Diễn đàn lý luận

Niềm hạnh phúc và quan niệm hạnh phúc…

Tác phẩm và dư luận
07:43 | 30/04/2023
“Than đỏ dưới tro tàn” vừa là tên tác phẩm vừa là hình ảnh ẩn dụ về tác giả. Đỗ Bích Thúy có vẻ rất hài lòng với cách ví von ấy. Cô từng viết: “Và tôi thích, mình là viên than đỏ vùi sâu dưới lớp tro tàn, khi cần sẽ nhóm lên một ngọn lửa”. Ngọn lửa là trái tim ngôi nhà của người miền núi, họ không bao giờ để bếp bị tắt lửa. Thúy là người phụ nữ sinh ra từ núi cao, viết thành công về miền núi cho nên hình ảnh ẩn dụ này chính xác biết bao. Đọc tản văn của Đỗ Bích Thúy, người đọc được truyền một năng lượng tích cực để yêu lắm đời này
aa

“Than đỏ dưới tro tàn” vừa là tên tác phẩm vừa là hình ảnh ẩn dụ về tác giả. Đỗ Bích Thúy có vẻ rất hài lòng với cách ví von ấy. Cô từng viết: “Và tôi thích, mình là viên than đỏ vùi sâu dưới lớp tro tàn, khi cần sẽ nhóm lên một ngọn lửa”. Ngọn lửa là trái tim ngôi nhà của người miền núi, họ không bao giờ để bếp bị tắt lửa. Thúy là người phụ nữ sinh ra từ núi cao, viết thành công về miền núi cho nên hình ảnh ẩn dụ này chính xác biết bao. Đọc tản văn của Đỗ Bích Thúy, người đọc được truyền một năng lượng tích cực để yêu lắm đời này.

Hạnh phúc khi được trải nghiệm đủ đầy cảm xúc

Đỗ Bích Thúy hạnh phúc bởi cảm nhận được quá nhiều vẻ đẹp tế vi của cuộc sống qua những thanh âm và sắc màu của thiên nhiên vạn vật trong đủ mọi thời khắc: dù ngày hay đêm, bình minh hay hoàng hôn, mùa xuân hay mùa thu, mùa hạ hay mùa đông. Cô hạnh phúc vì nhận ra các cung bậc tình cảm của chính mình trong những khoảnh khắc khác nhau.“Dưới vòm trời đầy mây” hay một “Đêm đầy sao” cũng làm Thúy quan tâm đặc biệt; bắt gặp những giọt nước mắt đau khổ của đứa bé người Mông khi phải làm thịt bạn thân của nó là con gà trống cũng khiến Thúy “mất khả năng năng ăn uống trong hai ngày”… Thúy có năng lực làm bạn với thiên nhiên bởi nghĩ rằng vạn vật đều có linh hồn như tư duy của người vùng cao: “Tôi rời ngọn núi và mang theo linh hồn của ngọn núi, hoặc là ngược lại, nó giữ linh hồn tôi ở lại” (tr.102). Cỏ cây dưới sự quan sát của cô “cũng có linh hồn, biết yêu thương và biết giận dỗi” (tr.54). Cây cam trong vườn nhà từ bao giờ đã trở thành một người bạn tri âm để cô bé Thúy 12 tuổi có thể chia sẻ bí mật khi nhận được một bức thư tỏ tình. Nhìn bông hoa dại nhỏ li ti màu vàng đang vươn ra, Thúy cũng nghĩ là “chúng muốn nói một lời chào thật là tươi tắn vui vẻ”…

Thật hạnh phúc khi ai đó có thể cảm nhận được những điều mà người bình thường không thể cảm nhận được. Đỗ Bích Thúy cảm nhận được những thứ đặc biệt như “mùi của rừng”, mùi hương của những giọt sương hay “mùi thơm của nước mắt đang khô” hay khi được chiêm ngưỡng những khoảnh khắc tuyệt đẹp của ánh hoàng hôn với “những cái vân ánh sáng đẹp một cách kì ảo. Không họa sĩ thiên tài nào có thể tạo ra thứ ánh sáng ấy bằng sơn hay bột màu” (tr.48); hạnh phúc khi có một gia tài cảm xúc: “Tôi đi qua mỗi ngày, vui buồn đều có cả. Tôi có những ước mơ nhỏ, có những niềm vui nhỏ, có những yêu thương lớn, có những run rẩy tận tâm can, có những bí mật được giấu kín, có những say mê để đắm chìm, cũng có cả những món tài sản mà tôi trân quý, có đầy lòng biết ơn nữa. Sống một cuộc đời như thế, chẳng phải đáng lắm sao” (tr.10)

Những quan niệm về hạnh phúc

Đỗ Bích Thúy tâm niệm Hạnh phúc là trao yêu thương để nhận được yêu thương: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng đủ rộng mở để yêu thương, để quan sát và suy nghĩ, để rung động trước cái đẹp, để trân quý những giá trị” (tr.224). “Thương yêu thật nhiều để ôm vào tất cả hạnh phúc trên thế gian” (tr.213). Thúy tâm đắc với câu châm ngôn: “Người tặng hoa hồng luôn còn lại hương thơm trên bàn tay” (tr.217) nên cô tiếp tục truyền đi thông điệp: hãy sống hết lòng, cho đi là còn mãi. Hạnh phúc vì luôn có cảm giác biết ơn cuộc đời, biết ơn người thân, bè bạn: “hạnh phúc vì được sống suốt đời trong cảm giác biết ơn” (tr.87). Hạnh phúc còn là có khả năng tha thứ những lỗi lầm cho người khác cũng như của chính mình và biết buông bỏ: “Nỗi đau chỉ tồn tại khi ta cảm thấy nó mà thôi. Nó không tồn tại nếu ta không cho nó một chỗ đứng trong tâm trí mình. Hiểu được điều này khiến tôi đã bước qua mọi tổn thương” (220). Đấy là một triết lí sống của đạo Phật: sướng khổ tại tâm, vì thế cô luôn sống tích cực, có ý thức buông bỏ muộn phiền. Hạnh phúc với Đỗ Bích Thúy còn là được làm những điều có ý nghĩa, có ích: “Tôi thích sống như tôi nghĩ, thật đích đáng, từng ngày một. Tiêu dùng cái thời gian mà mình có cho những việc mình muốn làm nhất, có ích và có ý nghĩa nhất, không phí phạm một giây nào” (tr.72). Hạnh phúc là được sống hồn nhiên, đơn giản. Người phụ nữ Mông thật hạnh phúc với nụ cười “không biết”. Hỏi gì cũng trả lời “Chi pâu!” (Không biết!), rồi chợt hiểu: “Hạnh phúc đôi khi chỉ là không biết, không hiểu, đơn giản thế thôi” (tr.61). Tại sao “chúng ta lại cứ lí giải mọi điều xảy ra trong cuộc đời mình mà phần lớn chẳng giải quyết được gì” (tr.61). Đôi lúc, Thúy đã nghĩ còn gì sướng hơn cái anh chàng người Mông “ngày ngày dậy sớm, đi nương, chiều về ăn cơm với vợ con. Cơm no lên giường đánh một giấc thẳng cẳng. Đơn giản thế thôi”. Thúy đã tự rút ra nhận xét: Người sung sướng là người có “cái cách sống hồn nhiên như cỏ cây trong cuộc đời này, ở thập niên này của thế kỉ 21” (tr.58)... Tuy trân quý quá khứ và lạc quan vào tương lai nhưng Thúy cũng có quan niệm hết sức hiện sinh, một kiểu thiền tâm như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã hướng dẫn: “Hạnh phúc là ở trong hiện tại. Say mê cũng ở trong hiện tại” (tr.21), “Trân trọng hiện tại, sống hết mình cho hiện tại, chẳng phải là điều tuyệt vời nhất sao?” (tr.24), “hạnh phúc chỉ đơn giản là tôi đang ở đây, cảm thấy thiên nhiên tươi đẹp đang được thở hơi thở của nó trong khi tôi tự do thở hơi thở của tôi” (tr.123).

Bên cạnh những quan niệm chung về hạnh phúc, Đỗ Bích Thúy còn có những quan niệm riêng rất đặc biệt. Chẳng hạn, hạnh phúc không nhất thiết phải bao gồm với việc có tình yêu đôi lứa. “Nghĩa là người ta hoàn toàn có thể hạnh phúc khi đang không yêu một ai đó, trái tim không hề thuộc về một ai đó, mỗi ngày trôi qua hoàn toàn không nhớ nhung một ai đó. Nhưng để nhận ra điều đó, phải đi qua rất nhiều tháng năm” (tr.128). Tôi nghĩ Thúy không hề dối lòng khi viết ra những dòng chữ này. Bởi đôi khi cái thứ mà “người ta mong đợi nhất là tình yêu thì nó đã trôi theo dòng sông mất rồi. Còn trên bờ thì người nọ cứ mải miết đuổi theo người kia” và “sai lầm của người nọ làm suy kiệt tâm trí của người kia, gây ra những đau đớn liên hoàn và triền miên” (tr.69).

Sự cô đơn đôi khi cũng là hạnh phúc, bởi cô đơn có phần đồng nghĩa với tự do. Thúy đã từng nhiều lần tự hỏi và tự trả lời: “Cô đơn có đồng nghĩa với tự do không? Không hẳn, nhưng cũng không phải là tuyệt đối không (…) Cô đơn thì có liên quan gì đến bất hạnh đâu. Tôi chưa từng nghĩ cô đơn mang lại bất hạnh” (tr.49).

Hạnh phúc của Đỗ Bích Thúy là được viết văn, là được sống cuộc sống của mình, như mình có. Mỗi cuốn sách là một đứa con, càng nhiều con càng hạnh phúc. Vì cô “luôn nghĩ rằng các con là món quà mà số phận đã ban cho mình. Một món quà khiến tôi nghẹt thở vì hạnh phúc và biết ơn” (tr.161). “Văn chương quả là mang tới một nguồn năng lượng kì diệu. Nếu không thì người ta cứ đổ xô đi viết văn để làm gì khi mà có thể suốt đời chẳng trông chờ được gì vào nhuận bút” (tr.130). “Văn chương là nơi an toàn vô hại, không bao giờ mang tới muộn phiền…” (tr.96,97). Thúy hạnh phúc vì được làm công việc yêu thích: “Ta phải yêu một điều gì đó thì mới hết lòng với nó, hạnh phúc với nó” (tr.225). Vâng, Đỗ Bích Thúy đã hết lòng với văn chương nên đã nhận được sự mến yêu của bạn đọc.

Năng lượng sống tích cực từ một viên “than đỏ dưới tro tàn”

Văn chương đẹp thường được toát ra từ một tâm hồn đẹp. Đọc tản văn của Đỗ Bích Thúy, không thấy những câu chữ thô thiển, không thấy kiểu lên lớp, dạy dỗ người đọc, không thấy hằn học, ám chỉ ai, chỉ thấy một năng lượng tích cực. Và tôi thấy Thúy có ý thức lao động chữ nghĩa thật kĩ lưỡng.

Tôi thích cách diễn đạt của Than đỏ dưới tro tàn như: “làm rơi kí ức, ăn kí ức tuổi thơ ngọt ngào” (tr.193), “nỗi nhớ bốc khói” (tr.226), “buồn xuyên chiều muộn” (tr.223)… Nó khiến những cái trừu tượng bỗng trở nên cụ thể, thật dễ hình dung…

Thiên nhiên dưới ngòi bút của cô cũng có những phẩm chất của con người qua biện pháp nhân hóa: “… những ngọn núi vẫn mặc nhiên đứng đó, nhìn sông suối gió mây. Kiên định, bất khuất, tĩnh tại, nhiệt thành” (tr.21); “Tháng Giêng, tôi nhớ những hạt cây vừa nẩy mầm trên mặt đất. Chúng luôn xanh tươi non bấy, run rẩy yếu đuối nhưng cũng kiêu hãnh vô tận” (tr.16).

Tôi cũng rất thích cái cách nói láy lại chữ theo kiểu người vùng cao: “Cây tre cao lêu ngêu có cái vòng kết tròn tròn ở trên ngọn” (tr.14); “… các anh ấy chỉ ham ánh mắt ngưỡng mộ của mấy chị xinh xinh thôi” (tr.14); “Anh tôi nhìn mấy cái áo đã xếp sang phía các em, mặt ngẩn ra, mắt đỏ đỏ lên, mũi cũng đỏ đỏ lên, tôi đoán là anh sắp khóc òa đến nơi” (tr.175)…

Tôi cũng thích cái cảm xúc dâng trào khiến cho Thúy nhiều khi phải sử dụng cả phó từ chỉ mức độ lẫn từ dùng để nhấn mạnh. Chẳng hạn: “Tôi thích tháng Giêng. Có phải thích nhất hay không thì cần suy nghĩ thêm một chút, nhưng tôi thực sự thích lắm” (tr.12); “Tôi nhớ bố. Thật là tôi nhớ bố tôi quá” (tr.183)

Đọc tản văn của Đỗ Bích Thúy, độc giả không chỉ được kích hoạt nguồn năng lượng tích cực mà còn tri nhận được những nét phong tục tập quán độc đáo của dân tộc Việt Bắc một cách tự giác (chắc chắn sẽ nhớ lâu hơn so với việc bắt buộc phải đọc một cuốn sách để tìm kiếm thông tin). Những hình ảnh chi tiết có trong tản văn này luôn làm tôi xúc động bởi bản thân mình cũng được sinh ra từ rừng… Và bây giờ, tôi cũng đang thực sự hạnh phúc vì được đọc những trang văn đẹp, thổi bùng lên năng lượng sống tích cực từ một viên “than đỏ dưới tro tàn”.

Hoàng Kim Ngọc

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2023


“Liên hoan Âm nhạc Asean - 2025” được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk

“Liên hoan Âm nhạc Asean - 2025” được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk

Baovannghe.vn - Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã ký Công văn 5164/BVHTTDL-NTBD gửi UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phối hợp tổ chức “Liên hoan Âm nhạc Asean - 2025”
Sông Thami trong xanh: Một biểu tượng của văn học Mông Cổ

Sông Thami trong xanh: Một biểu tượng của văn học Mông Cổ

Baovannghe.vn- Sáng ngày 22/11, nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mông Cổ và Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp cùng với Đại sứ quán Mông Cổ đã tổ chức Lễ Giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Sông Thami trong xanh” (tên gốc: Tungalag Tamir) của nhà văn Chadraabal Lodoidamba tại Hà Nội.
Ngoại vi - Thơ Tùng Bách

Ngoại vi - Thơ Tùng Bách

Baovannghe.vn- Khi sự thật vượt khỏi vòng tưởng tượng/ Mọi câu thơ không nhất thiết xuống dòng
Mài vào năm tháng. Truyện ngắn của Hiệu Constant

Mài vào năm tháng. Truyện ngắn của Hiệu Constant

Baovannghe.vn- Trong mắt tôi ngày ấy bà là một người phụ nữ đầy huyền bí và tôi quyết định tìm hiểu. Nên tôi hay ghé quán bà mài dao, đôi khi chỉ là cái cớ để có dịp hỏi chuyện. Quán của bà cũng là nơi trú ngụ chỉ vẻn vẹn vài mét vuông, được kê mấy tấm ván vừa làm nơi tác nghiệp, vừa làm chỗ ngả lưng, thậm chí làm bếp nấu nướng khi trời mưa và chỗ ngủ khi đêm về.
Học - Thơ Nam Thanh

Học - Thơ Nam Thanh

Baovannghe.vn- Khi em nhìn bùn đen/ Có thấy hoa sen nở?