"Những vần thơ yêu thương" là tập thơ thứ ba của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 7/2023, tập thơ bao gồm 58 bài thơ ứng với số tuổi của chính tác giả thời điểm xuất bản tập thơ. Có thể nói "Những vần thơ yêu thương" được cất lên từ trái tim, từ cõi lòng để tri ân và giành tặng những người thân yêu. Đồng thời cũng là niềm tự hào của một người con trong quân ngũ gửi về quê hương, đất nước của mình.
"Mẹ tôi" là bài thơ đầu tiên của tập thơ "Những vần thơ yêu thương", ở bài thơ này nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đưa người đọc hướng về người mẹ, đây là bài thơ làm điểm nhấn cho cả tập thơ bởi tình mẹ thiêng liêng, cao cả và bao la như biển trời được tác giả diễn tả một cách chân thực, cảm động:
"Mẹ ơi đầy giấc mơ con
Lời ru của mẹ ngấm mòn tháng năm
Thân gầy nắng đốt mưa găm
Sớm khuya rút ruột đời tằm nhả tơ"
Hình ảnh người mẹ "thân gầy nắng đốt mưa găm" như xoáy sâu vào tâm thức, vào niềm thương, nỗi nhớ của con và rồi trong tâm thức về người mẹ nhà thơ chợt liên tưởng cuộc đời mẹ như kiếp con tằm nhả tơ: "sớm khuya rút ruột đời tằm nhả tơ". Trong giấc mơ con luôn có hình bóng của mẹ, lời ru của mẹ đã ngấm vào đời con và theo con suốt cả cuộc đời.
Ở bài thơ "Bóng mẹ" một lần nữa nhà thơ Nguyễn Đăng Độ lại khắc họa hình ảnh người mẹ hi sinh tất cả cuộc đời mình, tảo tần khuya sớm để lo cho đàn con. Tác giả đã xa quê quá nửa đời người nhưng dáng mẹ liêu xiêu, tần tảo những khi "mùa hè nắng đốt, đông bào tái tê" lại càng thấy thương mẹ mình nhiều hơn:
"Chân trần lội khắp đồng xa
Áo tơi gầy guộc ngày qua phận đời
Hạt gạo đổi hạt mồ hôi
Năm canh rũ áo mẹ ngồi vá đêm.
Thời gian như gió bên thềm
Bây giờ tóc mẹ bạc thêm mấy phần
Bóng ai khuya sớm chân trần
Ngỡ như dáng mẹ tảo tần ngày xưa".
Khi nhắc đến người mẹ, Nguyễn Đăng Độ cũng không quên công ơn sinh thành dưỡng dục của người cha. Chúng ta thường nói về mẹ khi ngợi ca đức hi sinh, lo nghĩ cho con cái, gia đình mà ít khi nói về sự hi sinh thầm lặng của người cha. Khác với mẹ dịu dàng, gần gũi và hay thể hiện tình cảm giành cho con, người cha thường nghiêm khắc và rất kiệm lời. Sự cứng rắn của người đàn ông với nhiều áp lực trong cuộc sống đã làm cho người cha ít khi có sự quan tâm, gần gũi với các con nhưng trong sâu thẳm người cha lại ngược chiều gió táp để che chắn đàn con cả một đời. Chúng ta hãy cùng cảm nhận điều đó qua bài thơ "Thương cha" để hiểu hơn về tình cha, những hi sinh thầm lặng mà người cha giành cho con trong cuộc sống thường ngày:
"Giọt nước mắt chảy theo năm tháng
Mồ hôi cha thấm ướt một đời người
Dáng cha đứng ngược chiều gió táp
Che chắn đàn con sớm tối ngược xuôi”.
Nặng lòng với quê hương, có hiếu với cha mẹ, khắc khoải với tuổi thơ cho nên những hình ảnh, cảm thức, nỗi nhớ về cha mẹ, quê hương và tuổi thơ là chủ đề xuyên suốt với tần suất dày đặc trong thơ Nguyễn Đăng Độ. Ta bắt gặp "Dáng ai như mẹ ngoài sân lúa vàng" trong bài thơ "Thời gian", "Dáng mẹ đứng đợi - Áo tơi giữa đồng" trong bài thơ "Áo tơi" hay "Thời gian như cánh thoi đưa - Cha mẹ như sợi nắng trưa cuối ngày" trong bài thơ "Tình cha nghĩa mẹ" thật nhân hậu, chất phác như củ khoai, hạt lúa.
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ |
Trong tập thơ "Những vần thơ yêu thương" không chỉ có tình cha, nghĩa mẹ, tình yêu quê hương đất nước mà ở đó còn có tình yêu lứa đôi- chính tình yêu lứa đôi đã hòa lẫn và cùng chung nhịp đập với tình yêu quê hương đất nước. Bài thơ "Em ơi xuân đã về" đã thể hiện sự hòa quyện giữa tình cảm cá nhân với tình yêu quê hương, đất nước:
"Em ơi xuân đã về
Hương mùa xưa bông lúa
Mưa thầm thì ô cửa
Tóc thề vương cỏ may”.
Cũng có khi tác giả đi sâu vào tình yêu đôi lứa một cách say đắm, quyết liệt và cũng không kém phần lãng mạn trong bài thơ "Ánh mắt":
"Ánh mắt em nhìn làm anh bối rối
Lặng giấu vào sâu lắng nỗi niềm riêng
Ôi cái nhìn em say đắm thiêng liêng
Trái tim anh tan ra vụn vỡ".
Với các con, tác giả Nguyễn Đăng Độ cũng có những vần thơ đầy da diết để thể hiện nỗi lòng của người cha. Trong bài thơ “Tiễn con gái” những câu thơ như sám hối về những điều cha chưa làm được cho con, như giãi bày tâm trạng của người cha trước lúc con gái lên xe hoa về nhà chồng:
“Ngày con khoác áo cô dâu
Ba cười ngoài miệng thẳm sâu xé lòng”
Với con trai của mình, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ lại muốn truyền cho con sức mạnh, tình yêu cuộc sống, niềm tin vào ngày mai tươi sáng trong bài thơ “Cha và con”:
“Cha tin một ngày trái tim sẽ thôi đau
Bình minh sáng lên mỗi ngày con thức giấc
Cha bắt gặp nụ cười hiền như trái đất
Trong vòng tay ấm nóng yêu thương…”
Người ta thường nói: “Thơ là tiếng nói của tâm hồn” thơ Nguyễn Đăng Độ nặng về tình cảm cho nên những hoài niệm về tuổi thơ, về quê hương, hình bóng cha mẹ và gia đình luôn day dứt, thường trực trong thơ ông. Mặc dù ít khi dùng đến “kỹ xảo” trong ngôn từ nhưng thơ của Nguyễn Đăng Độ vẫn đến được với một lượng bạn đọc rất lớn vì ngôn từ trong thơ ông thường mộc mạc, dung dị, tình cảm trong thơ lại thiết tha, đằm thắm và phần nhiều trong các sáng tác sử dụng thể thơ lục bát nên dễ đi vào lòng người và trong thơ đã có sẵn tính nhạc.
Với tập thơ này của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ, càng đọc ta càng nhận ra sự xuất hiện của một gam màu mới trong những hình ảnh về cuộc sống, về quê hương và cảm nhận, trải nghiệm về kiếp người. Đó là “Vần thơ quê hương xin dâng trọn yêu thương”, dâng cả trái tim và niềm khát khao cháy bỏng để hát lên những vần thơ ấm nóng, khóc với câu thơ chan chứa yêu thương:
“Tôi viết những vần thơ yêu thương
Gom nhặt từ nắng mưa giông tố tơi bời
Những vần thơ của ngày xưa tuổi thơ xa ngái
Việt Tiến ơi! Nỗi nhớ mãi đầy vơi”
Đã từng trải qua bao biến thiên thay đổi, đã xa quê quá nửa đời người nhưng nhà thơ Nguyễn Đăng Độ vẫn có một khát khao cháy bỏng là được trở về với quê hương, trở về với quá khứ tuổi thơ để gặp lại chính mình đã khắc bóng xuống thời gian dù cho đó chỉ là những lần trở về trong tâm tưởng, trở về trong giấc chiêm bao:
“Tôi trở về gió lạnh rít miên man
Mưa từng hạt rơi thấm miền cổ tích
Nửa đời người phiêu bồng nơi đất khách
Lại gặp ấu thơ mình khắc bóng xuống thời gian”.
Chính những lần “trở về” ấy mà tác giả đã yêu tha thiết cố hương và xóm nhỏ xa mờ của mình hơn. Thương quê và cũng thương cho bao số phận lam lũ trên đất quê mình: “Một thời nón lá áo tơi - Dầm sương dãi nắng phận đời đắng cay”. Ông nhớ thương quê hương qua từng điệu ví câu hò, qua cổng làng in dấu tuổi thơ và sau những bộn bề vội vã, qua nắng cháy mưa vùi thấm bao nhân tình thế thái thì tác giả “Cảm ơn cuộc đời” đã cho mình những trải nghiệm và những hạnh phúc hòa lẫn với đắng cay để hôm nay cảm nhận rõ hơn những hạnh phúc mà mình đang có:
“Thầm cảm ơn cuộc đời
Cả đắng cay hạnh phúc
Chiều đông vàng hoa cúc
Vương đầy sắc hương bay...”
Một chủ đề được nhà thơ Nguyễn Đăng Độ giành nhiều dung lượng trong sáng tác là Tổ quốc và người lính. Đây có lẽ là những bài thơ và ca khúc thể hiện rõ nhất tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tác giả cũng như mỗi người dân Việt Nam trong các sáng tác của ông. Đất nước ta đẹp như một bức tranh thủy mặc, giang sơn gấm vóc đó bao thế hệ cha ông đã phải hi sinh cả máu xương và tính mạng của mình để bảo vệ và trao truyền lại cho con cháu hôm nay:
“Xin biết ơn hiển hách chiến công
Những trang sử tiền nhân in vào đá núi
Bao xương máu bao con người ngã xuống
Đất nước hòa bình mở sáng mãi mai sau…”
Và hình ảnh người lính cũng được tác giả khắc họa một cách chi tiết, sinh động và chân thực qua một loạt bài như: Dấu chân người lính, Lính biên cương, Chiều biên giới, Trường Sơn... trong bài thơ “Lính biên cương” có những câu thơ đã lột tả được tinh thần, ý chí, quyết tâm và khát khao của người lính:
“Người lính biên cương mắt dõi phía ngoài kia
Súng chắc trong tay nặng nghĩa tình non nước
Tuổi mười bẩy nơi biên cương thỏa khát khao mơ ước
Giữ yên bình tổ quốc ngàn năm...”
Tây Nguyên là một không gian và thời gian nghệ thuật độc đáo và đặc sắc trong thơ Nguyễn Đăng Độ. Có lẽ, ông đã gắn bó với Tây Nguyên đủ lâu để thấm hết cả những trầm tích văn hóa, lịch sử và con người ở đây một cách sâu nặng thì mới có thể thăng hoa để có những vần thơ, nốt nhạc vấn vướng với đất và người Tây Nguyên đến vậy. Bài thơ: Hẹn với Kon Tum, Cao nguyên và nỗi nhớ, Gửi về em, Thơ tình anh viết. Trong bài “Cao nguyên và nỗi nhớ” có những câu thơ như một bức tranh thật đẹp và bình dị. “Em đứng đó nắng in vàng khuy áo” đã thắp sáng lên cả một trời thương nhớ về đất và người Tây Nguyên:
“Tây Nguyên của gió sương rừng núi trập trùng
Của mùa xuân đỏ một thời hoa gạo
Em đứng đó nắng in vàng khuy áo
Như nghìn năm dáng núi đợi chờ ai…”.
Tập thơ “Những vần thơ yêu thương” của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã đưa đến cho chúng ta một giọng thơ mới không thể trộn lẫn, mỗi bài thơ là một thông điệp về cuộc sống, về tình đời, tình người. Là tình yêu quê hương, đất nước, những ký ức một thời gian khổ với tuổi thơ dữ dội nơi cố hương hay những vùng đất, tình người mà tác giả đã từng đi qua. Với câu từ chân chất, mộc mạc như ca dao và sử dụng phần nhiều là thể thơ lục bát truyền thống, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã đưa người đọc trở về với quá khứ, với cố hương với những tháng ngày xưa cũ. Đọc hết tập thơ ta bàng hoàng sực tỉnh, hóa ra trong cuộc sống bon chen hàng ngày nhiều khi đọc tập thơ “Những vần thơ yêu thương” mới tìm lại được quá khứ, tuổi thơ và quê hương của mình trong những vần thơ thổn thức./.
Mai Thanh Hải