Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái. Phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện vùng cao đang từng bước “chuyển mình” thành huyện du lịch vào năm 2025, đây là thời điểm quan trọng để các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc trong huyện khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng, vượt khó vươn lên, tiếp tục thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Trong đó lực lượng Dân quân tự vệ có vai trò hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng chính quyền cơ sở ngày càng vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, củng cố, tăng cường quốc phòng và an ninh.
Là một trong những số ít nữ chiến sĩ “Sao vuông” Sùng Thị Vùa với vai trò là một đảng viên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Đề Sủa, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải luôn trăn trở, mình phải làm gì và làm như thế nào để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương, cũng như công việc của gia đình vừa phát triển kinh tế, góp phần tăng thu nhập, làm giầu cho gia đình xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, hạnh phúc.
Từ suy nghĩ đến hành động, sau nhiều những trăn trở suy nghĩ, với quyết tâm “dám nghĩ, dám làm”, Vùa đã nghiên cứu các tài liệu, kiến thức kĩ thuật sản xuất chăn nuôi, đồng thời tham gia học hỏi từ các mô hình kinh tế điển hình trong và ngoài xã. Vùa và gia đình đã quyết định tập trung đầu tư phát triển kinh tế gia đình theo mô hình kết hợp phát triển trồng lúa nước, xoài, mận tam hoa gắn với nuôi gà đen bản địa dưới tán xoài và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2017, bắt đầu thực hiện trồng 400 gốc xoài kết hợp với chăn nuôi Vùa và gia đình đã gặp không ít khó khăn, thử thách do thời tiết, khí hậu, hay rụng quả, kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm về chăm sóc, ảnh hưởng của giá cả thị trường nên thu nhập từ trái xoài không ổn định, chăn nuôi chưa áp dụng theo quy trình, kỹ thuật nên không phát triển được...
Từ chủ trương đúng đắn của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện Nghị quyết 69 của Hồi đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về hỗ trợ phát triển chăn nuôi, đồng thời được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, đoàn thể xã. Năm 2022, Vùa mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp huyện 150 triệu đồng cùng với 30 triệu hỗ trợ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh Yên Bái, Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ 5 triệu đồng để mua con giống, làm chuồng trại chăn nuôi, 3 lợn nái và 20 con lợn giống; 300 con gà đen bản địa, đúc rút kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại, Vùa đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi, và tiếp thu hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; luôn vệ sinh chuồng trại, khử trùng sạch sẽ, tiêm phòng vác xin đầy đủ, bảo đảm chuồng trại thoáng mát về mùa hè, giữ ấm về mùa đông, tận dụng phân chuồng để chồng ngô, khoai, chuối để chủ động một phần nguồn thức ăn chăn nuôi, từ cách làm trên đàn gà và đạn lợn, cây trồng đều phát triển tốt mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, mỗi năm xuất bán lợn đen, gà đen bản địa, xoài, mận đem lại thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/ năm. Đến thời điểm hiện tại Vùa và gia đình đã mở rộng diện tích chồng 1.000 gốc xoài mỗi vụ thu hoạch từ 4 đến 5 tạ quả; mận tam hoa trên 50 gốc cho thu hoạch trên 5 tạ mỗi vụ; duy trì 5 con lợn lái, trên 30 đầu lợn thịt; trên 400 con gà đen bản địa.
Sùng Thị Vùa chăm sóc đàn lợn đen giống địa phương |
Cùng với việc phát triển kinh tế gia đình, Vùa còn tích cực hướng dẫn, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm tới bà con trong bản, trong xã, nhất là các đồng chí trong lực lượng dân quân để tuyên truyền giới thiệu về mô hình, chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng và vật nuôi, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đến nay Vùa đã hướng dẫn giúp đỡ cho 7 dân quân trong bản, mỗi dân quân áp dụng mô hình đều cho thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trong bản tham gia các tổ hợp tác chăn nuôi, trong đó lực lượng dân quân đã có 16 đồng chí tham gia là thành viên; vận động, hướng dẫn các thành viên trong Tổ hợp tác áp dụng chuyển đổi số trong việc trồng, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra môi trường, cơ hội để lực lượng dân quân trao đổi, học tập kinh nghiệm cùng nhau phát triển kinh tế góp phần duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới của bản và xã.
Lúa trổ bông là thời điểm quyết định đến năng xuất nên Vùa thường xuyên kiểm tra nước, sâu bệnh và làm cỏ lúa cùng với 50 gốc mận tam hoa của gia đình đã cho thu hoạch trên 5 tạ/vụ |
Với vai trò là chiến sỹ dân quân, ngoài việc chăm lo phát triến kinh tế gia đình, vừa có trách nhiệm cùng với tập thể lực lượng dân quân xã giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tham gia huấn luyện tập trung hàng năm, phối hợp tuần tra bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; Phòng chống bão lũ, tìm kiếm cứu nạn, tham gia phong trào dân vận khéo tại bản như: Phong trào thi đua “cán bộ, chiến sỹ dân quân chung tay xây dựng Nông thôn mới”; “Ngày cuối tuần cùng dân”; “Hậu phương quân đội”; “Chiến sỹ dân quân giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo” … góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận “Di tích Quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2021” và năm 2023 vừa qua, Nghệ thuật khèn của người Mông và Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và huyện Văn Chấn được đưa vào danh mục “Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia”. Với những lợi thế về thiên nhiên, cảnh quan, văn hóa truyền thống của đồng bào Mông đa dạng và độc đáo. Hờ A Dì – Chiến sĩ dân quân bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn đã có những cách làm hay, sáng tạo để phát triển kinh tế gia đình. Dì nhận thấy tiềm năng lớn từ tài nguyên đất đai sẵn có của gia đình, Dì đã ấp ủ ý định xây dựng và thực hiện mô hình Homstay, có được ý tưởng và sự ủng hộ của gia đình và nắm bắt được chủ trương của Huyện về phát triển Huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch vào năm 2025 và qua tìm hiểu thế mạnh của địa phương, sự hỗ trợ của cấp ủy chính quyền địa phương, đây là cơ hội rất lớn để Dì quyết tâm xây dựng mô hình du lịch Homestay mang đậm những nét văn hóa của dân tộc Mông nơi đây.
06 căn Bungalow của Hờ A Dì đều được thiết kế mang đậm giá trị bản sắc văn hóa của người Mông |
Với cách làm mới từng căn Bungalow, đến các vật dụng, đồ trang trí trong căn nhà, tạo ra cho du khách một không gian đậm nét giá trị bản sắc văn hóa của người mông và liên kết hình thành các tua trải nghiệm cho khách. Với tổng số 06 căn Bungalow mỗi căn tối đa được 4 người, trung bình mỗi năm gia đình Dì đón trên 500 lượt khách. Trong đó chủ yếu là phục vụ khách nước ngoài, Dì đã học thêm tiếng Anh giao tiếp để vừa phục vụ công việc, vừa nâng cao trình độ bản thân. Du khách khi đến với “Homestay” ngoài việc sinh hoạt tập thể, còn được trải nghiệm rõ nét cuộc sống thường ngày của người dân bản địa như: Đi cày, bừa, cấy lúa, bắt cá ruộng, gặt lúa, học một số nhạc cụ truyền thống như khèn, sáo, khách tham quan còn được ngắm những thửa ruộng bậc thang, chiêm ngưỡng vẻ đẹp mùa nước đổ, mùa vàng của đồi Mâm xôi to, đồi Mâm xôi nhỏ tại địa phương và được thưởng thức và tham gia cùng các điệu múa, điệu hát của đội văn nghệ của bản.
Du khách trong nước và Quốc tế được trải nghiệm múa khèn cùng với người dân địa phương và hòa mình với thiên nhiên quanh năm mát mẻ, khí hậu trong lành |
Để phục vụ sinh hoạt cho du khách Dì đã đứng ra làm đầu bếp tự tay làm những món ăn của người dân tộc Mông cho khách. Từ việc phát triển du lịch, chỉ tính riêng trong năm 2023, gia đình Hờ A Dì cho thu nhập trên 200 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 04 lao động là chiến sỹ dân quân trong xã.
Qua tìm hiểu kinh nghiệm, kỹ năng kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng qua sách báo, mạng xã hội và đi thực tế tham khảo, tư vấn kinh nghiệm ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh, chiến sĩ dân quân Điêu Thị Hiền đã mạnh dạn vay vốn của người thân, bạn bè cộng với nguồn vốn vay của Ngân hàng Hiền đã mạnh dạn đầu tư 01 căn nhà sàn 5 gian, quy mô 05 phòng ngủ khép kín và 01 phòng ngủ cộng đồng. Thời gian đầu do chưa làm tốt công tác quảng bá nên ít khách, doanh thu không đủ chi phí trả lãi vay ngân hàng nên Hiền rất lo lắng. Nhưng với ý chí quyết tâm cao, kiên trì quảng bá thông qua mạng xã hội, đặc biệt Hiền đã chú trọng đến nâng cao chất lượng dịch vụ, do đó chính khách du lịch đã ăn, nghỉ tại cơ sở của Hiền do được phục vụ tận tình, chu đáo, giá cả hợp lý nên khách đã giúp quảng bá, giới thiệu hình ảnh của cơ sở nên từng bước đã thu hút được khách du lịch.
Những căn Bungalow của Điêu Thị Hiền luôn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái, giúp cho du khách có một kỳ nghỉ thật thoải mái với những trải nghiệm bổ ích, lý thú |
Từ thành công bước đầu năm 2023, Hiền đã mạnh dạn đầu tư thêm 04 căn bungalow, đến nay cơ sở của Hiền đã có khách tương đối ổn định, các ngày trong mùa nước đổ (tháng 4,5,6), mùa lúa vàng (tháng 9, 10 hằng năm) tỷ lệ đặt phòng thường xuyên đạt 100%, các tháng còn lại doanh thu đủ chi phí duy trì cơ sở, doanh thu của cơ sở hiện nay trên 400 triệu/năm, tạo việc làm từ 4 đến 5 lao động mùa vụ trong các dịp Tết, Lễ hội...
Điêu Thị Hiền chia sẻ thêm: “Để phát triển du lịch bền vững phải gắn với giữ gìn bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình, bản thân là dân tộc Thái tôi đã vận động chị em thành lập Đội văn nghệ bản sắc với 08 thành viên, trong đó có 05 thành viên là Chiến sỹ dân quân, định kỳ chúng tôi tổ chức luyện tập, huy động chị em tổ chức biểu diễn vào các dịp Tết, Lễ hội của địa phương, theo nhu cầu của du khách đội văn nghệ chúng tôi thường xuyên tổ chức biểu diễn phục du khách nhằm giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, tạo thu nhập thêm cho chị em trong đội”.
Điêu Thị Hiền luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc |
Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, những chiến sĩ “Sao vuông” không ngừng học tập, rèn luyện, tiếp thu những kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức trên tất cả các lĩnh vực. Tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của tập thể Ban Chỉ huy quân sự các địa phương của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của gia đình, bạn bè, người thân để cùng chăm lo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó luôn phát huy vai trò trách nhiệm, xung kích, gương mầu đi đầu trong mọi hoạt động của địa phương.
Hoàng Yên