Diễn đàn lý luận

Những lằn ranh đen trắng giữa lòng nước Mỹ

Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam
Lý luận phê bình
08:00 | 10/08/2024
Baovannghe.vn - Mặc cho bao nhiêu thiện chí và nỗ lực, cái lằn ranh giữa đen - trắng vẫn cứ tồn tại giữa lòng xã hội Mỹ hiện đại, như một nỗi nhức nhối đối với những người viết văn có lương tri, có ý thức trách nhiệm trước đời sống cộng đồng.
aa

Những khán giả ruột của điện ảnh Hollywood hẳn nhiều người biết đến bộ phim A time to kill của đạo diễn Joel Schumacher, sản xuất năm 1996, dài 149 phút. Đây là bộ phim thuộc thể loại hành động, không được trao một giải thưởng nào đáng kể, cũng không được ghi danh vào lịch sử điện ảnh bằng một kỷ lục phòng vé ghê gớm nào. Nhưng nó vẫn đáng chú ý. Bởi một dàn diễn viên vào loại thượng thặng đương thời: Matthew McConaughey, Sandra Bullock, Samuel L. Jackson, Kevin Spacey, Ashley Judd. Và bởi câu chuyện phim, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn ăn khách John Grisham, chính là một cú chọc tàn bạo vào cái bọc mủ vẫn nhức nhối trong lòng xã hội Mỹ suốt từ thời lập quốc đến nay, cho dẫu Mỹ vẫn là quốc gia luôn kiên định bảo vệ những giá trị tự do, dân chủ, bình đẳng. Cái bọc mủ ây là nạn kỳ thị chủng tộc, là cái nhìn phân giới con người theo màu da, mà dai dẳng, đau đớn và đáng ghê tởm nhất, là lằn ranh giữa da đen và da trắng.

Những lằn ranh đen trắng giữa lòng nước Mỹ
Phim "A time to kill" của Joel Schumacher - Ảnh: IT

Câu chuyện có thể được tóm tắt như sau: tại thị trấn Canton, bang Mississippi, một bé gái da đen 10 tuổi bị hai tên côn đồ da trắng bắt cóc, hãm hiếp, đánh đập dã man rồi mang đi thủ tiêu, nhưng em đã may mắn thoát chết. Hai kẻ thủ ác bị bắt, bị đưa ra tòa, nhưng ở địa phương này thì ai nấy đều biết rằng cái án giành cho những kẻ da trắng gây tội ác với người da đen, nặng nhất cũng chỉ đến mười năm tù giam. Bố của em bé, một công nhân lao động nặng, không chấp nhận điều đó. Ông đã xả súng bắn chết hai bị can ngay trước cánh cửa tòa. Án tử hình chắc chắn sẽ ập xuống ông, không ai nghi ngờ gì cả. Nhưng một luật sư da trắng trẻ tuổi đã nhận biện hộ cho ông bố da đen, bất chấp vì thế mà anh và gia đình, người thân phải hứng chịu những điều tiếng, cả những hành động đe dọa và bạo lực thực sự từ các cộng đồng da trắng vốn luôn kỳ thị người da đen ở địa phương. Cuối cùng thì anh đã cãi cho ông bố da đen được xử trắng án tại tòa.

Một cái kết có hậu. Nhưng không dễ trôi. Bởi chỉ cần người ta giả định một sự hoán đổi màu da, rằng nếu hai tên côn đồ kia là da đen, và nếu bé gái bị bức hại và bố của em là người da trắng, thì câu chuyện sẽ rất khác. Lúc ấy, đương nhiên, mức án cho hai tên côn đồ sẽ không phải mười năm, mà là hai mươi năm, ba mươi năm, thậm chí chung thân. Và ông bố da đen, một khi đã là người da trắng, sẽ chẳng việc gì phải hoảng loạn nhờ cậy luật sư tìm cách cãi án tử hình. Nghĩa là ở đây có một thiên lệch rất rõ giữa người da trắng và người da đen khi bộ máy tư pháp vận hành. Thiên lệch, dù theo nguyên tắc thì công lý là cho tất cả và sự bình đẳng phải được tôn trọng tuyệt đối. Hiển nhiên, đen - trắng là một trong những vấn đề rất lớn của nước Mỹ từ quá khứ đến hiện tại. Nó có những cội rễ lịch sử dường như không có cách nào chặt đứt. Vì thế, mặc cho bao nhiêu thiện chí và nỗ lực mà người ta đã bỏ ra để giải quyết, cái lằn ranh giữa đen - trắng vẫn cứ tồn tại giữa lòng xã hội Mỹ hiện đại, như một nỗi nhức nhối đối với những người viết văn có lương tri, có ý thức trách nhiệm trước đời sống cộng đồng. Viết về cái lằn ranh ấy, như John Grisham đã viết trong A time to kill, chỉ là một cách. Còn có những cách khác. Và nếu là cách của các nhà văn lớn thì thậm chí sẽ bất ngờ và gây ám ảnh hơn nhiều. Về phương diện này, trong phạm vi đọc của mình, tôi nghĩ ngay đến một người Pháp - nhà văn Pháp, chứ không phải nhà văn Mỹ - là Romain Gary, với cuốn tiểu thuyết Chó trắng (Nguyên Ngọc dịch, Công ty Nhã Nam & Nxb Hội Nhà văn, 2018).

Thiên lệch, dù theo nguyên tắc thì công lý là cho tất cả và sự bình đẳng phải được tôn trọng tuyệt đối.

Romain Gary (1914-1980) là một trong những cái tên sáng chói trên văn đàn nước Pháp thế kỷ XX. Ông là tiểu thuyết gia hai lần giành giải Goncourt danh giá với hai bút danh khác nhau: lần thứ nhất vào năm 1956, với cuốn Rễ trời (ký Romain Gary), lần thứ hai vào năm 1975, với cuốn Cuộc sống ở trước mặt (ký Emile Ajar). Người ta cũng có thể nhắc đến ông như một phi công anh hùng trong thế chiến II. Và như một nhà ngoại giao quan trọng: Romain Gary từng giữ chức Tổng lãnh sự Pháp tại Los Angeles, Hoa Kỳ từ năm 1956 đến năm 1961. Ông viết và hoàn thành tiểu thuyết Chó trắng năm 1969, khi đã rời ngành ngoại giao nhưng vẫn sống trên đất Mỹ. Đây là một tiểu thuyết tự truyện: nhà văn kể lại những gì đã thực sự xảy ra với ông, những gì ông đã thực sự chứng kiến, những gì đã khiến ông xúc động tận tâm can, đến mức liên tục phải chịu cảnh giày vò trí não trong mấy năm cuối thập niên 1960. Không gì khác, loại sự kiện mang lại ấn tượng mạnh và ghê gớm đến thế với Romain Gary, chính là vấn đề chủng tộc, là xung đột đen - trắng giữa lòng xã hội Mỹ. Thật ra, về người da đen thì Romain Gary đã viết từ khá sớm, trong tiểu thuyết Rễ trời, nhưng đó là người da đen sống trên chính quê hương bản quán của họ: một châu Phi mênh mông, nghèo đói, lạc hậu và vô cùng bất ổn sau khi các ông chủ thực dân châu Âu đã bỏ đi, mặc kệ lục địa đen với nền độc lập mới được trao trả và đủ thứ rắc rối hậu thuộc địa của nó. Còn ở đây, trong tiểu thuyết Chó trắng, là người da đen sống trên đất Mỹ tự do dân chủ, người da đen với tư cách là hậu duệ của những nô lệ da đen trong suốt các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, người da đen trong những cuộc xung đột chính trị và đối kháng văn hóa dai dẳng với người da trắng. Sự kiện chính trị - xã hội lớn nhất được Romain Gary nhắc đến trong Chó trắng là vụ Martin Luther King, mục sư da đen Mỹ, lãnh tụ phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc bị ám sát ngày 4 tháng 4 năm 1968, rồi kéo theo đó là cả một làn sóng phản kháng, bạo loạn của người da đen trên đất Mỹ. Thoạt nhìn, và nếu nhìn một cách hời hợt, người ta sẽ cho rằng đây là hậu quả tất yếu của việc người da đen ở Mỹ bị kỳ thị, phải chịu cảnh thua thiệt đến mức không thể chịu đựng được nữa, họ vùng lên. Nhưng một nhà nhân văn cổ điển như Romain Gary thì lại thấy một sự thật khác, một cách cắt nghĩa khác: “Người da đen Mỹ trước kia bị thu lại chỉ còn là màu da của họ bởi vì hồi đó họ không tồn tại, còn bây giờ họ lại càng bị thu lại, chỉ còn là màu da của họ, bởi vì họ ra sức tồn tại quá mãnh liệt với tư cách là người da đen. Chính điều đó đã làm nảy sinh hiện tượng xã hội “người da đen chuyên nghiệp” sống bằng màu da của mình trong một số môi trường da trắng” (Sđd, tr.134). Ông có thể nói như vậy bởi ông đã chứng kiến quá nhiều lần, ngay trong nhà mình, sự hăng hái quyên góp ủng hộ cho người da đen của vợ ông - nữ minh tinh màn bạc Jean Seberg - và các nhóm bạn của bà, cùng vô số những cá nhân và tổ chức da đen đã lợi dụng màu da để ra sức rúc rỉa, bòn rút những khoản quyên góp kếch xù ấy. Thậm chí, sự khác biệt về màu da giữa đen và trắng cũng có thể là ngọn lửa làm bùng cháy những ý tưởng điên rồ nhất, như Romain Gary đã được nghe anh bạn da đen tên Red của ông chia sẻ, chỉ vài giờ sau khi Martin Luther King qua đời. Rằng anh ta căm ghét những kẻ nào phản đối chiến tranh Việt Nam - nên nhớ rằng đây là năm 1968, sự kiện Tết Mậu Thân ở Việt Nam vẫn còn nóng hầm hập đối với nước Mỹ - rằng anh ta cần chiến tranh ở Việt Nam như cần một trường huấn luyện tuyệt vời cho bảy mươi lăm nghìn thanh niên da đen về chiến thuật đánh du kích, chiến thuật chiến đấu trên đường phố, trong rừng, và chiến thuật thâm nhập. Để hình thành nên một đội quân da đen làm nòng cốt cho một Nhà nước da đen độc lập hoàn toàn do người da trắng chu cấp tiền, trong ít nhất ba mươi năm. Cái quan hệ chủng tộc đen - trắng đầy mâu thuẫn ấy được Red phát biểu thật bất ngờ: “Chúng tôi buộc phải chiến đấu đến cùng chống những người da trắng mà chúng tôi không thể thiếu họ” (Sđd, tr.139). Tuy nhiên trong Chó trắng, đạt đến sự biểu đạt bất ngờ nhất, sâu sắc nhất về cái lằn ranh đen - trắng mà ta đang nói đến thì không phải là những chuyện về con người, mà là chuyện về con vật. Romain Gary kể rằng ông đã vô tình đưa một con chó lang thang về căn nhà như cái vườn bách thú của mình, và mãi sau đấy ông mới biết con Batka - cái tên mà ông đặt cho nó - vốn là một con chó được cảnh sát da trắng Mỹ huấn luyện để chuyên tấn công người da đen. Gọi nó Chó Trắng là vì thế: con chó mang sức mạnh trấn áp, khủng bố của người da trắng đối với người da đen, cứ hễ da đen là nó tấn công cuồng loạn. Là một người chống kỳ thị chủng tộc nhiệt thành, với Romain Gary, thì đó chính là bệnh, cái thứ bệnh mà con chó được truyền từ những ông chủ da trắng căm ghét người da đen. Vì vậy, bất kể tốn kém, bất chấp việc Batka là một con chó đã già, ông vẫn quyết “chữa bệnh” cho Batka bằng cách giao nó cho một người luyện thú lão luyện da đen tên Keys. Kết quả là: sau những biến cố như cái chết của mục sư Martin Luther King hay phong trào mùa xuân Paris lắng xuống, thì con Chó Trắng Batka của Romain Gary đã trở thành con Chó Đen Batka trong tay của Keys. Nó điên cuồng tấn công những người da trắng, kể cả chủ cũ nó cũng không tha. Ở con Chó Trắng ấy vẫn là một sự kỳ thị chủng tộc, nhưng nó đã chuyển hướng và còn được chất thêm lòng căm thù có tính cách lịch sử. Khi nhà văn nhìn người luyện thú “trần trụi, giống như hình nhân ở mũi một con tàu buôn nô lệ da đen”, và nói với anh ta: “Những người da đen như anh, phản bội lại những người anh em của mình bằng cách bắt kịp chúng tôi trong thói thù hận, đã làm thất bại cuộc chiến đấu duy nhất đáng bỏ công mà thắng” (Sđd, tr.335) thì ta biết rằng sự bình đẳng và tình thân ái thật sự giữa các màu da đen - trắng vẫn là niềm mơ ước dang dở, là sự nỗ lực chưa hề được tựu thành trọn vẹn.

Những lằn ranh đen trắng giữa lòng nước Mỹ
Tác phẩm "Chó trắng" của Romain Gary - Ảnh: Nhã Nam

Trong tác phẩm Chó trắng, ở đoạn suy tư về “cuộc đấu tranh chống lại sự thiến hoạn”, Romain Gary có nhắc đến một loạt tên tuổi lớn của văn chương Mỹ hiện đại: Scott Fitzgerald, Enest Hemingway, Norman Mailer, và Philip Roth. Vào cái năm 1969 ấy, ông không thể biết được rằng rồi đây, hơn ba mươi năm sau, một trong những tên tuổi đó, Philip Roth, sẽ là người tiếp tục tấn công vào cái lằn ranh đen - trắng trong lòng nước Mỹ theo một cách còn gây bất ngờ hơn nữa, với cuốn tiểu thuyết xuất sắc Vết nhơ của người (Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Oanh dịch, Công ty Nhã Nam & Nxb Hội Nhà văn, 2019). Đó là câu chuyện về cuộc đời sôi nổi và cái kết bi thảm của giáo sư Coleman Silk, cựu chủ tịch hội đồng giảng viên trường Đại học Athena vùng New England, chuyên gia hàng đầu nước Mỹ về văn học Hy Lạp - La Mã cổ đại, một con người uyên bác thông tuệ trong học thuật, đầy tinh thần phóng khoáng cả quyết trong quan niệm sống và cách sống ở đời. Lần ngược lịch sử đời tư của Coleman Silk, người kể chuyện - xưng Tôi, một nhà văn, bạn của giáo sư - còn cho chúng ta biết ông từng là võ sỹ quyền Anh nghiệp dư đầy triển vọng thuở trai trẻ, từng là lính hải quân Hoa Kỳ hồi cuối thế chiến II, trước khi học Đại học NewYork rồi bước vào sự nghiệp hàn lâm oanh liệt. Nghĩa là, tất cả những chi tiết tiểu sử và những phương diện cấu thành nhân cách tổng thể của giáo sư Coleman Silk đều rất khớp với hình ảnh của một người đàn ông da trắng thành đạt, đáng kính. Nhưng cũng chính bởi cái hình ảnh “người đàn ông da trắng” đẹp đẽ ấy mà Coleman Silk đã phải chịu hứng một cú đòn định mệnh: ông bị buộc tội phân biệt/kỳ thị chủng tộc vì đã gọi hai sinh viên người da đen của mình - những kẻ không dự bất kỳ một buổi học nào và ông cũng chưa hề biết mặt mũi họ, ngoài cái tên - là “ma”. “Có ai biết hai người này không? Họ là người hay là ma vậy?”. Chỉ một câu hỏi ấy thôi đã đủ để những kẻ thù của ông ở Đại học Athena nắm lấy, biến thành cái cớ hất ông ra khỏi trường, khởi sự cho một loạt sự cố tồi tệ ở đoạn cuối cuộc đời của giáo sư Coleman Silk. Điều oái oăm nhất, và vì thế nên cũng ngớ ngẩn nhất, của sự cáo buộc này không phải ở chỗ giáo sư Coleman Silk vốn không hề có ý miệt thị người da đen, mà ở chỗ: ông chính là một người da đen. Một người da đen nhưng có nước da sáng nên dễ lẫn vào những người da trắng ngăm ngăm. Một lính thủy da đen từng bị nhà thổ ở Norfork quẳng ra ngoài cửa vì cái tội là “mọi đen”, nhưng sau đó, do những tình cờ run rủi của số phận mà không ai biết đến xuất thân da đen của ông nữa, ai nấy đều nghĩ ông là người da trắng gốc Do Thái. Điều đáng chú ý là đặt trong văn mạch của toàn bộ truyện kể, Philip Roth đã không dùng chi tiết này như một thủ pháp lật tẩy, bóc lộ sự thật để gây bất ngờ: ông bày nó ra ngay từ đầu. Với nhà văn đầy tài năng và luôn suy tư về những điều thâm thiết của tồn tại người này, cốt truyện bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Nó chỉ có thế thôi, chỉ là cái “mấu cớ” để Philip Roth đưa vào những đối thoại, những độc thoại, những hồi tưởng vừa dữ dội trần trụi, vừa đau đớn da diết. Và nó cô lại trong cái nghịch lý kỳ lạ của một cuộc đời, như là hệ quả quái gở của cái lằn ranh đen - trắng chưa bao giờ nhạt đi giữa lòng nước Mỹ: giáo sư Coleman Silk, kẻ bị nhà thổ quẳng ra ngoài cửa vì là da đen, thì cũng chính là người bị Đại học Athena đánh bật khỏi giảng đường vì là da trắng. Đó là vấn nạn của một lịch sử đa chủng tộc nhiều nợ nần chồng chéo. Và đó cũng là một vấn nạn đạo đức của nước Mỹ, một “vết nhơ của người”, như khi Philip Roth mượn lời một nhân vật da đen hùng biện trong đám tang của giáo sư Coleman Silk: “Tại đây, tại cái xứ New England đã có lịch sử gắn liền mình với sự kháng cự của con người Mỹ cá nhân trước những áp chế của một cộng đồng ưa chỉ trích - Howthorne, Melville, và Thoreau hiện ra trong tâm trí ta - một con người Mỹ cá nhân vốn không nghĩ rằng thứ nặng cân nhất trong cuộc sống là các luật lệ, một con người Mỹ cá nhân luôn đòi hỏi tra vấn sự chính thống của tập tục và chân lý có sẵn... một con người Mỹ cá nhân par excellence (xuất sắc) lại một lần nữa bị vu khống dã man bởi bạn bè và láng giềng thế nên ông xa lánh họ cho tới khi chết, bị tước bỏ thẩm quyền đạo đức bởi sự ngu dốt về đạo đức của họ” (Sđd, tr.373, 374).

Những lằn ranh đen - trắng giữa lòng nước Mỹ không hề là câu chuyện của quá khứ, mà nó chính là câu chuyện của hiện tại (Tiểu thuyết Vết nhơ của người được Philip Roth hoàn thành năm 2000, và ông kể những chuyện xảy ra “chính vào mùa hè năm 1998”). Rất có thể nó vẫn là câu chuyện của tương lai, nếu chúng ta chưa quên rằng cái chết của người da đen George Floyd ở Minneapolis vào tháng 5 năm 2020 đã lại làm dấy lên mâu thuẫn đen - trắng khắp nước Mỹ như thế nào. Nhìn rộng ra, có thể nói, mâu thuẫn chủng tộc chưa bao giờ thôi âm ỉ ở quốc gia đa chủng tộc như nước Mỹ và trên toàn thế giới. Có thể đó là cơ may với văn chương, nhất là với những nhà văn tài năng, không ngừng xúc động và không ngừng suy tư, như Romain Gary hay Philip Roth hoặc nhiều người khác nữa. Nhưng với mỗi quốc gia và với toàn nhân loại, chỉ nên nói rằng đó là những thảm họa đã luôn dự trữ sẵn mà thôi.

Bài viết được in trong sách Neo chữ - Nguyễn Hoài Nam | Báo Văn nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Tư, và những cô dâu bị mất tích ở Thổ Sầu Chiến cuộc tàn, người ta sống như thế... Quá khứ chụp xuống chúng ta Trò chơi ngôn ngữ từ những bức thư Paris Những chồng xếp chữ của Lê Anh Hoài
Cuối năm - Thơ Hà Đức Hạnh

Cuối năm - Thơ Hà Đức Hạnh

Baovannghe.vn- Luôn có cuối năm/ Luôn bề bộn cuối năm
Công bố hiện vật được vua Hàm Nghi mang theo sau biến cố thất thủ Kinh đô Huế

Công bố hiện vật được vua Hàm Nghi mang theo sau biến cố thất thủ Kinh đô Huế

Baovannghe.vn - Hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu đến từ Huế, TP.HCM, Nam Bộ được giới thiệu tại triển lãm chuyên đề Phú Xuân - Gia Định, những dấu ấn lịch sử.
Bản tin Văn nghệ ngày 1/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 1/12/2024

Baovannghe.vn - Hội An sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi động và diễu hành chào mừng 25 năm ngày Đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999-4/12/2024).
Khai mạc Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17- Tranh cúp Sao Vàng 2024

Khai mạc Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17- Tranh cúp Sao Vàng 2024

Baovannghe.vn - Giải đấu năm nay thu hút sự tham gia của gần 200 vận động viên đến từ 40 cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo trên khắp cả nước
Đề xuất sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị

Đề xuất sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị

Baovannghe.vn - Hội nghị TƯ quán triệt Nghị quyết 18, theo định hướng phương án sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.