Nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Nga Pavel Basinsky sinh năm 1961 tại tỉnh Volgograd. Ông là hội viên Hội nhà văn Nga, viện sĩ Viện Hàn lâm văn học đương đại Nga, thành viên ban giám khảo thường trực giải thưởng A.Solzhenitsyn. Pavel Basinsky là tác giả 16 đầu sách với nhiều thể loại khác nhau. Năm 2010, cuốn “Lev Tolstoy: Cuộc chạy trốn khỏi thiên đường” của ông đã đoạt giải thưởng văn học quốc gia “Cuốn sách lớn”. Vì những đóng góp vào sự phát triển văn học Nga, năm 2019, ông được trao tặng giải thưởng quốc gia trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật. Trong bài trả lời phỏng vấn sau đây Pavel Basinsky chia sẻ một số suy nghĩ của ông về văn học Nga. |
Nhà văn Pavel Basinsky |
* Xin cho biết ông có hay đọc lại các cuốn sách không?
- Thời gian gần đây, rất ít khi tôi đọc lại, nói chung lâu nay tôi không đọc sách vì hứng thú, mà chỉ vì yêu cầu nghề nghiệp như một nhà phê bình. Nhưng đôi khi bỗng nhiên bạn muốn tìm một cái gì đấy đã đọc từ lâu, bạn bắt đầu đọc và không thể dừng lại, cứ đọc mãi, đọc mãi.
* Thực ra, câu hỏi này là nguyên nhân dẫn tới một câu hỏi khác. Tôi muốn hỏi ông đã đọc “Chiến tranh và hòa bình” hoặc “Anna Karenina” mấy lần?
- Tôi đã đọc toàn bộ “Chiến tranh và hòa bình” một lần. Còn sau đấy chỉ đọc lại những đoạn, những phần nào đấy, khi cần nhớ lại điều gì đấy.
- Thế còn “Anna Karenina”
- Tôi có một sở thích thế này – mùa hè nào cũng đọc lại “Karenina” và cứ mỗi lần tôi lại thấy ngạc nhiên là có một điều gì đấy mới mẻ xảy ra với các nhân vật mà trước đây không thấy. Nabokov viết rằng ở Anna Karenina không cảm thấy áp lực của ngòi bút tác giả, rằng cuốn sách dường như tự viết. Còn tôi có ý nghĩ rằng Anna Karenina được viết vô cùng tận. Đó là cuốn tiểu thuyết tự thay đổi. Bạn đọc đến lần thứ 5 hay thứ 6 và bỗng nhiên phát hiện ra rằng Vronsky có râu cằm, mà trước đây hình như không… Hoặc bạn đọc đến một đoạn nào đó và bỗng nhiên hiểu rằng ông Karenin tội nghiệp bị ép lấy Anna, chứ ông ta không muốn điều đó. Và lúc bấy giờ bạn hiểu hoàn toàn khác vì sao ông ta đau khổ vì bị vợ phản bội. Ông ta không những bị bắt lấy Anna, mà còn bị vợ cắm sừng. Thật là tồi tệ.
* Karenina có lẽ là ví dụ tiêu biểu nhất trong văn học Nga về nhân vật nữ do đàn ông nghĩ ra. Còn ông trong bài trả lời phỏng vấn về cuốn sách của mình “Câu chuyện bí mật của Liza Dyakonova”, nói rằng một người đàn ông viết cuốn sách về cô gái tự tử là điên rồ. Có phải ông thực sự cho rằng nhà văn đàn ông khó viết một cách thuyết phục về phụ nữ?
- Lúc bấy giờ tôi cảm thấy, có thể tôi sai, rằng khi đọc Evgeny Onegin hoặc Anna Karenina, phụ nữ họ sẽ cười đàn ông vì không hiểu gì về tâm lý của Tatyana Larina, người lấy chồng là một vị tướng, và Anna Karenina, người đã phản bội chồng, và sau đó nhảy xuống đường ray tầu hỏa. Điều dễ hiểu là có một khoảng cách lớn, một sự khác biệt lớn giữa tâm lý đàn ông và đàn bà. Bạn không thể tránh được điều đó. Nó là bẩm sinh. Và vì vậy, tìm hiểu nhận thức của một cô gái sống vào cuối thế kỷ XIX, là một điều hơi mạo hiểm. Nhưng thú vị.
* Ông cho rằng có một ranh giới nào đó có thể tiệm cận, nhưng không thể vượt qua?
- Hiện nay có khá nhiều tác phẩm văn học do phụ nữ viết. Thời Pushkin hầu như không có văn học nữ. Thời Tolstoy chỉ có George Sand, nhưng bà viết bằng bút danh đàn ông. Vì vậy ở đây chúng ta có nhiều kinh nghiệm hơn, có cái để định hướng. Nhưng dù sao thâm nhập vào tâm lý một phụ nữ phức tạp như Liza Dyakonova, quả là không đơn giản.
* Theo ông, trong văn hóa Nga trước thế kỷ XX, có những gương mặt nữ nào mà độc giả đại chúng chưa biết đến và sẽ rất thú vị nếu chúng ta phát hiện ra?
- Nhân tiện xin nói, vào thế kỷ XIX, các tạp chí phụ nữ đã được xuất bản và tiểu thuyêt nữ đã phát triển ở Nga. Chẳng hạn, Sofya Kovalevskaya là tác giả tiểu thuyết và truyện vừa khá nổi tiếng. Nữ văn sĩ kiêm dịch giả Marko Vovchok khá nổi tiếng ở thế kỷ XIX. Văn học nữ đã tồn tại và có nhiều tiểu thuyết nữ được xuất bản, đơn giản là chúng ta không biết. Nhưng tôi nghĩ rằng sẽ không có những phát hiện lớn nào đó.
Một phần cuốn sách của tôi nói về việc phụ nữ giành được quyền học đại học và phát triển nghề nghiệp như thế nào. Trước năm 1905, phụ nữ không được nhận vào các trường đại học!
Lúc bấy giờ chỉ ở nước Pháp tiến bộ, phụ nữ mới được học đại học – năm 1900, Liza Dyakonova sang Pháp học khoa luật Đại học Sorbonne. Vào năm đó, Janna Chauvin, một phụ nữ Pháp, nhận bằng cử nhân luật và được hành nghề luật – một sự kiện hết sức ấn tượng. Ngày bà nhận bằng, một nửa thành phố Paris đến xem điều kỳ diệu - người phụ nữ - luật sư ở Pháp. Còn ở Nga, điều đó hoàn toàn không thể. Vì lẽ đó phụ nữ không thể phát huy khả năng của mình, kể cả trong lĩnh vực văn học.
* Ông trước hết nổi tiếng là nhà viết tiểu sử Tolstoy và Gorky. Điều tôi quan tâm là: ông vừa viết văn xuôi vừa viết phê bình, ông có sợ là mình lưu lại trong lịch sử như một người chép tiểu sử của Tolstoy và Gorky không?
- Không sợ, nhưng tất nhiên là có lo lắng. Tôi đã viết 4 cuốn sách về Tolstoy, tôi cho rằng thế là quá nhiều và bây giờ phải tạm xa Tolstoy. Mặc dù tôi còn muốn viết một kịch bản, nơi một trong các nhân vật chính là Lev Tolstoy. Rất khó rời xa Tolstoy, sau Tolstoy nói chung rất khó viết về người khác. Ông là con người thú vị, phức tạp và tuyệt vời- tôi chưa nói về khía cạnh nhà văn, đơn giản là khía cạnh con người, đến mức sau đó không thích viết lắm về nhà văn khác nữa.
* Vì chưa đủ tầm?
- Vâng. Chẳng hạn Gorky trong chừng mực nào đấy, có thể, tương xứng với Tolstoy, không phải về tài năng văn chương, mà về tầm cỡ nhân cách. Rất khó tìm người nào đó. Có thể là Chekhov. Nhưng đã có nhiều cuốn sách hay về Chekhov của nhà nghiên cứu văn học Anh Donald Rayfield và Alevtina Kuzicheva, nhà Chekhov học chính của chúng ta. Về Dostoyevsky chúng ta đã có các nhà Dostoyevsky học chủ chốt như Ludmila Saraskina và Igor Volgin.
* Đó là tất cả những tên tuổi của cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX. Độc giả phương Tây hiểu rằng nước Nga là Tolstoy, Dostoyevsky, Chekhov. Tại sao văn học Nga đối với nhiều người trên thế giới chỉ dừng lại ở Chekhov?
- Thì văn học Hy Lạp cũng dừng lại ở Homer và Aeschylus, những người đã sáng tác cách đây hai ngàn năm, ngoài ra không có gì, người Hy Lạp chưa ai vượt qua hai vị ấy. Nước Ý vĩ đại cũng chỉ dừng lại ở Dante. Văn học Pháp, có lẽ, dừng lại ở Flaubert. Vì vậy nước Nga có ba nhà văn là không ít… Cần phải bình tĩnh, và không nên hỏi bao giờ ở nước Nga xuất hiện Tolstoy và Dostoyevsky mới. Không bao giờ. Và không sao!
* Các nhạc sĩ nói đùa rằng những bài hát mới được viết bởi những người trước đây viết không hay. Chúng ta cần gì Tolstoy mới, khi Tolstoy cũ chưa được đọc hết?
- Tất nhiên! Sẽ là quá nhiều nếu chúng ta có 10, 20 Tolstoy. Để làm gì? Trí tuệ không thể nhận thức nổi điều đó.
- Theo ông, văn học đương đại Nga có cơ hội được công nhận, yêu thích ngoài phạm vi không gian Nga ngữ không?
- Về phương diện này, văn học đương đại Nga khó có thể làm được điều đó. Thứ nhất, vì tiếng Anh chiếm vị trí thứ ba về số người sử dụng trên thế giới. Một người Mỹ hay người Anh, nếu anh ta nổi tiếng, thì sách của anh ta sẽ được đọc ở Ấn Độ, Canada, New Zealand và Australia... Vấn đề còn ở chỗ bất cứ nước phát triển nào trên thế giới cũng có khá nhiều nhà văn tài năng. Mỹ có rất nhiều nhà văn tài năng, thậm chí chúng ta không hình dung nổi văn học đương đại Mỹ phát triển đến mức nào.
Tiếp theo là vấn đề dịch thuật, vì rằng phải có các dịch giả. Dưới thời Liên Xô, chúng ta được thế giới quan tâm, vì chúng ta là một cường quốc đáng sợ, và có khá nhiều nhà Slav học – điều này bao giờ cũng gắn liền với tình hình chính trị. Sau đó, chúng ta được quan tâm vào thời cải tổ, Liên Xô sụp đổ, lúc bấy giờ các nhà văn được dịch, được đọc rất tích cực, vì điều đó thú vị. Còn sau đó thì không. Và bây giờ không có nhiều dịch giả tiếng Nga, chỉ mỗi một trường phái cũ.
Thêm nữa, độc giả châu Âu, hơn nữa là độc giả Mỹ, quả là không hiểu những vấn đề của chúng ta. Họ không quan tâm, đối với họ chúng ta là một thế giới khác. Câu chuyện của họ hoàn toàn khác. Còn những toan tính của các nhà văn Nga đương đại viết kiểu văn xuôi châu Âu, ví dụ như Nabokov, sẽ rất gượng ép.
Vì vậy ở đây có rất nhiều khó khăn. Thực ra, sách của tất cả các nhà văn Nga nổi tiếng cùng thế hệ tôi- Prilepin, Pelevin, Bykov, Vladimir Sorokin, Boris Akunin đều đã được dịch ở nước ngoài. Nhưng trừ Akunin, số lượng in rất ít, nhà xuất bản nhỏ, và những cuốn sách này đều không được phổ biến rộng rãi ở đấy.
* Kinh nghiệm của các nước Scandinavia cho thấy họ đã thực hiện thành công chính sách quảng bá văn học ra thế giới.
- Tại sao lại chỉ các nước Scandinavia? Ở Đức, Viện Goethe cũng làm việc này. Nước Pháp có chính sách Pháp ngữ, phổ biến và thậm chí du nhập tiếng Pháp. Và cả nước Nga cũng đã làm điều đó, nhưng rất tiếc, khá muộn. Chúng ta có viện dịch thuật tài trợ cho các dịch giả và một số nhà xuất bản. Cuốn Lev Tolstoy: Cuộc chạy trốn khỏi thiên đường của tôi được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ. Phần lớn các bản dịch này đều thông qua viện dịch thuật, các nhà xuất bản nhận tài trợ và dịch giả được trả thù lao ít ỏi. Dịch thuật là một công việc rất nặng nhọc, rất công phu, nếu không trả nhuận bút xứng đáng cho dịch giả, anh ta đơn giản là không biết lấy gì để sống, nếu còn muốn tiếp tục làm công việc này.
Trần Hậu | Báo Văn nghệ
(Theo News.yandex.ru)
-----------
Bài viết cùng chuyên mục