Sự kiện & Bình luận

Quảng bá du lịch trên tạp chí văn nghệ địa phương

Tuyên Hóa
Chính trị xã hội
14:00 | 19/08/2024
Baovannghe.vn - Khu vực Bắc miền Trung bao gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đây là vùng hẹp nhất của đất nước, tất cả các tỉnh đều có đường biên giới và bờ biển, nên địa hình hết sức đa dạng và kỳ thú
aa
Tạp chí văn nghệ địa phương là công cụ đắc lực trong việc thúc đẩy du lịch địa phương. Thông qua những tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) ca ngợi những danh lam thắng cảnh, những nét văn hóa và ẩm thực độc đáo, tạp chí vẽ nên bức tranh sống động về địa phương, khơi gợi niềm đam mê khám phá và thu hút du khách đến trải nghiệm. Theo đó, tạp chí văn nghệ địa phương là kênh truyền thông hiệu quả để giới thiệu những sản phẩm du lịch độc đáo, giàu bản sắc của địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế...

Trên đây là những nội dung chủ yếu được thảo luận sôi nổi tại Hội thảo chủ đề “Tạp chí văn nghệ với vấn đề quảng bá du lịch địa phương”, do Tạp chí Nhật Lệ, cơ quan của Hội VHNT Quảng Bình, tổ chức đầu tháng 8-2024 tại thành phố Đồng Hới, với sự tham gia của các tạp chí văn nghệ thuộc các Hội VHNT các tỉnh Bắc miền Trung. Đây là cuộc hội thảo chuyên đề, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của tạp chí văn nghệ trong việc quảng bá du lịch địa phương, chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp hiệu quả để phát triển du lịch địa phương thông qua tạp chí văn nghệ. Đồng thời, gợi ý những nội dung sáng tạo, hấp dẫn cho các tác phẩm VHNT về du lịch địa phương; khuyến khích các văn nghệ sĩ tham gia vào công tác quảng bá du lịch địa phương và khuyến khích sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các tổ chức VHNT và các đơn vị truyền thông trong công tác giới thiệu, quảng bá du lịch địa phương.

Quảng bá du lịch trên tạp chí văn nghệ địa phương
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Duyên Cát

Khu vực Bắc miền Trung bao gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đây là vùng hẹp nhất của đất nước, tất cả các tỉnh đều có đường biên giới và bờ biển, nên địa hình hết sức đa dạng và kỳ thú, với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nổi bật là hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UNESCO xếp hạng là Di sản thiên nhiên của thế giới. Đây cũng là vùng đất có nhiều di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc; trong đó có nhiều di sản vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại. Đây là niềm tự hào và là niềm cảm hứng sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ. Nhiều tác phẩm VHNT trong số đó được giới thiệu trên các tạp chí văn nghệ địa phương. Theo đó, các văn nghệ sĩ và tạp chí văn nghệ đã góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch nổi tiếng, góp phần thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của địa phương phát triển.

Như vậy, vô hình trung các tạp chí văn nghệ địa phương đã trở thành chiếc cầu nối hiệu quả trong quảng bá du lịch địa phương. Theo họa sĩ Hồ Thanh Thọ (Tạp chí Cửa Việt của Hội VHNT Quảng Trị), thì các tạp chí thường phản ánh nét đặc trưng vùng miền, giới thiệu tác phẩm VHNT của văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh... Nhờ đó, các tạp chí đã góp phần quảng bá du lịch, thu hút du khách tìm hiểu, khám phá các địa danh và lễ hội địa phương. Nhà văn Lưu Nga (Tạp chí Xứ Thanh của Hội VHNT Thanh Hóa) cho biết, những năm gần đây, Tạp chí Xứ Thanh đã không ngừng đổi mới cả nội dung và hình thức tuyên truyền về du lịch địa phương, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm bồi dưỡng nguồn nhân lực sáng tác để nâng cao chất lượng các tác phẩm VHNT về du lịch. Nổi bật là các trại sáng tác và các chuyến đi thực tế dành cho văn nghệ sĩ tại các điểm du lịch; cùng đó là các cuộc thi sáng tác VHNT, tọa đàm, trao đổi chuyên môn về tác phẩm VHNT với việc quảng bá du lịch địa phương. Mỗi số tạp chí Xứ Thanh đều có các bài viết chuyên đề về du lịch, giới thiệu các giá trị văn hóa, nghệ thuật và ẩm thực Xứ Thanh qua các tác phẩm VHNT. Qua đó, góp phần khơi gợi niềm tự hào về quê hương, bồi đắp tình yêu, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa quê hương.

Trao đổi về nội dung trên đây, nhà văn Trần Băng Khuê (Tạp chí Sông Hương của Hội VHNT Thừa Thiên - Huế) cho rằng: Cố đô Huế vừa là không gian tinh thần, của chủ thể sáng tạo VHNT; vừa là không gian hiện thực với các công trình vật thể như đền đài, miếu mạo, lăng tẩm... Cuộc thi “Thơ Huế 2023” do Tạp chí Sông Hương tổ chức là một minh chứng tiêu biểu cho hiệu quả của hình thức quảng bá du lịch địa phương bằng VHNT. Thông qua những thi phẩm đầy cảm xúc, gợi nên hình ảnh sống động, cuộc thi đã giới thiệu thành công vẻ đẹp cổ kính, uy nghi của kinh thành xưa cũng như nét đẹp lãng mạn, thơ mộng của sông Hương... cùng những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo của Huế. Nhờ vậy, người đọc không chỉ được khơi gợi cảm hứng mà còn có mong muốn được trải nghiệm, khám phá trực tiếp vùng đất cố đô này.

Tìm hiểu, trải nghiệm các sản phẩm du lịch thông qua VHNT chính là “hành trình khám phá thế giới bằng con mắt và trái tim bên trong”. Đó là quan điểm của nhà văn Hoàng Thụy Anh, biên tập viên Tạp chí Nhật Lệ của Hội VHNT Quảng Bình. Nhà thơ, nhà phê bình văn học này cho rằng: Nhờ đội ngũ biên tập dày dặn kinh nghiệm mà tạp chí văn nghệ đã mang đến cho du khách cái nhìn toàn diện về vẻ đẹp của mỗi vùng miền. Hơn cả việc di chuyển đến một địa điểm mới, “du lịch” trên tạp chí văn nghệ còn là hành trình đắm chìm vào văn hóa, khám phá giá trị độc đáo ẩn chứa trong từng mảnh đất. Đó là một chuyến đi trí tuệ không thể bỏ lỡ, một chuyến đi khám phá thế giới bên ngoài bằng con mắt và trái tim bên trong. Cùng ý tưởng trên đây, nhà văn Linh Châu (Tạp chí Hồng Lĩnh của Hội VHNT Hà Tĩnh) cũng khẳng định vai trò quan trọng của Tạp chí Hồng Lĩnh trong quảng bá du lịch Hà Tĩnh. Nhiều năm qua, nhất là từ khi tỉnh nhà xác định kinh tế du lịch là một mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời kỳ mới, Tạp chí Hồng Lĩnh đã thường xuyên đăng tải các tác phẩm VHNT về các sản phẩm du lịch nổi tiếng của địa phương, cung cấp thông tin chi tiết và đa dạng cho du khách qua các tác phẩm VHNT có giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Đặc biệt, các nhiếp ảnh gia Hà Tĩnh đã miệt mài sáng tác, mang đến những tác phẩm nghệ thuật độc đáo về đất và người quê hương. Tiêu biểu là mảng nhiếp ảnh về biển, đảo. Qua ống kính của các nhà nhiếp ảnh tài năng, vẻ đẹp tiềm ẩn của biển Hà Tĩnh được khơi mở, từ cảnh sắc thiên nhiên đến nhịp sống, văn hóa và con người nơi đây.

Quảng bá du lịch trên các tạp chí văn nghệ trước hết là nhiệm vụ chính trị của một cơ quan báo chí, nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh hoạt động kinh tế báo chí thông qua sự phối hợp và kết hợp “đôi bên cùng có lợi” giữa các các cơ quan báo chí với ngành du lịch. Đó là quan điểm của nhà văn Hữu Vinh ở Tạp chí Sông Lam của Hội VHNT Nghệ An. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa. Đó là thuật ngữ bao gồm nhiều ngành nghề, trong đó du lịch là một trong những ngành chủ công, có khả năng đóng góp hàng đầu cho kinh tế - xã hội. Tuy nhiên thực tế hiện nay, việc phối hợp và kết hợp giữa ngành du lịch với các tạp chí văn nghệ để “đôi bên cùng có lợi” chưa tương xứng với tiềm năng của mối “lương duyên” này. Bởi vậy, nói đến “kinh tế báo chí” đối với các tạp chí văn nghệ địa phương lúc này có lẽ còn “quá sức”. Tuy nhiên đó là một xu thế của cơ chế thị trường, các tạp chí văn nghệ cần có sự xúc tiến các điều kiện, kỹ năng và tâm thế để tiến tới hội nhập với đời sống báo chí hiện đại.

Ngoài sự tăng cường phối hợp và kết hợp với các doanh nghiệp du lịch và các cơ quan quản lý văn hóa-du lịch, tạp chí văn nghệ cũng rất cần được sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương và các ngành hữu quan trong tuyên truyền quảng bá du lịch. Đồng thời, các tạp chí văn nghệ cũng cần được đầu tư phát triển bài bản, chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng nội dung và nghệ thuật tác phẩm quảng bá du lịch. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cần đa dạng hóa các kênh phát hành, tiếp cận du khách qua nhiều hình thức như ấn phẩm in giấy, website điện tử, mạng xã hội... để gia tăng hiệu quả truyền thông. Đó là những giải pháp thiết thực giúp các tạp chí văn nghệ địa phương phát huy tốt vai trò và thế mạnh của mình, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương.

TUYÊN HÓA | Báo Văn nghệ

Âm nhạc thúc đẩy sự gắn kết trong một xã hội? Trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm nghệ thuật Kon Tum: Động đất liên tiếp, cảnh báo công tác quy hoạch, phát triển kinh tế xã hội Hòa mình vào cuộc sống người khác để thấy tác phẩm của ta trong xã hội Đọc truyện: Búa nước. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan
Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.