Diễn đàn lý luận

Phạm Ngọc Chiểu viết về bạn bè

Tác phẩm và dư luận
07:46 | 16/05/2024
Một ngày đầu năm 2024, tôi nhận được điện thoại của nhà văn Phạm Ngọc Chiểu. Qua sóng điện, Chiểu hỏi, hồi tôi còn trẻ, vốn quen thân với các nhà văn Quảng Ninh, như Tô Ngọc Hiến, Lý Biên Cương, Sỹ Hồng… vậy tôi có biết và còn nhớ nhà báo Trần Chiểu không.
aa

Một ngày đầu năm 2024, tôi nhận được điện thoại của nhà văn Phạm Ngọc Chiểu. Qua sóng điện, Chiểu hỏi, hồi tôi còn trẻ, vốn quen thân với các nhà văn Quảng Ninh, như Tô Ngọc Hiến, Lý Biên Cương, Sỹ Hồng… vậy tôi có biết và còn nhớ nhà báo Trần Chiểu không.

Theo lời kể của Phạm Ngọc Chiểu thì mùa thu năm 2014, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII có tổ chức một kỳ họp ở Quảng Ninh. Giữa kỳ họp đó có một sự kiện mà đến nay anh còn nhớ. Đó là việc nhà văn Mai Phương, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Quảng Ninh đến dự cuộc họp đó và có chất vấn BCH một nội dung như sau: Hiện thời, ở tỉnh Quảng Ninh có cây bút Trần Chiểu sinh năm 1938, sau khi về hưu từ Báo Quảng Ninh, đã có thành tựu sáng tác gồm 14 cuốn gồm đủ các thể loại từ thơ đến tiểu thuyết, có chất lượng văn chương, vậy xin hỏi, Trần Chiểu có xứng đáng là hội viên của Hội Nhà văn không, hay vì ông đã vào tuổi 70 rồi nên Hội không chủ trương kết nạp nữa… Trước sự việc đó, Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh đã ân cần giải thích như sau: Không có chuyện Hội không kết nạp người viết văn có thành tựu xứng đáng mà tuổi đã 70. Còn trường hợp ông Trần Chiểu, xin khất với Chi hội trưởng Mai Phương, BCH Hội sẽ có ý kiến cụ thể vào kỳ họp thứ tư theo lịch đã định vào dịp cuối năm.

Được biết vậy, Trần Chiểu vui vẻ đón đợi. Ngày qua, tuần qua, tháng qua, rồi mùa thu cũng qua. Bấm đốt ngón tay, còn một tháng nữa là đến kỳ họp thứ tư của BCH Hội như Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh đã hứa hẹn, thì đau đớn tiếc nuối làm sao, đúng ngày 30 tháng 11 năm 2014, Trần Chiểu bất ngờ bị tai nạn giao thông, từ biệt thế gian này. Trần Chiểu không còn nữa! Toàn bộ 14 cuốn sách của ông, thành quả lao động văn chương 10 năm của ông, tưởng như sẽ chịu thiệt thòi là dần dần rơi vào quên lãng của người đời, nếu như không có một người vẫn thương nhớ nó, quyết tâm khảo sát và viết về nó, người đó là Phạm Ngọc Chiểu!

Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu không còn là một tên tuổi xa lạ với văn đàn Việt Nam hôm nay. Anh sở hữu một gia tài văn chương không còn là nhỏ và nổi lên đặc biệt với các tác phẩm về đề tài văn học công nhân.

Còn về giải thưởng văn học thì anh đã nhận giải Nhất truyện ngắn Nam Hà 1966, giải A văn xuôi Hà Sơn Bình 1978, giải thưởng truyện ngắn Hà Nội 1979, giải Nhì tiểu thuyết văn học công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam.

Thực tình là thoạt đầu Phạm Ngọc Chiểu không có ý định lập nghiệp bằng con đường văn chương. Suốt thời cắp sách, anh mơ ước trở thành một nhà vật lý. Tốt nghiệp cấp ba năm 1963, với thành tích rất cao, anh đã được ban giám hiệu nhà trường đưa vào danh sách sang học vật lý tại Đại học Lô-mô-nô-xốp Liên Xô. Tiếc thay, cái tệ nạn có tên là chủ nghĩa lý lịch đương thời đã cản trở mộng ước ấy, buộc anh phải về quê làm ruộng. Anh xin đi bộ đội đánh Mỹ rồi xin đi làm công nhân đều không được chấp nhận. Trong bế tắc cùng đường, Phạm Ngọc Chiểu chợt nhớ bài thơ anh viết vào tháng 9 năm 1961 tại nhà trọ thời anh học cấp ba Hải Hậu, và bài thơ được nhà văn Chu Văn - Trưởng ty Văn hóa Nam Hà - duyệt in vào tập san Văn nghệ của tỉnh. Hồi ức lóe lên một hướng đi, trong đầu Chiểu ngân lên những vần thơ:

Thương mẹ nghèo tần tảo suốt mười năm

Nuôi con học “để thành người có chữ”

Nay chữ đây mà quẩn bên ruộng lúa

Chim bằng bó cánh chịu sao?

Chính Chiểu cũng không ngờ mấy câu thơ viết trong những ngày học lớp 9 cấp ba Hải Hậu và mấy câu thơ vừa xuất thần trong đầu ấy, đã khơi nguồn cảm hứng mới trong anh. Gạt bỏ mộng ước cũ, Phạm Ngọc Chiểu quyết định đi vào con đường văn chương!

Và thế là, giờ đây, sau hơn bốn mươi năm cầm bút, anh đã là tác giả của các tập truyện như Chiều hè oi ả, Những mảnh đời khác nhau, Đừng vô tình chuyện đó, Gió ngược. Và đồ sộ hơn nữa là cả chục cuốn tiểu thuyết: Dưới tán rừng lặng lẽ, Hiệp sĩ giữa đời thường, Vệt buồn trên má, Chuyện tình dưới chân núi, Bên ngoài vành móng ngựa, Thung lũng đầy nắng bụi, Nơi góc rừng xa vắng, Trong cuộc, Khúc quanh định mệnh…

Tiểu thuyết Dưới tán rừng lặng lẽ được viết từ 1986 là một bứt phá trình làng đáng kể, trong sự hòa nhịp với công cuộc đổi mới. Ở đây nhà văn thực sự đổi mới trong tư duy, sáng tạo, dũng cảm đi vào những đề tài có chiều sâu về tư tưởng, chạm đến những vấn đề cốt tử của đời sống. Xuất bản lần đầu năm 1987, tác phẩm giành được sự khen ngợi đặc biệt của dư luận. Đài Tiếng nói Việt Nam đã đọc cả 400 trang sách trên sóng suốt mấy tháng trời liền.

Tiểu thuyết Khúc quanh định mệnh ra đời năm 2021 chứa đựng biết bao sự đời với những uẩn khúc, buồn thương, xa xót, cùng bao sự kiện phong phú và sinh động qua trải nghiệm của chính cuộc đời tác giả được nhiều nhà văn đánh giá là bản tự sự về đời văn của chính Phạm Ngọc Chiểu.

Quen thân với Phạm Ngọc Chiểu đã lâu, thực tình điều tôi quan tâm, cùng với thành tựu sáng tác của anh còn là những bài anh viết về văn chương của bạn bè. Phần văn chương thêm vào gia tài này của anh tập trung ở 2 cuốn sách, quyển 1 xuất bản năm 2019, quyển 2 in năm 2020 và cuốn thứ 3 sắp hoàn thành năm nay, hợp thành bộ ba tác phẩm phê bình, tiểu luận có tên chung là Những trang sách, những cuộc đời.

Nhà văn bình luận về văn thơ của bạn văn. Chuyện thông lệ. Tôi cũng từng làm. Nhiều nhà văn nhà thơ chuyên nghiệp đã từng làm. Đó có khi chỉ là cái phần ngẫu hứng, tay ngang. Cái phần thặng dư, dôi ra, nối dài, nhân lên, tỏa rộng những gì đã thành tâm niệm trong chính sáng tác của mình. Ở đây, thành tựu và kinh nghiệm sáng tác của người viết phần nào tạo nên “quyền uy” và bảo hiểm cho trọng lượng tiếng nói của họ. Loại hình văn phẩm này là một dòng chảy tự nhiên. Nó không có tham vọng thay thế một nền lý luận phê bình văn học chuyên nghiệp, luôn xuất hiện song hành với sáng tác. Nhưng, nó đã tồn tại và có vị trí riêng, một vị trí khá đặc sắc; đồng thời đó cũng là một thể hiện của tinh thần văn nhân tương thân tương ái, ở những kẻ chung nghiệp cầm bút.

Phạm Ngọc Chiểu không phải là nhà phê bình văn học chuyên nghiệp. Đơn giản, anh chỉ là một nhà văn vốn yêu quý bạn bè, thấy bạn mình có điều cần cho bạn đọc quảng đại biết thì anh viết thôi. Chẳng hạn, mới đây nhất, đầu năm nay bài Mười năm đi xa là bài anh viết về nhà văn Trần Chiểu, một văn tài không may mắn như kể trên, với thành tựu 10 năm sáng tác là 14 cuốn sách, trong đó có 2 tập thơ, 3 tập truyện ngắn, 2 tập bút ký, 7 cuốn tiểu thuyết 1000 trang. Ngậm ngùi bao nhớ thương bạn bè, anh viết: “Nhanh thế, vậy là sắp tròn mười năm bác Trần Chiểu đi xa mãi không về. Nhà thơ Mai Phương cũng đã theo bác Trần Chiểu đi về miền Mây Trắng. Tôi viết những dòng này tưởng nhớ hai ông - một Nhà văn đúng nghĩa đã viết và in mười bốn đầu sách khi đã ở tuổi bảy mươi, chỉ trong vòng mười năm, và một Nhà thơ cao niên đã hết lòng với sự nghiệp cầm bút của bạn mình!”

Không một ai bị lãng quên trong cuộc đời này! Tất nhiên, không phải chỉ có thế. Vì cũng đúng như lời Charles Baudelaire thi sĩ Pháp: Mỗi nhà thơ nhà văn đồng thời phải là một nhà phê bình. Phạm Ngọc Chiểu, với ưu thế và bản lĩnh riêng của một nhà sáng tác, đã làm được những việc có ích cho văn chương, trong đó đặc biệt là sự giải tỏa, tôn vinh những giá trị còn bị che khuất bởi thời gian, trong khi anh viết về các bạn văn của mình.

Bài viết của anh về tác giả Nguyễn Hải, một lần nữa trên giấy trắng mực đen tái khẳng định vị trí đặc sắc trên văn đàn của một cây bút viết về miền núi và dân tộc. Bài anh viết về Anh Chi để lại một ấn tượng sâu sắc về độ dày bề sâu những đóng góp có ý nghĩa của nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu này. Phạm Trọng Thanh, nhà thơ chính danh, đó là cái tiêu đề táo bạo, gây sốc, nhưng nội dung thì giàu tính thuyết phục về một tài năng thơ Thành Nam bấy lâu còn ít được vinh danh. Bài anh viết về nhà thơ Thanh Ứng cũng một hiệu quả như thế, khi anh dẫn ra cả một loạt câu thơ xúc động đến nghẹn lòng của nhà thơ. Viết về nhà văn Trần Dũng, anh khẳng định chính xác, đây là một nhà văn có tài về thể loại truyện ngắn. Viết về cây bút Phạm Minh Đạo, anh hân hoan giới thiệu với đông đảo bạn đọc một tài năng độc đáo trong những cuốn sách khảo cứu về một lĩnh vực xã hội học. Viết về truyện ngắn của tôi, anh cho rằng, khác với truyện ngắn của nhiều người thường là kể lại một câu chuyện, thì truyện ngắn của tôi là, ở đó, nhà văn vừa kể vừa bàn luận về câu chuyện đang kể, tức là một kiểu truyện ngắn khác thường. Điều đó thể hiện ở cả loạt trường đoạn văn nhiều người chê là biện luận dài dòng, còn anh gọi đó là những đoạn “phiêu” hay “lãng du”, mở ra một không gian nghệ thuật mới hoặc một chủ đề kép…

Phạm Ngọc Chiểu viết về bạn bè bằng cái tình và cái tài quấn quyện hợp thành. Cái tình của anh là sự gần gụi chia sẻ, không thờ ơ lạnh nhạt, hẹp hòi, là tấm lòng trìu mến thiết tha với bạn bè. Càng yêu quý đồng nghiệp, anh càng trân trọng mỗi nhọc nhằn vất vả và mỗi dấu hiệu tài năng của bạn bè. Cái tài của anh là cái tài của người hiểu đời, hiểu nghề, là cái tài vừa có sức thấu triệt lý lẽ vừa tinh anh mẫn nhuệ, vừa có tầm nhìn xa trông rộng vừa mang chất trực giác hồn nhiên.

Tất nhiên, bên cạnh những điều Phạm Ngọc Chiểu giành được sự tán thưởng của bạn đọc, có thể cũng còn đôi ba điều cần bàn bạc thêm nào đó. Nhưng điều đó cũng không thể là một lý do để tôi không bày tỏ thiện cảm với một thành tựu lao động văn chương rất đáng quý nữa của nhà văn Phạm Ngọc Chiểu.

Ma Văn Kháng

Nguồn Văn nghệ số 19/2024


Nhớ một chuyến đi với nhà văn “Ăn mày dĩ vãng”

Nhớ một chuyến đi với nhà văn “Ăn mày dĩ vãng”

Baovannghe.vn - Cứ mỗi lần đến ngày lễ 30-4, tôi lại nhớ đến chuyến đi với nhiều nhà văn , nhà thơ vào dâng hương ở nghĩa trang Trường Sơn
Việt Nam sẽ có những thông điệp lớn, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Việt Nam sẽ có những thông điệp lớn, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Baovannghe.vn - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phóng vấn về Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai
Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, Quốc khánh 2025, 4 ngày

Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, Quốc khánh 2025, 4 ngày

Baovannghe.vn - Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội góp ý về phương án nghỉ Tết Ất Tỵ, nghỉ lễ Quốc khánh và một số ngày nghỉ lễ, Tết khác trong năm 2025
Thổ cẩm về xuôi - Thơ Thèn Hương

Thổ cẩm về xuôi - Thơ Thèn Hương

Baovannghe.vn- Hôm nay thổ cẩm về xuôi/ mang hoa văn của núi đồi về theo/ này là suối nhỏ trong veo/ này là nắng quái chân đèo hoàng hôn
Trinh nguyên. Truyện ngắn của Hàn Nguyệt

Trinh nguyên. Truyện ngắn của Hàn Nguyệt

TáBaovannghe.vn - Chị xắn quần. Chị xắn quần khéo như người cuốn bánh. Chân chị vẫn còn trắng lắm, trắng đến xót xa. Chị đặt chân phải xuống ruộng, lớp bùn nâu thẫm phủ lên kẽ chân.