|
Xứ Bắc có một ngôi làng cổ, làng Việt cổ Đường Lâm. Làng ấy có mấy cái quán giữa đồng, một trong số đó gọi là quán Giang, hay quán Quàn. Quán ấy xưa người ta quàn thi hài Thám hoa Giang Văn Minh, người được mệnh danh là Sứ thần bất nhục quân mệnh. Ngôi làng cổ Đường Lâm hiện đã nổi tiếng trên cả nước, những cái quán trên những cánh đồng mang vẻ đẹp cổ xưa và bí mật ấy đã đi vào bao nhiêu khuôn hình nhiếp ảnh, người ta vì thế mà biết đến những quán làng, một trong số nét đẹp độc đáo của những làng quê miền Bắc Việt Nam.
Quán làng trên cánh đồng làng.
Thường thì quán làng được dựng lên trên những cánh đồng làng, không phải nơi thờ cúng ai cả, đơn giản chỉ là nơi người nông dân đi làm đồng có chỗ nghỉ chân, uống bát chè xanh hút điếu thuốc lào, nói chuyện làng chuyện xóm. Quán dựng lên như một ngôi nhà, có mái lợp che nắng mưa, có một vài cây xanh che bóng mát, hoặc đôi khi quán chơ vơ giữa đồng, lặng lẽ qua hết mùa xanh lại rộm mùa vàng.
Làng tôi có mấy cánh đồng bao quanh, nhưng chỉ có một quán. Quán nằm giữa đồng. Làng đặt tên quán là quán Gió, đơn giản vì nó được dựng lên giữa một cánh đồng quanh năm gió thổi lồng lộng. Quán Gió cũng tựa một ngôi nhà, mà chỉ có hai bức tường ở hai bên đầu đốc, gió vì thế cứ tràn từ bên này qua bên kia, lại từ bên kia qua bên này. Gạch xây tường và nền quán mòn nhẵn, những viên lõm xuống phô màu đỏ nhạt, những viên gạch này có lẽ tuổi đã trăm năm, mòn vì chân người dừng nghỉ, mòn vì gió, gió triền miên trải khắp đồng làng. Ngói lợp quán phủ rêu xanh lún phún. Vào mùa gặt, những đàn chim về mót lúa đậu từng đàn trên mái quán.
Có những người xa quê đã gần trọn cuộc đời, lần cuối cùng về với cố hương đã một mình thăm lại cả ngôi làng, và quán Gió đã từ lâu lắc chìm trong cõi nhớ. Bên một đầu đốc quán có một cây si. Rễ si buông mành, đầu rễ trắng nhút, người ấy ngồi xuống một viên gạch ngoài thềm, ngắm cánh đồng xanh rợn trước dòng sông. Tôi cảm thấy trong gió có mùi của nước. Rễ si trắng, kiến chuyển nhà, nghĩa là trời sắp buông đổ một cơn mưa.
Tôi xa quê, sống ở miền núi cao gió lộng sương mù. Nơi ấy không có những cánh đồng thẳng cánh cò trắng muốt, không có cây đa rủ bóng đình làng rêu phong, không có giếng làng hình bán nguyệt chấp chới bóng trăng non. Và hẳn nhiên, không có quán làng.
Một ngôi làng có lẽ hình dung giống như một ngôi nhà. Nhà luôn có cổng nhà, có giếng nước, cây xanh và vườn tược. Làng cũng thế, làng có cổng làng, khi cổ kính với những hàng chữ tượng hình gợi nhắc một nền văn minh xưa cũ, khi hiện đại kiên cố và sơn màu sặc sỡ. Làng có những cây đa rụng lá sân đình. Làng có giếng nước một thời rộn tiếng người ta nói cười, rửa rau, tắm táp. Nhưng làng khác một ngôi nhà chính ở quán làng. Quán làng cô đơn giữa đồng xa, là nơi trai gái thăm đồng nghỉ chân hò hẹn, là nơi những đàn chim tìm về chốn đậu, là nơi những người tha hương tránh nắng che mưa một đoạn đường đời.
Khi tôi còn rất trẻ, chưa tha hương viễn xứ, vào những năm làng mở hội, người ta rước tượng Thành hoàng đi khắp làng, nhưng không bao giờ quên rước ngài ghé qua quán Gió. Mẹ tôi bảo rằng rước ngài ra quán Gió để ngài hóng gió nghỉ chân, thăm cánh đồng và dòng sông trước mặt. Bây giờ làng vẫn giữ lệ ấy.
Quán làng không phải là nơi người ta thờ phụng ai cả, không bán không mua không trao không đổi. Quán chỉ nằm đó trong gió, những cơn gió vùn vụt thổi qua cánh đồng làng, gom nỗi nhớ cố hương trong lòng người xa xứ để gửi về vô tận.