Lê Quang Trang không chỉ là nhà báo mà còn là nhà thơ, nhà lý luận phê bình có sức viết bền bỉ qua nhiều giai đoạn. Tập sách thứ 10 của ông thuộc thể loại tiểu luận, phê bình chân dung văn học với nhan đề khá ấn tượng: Sóng đồng và cây núi. Tập sách được chia làm hai phần: Sóng đồng, gồm 17 bài lý luận và lịch sử văn học; Cây núi, gồm 18 bài chân dung văn học, mỗi nhà văn hiện lên với một phong cách và dáng vẻ riêng, có người quyết liệt và khoan dung, có người phong phú và hoang dã, có người sục sôi và điềm đạm. Đó là những nhà văn mà Lê Quang Trang từng tiếp xúc, yêu quý họ và viết về họ bằng những trải nghiệm của mình. Chính vì vậy mà tác phẩm chứa đựng rất nhiều tư liệu quý về văn nghệ miền Nam thời chiến tranh và hòa bình.
Tập sách cho thấy Lê Quang Trang có vốn sống rất phong phú. Điều này xuất phát từ sự từng trải của tác giả: Sau khi tốt nghiệp đại học Tổng hợp Hà Nội, ông vào chiến trường miền Nam và gia nhập đội ngũ của những văn nghệ sĩ: Lý Văn Sâm, Giang Nam, Anh Đức, Lê Văn Thảo, Hoài Vũ, Diệp Minh Tuyền, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Phương Đông, Phan Huỳnh Điểu, Xuân Hồng, Lư Nhất Vũ… Những năm chiến tranh, Lê Quang Trang phụ trách nghiên cứu mảng văn nghệ đô thị miền Nam. Bởi vậy, ông nắm khá rõ những trang viết của Vũ Hạnh, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, Lý Chánh Trung, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Xuân, Võ Hồng, Bình Nguyên Lộc… Ông cũng quan tâm đến những cây bút tranh đấu và các nhà văn đô thị đi theo cách mạng như: Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Phan Lạc Tuyên, Thủy Thủ, Thái Ngọc San, Võ Quê, Trần Long Ẩn, Trần Vàng Sao… Mỗi người một vẻ, góp phần làm nên sự đa dạng và phức tạp của văn chương phía Nam.
Lê Quang Trang thủ thỉ tâm tình nhiều câu chuyện vui buồn về văn nghệ sĩ. Cuốn sách của ông đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích, thú vị mà có thể các sách báo khác chưa nói tới. Như chuyện Nguyễn Văn Bổng, khi giảng về các chức năng của văn học, có đưa ra nhiều ý kiến trái chiều để học viên tham khảo. “Bài giảng bị một số ý kiến phản ứng, cho là “ảnh hưởng chủ nghĩa xét lại”, “thiếu ý thức tổ chức kỷ luật khi phát ngôn những vấn đề quan trọng về đường lối”. Hoặc là câu chuyện vừa vui vừa buồn của Thu Bồn. Khi nhận tờ báo Văn nghệ đăng Bài ca chim Chơrao, “anh đem bản in báo về buôn, nơi câu chuyện ra đời, để chia vui với dân làng. Khốn nỗi nơi đây đang chuẩn bị vào chiến dịch. Nghe tin, mọi người vừa tập họp thì buôn bị pháo địch bắn tan nát, dân làng nhiều người bị thương vong. Anh suýt bị kỷ luật vì việc ấy”. Lúc còn sống, Nguyễn Thi đã mang nhiều bi kịch đời tư. Sau 1975, một Đại tá phản đối việc phong danh hiệu anh hùng cho nhà văn này vì cho rằng, Nguyễn Thi “là con người ích kỷ, cực đoan, sự kiện “dọa tự sát” của Nguyễn Thi là có “tính toán vì mục đích cá nhân, là vô cùng nghiêm trọng, có tác hại đến cơ quan đầu não, làm rối loạn nội bộ cơ quan”. Qua những trang viết chân thực trong Sóng đồng và cây núi, ta hiểu thêm những góc khuất của đời sống văn nghệ thời chiến tranh.
Sau 1975, Lê Quang Trang ra Bắc rồi vào Nam làm báo, xông xáo nhiều nơi. Ông từng là phóng viên báo Văn nghệ, Nhân dân, Tổng biên tập báo Đại đoàn kết. Ông có thời gian làm Chủ tịch Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh (2010-2015), Ủy viên hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương… Nhờ kinh qua các nhiệm vụ đó, ông thu thập được nhiều tư liệu về hoạt động VHNT trong cả nước. Ông tiếp xúc với rất nhiều văn nghệ sĩ ở Tp. Hồ Chí Minh, nơi tập trung nhiều văn nghệ sĩ đa dạng nhất cả nước. Ngoài những nhà văn từ chiến khu về, từ Bắc vào, ông còn tiếp xúc với những nhà văn đô thị miền Nam mà trước đó chỉ biết qua tác phẩm: “Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vào làm việc tại Sài Gòn, được gặp Sơn Nam bằng xương bằng thịt, tôi thực hết sức bất ngờ. Vóc dáng ông nhỏ con, da đen, ăn mặc xuềnh xoàng, không có vẻ gì trí thức, đôi kính lão giọng to, sù sì che đôi mắt hấp háy một cách tinh nghịch. Tôi thường tự hỏi vì sao những trang văn tinh tế và sâu sắc như thế lại được viết ra bằng một con người giản dị, thô ráp như vậy”. Tập sách cũng đề cập đến những văn nghệ sĩ trưởng thành sau 1975. Đặc biệt, có nhắc đến các nhà văn dân tộc thiểu số đang sống tại Tp. Hồ Chí Minh như: Nghị Đoàn, Hà Tăng, Lý Lan, Lưu Thị Lương (Hoa), Inrasara (Chăm), Trần Thanh Pôn (Khơme), Prêkimalamak (Châu Ro)… Có thể nói, sự đa dạng thành phần văn nghệ sĩ phương Nam đã cung cấp nhiều tư liệu làm nên sự phong phú của cuốn sách.
Lê Quang Trang cũng viết nhiều bài lý luận, định hướng sáng tác và quản lý văn nghệ: Đổi mới văn học: chuyển động và bước tiếp, Khi thực tế chênh với dự định, Kinh tế phát triển cần tương thích với văn hóa, Xây dựng lực lượng văn nghệ (1975 – 2015), Phê bình văn học: Nhận diện và thúc đẩy tiến tới, Hài hòa giữa yêu cầu xã hội và trách nhiệm nghệ sĩ, Khuyến khích sáng tác văn học về đề tài gia đình, Xu hướng vận động - yếu tố tác động và ứng xử… Vốn làm công tác quản lý văn nghệ ở thành phố năng động nhất cả nước, Lê Quang Trang thấy rất rõ rằng, trong nền kinh tế thị trường, cần phải đẩy mạnh hoạt động “Xã hội hóa văn học nghệ thuật”. Ông tâm sự: trước đây, có một nhà thơ đồng ý cho một công ty sử dụng 4 câu lục bát để in vào cái hộp bánh đậu xanh và được trả tới 30 triệu đồng (14 tấn thóc). Công ty Vitek VTB mua bản quyền Màu tím hoa sim với giá 100 triệu đồng. Kỷ lục đó bị phá vỡ khi Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận mua bản quyền bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ với giá 300 triệu đồng. Ông kết luận: “Đó là những cử chỉ đẹp trong quá trình xã hội hóa văn học nghệ thuật”.
Ở phần 2 của cuốn sách, tác giả dựng lên chân dung của 18 nhà văn, bao gồm nhiều thể loại, nhiều bộ phận văn học, nhiều thế hệ… Đó là Chế Lan Viên, Nguyễn Văn Bổng, Lý Văn Sâm, Lê Đình Kỵ, Trang Thế Hy, Trần Bạch Đằng, Vũ Hạnh, Sơn Nam, Nguyễn Thi, Viễn Phương, Giang Nam, Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Thu Bồn, Lê Văn Thảo, Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm. Ở mỗi nhà văn, Lê Quang Trang chú ý đến tiểu sử, văn nghiệp, những kỷ niệm… Ông cũng khắc họa nét riêng của mỗi nhà văn. Theo ông, cái làm nên sự hấp dẫn trong tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng là “độc và đắt trong chi tiết”. Ví dụ chi tiết cô giao liên bán bánh tằm rất đắt hàng vì “người ta đồn cô se bánh bằng bắp vế” (truyện Xã đội trưởng), các gái điếm nổi hứng xin lính Mỹ cho bắn thử, làm nhiều bộ đội thương vong (Pháo đĩ)…
Lê Quang Trang là nhà thơ, với 7 tập thơ và trường ca in riêng. Những trang tiểu luận phê bình của ông cũng đầy chất thơ. Có thể thấy điều đó qua cách đặt nhan đề và tiểu mục: Để mỗi chiếc lá đều tận cùng xanh, Bàn chuyện nóng về một thể loại nặng, Lý Văn Sâm: Ngọn núi mờ sương, Hé lộ kho báu – Những trải nghiệm và chuyển động – Vén mây ngắm núi… Cách đặt đề mục cũng gây tò mò cho độc giả khi nêu những nét đối lập trong cuộc đời và sự nghiệp của mỗi nhà văn: Phan Tứ: quyết liệt và khoan dung, Anh Đức: Khốc liệt vẫn trữ tình, Thu Bồn: phong phú và hoang dã, Lê Anh Xuân: ngọn lửa nóng dịu dàng, Nguyễn Khoa Điềm: sục sôi và điềm đạm, Lê Văn Thảo: chuyển làn vẫn lên đỉnh… Nhan đề tập sách Sóng đồng và cây núi cũng là một ẩn dụ. Phải đọc hết tập sách dày 435 trang, ta mới hiểu được những thông điệp mà tác giả gửi gắm.
_______
* Sóng đồng và Cây núi – tập tiểu luận, phê bình và chân dung văn học của Lê Quang Trang, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, 2020
Nguồn Văn nghệ số 18+19/2021