Báu vật - truyện ngắn của Vũ Đảm |
Chiếc thuyền nan gặp gió lao vun vút trên mặt sông, chẳng mấy lúc chiếc thuyền đã đến vùng hạ lưu. Chuẩn buông một tay chèo, tay kia đánh lái con thuyền tiếp cận với mỏm đá nhô lên ở giữa sông. Chiếc thuyền nan lượn tròn hai vòng, giảm tốc độ, ghé sát mình vào mỏm đá, Chuẩn bước lên mặt mỏm đá, buộc thuyền vào một gờ đá rồi nhoài người với chiếc ba lô trên thuyền. Chuẩn mở ba lô, lấy ra một bình tông rượu và một chiếc li nhỏ, rót rượu ra li, ngửa cổ uống. Rót tiếp một li nữa, anh giơ lên ngang mặt; nghiêng li rượu từ từ đổ xuống dòng sông. Đêm tĩnh lặng, chỉ có trăng, gió, những con sóng vẫn còn thức giấc chứng kiến hành động của Chuẩn và có lẽ cũng chỉ có chúng mới thật sự hiểu được những việc làm của anh mà ngay cả đến con người cũng không hiểu. Họ gán cho danh hiệu tên tham lam, kẻ hám của, định tìm kiếm chiếc lư hương bằng vàng để tận hưởng cuộc sống đài các. Tương truyền rằng đời vua Minh Mạng có một vị quan đại thần chuyên ăn của hối lộ, đút lót nên rất giàu có, y sợ bị mọi người phát giác nên thường tẩu tán của cải, đem gửi ở nhiều nơi. Ngày nọ y đi qua khúc sông này, đánh rơi mất chiếc lư, đó là chiếc lư được đúc bằng vàng mà y ngụy tạo để đem về quê cất giấu. Tất cả đám đàn ông, thanh niên trai tráng trong làng đều bị lùa ra sông để lặn tìm chiếc lư. Dòng sông đầy đá ngầm và những dòng nước xoáy đã cướp đi sinh mạng hàng chục người dân vô tội. Tròn mười ngày hò hét, đánh đập dân chúng trên bờ sông vẫn không thấy chiếc lư, tên quan mới xua lính ra đi để lại tiếng kêu khóc ai oán của những người vợ, người con mất chồng, mất cha. Câu chuyện được lưu truyền từ đời này sang đời khác, được bao phủ, thêu dệt thêm nhiều điều huyền bí, để rồi đời nào cũng có một vài kẻ tham lam ở làng và từ nhiều nơi khác kéo đến kí thác cuộc đời với giấc mơ giàu có của mình cho dòng sông. Sự xuất hiện của Chuẩn vào những đêm của tuần trăng cuối cũng không làm cho người dân bên triền sông ngạc nhiên, họ chỉ thông báo vắn tắt cho nhau, lại có một kẻ thích ngồi mát ăn bát vàng nữa đến nộp mình cho hà bá!
Trước khi lặn mình xuống dòng sông, bao giờ Chuẩn cũng uống một tuần rượu và ngồi trầm ngâm rất lâu, chính những lúc ấy cuộc đời mới thực sự đến với anh.
Từ ngày phục viên, khoác ba lô trở về quê, Chuẩn sống bằng kỉ niệm, không có kỉ niệm, anh cảm thấy cuộc sống thật tẻ nhạt. Những năm tháng chiến tranh đầy gian nan và hi sinh nhưng đối với anh lại là những ngày đẹp đẽ nhất của cuộc đời, anh và những người lính đã sống hết mình cho nhau, cùng nhau chia sẻ sự sống và cái chết. Và cũng chính trong khói lửa của chiến tranh, Chuẩn đã có được một tình yêu đẹp đẽ với Lương, cô lái đò đưa lính sang sông chính ở khúc sông mà bây giờ anh đang ngồi. Những giây phút ngắn ngủi bên Lương. Chuẩn thường vuốt lên cánh tay rắn chắc, xinh xắn của người yêu, nghe cô kể về những lần máy bay Mỹ ập đến ném bom khi đơn vị pháo cao xạ của anh chưa chuyển về bảo vệ khúc sông này. Đêm cuối cùng, trước khi đơn vị Chuẩn được lệnh chuyển ra Thủ đô, đánh trả lại cuộc ném bom 12 ngày đêm của giặc Mỹ, anh và Lương đã ngồi bên nhau đến tận sáng. Lúc chia tay, Chuẩn say đắm hôn lên đôi cánh tay của người yêu, Lương hỏi anh sao không hôn lên môi? Chuẩn áp đôi bàn tay Lương vào ngực mình, đáp rằng anh yêu đôi cánh tay cô, giỏi việc nước, đảm việc nhà, không sợ bom đạn, nắng mưa, sương gió, ngày đêm chèo thuyền đưa người lính ra trận. Ngập chìm trong niềm hạnh phúc mê say, Lương nói với người yêu:
- Sau này em cụt mất hai tay, anh có còn yêu em nữa không?
- Đừng có nói gở! - Chuẩn trách người yêu.
Lương tiếp tục chòng ghẹo anh:
- Thật đấy, lỡ em bị thương chẳng hạn!
Chuẩn không phải là bác sĩ, cũng chẳng có phép thần thông biến hóa, song anh đã hứa với Lương, nếu cánh tay Lương bị bom đạn cướp đi, Chuẩn sẽ hóa phép cho nó lành lại bởi anh không tin đôi cánh tay xinh xắn, ngày đêm vì việc nước kia lại có thể lìa bỏ khỏi thân thể người yêu của mình. Nhưng điều Chuẩn không bao giờ tin đã xảy ra còn khủng khiếp hơn nữa. Trong một trận ném bom dữ dội xuống khúc sông, Lương đã hi sinh khi đang chở bộ đội qua sông, một cánh tay Lương bị mảnh bom tiện đứt văng xuống dòng sông. Lương hi sinh, trái tim Chuẩn như bị trúng đạn nhưng nó không gục ngã, đã nuôi chí căm hờn cho anh bắn hạ được một chiếc B52 trên bầu trời Hà Nội. Đêm đó, Chuẩn đi bộ ra bờ hồ Gươm, ngồi trên bãi cỏ, thả cho tâm hồn bay về với những kỉ niệm đầy ắp hình ảnh của Lương bên bờ sông. Lương ơi! Anh đã hứa với em, anh sẽ làm tất cả để thực hiện bằng được lời hứa của mình. Lời của Chuẩn được gió mang đi, bay vào vũ trụ bao la, bay qua nơi Lương đang an giấc ngàn thu.
Kết thúc li rượu thứ tư, Chuẩn đóng nắp bình tông lại, cởi quần áo dài đặt xuống thuyền, đứng dậy hít một hơi thật sâu, nhún mình nhảy chúp xuống dòng sông. Mặt sông vang lên một tiếng ùm, nước bắn tung lên cao, rơi vào cả lòng con thuyền nan. Nước sông mát lạnh, Chuẩn quờ tay xuống bùn, vào các hốc đá. Đến một chỗ nước sâu, Chuẩn thấy nước chảy rất mạnh, dòng nước cuộn xoáy vào nhau, phát ra những tiếng ùng ục như thế lòng sông đang sắp nứt ra, nổ tung lên. Chưa bao giờ Chuẩn thấy hiện tượng lạ này. Phải chăng những cuộc đánh cá bằng bộc phá đã làm dòng sông nổi giận! Nó đang ngầm chuẩn bị để trả thù lại con người! Chuẩn vội ngoi lên mặt nước, anh bơi lại chiếc thuyền mặc quần áo, chèo thuyền vào bờ tìm đến nhà ông Chủ tịch.
- Ông Chủ tịch à, sắp có lũ lụt hay sóng thần mất thôi, ông nên cho di chuyển mấy chục gia đình đang sống ở triền sông vào phía trong con đê để đề phòng.
Nghe Chuẩn nói, ông Chủ tịch ngáp ngủ hỏi:
- Có phải anh là người ở làng trên vẫn đến đây mò tìm chiếc lư hương đấy không? Anh bị vàng làm lú lẫn mất rồi, chẳng có lũ lụt cũng chẳng có sóng thần nào đâu. Dân đang làm ăn yên ổn, anh đừng có gây hoang mang, tôi sai dân quân nhốt anh lại đấy!
Chuẩn như bị viên đạn thứ hai bắn vào trái tim, lòng anh tê tái, anh định túm lấy cổ áo ông Chủ tịch nện cho một trận tơi bời nhưng anh đành phải nén chặt cơn giận dữ không cho nó trào ra. Danh dự của anh bị xúc phạm, điều đó làm cho anh bị tổn thương nhưng nếu phải hi sinh danh dự và cả thân mình như trong chiến tranh để cứu được cuộc sống của gần một trăm người dân đang sống ở triền sông, anh cũng không do dự. Thuyết phục hồi lâu không xong, Chuẩn đành chuyển sang một hướng khác, anh kể với ông Chủ tịch, đêm qua anh mơ thấy mò được chiếc lư, thần sông nổi giận, dâng sóng thần định cướp lại nhưng anh đã kịp bơi vào bờ, chạy qua đê vào làng.
- Thật hả? Thật hả? Thật hả?
Ông Chủ tịch phát ra như một tràng liên thanh. Chuẩn đã đánh trúng vào bản chất hám của và mê tín của ông. Nhìn những thớ thịt trên bộ mặt của ông Chủ tịch đang giãn ra, Chuẩn mùng khôn xiết, anh bảo “vâng, sự thật là như thế.” Ông Chủ tịch nói, sẽ làm theo ý nguyện của Chuẩn nhưng bắt anh phải hứa nếu mò được lư vàng, chia cho ông một nửa. Anh hứa, anh thề, nếu không thực hiện theo đúng cam kết, anh bị trời phạt cụt tay, mù mắt. Ông Chủ tịch gật gù nói, trông khuôn mặt nhân hậu của anh, trời sẽ chẳng để cho anh gặp bất hạnh đâu!
Chuẩn trở về nhà vào lúc trời chưa sáng, anh nằm trên chiếc chõng đặt dưới khóm tre, cạnh bờ sông đánh một giấc đến quá trưa. Cả buổi chiều, Chuẩn ngồi bên bờ sông, nhìn dòng nước lững lờ trôi về phía hạ lưu, anh mong ngày chóng tàn để đến đêm anh bơi thuyền xuống khúc sông dưới kìa tiếp tục lặn ngụp mò tìm. Đêm nay, Chuẩn có linh cảm, nếu không mò thấy, nước lũ hoặc sóng thần dâng lên làm gãy nát hay cuốn mất tích báu vật, lời hứa của Chuẩn sẽ chẳng bao giờ còn cơ hội để thực hiện. Kỉ niệm từ đây cũng chạy trốn khỏi Chuẩn, không còn kỉ niệm, anh biết bám víu vào cái gì để sống! Mỗi một con người đều có một cuộc đời khác nhau và mỗi một cuộc đời đều có cách sống khác nhau. Người thích giàu sang, kẻ ham danh vọng. Người sống bằng thực tại, kẻ sống bằng quá khứ. Riêng anh, anh sống bằng kỉ niệm. Những kỉ niệm đối với anh bao giờ cũng đẹp đẽ và đầy ắp trong cuộc sống của anh, nó được sinh ra trong bom đạn ác liệt, được anh ấp ủ, nuôi dưỡng bằng máu và nước mắt. Nhiều lần anh tự hỏi, tại sao có nhiều người mau chóng quên đi những kỉ niệm, quá khứ mà mới chỉ ngày hôm qua thôi họ còn tung hô! Tại sao nhiều kẻ vội vã lãng quên đi kỉ niệm về những trận đánh, những người đồng đội của mình đã ngã xuống để cho mình được hưởng một cuộc sống nhà cao cửa rộng, vợ đẹp, con khôn hôm nay! Tự đặt câu hỏi nhưng chưa bao giờ anh tìm câu hỏi trả lời. Anh muốn để cho tâm hồn mình luôn thư thái, đầu óc mình luôn được minh mẫn, để ban ngày anh quăng chài thả lưới bắt cá, và để những đêm trăng cuối tháng anh chèo thuyền xuống vùng hạ lưu mò tìm kỉ niệm.
Nửa đêm, trăng mới lười nhác ló lên từ phía bên kia con đê, Chuẩn xách chiếc bình tông rượu đặt xuống thuyền, cởi chiếc dây thừng bện bằng vỏ bao đạn bước lên thuyền, chống một tay chèo vào bờ đẩy mạnh. Con thuyền phóng nhanh ra khỏi bờ. Chuẩn ngồi xuống cuối thuyền bắt đầu chèo. Tiếng mái chèo khua nước đều đều, thỉnh thoảng Chuẩn chèo thật mạnh mấy cái, con thuyền chồm lên lao nhanh về phía trước, tranh thủ lúc con thuyền đang lướt đi bằng quán tính, anh lấy bi đông rượu ra tu một hai hớp. Đêm oi nồng, không một ngọn gió, trời như sắp có mưa bão, trăng lu mờ bởi những đám mây đen kịt che khuất. Con thuyền xuống tới vùng hạ lưu, Chuẩn chưa kịp đánh tay chèo cho con thuyền hướng về phía mỏm đá thì nghe thấy tiếng gọi rất to ở triền sông vọng ra:
- Anh Chuẩn ơi! Vào đây tôi bảo cái này!
Chuẩn chèo thuyền vào bờ, ông Chủ tịch chạy lại giữ mũi thuyền. Chuẩn cầm chiếc dây thừng nhảy phốc lên bờ, con thuyền tròng trành, sánh cả nước vào trong lòng.
- Có chuyện gì vậy ông Chủ tịch? - Chuẩn hỏi.
Ông Chủ tịch rút từ trong túi áo đại cán ra một chai rượu, nói với anh:
- Có chai rượu người ta mới biếu, đem ra đây mời anh một chén, uống cho nó ấm người rồi hãy lặn tìm chiếc lư.
Ông Chủ tịch rót rượu ra li, đưa cho Chuẩn, anh mời ông uống trước. Ông Chủ tịch chụp li rượu vào miệng, khà lên một tiếng, khen rượu ngon đáo để, rồi rót ra li đưa cho Chuẩn, anh cầm li rượu uống làm hai hơi, rượu khá ngon nhưng không thể sánh với thứ rượu nếp của làng anh. Những người sống bằng nghề sông nước, trước khi xuống nước thường uống nước mắm để lặn được lâu và giữ thân nhiệt cho cơ thể nhưng Chuẩn không làm vậy, anh thay nước mắm bằng rượu, sự khác thường này lạ thay càng làm cho anh lặn được lâu hơn. Uống với ông Chủ tịch ba li, Chuẩn chào ông rồi bước lên thuyền, ông Chủ tịch dặn với xuống:
- Tôi đứng ở đây, nếu mò thấy chiếc lư, nhớ gọi to cho tôi biết nhé. Hồi tối tôi thắp ba nén hương cả ba đều cong như mỏ võng. Hừ, biết đâu trời lại chả thương tôi và anh!
Dặn dò cẩn thận là thế nhưng ông Chủ tịch đứng đợi chẳng được bao lâu, khi con mưa như trút nước kéo đến, sấm chớp nổi lên đùng đùng thì ông đã kịp chạy về đến nhà. Ông không nghe thấy tiếng gọi của Chuẩn, tiếng anh âm vang cả dòng sông với niềm sung sướng, hạnh phúc đến nghẹn ngào. Không phải tiếng gọi vì tìm thấy chiếc lư hương mà tiếng gọi tự phát, bung ra khỏi lồng ngực anh. Không phải gọi ông Chủ tịch mà anh gọi dân làng của Lương. Anh đã tìm thấy báu vật của mình nằm trong một hốc đá ở lơ lửng giữa dòng sông. Sự tìm thấy cánh tay của Lương đêm nay, ngoài công sức, nỗ lực của bản thân, Chuẩn cảm nhận thấy còn có sự trợ sức huyền bí nào đó của Lương và những người lính đã ngã xuống trên khúc sông này. Chuẩn rất tin điều này, nhiều lần chính anh hiểu rằng công cuộc tìm kiếm của mình chỉ là sự tuyệt vọng nhưng anh không nghĩ đến chuyện bỏ cuộc vì anh đã hứa với Lương, vì những lần vuốt ve, hôn lên cánh tay của người yêu đã trở thành kỉ niệm không phai mờ trong tâm hồn anh. Bơi trở về mỏm đá, Chuẩn cởi nốt chiếc quần đùi, quấn chặt cánh tay Lương vào đó.
Mưa mỗi lúc một to, nước dâng lên rất nhanh, con thuyền của Chuẩn đã đứt dây, bị sóng cuốn đi mất tăm. Chuẩn bám chặt hai tay vào mỏm đá, mồm cắn chặt lấy cánh tay Lương. Nước lao băng băng thúc vào người anh, kéo mạnh anh ra khỏi mỏm đá như để sống chết với anh, đòi lại báu vật. Làm sao Chuẩn có thể đầu hàng, trả lại cảnh tay của Lương cho dòng sông, anh thà hi sinh mạng sống của mình chứ chẳng đời nào đánh mất phần thân thể của người anh thương yêu. Chuẩn nhô cao đầu mỗi khi có sóng ập đến. Nước dâng cao, gần ngập mỏm đá, nếu cứ cầm cự ở giữa sông, nước dâng lên thêm nữa, Chuẩn sẽ không còn chỗ bám, anh quay đầu quan sát mặt sông. Đêm tối mù mịt, những làn mưa quất vào mặt Chuẩn rát rạt, anh ghì chặt hơn vào mỏm đá chờ đợi ánh chớp để tìm hướng bơi vào bờ. Một tiếng sét nổ xé tai trên đầu làm Chuẩn giật mình, suýt nữa anh buông tay. Phải bình tĩnh, thật bình tĩnh! Chuẩn thầm nhủ: Bom đạn chẳng làm ta run sợ, sóng gió có là chi! Bây giờ mình chẳng còn cô đơn, đã có cả Lương bên cạnh. Lương ơi! Anh sắp thực hiện được lời hứa của anh với em rồi! Nơi suối vàng, em có hiểu được lòng anh không! Anh sống được đến ngày hôm nay là nhờ có những kỉ niệm tình yêu đẹp đẽ của em! Chuẩn trò chuyện với người yêu trong đêm, bao nhiêu ngày qua, anh mới lại tìm thấy những giây phút hạnh phúc như những ngày anh được ở bên Lương.
Ánh chớp lóe lên rực sáng cả khúc sông, Chuẩn lia mắt rất nhanh nhìn bao quát mặt sông, nước cuồn cuộn chảy, những con sóng chồm lên thành cột rồi lại vỡ tung ra. Không thể chần chừ thêm được nữa, Chuẩn buông tay, xoay nhanh người, lựa chiều bơi vát về phía bờ. Gió gào thét, mưa xối xả, người Chuẩn khi thì bị sóng hất tung lên, lúc thì dìm sâu xuống. Ngay từ lúc lên sáu Chuẩn đã được bố dạy bơi, cho xuống thuyền theo ông rong ruổi khắp các con sông nên anh đã học được rất nhiều kinh nghiệm bơi lặn của cha, những kinh nghiệm đó bây giờ đang giúp sức cho anh không bị sóng nhấn chìm xuống dòng sông. Thần kinh vững vàng cũng là một yếu tố quan trọng, trước sóng to gió lớn, gầm gào hung dữ là thế nhưng Chuẩn chẳng hề run sợ, cái anh lo sợ nhất là sóng cướp đi cánh tay của Lương. Một điều làm Chuẩn ngạc nhiên và cũng hết sức vui sướng là cánh tay của Lương tuy thịt đã bị phân hủy hết nhưng xương cốt được bảo vệ trong dòng nước lạnh giá nên vẫn còn nguyên vẹn, ngay cả chiếc nhẫn anh tặng Lương được làm bằng một mảnh xác máy bay cũng chưa tuột khỏi ngón tay giữa của Lương. Cánh tay của người yêu như một thứ bảo bối làm cho Chuẩn tự tin và tỉnh táo chống chọi lại với cái chết.
Chuẩn đã bơi gần sát vào bờ, chân anh chạm được xuống bùn nhưng sức anh đã cạn kiệt. Sóng vẫn ầm ầm lao vào người Chuẩn xô anh ngã dúi dụi, anh chệnh choạng lê từng bước về phía con đê. Một vật rất cứng lao mạnh vào chân, Chuẩn ngã ngửa người ra phía sau, vật cứng trườn lên người rồi mắc vào áo Chuẩn, anh chống hai tay xuống bùn, gắng sức đứng lên. Ngực anh nặng như đeo đá. Ánh chớp lóe sáng, Chuẩn kịp nhìn thấy chiếc lư hương vàng chóe. Những linh hồn đồng đội biết mình sống nghèo khổ dâng lư vàng cho mình hay Lương trả ơn mình! Một thoáng ý nghĩ vụt nhanh trong đầu Chuẩn, anh quàng tay ôm lấy chiếc lư, mò mẫm tiến về phía con đê. Sóng liên tiếp dội vào bờ, một con sóng cuốn anh lôi ra ngoài một quãng khá xa, Chuẩn bước đi không vững, chiếc lư hương như muốn kéo anh ngã sập xuống mặt nước. Chuẩn thấy sức lực đã cùng kiệt, chỉ một khoảng thời gian ngắn nữa thôi, nếu anh không vào được đến bờ, sóng sẽ lôi anh ra giữa dòng sông, vĩnh viễn lấy đi báu vật của đời anh. Chuẩn đưa hai tay lên gỡ chiếc lư ra khỏi áo, thả xuống dòng sông, anh hít một hơi thật mạnh, vươn người tiến về phía trước. Cách bờ chỉ còn năm, sáu mét, anh bị sóng xô ngã chúi đầu xuống nước. Không thể bước đi được nữa, anh đứng dạng hai chân nghỉ để lấy lại sức lực. Phải đưa cánh tay của Lương vào bờ càng sớm càng tốt, Chuẩn tiếp tục bước, sóng lại xô anh ngã vật xuống. Ánh chớp lóe sáng cả khúc sông, từ xa Chuẩn nhìn thấy một con sóng khổng lồ đang ầm ầm lao về phía anh, Chuẩn giơ nhanh tay cầm lấy cánh tay Lương, anh xoay người lấy đà vung thật lực, cánh tay Lương bay vèo vào phía trong con đê. Cùng lúc con sóng ập đến, hất tung anh lên cao, trong ánh chớp rực sáng trông anh như một vị thần cưỡi sóng bay lên thiên đường.
Tảng sáng, mưa tạnh, lũ ngừng, nước sông rút dần. Một tuần sau, con sông trở lại bình lặng như thường lệ. Gần một trăm con người thoát chết với lòng biết ơn ông Chủ tịch vô bờ bến lại lục tục kéo nhau trở về những ngôi nhà ở triền sông để sinh sống. Dân làng phát hiện ra cánh tay của Lương ở cạnh một khóm tre, chính quyền và gia đình đã làm lễ đưa cánh tay của người con gái quê hương anh dũng trả lại cho Lương ở nghĩa trang liệt sĩ xã.
Câu chuyện về thần sông dâng sóng thần trả lại cánh tay cho Lương được loan truyền đi khắp nơi. Ở chỗ tìm thấy cánh tay Lương, người ta xây một đền thờ để ghi ơn công lao của thần sông. Nghe nói ngôi đền rất thiêng, hàng năm có cả vạn người đến đây cúng lễ, cầu xin thần sông ban phúc lộc, tiền tài, danh vọng cho mình và gia đình.
Vũ Đảm sinh 10-2-1966 - Quê quán: Vũ Hội - Vũ Thư - Thái Bình. Từng là học viên khóa V - Trường viết văn Nguyễn Du - tác phẩm: đã in 5 tiểu thuyết và 2 tập truyện ngắn. |
Vũ Đảm | Baovannghe.vn
----------
Bài viết cùng chuyên mục: