Nơi tôi về dạy học đầu tiên năm 1978 là trường cơ sở Phượng Nghi huyện Như Xuân. Con suối sau trường róc rách như cái khăn lạnh của mùa hè. Học trò cứ quấn lấy thầy cô trẻ như bầy gà con quanh mẹ. Tối học trò gái trai đem đèn dầu đến lớp học như sao sa, đứa nào cũng muốn ngủ lại trường với thầy cô. Trong mắt chúng thầy cô mới trẻ trung thánh thiện làm sao! Cái gì thầy cô cũng biết, chỉ có một điều thầy cô giáo trẻ mới đến không biết là: gắt gỏng trách phạt bọn chúng. Nhiều hôm trò còn rủ thầy cô vào rừng lấy măng, lấy trám, đào củ sắn, củ mài… Mặt mũi thầy trò lấm lem sau khi ăn củ nướng. Rồi những ngày sau tết, nhiều học sinh phải nghỉ học vì phải vào rừng kiếm củ mài, quả trám, búp măng… chạy thi với cái đói.
Tôi có bệnh hay cự lại hiệu trưởng với mớ lí thuyết kiến thức giáo dục mới ra trường như hàng độc xách tay, hay bênh học trò nghèo nghỉ học nên sang đầu năm học sau tôi đã được “thưởng nóng” lên miền núi cao hơn, phải qua nhiều đèo dốc heo hút, cách Phượng Nghi chừng 40km. Đó là khu lẻ trường cơ sở Yên Lễ ở xóm Quế, cách trung tâm thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân khoảng 5km. Khu lẻ cái gì cũng mới, từ thầy cô, học trò, sách vở đến mái lá… Ngôi trường tạm bợ mới dựng lên, tranh nứa còn chưa kịp khô loang lổ, là lạ như một bông hoa nở trái vụ bị táp nắng giữa rừng. Tháng 9 đầu năm học 1979-1980 tôi về xóm Quế, nhà cho giáo viên ở chưa có, nên tôi và thầy giáo Hoàng Khắc Oanh người xã Thanh Sơn huyện Tĩnh Gia, được lãnh đạo địa phương và lãnh đạo trường sắp xếp ở trong nhà cụ Giám dân tộc Thổ gần trường. Cụ Giám có năm gian nhà gỗ và sân gạch đẹp nhất bản, có vườn cây ao cá, có giếng nước chung quanh kè đá ở chân đồi trong vắt. Phong cách kiến trúc nhà cửa sân vườn, lối sống, phong tục thờ cúng của dân tộc Thổ khá giống dân tộc Kinh. Cụ Giám ngoài tám mươi cao lớn, vai rộng, lưng thẳng, dáng đi vững chãi. Cụ có đôi mắt sáng, mái tóc và bộ râu trắng, như ông tiên đáp xuống bản. Cụ đẹp lão nên được Nhà nước mời cùng các bô lão tham gia duyệt binh mừng đất nước thống nhất ở quảng trường Ba Đình Hà Nội dịp quốc khánh mồng 2 tháng 9 năm 1975. Những bức ảnh chụp cụ cùng các bô lão râu tóc trắng ngồi trên xe diễu qua lễ đài trong cuộc duyệt binh ở quảng trường Ba Đình được phóng to càng làm cho không khí gian khách nhà cụ như thêm sáng. Đến bữa ăn cơm, chỉ tôi và thầy Oanh được ngồi trên sập gụ bóng lộn trải chiếu hoa kê ở gian giữa. Giữa sập là chiếc mâm đồng đánh sáng loáng. Thức ăn ngoài măng, cà muối, canh rau rừng, hôm nào cũng có thêm ít cá suối kho riềng hoặc quả trứng rán, niêu cơm trắng (không độn) nấu riêng cho hai thầy và bát đũa luôn nhúng nước sôi trước khi ăn. Hai cụ cùng con cháu gần chục người ngồi quanh chõng nan tre phía dưới, hôm nào cũng ăn nồi cơm độn sắn. Hai thầy khó nghĩ, nhiều lần đề nghị cả nhà cùng ngồi ăn chung nhưng hai cụ không chịu. Cụ Giám nói: “Thầy giáo là người được Đảng, Nhà nước phái xuống, chữ của các thầy là hoa nhụy của trời, người Thổ phải biết quý…”
Tôi luôn nhớ gương mặt, ánh mắt bà con, học trò xóm Quế ngày ấy đã dành tình cảm quý trọng cho tôi và các thầy cô. Nhưng đặc biệt bao năm rồi tôi không thể nào quên hương vị trà của vườn cụ Giám. Cụ có vườn chè hơn trăm gốc trồng từ đời nào không rõ, lá quanh năm xanh tốt, gốc già cỗi, to như cột nhà xù xì có nhiều chùm địa y dài như râu cụ. Cũng chính vì hương vị chè ấy hôm nay sau 45 năm, tôi về lại phố núi Yên Cát Như Xuân. Cùng đi với tôi là anh bạn Nguyễn Văn Tư giám đốc một công ty khoa học. Anh là người luôn tự học, là nhà khoa học đích thực tài ba, là nghệ nhân ưu tú chuyên ngành mĩ thuật, và cũng là nhà quản lí kinh tế rất giỏi. Đặc biệt anh rất mê trà. Anh đang hợp tác với những trung tâm sản xuất thương mại và bảo tồn chè Việt. Chính anh đã chế tạo nhiều máy sấy không dùng nhiệt hiện đại, nhiều máy móc tự động tinh vi. Đồng thời anh cũng đang sưu tầm nguyên vật liệu từ chè Shan tuyết các vùng miền, chè Hoa vàng Ba Chẽ Quảng Ninh, đặc biệt là giống chè Hoa vàng Phù Luông, để sản xuất ra những sản phẩm trà hảo hạng. Tình cờ gặp nhau, anh giới thiệu và cho uống loại trà đặc biệt xưởng của anh mới bào chế. Nhân tiện cuộc trà tôi mới kể cho anh Tư nghe kỉ niệm về hương vị trà xóm Quế ở phố núi Yên Cát huyện Như Xuân cách đây hơn bốn mươi năm, nơi tôi đã sống và có dịp được thưởng loại trà tuyệt hảo ở đó. Rồi cũng từ đó gần như tôi đoạn tuyệt với các loại trà khác vì quá luyến nhớ hương vị trà xóm Quế và rất khát khao được thưởng thức lại. Nghe tôi kể anh sốt sắng muốn đến tận xóm Quế tìm hiểu, khảo sát chất lượng chè đặc biệt ấy.
Thầy Oanh dạy cấp 1 ở Hà Giang mười lăm năm, do hoàn cảnh gia đình năm 1978 thầy xin về Thanh Hóa để gần nhà có thể giúp đỡ vợ con. Thầy dong dỏng cao hiền lành, ham đọc sách, am hiểu nhiều lĩnh vực. Thầy ở lâu với bà con dân tộc vùng cao nên đã học được kinh nghiệm chọn búp chè, thuật sao chè, pha chè tinh túy của tầng lớp quý tộc Việt Bắc. Sáng sớm mặt trời chưa mọc hai cụ và con cháu cùng hai thầy ra vườn chọn hái búp chè còn ngậm sương của những cây chè ngon nhất. Là những cây có lá dày nhỏ hơi tròn, màu lá pha ánh vàng, khi già lá càng dày, giòn tan, thơm dịu. Lá già của những cây chè này hãm uống thơm ngon vị ngọt khác hẳn lá cây chè khác. Búp chè hái về thầy nhờ hai cụ tãi ra trên nong tre rộng không để chồng chất lên nhau và để trong râm mát, tránh hiện tượng hấp nhiệt làm nóng, làm bay mất hương sương sớm của chè. Ngày đi dạy, tối đến cơm nước xong thầy Oanh dùng chảo gang lớn được cọ rửa sạch, đặt lên bếp than hồng sao chè. Khi sao chè, thầy dùng hai bàn tay trần để đảo và cảm giác nhiệt của đôi bàn tay giúp thầy luôn điều chỉnh than củi phù hợp, cho búp chè đơm hương thơm ngon nhất. Thầy thức trắng cả đêm mới sao được hai, ba lạng chè, sáng ra tay thầy bám đầy nhựa. Khi chè sao đã đủ độ khô, thầy cắt vát quả chuối ngự tiến vua chín vàng, quết quanh lòng chảo. Khi chảo nóng làm tỏa hương chuối thơm lừng, thầy bỏ số chè đã sao khô vào chảo, rồi dùng đôi tay như múa, đánh mốc cho chè, làm bong lớp keo bán quang búp chè, tạo lớp phấn mốc trắng bám vào cánh chè rất đẹp, có lẽ đánh mốc không chỉ cho đẹp mà để khi hãm chè có hương tỏa thơm hơn.
Minh họa Đào Quốc Huy |
Mỗi sáng sau khi điểm tâm, cụ Giám sai các cháu đun một ấm nước lấy từ giếng trong vắt như mắt mèo ở chân đồi, lấy bộ ấm chén màu nâu đất có xuất xứ Trung Quốc, từ đời ông cố nội cụ làm lang đạo để lại pha trà. Trước khi pha cụ cho cả ấm chén vào một tô sành lớn đổ nước sôi ngâm khoảng dăm phút, cụ dùng đũa tre vớt ấm chén đặt lên khay gỗ, dùng thìa gỗ lấy trà cho vào ấm, tiếng trà rơi vào ấm loong coong nghe vui tai. Cụ rót nước sôi vào ấm rồi đậy nắp, dăm bảy phút sau cụ rót nước trong ấm ra các chén. Cụ làm mọi động tác nhẹ nhàng như sợ đau từng búp chè trong ấm. Nước trà cụ pha có màu xanh trong hơi óng vàng. Trà thầy Oanh khi sao đã thơm nức cả xóm, nhưng những làn hương như mây bay nhẹ trên miệng chén trà tỏa ra không gian càng thơm nồng nàn hấp dẫn. Mỗi lần trong nhà cụ pha trà, đi ngoài đường cũng ngửi thấy mùi thơm tinh túy của núi rừng hòa quyện thật ngất ngây quyến rũ. Cụ cẩn thận nâng hai tay chén trà mời thầy Oanh trước, rồi cụ lại nâng chén tiếp mời tôi. Nhận chén trà thanh tao trên tay cụ hương thơm ngát ngập tràn vào mũi. Uống vào đầu lưỡi vị thanh chát dịu pha chút đắng ngọt bùi. Hương vị thơm ngất ngây chạy vào khoang miệng, ào lên mũi, tràn vào khí quản ngập hai lá phổi, vị thơm ấm lạ của trà như chạy khắp cơ thể vào từng mao mạch, từng thớ thịt, làm tinh thần sảng khoái, cảm giác thân thể lâng lâng như nhẹ thêm. Uống một chén trà vườn cụ trước khi lên lớp giảng bài thêm phấn chấn. Cả buổi lên lớp vẫn còn hương thơm ngọt hậu trong miệng và đặc biệt mỗi khi chép miệng hương thơm lại chui lên mũi, ngấm sâu trong cổ họng, vị thơm ngòn ngọt dịu nhẹ của trà cứ lưu giữ như tăng dần trong miệng theo thời gian. Cụ Giám mỗi khi uống trà thầy Oanh sao đều nhắm mắt lại như để thưởng thức hương thơm vị ngọt của núi rừng trập trùng. Nhiều lần cụ tấm tắc khen và thừa nhận, thầy Oanh đã tạo cho chè vườn cụ một hương vị thơm ngon mới lạ mà lâu nay hai cụ, con cháu và cả các vị tiền bối cũng chưa thể làm được.
Một điều lạ, tôi được sinh ra sống trên đất chè cafe. Nơi bạt ngàn, hàng vạn hecta chè, cafe có từ thời Pháp thuộc, nơi nhà máy chè nông trường Yên Mỹ to vật sản sinh hàng tấn chè búp mỗi ngày. Nên tôi đã uống chè, nghiện chè và cafe từ bé, có thể từ trong bụng mẹ, nhưng khi uống trà vườn cụ Giám mà thầy Oanh sao tôi vẫn bị mất ngủ, nếu uống buổi tối có khi thức trắng cả đêm. Thấy trà vườn cụ quá đặc biệt và thơm ngon, tôi đặt vấn đề xin cụ Giám để lại cho một ít về làng khoe với các vị cao niên thường thưởng trà. Hôm sau, thầy Oanh sao được vài lạng, cụ gói cả cho tôi. Tôi xin gửi cụ ít tiền cụ nhất định không cầm. Tôi mang trà về pha mời các cụ già làng uống. Các cụ đều nức nở khen, ai cũng nói chưa từng được thưởng trà ngon như thế bao giờ! Sau khi uống các cụ đều nhờ tôi, nếu có loại chè này mua hộ cho một ít.
Ở xóm Quế được mấy tháng thì tôi bị sốt, mỗi lần sốt tôi thường đau tức ngực, khó thở. Bệnh viện huyện khi đó khám chẩn đoán tôi bị đau tim. Thầy Phạm Xuân Nhị hiệu trưởng khu lẻ, thầy Lê Văn Tứ, thầy Lương Xuân Oanh, thầy Đậu Văn Số… mấy thầy giáo lớn tuổi lo tôi khó qua khỏi, nên các thầy đề nghị Phòng giáo dục chuyển tôi về vùng thấp, trường cơ sở Phúc Đường gần nhà. Về quê, nói triệu chứng bệnh, mẹ tôi biết ngay là sốt rét, bà nấu chè xanh với giun đất cho tôi uống mấy lần thì khỏi. Cũng từ đó do thay đổi nơi công tác xa hơn tôi không có dịp được uống chè của cụ Giám xóm Quế nữa.
Từ ngày xa xóm Quế suốt 45 năm, uống bao nhiêu loại chè của quê mình, của nhiều vùng trong nước như chè Phú Thọ, chè Thái Nguyên, chè Shan tuyết Hà Giang… và cả chè nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan, Srilanka, Ấn Độ, Indonesia… tôi chỉ mong gặp lại được hương vị chè xóm Quế ngày nào nhưng đều thất vọng.
Hôm nay đi cùng anh Tư về lại Yên Cát. Chúng tôi gặp lại những triền đồi xanh nhấp nhô uốn lượn đẹp như trong tranh, gặp lại những người con của phố núi. Anh Lê Nhân Đồng, nguyên chủ tịch huyện Như Xuân, anh Lê Anh Hồng nguyên Phó chủ tịch huyện Như Thanh, anh Lê Xuân Thảo nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát huyện Như Xuân vợ anh là cô giáo Quách Thị Chung đã nghỉ hưu, là học trò của tôi khi dạy học ở Phúc Đường. Nói chuyện chè, ai cũng luyến tiếc hương vị trà Yên Cát xưa, nay không còn, bởi một thời trà Tân Cương, trà Phú Thọ… lấn át vì giá cả. Nên những vườn chè mới cũng như chè cổ ở Yên Cát đều bị đốn hạ, thay chè là những đồi keo, bà con dễ trồng và có giá trị kinh tế cao hơn trồng chè. Anh Lê Anh Hồng là nhà giáo ưu tú, quê Yên Cát, bôn ba khắp nơi khi tâm sự với chúng tôi cũng rất tiếc nuối chè. Nhà anh trước cũng có vườn chè cổ hàng trăm cây, năm 1964 có Học viện Quân y vào đóng quân tại bản, một số y bác sĩ, kĩ thuật viên ở trong nhà anh. Họ hỏi ông bà nội anh những búp chè non trên cây kia gia đình có dùng không? Các cụ bảo: “Gia đình chúng tôi chỉ dùng lá già uống thôi, lá non không dùng.” “Thế hai cụ cho chúng cháu một ít búp non chúng cháu sao thành chè khô uống nhé.” Và cũng từ đó bà con mới biết sao chè. Anh Hồng cũng đã tự tay sao chè, những năm 1986 đến 1989, anh đi học khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội 2 ở Xuân Hòa - đất chè Vĩnh Phúc. Anh mang trà nhà ở phố núi Yên Cát tự tay anh sao cho bạn bè uống. Đến bây giờ gặp lại bạn bè, nhiều người vẫn luôn nhắc loại trà mà anh cho họ uống ngày xưa giờ có còn nữa không. Tiếc thay, giờ chỉ còn lại vài đồi chè lèo tèo mới trồng vài chục năm. Người có kĩ thuật sao chè ngon hầu như không còn, nay đều sao theo kiểu lò quay công nghiệp, nên chất lượng chè thấp. Anh Hồng về nghỉ hưu tại quê, bản Thấng Sơn Yên Cát. Anh khẳng định búp chè từ những cây chè cổ ở vùng đất này bao giờ chất lượng cũng tốt hơn búp chè những cây chè giống mới du nhập về đây trồng. Anh nhắc con cháu tìm trồng lại giống chè cổ để lưu giữ hồn quê và quyết giữ lấy Giếng Mèo. Con trai Lê Anh Tuấn của anh hiện làm chủ doanh nghiệp sản xuất nước khoáng đóng chai từ nước Giếng Mèo chất lượng qua kiểm định rất tốt, cung cấp nhiều cho trong và ngoài tỉnh. Nhưng thật tiếc thiếu chè búp anh sao. Tôi nhớ mấy câu thơ khắc khoải về rừng: …Đâu rồi nhát búa nhát rìu/ ngày xưa ta bổ liêu xiêu mãi giờ...
Cũng chuyến đi này tình cờ chúng tôi được vợ chồng luật sư Lê Xuân Thảo cho uống nước chè hoa vàng, hương thơm vị chát ngọt rất quyến rũ. Anh giới thiệu đây là một loại dược liệu rất quý trời ban cho vùng đất Vườn quốc gia Bến En. Chè hoa vàng Bến En có chất lượng dược liệu cao, cây chịu nắng hạn tốt, dễ trồng hơn chè hoa vàng các vùng miền khác. Chúng tôi đã cùng anh đi thăm vườn ươm hàng ngàn cây chè hoa vàng xanh tốt của anh thanh niên Trần Văn Điệp tại xóm Thấng Sơn thị trấn Yên Cát. Qua câu chuyện chúng tôi biết anh đang cung cấp cây giống chè hoa vàng Bến En cho người yêu thích chè hoa vàng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Tôi anh Tư cùng một số anh em thân tình được vợ chồng anh Thảo đãi cơm rượu, ăn xong uống trà hoa vàng Bến En càng đậm vị thơm ngon. Nhưng mọi người đều luyến tiếc trà búp xóm Quế, Yên Cát. Và cũng trong câu chuyện chúng tôi biết, có dự án xây dựng đập nước sẽ ngập khu rừng có Chè Hoa vàng bản địa, rất nhiều người đang chạy đua vào rừng săn tìm đào cây Chè Hoa vàng Bến En để bán cho các thương lái. Đây cũng là một vấn đề đặt ra cho các nhà quản lí rừng phải bảo tồn nguồn gen quý hiếm này của xứ Thanh?
Sau chuyến đi đó anh Tư có ý kiến tỉnh Thanh Hóa nên nghiên cứu và lên kế hoạch đầu tư xây dựng một dự án bảo tồn các nguồn gen quý. Trong đó có bảo tồn và sản xuất trà xanh, trà hoa vàng Bến En kết hợp với sinh thái du lịch. Trước hết phải có kế hoạch nghiên cứu bảo tồn gien giống chè xanh Yên Cát, chè Sánh Lược và giống Chè hoa vàng Bến En, chè hoa vàng Phù Luông… học cách chọn giống, trồng chè và cách sao chè xanh, chế biến các loại chè đặc biệt của các nghệ nhân đã mai một. Rất tiếc chúng tôi tìm hiểu biết thầy Oanh đã mất cách đây hơn 10 năm. Nhưng chắc chắn xóm Thấng, xóm Quế nhiều người ở thị trấn Yên Cát huyện Như Xuân và nhiều nơi khác đã biết chọn giống chè, trồng chè, sao chè ngon, còn sao chè ngon như thầy Oanh lại là câu hỏi lớn!
Không xa, Bến En của xứ Thanh không chỉ là trung tâm du lịch sinh thái, là một “Hạ Long” kì thú. Chúng tôi hi vọng vùng đất bazan tây Thanh Hóa sẽ bảo tồn gien khôi phục được giống chè xanh cổ, phát triển diện tích trồng chè xanh chất lượng cao, bảo tồn gien phát triển rừng chè hoa vàng Bến En bản địa. Bến En chắc chắn sẽ là điểm hẹn du lịch lí tưởng, là khu công nghiệp không khói, là thủ phủ tinh túy của trà xanh, trà hoa vàng trứ danh nổi tiếng khắp thế giới. Chia tay với bạn bè anh em Yên Cát, ai cũng có mơ ước, ngồi trên du thuyền lướt trên mặt hồ Bến En trong xanh, hay ngồi dưới gốc lim xanh cổ thụ của cánh rừng đại ngàn, du khách được ngắm những đồi chè uốn lượn điệp trùng xanh ngát, được thưởng chum trà bản địa pha nước Giếng Mắt Mèo Yên Cát quê tôi.
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest |