- Út nè, con dọn đồ ra hiên cho mẹ, năm hết tết đến rồi.
Đó là lời nhắc của mẹ vào sáng 28 tháng chạp nơi nhà cũ, năm nào cũng vậy, nếu tháng thiếu sẽ lùi một ngày. Tôi lọ mọ mang những chiếc đòn kê, chồng nia mủng đan tre từ bếp ra ngoài hiên nhà. Xong đâu đấy, là tôi ngồi trên hàng hiên nhìn ra phía sân, ngóng ra phía ngõ có cánh cổng tre khép hờ đợi cha về. Và mỗi cái tết, đận ấy, mọi người đều tất bật công việc. Anh tôi thì chuẩn bị rơm cỏ cho bầy bò, chị thì lo giặt phơi từng bộ đồ cũ mới, cha lo bàn gia tiên, mẹ chuẩn bị rim bánh, tôi thì nhỏ nhất nhà, nên bị sai vặt việc nhẹ.
Hiên nhà trong tứ mùa chuyển dịch đều được sử dụng bằng hết, nhưng khi tết đến là trống trải sạch sẽ. Và tôi, sau mỗi công việc thì thường ngồi ở hiên nhà mà ngắm trời mây đợi mọi người gọi. Tôi nhìn lối ngõ có hàng bông vạn thọ vàng, nhìn các chậu hoa mai, cúc, thược dược ba đặt trong sân, nhìn giàn mướp hương gần chiếc giếng đá trái lúc lỉu, nhìn chiếc cần vọt kéo nước có con chốc mào đậu rỉa cánh và nhìn cả phía chuồng bò có ụ rơm không nghe tiếng đánh sừng cồm cộp mà lặng im nằm nhai cỏ. Không gian ấy là không gian của tết, của màu hoàng hoa tĩnh lặng, và không gian ấy là không gian của tôi, của cây nêu bằng tre đực đang phe phẩy ngọn trên cao đón nắng xuân về.
- Út, mở cổng cho các chị trong xóm vào rồi bảo chị Hai mang đồ ra hiên – Tiếng mẹ gọi.
Hiên nhà trước tết có nhiều hương vị trong tôi khi ấy, khi cha cúng ông Táo về trời là dọn dẹp sạch sẽ từ chiếc cối xay, bị thóc, những dây móc đồ, bị rau củ giống...để tạo không gian mới. Có hai hương vị tết đậm dấu ấn trong nhiều dấu ấn mỗi khi xuân về của tôi dưới hiên nhà cũ bên tàng cây vú sữa. Đó là ngày mẹ và chị Hai làm rim mứt cùng các chị trong xóm với tiếng cười rộn rã và sau đó, là gia đình gói bánh tét.
Từng trái đu đủ, từng quả bí đao đã chọn sẵn từ trước phải to đều không bị sâu đục, ong đốt, không già quá hoặc non quá với vỏ xanh đậm chắc nịch. Những lát đu đủ cắt ra thật đều gần bằng lòng bàn tay để moi ruột bỏ hột, những miếng bí đao thon mảnh trắng nuột, những trái chanh khía đều vắt hết nước, củ gừng tươi lột vỏ chuẩn bị xâm đều để ngậm đường. Mỗi người ngồi trên từng chiếc đòn kê, bàn tay khéo léo dùng dao lách nghiêng từng miếng đu đủ cho thật đều trên chiếc thớt me, mỗi lát là mỗi đoạn mỏng, mỗi miếng bí đao trắng ngần phải giòn tan, mỗi củ gừng phải vừa ngọt vừa nồng độ cay, từng trái chanh không đắng mà thơm dịu trong tiết trời se lạnh.
- Út, xách nước cho vào thau!
- Út, quạt lò than đi Út, tí nữa xong xuôi thì chị cho cạo chảo!
- Út, mang nia ra sân để tí nữa phơi rim, giỏi để chị kiếm vợ cho!
Mọi người cười ồ lúc mẹ nhìn tôi âu yếm rồi cười theo. Sau này, tôi vẫn nhớ cái nhìn vào đận cuối năm của mẹ dành cho tôi dưới hiên nhà cũ đầy ấm áp yêu thương. Và tối ba mươi năm nào cũng vậy, dĩa rim trưng bày trên bàn gia tiên có những chiếc rẻ quạt bao quanh ba bông sen trắng, điểm thêm củ gừng xâm đường, vài trái chanh xanh mượt bên các quả quất chín vàng tươm mật, thật ngon và đẹp. Tôi cũng không biết, những cô gái trong xóm đến nhà tôi để mẹ bày cách làm rim mứt ấy, sau này rời gia đình, ngõ xóm mà theo chồng có còn dịp trổ tài nữa hay không? Vì năm sau, là tết Mậu Thân 68.
Cũng vào sáng cuối năm, tôi được cha gọi dậy từ sớm lúc người đã chuẩn bị đầy đủ từ xấp lá chuối phơi nắng, bó dây lạt ngâm nước cho mềm để buộc; thịt ba chỉ ướp gia vị, đậu xanh ngâm sẵn, thúng nếp ngâm từ chiều qua đã ráo được bày ra dưới hiên nhà khi những tia nắng đang lấp ló soi rọi.
- Út trai lo gom gốc tre về đống củi gộc cho khô lần nữa, rồi cha sẽ gói cho con cặp bánh tét nhỏ để đầu năm đi khoe lũ bạn. – Cha cười bảo.
Bên chiếc nia lớn bên cạnh những đòn kê cho mọi người ngồi xoay tròn thì cha luôn ngồi giữa để gói bánh. Bánh tét, bánh chưng cha gói phải to đều, lạt buộc chặt, không sượng và ít lá vẫn giữ được lâu ngày. Khi ăn sẽ tét ra bằng cọng lạt lộ ra màu xanh bên ngoài của lá, màu trắng của gạo nếp chín, vàng tươi của nhưn đậu và thơm lừng mùi thịt, gia vị. Bánh tét đòn dài xếp từng lát khoanh tròn trên dĩa kề bên chén dưa món mẹ làm giòn rụm.
Xế trưa chiều cuối năm đổ nắng hanh vàng, từ hiên nhà những chiếc bánh tét, bánh chưng vuông vức trên nia được cha đặt vào thúng rồi mang sang đặt vào nồi gang đều đặn và đậy kín nắp đã đổ nước. Đống củi gộc tôi để sẵn bên ông Táo tự tạo được cha xếp vào rồi nhen lửa. Đêm ấy, tôi thức cùng cha với anh trai bên bếp lửa ấm góc vườn. Nghe cha kể chuyện thời cha còn nhỏ cũng tập gói bánh bên ông nội, cũng được ông nội làm cho cặp bánh tét nhỏ mà gánh đi khoe bạn bè. Tôi dần thiếp ngủ trong tiếng dế ri rỉ cùng tiếng ếch nhái ngoài đồng len vào trong mờ mịt sương khuya.
Năm nào cũng vậy,, gần đến giao thừa là cha gọi dậy để vớt bánh, phụ cha đem vào nhà và cha luôn cho anh em tôi cặp đòn bánh tét nhỏ. Giao thừa đến, trong khói hương lan tỏa, trong ánh đén măng sông rực sáng, bàn thờ gia tiên luôn có dĩa bánh nóng hổi của cha, dĩa rim rẻ quạt có ba bông sen trắng của mẹ thật đậm đà.
- Năm nay con có nấu bánh tét? Mẹ con có làm rim?
Câu hỏi của những lần ở phố mà cuối năm cha ngồi bên thường hỏi nhưng tôi không thoái thác mà chỉ im lặng. Năm tháng qua đi, người cũ cũng đâu còn. Bây giờ cha mẹ đã già sống trong con phố nhỏ chật hẹp, cũng không còn đủ sức để làm những món ấy và tôi cùng vợ chỉ ra chợ là xong mọi việc.
Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021