Chuyên đề

Phe yêu ếch, phe ghét ếch

Câu chuyện văn hoá
07:19 | 25/09/2021
Miguel de Unamuno y Jugo sinh năm 1864 tại Bilbao thuộc xứ Basque (Tây Ban Nha), nhà văn, nhà thơ và nhà triết học, là một trong những trí thức quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện đại ở đất nước mình. Ông giảng dạy tại Ðại học Salamanca và bị mất chức hiệu trưởng vì các quan điểm chính trị. Do những khác biệt về quan điểm chính trị, ông phải lưu vong ở Pháp từ 1924 đến 1930 mới được trở về nước. Ông mất năm 1936
aa

Miguel de Unamuno y Jugo sinh năm 1864 tại Bilbao thuộc xứ Basque (Tây Ban Nha), nhà văn, nhà thơ và nhà triết học, là một trong những trí thức quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện đại ở đất nước mình. Ông giảng dạy tại Ðại học Salamanca và bị mất chức hiệu trưởng vì các quan điểm chính trị. Do những khác biệt về quan điểm chính trị, ông phải lưu vong ở Pháp từ 1924 đến 1930 mới được trở về nước. Ông mất năm 1936.

Trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông có các tiểu thuyết Sương mù (Niebla), Ngài Don Quixote của chúng ta (Vida de Don Quijote y Sancho) và Ba tiểu thuyết làm mẫu và một đoạn mở đầu (Tres novelas ejemplares y un prólogo), đều liên quan đến di sản văn học của Miguel de Cervantes, tác giả thiên tiểu thuyết vĩ đại Don Quixote.

Nơi đẹp nhất của thành phố Cimannis - tên gọi này theo các học giả địa phương giải thích là rút gọn từ tên gọi đầy đủ City Magnificent (Thành phố Tráng Lệ) - nơi đầu tiên mà nó phô ra cho các du khách nước ngoài, đó là hội quán; nơi đẹp nhất của hội quán là khu vườn; và nơi đẹp nhất của khu vườn là cái đầm ở giữa vườn có cây cối êm đềm vây quanh - chúng chẳng hề đung đưa, lay động khi gió thổi - lặng lẽ soi mình trên mặt nước im lìm. Đối với các nhà thơ ở hội quán Cimannis, phần thưởng lớn nhất là ngồi bên đầm trong một chiều thu êm đềm ngắm nhìn mặt nước lặng như tờ lấp lánh phản chiếu tàn lá đỏ của những hàng cây trên nền trời xanh tinh khiết. Chỉ duy niềm vui này thôi đã thật đáng sống ở Cimannis.

Chỉ có một điều duy nhất quấy rối cuộc sống thanh bình này. Đó là muỗi, thứ mà vào mùa hạ và thậm chí cả mùa thu đều gây khó chịu cho các thành viên hội quán Cimannis. Vào hai mùa ấy trong năm, phòng đọc buộc phải đóng cửa. Những người đến vườn chơi giờ phải mang theo quạt, không phải để quạt mát cho mình, mà để xua muỗi. Có người đề nghị mắc màn ở bàn đọc để độc giả chui vào cái lồng vải tuyn ngồi đọc cho thoải mái. Sau đó lại có người hiến kế là đem ếch thả vào đầm.

“Không con gì diệt muỗi tốt như ếch”, người đó nói, “muỗi đẻ trứng trong ao tù và ấu trùng muỗi nở ra rồi lớn lên. Vì ếch ăn các ấu trùng đó nên nó diệt được muỗi. Một số nơi người ta dùng tắc kè làm việc này. Và đừng có tự lừa mình: để diệt trừ nạn sốt rét thì thay vì trồng các cây khuynh diệp – cứ như có thể bắt được muỗi bằng các cây tầm gửi – tốt nhất là cứ thả ếch vào các đầm ao, chúng sẽ ăn hết các ấu trùng Anophel ở những nơi bùn lầy nước đọng, như thế sẽ không còn muỗi, mà hết muỗi là hết bệnh sốt rét.”

Thế là họ mang ếch thả vào cái đầm đẹp trong khu vườn đẹp của hội quán đẹp ở thành phố Cimannis đẹp. Đó là một niềm vui thích lớn của các nhà thơ và bạn bè họ, bởi vì các thành viên hội quán Cimannis từ đây trở thành phe yêu ếch. Không phải là họ thèm ăn thịt ếch đâu, mà là họ thích thú ngắm nhìn chúng ngồi chễm chệ trên bờ đầm hoặc nổi lập lờ trên mặt nước, thích thấy chúng nhảy tõm xuống đầm và nghe tiếng chúng kêu. Nhà thơ giàu thi hứng nhất trong các nhà thơ của hội quán thề rằng ông chưa bao giờ viết được một bài tụng ca và bi ca và tình ca hay như khi trong ngày ông ngồi viết dưới bóng cây ô liu nghe văng vẳng tiếng ru – ông gọi thế đấy, tiếng ru – trầm bổng của đàn ve sầu, và trong đêm khi ông viết bên bờ đầm hội quán với tiếng ru – lần này vẫn là tiếng ru – của tiếng ếch kêu. Ông thậm chí đã viết hẳn một cuốn sách nhan đề: Nhịp ve ban ngày và điệu ếch ban đêm. Cái từ “điệu ếch” có gốc từ “tiếng ếch”, giống như “cộng hưởng” gốc từ “vang âm”, “phát ngôn” gốc từ “nói ra”, nó là cái từ do ông chế tạo. Những người theo ông đều cùng một tinh thần mộng mơ và lãng mạn từ trong bản tính. Những người mộng mơ muốn được nghe rõ hơn tiếng ếch kêu, do đó họ là phe yêu ếch.

Nhưng đối lại phe mơ là phe ngủ, những người muốn ngủ chứ không muốn mơ, những người có tính thực tế. Họ khó chịu với tiếng ếch kêu hơn là tiếng vo ve, thậm chí là những cú đốt của muỗi. Là những người có đầu óc khoa học nên họ không cho phép mình bị thuyết phục, vì thiếu những bằng chứng thống kê và so sánh đủ tin cậy, rằng ếch sẽ đuổi được muỗi. Nếu muỗi bây giờ không còn thì đấy chắc là vì một lý do ngẫu nhiên nào đó. Vì thế những người thích ngủ, hay là những người có đầu óc khoa học, tuyên bố họ là phe ghét ếch. Cũng lại có những kỳ thủ khó chịu với ếch hơn với muỗi, trái với những độc giả chán muỗi hơn chán ếch. Như vậy các kỳ thủ là phe ghét ếch và các độc giả là phe yêu ếch.

“Ngoài ra”, Don Restituto, thủ lĩnh phe ghét ếch nói, “tiếng ếch kêu là thứ tiếng động tầm thường của nơi rừng rú, ruộng đồng, không thích hợp chút nào ở thành phố. Nhất là một thành phố như Cimannis! Cứ để tiếng ồn của tàu hỏa, xe điện làm ta khó chịu và mất ngủ cũng được. Nhưng tiếng ếch kêu thì… Đó là âm thanh của đồng ruộng, rặt mùi ruộng trũng đồng chua. Không đô thị chút nào! Ếch là loài vật ruộng đồng!”

“Chúng là loài vật tôn quý!”, Don Erminio, nhà thơ yêu tiếng ếch kêu nói. “Các họa sĩ Nhật Bản, họ là người chứ không phải ếch đâu nhé, đã nhiều lần lấy chúng làm mẫu vẽ. Và đây chúng ta có Don Ceferino, một nhà khoa học, đã nuôi hẳn một chậu ếch trên ban công nhà mình.”

“Tôi nuôi chúng làm nhiệt kế,” Don Ceferino lên tiếng bảo vệ mình. “Vì tôi là nhà khí tượng nên tôi nuôi chúng kèm một cái thang nhỏ vạch mực nước và chúng sẽ dự báo thời tiết cho tôi biết.”

“Cứ cho là vậy đi. Nhưng…”, Don Restituto lại lên tiếng.

Cuộc tranh cái giữa phe yêu ếch và phe ghét ếch ngày nào cũng diễn ra như vậy. Từ đấu khẩu chuyển qua hành động cụ thể. Phe ghét ếch tìm mọi cách xua đuổi loài vật này còn phe yêu ếch thì tìm mọi cách bảo vệ chúng. Một hôm khi phe ghét ếch đuổi theo một con trong vườn, bắt được nó và giết chết thì phe kia, đông đảo những người yêu ếch hơn, đã lấy xác con vật ướp lại và đem trưng bày trong phòng họp như một kỷ vật. Khi đêm xuống bầy ếch cất tiếng kêu thì bên này hét: “Câm đi!” còn bên kia hô: “Kêu đi!”. Đã mấy lần hai bên xông vào đánh lộn nhau.

Trong khi đó có những người chẳng để ý gì đến cuộc xung đột này lại nghĩ ra trò tiêu khiển để chọc tức người khác. Một người trong số đó bắt chước rất tài tiếng ếch kêu, hễ có dịp là trổ cái tài đó ra. Phe yêu ếch dành thời gian học tiếng ếch.

Các cuộc họp đại hội đồng thường xuyên huyên náo vì vấn đề ếch. Đôi khi chúng kết thúc bằng cảnh bên này hô: “Khoa học muôn năm! Đả đảo nghệ thuật!” và bên kia hét: “Nghệ thuật muôn năm! Đả đảo khoa học!”. Bởi vì – ôi mỉa mai thay cái logic của đam mê! – họ đồng nhất sự yêu ếch với nghệ thuật và sự ghét ếch với khoa học, làm cho hai bên không thể nào dung hòa được.

Cuối cùng, tại một cuộc họp cũng có một người đứng lên muốn đóng vai hòa giải đưa ra quan điểm chiết trung. Người đó nói: “Thưa quý ngài trong hội quán, tôi nghĩ vấn đề này có thể giải quyết được. Ếch là loài vật có giá trị khoa học. Chúng có thể được sử dụng trong các thí nghiệm y sinh. Vậy ta hãy mang kính hiển vi và các thiết bị kỹ thuật khác đến và hy sinh một số ếch cho khoa học, đổi lại thì những người khác được thỏa sức làm tiếng ếch kêu.”

“Không bao giờ! Không bao giờ! Không bao giờ!”, nhà thơ Don Erminio kêu lên. “Bắt ếch làm công cụ nghiên cứu là việc xấu xa! Cứ như chúng là loài chuột dơ dáy bẩn thỉu!... Không bao giờ! Những con ếch thí nghiệm ư? Không bao giờ! Chúng tôi thà để chúng bị giết còn hơn ăn chân chúng.”

“Nói thế nghĩa là ếch có thể bị ăn thịt chứ không được phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học?”, Don Restituto nói một cách mỉa mai.

“Phải,” một người khác đáp, “bị ăn thịt còn cao cả hơn là làm một công cụ bẩn thỉu cho nghiên cứu khoa học. Tôi thà bị làm thành món thịt băm cho các tộc người ăn thịt người tranh giành nhau còn hơn bị rơi vào tay các nhà nhân học cắt xẻ tôi ra để nghiên cứu. Đả đảo khoa học!”

“Đả đảo khoa học!” phe yêu ếch hô to. Một số người lại bắt chước tiếng ếch kêu.

Các cuộc bầu cử ban điều hành hội quán như thường lệ diễn ra căng thẳng. Tất nhiên là có cả hai phe yêu ếch và ghét ếch tham gia mà giữa họ chẳng có sự hòa giải hay sự phối hợp nào. Mỗi bên đều ra sức tìm thêm những thành viên mới trong khắp thành phố. Chẳng mấy chốc Cimannis chia thành hai cánh lớn. Mỗi cánh đều có hai tờ báo, một nghiêm túc và một châm chích. Hai tờ nghiêm túc là “Yêu Ếch” và “Ghét Ếch”, còn hai tờ châm chích là “Ếch” và “Muỗi”. Khi một nhóm yêu ếch gặp một nhóm ghét ếch, họ sẽ giả tiếng ếch kêu “ộp ộp ộp” và nhóm kia đáp lại bằng tiếng muỗi kêu “vo vo vo”. Sau đấy là thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Mỗi người yêu ếch đều có một chậu ếch trên ban công nhà mình. Còn những người ghét ếch thì thận trọng hơn, không dám thả muỗi ở trong nhà.

Cuối cùng cũng đã tới cuộc họp lịch sử của đại hội đồng để giải quyết xung đột này. Cuộc họp đã kéo dài ba giờ mà Don Erminio, nhà thơ của phe tiếng ếch, và Don Restituto, nhà khoa học của thống kê, vẫn kiên trì quan điểm của mình, không ai chịu ai.

“Tôi thà để cái đầm biến mất còn hơn thấy nó không có ếch ở trong,” cuối cùng nhà thơ thốt lên. “Hoặc có ếch hoặc không gì cả!”

Không ai thấy choáng trước ý kiến khủng khiếp đó về sự biến mất của cái đầm, niềm tự hào của khu vườn, khu vườn niềm tự hào của hội quán, hội quán niềm tự hào của Cimannis. Tâm trí họ đang căng thẳng tột độ.

“Còn tôi,” Don Restituto nói dứt khoát, “thà để cái đầm biến mất còn hơn thấy nó có ếch ở trong. Hoặc không có ếch hoặc không gì cả!”

Đến lúc này thì nhà triết học Don Socrates - ông ta làm triết chắc có lẽ vì cái tên mình - từ đầu đến giờ vẫn giữ thái độ trung lập, mới đứng lên nói: “Thưa quý ngài hội quán, giờ là lúc triết học phải vào cuộc để tổng hợp nghệ thuật và khoa học. Chắc tất cả chúng ta đều đồng ý vậy, cả phe yêu ếch, phe ghét ếch và phe trung lập. “Hoặc có ếch hoặc không gì cả!”, bên này nói; “Hoặc không có ếch hoặc không gì cả!” bên kia nói. Hai nan đề này, thưa quý ngài, có một từ chung. Từ chung đó là: không có gì. Tất cả chúng ta đều đồng ý với nan đề “không có gì”. Đó là thắng lợi của phép biện chứng. Vậy chúng ta hãy mang cái đầm đi!”. Nói xong nhà triết học ngồi xuống.

“Mang nó đi!” phe này kêu lên.

“Mang nó đi!” phe kia đáp lại.

Đấy là cách họ giải thoát cho cái vườn đẹp của hội quán đẹp của thành phố Cimannis đẹp khỏi cái đầm làm cho nó đẹp.

Nhưng kể từ đó các thành viên hội quán Cimannis thấy buồn bã chán nản; dường như cuộc sống đã rời khỏi hội quán; khu vườn thành khu nghĩa địa của những hồi tưởng; ai cũng buồn nhớ lại cái thời hào hùng ngày trước với những cuộc tranh cãi giữa phe yêu ếch và phe ghét ếch. Bây giờ, khi bầy muỗi thực sự làm họ khó chịu thì thậm chí cũng chẳng có cái đầm nữa. Nhưng họ sẽ lấy lại nó, thề có Chúa! Và trận chiến quanh loài ếch sẽ lại tiếp tục.

(Ngân Xuyên dịch từ tiếng Anh theo bản dịch từ tiếng Tây Ban Nha của Emily Ann Davis)

Nguồn Văn nghệ số 39/2021


Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.