Sáng tác

Nước. Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn

Đặng Chương Ngạn
Truyện
11:00 | 18/09/2024
Baovannghe.vn - Mọi năm vào cữ này, vùng đồi hạn cháy, giếng nước, ao hồ khô cạn trơ đáy. Làng Ham nằm trong vùng đất luôn khô hạn thiếu nước.
aa

Con Mưh đã đi qua một ngày đêm không trở lại. Đúng ra, muộn nhất, Mưh phải có mặt vào cuối buổi chiều hôm qua, khi mặt trời đỏ lựng như một cái chảo rang lớn khuất sau dãy núi Đá Trắng và bóng đêm bắt đầu phủ xuống bãi xương rồng khô cằn Cam Ran kéo dài tưởng như vô tận đến làng Ham. Thoi thấy bất an, lo lắng, nhiều lần tự hỏi: Mưh đang ở đâu? Không lẽ nó bị lạc đường? Chưa bao giờ Mưh bị lạc đường. Nó tìm đường đi còn tài hơn cả lũ chó săn giống Mông đuôi cụt nhà Po Han nuôi. Giống chó săn mà Po Han luôn khoe khoang khắp mấy làng vùng đồi này. Mưh từng bị bán cho gã lái bò ở Phan. Hắn mua, cho lên xe chở về bán cho lò mổ nằm sát biển, tít tận Bà Nài. Vậy mà Mưh đã trốn thoát, tìm được đường về. Nó không thể giật đứt sợi dây buộc bằng đay to bằng ngón chân cái, rất bền của bọn lái bò. Nó kéo căng đến nỗi sợi dây gai xỏ mũi như một lưỡi dao cắt luôn thành vách mũi nó. Về đến nhà, máu vẫn còn rỉ ra từ vết cắt. Đang đêm, đang ngủ say, Thoi thấy má mình ươn ướt, ram ráp, hoá ra con Mưh liếm lên mặt… Không hiểu sao nó có thể đi cả trăm cây số đường không bị ai đó bắt giữ để về đến làng Ham… Gã lái bò, mờ đất, đã tìm đến để dắt con Mưh đi, nhưng Thoi ôm lấy Mưh kiên quyết giữ lại. Muốn giữ, phải hoàn trả tiền cho lái bò. Tất cả tiền dành dụm của Thoi không đủ, anh phải xin ông chủ luôn tiền công của mấy năm tiếp đấy. Con Mưh thành tài sản riêng của Thoi, và nó cũng là tất cả những gì Thoi có. Nó thuộc về Thoi vì giá bán đi, giá chuộc khá thấp, người ta coi Mưh chỉ là một con bò thịt. Mưh hoàn toàn không có lấy một tướng đẹp nào trong con mắt của mấy gã lái bò, đó là tướng xoáy và tướng móng, tướng mông. Con bò hay trên lưng có khoảng 3 xoáy, hai bên mang tai phải có thêm 2 xoáy, móng phải thật khít vào nhau, mông phải nở bành ra, bụng thon. Mưh không có lấy một cái xoáy ở bất cứ đâu, mông không nở, móng nó hở và bẹt ra, bước đi tạo nên những dấu guốc to bất thường.

Nước. Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn
Minh hoạ Đặng Tiến

Không lẽ, con Mưh già đã không còn nhận ra đường? Không lẽ, ai đó đã bắt con Mưh? Đêm qua, Thoi đã múc đầy nước vào bốn thùng nhựa mang theo, chất lên xe bò, gắn vào đấy một mảnh giấy thông báo thông tin quan trọng cho dân làng biết “Đã tìm ra mó nước” và bảo con Mưh chở về làng. Theo lẽ thường, thì sáng nay, người làng đã kéo vào lũng Nham này. Thoi đang chờ người làng, chờ thực phẩm mang đến từ họ, đã ba ngày nay Thoi không còn gì để ăn, đang lả đi vì đói… Anh chờ Mưh và dân làng từng giây, từng phút…

Thoi áp tai lên mặt đất mong ngóng có tiếng động vọng lại. Cái xe bò nếu lăn bánh trên đường, từ xa mấy trăm mét, Thoi đã có thể nghe và nhận ra nó. Không những vậy, giữa hàng ngàn chiếc xe bò cùng chuyển động trên đường, Thoi vẫn nhận ra xe bò Mưh vì một chút đoạn nối bánh bằng cao su bị thiếu thành ra khi quay một vòng tròn sẽ có một nhịp bị hẫng phát ra âm thanh khác lạ…

*

Mọi năm vào cữ này, vùng đồi hạn cháy, giếng nước, ao hồ khô cạn trơ đáy. Làng Ham nằm trong vùng đất luôn khô hạn thiếu nước, mưa họa hoằn lắm chỉ rải rác lây phây như chim đái, không đủ thấm đất. Nhìn khắp làng Ham chỉ một màu cát trắng, với những đám đất bỏ hoang, chỉ có cây xương rồng tồn tại, chúng cằn cọc, xơ bơ vài gang tay trên mặt cát, vẫn kiên gan dưới ánh mặt trời thiêu đốt. Cát trắng và xương rồng là bức tranh cảnh quan quanh năm đập vào mắt Thoi. Mùa khô, tháng hai, tháng ba âm lịch đó là thời điểm cháy khát, nóng nhất năm. Mặt trời luôn đỏ rực như một hòn than khổng lồ treo ngay trên đầu, mặt đất như một cái chảo gang, rang khô mọi thứ. Người làng không dám ra đường, đặt chân xuống nền đất, gan bàn chân sẽ bị luộc cháy. Đám trẻ con làng Ham muốn đi qua bãi cát phải dùng những chiếc mo nang đặt lên cát rồi bước nhanh chân lên đấy. Thường độ ấy, già làng sẽ phải mời thầy địa lí đến tìm các mó nước để dân làng sống được qua ngày chờ mùa mưa đến.

Thoi cùng con bò Mưh và thầy địa lí Po lang thang khắp cánh đồng làng Ham, qua gò đồi Ham Rao để tìm mó nước. Thầy địa lí lập đàn cúng cầu khấn trời đất phù hộ, rồi ông sẽ bắt đầu việc tìm kiếm. Khi phát hiện ra mó nước, Thoi đánh dấu, ngày đẹp tiếp đấy, sau lễ cúng tạ ơn trời đất, dân làng sẽ đào giếng, đào cho đến khi đến mó nước. Nước đó cứu làng Ham qua mùa hạn hán. Không phải khi nào chỗ thầy Po chỉ đều có nước. Nhiều giếng đào đến đá khô cong không có một giọt. Thầy Po đưa hai tay lên trời: Yàng không cho làng ta rồi! Yàng giận rồi. Làng lại làm lễ cầu trời, hôm sau, Thoi và thầy Po tiếp tục lang thang ngoài đồng, trong thung lũng, qua các gò đồi để tìm mó nước mới. Thoi luôn quan sát thầy Po để hi vọng học được điều gì. Nhiều khi thầy Po có những động thái rất lạ, nếu không từng đi với thầy thì Thoi đã nghĩ thầy điên, thầy lên cơn: thầy xoã tóc, múa may, gào thét… co giật, lăn lộn trên đất, cát. Có lúc thầy nằm im như bị động kinh nhưng chớ dại gọi thầy, sẽ bị thầy mắng cho lút đầu… Thầy sẽ bất ngờ vùng dậy, chỉ tay vào một điểm nào đó quanh đấy, Thoi lấy một cái cờ nhỏ cắm đánh dấu: Thầy đã tìm ra mó nước. Nhiều khi thầy dùng một dụng cụ nhỏ, hai cái ống gỗ, trên đó cắm hai thanh sắt mảnh bị bẻ hình chữ L và thầy cứ dò dẫm bước đi trông không khác gì mấy người đi dò sắt phế liệu, dò mảnh bom, đạn sau chiến tranh… Thầy Po có lần cao hứng đã hứa với Thoi, khi nào già, thầy sẽ xin Yang truyền lại nghề cho Thoi… Nhưng thầy Po chưa kịp truyền nghề thì đã ra đi… Thầy ra đi đúng mùa khô năm trước khi vừa tìm xong một mó nước cho làng Ham, thầy ngã vật xuống và cấm khẩu ngay khi đang hành lễ cúng. Tay chân thầy bất động, chỉ có đôi mắt màu lam mờ đục vẫn còn nhận biết được, ra hiệu cho Thoi, đưa ngay thầy về nhà ở làng bên, không đi viện, không cấp cứu. Phải đưa ngay thầy về nhà! Mấy thanh niên trai tráng giúp Thoi nâng thầy đặt lên thùng xe bò. Con Mưh hình như cũng biết việc gấp, nó ùm bò và chạy lồng lên như ngựa phi băng qua cánh đồng làng, cuốn theo cả một vệt bụi mờ mịt. Làng thầy Po cũng như làng Ham, người chết muốn được lên cõi trời, đầu thai qua kiếp khác, phải chết trong chính ngôi nhà của mình, chết trên giường ngủ của mình. Đó được coi là cái chết lành. Người hiền lương phải ra đi như vậy.

Nhờ con Mưh, nhờ Thoi, thầy địa lí Po đã kịp về đến nhà, nằm lên cái giường gỗ sưa có màn rèm và treo rất nhiều chỉ ngũ sắc mới nhắm mắt ra đi. Linh hồn thầy được siêu thoát, chỉ có Thoi không may mắn, chưa được thầy xin phép Yàng truyền cho bí quyết tìm mó nước và vào mùa khô năm nay dân làng phải đi tìm một thầy địa lí mới… mà vẫn chưa tìm được…

*

Trong khi người làng kiếm thầy địa lí mới, Thoi đã tự đi tìm mó nước theo những kinh nghiệm học được từ thầy Po qua nhiều năm theo ông. Đôi khi thầy Po vẫn nói rằng, ở làng Ham, khắp vùng Ham Rao rất khó tìm ra một vị trí có thể đào giếng có nước quanh năm vì địa chất cả vùng này chỉ là lớp cát dày nằm trên nền đá hay lớp sét. Nước mưa không thể thấm sâu xuống đất thành nước ngầm, mà sẽ chảy tràn trên bề mặt rồi bốc hơi biến mất. Chỉ có một số vị trí do bề mặt lồi lõm, mặt cong của lớp đá, nước bị đọng lại giữ ở đấy. Những vị trí như vậy làng vẫn gọi là mó nước, mó nước chỉ đủ cho làng dùng một thời gian ngắn.

Mỗi lần cắm cọc đánh dấu khi thầy Po tìm ra mó nước, Thoi quan sát thấy ở đấy nền đất thường ẩm, cây cỏ mọc lên không khô cháy như các vị trí khác, có thể thấy ếch, nhái, dế và một số côn trùng tụ tập lại dưới lớp cát mỏng. Nhưng có những mó nước lớn, nằm sâu cả chục mét thì không có dấu hiệu gì, Thoi quan sát thấy thầy Po tìm ra chúng bằng mấy thanh sắt cầm trên tay, khi chúng chập vào nhau, hay đôi khi thầy Po rung rung chiếc nhẫn trên sợi dây. Thoi cứ tự hỏi: Phải chăng nguồn nước tác động lên những vật làm bằng kim loại, làm bằng vàng, bạc...

Thoi tìm được một mó nước sau nhiều ngày tìm kiếm, anh vui mừng báo tin với trưởng làng. Ông trưởng làng Ham vuốt vuốt mãi chòm râu:

“Mày có chắc không?”

“Chắc!”

“Mày tìm được do ông thầy Po dạy à?”

“Không. Ông chưa dạy cho con. Con tự học thôi!”

Ông trưởng làng phân vân: thầy địa lí mới chưa đến, mà làng nhiều nhà không còn giọt nước, ông liều gọi dân làng đào giếng nơi Thoi chỉ. May mắn, có nước dù không nhiều. Đủ cho dân làng dùng tạm qua một tuần. Thoi hân hoan với thành công ban đầu. Nhưng hai mó nước sau đào đến nền đá không có một giọt nước. Mấy người đàn ông đã văng tục: “Thằng Thoi thì biết gì!”, “Mó nước kia, chỉ ăn may thôi!”

Khi Thoi đến báo cho trưởng làng mó nước thứ tư, thì ông trưởng làng Ham trả lời dứt khoát:

“Tao không gọi dân làng đào giếng ở mó nước mày chỉ nữa đâu!”

“Tui hứa chắc chỗ này có nước!”

“Thôi Thoi, người tìm mó nước phải là thầy chứ không phải một đứa như mày. Phải là người của thần linh và được thần linh mách bảo. Còn mày tìm theo kinh nghiệm thì dân làng không tin đâu!”

“Phải được thần linh mách bảo!” Câu nói đó của trưởng làng làm Thoi đau đến tận tim. Anh biết ở làng anh là đứa trẻ mồ côi, một đứa bé bị bỏ rơi... không là người được thần linh che chở, bảo trợ. Các vị thần linh ở trên cao kia, không chọn một đứa trẻ mồ côi như anh để mách bảo. Với dân làng, việc tìm nước của thầy Po đâu phải thầy biết cách tìm mà chẳng qua thần linh mách bảo cho thầy, chỉ cho thầy… Ở Ham Rao, các thầy cúng, thầy địa lí… đều là người xuất thân từ tầng lớp trên, từ xưa đến nay, không có một đứa trẻ mồ côi, một đứa trẻ bị bỏ rơi nào lớn lên có thể làm thầy… Cả làng Ham sắp chết khát đến nơi, đã có nhiều súc vật chết vì thiếu nước, nhưng họ chỉ chờ thầy địa lí đến, không ai mang cào, cuốc, xẻng ra vị trí Thoi chỉ…

Vì Thoi chỉ là một đứa bé mồ côi, một đứa bé mãi đến giờ không ai biết cha mẹ, gốc gác…

*

Thoi chất xẻng, cuốc, xà beng lên xe bò, thầm thì với con Mưh: Tao với mày sẽ đi tìm nước. Dân làng không tin tao, thôi tao với mày sẽ tự đào luôn giếng nước. Mà, tao không tìm mó nước, lần này, tao sẽ tìm luôn một giếng nước trong xanh, nước vô tận như bên làng Mua. Tao tìm luôn một điểm định cư mới cho làng. Đã là làng phải là nơi có nguồn nước, một bến sông, một dòng suối, hay ít nhất phải có một giếng nước, mà vào những ngày hạn cháy khô vẫn còn nước…

Làng Ham từ xưa nay thiếu đi một giếng nước, một bến sông… để được coi là một nơi an cư, là quê hương của mọi người.

Thoi vẫn nhớ câu chuyện các già làng kể lại: Hồi làng Ham, làng Mua mới đến định cư ở vùng Ham Rao, có một đoàn người ngựa ghé qua nghỉ lại dưới cây mỗm duy nhất nằm giữa làng Ham, làng Mua… Hai trưởng làng không muốn họ lưu lại dưới gốc mỗm nên cho người đuổi đi. Một cụ già trong nhóm dân di cư ra gặp hai trưởng làng: Ông chỉ xin nghỉ qua đêm, ngày hôm sau họ sẽ đi tiếp về Nam. Ông là thầy địa lí, ông có thể tìm cho làng mạch đất tốt. Nhưng ông không có nhiều thời gian nên chỉ giúp mỗi làng một việc thôi, các cụ cần giúp gì thì nói. Trưởng làng Ham nhờ thầy tìm cho một chỗ đất tốt đặt miếu làng để vật nuôi: bò, dê, cừu… sinh sôi quanh năm. Còn làng Mua, họ nhờ thầy tìm cho một vị trí đào giếng nước. Ông thầy tối đó đi ngủ sớm và ông trở dậy lúc mờ sáng một mình một ngựa chạy khắp vùng Ham Rao.

Ông quay về khi xe ngựa, mọi người trong đoàn đã chuẩn bị lên đường. Hai trưởng làng đứng đấy chờ ông từ sáng sớm và đang lo lắng sợ ông quên lời hứa đêm qua.

“Ông nhìn thấy ngọn đồi kia không? Từ đỉnh ngọn đồi ấy chếch về phía Nam hai ngàn bước chân người lớn, ông dời miếu làng qua đấy, gia súc làng ông sinh sôi quanh năm.”

Rồi quay qua, trưởng làng Mua: “Vị trí giếng nước cho làng ông. Tôi đã cắm ở đấy một cành mỗm. Ông cứ nhằm hướng đông đi từ đây sẽ gặp. Ông cho đào sâu tám thước đến nền đá ong. Nước giếng luôn mát lạnh.”

Ông thầy địa lí nói vậy rồi quất ngựa theo đoàn. Khi hai trưởng làng giật mình nhớ ra chưa hỏi tên ông thì đoàn xe ngựa đã biến mất, không còn tăm dạng. Làng Ham chuyển đến gần đồi Đá Trắng, gia súc sinh sôi quanh năm, số lượng tăng lên chóng mặt. Còn làng Mua họ có một giếng nước tuyệt vời, cả mùa hạn hán khi khắp vùng các giếng nước khác đều khô đáy thì giếng làng Mua qua mỗi đêm vẫn có nước rỉ ra từ đá ong trong văn vắt đủ dùng cho dân làng.

Chỉ ít năm sau, người làng Ham đã nhận ra mình sai lầm khi nhờ thầy tìm vùng đất súc vật sinh sôi nảy nở mà không tìm một giếng nước. Có giếng nước, mùa màng xanh tươi, súc vật cũng sinh sôi nảy nở như bên làng Mua, còn sinh vật sinh sôi nảy nở như làng Ham nhưng thiếu nước uống vào mùa hạn đã bị chết rất nhiều… Họ ân hận cho lựa chọn của mình nhưng biết tìm đâu ra ông thầy địa lí nọ. Nghe nói đoàn người di cư đã bị bọn cướp chặn giết hết trên đường đi…

Cái giếng Mỗm thành nguồn cơn chia cắt tình thân hai làng Ham và Mua. Vì nước chỉ đủ dùng vào mùa hạn, nên dân làng Mua canh không cho người làng Ham qua lấy nước.

Không cho lấy thì trộm. Dân làng Ham chờ khi trời tối mang lu, thạp… kéo qua. Dân làng Mua không vừa, họ cho người trực giếng, ăn ngủ ngay tại giếng. Rồi xảy ra xô xát thanh niên hai làng nói chuyện với nhau bằng gậy gộc, đất cục, đá… Dân làng Mua bỏ tiền xây hàng rào cao hơn đầu người bao kín giếng, chỉ chừa một cửa ra vào có khoá. Dân làng Ham không còn bén mảng đến giếng Mỗm được… Dân hai làng từ đó, không còn nhìn mặt nhau, trai gái hai làng không còn tơ tưởng đến nhau…

*

Thoi và con bò Mưh săn tìm nước nhiều ngày trong vùng gò đồi ở phía Tây làng Ham. Có mấy lần, Thoi đã tìm ra mó nước, nhưng anh đã bỏ qua, anh quyết tâm tìm một vị trí có thể đào được một giếng nước như bên làng Mua. Với giếng nước ấy, làng Ham có thể dời qua định cư ở đây, và nơi định cư mới sẽ chính là một quê hương thực sự: có làng và nước.

Một vị trí đất đào sâu 15-30m, sẽ gặp mạch nước ngầm, mà chắc chắn vào mùa khô hạn nhất nguồn nước vẫn còn. Nếu như đấy là chỗ đứt gãy của nền đá nguyên khối, là đáy lớp đá granit phong hoá, là lớp đá trầm tích có mạch nước ngầm càng tuyệt vời: nước sẽ luôn mát lành và trong vắt quanh năm.

Ngày thứ tám trong chuyến săn tìm nước, Thoi quần đảo trong khu gò sau đồi Đá Trắng, nơi vẫn gọi là lũng Nham, anh phát hiện có một cây găng dại còn giữ được mấy chiếc lá xanh và cỏ chỉ bò lan trên mặt đất, dưới lớp cát nóng rực vì bị nắng thiêu cháy vẫn tìm thấy lũ côn trùng, tìm thấy một vài con dế, và giun đất. Thoi mang những chiếc lá môn khô đã chuẩn bị sẵn rải ra xung quanh cây găng trong lũng Nham. Sáng hôm sau, anh reo lên sung sướng khi gỡ mặt những lá môn khô lên: nhiều lá môn mặt dưới đọng lại nước, nhất là mấy lá môn gần chân đồi Đá Trắng, chỗ mặt đất gãy gập xuống như nét đứt của địa tầng: Mạch nước ở đây! Bằng linh cảm của mình sau khi quan sát xung quanh, Thoi tin chắc chính là vị trí giếng nước anh đang cần tìm cho làng Ham.

Thoi quyết định sẽ tự đào một mình. Anh sẽ đào cho đến khi đến mạch nước mới thông báo cho dân làng. Thoi thả con Mưh cho nó tự đi kiếm ăn trong lũng vì cỏ khô mang theo cho con bò đã hết, thức ăn cho Thoi còn đủ nửa tuần trăng. Thường đào một mó nước sâu 7-10m sẽ cần khoảng 60 người làng, chia ba ca làm liên tục, mỗi ca 20 người: người đào, người chuyển đất lên, người mang đi đổ. Khi gặp vỉa đá, phải thêm người phá đá. Phải mất một tuần. Nay, chỉ mình Thoi, có làm việc ngày đêm, có làm việc gấp ba những người khác, ngày làm cả ba ca, thì cũng sẽ mất hơn tháng mới đào chuyển đi được khối lượng đất này, đấy là nếu không gặp nền đá… Thoi đào như điên, hết đào thì chuyển đất. Anh làm việc không nghỉ, không ngủ, gần như mỗi ngày đêm anh chỉ ngưng lại 30 phút để nấu cơm trong cái nồi nhỏ mang theo, rồi mất 15 phút để ăn với cá khô và muối. Càng đào sâu, Thoi càng mất nhiều thời gian để vận chuyển đất. Về sau, anh phân bổ lại thời gian: đêm đào, ngày vận chuyển đất… Cả nấu cơm và ăn cũng chuyển về đêm. Chỉ có con Mưh là nhàn nhã, nó đi kiếm ăn cả ngày, chiều quay về nhìn xuống cái hố đào, nhìn chủ nó hì hục ở dưới đó, ọ lên mấy tiếng. Đôi mắt nó ươn ướt mỗi khi nhìn ông chủ: tuồng như muốn nói, cả đời nó chưa thấy ai đào giếng có mỗi mình. Cả đời nó đã chứng kiến bao nhiêu lần dân làng Ham mở hội khi đào giếng: nào dê, nào cừu… ngả thịt ngổn ngang và thui cháy toả mùi thơm khắp núi, khắp đồi. Rồi trống to, trống nhỏ khua lên rộn rã, kèn saranai, đàn kani réo rắt cả đêm… Người làng ăn uống, nhảy múa… Ôi, không có vụ đào giếng nào buồn, im ắng đến thế này… Ôi, không có vụ đào giếng nào đơn độc, quạnh hiu như thế này… Có khi nguồn nước nó buồn nó cũng không tìm đến…

Ngày thứ 20, đáy giếng có nước, nước rịn ra lúc nửa đêm khi Thoi đang ngủ. Từ khi đào giếng, Thoi đều ngủ ngay dưới giếng vì nằm trên đất mới đào đỡ đi được cái nóng hầm hập. Đêm đang ngủ, Thoi thấy lạnh dưới mông, bật dậy sờ tay lên nền đất: nước. Thoi reo lên giữa đêm nhưng chỉ có con Mưh nghe tiếng reo của anh, nó cũng kêu ậm bò, ậm bò mấy tiếng. Thoi túm lấy sừng con Mưh nhảy múa. Ôi! Thoi nhảy điệu mừng mùa lúa mới. Đã lâu lắm rồi, Thoi không còn nhảy múa vào mùa lúa mới với dân làng. Những cô gái đã nhảy múa với Thoi từ bao năm trước đã cưới chồng, đã thành bà hết rồi… Chỉ còn Thoi vẫn trơ ra ở làng, như một cái rợ hỏng, không ai muốn cầm lên, không một ông mối nào tìm đến để bắt lễ tơ hồng… Khắp vùng Ham Rao, có lẽ chỉ có Yên ở làng Mua là còn để mắt tới Thoi. Yên mồ côi, cũng đi ở đợ, bán hàng thuê. Thoi đôi khi vẫn chở thuê hàng cho chủ Yên ở chợ. Hai người nhiều lần đi cùng chuyến xe bò Mưh, Yên ngồi sau xe, đôi khi đưa đôi mắt nhìn Mưh là lạ. Không biết đôi mắt ấy sẽ đưa họ đến đâu, nếu như cái giếng Mỗm không chia cắt họ. Thoi cũng như đám trai ở làng Ham không bao giờ có cơ hội đặt chân đến làng Mua làm rể…

Ngày hôm sau, Thoi đào ngập ba cán xẻng thì nước đã rịn ra đọng thành vũng ở chỗ sâu nhất hố đào. Anh gom nước múc vào bốn chiếc thùng nhựa mang theo rồi chất lên xe bò. Thoi xé tờ giấy trong cuốn sổ tay, viết mấy chữ buộc ngay lên càng xe để người làng thấy ngay khi Mưh về đến nơi: “Làng ơi, Thoi đã tìm thấy nước. Một vị trí giếng nước đẹp như giếng làng Mua. Làng đến đào giúp Thoi!”

Thoi ôm cổ con Mưh, vỗ vỗ vào mấy thùng nước, phất tay chỉ về hướng làng Ham rồi hét lên với con Mưh: Đi đi!

Con Mưh hiểu ý, nó kêu lên ùm bò chào ông chủ, rồi xuyên màn đêm bước đi…

*

Con Mưh đi rồi, Thoi mới nhận ra hai ngày nay anh không ăn. Không ăn vì chẳng còn gì để ăn nữa. Gạo hết từ năm ngày trước, ba ngày tiếp, Thoi ăn khoai mì… và rồi mẩu khoai mì cuối cùng đã hết. Lúc đói, Thoi đã lần tìm mấy cái vỏ khoai mì, anh đã bóc ra, bỏ vào miệng nhá. Rồi lại tìm mấy cái lõi khoai mì đã vứt đi nhai cho đỡ vã…

Thoi lúc này mới thấy cơ thể rã rời, suy kiệt. Gần nửa tháng quần quật anh đã làm việc quá sức chịu đựng của cơ thể. Thoi bò lên lưng ngọn đồi chỗ có thể phóng tầm mắt ra xa để quan sát, từ đây, anh sẽ thấy con Mưh khi nó quay lại, anh sẽ thấy dân làng đang vui sướng kéo đến đón nguồn nước. Thoi tính nhẩm từng giờ, con Mưh quay về, dân làng sẽ tới và anh sẽ có thức ăn…

Ô lạ chưa, lẽ ra con Mưh đã phải trở lại, bóng dáng nó vẫn bặt tăm trên cánh đồng trắng một màu cát…

Hay, con Mưh đã về đến nơi, nhưng thầy địa lí mới đã đến làng Ham khi anh đi và làng Ham đã tìm được mó nước mới nên bốn thùng nước Mưh mang về, thông tin tìm được mó nước chẳng có ý nghĩa gì với dân làng. Họ không theo con Mưh đến đây vì quá xa xôi, và cũng không ai nghĩ đến việc sẽ chuyển cả làng đến định cư nơi mới. Nhưng, nếu vậy, ít nhất con Mưh sẽ quay lại với anh… và, Thoi có thể trở về làng theo con Mưh… Giờ Thoi cũng không còn cất chân lên nổi…

Để không bị ánh mặt trời đốt thành than, Thoi rời khỏi lưng đồi, anh tìm xuống nằm lưng chừng giếng nước: ở đấy nền đất ẩm, mát, và thành giếng che bớt ánh nắng. Anh chỉ còn cách nằm đợi con Mưh quay lại… Hình như không chỉ đói, cơ thể Thoi đang nóng sốt. Đôi khi nóng bừng đến tận mỗi lỗ chân lông, đôi khi Thoi run lên vì rét… Những vết tím tái lan dần ở da chân da tay… Phải chăng nó tím tái như ngày dân làng Ham tìm thấy Thoi trong chiếc giỏ bên miếu làng..

*

Người làng Ham thấy Thoi trong cái giỏ bỏ bên miếu Làng. Cái miếu làng đã được dời về đồi Đá Trắng sau lời phán của thầy địa lí. Thằng bé được quấn trong một tấm mềm, bên cạnh là mấy hộp sữa và một xấp tiền, da đã tím tái. Không có một người phụ nữ ở làng Ham, hay quanh Ham Rao có thể sinh ra một đứa con da trắng, mắt to như Thoi. Chắc chắn Thoi là con của một bà mẹ nào đó đi ngang qua Ham Rao, có thể là con của chị du lịch ba lô… để lại. Ông bà Nhan nghèo, hiếm muộn nhận nuôi Thoi. Khi lớn lên, thằng bé Thoi đi chăn dê, cừu thuê cho nhà Jo Han lang thang khắp núi, gò, đồi vùng Ham Rao. Nước da trắng xanh của Thoi dần dần rồi cũng chuyển sang màu xam xám, đen đen như bao nhiêu đứa trẻ ở làng Ham. Vào dịp giáp mùa, Thoi cũng biết vào rừng đào củ mài, củ hoàng tinh, hái rau lủi, rau sam… để chống đói như những đứa trẻ khác. Vào những trưa nắng cháy, Thoi cũng biết buộc vỏ nang dưới chân để đi qua đồi cát. Nhưng trong mắt của đám trẻ con thì nó vẫn là đứa trẻ mồ côi, không cha mẹ, mà khi thích, chúng có thể trêu chọc Thoi làm trò vui. Còn trong mắt người lớn: họ vẫn luôn coi Thoi là đứa bé có gốc gác thành thị. Họ vẫn nhớ làn da trắng như trứng gà bóc của Thoi khi nhặt được bên miếu làng, khi họ mở tấm mền bọc nó ra…

Thoi đã sống qua những mùa khô khủng khiếp, những mùa hạn các hồ, ao, giếng… trơ đáy, không còn một giọt nước…

Lần đầu tiên, khi mới bốn, năm tuổi, thấy người làng canh cừu, dê đái để hứng nước đái, Thoi đã thấy lạ. Họ còn xuýt xoa tiếc nuối khi để rơi ít giọt ra ngoài. Nước đái hứng được từ xô, được gom lại đổ vào thùng. Lên sáu, khi theo lão Pay dẫn dê, cừu vào đồi Đá Trắng trong mùa hè khô hạn, thì chính Thoi được lão Pay giao cho việc hứng nước đái lũ cừu, dê. Lão Pay dúi cái xô vào tay Thoi rồi bày vẽ:

“Mày phải luôn đưa mắt quan sát. Con nào dạng háng, cong đuôi, gò lưng… thì phải cầm xô chạy ngay tới!”

“Chạy tới để làm gì?”

“Ngu ạ. Để hứng nước thải của chúng. Nhớ khi chúng sắp đái nó sẽ đứng dạng chân sau ra, cong đuôi, cong lưng lên nghe chưa. Cầm cái xô hứng hết không để rơi một giọt!”

Thực ra, lũ cừu, dê, bò… khi cong đuôi, gò lưng… không hẳn chúng đái mà có lúc chúng đi ỉa. Nhưng theo thời gian, Thoi đã biết quan sát để không bị nhầm lẫn việc chúng sẽ ỉa hay đái. Tín hiệu ấy chỉ khác nhau… khác nhau một xíu trong con mắt người chăn súc vật chuyên nghiệp. Suốt ngày, Thoi đứng trên ở mấy mô đất cao có thể quan sát được bầy súc vật, tay cầm cái xô, mắt dán vào đuôi, lưng chúng… hễ thấy có tín hiệu là lao đến. Để mất giọt nước đái nào là chết với lão Pay. Lão ca cẩm, cằn nhằn mãi. Nước đái cừu, dê từ xô được gom lại để dành trong các thùng nhựa. Thoi sửng sốt, đến ói mửa khi thấy những người chăn gia súc dùng thứ nước đó để giặt quần áo, rửa mặt và tắm. Mấy mùa khô đầu, Thoi chịu bẩn, đất cát bám thành lớp trên da, ngứa ngáy vô cùng, chứ nhất quyết không tắm, không rửa mặt bằng nước đái cừu, dê. Rồi cuối mùa chăn gia súc thứ ba trong đời mình, Thoi cũng đã tắm. Một thứ nước khai òm ngập vào mũi khi múc đổ lên đầu, và chúng tràn qua đôi môi đã mím chặt của Thoi vị mặn chát, tởm lợm. Trong nước đái cừu ngoài mùi khai còn có vị mặn của muối.

Có một mùa khô Thoi đưa đàn cừu vào tận bãi đồi cuối Ham Rao, một phần tư cừu con sinh ra đều bị chết vì nắng, vì thiếu thức ăn, nhưng chủ yếu chết khát.

Lão Pay quát lên khi thấy Thoi đổ nước trong can nhựa ra uống:

“Không! Còn ít nước cứu mạng bầy cừu, mày không được uống!”

“Nhưng con khát quá!”

“Mày lấy nước đái cừu mà uống!”

“Uống nước đái cừu?”

“Mày không biết à. Nhiều mùa khô, bọn ta đều uống nước đái cừu, nước đái dê, đái bò… đấy. Có ai chết đâu!”

Khi đó Thoi mới biết những người chăn cừu có những mùa khô không chỉ tắm mà còn uống cả nước đái cừu, nước đái dê, nước đái bò… Mấy con súc vật không bao giờ chịu uống thứ nước chúng thải ra và chúng sẽ chết vì khát. Nhưng con người có thể uống nước đái của chúng nên phải nhường nước ngọt để cứu chúng…

*

Cái con sông Cò Diệc đến với Thoi vào lúc này, lúc anh đang mê mệt vì cơn sốt, khi đã qua ngày thứ năm, con Mưh vẫn chưa trở lại…

Đấy là lần duy nhất anh đi xuống vùng biển. Một người mua sỉ đàn dê gần trăm con, yêu cầu có một người có kinh nghiệm nuôi gia súc đi theo chăn dê trong thời gian chờ họ bán cho các tiệm xẻ thịt. Ông chủ bảo Thoi đi theo họ. Lần đầu tiên, Thoi biết đến các vùng đất dồi dào nước, thừa thãi nước, chìm trong nước… Hôm đầu tiên trong hành trình về thành phố, xe dừng lại ở một quán ăn. Bên hông quán, một téc nước lớn đặt trên giá cao. Người phụ xe lấy cái vòi nước xả cho bầy dê, Thoi sung sướng đứng chung với đám dê hứng dòng nước mát rượi ngọt ngào đó. Nước chảy ròng ròng từ đầu xuống chân, đọng thành vũng trên nền đất. Thoi muốn được đứng mãi dưới vòi nước mát lạnh. Ở Ham Rao chưa bao giờ, Thoi dám tắm quá một thùng nước ngọt… Người mua cừu, đã phải kéo Thoi ra khỏi vòi nước, đẩy anh vào quán ăn gấp bữa trưa để rời đi.

Rồi khi đàn dê được thả xuống vỗ béo trên đồng cỏ ngay đó là con sông Cò Diệc trong xanh văn vắt giữa mùa hè. Ngày nào, Thoi cũng ba, bốn lần nhào xuống sông. Không phải tắm mà để được ngâm mình, để được chìm, hoà vào nước. Cò Diệc, đó là con sông nước ngọt đầu tiên Thoi đắm vào lòng nó trong đời. Không thể nói hết được sự sung sướng, háo hức của đứa bé vùng Ham Rao khô hạn được ngụp, lặn, trong dòng nước sông mát lạnh, ve vuốt, mơn trớn làn da…

Thoi không bao giờ quên được đôi mắt ấy. Đôi mắt Thoi bắt gặp khi từ dưới sông Cò Diệc bước lên bến để về. Một đôi mắt to, đen với cái nhìn chăm chú. Ở Ham Rao, không có cô gái nào nhìn Thoi như vậy. Các cô gái ở Ham Rao đều biết rõ về thằng bé Thoi mồ côi, đi ở đợ, và là người ở tầng lớp dưới cùng ở làng… Có lẽ, không cô gái nào mơ tưởng đến Thoi nên ánh nhìn của họ cứ trợt qua anh…

Thoi vẫn muốn ở lại thật lâu, chiều chiều ra sông Cò Diệc tắm, để bắt gặp cô gái chiều nào cũng ra bến sông giặt quần áo, để được bắt gặp cái nhìn thăm thẳm từ đôi mắt đen của cô gái… Nhưng, Thoi đã rời khỏi đó..

Một lần, cùng người lái buôn đi giao dê cho nhà hàng trong thành phố, Thoi đã nhảy bổ vào đánh nhau với mấy tay đồ tể vì không chấp nhận việc chúng hành hạ con vật trước khi giết thịt. Thoi nhảy vào giật cây roi mây trên tay gã đồ tể và xô xát với đám làm bếp, đám phục vụ nhà hàng, bị chúng dần cho một trận nhừ tử. Ngay đêm đó, Thoi rời thành phố, sau khi tuyên bố với gã lái buôn, sẽ giết hắn nếu hắn còn mò đến Ham Rao mua dê.

Bây giờ, Thoi nhớ da diết đôi mắt ấy… Thoi lấy làm tiếc đã không quay lại bến sông Cò Diệc để gặp lại cô gái ra sông giặt áo mỗi chiều. Lẽ ra Thoi nên bán con Mưh, lấy tiền đi đến bến sông đó, đến đó ít nhất một lần. Biết đâu cô gái ấy cũng yêu Thoi…

*

Ngày thứ 8, con Mưh vẫn không quay lại, không nghe tiếng chân của nó, không nghe nhịp bánh xe bò… Thoi đã gần như chìm dần trong cơn sốt mê man, chân tay bất động không còn nhúc nhích được… Nước ngầm từ giếng đã dâng lên gần ngập chỗ Thoi nằm… Đám côn trùng, ếch, nhái… phát hiện ra nước đã tìm đến…

Ngày thứ 9, một con rắn cạp nia dài loằng ngoẵng hơn năm mét, thân khoang trắng khoang đen, đầu nhọn hình tam giác, có một cái mồng đỏ choé giữa góc tam giác, phát hiện ra nguồn nước…

Đặng Chương Ngạn | Báo Văn nghệ

Nước. Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn
Trees by the Water của Paul Cezanne.

---------

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc truyện: Mật mã lạc quan. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Tiến Hóa Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 37/2024 Đọc truyện: Đời hoang. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đình Tú Đọc truyện: Tiếng chuông chùa. Truyện ngắn dự thi của An Chinh Trời hôm nay không mưa. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Bích Vượng
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn