếng chổi rễ quét lá ràn rạt trên sân gạch. Con bé gật gật đầu rồi đưa hai bàn tay bé xíu ôm lấy mặt tôi, thơm tới tấp, mắt tôi mờ đi. Vả chăng tôi cũng không muốn nhìn rõ mặt con lúc này. Một chốc nó quay đi dợm bước. Nhưng cũng chính trong khoảnh khắc ấy tôi chợt bắt gặp ánh mắt con tôi. Không oán trách, không đau khổ, không tuyệt vọng, mà nhân từ và độ lượng vô cùng, đó là điều mà từ ngày làm mẹ tôi chưa vấp phải bao giờ. Ngay lập tức tôi chộp lấy con, ghì vào ngực, cuống cuồng bỏ chạy, cả túm quần áo đánh rơi cũng không kịp nhặt. Hai mẹ con trượt chân trên bậc đá đầy rêu, ngã lăn lông lốc...

Suốt chặng đường về con bé ôm chặt lấy tôi, lặng lẽ khóc. Lần đầu tiên từ khi sinh con ra đời tôi nhìn thấy nước mắt của nó. Nước mắt con thấm qua áo, chảy trên da thịt tôi rát bỏng. Về thôi, khổ sở gì thì mẹ cũng không bỏ con đâu. Mà khổ mấy thì có mẹ vẫn hơn phải không con?

Dòng sông hiền hòa chảy, bên kia bờ, ngay lối lên xuống đò, con Thao đang phủ phục trên phù sa đỏ.

*

Hai đứa lớn cũng theo thầy mẹ ra ngoài ruộng gạch. Mọi người đi từ sáng sớm, buổi trưa con Thao vừa trông em vừa bắc nồi nấu cơm, đến bữa mang ra đồng. Tôi đã tính nếu được vụ gạch này, việc đầu tiên sau khi thu tiền về sẽ cho bọn trẻ theo đi chợ và mua tất cả những gì chúng thích ăn nhất, liên hoan một trận. Tất cả mọi người đều hy vọng vào lò gạch, mấy đứa con trai nhà Báu bỏ học ra đấy cả. Đêm trăng sáng cũng kéo nhau ra đóng gạch. Mỗi ngày đống gạch mộc một lớn, cao chất ngất. Đang đợi than người ta mang theo đường sông từ dưới xuôi lên là xếp vào lò được. Bác Đỉnh tính sau khi trừ hết chi phí đi thì mỗi lò cũng lãi được đến mấy tạ thóc. Mẻ đầu này mà thuận buồm xuôi gió thì mẻ sau sẽ rủ thêm người, biết đâu lại đỡ khó khăn cho cả làng.

Lại được mùa lúa. Đúng như người ta nói, ông trời không bỏ mặc con người mãi bao giờ. Nhà tôi phải chia người ra, một nửa ngoài lò gạch một nửa ra đồng gặt lúa. Khắp làng, lúa đổ đầy các sân, không còn cả chỗ phơi rơm. Hàng tuần liền tôi cho cả nhà ăn cơm gạo mới, ăn cho đã miệng, không thèm độn thứ gì. Mấy đứa trẻ nở nang hồng hào hẳn ra. Nhưng con Thuần lại dặn em ở nhà nhớ mang mấy bao sắn ra phơi, ăn gạo không vài ngày thế thôi, đến bữa nấu cơm nhớ độn thêm sắn vào, gạo phải để dành. Được mùa lúa lại được cả mùa sắn nữa, nhà tôi để ra được hàng chục bao sắn. Sắn tươi thái mỏng, phơi khô thì tha hồ để dành. Ngoài ruộng gạch, từng hàng gạch mộc vẫn được chất đầy lên, nắng gió bắt đầu làm cho chúng khô trắng, chỉ ít ngày nữa là nhóm lò rồi. Ai cũng mong đến ngày đó. Chồng tôi đi làm về mệt nhưng vui lắm, tối nào cũng bế con Thơm một lúc rồi mới đi nghỉ, có hôm nó ngủ với bố, mãi đến nửa đêm tỉnh dậy không thấy chị đâu mới khóc ầm lên. Dạo này cả nhà vui vẻ nên nó cũng tươi tắn hơn, không nói được nhưng ai nói gì cũng hiểu, chẳng phải mắng mỏ câu nào bao giờ. Thôi thì cái số nó khổ phải chịu vậy, bấm bụng thương con chứ biết sao.

Các con tôi đã tính đúng. Đột nhiên, một cơn lũ ập đến. Mưa dữ dội vào buổi chiều muộn. Không sấm chớp gì. Chỉ đổ nước xuống. Ông Báu đến gọi chồng tôi vào rừng chặt lá cọ về che cho đống gạch mộc. Suốt đêm mấy người vật lộn ngoài ấy. Nước đỏ ngầu đã dâng rất nhanh, ngập tất cả những đoạn mương lớn thường ngày chỉ lấp sấp nước từ trong những khu rừng phía trong chảy ra. Giờ thì nước từ ngoài sông tràn vào làng, cũng theo chính những con mương sâu hun hút ấy. Chồng tôi đi trong mưa về đến nhà lúc trời đã sáng, mặt anh trắng bệch. Không làm gì được nữa rồi. Mưa suốt đêm hôm ấy, mưa đến sáng, đến hết ngày hôm sau, tứ phía trắng đục mờ mịt. Từ nhà tôi nhìn ra không thấy rõ một nóc nhà nào trong làng. Chẳng mấy chốc mà tất cả bị nhận chìm, chỉ mỗi cái miếu hoang lưng lửng ngọn đồi mà cả nhà tôi trú ngụ là còn cách xa mặt nước. Cả làng lũ lượt kéo đến, chỉ kịp gài cửa, không mang theo được thứ gì. Nước cuồn cuộn dâng đuổi sau lưng, nước giội như thác từ trên trời xuống. Chốc chốc lại nghe tiếng cành cây gãy ngoài sông toang toác, tiếng nhà đổ, tiếng trâu bò, gà lợn không kịp chạy bị nước cuốn trôi kêu la trên mặt nước sôi ùng ục. Không còn ranh giới giữa sông và làng, tất cả đã lẫn vào màu vàng đục của nước lũ. Chúng tôi mang hết gạo, sắn ra, chia cho mỗi người một vốc chống đói. Củi rả ướt cả rồi không sao nhóm lửa được mà nấu nướng. Chẳng làm nổi gì khác là đứng chen chúc trong nhà, nhìn ra ngoài mong trời tạnh, thót ruột nghe nước réo ầm ầm dưới chân đồi.

Mưa lũ đến nhanh quá, không ai kịp trở tay. Đến khi không mưa nữa, nước rút thì ruộng vườn, nền nhà, cả bãi dâu cũng đã chìm dưới phù sa. Ngớt mưa, cả nhà tôi chạy ra ngoài lò gạch. Trống trơn, sạch bách, không còn một hàng gạch nào. Nước đã nhào trộn hàng vạn gạch mộc lẫn với những viên than mới đóng chưa khô thành bùn, mặt ruộng phẳng lại như chưa bao giờ có bằng ấy con người đào bới. Chỉ còn mỗi cái lò không, phù sa nhồi đầy bên trong.

Trời nắng gay gắt ngay sau đó, khắp các ngả trong làng, từ dưới bùn, gia súc chết mắc lại chỗ nào đó không trôi đi được, bốc mùi lên nồng nặc. Số lương thực trong nhà có bao nhiêu đã mang hết ra cho cả làng cầm hơi. Bây giờ, nhà ai cũng bị nước lũ làm cho toàn bộ thóc lúa vừa thu về nảy mầm, thối ủng, đem ra phơi đến lúc cho vào cối xay giã chỉ ra một thứ bột lẫn tấm nhộn nhạo. Họ mang thứ ấy đến nhà tôi. Nhận không đành mà từ chối không được.

Lại bắt đầu những ngày dài bụng lũ trẻ sôi òng ọc. Phù sa phủ kín ruộng vườn. Dù sao, cũng còn được an ủi, phù sa phủ dày thế sẽ đỡ cho làng ít cũng hai vụ tới không phải lo đến phân gio. Chỉ phải vất vả thiếu đói trong vài tháng thôi, rồi thế nào cũng được bù lại.

Vợ chồng tôi theo người ta sang bên kia sông, tìm giống ngô, lạc, đậu, thóc. Cũng phải đi vay làng bên ấy, đến vụ mới có thể trả. Con Thuần, con Thi lên đồi mót sắn, thi thoảng cũng có một vài gốc sót lại. Thao mang cần câu ra mương. Phù sa cũng ngập đầy dưới mương, con mương trước sâu hun hút, lau, giang phủ kín mặt thì giờ nông choèn, nước từ trong khe chảy ra mang theo những con Trèo đồi đen trũi béo mẫm.

Không loài cá nào khôn ranh như Trèo đồi, cũng không loài nào dại dột như nó. Bao giờ những con Trèo đồi cũng ẩn mình trong hang hoặc dưới những bụi cỏ nổi lềnh phềnh, thoắt ẩn thoắt hiện. Không làm cách nào bắt được, chỉ thoáng thấy bóng người là nó đã biến mất tăm. Chỉ có một cách duy nhất là câu. Mà cũng không câu bằng mồi thường như các loài khác. Móc con cào cào không bẻ chân bẻ cánh vào lưỡi câu, cầm cần đứng nấp trên bờ, áng chừng chỗ có Trèo đồi nấp thả xuống. Chỉ việc nháy cần để con mồi nhảy nhót trên mặt nước như đang còn sống, thế nào Trèo đồi cũng bị mắc lừa và từ chỗ nấp lao ra đớp nhanh như chớp. Giật lên phải đập cho chết ngay, bởi sểnh ra là Trèo đồi ngọ ngoậy bò như lươn trên đất, tìm cách chuồi xuống suối lúc nào không biết. Cũng vì thế mà người làng gọi nó là Trèo đồi. Tôi làm cho con một chiếc cần câu dài, mảnh, dẻo quánh, dạy nó cách câu rồi mặc nó lôi cả con Thơm ra mương. Nước mới, trong phù sa nhiều giun đỏ, Trèo đồi thi nhau bơi từ đầu nguồn xuống, hàng tuần liền, hầu như ngày nào nó cũng được một xâu cá đem về, cho vào nồi cháo sắn.

Cá nhiều vô kể, bây giờ thì ai cũng biết là dưới mương rất nhiều Trèo đồi, thằng Hinh con lão Mùi cũng bỏ sông vào trong mương bắt cá. Nó mang một tấm lưới mắt nhỏ vào chăng giữa khúc hẹp, gọi bọn trẻ ra khoắng tất cả những hõm nước ăn sâu vào trong bờ, định đuổi lũ Trèo đồi ra, thu một mẻ. Tất cả trẻ con trong làng đều đổ ra mương, chúng bì bõm suốt một ngày liền từ sáng đến trưa, lại từ trưa đến tối. Lũ Trèo đồi vẫn lặn mất tăm. Không một con nào vào lưới, dù cho tất cả các hang hốc nhỏ dọc bờ mương đã bị lũ trẻ khoắng chân vào, sục bùn lên đục ngầu. Thằng Hinh hậm hực thu lưới về, tuyên bố đêm nay sẽ tính cách. Không đánh bằng lưới thì đánh bằng cách khác, nhất định bố nó sẽ nghĩ ra. Thế nào ngày mai cả bọn cũng được chia nhau tất cả số Trèo đồi dưới lòng mương này, tha hồ ăn. Cái giống ấy mà nướng lên ăn vã thì sướng biết mấy. Chúng bàn tán xôn xao, lôi cả người lớn đang rỗi việc vào cuộc.

Nhập nhoạng tối không thấy hai chị em con Thơm về tôi bảo con Thuần chạy ra tìm ngoài mương.

- Em đâu?

- Chơi ở đâu đấy thôi, lúc nãy nó còn chạy trên bờ ngay cạnh con mà...

- Nhưng bây giờ nó đâu?

- Để con đi tìm. Thơm ơi, Thơm... Em ở đâu thế? Chị đã dặn ở nguyên trên bờ đợi chị cơ mà. Chị Thuần ơi, hay là Thơm về nhà rồi?

- Chị vừa ở nhà ra...

Cái giếng hoang. Làng có một cái giếng hoang bỏ không từ bao giờ không rõ. Nó nằm dưới tán cây đa cổ thụ, người làng hay mang hương ra cắm đầy mép giếng ngày rằm mồng một. Một cô gái làng đã nhảy xuống đấy vì không chịu hiến thân cho quan Tây, người ta bảo thế. Lúc nào cái giếng ấy cũng đầy ăm ắp. Mặc cho có lúc tất cả các giếng ở trong làng đều cạn trơ đáy. Mặt nước đen, hoa thài lài tím ngắt nở đầy nổi lềnh phềnh. Từ trong nhà, tôi nghe con Thuần lạc giọng:

- Thao! Dép! Cái dép... cái dép... dép của...

Có một cái dép nhựa tím rơi bên mép giếng, cả vạt thài lài gãy gập, hoa thài lài tím nhúng hẳn xuống mặt nước đen ngòm...

Cho đến nhiều năm sau tôi không sao quên được đôi môi trắng bợt he hé cười, trên gương mặt còn trắng hơn thế nhiều lần của con bé Thơm. Người làng phải tát vơi nước giếng đi mới đưa nó lên được, lúc trăng đã lưng lửng trời. Mái tóc đen sẫm, dài mượt loang loáng ướt chảy thành dòng trên manh chiếu con. Tay con bé vẫn nắm chặt mớ hoa thài lài tím ngắt, không sao gỡ ra được. Tôi quỳ bên con đến lúc trăng tàn, ngay bên bờ giếng. Lệ làng không cho mang người chết ngoài làng về qua cổng mà phải đưa luôn ra nghĩa địa. Con Thao bị cuốn trong chăn, hai con chị giữ chặt để nó không nhao xuống giếng lúc người ta đang tát nước. Đồng đêm hoang vắng, lạnh lẽo. Tiếng chim lợn kêu chói tai. Không còn khóc được nữa, cả ba đứa con tôi đã kiệt sức, chúng nằm chồng lên nhau ngay bên cạnh em. Tôi không cho người ta đắp kín mặt con. Gương mặt nó vẫn còn đây, rất gần. Hai vết răng con Thao một lần yêu quá đã cắn em để lại sẹo trên má như đánh dấu. Sau lưng, chồng tôi ngồi xoay lại để tôi có dựa. Anh im lặng rất lâu. Gió đêm mỗi lúc một mạnh mà không khí vẫn bức bối vô cùng. Thà anh, thà các con cứ mở miệng trách tôi một lời, có phải tôi đã nhẹ lòng đi không. Tôi đã không để ý gì đến con cả, thậm chí tôi đã từng định bỏ nó. Định chạy trốn nó. Có phải vì thế mà ông trời mang con tôi đi không?

Tiếng dòng sông rì rào gọi tôi. Chỉ có dòng sông là thấu hiểu. Chỉ có nó chứng kiến tất cả những gì đã xảy ra với tôi. Tôi tin là có những điều chồng tôi, ba đứa con tôi cũng không được biết, thì chỉ dòng sông là nhìn thấu hết thảy, thậm chí cả mớ ý nghĩ mờ mịt trong đầu tôi. Tôi đứng dậy, đi ra sông. Chồng tôi vẫn gục đầu trên hai đầu gối, anh cũng kiệt sức rồi. Tôi đã nhìn thấy anh khóc. Tiếng khóc đàn ông bị ép chặt trong lồng ngực, đau tức, vắt kiệt ý chí lẫn thể xác. Bao nhiêu khốn khó đến rồi đi, rồi lại đến, chưa lần nào anh để tôi và các con nhìn thấy anh yếu mềm. Vậy mà sự ra đi của đứa út ít, đứa gánh nợ đời cho cả nhà, đã quật ngã anh thế này đây.

Người ta đã đào cho con tôi một cái huyệt bé, vừa với người nó, ở giữa hai ngôi mộ lớn. Sáng mai nó sẽ nằm ở đây. Chỗ cho người sống còn chẳng đủ huống hồ cho người chết, mà người chết lại là một đứa trẻ, không mấy khi thể hiện buồn vui ra với mọi người. Cái huyệt của con tôi nằm ngoài cùng của nghĩa địa dành cho những người chết lang bạt, sát với bờ sông, có một bụi lau rất rậm, đang mùa ra lá. Tôi ngồi xuống mép huyệt, nhìn xuống dòng nước đang trôi đi lấp lánh dưới ánh trăng. Chỉ cần vài bước chân thôi, là tôi sẽ trượt theo triền dốc thoai thoải mọc đầy dây sắn dại, dưới kia là dòng nước đã từng tiễn biệt tôi lên bờ... Giá như có thể dầm mình dưới đó, như ngày còn bé, cha tôi đã dạy tôi bơi như một con rái cá. Tôi không còn là con của sông nước nữa rồi...

Một ngày, hai ngày, ba ngày... con bé Thao không ăn uống gì. Tôi cũng phó mặc cả mấy đứa cho chồng, đến lúc ngoảnh lại thì con đã rụng từng mảng tóc, trơ cả da đầu, hai con mắt lồi ra, bạc đi. Hai cánh tay con vắt lên cổ tôi như mảnh giẻ ướt. Đêm nào nó cũng mê sảng, giãy giụa, gào thét. Có đêm chợt tỉnh không thấy con đâu, tôi nhao ra ngoài. Con Thao đang mộng du đi đi lại lại trên mép giếng hoang. Hoa thài lài đã tàn, mặt giếng lộ ra đen ngòm, hun hút. Đừng có động vào người mộng du nếu không hồn họ sẽ lìa khỏi xác, ngày xưa cha đã dặn tôi thế, trong lần nhìn thấy một người đàn bà đi lại trên thành một cây cầu bắc ngang con sông lớn. Tôi không dám gọi con. Con bé bất chợt cười lên khanh khách:

- Mẹ, con nhìn thấy em ở dưới này. Con xuống với em được không? Kìa mẹ, mẹ đồng ý đi. Con xuống nhé! Tại con, tại con mà... Nếu con không mải bắt cá với bọn thằng Hinh thì em đã không ngã xuống dưới này.

- Thao, con đang tỉnh đấy phải không? Nghe mẹ nói này, con... Con xuống đi, đứng trên đấy nguy hiểm lắm. Xuống đi rồi hai mẹ con mình ra chỗ em, đêm hôm ngoài ấy một mình tội nó lắm. Xuống đi con...

Hai đầu gối tôi run bần bật. Con Thao mỏng như tờ giấy đứng chênh vênh trên mép giếng, ngửa mặt lên trời cười, nói, khóc... Đêm đầy sao, những mảnh sao băng xé ngang bầu trời...

Lúa bắt đầu bén rễ, xanh nõn trên khắp cánh đồng. Nhìn thấy bát cơm gạo trắng rồi. Cụ Đống bảo con gái út của chúng tôi đã mang đi gánh nợ cho làng. Cả làng nợ vợ chồng con cái tôi thêm một lần nữa. Người làng thay nhau ra mấy thửa ruộng của nhà tôi, họ làm cỏ, bỏ phân gio xuống, nhường dòng nước trong vắt dẫn từ mương vào trước. Nước đầy ắp trong ruộng, cây lúa lên nhanh chưa từng thấy. Cả mấy mảnh bãi bồi trồng ngô đậu cũng vậy. Trên mặt phù sa vàng mỡ, dùng một cây gậy trỉa thành các lỗ nhỏ, nhét hạt ngô, đậu, lạc xuống, chúng nảy mầm, trồi lên như thổi. Vợ chồng nhà Báu đã nhường hẳn cho chúng tôi thửa ruộng trước lò gạch. Không ai còn có ý định làm gạch nữa. Có lẽ trời sinh ra dân làng này chỉ để gieo hạt lúa hạt ngô thế thôi. Từ chối mãi không được, chồng tôi bảo vậy thì hằng năm chúng tôi sẽ chia cho nhà Báu một nửa số lương thực thu được từ mảnh đất màu mỡ nhất làng đó.

Một buổi chiều, cậu Thoái, cạnh nhà bà Lâm hớt hải chạy tới, gọi vợ chồng tôi vào làng. Con Thi đang ốm, tôi bảo chồng:

- Chắc bà Lâm có chuyện rồi. Anh vào xem bà thế nào.

- Nhưng nhỡ bà có việc cần đến em thì sao?

- Thì anh về gọi em. Có thế mà anh cũng phải băn khoăn à.

Chồng tôi tất tả đi, con Thuần úp nón lên đầu theo sau.

Con Thi bị sốt. Một thứ bệnh gì đó rất kỳ quái đang hành hạ nó. Toàn cơ thể sưng tấy lên, lúc đầu thì ngứa, gãi đến tóe máu, sau chuyển sang nhức nhối không chịu nổi. Tôi nhìn con vặn vẹo như một con giun phải tro bếp mà lòng quặn thắt. Chẳng riêng gì con Thi mà cả chị nó, em nó đều không có thói quen kêu ca. Điều đó tôi đâu có dạy con. Thậm chí tôi còn bảo con cứ khóc đi, cho đỡ đau. Nhưng chẳng đứa nào khóc vì đau ốm hết.

Tôi bế con lên, ôm nó vào lòng. Đã lâu rồi, từ khi đẻ con Thao, con Thơm, tôi không hề bế nó. Hai cẳng chân nó dài ngoằng một đoạn thõng trên giường, bên sườn tôi. Người con bé nóng như hòn than, chốc chốc nó lại đòi uống nước, đòi đi tắm, rồi đến mức mê sảng, hai bàn tay giơ lên quờ quạng bắt chuồn chuồn. Từ chỗ chúng tôi ở đến bệnh xá gần nhất cũng phải mất nửa ngày, tôi vác con lên vai, chụp cái nón vào đầu nó, hai mẹ con tìm vào chùa.

Sư thầy nói: nó bị trúng độc của một loại cây nào đó trong rừng, hoặc ong đốt, hoặc bất cứ một con côn trùng có nọc độc nào. Sư thầy cho con bé uống sống một loại lá cây giã nát, chắt nước, giữ nó ở lại bảo phải để ông xem nó có biến chứng gì không. Bảo tôi, có việc thì cứ về đi, để nó cho ông.

Tôi vừa ra đến cổng chùa thì gặp con Thuần đang chân thấp chân cao chạy tới:

- Bà... Bà Lâm...

- Bà Lâm làm sao? Tôi phát hoảng.

- Bị gãy chân.

- Ở đâu?

- Đang nằm luôn ở đấy.

- Nhưng tại sao?

Con Thuần vừa xách quần chạy phía sau vừa hổn hển kể: thằng con trai lớn của bà Lâm vừa về, đòi bán nhà rồi đưa bà đi theo. Bà không nghe, hai mẹ con cãi nhau đến mức bà vác dao đuổi nó ra khỏi nhà. Không may, vấp phải rễ cây đa chồi lên ngay trước cổng, ngã sấp mặt, chân thì gãy lòi cả xương ra.

Bà Lâm vẫn còn nằm dưới gốc đa. Người làng vòng trong vòng ngoài xúm đen xúm đỏ. Tôi vạch đám đông len vào. Chồng tôi đang nâng chân bà cho mấy người nữa nẹp cứng lại bằng hai cái đòn gánh.

- Nó đâu hả anh?

Tôi hỏi chồng. Chồng tôi không ngẩng lên:

- Ai cơ?

- Thằng Tuất chứ ai.

Bà Lâm phều phào:

- Đừng có nhắc đến cái thằng mất dạy ấy.

- Đi rồi, mất hút con mẹ hàng lươn rồi.

Chồng tôi nói thêm. Hóa ra sau khi bị bà Lâm đuổi theo, nó vọt lên xe chạy biến, chẳng cần biết phía sau mẹ ngã có đau hay không.

Chồng tôi cùng mấy người làng đưa bà Lâm sang sông, lên bệnh viện huyện. Tôi và con Thuần ngồi phệt xuống vạt cỏ ven bờ sông, nhìn theo con đò tiến lên ngược dòng một đoạn rồi ì ạch rẽ sang ngang. Tôi không làm sao quên được ánh mắt buồn bã lẫn tuyệt vọng của bà Lâm. Hóa ra lâu nay bà vẫn giấu vợ chồng tôi về thằng con trai lớn, thằng quý tử, thằng tài ba nhất nhà của bà. Và có lẽ ở làng này chẳng có ai như bà, con một đống mà cuối cùng phải ở một mình. Tại vì bố chúng nó giàu hơn bà, chúng nó thích giàu nên bỏ bà theo bố. Mà ông bố ấy thì cũng có tử tế gì, chỉ biết dạy con một điều duy nhất: cách kiếm tiền, bằng mọi giá, bất kể con lớn con bé, cứ vào tay ông là chẳng có trường lớp gì nữa, chỉ cần kiếm tiền là được. Sau này, bà mới nói điều ấy cho tôi hay. Người thân thiết nhất với bà, gần gũi nhất lại hóa ra là vợ chồng con cái chúng tôi. Ngày xưa, lúc còn trẻ nghe đâu bà và ông nội bọn con Thuần cũng ưng nhau lắm đấy, nhưng mà vì hoàn cảnh mà bà phải bỏ ông chúng nó. Chẳng lẽ vì thế mà có tý gì bà cũng vun vén cho chúng tôi? Hay vì bây giờ thấy chúng tôi thân thiết với bà mà người làng nghĩ ra chuyện ấy?

Lúc bà xuống đò, con Thuần còn chạy theo mếu máo khóc:

- Bà đi rồi sớm về bà nhé.

Bà Lâm gật đầu, mặt nhòe nhoẹt máu lẫn nước mắt.

Dòng sông vẫn trôi phẳng lặng, con đò chỉ như chiếc lá trôi trên bề mặt nó. Nó chẳng hề biết rằng, mỗi chuyến đò qua lại mang theo một thân phận, một khúc ngoặt của đời người, mang theo cả bất hạnh và hạnh phúc...

Chiều xuống rất nhanh, chả mấy chốc mấy bóng người đã lẫn vào những bụi cây lúp xúp ven con đường mòn thoai thoải dốc bên kia sông.

Những ngày sau đó, vợ chồng tôi thay phiên nhau ở lại viện trông bà Lâm. Sau trận ngã đó bà xuống sức rất nhanh. Nước da đỏ au ngày thường đã bị thay thế bằng màu da tái mét. Nhưng tôi biết, cú ngã chỉ là một lý do, điều lớn nhất khiến cho bà suy sụp là sự ra đi của những đứa con. Không một lần nào, trong những ngày bà nằm viện, đám con cái đến thăm bà, hỏi bà một câu.

Một hôm, đã sắp đến ngày bà Lâm được xuất viện. Bà bảo tôi:

- Mẹ Thuần này, bà nhờ một việc nhé.

- Việc gì hở bà?

- Mẹ mày ra phố, đến địa chỉ này...

Bà Lâm ngập ngừng. Tôi sốt ruột:

- Địa chỉ của ai đây ạ? Bà muốn con nhắn gì với người ta?

- Nhà thằng Hợi đấy...

Tôi biết, bà chẳng muốn nhắn gì. Chỉ là muốn tôi thăm dò xem thằng quý tử thứ hai của bà sống ra sao mà thôi. Mong là nó không đến nỗi tệ bạc như thằng anh nó.

Tôi đi xe ôm ra bến xe, bắt ô tô lên tỉnh. Thời gian ở lại bệnh viện cùng bà Lâm tôi đã quen mặt một thanh niên đi xe ôm. Trông cậu ta có vẻ hiền lành, giá cả cũng phải chăng nên hễ có việc cần tôi lại gọi cậu ta. Cậu xe ôm đưa tôi ra bến, tìm xe đúng tuyến, đứng đợi cho xe chạy rồi mới quay về, còn dặn với:

- Có tiền nong gì thì cô phải giắt kỹ vào người ấy, lên tỉnh trộm cắp nhiều lắm.

Theo địa chỉ bà Lâm cho, tôi tìm đến một khu phố sầm uất, xe cộ nườm nượp, cửa hàng san sát. Nhà số 17A. Đây rồi. Một căn nhà năm tầng, cửa sơn trắng, tường màu xanh, cổng sắt cao vút. Trong nhà yên ắng, không một âm thanh nào vọng ra. Tôi định gọi thì bà hàng nước trên vỉa hè mau miệng:

- Đến đòi nợ hay sao thế?

Tôi lúng túng:

- Không ạ. Định nói thêm cháu rách nát thế này làm gì có của cải cho ai vay mà đòi nợ, nhưng nhìn ánh mắt háo hức của bà ta lại thôi - Cháu chỉ định hỏi xem...

- Vào trại giam mà hỏi.

- Bà nói gì ạ?

- Đi tù rồi. Buôn thuốc phiện, vào nhà đá bóc lịch rồi.

Tôi kinh ngạc:

- Thuốc phiện? Thuốc phiện là cái gì mà phải vào tù ạ?

- Con mẹ này, đúng là đồ chân đất. Về mà hỏi chồng mày ấy.

Bà ta mắng tôi té tát. Tôi định đi, lại hỏi thêm:

- Nhưng có đúng đây là nhà chú Hợi không ạ?

- Còn ai vào đây nữa. Cả thị xã này có ai không biết cái bộ răng vâu của nó. Toàn đi đâm thuê chém mướn với cả buôn lậu, gì mà không ngồi nhà đá.

Thôi đúng thật rồi. Răng vâu thì lẫn đi đâu được. Bà Lâm vẫn bảo, bốn đứa con bà, nói dối không phải con bà cũng chả được, vì chỉ nhìn hàm răng là biết.

Bà Lâm ngồi ở ghế đá ngoài sân bệnh viện, mặt hướng ra cổng, chắc có ý chờ tôi về.

- Sao, có gặp nó không?

- Đi làm ăn xa rồi bà ạ. Hàng xóm bảo thế.

- Còn vợ con nó?

Tôi chột dạ, thực sự là tôi đã quên biến vợ con Hợi, tôi chống chế:

- Về ngoại hết bà ạ.

- Cái thằng ấy ngày bé được tôi chiều nhất, chỉ vì nó ốm đau quặt quẹo suốt. May mà ông trời cho thành người. Ngày bố về đón đi nó cứ đắn đo mãi. Xem ra, chỉ có nó là tử tế thôi.

Tôi không dám nhìn bà Lâm nữa. Trộm nghĩ, nếu một ngày các con gái của mình đối xử với mình như vậy thì mình sống ra sao? Chẳng có người mẹ nào giữ chân mãi được những đứa con của mình, rồi cũng đến lúc chúng lần lượt bỏ đi như chim con đã đủ lông đủ cánh...

Bà Lâm dựa vào vai tôi, ư ư một khúc đồng dao của trẻ mục đồng. Sau này, rồi cũng có lúc tôi như bà, ngồi dựa lưng vào gốc đa, ư ư hát khúc đồng dao mà nhớ về con Thuần, con Thi, con Thao... Khi ấy thì chúng đã không còn ở nhà mong tôi từ chợ về, trong cái thúng méo mó thỉnh thoảng có một cái bánh đa hay mấy viên kẹo vừng.

*

Bà Lâm bảo:

- Tao có cái ao bỏ không đấy, chúng mày lấy mà nuôi cá.

Tôi định từ chối, vì thấy chẳng có hy vọng gì mấy. Bên kia sông cũng có một vài nhà đào ao thả cá, mỗi năm thu vài tạ, lái buôn về chở đi ùn ùn, thêm mình, bán cho ai. Chưa kể, nuôi gì cũng phải có kinh nghiệm.

Nhưng chồng tôi thì ngược lại. Anh nói với bà Lâm:

- Con có ý định nuôi cá từ lâu lắm rồi nhưng không có chỗ làm. May quá bà lại tạo điều kiện. Thôi thì bà cho chúng con mượn, sau được nhiều được ít chúng con cũng xin gửi lại bà năm mươi phần trăm.

Bà Lâm cười khìn khịt theo cái kiểu riêng của bà:

- Tao thèm vào. Lấy năm mươi phần trăm thì chúng mày ăn cám à. Cứ làm đi. Thỉnh thoảng cho tao con cá là được rồi.

Nói xong, bà lại vén chiếu lên, lấy ra chai rượu, tợp một ngụm. Từ ngày gặp phải chuyện buồn bà đâm ra hay uống rượu. Một bà già gầy còm, ăn nói bốp chát, tốt bụng, xởi lởi có thêm cái tật uống rượu cũng chả khiến ai khó chịu. Thậm chí có tý rượu vào bà còn vui vẻ hơn. Thế nên mấy nhà trong làng hay nấu rượu thỉnh thoảng lại dúi cho bà một chai loại một. Con Thi thỉnh thoảng vào làng chơi với bà lại vừa cười khúc khích vừa bảo chỉ thêm một cái điếu cày nữa là cháu gọi bà bằng ông.

Vậy là chồng tôi bắt tay vào cải tạo cái ao. Cái ao khá rộng, có vườn chuối bao bọc xung quanh. Chồng tôi là thế, định làm gì là phải làm ngay lập tức. Khát vọng thoát khỏi đói nghèo luôn thường trực trong anh. Chỉ cần thoát khỏi nó, bằng mọi cách để thoát khỏi nó.

Phải khơi lại con mương dẫn nước từ suối vào ao, thay mấy tấm lưới chắn trên ba cái cống thoát nước, kè lại bờ, tháo cạn nước, gọi đám trẻ trong làng ra nhặt nhạnh. Chả có gì ngoài ốc, tôm, cá cờ, cá mương, mấy con rô đen thui, cả lươn nữa.

Thứ nữa là mua cá giống. Nuôi gì đây? Tôi hỏi. Trắm cỏ. Anh trả lời ngay tắp lự như thể đã tính toán từ rất lâu rồi. Trắm cỏ là thứ dễ nuôi, mau lớn, sống bằng cỏ là chính. Chỉ cần bỏ công cắt cỏ là ổn.

Nghe thật bùi tai. Tôi gật luôn.

Chưa sửa xong ao thì đám buôn cá giống đã tới.

Tay bán hàng miệng dẻo quẹo:

- Anh chị muốn mua loại gì cũng có. Đầu tăm, đầu đũa, nhàn hơn, chóng thu hoạch hơn thì loại bằng chuôi dao. Giống này là giống mới, rất mau lớn, dễ nuôi. Chỉ cần...

- Thôi thôi. Anh khỏi phải nói nhiều. Cá đâu, bỏ xuống đây xem thử.

Trắm con bằng đầu đũa, bơi lúc nhúc trong cái sọt lót ni lông. Chồng tôi vục tay vào, vớt lên một mớ.

- Gì đây? - Anh chìa mớ cá ra - Trắm lai mương à?

Tay lái buôn cười hềnh hệch:

- Gớm, bác giai chỉ được cái tinh mắt. Chắc bọn trẻ con nhà em nhỡ tay bỏ vào. Để em nhặt ra, nhặt hết.

Thỏa thuận giá cả xong, chồng tôi bảo các con đem xô chậu đựng sẵn nước sạch ra.

Tay lái buôn cầm một cái muôi, thoăn thoắt múc cá từ thùng vào chậu, miệng đếm leo lẻo.

- Xong, ba trăm con. Các bác cho em xin tiền.

- Từ từ đã. Đi đâu mà vội. Cậu cứ ngồi xuống, chờ tôi đếm lại

- Gớm. Gì mà bác phải cẩn thận thế. Ai gian dối làm gì mấy con cá, phải tội.

- Vài con thì không phải tiền à. Anh cứ chờ đấy.

Chồng tôi đếm lại thật.

- Hai trăm mười lăm con. - Anh kết luận.

Cả mấy mẹ con tôi tròn mắt. Rõ ràng cả nhà mình đứng đó, xem tay bán cá đếm năm, mười, mười lăm, hai mươi... thế mà hắn vẫn ăn gian được đến tám mươi lăm con là sao?

Tay bán cá lại gãi đầu xoành xoạch. Cười hì hì. Cặm cụi đếm thêm đúng tám lăm con trắm giống.

Hắn đi rồi, chồng tôi bảo:

- Hắn lừa được mình vì mình thật thà. Thế này nhé, hắn đếm năm, mười, mười lăm... rồi ba mươi. Vậy là ăn không của mình mười lăm con rồi.

Bọn trẻ ồ lên khoái chí. Hóa ra bố tinh thật. Sao bố biết hở bố?

Chồng tôi cười hà hà.

Một chiếc khung bằng tre được thả xuống ao, đó là chỗ thả thức ăn cho cá. Cá rất bé, thứ mà chúng ăn được chỉ là lá sắn non, thái nhỏ như sợi thuốc lá.

Bọn trẻ có thêm một công việc mới mà chúng rất háo hức. Đứa nào cũng có ý thức trên đường đi học về, hễ thấy nhà nào có hàng rào bằng cây sắn lại ghé vào xin ít lá sắn non. Gom vào chỗ mát, cứ tầm hai giờ chiều là chồng tôi đích thân ngồi cặm cụi thái lá sắn cho cá ăn. Vui nhất là giờ thả cỏ xuống ao. Vài hôm thành quen, hễ nghe thấy tiếng bước chân bậm bịch bước xuống cầu ao là đàn cá bu lại, vừa đổ rổ lá xuống là tiếng lóc bóc lóc bóc đã rộn rã nổi lên, lao xao mặt nước.

Đàn cá lớn rất nhanh. Xem ra nuôi cá cũng là một công việc không gì làm khó khăn. Bọn trẻ đã bắt đầu tính toán, vài tháng nữa cá lớn, bán đi lứa đầu tiên sẽ mua ngay một chiếc xe đạp. Có một chiếc xe đạp, bố chở mẹ đi chợ, các chị lớn chở các em bé đi học, đó là một ước mơ kéo dài từ năm này qua năm khác trong gia đình chúng tôi. Thỉnh thoảng bác chủ tịch xã có việc ghé qua làng, tiếng chuông xe đạp leng reng cùng với tiếng ra đi ô rè rè mấy bài dân ca là bọn trẻ cả làng kéo nhau chạy theo đàn đàn lũ lũ.

Giấc mơ luôn xa vời. Càng xa vời càng cháy bỏng.

Và chúng tôi vẫn cặm cụi trên đồng đất, với các con mỗi ngày một lớn.

*

Trong đời tôi, có những lần mặc dù tôi biết con thích một thứ gì đó mà tôi có thể cho nó nhưng tôi lại không cho con. Ví như có một lần, khi tôi còn khỏe. Tôi thường lên chợ huyện mua lấy một vài thứ quần áo trẻ con, xô chậu, kim chỉ, gương lược... rồi mang vào mấy bản người Dao, người Tày ở sâu trong núi và bên kia sông để đổi lấy ngô, lúa, gà vịt giống, lợn giống... nghĩa là bất kể thứ gì họ tự làm ra được. Mua bán, đổi chác như vậy mỗi chuyến tính ra lương thực cũng được lãi vài cân. Lần đó trong số quần áo tôi mang về có một chiếc áo bằng vải xoa màu hồng, lấm tấm những bông hoa đỏ nhỏ li ti. Trong lúc cùng tôi soạn đồ chuẩn bị mang vào bản, con Thi cứ ướm chiếc áo lên người mãi, thậm chí còn mang ra bờ ao, soi xuống mặt nước. Con Thi là đứa trắng trẻo nhất trong đàn con của tôi, chiếc áo màu hồng càng tôn thêm nước da mịn màng của nó. Trong ánh nắng ban mai đang tràn tới nó như một cô tấm vừa được mặc váy áo chuẩn bị đi dự hội. Chồng tôi đứng đờ ra nhìn con. Dường như anh cũng không ý thức được vẻ đẹp ẩn giấu trong chính đứa con gái mà tự tay anh đã đỡ nó ra khỏi bụng mẹ. Không nói một lời, anh lẳng lặng ôm con gái vào lòng. Cái đẹp vẫn thường đi cùng với nỗi bất hạnh, các cụ bảo thế, nhất là cái đẹp của con nhà nghèo. Chẳng biết chồng tôi có nghĩ giống tôi không?

- Mang vào đây cho mẹ, con!

Tôi gọi con. Con bé như choàng tỉnh, nuối tiếc cởi chiếc áo ra khỏi người, thật chậm chạp. Chồng tôi e hèm, nhìn tôi dò hỏi, tôi khẽ lắc đầu. Nếu tôi để chiếc áo ấy lại cho con Thi thì ngày mai tôi sẽ phải để lại một chiếc nữa cho con Thuần, rồi ngày kia là con Thao... Và thế là công của mấy ngày trời lặn lội, mang vác sẽ thành công cốc, nhỡn tiền là thiếu mất hằng tháng lương thực của cả gia đình.

Con Thi cởi áo, gấp thật cẩn thận, vuốt cho phẳng phiu rồi mới đưa cho tôi. Hôm đó nó đòi đi cùng tôi vào làng.

- Để con xem nên đổi cho ai thì mẹ hẵng đổi nhé.

Nó chỉ vào cái áo và dặn. Tôi gật đầu.

Và hôm đó tôi để cho nó quyền quyết định đổi tấm áo ấy cho con nhà nào mà không bận tâm đến việc người ta trả cho mình nhiều hay ít, ngô hay lúa.

Lúc về, dường như nỗi nuối tiếc tấm áo đã tan biến, nó vừa đi vừa nhảy chân sáo, vừa hát một khúc đồng dao của trẻ làng. Không biết bài gì mà nói đến chột mắt với cả cụt chân, nghe mãi tôi mới hiểu nó hát về con cào cào. Trẻ con thì dễ quên, cả với niềm vui và nỗi buồn, chỉ người lớn là không thể nào quên được. Lúc đó tôi tự nhủ, khi nào khấm khá, nhất định tôi sẽ mua cho con gái một tấm áo y như vậy. Nó hoàn toàn xứng đáng được hưởng.

Một buổi chiều muộn, thầy giáo trong làng tìm đến nhà chúng tôi. Thầy còn rất trẻ, từ bên kia sông sang dạy học. Cả làng chỉ có một phòng học dựng ngay cạnh sân kho cũ. Học sinh nhồi hết vào đấy, buổi sáng hai lớp, chiều hai lớp. Thầy chia đôi lớp ra, mỗi nửa học một chương trình. Cụ Đống bảo trông bọn trẻ ngồi học buồn cười lắm, có đứa đang phải làm toán, thấy lớp cạnh bên viết chính tả cứ nằng nặc đòi viết chính tả theo. Thầy người cao, gầy gò, hiền lành. Thầy ngồi ghé xuống mép chiếu trải giữa nhà.

- Em đến để nói với anh chị về việc học của em Thuần...

Tôi giật mình:

- Sao thế thầy? Con Thuần nhà tôi làm gì sai ở trường à? Nó...

- Không, không phải thế. Em muốn hỏi, có phải dạo này nhà mình bận nhiều việc quá không...?

Chồng tôi thở dài:

- Thì lúc nào chả thế, quanh năm suốt tháng có khi nào hết việc đâu. Nhưng mà sao hở thầy?

- Thuần nghỉ học lâu quá, em hỏi Thi thì nó không trả lời. Thuần là lớp trưởng, học rất khá, em đang định hết học kỳ này sẽ lên phòng xem có xin được học bổng gì đó hỗ trợ cho em ấy không...

Vợ chồng tôi còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì Thuần từ ngoài chạy vào, quần xắn ngang đầu gối, tay vẫn xách cái giỏ toàn bùn:

- Thầy! Thầy đến tận nhà em làm gì? Em nghỉ học càng tốt cho thầy chứ sao. Thầy về đi!

Thầy giáo thuỗn mặt ra, dường như thầy bị sự xuất hiện của con Thuần làm cho choáng váng. Thầy mấp máy mãi không nên lời. Tôi quát con:

- Thuần! Không được hỗn. Sao con tự ý bỏ học mà không nói lý do, lại còn giấu bố mẹ nữa. Con đi đâu suốt những buổi học ấy?

- Con... Con đi kiếm việc làm. Con sang bên kia sông... Con lớn rồi, không giúp bố mẹ được gì... Để cho mình em Thi đi học thôi, tối về nó dạy lại con cũng được - Nó quay sang thầy - Em Thi học giỏi lắm đúng không thầy? Thầy nói với bố mẹ em một câu đi, để bố mẹ em yên lòng. Em học lại với Thi buổi tối cũng được mà, thầy...

Thầy giáo bối rối quay mặt đi, tránh không phải đối diện ánh mắt nhìn xoáy vào của con Thuần. Mặt thầy tái rồi đỏ, rồi tái. Thầy lúng túng mãi cho đến lúc đứng dậy ra về. Thuần đứng ở cửa nhìn theo bóng thầy giáo của nó cho đến khi thầy rẽ vào chỗ ngoặt.

- Tùy con thôi Thuần ạ. Thầy mẹ không muốn các con lại khổ như thầy mẹ. Có tý chữ con người ta khác hẳn, con biết thế đúng không? Nhà mình khó khăn bao nhiêu năm nay rồi, có phải bây giờ mới vậy đâu, chuyện cơm áo chưa đến lúc thầy mẹ để các con phải lo... Có phải vì lý do nào khác nữa mà con bỏ học không?

- Kìa, em... đừng hỏi con thế - Chồng tôi khẽ khàng.

Thuần không trả lời câu hỏi của tôi, nó quay mặt đi. Trong mấy chị em nó là đứa kín đáo, điềm đạm, từ tốn nhất, lại cũng khéo chiều mọi người nhất.

- Có những điều không nên hỏi em ạ - chồng tôi nói thêm.

Nhưng tôi thì buồn không tả xiết. Tôi đã chỉ được học có dăm ba chữ từ cha tôi, chồng tôi, bố chúng nó thì còn tệ hơn, chả biết chữ nào. Thế nên ngay từ khi sinh con ra tôi đã nhủ mình phải cho con học hành, trừ khi không có trường, không có thầy, còn thì nghèo mấy cũng phải cho con học đến nơi đến chốn. Nhưng con gái tôi lại chẳng hiểu điều đó.

Tôi băm rau, băm cả vào tay. Nhựa dọc mùng thấm vào chỗ đứt, buốt vào tận xương. Mặc kệ, tôi cứ để cho máu chảy. Con Thuần tháo quai nón, vội vã chằng buộc chỗ đứt tay cho mẹ, giọng nghẹn đi:

- Mẹ đừng giận con. Con nghĩ kỹ rồi.

- Con làm cho mẹ buồn quá Thuần ạ.

Tôi chỉ nói với con được đến thế. Nhất định phải vì một lý do nào đó nó mới bỏ học chứ không phải vì đã lớn như nó vừa nói. Nhưng chẳng thể cậy miệng nó lấy được một câu. Tính con bé này tôi rất biết. Nó chỉ nói khi nào cảm thấy không thể im lặng được nữa.

Gần một tháng sau, việc con Thuần sáng sáng không đến trường nữa mà cùng bố mẹ ra đồng cũng đi vào nếp. Tôi cũng hết buồn. Buồn mãi làm sao được, phải như một cái cây, gặp nắng thì khô héo, gặp mưa thì tốt tươi mới sống được.

Con Thuần làm quần quật không biết mệt mỏi. Nhưng công việc đồng áng cực nhọc dường như lại làm con bé phổng phao hơn. Đi phía sau nhìn con nhiều lúc tôi phải ngỡ ngàng. Nắng nôi càng khiến nó hồng hào hơn, vồng ngực thanh tân phập phồng sau làn vải áo hết khô lại ướt. Hôm nào nó cũng là người về sau cùng. Chỉ tắt nắng một lúc nó đã giục tôi về cơm nước, để nó ở lại làm dấn thêm một lúc nữa. Một lúc của nó có khi kéo dài đến tối mịt, tất cả các nhà đã lên đèn. Nhìn con làm việc, thậm chí có lúc tôi nghĩ, phải chăng lao động mới là lẽ sống của nó? Nó trở nên tươi tắn và tràn trề sức sống từ khi nào chẳng rõ, và cũng từ khi nào đó, nó đã trở thành chỗ dựa cho cả tôi. Có việc gì lớn, cần lấy ý kiến thì tôi lại hỏi nó. Nó suy nghĩ một cách thận trọng và kỹ càng.

Một hôm, đã rất muộn, cả nhà chờ mãi vẫn chưa thấy con Thuần về, hai đứa em ngồi ngủ gật bên mâm cơm, bảo ăn trước nhất định không nghe. Tôi quyết định đi ra đón con. Nó ham làm quá rồi đến lao lực mất thôi.

Nhưng ngoài cánh đồng mênh mông không hề có một bóng người. Đang mùa gặt, lúa chín rũ, tỏa mùi hương ngào ngạt, nhiều nhà gặt xong chưa kịp đập vẫn để lúa chất thành đống một góc ruộng. Một nỗi sợ hãi vô hình xâm chiếm tôi rất nhanh. Nó đi đâu? Ở đâu? Nó có thể đi đâu được chứ?

Tôi chạy khắp cánh đồng, miệng ời ời gọi con. Lúa nhiều thì cũng chẳng để làm gì nếu như ai đó đánh cắp mất con gái tôi. Nó đang tuổi dậy thì, phổng phao thế, nó là chỗ dựa cho cả vợ chồng tôi, đám con nhỏ của tôi. Tôi càng gào to, tiếng gọi càng rơi vào vô vọng. Hay nó ra sông nhấc đó? Nó vẫn thường theo bố ra sông đặt đó vào buổi chiều và nửa đêm thì ra nhấc đó mà. Nghĩ sao làm vậy, tôi chạy vùn vụt ra mé bờ sông.

Và gì thế kia? Ngay trên bến đò, chỗ gốc sung đổ gãy nằm bò sát mép nước, con gái tôi đang ngồi quay lưng lại. Tôi nhận ra nó nhờ tấm áo hoa rách một miếng ở chỗ hay đặt quang gánh trên vai phải. Nhưng nó không ngồi một mình. Nó ngồi cạnh một thằng con trai, cao hơn nó đến nửa cái đầu, tóc húi cua, mặc một cái áo tối màu. Trung tuần, ánh trăng vàng óng như mật ong rót xuống hai đứa nó. Tôi đứng như chôn chân tại chỗ, thậm chí còn cảm thấy cát đang nuốt dần hai bàn chân mình. Không nghe thấy chúng nó nói gì ngoài tiếng rì rào của dòng sông, tiếng sung chín thi thoảng rụng lõm bõm xuống mặt nước. Con gái tôi khẽ dựa đầu vào vai thằng con trai kia, tóc nó buông xõa đầy tấm lưng thon thả. Tôi định gọi con, nhưng không hiểu sao mồm miệng cứng cả lại như phải bả. Được một lúc thì quay lưng ra về. Triền dốc từ sông lên bờ chỉ thoai thoải mà sao lúc này thấy nó cao đến chóng mặt.

Con gái tôi đã yêu. Đúng thế đấy. Nó đã yêu. Nhất định là đã yêu thì mới ngồi với nhau kiểu ấy. Nó đã mười sáu rồi. Bằng tuổi nó tôi đã làm vợ. Thế thì trách gì được con. Có chăng chỉ trách mình, không nhận ra con đã lớn. Nhưng tại sao khi con gái có người yêu tôi lại buồn đến thế này? Buồn như thể nhìn thấy ai đó đường hoàng vào nhà mình, lấy đi thứ của cải quý giá mà mình phải mất rất nhiều năm cuộc đời dành dụm. Từng bước chân cứ trơn trượt, không sao bám chắc được vào mặt con đường mòn ngoằn ngoèo.

Tôi về đến nhà thì con Thuần đã ở nhà. Nó đi đường tắt, nhanh hơn tôi nhiều. Nó tươi rói, miệng xoen xoét:

- Mẹ đi tìm con à? Con ghé qua nhà cái Liễu, mèo nhà nó mới đẻ, con xin một con về nuôi cho nó bắt chuột. Mẹ ngồi xuống ăn cơm luôn đi.

Vừa nói nó vừa thoăn thoắt xới cơm vào bát cho tôi. Các em nó, bố nó hối hả ăn vì phải chờ cơm lâu quá, chẳng ai để ý đến thái độ của tôi. Sao nó có thể nói dối một cách trắng trợn đến thế cơ chứ? Ai đã dạy con gái tôi nói dối mẹ một cách ngọt ngào như vậy? Tôi nhìn thẳng vào mặt Thuần. Hai gò má căng mịn, hồng rực, ánh mắt long lanh như vừa uống rượu, lúm đồng tiền trên má trái sâu hẳn xuống. Tôi định mắng một trận cho bõ tức, nhưng không nói được. Ăn không hết bát cơm, tôi chống gối đứng dậy, kêu mệt, vào giường nằm.

Thằng con trai đó con cái nhà ai? Hai đứa chúng nó quen nhau từ bao giờ, hẹn hò nhau từ khi nào? Chúng nó đã làm gì nhau? Liệu nó có xứng đáng với thứ tình yêu trong veo mà con gái tôi dành cho nó không?

Nửa đêm, ánh trăng chuyển sang màu trắng bạc, lọt qua mấy lỗ thủng trên tường, rơi vào chỗ nằm của hai vợ chồng. Công việc nặng nhọc suốt một ngày khiến chồng tôi ngủ rất say. Tôi thì ngược lại. Không sao ngủ được. Tiếng rì rầm của con Thuần với con Thi cũng đã ngừng từ lâu. Tôi biết tính con Thi, nó rất dễ ngủ. Hồi nhỏ, trước khi ngủ nó nhất định bắt tôi phải kể cho nghe một câu chuyện, nhưng thường chỉ kể được một phần ba nó đã ngủ say tít rồi. Câu chuyện của con Thuần rất dễ chỉ vào tai con em được một phần ba, còn lại là nói một mình. Tôi rón rén bò qua người chồng, khẽ khàng mở cửa, ra sân. Cây quéo cổ thụ đổ bóng đen kịt xuống sân, gió nhè nhẹ khiến từng chiếc lá rụng cũng rất khẽ. Tôi ngồi xuống đống rơm vừa gánh về định rải vào vườn rau cho đỡ cằn. Mùi rơm chưa khô ngọt lịm, thơm nồng. Bao giờ mùi rơm, mùi lúa mới, mùi khói đốt đồng, mùi đất mới cày bừa cũng làm cho người nông dân cảm thấy dễ chịu nhất. Đó mới chính là không khí, là hơi thở của mình.

Có ai đó đặt khẽ tay lên vai tôi. Là con Thuần. Nó ngồi xuống cạnh tôi, búi mớ tóc dài thành một cục to tướng sau gáy. Nó vòng tay qua cánh tay tôi, đầu dựa vào vai tôi (y như lúc nó ngồi với thằng con trai kia ngoài sông).

- Ngày xưa mẹ gặp rồi yêu bố như thế nào hở mẹ?

Nó hỏi khẽ như sợ có ai nghe mất.

- Sao tự dưng con lại hỏi chuyện ấy?

- Vì... Con muốn biết bố yêu mẹ như thế nào.

Chẳng có lý do gì để giấu con, tôi kể cho nó nghe. Đến cái đoạn anh đưa cho tôi chiếc cuốc, nó cười khì khì:

- Nếu là con, con đưa cho mẹ một con lợn con. Bố ngốc bỏ xừ. Đưa cuốc thì bao giờ mới được hạt lúa mà ăn. Nuôi một con lợn thì chỉ ba tháng là có tý vốn rồi. Nhưng đúng là bố yêu mẹ thật. Nếu không có bố thì có khi bây giờ mẹ vẫn ở trên thuyền, lại lấy một anh thuyền chài, người toàn mùi cá nhỉ. Mùi cá thì thơm như mùi đất sao được.

Đột nhiên, nó nói:

- Con cũng yêu rồi mẹ ạ.

Tôi muốn khóc òa lên. Vậy ra nó không định giấu tôi. Nó vẫn coi tôi là mẹ nó, là người đầu tiên mà nó cần chia sẻ.

- Sao mẹ không nói gì? Mẹ có vui không?

Tôi gật gật đầu, ôm siết lấy con. Có lẽ tôi phải nói cho nó biết tôi vui đến thế nào. Vì nó đã tin cậy tôi. Đã biết ngưỡng mộ tình yêu của bố mẹ nó. Một mối tình nhuốm đầy mồ hôi và nước mắt. Tự dưng, nỗi buồn tan biến và tràn ngập trong tôi một niềm hạnh phúc vô bờ. Bất luận thế nào, cho dù sau này cuộc sống của con Thuần ra sao, thì giờ đây tôi cũng cảm nhận được tình yêu ngọt ngào và đắm say mà nó đang hưởng thụ một cách mê mải. Yêu và được yêu, như vợ chồng tôi, đó là một niềm hạnh phúc không sao tả xiết.

Tháng sau, nhà trai từ bên kia sông sang, hỏi xin nó về làm dâu. Nhà cậu ta kia bên kia sông, cũng là đứa thứ tư thứ năm gì đó. Thảo nào ông bố đến nhà tôi đặt vấn đề cứ trôi chảy như học thuộc lòng. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là cậu con rể tương lai, chính là cậu xe ôm mà tôi vẫn đi lúc còn ở viện với bà Lâm.

- Biết thế hồi ấy cháu chẳng lấy tiền cô.

Thằng bé dí dỏm. Tôi cười:

- Chả sao, rồi khắc đến lúc cô đòi lại.

Tôi yên tâm phần nào về việc gửi con gái mình cho một thằng rể như vậy. Nhưng nó còn bé quá. Với tôi nó còn quá bé bỏng.

Ý con đã thế thì đành, về bên ấy lớn thêm chút nữa cũng kịp. Chồng tôi bảo vậy. Giữ con lại rồi sau nhỡ có sao lại ân hận. Ngày mình theo tôi, mình còn kém tuổi nó bây giờ kia mà.

Phải rồi. Ngày tôi theo anh tôi còn kém con Thuần bây giờ một tuổi. Sau khi cha mất, làng đồng ý cho tôi xin một ô đất trong nghĩa địa làm nơi chôn cất. Tôi tháo dây buộc thuyền cho nó trôi đi theo dòng nước rồi lên bờ.

Con thuyền là nơi trú ngụ suốt những năm tháng tuổi thơ của tôi. Trên đó, cha đã ru tôi thâu đêm bằng những câu hát khê nồng. Đêm đêm tôi ngủ say thì cha ngồi uống rượu khan. Hai cha con lênh đênh trên sông nước, mỗi ngày một tiến gần đến thượng nguồn. Cha không giải thích vì sao hai cha con lại cứ theo dòng nước leo ngược như thế, nếu có dừng lại ở đâu đó thì cũng chỉ vài tháng, một năm là cùng, rồi lại tiếp tục men theo bờ, dựa vào những dòng nước lặng để lên ngược. Chính trên con thuyền vá víu đó, cha đã dạy cho tôi tất cả những gì cần có cho một tâm hồn người. Dường như những uất hận tiềm ẩn đâu đó trong lồng ngực ông đã dồn nén đến nỗi ông hóa giải nó bằng tình thương vô hạn dành cho đứa con gái duy nhất của mình. Ai đó đã nợ ông món nợ rất lớn, không bao giờ trả được, và ông mang theo chúng về với khoảnh đất nhỏ ở cái làng này. Con thuyền hình như muốn chằng níu với tôi mà dập dềnh mãi không chịu trôi đi...

Tôi đã lên bờ. Không phải vì tôi sợ thân gái một mình lênh đênh trên sông nước, cũng không phải vì lúc đó tôi đã hoàn toàn tin tưởng ở anh, mà vì tôi muốn dứt ra khỏi những ám ảnh về sự tuyệt vọng của cha. Ông sinh ra không phải từ một vạn chài, con đò chỉ là lối thoát cho khúc ngoặt không lường trước của cuộc đời của một bậc quân tử. Không ngờ ông đã phải ở trên mảnh ván thuyền lúc nào cũng xâm xấp nước cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Ông không lên bờ cũng vì không chịu nổi những cơ cực nhìn thấy trước, và hơn thế, còn vì không chịu nổi những thất bại sẽ gặp phải trên mặt đất. Ý chí tung hoành dọc ngang đã không còn nữa, nó bị chôn vùi trong một góc khuất nào đó sâu kín, nhức nhối như một thứ ung nhọt, thỉnh thoảng trồi ra trong cơn say mèm giữa đêm trăng thanh sáng như ban ngày. Những dòng chữ uốn lượn, vừa khoáng đạt, vừa bức bối, đè nén đã được khắc đầy lên mạn thuyền giữa những cơn say như thế. Ngày hôm sau, tỉnh dậy, nhìn mạn thuyền gỗ chi chít chữ, ông lại hối hả chèo. Mặt nước dù sao cũng tự do hơn, và không ai nhìn thấy ông ngoài tôi. Không ai ngoài tôi chứng kiến những cơn khủng hoảng của một đấng nam nhi nuôi chí khuynh đảo thiên hạ bằng mấy bồ chữ, cuối cùng lại phải lênh đênh trên một con thuyền nát. Cha đã buộc tôi phải nhớ một câu, trước khi ông nhắm mắt: “Con hãy để trong lòng câu này Ninh vi kê khẩu, vô vi ngưu hậu. Dễ mà khó. Khó mà không khó. Con nhớ chưa. Cha thật không đành lòng khi để lại con trên đời này có một mình...” Rồi cha khóc. Khóc cho tôi, khóc cho ông, khóc cho con thuyền nát mang đầy những uẩn khúc không ai thấu được. Sau này, tôi đã nhìn thấy chồng tôi khóc khi mất con, tôi càng tin rằng anh chính là người cha thứ hai của tôi. Anh giống cha tôi vô cùng, và tôi có thể tựa vào anh được, như đã từng tựa vào cha tôi, tựa vào câu dặn dò của ông mà đi cho đến hết những ngày còn sống trên nhân gian.

Tôi bắt đầu một cuộc sống khác, và hình như trong tôi cũng có những đổi thay rất lớn. Tôi không còn là tôi với tấm thân nhi nữ mà mang chí trai bạt sóng bạt gió như cha tôi vẫn hằng hy vọng, và cố gắng uốn nắn tôi như vậy. Tôi nhìn con thuyền trôi theo dòng nước, nửa muốn trôi theo, nửa muốn giữ nó ở lại. Nó là hiện thân của tấm tình cha con tôi với thủy thần... Con thuyền trôi đi là tất cả những ngày tháng trước đó đã trôi đi. Tôi sợ hãi trước những nỗi đe dọa mơ hồ khi từ biệt cha, và đứng trên mặt đất khô khát. Nhưng lúc ấy anh đã gọi tôi. Giọng anh ấm áp:

- Lại đây, ngồi gần anh đây. Em sẽ không thấy sợ gì cả. Ngày mai anh sẽ dạy em cách cầm cuốc, cầm cày, cách gieo hạt... Mặt đất bình yên hơn mặt nước nhiều, rồi em sẽ thấy...

Đứng trên mặt đất bình yên hơn vì con người ta không phải di chuyển, lênh đênh theo con nước bất thường. Vậy mà đã có lúc tôi ước rằng, chồng tôi, các con tôi được dọn lên một con thuyền lớn, và chúng tôi sẽ xuôi theo dòng nước. Không nơi nào bình yên cả, sớm muộn gì cũng phải đối mặt với sóng gió. Vì thế, tôi để con đi khỏi vòng tay của tôi. Nó sẽ giống tôi, dù sống trên mặt đất hay gắn với sông nước, thì nó cũng sẽ lớn lên, cứng cáp lên, như tôi đã từng thế. Nhất là khi bên cạnh nó đã có một người đàn ông. Nhưng sau cùng, nỗi sợ hãi vẫn choán lấy tôi. Cái cảm giác nửa muốn trì níu, nửa muốn buông tay như với con thuyền năm nào lại trở về. Ai biết được điều gì đang đợi con tôi bên ấy. Thằng bé kia không có được ánh mắt cứng cỏi như chồng tôi, cũng không cao lớn vững chãi được như anh. Liệu nó có làm được chỗ dựa cho đứa con gái bé bỏng của tôi?

Tôi muốn nói lại với con lời dặn của cha tôi năm nào. Dòng chữ ấy tôi đã rất vất vả để khắc được trọn vẹn ngay hàng thẳng lối trên mạn thuyền đã chi chít chữ. Suốt một ngày liền tôi nửa nằm nửa ngồi, úp mặt vào mạn thuyền để khắc hết nó. Mũi dao nhọn đâm chệch vào một ngón tay. Dòng chữ ấy đã ngấm máu của tôi. Vậy mà rồi nó cũng phải trôi đi cùng với con thuyền. Tôi đẩy con thuyền đi một phần vì không muốn anh nhìn thấy những dòng chữ rối tinh rối mù trên đó. Tôi sợ chúng sẽ làm tôi xa anh mất. Anh không thể hiểu được những điều cha đã dạy tôi, không thể hiểu trong người vợ hiền thục của anh đã từng chất chứa những khát vọng khôn cùng, ngông cuồng và bất ổn. Anh đến từ một thế giới khác tôi. Anh là con người của đất đai mùa vụ. Tôi muốn nói lại với con, nhưng nấn ná mãi lại thôi. Tôi muốn chôn vùi đi rất nhiều ước vọng thầm kín, làm như quên hẳn đi, và đối mặt với cuộc sống trên đất đai. Tôi để cho con mình được sống như những người đàn bà khác, như thế tốt hơn cho nó. Nó không phải là một đứa con trai cứng cỏi, cũng không phải là bản sao của tôi mười mấy năm trước.

Con Thuần, cả đêm trước không ngủ. Lục sục mò mẫm dọn dẹp nhà cửa, đánh rửa xoong nồi, quét sân, rồi lôi mớ quần áo của cả nhà cặm cụi vá. Suốt đêm tới sáng. Kim đâm vào tay nó tứa máu. Thỉnh thoảng con bé đứng dậy, vạch màn nhìn mãi hai đứa em đang ôm nhau ngủ, rồi rón rén vòng sang phía tôi, rồi khe khẽ thơm lên má tôi. Nước mắt con rớt xuống mặt tôi bỏng rát. Bây giờ mới nhớ lại, Thuần là đứa con được tôi bế bồng nhiều nhất nhà, vì sau nó các em liên tiếp ra đời, tôi toàn để đứa lớn tha đứa bé, không mấy khi còn tâm trí mà bế ẵm, âu yếm. Ngày bé, Thuần hay đau ốm, người quắt queo như mèo con thiếu tháng, suốt ngày ngồi co ro trên một góc giường, ngoan ngoãn hiền lành, ăn ít, ngủ ít. Vậy mà đến khi có em nó hoạt bát nhanh nhẹn hẳn lên, rồi việc gì cũng đến tay. Nó bắt đầu sống vì những đứa em. Không phải quát nạt bao giờ mà ba đứa nghe chị răm rắp, bảo ăn phải ăn, nói ngủ phải ngủ.

Đêm qua rất nhanh dù tôi không hề ngủ, chưa bao giờ thấy sợ trời sáng như vậy. Tờ mờ đất Thuần còn vác cuốc ra mảnh đất cạnh bờ giếng, xới lại mấy luống rau cải, nhổ cho sạch không còn một cọng cỏ.

Chiều hôm sau thì nhà trai sang. Tôi tiễn con ở cửa, dúi vào tay nó chiếc nhẫn vàng bé tý xíu, thứ của cải đáng giá duy nhất mà tôi có được, kỷ vật của mẹ tôi để lại. Nó dặn tôi trước khi đi:

- Mẹ ơi, mẹ nhắc Thi đừng mải chơi mà quên con Thao, nó hay khóc một mình lắm, mà đêm trăng nào cũng ra bờ giếng hoang. Mẹ chăm em nhiều hơn tý nữa, con thấy lo cho nó. Con đi, rồi khi nào thư thả con về với thầy mẹ.

Tôi quay mặt đi, không đủ sức nhìn theo con gái xuống thuyền. Chiều mùa đông u ám, mặt sông rộng ra gấp nhiều lần. Tôi đã sắp khuỵu hai đầu gối mà vẫn nghe tiếng mái chèo khua nước vẳng lên. Có hai đứa em đưa nó về bến ấy, chẳng biết chị em nói gì với nhau mà cả ba đứa khóc dấm dứt mãi. Cái cảm giác mất con dấy lên làm tôi tưởng mình không chịu nổi. Thực ra chúng đã tự lớn lên mà không cần mấy đến sự chăm sóc của tôi. Thậm chí chỉ bảo con cho ra dáng một đứa con gái lớn tôi cũng không làm được. Không lúc nào ngơi tay ra để nhìn chúng cho cặn kẽ. Tiếng mái chèo còn vọng mãi lên, căn nhà bỗng chốc hoang vắng đến phát sợ. Đâu đâu cũng ẩn hiện hình bóng thoăn thoắt vào ra, tất bật việc lớn việc nhỏ của con bé.

Tôi chạy ra sông. Nhỡ đâu thuyền đưa mọi người đi lại gặp trắc trở gì ngoài đó. Các con tôi không đứa nào biết bơi. Đã nhiều lần định dạy chúng, vì sống gần sông nước mà không biết bơi thì hiểm nguy không lường được. Nhưng không đứa nào chịu học.

- Mẹ buồn cười thật đấy, chúng con có phải con trai đâu mà tập bơi. Tự dưng mẹ con ra sông bì bõm, cả làng lại chạy ra xem. Rồi mấy thằng con trai nữa, chúng nó lại tha hồ ê cho...

Chồng tôi cũng đồng tình. Đàn bà con gái mà kéo nhau ra sông ngụp lặn thì chẳng ai nhìn được thật. Đành thôi. Mùa này nước dữ, lại thêm mấy cái tàu vàng sục cho sâu hoắm một nửa bên kia, đi mảng là không qua được. Ra đến lối lên xuống bến đò, tôi đang định chạy xuống thì vấp phải một người đang leo lên, tay chống đầu gối như đang dò từng bước một.

- Ai đấy?

Trời nhập nhoạng tối nhìn không rõ, tôi giật mình, gần như quát lên. Thầy giáo. Đúng là thầy giáo của bọn trẻ.

- Thầy đi đâu về muộn thế?

- Ô, chị... Em... em... có tý việc. Định sang sông nhưng muộn quá lại thôi...

- Có cần lắm không, để tôi gọi ông Mùi đưa thầy qua? Rồi ở lại bên đó, mai hẵng về.

- Thôi... thôi. Mai em đi cũng được... Cháu Thuần... thế nào rồi chị?

- Đi rồi. Tôi thấy nóng ruột quá, định chạy ra xem thế nào. Sao thầy không đến tiễn em nó một tý. Trong làng mọi người đến cả. Hình như nó cũng có ý ngóng thầy, cứ đi ra đi vào. Còn ai thân thiết hơn nữa đâu, thầy dạy nó từ bé...

- Em... em đi họp trên phòng, về hơi muộn. Cũng có nhìn thấy người ta đưa Thuần đi, nhưng không kịp nói gì. Chị ơi, em... thực ra...

- Có gì thầy cứ nói, tôi thì có gì mà thầy ngại. Thầy là ân nhân của cả làng này, chúng tôi coi thầy như người nhà. Thầy gặp khó khăn gì phải không?

- Không phải thế, ý em là... thực ra... tại em mà Thuần bỏ học. Chị à, em biết nói thế nào để chị hiểu. Em với Thuần... em xin lỗi... em về trước... mọi chuyện dẫu sao cũng...

Thầy giáo đi vụt qua mặt tôi vội vã về làng. Tôi quay nhìn theo cái bóng cao gầy của thầy giáo. Thầy vừa nói gì? Phải chăng... Chị em con Thuần tối ngày nói chuyện đến thầy giáo của chúng, nhưng tôi đâu có để ý bao giờ.

Tối mịt thuyền nhà trai mới đưa hai đứa em về đến bờ bên này. Trong tay mỗi đứa có một gói xôi. Con Thi bảo:

- Tại chúng con không chịu ở lại ăn cơm nên người ta bắt mang về. Ăn làm sao được. Chị Thuần cứ ngồi trong buồng ôm con với con Thao không chịu ra, mấy bà già mắng cho lại khóc. Tại con Thao này nữa, họ đã khó chịu rồi lại còn nói thêm mấy câu vào cho người ta bực mình thêm. Mày không thương chị ấy gì cả. Tao với mày về rồi chẳng biết chị ở lại một mình thế nào.

- Sao lại tại em? Người ta mắng chị ấy như thế em im làm sao được...

- Thôi nào các con, chị mình về làm dâu là thành con của người ta rồi, có mắng một vài câu cũng phải chịu

- Thế thì đi lấy chồng làm gì. Ở nhà mình không sướng hơn hay sao. Thầy mẹ có mắng chị ấy bao giờ đâu cơ chứ...

Tôi gọi con Thi vào bếp. Dù thế nào cũng phải nấu cơm, ăn cơm. Tôi hỏi nó:

- Thi, mẹ hỏi điều này, con phải nói thật...

- Chuyện gì thế mẹ? Lâu nay con có giấu gì mẹ đâu...

- Mẹ muốn hỏi chuyện chị Thuần. Chiều nay, mẹ gặp thầy giáo Cường ngoài bến đò, thầy Cường nói tại thầy mà chị Thuần con bỏ học. Thế là sao? Có phải thầy với chị Thuần...

Con Thi thở dài thườn thượt:

- Thế là mẹ hiểu rồi còn gì. Chiều nay, bọn con gặp thầy gần bờ bên kia, thầy đi đò lão Mùi, thầy đứng nhìn mãi. Chị Thuần thì ngoảnh mặt đi...

- Sao phải ngoảnh mặt đi? Mẹ vẫn chưa hiểu cụ thể gì cả.

- Tại con... con cũng... Mẹ, mẹ đừng hỏi nữa.

Trời ôi, sao lại rối tinh rối mù lên thế này. Tôi không thể hiểu nổi các con mình nữa. Có những ý nghĩ nào trong đầu chúng, tôi đã không thể kiểm soát nổi. Chị em chúng khắc tâm sự với nhau, hỏi ý kiến nhau, bàn bạc với nhau mà không thèm đoái hoài đến mẹ chúng. Vậy thì tôi là cái gì đây? Không lẽ tôi cũng giận hờn chúng như chúng có thể giận hờn tôi?

Con Thi cắm cúi nhặt rau, thỉnh thoảng lại quay vào bếp đẩy củi cho ngọn lửa cháy đều. Hằng ngày, đó là chỗ của con Thuần. Dáng ngồi của con Thi in trên vách bếp giống chị nó như đúc. Tôi chịu không nổi:

- Thi, tóm lại là có chuyện gì? Mẹ không thể hiểu được. Sao các con không tâm sự với mẹ?

- Chị Thuần bảo con, việc gì tự làm được thì cố làm, nghĩ được thì cố nghĩ...

Tự dưng tôi thấy tủi thân. Hình như chính tôi đã làm cho các con ngày càng xa mình. Tôi có lỗi gì đâu cơ chứ. Quanh năm suốt tháng chỉ nghĩ đến chuyện cơm áo, xoay xở tứ phía, lo được bữa no bữa đói đã chật vật lắm rồi. Tôi không gần gũi được nhiều hơn thì chúng cũng phải hiểu cho tôi chứ. Con Thao len lén đi vào, vòng ra sau lưng, ôm lấy cổ tôi, thơm lên má. Tôi đưa tay ra sau giữ con, cõng nó đứng lên. Lửa lép bép cháy, nồi cơm bị bồng, trào ra xèo xèo trên bếp...

Chồng tôi ngồi hút thuốc lào khan ngoài bậc thềm. Bóng đêm đã ập xuống, không ai buồn thắp đèn, những con đom đóm ngoài đồng bay lạc vào, nhấp nháy ánh sáng xanh trên tường. Như mọi ngày thì con Thao hoặc con Thi đã mang nón ra úp lấy vài con, cho vào túi ni lông treo lên chỗ chúng hay ngồi học bài.

Thuần đi, việc nhà dồn hết lên hai đứa em, ngẫu nhiên Thi thay chỗ của Thuần, Thao thay chỗ của Thi. Đứa nào cũng cố làm hết phần việc của mình, song không sao lấp đầy được khoảng trống của chị để lại. Nhớ lời Thuần, tôi để ý hơn đến con Thao. Đúng là suốt tuần trăng ấy, đêm nào nó cũng phong phanh áo xống, lững thững đi ra giếng hoang, vục tay xuống, nhổ tung những gốc thài lài khô quắt mọc trong kẽ đá. Và tôi vẫn sợ, không dám gọi con, chỉ đứng từ xa mà nhìn. Nó mong manh, mờ ảo, hư thực, nó như không còn là con gái tôi nữa rồi... Vậy mà đã bao ngày tháng qua, từ khi con Thơm đi, tôi không hề biết đến những đêm trăng ngoài bờ giếng như thế này, chỉ thấy con mình ngày một xanh xao, rầu rĩ, ra vào như một cái bóng. Tôi đã không nói với con rằng, không ai có thể đổ lỗi cho con cả, mà chỉ mải mê trên đất đai mùa vụ, cả chồng tôi cũng thế. Tự dưng tôi thấy giận mình, giận cả anh. Anh cũng có lỗi chứ, anh là bố chúng nó cơ mà. Trời ôi, nếu như con Thao cũng xảy ra chuyện gì nữa thì thế nào đây? Cái giếng hình như ngày một sâu thêm, rộng ra, nó đe dọa chúng tôi đến bao giờ? Vậy mà lấp đi thì làng không cho phép, người ta bảo, lấp cái giếng này đi là cả làng gặp đại hạn. Đêm mùa đông dài lê thê, gió rít ù ù trên những tàu lá chuối rách, sương rơi dày như mưa. Tôi đứng nép trong bóng tối đợi con cho đến khi nó rời cái giếng, lặng lẽ vào nhà, trèo qua người con chị, nằm ẹp xuống sát vách. Nó thở rất khẽ, lại húng hắng ho, đến giờ thì tôi cũng không dám chắc nó tỉnh hay mê trong lúc đi lại trên mép giếng.

*

Đàn cá lớn rất nhanh, những ngày nắng to, nước trong, có thể nhìn thấy cả đàn lũ lượt bơi vòng quanh ao. Chồng tôi làm một cái lều cạnh bờ ao để trông coi. Không phải sợ ai bắt trộm mà sợ mùa lũ về, nước tràn bờ, cá trôi sạch ra sông mất. Bây giờ đã không phải thái lá sắn nhỏ như sợi thuốc lá cho chúng nữa rồi, chỉ cần vứt bó cỏ xuống, chúng lao vào xơi một chặp là chỉ còn phần gốc, cứng quá không nhai được, nổi lèo phèo trong khoang.

Mùa thu bắt đầu lan tới, rồi mùa đông cũng đến rất nhanh. Đàn cá vẫn chưa đủ lớn để bán, hai vợ chồng bàn nhau cố nuôi đến Tết, bán cho được giá. Gió heo may về làm cho cỏ lụi dần, tất cả các hàng rào sắn trong làng cũng không nảy mầm được nữa, đàn cá bắt đầu bị đói vào đúng thời điểm cần ăn nhiều nhất. Chúng lùng sục quanh ao, nhảy cả lên bờ đớp mấy ngọn cỏ già trên bờ rủ xuống.

- Phải mua thức ăn cho cá thôi em ạ.

Chồng tôi nói. Nhưng cho nó ăn gì? Người ăn còn chả đủ, nói gì cá.

- Nếu không cho ăn thì chả hy vọng gì bán được trước Tết, không những chúng không lớn mà còn gầy đi. Bán ai mua?

Đã đến nước này thì đành vậy. Tôi dồn góp tiền nong, bán cả đàn gà để chồng tôi qua sông mua sắn tươi.

Chồng tôi bắc một cái bếp lò ngay cạnh bờ ao, bóc sắn, luộc sắn ngay tại trận. Thôi thì chúng mày ăn, chúng tao nhịn vậy, cố ăn cho chóng lớn mấy hôm nữa cho tao làm một mẻ ăn Tết.

Rồi cũng phải bán sớm thôi. Trời bắt đầu lạnh, đêm nào nằm ngủ với các con tôi cũng thao thức xót ruột thương chồng. Cái lều thông thống như thế ngủ sao được.

Mờ sáng hôm sau, vừa nhóm bếp định bắc ấm nước thì tôi nghe tiếng bước chân chồng thình thịch vào nhà, mặt anh tái dại, người ngợm tóc tai ướt đẫm.

- Có chuyện gì thế bố?

Hai đứa con hốt hoảng nhìn bố. Tôi thì đã kịp linh cảm một chuyện gì đó thật ghê gớm vừa ập xuống đầu chúng tôi.

- Mất hết rồi. Chết hết rồi.

- Mất cái gì? Cái gì chết? Anh nói đi chứ. Sao lại ngồi đần ra thế?

Chẳng nói nữa, chồng tôi lao phăm phăm ra cửa. Ba mẹ con lốc thốc chạy theo. Gì thế kia! Mặt ao buổi sớm đang bốc hơi nghi ngút vì lạnh, nhưng khủng khiếp hơn, cá trắm cỏ phơi bụng trắng hếu cả thảy. Vậy ra ba nồi sắn luộc cả cái lẫn nước đêm qua không chỉ làm cho đàn cá no nê mà còn khiến chúng bị ngộ độc. Không một con nào thoát chết. Chồng tôi phi xuống ao, túm lấy từng con đưa lên mũi ngửi, dìm xuống nước, đập đập vào người nó, chả có tác dụng gì, anh dùng sào đập ùm ùm xuống mặt ao. Tôi và con Thao ngồi phệt xuống đất, bên cạnh cái nồi luộc sắn còn vứt chỏng chơ cạnh ba cục đá bắc làm bếp tối qua. Vậy là giấc mơ tan biến trong phút chốc, bao nhiêu công lao, hy vọng, vốn liếng vay mượn đã bị mấy nồi sắn luộc nuốt chửng. Con Thi lao vào làng, gọi bố con lão Mùi ra giúp lôi bố nó đang như lên cơn điên lên bờ.

*

Hình như trời trả nợ. Sau khi vét sạch sành sanh trong trận lũ trước, giờ đã trả lại những bông lúa nặng trĩu, vàng óng. Nhà chỉ còn bốn người, kéo ra đồng cả. Tôi và con Thi gặt, Thao chuyển đến thùng cho chồng tôi đập. Chốc chốc lại phải đổ lúa từ thùng ra thúng lớn thúng nhỏ để lúa không bắn ra ngoài vì thùng quá đầy. Chiều xuống, không kịp mang hết lúa về, phải để lại ngoài đồng một phần, chặt lá cọ đậy lên. Thửa ruộng nhà Báu nhường cho nhà tôi được nhiều lúa nhất, nhiều hơn tất cả những chỗ khác cộng lại.

Hương lúa mới còn vương đầy trên đồng, trong làng, ngoài làng, trời lại nắng ráo, lúa gặt đến đâu phơi khô ngay được đến đấy, cũng đã đến kỳ làng mở hội hát. Ba mươi sáu năm mới có một lần nên đời người may mắn lắm mới được dự đến hai lần, chồng tôi bảo thế. Người làng tứ xứ đua nhau tìm về, nhà nào cũng đông nghịt lên. Phần nhiều là những người đã già, có người mang cả con cháu về, rồi dẫn đi khắp làng chào hỏi. Trong số những người từ xa về có chị Vân, chị gái của chồng tôi. Bốn mươi năm trước chị Vân lấy chồng, rồi về sau chỉ nghe loáng thoáng chị đã theo chồng con ra nước ngoài, chẳng ai còn hy vọng sẽ gặp lại. Ngày chị đi anh còn buộc quần lên cổ giong trâu qua sông, không gặp lại thì không nhớ được mặt chị nữa.

Chị Vân, tóc đã không còn một sợi đen, người gầy gò, bé nhỏ, duy chỉ có đôi mắt là còn rất trẻ, đôi mắt của một cô gái, sáng, trong và mạnh mẽ. Chị đưa những ngón tay rất gầy và xanh xao rờ rẫm lên mặt hai đứa trẻ. Chị đi một lượt từ trong ra ngoài, lật đống chăn chiếu lên, giở tung cả hòm quần áo, mở thùng gạo.

- Làm thằng đàn ông mà để vợ con sống như gà vịt thế này cũng đành lòng hở cậu? Phải biết xấu hổ chứ. Đã thế lại còn đẻ nhiều, xem bọn trẻ kìa, đứa nào cũng như cọng rau muống...

Tôi phải nói đỡ cho chồng. Thì cả làng này người ta thế, riêng gì mình. Để rồi tôi sẽ đưa chị đi một vòng quanh xóm cho chị xem. Ngày tôi về làm dâu nhà chị chỉ được ăn với bố mẹ chồng ba bữa cơm rồi phải ra ở riêng. Những ngày đầu tưởng không thể sống nổi vì động vào thứ gì cũng thiếu, giật gấu vá vai ngày này qua ngày khác thế mà cũng qua được. Rồi bố mẹ chồng thay nhau ra đi, bán nhà bán cửa cũng không níu kéo được các cụ, chúng tôi không còn lấy một chỗ dựa, dù là về tinh thần. Lúc ấy chị đã đi xa lâu rồi, tôi chỉ được nghe chồng kể về chị, trong những đêm không ngủ được vì rét, và vì con Thuần còn đạp trong bụng. Chị Vân là người yêu chiều chồng tôi nhất nhà. Bữa cơm nào chị cũng độn rau dưới đáy bát mình, chỉ phủ một ít cơm lên trên, còn bát của anh thì ngược lại, để mấy cọng rau lên trên cho mấy ông anh bà chị đỡ tị nạnh. Tôi càng tủi hổ với thân phận dâu con không được lòng nhà chồng bao nhiêu thì lại càng ước ao giá còn chị ở gần bấy nhiêu. Không hiểu sao tôi cứ vững vàng tin rằng chị Vân sẽ đối xử khác với tôi, không giống như những người khác trong gia đình chồng, ít ra chị cũng sẽ không hắt hủi tôi chỉ vì tôi là con nhà thuyền chài, bơ vơ, không một đồng bạc hồi môn. Giờ thì chị đã về đây. Ngồi trên chiếc chiếu ngoài sân, giữa hai đứa cháu, miệng hát, tay quạt, tay xoa lưng cho chúng.

Hội hát năm ấy tưng bừng lắm. Cô Vân con ông Tuất là người nổi lên giữa đám hội như một bông hoa ngạt ngào hương sắc. Cô Vân nổi tiếng đẹp người đẹp nết, nhà nghèo đến manh áo lành cũng thiếu, vậy mà tối nào cũng có dăm ba chàng trai từ huyện tìm về, túm năm tụm ba trước cổng, í ới đánh tiếng. Đợi mãi người ta vẫn chưa thấy cô Vân chọn ai. Có người nói đấy là tại ông bố làm cao, muốn kén được một chàng rể mở mày mở mặt cho xứng với công nuôi dạy. Trong số ấy có một anh giáo dạy ở trường huyện. Như duyên trời định, chỉ có một ngày và chưa đầy chục bài hát đi hát lại, hai người đã quấn quýt với nhau ra mặt. Sau hội hát, chiều chủ nhật nào anh giáo cũng từ huyện về làng, nhưng chỉ đứng ở bờ sông bên kia nhìn cô Vân gánh nước tưới rau. Không ai biết vì sao, ngay cả chồng tôi là người đã chuyển thư của anh giáo cho chị Vân, rồi nhìn thấy chị khóc vì không biết trong thư viết gì, cũng không hiểu vì sao anh giáo không qua đò sang bên này. Ít lâu sau thì anh giáo lấy vợ, là con gái một ông chủ hiệu vàng bạc. Rồi chị Vân cũng làm đám cưới với một ông quan Tây để đổi lấy cho bố mẹ ba thửa ruộng do ông can thiệp. Ngày theo chồng ra đường cái quan lên huyện, chị đã thề, nhất định hội hát sau sẽ về.

Mới đấy mà đã hơn ba mươi năm. Lối xuống bến đò xưa đá ong cứa rách bàn chân đã kịp thành bậc, tiếng hát của chị trong hội vẫn trong văn vắt. Tiếng hát như rứt da rứt thịt, bay qua luỹ tre làng, bay qua cánh đồng đang còn đẫm hương lúa mới, trôi trên mặt sông mênh mông.

Vợ chồng tôi ra bến đò ngồi từ đêm trước, đến suốt ngày hôm sau vẫn không đón được người đã hẹn chị Vân. Phải chăng lời thề năm xưa đã trôi theo dòng nước? Anh kể, anh chỉ nhớ được đôi mắt của người đàn ông ấy, đôi mắt màu nâu sẫm, buồn thảm. Hai vợ chồng ngồi đến tối mịt không dám về. Hội hát đã tan, trong làng im ắng trở lại. Chúng tôi sợ phải gặp lại chị Vân, biết nói gì với chị bây giờ?

Bàn tay ấm nóng của anh đặt trên vai tôi lay khe khẽ:

- Mình ngủ mê đấy à? Lại mệt phải không? Tôi dậy lấy cho mình chén nước nhé...

- Em không sao...

Tôi ra khỏi cơn mê chập chờn. Nhìn qua vai anh bắt gặp cả bầy đom đóm bám trên vách đất lập lòe. Tiếng nước chảy xối xả ngoài kè sông vọng vào mồn một. Từ ngày có bờ kè ấy khúc sông đầu làng tự dưng nước dâng lên, sâu thăm thẳm, trong vắt mà cá nhiều đến nỗi đến phiên chợ, lão Mùi đánh được cả sọt, mang ra ngồi chễm chệ cân cân bán bán. Mấy năm nay trời đất cũng yên ả hơn. Mùi cơm mới nào cũng ngào ngạt mùi bánh giày lan từ nhà này sang nhà khác. Nhà còn hai người chẳng buồn bày vẽ gì mà mùa nào cũng có bao nhiêu bánh mọi người trong làng mang cho, ăn không xuể.

Rừng lại bò về gần làng, toàn vầu đắng. Rừng cọ thành ra ở xa hơn, phải chui qua mấy cánh rừng vầu mới tới. Ở rừng không có thứ gì mọc nhanh như vầu. Chỉ cần một năm không đào măng, sau mùa mưa là cả một quả đồi đã kịp xanh ngăn ngắt. Mùa sau, măng cứ đội đất mà lên. Vụ này thì cả làng có ăn thoải mái cũng không thấm vào đâu. Nhà nào cũng tranh thủ ăn lấy dăm bữa măng đầu mùa. Trước khi có sấm thì măng chưa kịp đắng. Mà nơi nào có vầu là nơi ấy có đất ẩm, nước mạch lại tràn trề. Mùa mưa, trước khi măng trồi lên, bao giờ đất dưới gốc vầu cũng tơi ra, giẫm lên ngập bàn chân. Mùa này dúi nhiều, cầy nhiều, gà rừng cũng lắm...

Chỉ vài năm, ngôi làng hoang hóa cằn cỗi đã như lột xác. Chưa dám so với người ngoài thị trấn nhưng so lại mấy năm trước thôi đã khó mà hình dung được.

Mấy năm trước, bà Lâm, người gần gũi nhất với chúng tôi đã nhiều lần chống gậy dò dẫm mấy chục bậc lên tận nhà bảo:

- Vào trong làng mà ở với tao. Nhà rộng mà chúng nó thì đi hết. Một mình tao cũng buồn lắm. Ngoài này quạnh quẽ quá, ốm người ra cũng phải. Nhá! Vợ chồng mày với con Thi vào làng ở với tao cho vui cửa vui nhà.

Chồng tôi nói với bà Lâm:

- Chúng con biết bà thương chúng con thật lòng, nhưng ở đâu quen đấy bà ạ, chả muốn chuyển qua chuyển lại nữa. Với lại cũng muốn được yên tĩnh. Hay là... bà ra đây ở với vợ chồng con, phòng khi...

Bà Lâm mắng chúng tôi là lũ dở hơi, sướng chẳng thích lại thích khổ.

Mà cũng quen thật. Trong làng người ta đua nhau làm nhà ngói đỏ au cả lượt, ngoảnh đi ngoảnh lại chả còn mấy nóc nhà lợp cọ. Chỉ nơi nương náu dở nhà dở miếu của chúng tôi là vẫn thế, trống huếch trống hoách, mùa hè cửa mở toang hoang, gió lùa tứ phía không biết nóng nực là gì. Cả tôi và anh đều không muốn làm cho nó khác đi, vì chỗ nào cũng có dấu ấn không của đứa này thì đứa kia để lại. Sau này chúng về thăm bố mẹ lại có kỷ niệm mà nhắc.

Chồng tôi đưa bàn tay thô ráp xoa xoa lưng tôi, giục ngủ. Tiếng gà gáy canh một nhao nhác cất lên vừa gần vừa xa...

Chị Vân đã về nhà, cùng con Thi nấu cơm đợi vợ chồng tôi từ bao giờ. Chị nói nhiều, kể chuyện chồng con, chuyện cuộc sống ở xứ người. Hình như chị cố ý không để cho mọi người được chen vào. Chị nói, rồi chị hát. Vẫn những câu hát vừa trôi trên mặt sông. Cả nhà tôi lặng phắc, một thứ không khí bức bối, ngột ngạt khó tả bao trùm. Giọng chị đã khản đặc, đã không còn rõ lời, rõ câu nữa. Cho đến lúc chồng tôi không chịu nổi, anh gần như hét lên:

- Chị! Đừng hát nữa! Chúng em đã đợi cả ngày, chắc là người ta đã... Bốn mươi năm, những bốn mươi năm rồi kia mà. Chị...

Chị Vân im bặt, mặt chị tái xanh. Rồi khóc òa. Khóc như trẻ thơ. Đến cả tôi cũng cảm thấy một sự đổ vỡ không trì níu được.

Một lúc sau, khi bình tâm lại chị bảo:

- Đúng là chẳng ai tin được là chị sẽ về. Hôm nào cậu mợ rỗi việc thử lên trên ấy xem có tin gì về họ không, chị chỉ muốn biết họ sống thế nào thôi... Rồi đi cho nhẹ lòng.

- Nhưng tại sao hồi ấy chị với ông giáo không... Chồng tôi gặng hỏi.

- Thầy mình lên tận trường ông ấy, bảo rằng đã nhận lời gả chị cho người khác, rồi cấm không cho gặp chị...

- Ông ấy cũng chịu sao? Người gì mà...

Tiếng thở dài của chị Vân như buột ra sau sự dồn nén từ bao nhiêu năm trời, nặng nhọc, sâu hun hút...

Hội làng họp nhanh mà tan cũng nhanh. Thanh niên nam nữ mấy làng bên lũ lượt kéo nhau qua con đường làng ngay trước mặt ngôi miếu của chúng tôi, qua sông, về nhà. Tiếng trêu chọc, đùa cợt, cấu chí nhau í ới. Trời tối dần. Tôi hỏi con Thi:

- Em đâu con?

- Nó đi với hai đứa con gái nhà bà Mận mà, con về từ trưa, có nhìn thấy nó đâu.

Tự dưng tôi thấy ruột gan cồn cào. Chưa bao giờ con Thao mải chơi đến quên đường về. Nó cũng có ít bạn. Hai đứa con gái nhà Mận mà con Thi vừa nói một đứa thọt chân, một đứa điếc. Đều xinh xắn ngoan ngoãn cả, nhưng có tật như thế mãi chẳng lấy được chồng. Nghe nói xưa ông chồng bà Mận đi bộ đội, vào Nam chiến đấu, hòa bình trở ra mới lấy vợ, hai đứa con bị tật là hậu quả của chất độc da cam. Cũng có người nói tại ngày xưa ông nội ông ấy làm lý trưởng, ức hiếp dân lành ghê quá, nay trời quả báo. Chỉ có con Thao chịu làm bạn với hai đứa ấy.

Tôi bảo chồng:

- Có khi phải đi tìm con anh ạ, em sốt ruột quá.

- Chắc không có chuyện gì đâu. Hội hè vui quá, chúng nó mải chơi thôi mà.

- Mất mấy công đâu mà anh không đi. Để em đi vậy.

Tôi lấy cây đèn bão, thắp lên, xách ra cửa. Chồng tôi thấy vậy cầm đèn pin bảo:

- Vậy hai vợ chồng mình cùng đi.

Chúng tôi đi, chị Vân và con Thi đứng tựa cửa nhìn theo. Trời đang lất phất vài giọt mưa kèm theo từng cơn gió mang hơi nước lành lạnh. Đường làng vắng dần. Chồng tôi bảo phải chia nhau ra mà tìm, hẹn gặp lại ở cổng nhà bà Lâm.

Tôi đi ra phía bờ sông, chỗ đám thanh niên hay tụ tập chơi đùa, chồng tôi đi sâu vào làng.

Mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn kèm theo gió mạnh táp thẳng vào mặt. Mặc kệ, tôi vừa mò mẫm đi trên con đường đất trơn trượt, vừa gào lên gọi con. Nó có thể đi đâu được chứ? Chẳng lẽ chỉ qua một buổi lễ hội đã kịp hẹn hò với thằng con trai mới lớn nào? Hay nó dại dột theo người ta qua sông? Qua sông, chỉ đi một đoạn nữa là đến khu chợ mới mở, ở đấy chẳng thiếu thứ gì. Bao nhiêu ý nghĩ ùa đến, vây bủa lấy tôi, không thấy ướt, cũng chẳng thấy lạnh nữa.

Loanh quanh mãi không thấy gì, tôi đành quay về làng...

Đèn đóm trong nhà bà Lâm sáng choang, chẳng biết có việc gì, hay mấy đứa con ở xa bây giờ mới kịp về nhà? Tôi bước nhanh hơn. Linh cảm có điều gì đó chẳng lành.

Tôi lao vào nhà bà Lâm, vấp phải bậc hè, ngã sấp mặt xuống thềm lõng bõng nước mưa.

- Đây rồi. Mẹ nó về đây rồi, Lẫm ơi!

Tiếng bà Lâm ở đâu đó gọi tên chồng tôi.

Sao tiếng bà lại thảng thốt thế? Chồng tôi đã về đây rồi ư? Anh có tìm thấy con Thao không mà đã về?

Tôi loạng choạng đi vào trong nhà. Gì thế này? Trên chiếc giường con của bà Lâm, chồng tôi đang ngồi, trong lòng là con Thao. Đúng là con Thao thật. Cả hai bố con đều ướt nhoe nhoét từ đầu đến chân. Mắt chồng tôi dại đờ, hai quai hàm bạnh ra, từng sợi râu dựng đứng cả lên. Con Thao nằm yên như ngủ.

- Con... con làm sao thế, anh?

Tôi run lên bần bật, từ chân tóc đến đầu ngón chân. Chồng tôi không nói được gì, cúi xuống nhìn con, bật khóc lên ồ ồ.

- Làm sao thế anh? Con làm sao? Ai làm gì nó à? Phải không?

Bà Lâm dìu tôi vào giường, tôi giằng con ra khỏi tay bố nó. Trời ôi, con tôi, áo rách tả tơi, phơi ra bầu ngực non tơ chi chít vết bầm, nửa người bên dưới lạnh ngắt, chiếc quần đứt chun tãi ra tênh hênh. Tôi cảm thấy có bàn tay nào đó thò vào trong bụng mình, túm lấy từng búi ruột mà vặn, dứt, cơn buồn nôn trào ngược lên, mắt hoa cà hoa cải, chân tay rụng ra từng khúc...

- Ối con ơi là con ơi!

Lúc này, chồng tôi mới tru tréo lên được.

Chồng tôi đã tìm thấy con Thao ở ven một ruộng ngô, trên đống cây ngô nát bét, trong bộ dạng y như lúc này đây, và gần như bất tỉnh.

Chồng tôi vẫn ôm xiết lấy con, tôi giằng lấy nó không được. Da thịt hai bố con lạnh ngắt. Trời vẫn không ngừng mưa, nước đổ xuống như có ai cầm gàu tát thẳng vào mặt chúng tôi. Tôi đi trước, cây đèn bão đã tắt, chỉ còn ánh đèn pin vàng nhờ. Mà ánh đèn thì cũng có nghĩa lý gì nữa đâu, bốn phương đều tối đen mịt mờ. Tôi lần theo đốm sáng từ ngôi miếu trên đồi cao mà đi lên. Chồng tôi vừa vác, vừa bế con Thao trên vai, chốc chốc lại ngã oành oạch.

Con Thao yếu ớt lên tiếng, phải cố lắm tôi mới nghe được:

- Mẹ bảo bố bỏ con xuống. Con tự đi được.

Chồng tôi không nghe thấy gì, hay làm như không nghe thấy gì cũng chẳng rõ nữa, anh vẫn bước ngược lên dốc, lù lù như một con gấu.

Mưa chẳng gột rửa được cảm giác nhơ nhuốc trên thân thể con gái tôi, cũng chẳng làm chúng tôi dịu đi nỗi đau khổ cộng với căm hờn tột đỉnh...

*

Chị Vân ở lại nhiều hơn dự kiến một tháng. Tôi biết chị ở lại vì con Thao. Cuối cùng thì chị cũng bảo chị phải đi thôi. Bên kia còn ông ấy, già rồi, nặng nghĩa không bỏ mặc nhau được. Mấy đứa con đã lấy vợ lấy chồng cả, chúng nó ở riêng hết lượt, có khi nửa năm cha mẹ con cái không nhìn thấy nhau. Rồi chị ngỏ ý với vợ chồng tôi để con Thao theo chị.

- Chị cho nó học hành tử tế, sau này đỡ cực. Với lại cho chị có người máu mủ ruột rà ở bên khỏi tủi phận. Khi nào chị nhắm mắt xuôi tay nó sẽ đưa chị về quê, dù cho có là nắm tro thì cũng không phải vất vưởng xứ người...

Suốt mấy đêm liền tôi không ngủ. Chị Vân là người ruột thịt duy nhất mà vợ chồng tôi còn cảm thấy được, ấy thế mà chị lại đi quá xa, xa đến nỗi không hình dung nổi. Để con Thao theo chị nghĩa là lại một khúc ruột nữa lìa xa chúng tôi. Nhưng dường như đó cũng là giải pháp hợp lý nhất cho cuộc đời của nó. Cái đêm kinh hoàng ấy, dù không nói với ai, bà Lâm cũng giấu biệt, thế mà rồi sau đó chuyện cũng lan ra cả làng. Ai biết cũng đến chia sẻ, động viên, nhưng chẳng ai hiểu rằng càng động viên càng làm cho gia đình tôi đi đến chỗ muốn phát điên. Con Thao xanh như một tàu lá, mắt dại đờ, cả ngày không nói câu nào, càng ngày nó càng hay ra giếng lúc nửa đêm và ở lại ngoài đó lâu hơn, có hôm đến tận mờ sáng. Có lúc nó gập người trên mép giếng, buông thõng cả tay, cả tóc cho chạm vào mặt nước... Không lúc nào nhìn con từ phía sau lưng mà tôi không chảy nước mắt. Nó đã mười lăm tuổi, vóc dáng đã bắt đầu phổng phao. Trộm vía, vợ chồng tôi đều chân lấm tay bùn, cóc cáy xác xơ mà mấy đứa con đứa nào cũng xinh xẻo. Tôi vẫn thường ngồi lặng đi mà ngắm các con và nghĩ, ông trời có bắt tội vợ chồng tôi đến đâu đi nữa tôi cũng chịu được, chỉ cần nhìn thấy các con là tôi chịu được hết. Nhưng một tuần, hai tuần, ba tuần... con Thao không còn là nó nữa. Như một con cò dính mưa, gầy guộc, khẳng khiu và hoàn toàn mất sức sống. Tôi còn một nỗi sợ kinh hoàng tiềm ẩn trong sâu thẳm không dám nói với ai nữa, đó là đợi ngày con đến tháng. Nếu như không thấy có nghĩa là tai họa đã thực sự giáng thêm một đòn cuối cùng xuống đầu con tôi.

Từng ngày, từng ngày trôi qua nặng nề và chậm chạp, cùng với nỗi kinh hãi mỗi giờ, mỗi khắc một lớn. Khốn khổ hơn nỗi kinh hãi này tôi không thể chia sẻ được với ai. Chẳng ai có thể ngờ được, sau cái đêm ấy còn có một điều kinh hãi nữa đang chờ đợi cả gia đình.

Nhưng, lạy giời. Cuối cùng thì ông giời cũng mở mắt và đoái thương chúng tôi. Con Thao đã qua được cái đận mà tôi vừa mong chờ, vừa lo sợ nó sẽ đến. Nhìn con lẳng lặng mang gói đồ bẩn xuống suối lặng lẽ giặt mà tôi muốn gào lên cho trời đất biết con tôi đã bước một chân qua đại nạn rồi.

Chẳng còn gì để giữ con nữa, mà thực lòng tôi cũng mong con gái mình dứt ra được, càng xa càng tốt khỏi mảnh đất này. Mặc dù cả gia đình tôi đều gắn bó với nó, nâng niu nó nhưng những mất mát vì nó thì cũng thật kinh khiếp. Vả lại con Thao cũng rất thích gần gũi bác Vân. Những ngày nó nằm bẹp trên giường, người luôn luôn ở gần nó là bác Vân. Phải nói là về nhiều mặt, chị Vân giỏi hơn tôi, ít nhất là cách đọc được ý nghĩ của người khác. Tôi vẫn nghĩ tôi hiểu con tôi nhất, nhưng hóa ra không phải lúc nào cũng đúng, có những điều con Thao nói với bác mà không nói với mẹ, và đặc biệt nó chỉ khóc trước mặt bác Vân chứ không bao giờ để tôi nhìn thấy nước mắt của nó. Chẳng lẽ tôi có thể giận con? Điều này sau này tôi mới thực sự hiểu.

Nhưng chẳng biết ý con thế nào, nó luôn tránh cái nhìn dò hỏi của bố mẹ, hình như nó cũng sợ hãi mơ hồ điều gì. Đôi khi, đang mải làm, tôi cảm thấy có ai nhìn mình phía sau, quay lại là con Thao, ánh mắt buồn bã, xa xót. Lâu rồi, từ sau cái chết của con Thơm, nó không biểu lộ cảm xúc trước mặt bố mẹ. Lúc nào rảnh rỗi tôi cũng gọi nó lại gần, muốn thủ thỉ tâm sự với con, gợi lại tình yêu thương ruột thịt trong nó mà tôi vẫn nghĩ rằng đã nguội lạnh đi. Nhưng con bé chẳng hào hứng gì. Dường như nó không còn có nhu cầu được gần gũi chăm sóc. Tôi đã cảm thấy mình mất con, ngay cả khi nó ở bên cạnh mình. Nhìn thấy mất mà không làm gì được. Nhưng bắt gặp ánh mắt nó khi nó nhìn trộm, mới thấy mình đã nghĩ sai về con. Nó bị trói buộc bởi một sợi dây vô hình trong chính căn nhà của chúng tôi. Liệu rằng để nó đi theo chị Vân thì có phải là một sự giải thoát không? Và còn rất thương chị Vân nữa, nỗi cô đơn nơi xứ người hẳn là kinh khủng lắm.

Chồng tôi bảo con:

- Con lớn rồi, thầy mẹ để con tự quyết định. Ý con thế nào thì nói cho bác với thầy mẹ hay... - Anh ngập ngừng rồi nghẹn giọng - Bác mắng thầy cũng phải. Làm cha mà không lo cho các con được cuộc sống đàng hoàng...

Con bé cúi gằm mặt xuống, đôi tay vặn vẹo đỏ tấy lên. Chị Vân dịu dàng:

- Con cứ nói điều gì con nghĩ. Ý bác muốn thế là vì bác hiểu con. Con biết tại sao bác không đòi chị Thi mà là con theo bác chứ, phải không? Cũng như thầy con nói đấy, tùy con thôi, con lớn rồi mà...

Thao đứng lên, bỏ ra ngoài. Con Thi chạy theo em. Ngoài sân, chúng nó ôm chặt lấy nhau, chúng dặn nhau những gì tôi không nghe được, chỉ tiếng khóc đứt quãng vọng vào trong nhà.

Trước khi theo bác đi, con Thao kéo tôi vào góc nhà, giở mấy lần vải gói, đưa cho tôi một chiếc nhẫn vàng. Tôi hốt hoảng thật sự, quát con:

- Con lấy thứ này ở đâu? Nói ngay cho mẹ biết. Con đã nhận nó của ai để mẹ...

Cổ họng tôi nghẹn tắc lại. Tôi nghĩ ngay đến việc cái thằng mất dạy nào đó đã trả giá cho sự trong trắng của con gái tôi chỉ bằng một chiếc nhẫn vàng. Nỗi căm hờn đã giấu kín lại bùng lên. Nhưng Thao xua tay rối rít:

- Chị Thuần đưa cho con hôm lại mặt đấy chứ. Chị bảo con giữ lấy phòng khi thầy mẹ đau ốm có cái mà xoay xở. Con định không cầm nhưng chị bảo đấy là chị lo cho thầy mẹ, chúng con ở lại phải thay cả phần chị...

Chiếc nhẫn vàng còn nguyên mấy vòng dây len con Thuần quấn vào cho vừa. Tôi thở phào. Cầm tay con Thao định đeo cho nó, nhưng con bé rụt lại:

- Con không lấy đâu. Mẹ để dành cho chị Thi mai kia... Bên ấy con đã có bác Vân lo cho rồi còn gì...

Giời ôi, tài sản lớn nhất tôi có trong tay suốt từ thời trẻ tuổi cho đến khi tóc đã pha màu chỉ là chiếc nhẫn vàng bé tý tẹo này đây. Ấy thế mà mấy đứa con tôi còn đùn đẩy mãi, không đứa nào đành lòng giữ lấy cho mình. Giá mà tôi có nhiều hơn thế này chắc các con tôi không đến nỗi từ chối.

Chúng tôi tiễn hai bác cháu ra bến đò. Sương đã bủa xuống mặt sông, một chốc con đò đã lẫn vào mờ mịt, chỉ còn thấy cái bóng áo đỏ của con Thi bắt em mặc giữa mênh mông sông nước. Một lát nữa thôi tiếng còi tàu sẽ vọng qua sông vào làng. Một lát nữa thôi tôi sẽ bắt đầu những ngày dằng dằng xa con, nhớ con mà không cách nào biết được nó sống ra sao. Cuộc chia tay này không dám hẹn ngày gặp lại. Biết đâu cũng lại phải ba mươi sáu năm nữa con Thao mới trở về làng, giống như bác nó, và khi ấy thì vợ chồng tôi đã hóa thành đất cát, đã lẫn vào cỏ xanh rồi. Nghĩ đến đấy tôi gọi giật con lại:

- Thao ơi!

Con bé đã dợm bước lên thuyền, ngoảnh lại:

- Mẹ dặn gì con?

- Hay là...

Chồng tôi giật giật áo khiến tôi nín bặt. Anh nói với con:

- Không có gì đâu, mẹ sợ con mặc thế bị lạnh thôi. Hai bác cháu đi cẩn thận nhé.

Bác Vân:

- Có bác đây cơ mà. Mẹ mày chỉ được cái cả nghĩ thôi.

Tôi đành phải nuốt nước mắt vào lòng, mỉm cười cho con yên lòng. Nhưng hình như con Thi cũng cảm thấy được điều tôi định nói với nó, nó bắc tay làm loa, vọng lên:

- Mấy hôm nữa con lại về mà, cả nhà đừng ai ốm nhé.

Và dòng sông dày đặc sương mù nuốt dần con gái tôi vào lòng. Một nỗi trống trải vô cùng xâm chiếm lấy tôi.

Vậy là chúng tôi chỉ còn con Thi.

*

Bà Lâm ốm nặng, chắc không qua khỏi, nhờ người lên gọi chúng tôi xuống. Cả ba bố mẹ con vội vàng bỏ tất cả đấy về làng. Bà đã yếu lắm, con cái đứa về đứa không, bọn trẻ vẫn nô nhau ngoài sân huỳnh huỵch, quát không được, có đứa còn cười ré lên. Bố mẹ chúng cũng chẳng hơn gì. Hình như người ta đã chờ đợi sự ra đi của bà hơn là thương tiếc. Đám con dâu túm tụm trong buồng, rôm rả kể chuyện nhà mình, chồng con mình. Bà Lâm là người đông con cháu nhất làng, xưa chúng còn ở gần, mỗi bận có giỗ chạp gì, chỉ riêng con cháu cũng đã ba bốn mâm.

Bà chia cho mỗi đứa một phần tài sản, chia thật đều để chúng không cãi cọ nhau. Còn mảnh phù sa bồi ngoài sông bà bảo bà cho vợ chồng tôi.

- Trồng gì thì trồng, nhưng hằng năm nhớ mang lễ ra tạ với thủy thần. Gắng lên, không khổ mãi đâu. Nhìn bà đây này, ngày xưa, bà còn khổ bằng mấy chúng mày, lại còn có đến ba thằng con trai, lo cho chúng nó đâu như lo cho thứ thị mẹt này. - Bà đưa mắt sang con Thi gắng cười.

Vậy là chúng tôi có trong tay cả một dải phù sa bồi. Dải đất màu mỡ ấy nằm ngay cạnh bến đò, ngăn cách với sông bằng một dãy lau lách và năm sáu gốc sung già, chi chít quả. Đất đen sẫm, mịn như bột rây. Chúng tôi bắt đầu trồng rau màu. Bắt đầu mùa đông, còn vài tháng nữa là Tết, thứ đầu tiên trồng xuống là cải bắp. Đánh đất thành từng luống, mỗi luống trồng hai hàng. Sáng sớm, hai vợ chồng hai đôi thùng, gánh hàng trăm gánh nước từ dưới sông lên, tưới cho bằng hết các luống rau.

Cái Tết năm đó của chúng tôi thịnh soạn chưa từng có. Cũng là năm đầu tiên kể từ ngày về với nhau, vợ chồng mới biết đến gói bánh chưng là gì. Nhưng cũng chưa cái Tết nào thấy nhà cửa quạnh hiu trống vắng thế. Chiều ba mươi, tôi ra thăm con Thơm. Lão Mùi, như mọi năm, đã thắp hương cho tất cả các ngôi mộ. Những ngôi mộ ngày càng thấp lè sè, chỉ còn nhô lên đôi chút và được đánh dấu bằng những chân hương. Đã sáu, bảy năm trôi qua, không biết con tôi còn là gì dưới lòng đất? Những cây cỏ may ra hoa, sắp tàn, phủ kín trên mộ. Thắp hương lên, hễ tôi ngồi sang phía nào là khói hương bay theo sang phía ấy. Có một cái gì đó níu giữ làm tôi không sao đứng lên về nhà được. Rồi cứ ngồi ở đấy, đến khi bóng đêm đã ụp xuống, con Thi vừa từ trong nhà chạy ra vừa gọi ời ời...

Ra Giêng, thầy Cường đột nhiên đến nhà chơi. Đã lâu lắm không nhìn thấy thầy. Từ ngày con Thi học hết chương trình ở làng, không lên huyện học tiếp được, thầy cũng chẳng có việc gì phải đến tìm chúng tôi nữa.

Thầy Cường, dường như vẫn còn điều gì băn khoăn, nấn ná mãi không nói được. Thầy uống hết chén này đến chén khác nước chè tôi rót ra từ trong tích ủ. Tôi chợt nhớ lại cái ngày gặp thầy ngoài bờ sông, hôm con Thuần theo chồng. Tôi nhẹ nhàng:

- Em Thuần thi thoảng cũng viết thư về, hỏi thăm thầy luôn, nhưng chẳng mấy khi tôi gặp thầy. Vợ chồng nó sống cũng tốt lắm, chưa bằng người ta nhưng cũng không đến nỗi nào...

- Thế thì em cũng mừng - Thầy tiếp lời - Giờ em cũng phải làm cái việc mà không ai không phải làm, em đến chào anh chị, chào em Thi. Nhưng còn Thi, Thi thế nào rồi chị?

Tôi chưa kịp trả lời thì chồng tôi với con tôi từ ngoài bãi về. Thi nhìn thấy thầy, nó không vào nhà, cũng không chào một câu, quay ngoắt đi.

Thầy Cường lấy một cô giáo, người mới được bổ sung về trường làng. Trẻ con ngày càng đông, mình thầy làm không hết việc. Chuyện thầy chọn cô giáo chứ không phải cô gái nào đó trong làng cũng dễ hiểu. Đám con gái bằng tầm con Thi nhà tôi còn đến chục đứa, nhưng cũng chỉ như bố mẹ chúng, suốt đời loay hoay với ruộng đồng, phân gio, cấy hái, mùa được mùa mất, lấy chúng thầy lại khổ lây. Mà thầy thì tốt thế, ai đành lòng chèo kéo.

Thực ra tôi đã nói dối thầy. Từ ngày vợ chồng con Thuần bỏ làng đi làm ăn xa, chúng tôi không hề nhận được tin tức gì của hai đứa nó. Lâu lâu một lần, chồng tôi lại qua sông, sang nhà thông gia hỏi xem chúng nó có liên lạc với nhà họ không, thì họ trả lời, cũng như chúng tôi, chả biết được gì cả. Thôi đành phó mặc cho trời. Nhưng ban ngày làm việc quần quật thì thôi, hễ đêm về là thế nào tôi cũng cảm thấy sự trống vắng đáng sợ đến nỗi không thể quen được. Có lần, tôi nghe người làng đi làm ăn xa về bảo rằng, họ đã nhìn thấy con Thuần trong một thành phố lớn, đẩy xe hoa quả đi bán rong. Lại có người bảo thấy nó đang bán phở. Biết ở đâu mà tìm, mà biết có lẽ cũng không tìm được. Tôi cảm thấy bất ổn vì không hề thấy con thư từ gì. Nghĩ đến nó, nhìn thấy thầy giáo Cường buồn rầu, mặt mũi hiu hắt, tôi lại chạnh lòng, tủi vô cùng. Nếu như ngày đó, con Thuần tâm sự với tôi những điều diễn ra trong lòng nó, hoặc giả, nếu thấy Cường gần gũi hơn một chút thì có khi mọi sự đã khác. Còn con Thi nữa. Nó đang cãi nhau, hay nặng lời gì đó với thầy Cường, ngay sau hàng râm bụt lưa thưa lá.

Ngày mai thầy Cường cưới vợ, đêm nay tôi gọi con vào ngủ cùng. Lâu nay nó vẫn nằm một mình ở tấm phản ngày xưa ba chị em nằm chung, bảo nằm ở đấy quen rồi, với lại cho đỡ nhớ chị, nhớ em. Con Thi đã là một cô gái thực sự, phổng phao và ấm áp. Nó úp mặt lên ngực tôi:

- Con không làm được gì cả. Nếu biết trước thế này thì con đã không để cho chị Thuần lấy chồng hồi ấy. Chị Thuần đã nhường tất cả cho con, nhưng con lại không được nhận.Uổng công chị ấy. Giờ con mới thấy, có những thứ người ta không thể nhường cho nhau được.

Rồi con Thi cũng lấy chồng. Chồng nó là thằng Hinh con lão Mùi chèo đò. Hằng ngày, chồng chở đò đưa khách, đưa vợ qua lại bên chợ huyện mấy chuyến liền. Thi thoảng vẫn tạt qua nhà, đưa mẹ nắm trầu. Việc nó lấy thằng Hinh cũng là điều dễ hiểu, như là tất cả các cô gái làng, đến tuổi phải lấy chồng, mà thường lấy phải những anh chồng mà suốt cả những năm tháng về sau, không ai phải oán trách ai.

Tháng Chạp năm ấy, làng đồng ý cho chúng tôi đưa con Thơm vào trong nghĩa địa làng. Dưới mấy tấc đất tôi đã định để con được nằm yên, nhưng giờ người ta bảo thế chẳng lẽ lại từ chối. Tôi chỉ còn nhận ra rõ nhất là mảnh vải tím hoa cà, không kịp may áo cho con mà chỉ quấn lấy nó, tất cả đã không còn nguyên vẹn, đã tan vụn ra thành đất màu nâu sậm. Thì thôi, chúng tôi cũng đưa vỗc đất ấy về.

Buồn vui ở đời, chỉ có chừng mực, rồi ai cũng phải đi bằng hết, tránh cũng không được. Trong một cơn say trên thuyền, cha từng nói với tôi câu ấy, mấy chục năm rồi tôi mới thấm thía cặn kẽ được.

Có những đêm nằm gối đầu trên cánh tay chồng, tôi thấy thần hoàng làng đẩy cửa kẽo kẹt bước vào và nói:

- Ông bà cứ ở yên đây nhé. Tôi đã có chỗ khác, cả con bé Thơm cũng ở với tôi. Có nó tôi đỡ buồn...

Tôi chộp lấy ông, hỏi con bé út của tôi thế nào rồi, nhưng ông đã bỏ đi. Hai cánh cửa mở toang, gió đập vào bờ tường ầm ầm. Tôi lén bỏ anh nằm một mình, ra sân giếng, lặng đi trước cái bóng bé nhỏ đang lụi hụi hái hoa thài lài.

Thỉnh thoảng chồng tôi vớt được gộc củi ngoài sân mang về đốt cả đêm. Chúng tôi đọc thư của Thao gửi về bằng ánh lửa ấy, mặc kệ bên ngoài gió hoang giật cửa ầm ầm...

Đỗ Bích Thúy | Báo Văn Nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Trinh tiết xóm Chùa - Truyện ngắn của nhà văn Đoàn Lê Con chó và vụ ly hôn - Truyện ngắn của nhà văn Dạ Ngân Chiếc bình không thả ra sông - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ Vết thương thành thị - Truyện ngắn của nhà văn Đỗ Tiến Thụy Cuộc cờ lều Ngộ Vân - Truyện ngắn của nhà văn Trần Hạ Tháp
Tuyển tập 75 gương mặt Văn nghệ - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Nhiều nội dung quan trọng tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nhiều nội dung quan trọng tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Baovannghe.vn - Dự kiến, Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 7 - 10.10.2024 và ngày 14.10.2024, tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội
Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Baovannghe.vn- Sông Hồng đi qua xứ Đoài/ Vác theo vùng trời vỡ rạn/ Đường trung du mốc trắng/ Xanh bãi bờ gọi niềm trai tráng
Chiếc bình đựng ký ức. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Chiếc bình đựng ký ức. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Baovannghe.vn - Mộc cười tự tình với trăng. Trăng chảy ướt đầm vai áo Mộc. Từng sợi trăng vút mềm tao nhã như đổ ra loang mềm trong ánh nhìn bượt bã của nàng.
Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Baovannghe.vn - Hình ảnh Lá rơi... lại tưởng bước chân ai về đã được nhắc đến trong thi ca khá nhiều. Nói cũ thì cũng đúng. Nhưng không hiểu sao với bài Mẹ ngồi tựa cửa của nhà thơ Hải Thanh, tôi lại không nỡ nghĩ như vậy.
Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Baovannghe.vn - Quả thực cô hỏi thế tôi cũng khó trả lời. Có lẽ các nhà văn, nhà thơ tặng sách cứ nghĩ rằng, ở cương vị lãnh đạo tôi là người ham đọc sách, nên họ ra sức tặng