Quê Lan, dân làng rảnh rỗi vụ mùa lại mang cần câu, vó bè ra sông đánh cá. Những thôn nữ trai làng lớn lên kết duyên với nhau qua lời mai mối, an phận bên ruộng lúa, dòng sông.
*
Năm 16 tuổi, Lĩnh đi làm dâu từ một lời mai mối. Gánh nặng dâu trưởng chút lên đôi vai Lĩnh cả trăm thứ phải toan lo. Nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền, ma chay giỗ chạp không nặng nề đè nén bằng gánh nặng sinh con trai “nối dõi tổ tông”.
Từ ngày đứa con gái thứ ba sinh ra, Lĩnh luôn phải chịu đựng những lời đay nghiệt của bà mẹ chồng. Khi con chó trong nhà đẻ ra một bầy toàn chó cái. Bà mẹ chồng bóng gió: “Nhà này mất phúc, chó cũng như người đều không biết đẻ.” Lĩnh im lặng lảng tránh ánh mắt sắt đá của bà ta.
Mấy hôm sau, Lĩnh phơi thóc ngoài sân, chợt nghe thấy nhà bên có tiếng ồn ào. Bên nhà hàng xóm, anh Trinh đang quát tháo mấy thằng con trai vây bắt con lợn vừa xổng chuồng. Thiết, chồng Lĩnh lẩm bẩm: Mẹ nó… hai nhà cách nhau mỗi bụi găng, cùng ngoảnh mặt về hướng Tây – Nam đón gió sông, mà một nhà sáu thằng con trai một nhà toàn vịt giời.
Lời chồng nói như vết dao sắc cứa sâu vào vết thương trong lòng. Lĩnh nuốt nước mắt, lạ thay, suy nghĩ của Lĩnh lại hướng về người đàn ông vạm vỡ nhà bên lúc cởi trần, bụng đầy lông. Mấy hôm trước Lĩnh ra sông mò trai, người đàn ông ấy đã bơi ra giữa dòng nước mò giúp Lĩnh chiếc thau nhôm bị sóng lớn nhấn chìm. Đưa chiếc thau cho Lĩnh, gã đàn ông hàng xóm ỡm ờ: “Muốn con trai thì anh đây “giúp” cho”. Lĩnh đã bao đêm trằn trọc gục đầu khóc ướt gối với suy nghĩ: Hay là cứ thử…biết đâu lại may…
Những đêm trăng mờ, đợi bà mẹ chồng ngủ say, chồng vác đèn đi soi ếch nhái. Lĩnh vén bụi găng chui qua hàng rào sà vào vòng tay của người đàn ông nhà bên. Lĩnh nghĩ rằng người đàn ông về làng ở rể kia sẽ gieo vào bụng mình một đứa con trai. Khi ấy nó sẽ giúp chồng Lĩnh khỏi mang điều tiếng bất hiếu, sẽ hàn gắn những rạn nứt tình cảm giữa Lĩnh và mẹ chồng…
“Mỡ treo miệng mèo” gã đàn ông hàng xóm chẳng ngại ngần vần vò thân thể người đàn bà nạ dòng dưới ánh trăng khuya. Hai nỗi niềm trộn thành thứ men tình khao khát cuồng nhiệt. Hai thân thể quẫy đạp, đám lá sắn khô xào xạc, người vì bản năng, người vì nỗi buồn ủ giấu.
Từ khi bào thai tượng hình, Lĩnh cứ chờ đợi, cứ khấp khởi ngóng trông… Khi đứa bé ra đời, Lĩnh lịm đi khi bà đỡ reo lên: Con gái. Đứa con gái mới sinh không thể phủ giấu một điều khác biệt của giống nòi, mấy người họ hàng rỉ tai nói nhỏ với nhau: Da trắng lông mày lá liễu, đôi mắt ướt, môi trái tim, sống mũi cao… rõ ràng giống nòi của gã hàng xóm. Lời bóng gió ấy đến tai bà mẹ chồng làm bà nghĩ đến những đêm khuya khi bà trở mình thức giấc bởi tiếng kẽo kẹt đóng mở cửa của Lĩnh. Chưa hết thời gian ở cữ, Lĩnh bị gia đình chồng đuổi đi cùng đứa con đỏ hỏn. Hai mẹ con Lĩnh bồng bế nhau sang bên kia dòng sông tá túc nhờ nhà bà cô họ xa quá lứa lỡ thì.
Lan gội dòng nước nơi cửa sông lớn lên, tuổi thơ ngụp lặn cùng chàng trai tên Công dưới xóm vạn chài thỉnh thoảng vẫn mang đến cho gia đình Lan cân trai, cân hến. Dòng phù sa vẫn trôi về vun đắp bến sông nhưng chẳng thể vùi lấp điều tiếng của người đàn bà dan díu với trai hơn hai mươi năm về trước. Hôm Công ướm hỏi bố mẹ chuyện cưới Lan. Bố Công dùng dằng nổi cáu xé tan tấm lưới vừa đan. Ông gằn giọng:
- Làng này hết con gái hay sao mà rước cái ngữ lăng loài về làm vợ.
Công im lặng nhìn xa xăm về phía dòng sông nước đổ về từ nơi thượng nguồn.
Một đêm trăng sáng, Công đưa Lan xuống chiếc thuyền khua mái chèo ngược dòng bơi về phía thượng nguồn. Hai người xin vào làm công nhân xây dựng thủy điện Hòa Bình.
Ngày mìn nổ, núi sạt, đá nở là ngày công vĩnh viễn rời xa Lan.
*
Lần đầu tiên bà Lan kể cho Nhung, đứa con gái duy nhất của bà nghe miền ký ức có những con sóng vỡ.
Nhung choàng tay ôm lấy đôi vai và mái tóc bạc màu của bà. Hai mẹ con nhìn xa xăm về phía dòng sông đong đầy mảng ký ức, nước mắt dòng sông chan chứa những phận người.
Sau mấy chục năm đi qua những miền công trường xây dựng trên cả nước, bà và đứa con gái lại trở về với thành phố bên dòng Đà giang. Bàn tay nhỏ nhắn của Nhung đặt lên vai bà khiến đôi mắt bà hâng hâng nhớ về ông Thuận chồng bà. Bà nhớ ngày xưa ông vẫn đưa bàn tay thô ráp cụt mất hai ngón lau những giọt nước mắt cho bà.
Miền đất này đã lấy đi của ông một phần cơ thể. Năm ấy, ông cùng những người đồng nghiệp kê kích, lắp đặt một thiết bị có trọng tải lớn. Chẳng may chiếc kích sập xuống chém đứt lìa ngón tay cái và ngón trỏ của ông. Lúc ấy, vừa khi bà đi ngang qua nơi ông làm việc. Bà xé áo băng vết thương cầm máu cho ông. Ông cảm mến đôi tay mềm và ánh mắt buồn như chiều tím buông trên dòng sông của bà. Những tối sau giờ làm việc, ông tìm đến phòng bà, ngồi im lặng hút thuốc, hết bao thuốc ông đứng dậy nói câu cụt ngủn “thôi anh về”. Ba tuần sau, ông phá tan sự im lặng bằng lời tỏ tình vụng về: “Em đồng ý lấy anh thì anh bảo bố mẹ lên nói chuyện”.
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest.com |
Bà không nói, chỉ khẽ gật đầu bởi nghĩ rằng sẽ nguôi ngoai vết thương lòng khi có một mái ấm gia đình. Ông đưa bà về chung sống trong gian phòng tập thể khi chưa kịp hiểu nhiều điều về nhau.
Sau giờ làm, ông bà tranh thủ xuống sông Đà vớt củi trôi từ thượng nguồn về đun nấu. Ông buộc sợi dây thừng vào bụng để bà đứng trên bờ giữ lấy, còn ông lao xuống dòng nước siết kéo những thân cây khô vào bờ.
Bà bảo ông vớt cả những thân tre bật gốc, gom lại mai sau dựng một căn nhà, không phải chung chạ gian nhà tập thể chật chội.
Mùa bấc năm ấy, hai người vỡ miếng đất trên lưng đồi dựng một căn nhà. Bà đan những nan tre vào nhau thành phên vách buộc lại với nhau bằng dây thép, ông đào đất đồi trộn với rơm trát vách. Mái nhà lợp bằng thân cỏ lau ông bà hái về nơi bờ bụi. Căn nhà tuềnh toàng, gió về thông thốc thổi qua khe hở. Ông bà bưng bít bằng rất nhiều túi bóng ni - lông mà gió vẫn ranh mãnh len qua bức vách. Cứ ngày mưa, nước từ đỉnh đổi chảy qua nền nhà như suối.
Cũng ở gian nhà lưng chừng đồi ấy, một mầm sống đã nẩy trong bụng bà. Mỗi khi nhìn bụng vợ đang lớn dần theo tháng ngày, ông cảm thấy lâng lâng hạnh phúc. Chiều chiều sau giờ làm, ông lại xuống bờ sông câu cá, về nhà ông lựa ra con cá ngon nhất nấu cháo tẩm bổ, chăm bẵm cho bà. Nhưng phôi thai ấy chẳng hiểu nỗi lòng mong ngóng của họ. Tháng thứ bảy, một cơn đau dữ dội ập đến, bà ôm bụng quằn quại. Đến bệnh viện, ông bà như chết lặng khi nghe kết luận của bác sĩ: Thai lưu. Ông lén ra ngoài lau nước mắt. Hai lần tiếp theo trong bụng bà lại tượng hình lên một mầm sống, bà cố gắng kiêng cữ. Nhưng cũng giống như lần đầu tiên, sinh linh chưa kịp chào đời đã vĩnh viễn nằm lại khi chỉ là một hình hài nhỏ bé. Đứa bé thứ ba được sinh ra chết ngay trên bàn đẻ khi chưa kịp cất tiếng khóc chào đời.
Tai bà ù đi khi nghe bác sỹ kết luận bà bị nhiễm thứ chất độc hóa học công nghiệp ảnh hưởng đến khả năng sinh con. Đó là thứ hóa chất bà vẫn thường tiếp xúc trong quá trình lắp đặt tổ máy. Là thủ kho, bà thường xuyên cầm những chiếc lọ vỏ sắt mang vào phòng kín cho ông đội trưởng đội thi công lúi húi pha chế. Nước mắt ông đã cạn khô khóc thương cho những đứa con chưa kịp bế bồng, ông không nói chỉ lặng lẽ đặt tay lên vai bà khi đọc tờ kết quả xét nghiệm.
Tối ấy, trong giấc ngủ, bà mơ thấy những thiên thần có cánh bay đến ôm bà, bà choàng tay ôm thì những thiên thần ấy vỡ tan ra như bọt sóng vỗ vào ghềnh đá. Bà thấy ông biến thành thủy thần cầm chiếc đinh ba sắc nhọn túm tóc dìm bà xuống dòng sông. Bà ú ớ la hét làm ông thức giấc. Ông ôm bà nghẹn ngào: Sẽ cùng nhau vượt qua những gian nan.
Nhiều lần bà nghĩ hay là ông cứ ra ngoài tìm một đứa con rồi mang về để bà nuôi, lúc đó bà cũng chẳng oán trách ông. Bà nghĩ vẩn vơ rồi lại ôm mặt khóc. Cái tin bà không thể sinh con cuối cùng cũng đến tai bố mẹ ông. Bà đọc được lá thư bố mẹ ông dưới quê gửi lên bảo ông tìm kiếm hạnh phúc mới. Hôm sau trước khi đi làm bà lặng lẽ đặt lên đầu giường tờ đơn ly hôn. Ông đi ca 3 về sẽ đọc được sẽ ký và khi ấy bà sẽ giải thoát cho ông. Chiều tối bà đi làm về chỉ thấy những mảnh giấy xé vụn cuộn mình bay trước cửa. Đêm ấy, đợi bà ngủ say. Ông rón rén dậy thắp ngọn đèn dầu. Từ khi bị mất ngón tay ông rất khó nhọc khi cầm bút. Bằng cách kẹp cây bút trong kẽ ngón tay, ông viết trả lời gia đình trang thư đầy cương nghị: Sẽ cùng bà đi hết dòng sông.
Một chiều, bà cùng ông xuống triền sông kéo vó. Ông thả vó kéo suốt mấy quãng sông, kéo lên chỉ thấy lá khô, củi mục. Bà an ủi:
- Xuống đoạn ghềnh đá đằng kia, nước xoáy biết đâu gặp may.
Ông lặng lẽ thu vó đi theo bà. Đi được một quãng sông ông bà nghe thấy có tiếng khóc loang loảng trong ào ạt vỗ reo của sóng gió. Tiếng khóc xuôi gió bay về từ phía bụi dứa dại rậm rạp. Ông bà lần theo tiếng khóc, sững sờ khi phát hiện một đứa bé nằm trong chiếc nôi dập dềnh trên sóng, mắc kẹt trong hộc đá. Bà lật tấm chăn mỏng, khuôn mặt đôi môi đứa bé gái tím tái vì gió lạnh. Bà ôm đứa bé nựng nịu dỗ dành. Ông bà nhìn nhau nghĩ rằng đó là món quà mà dòng sông trao tặng.
Từ ngày có tiếng khóc cười của Nhung gian nhà nơi lưng chừng đồi của ông bà không còn những héo hon. Ngọn đèn thắp sáng lâu hơn trong đêm khuya chăm lo cho những đau ốm của trẻ nhỏ.
Năm Nhung bốn tuổi. Bà nằm ôm nó ngủ thì nghe tiếng chim lợn kêu vang trên nóc nhà. Bà ra ngoài nhặt một viên đá ném xua đuổi. Con chim dữ bay đi một lúc sau lại bay về đậu trên nóc nhà kêu ầm ĩ báo điềm chẳng lành. Sáng hôm sau người hàng xóm xách đôi giày về nhà báo tin ông Thuận bị tai nạn gãy chân.
Trong phòng bệnh viện ông nằm co quắp nhăn nhó vì đau, chân trái ông bó bột cứng đơ. Ông kể đang leo lên bậc thang đến nơi làm việc thì bước hụt chân.
Bà nghĩ ngợi nhiều đến khoản viện phí sắp phải lo cho chồng. Tối ấy, bà nổi lửa lén nút nấu thêm mẻ rượu. Chẳng may nồi rượu phì hơi, bỗng rượu bắn ra tung tóe đổ vào chân bà bỏng rát. Bà gượng đau quét dọn dấu tích nấu rượu lậu. Bà ôm Nhung khóc trong đêm. Đêm ấy có những người hàng xóm ngủ muộn nghe tiếng bà khóc đã đưa bà đi cấp cứu. Hai ông bà nằm đối diện nhau trên hai chiếc giường cùng phòng bệnh viện. Nhung cứ chạy qua chạy lại tíu tít trò truyện cùng bố mẹ.
Đôi lần ánh mắt ông bà chạm gặp nhau nơi bước chân của Nhung - khoảng cách rất gần mà như thênh thang.
Hôm ông bà xuất viện về nhà, trời mưa tầm tã. Tấm bạt ni lông căng trên trần nhà tránh mưa dột căng đầy bọng nước. Ông bà trùm chăn tránh những hạt mưa hắt. Mưa xé toang tấm ni nông, một bọc nước đổ xuống dội thẳng lên đầu ông. Ông ôm hai mẹ con bật khóc bởi những khổ đau.
Những ngày sau, bà chưa thể đi lại vì vết bỏng lên da non. Ông bắt đầu tập tễnh đi lại bằng đôi nạng gỗ. Thương bà ăn uống kiêng khem, ông gượng đau chống nạng vượt đồi ra phiên chợ tạm. Nhung cứ nhằng nhẵng đòi đi theo để dắt bố. Bà lo âu nhìn theo khi thấy hai bố con đến con dốc. Nhung trèo lên đỉnh dốc để ông giơ chiếc nạng gỗ cho Nhung nắm lấy. Nhung lấy sức vóc trẻ thơ kéo ông lên dốc. Sau bữa cơm, Nhung chập chững bê từng chiếc bát, xoong nồi xuống bếp, ông chống nạng lê từng bước nặng nhọc về phía bể nước rửa bát… Bao nhiêu nước mắt, hạnh phúc, khổ đau như từng đợt sóng xô cứ đến cứ vỗ nhịp ồn ào vào con thuyền ký ức trong trái tim bà. Bà đưa tay lau nước mắt. Giờ thì ông đã chẳng còn bên bà.
Ngày ấy, trên miền công trường nơi núi rừng, một trận lũ quét khiến cả quãng đường men theo sườn núi đến công trường bị tắc lại. Chiếc xe tan ca trở công nhân vừa nhích lên vài mét cũng là khi những tảng đá lớn trên cao rơi xuống. Một tảng đá lớn phá vỡ cửa kính lăn về phía chiếc ghế ông bà đang ngồi. Chiếc xe rung lên nghiêng ngả. Ông chỉ kịp đẩy bà nằm xuống rồi lấy cả thân thể che chắn cho bà. Tai họa qua đi, bà nén đau buốt ở đôi chân choàng dậy lay ông, nhưng tim ông đã ngừng đập…
Nhung đẩy chiếc xe lăn đưa bà Lan đến sát mép sông, bờ vai rung lên theo từng nhịp sóng. Hai mẹ con cúi xuống chụm lòng bàn tay vục nước vuốt lên mặt, những giọt nước mắt bỗng tan ra trộn hòa vào dòng Đà giang nặng nghĩa ân tình.