Diễn đàn lý luận

Hòa mình vào cuộc sống người khác để thấy tác phẩm của ta trong xã hội

Tần Hoài Dạ Vũ
Lý luận phê bình
07:00 | 15/08/2024
Baovannghe.vn - Con người nhà văn trong ta sẽ hành động như thế nào để có thể tìm thấy sự hiện diện của chính bản thân ta và tác phẩm của ta trong xã hội?
aa

Chúng ta đang sống trong một thế giới biến động, nếu nhìn trên bình diện toàn cầu. Chúng ta đang sống trong một xã hội xáo trộn, nếu nhìn trên bình diện quốc gia. Sống trong một thế giới biến động và một xã hội xáo trộn như vậy, con người không thể không cảm thấy bơ vơ, hoàn toàn không biết bấu víu vào đâu. Mà con người càng bơ vơ, càng băn khoăn trong cuộc sống bao nhiêu thì nhu cầu xét lại từ gốc rễ nguồn căn để làm cơ sở cho hành vi ứng xử của chính mình và của xã hội lại càng bức thiết bấy nhiêu.

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta lúc này, ngay đây, là con người tư tưởng của ta, con người nhà văn trong ta sẽ hành động như thế nào để có thể tìm thấy sự hiện diện của chính bản thân ta và tác phẩm của ta trong xã hội?

Trong những năm tháng đi tìm sự hiện diện bản thể của mình trong cuộc đời, tôi nghiệm ra rằng, nếu ta thực sự có nhu cầu giải tỏa, chia sẻ (hiểu nôm na về mặt nghề nghiệp – nghề văn – đó là nhu cầu sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật và phổ biến những tác phẩm văn học nghệ thuật ấy!) thì đừng cầu mong danh vọng – nhất là thứ hư danh nhất thời qua những lời xưng tụng phù phiếm, mà hãy cứ im lặng làm việc, âm thầm sáng tác, rồi để cho tác phẩm văn học nghệ thuật của chúng ta tự nó bày tỏ với đời. Có lẽ đó là cách chính đáng nhất để giúp nhà văn hiện diện trong cõi đời này.

Từ việc sáng tạo nên tác phẩm văn học nghệ thuật, sẽ đi tới một hệ quả tất yêu, là làm sao để tác phẩm văn học của nhà văn đến được với người đọc, với xã hội?

Trong chừng mực nhất định, khi “văn hóa đọc” đang “đi xuống” trầm trọng, thì việc nhà văn tự cứu mình, cùng giúp nhau phổ biến tác phẩm là vô cùng cần thiết.

Trong kỳ Đại hội Nhà văn TP ĐÀ NẴNG vừa qua, tôi có viết một lá thư ngắn, gửi Đại hội, đề xuất một cách phổ biến tác phẩm trong “nội bộ” giới nhà văn, như là một cách giúp nhau “phổ biến” tác phẩm.

Ở đây, tôi xin được nhắc lại đề xuất ấy.

Đó là tất cả chúng ta, 113 Hội viên của Hội Nhà văn TP Đà Nẵng (dĩ nhiên là nên “kính lão đắc thọ”, không mời tham gia những nhà văn hội viên đã quá lớn tuổi, không sinh hoạt!) cùng chung tay phổ biến tác phẩm của bạn văn đồng nghiệp của chúng ta. Cụ thể là, mỗi khi một nhà văn Hội viên thuộc Hội Nhà văn TP.Đà Nẵng in và phát hànhmột tác phẩm mới, thì mỗi người Hội viên chúng ta đều nhiệt tình mua sách ủng hộ, tối thiểu là một cuốn. Như vậy, ít nhất cũng có 100 cuốn sách (hay 100 lẻ….cuốn sách) được tiêu thụ. Có thể số tiền thu được từ 100 cuốn sách anh em Hội viên mua ủng hộ ấy chưa đủ so với tổng số tiền tác giả đầu tư để xuất bản cuốn sách, nhưng ít ra cũng có được 1/4 số tiền được thu lại. Nếu tất cả mọi Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng chúng ta cùng tận tâm tận lực tham gia vào “nghĩa cử”này, thì …tất cả chúng ta cùng được hưởng niềm vui, sự ấm áp nghĩa tình. Vì sẽ đến lượt sách của chúng ta được…mua ủng hộ, và ta sẽ được hưởng niềm vui nghĩa tình ấy. Điều này có thể sẽ làm hao tổn của mỗi anh em chúng ta một khoản tiền, nhưng chúng ta đã tạo “tiền đề” cho chính việc phổ biến tác phẩm văn học- nghệ thuật của chính chúng ta. Và để thực hiện được điều này, dĩ nhiên trước hết đòi hỏi mỗi anh em chúng ta có một sự “hy sinh nho nhỏ”. Người xưa bảo “góp gió thành bão”, “đông tay vỗ nên kêu” là chính trong trường hợp này. Cũng xin mở một dấu ngoặt để nói chi tiết một chút là, (nếu Hội Nhà văn Đà Nẵng làm được điều này, là sẽ tạo được một tiếng vang lớn trong giới nhà văn của cả nước, và nhất là biểu thị được tính cách của con người xứ Quảng là, luôn biết chung tay vì việc nghĩa. Và điều ấy cũng đòi hỏi cá nhà văn hội viên chúng ta nên ý tứ tránh việc xuất bản dồn dập tác phẩm của nhiều người trong cùng một thời gian. Chẳng hạn, nếu anh A đa 4in sách trong tháng 1, thì chị B. nên để qua tháng 2 hãy xuất bản sách của mình, nhằm tránh cho bạn bè Hội viên trong một tháng phải mua đến 2 hay 3 cuốn sách (trong trường hợp này, thì, nói như ngôn ngữ của tuổi teen, quả là làm bạn bè của chúng ta phải “viêm túi”!) .

Chúng tôi nêu ra đề nghị này, vì trong thực tế cuộc sống hiện nay, như đã nói từ đầu, “văn hóa đọc” đang đi xuống một cách trầm trọng (trong việc này có trách nhiệm đều tiên của nền giáo dục, của chương trình,của cách dạy Văn – nói riêng – trong các nhà trường hiện nay). Thêm nữa, chúng ta cần tránh cách suy nghĩ là Nhà nước phải “gánh vác” việc phổ biến các tác phẩm văn học nghệ thuật và các sinh hoạt văn hóa trong xã hội. Tôi vừa được đọc một bài báo ngắn trên báo Tuổi Trẻ (số ra ngày 9 tháng 6.2024 vùa qua) với cái tít bài rất rõ ràng: “Cân xã hội hóa 70% nguồn lực cho công nghiệp văn hóa”. Cụ thể là: “thảo luận về chủ trương đầu tư chương trình, mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Chủ tịch UBND TP HCM, Phan Văn Mãi cho rằng việc chỉ phát huy nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 15% là quá ít và làm như vậy là một cách làm ngược. Ông Mãi đề nghị nguồn lực xã hội phải là 70% , nguồn lực ngân sách Nhà nước 30% (trong số 30% ngân sách Nhà nước này, ngân sách địa phương góp 70% và ngân sách Trung ương 30%). Để làm được điều này, ông Mãi cho rằng, cần thiết kế các cơ chế phù hợp để thu hút sự tham gia của toàn xã hội”. Và với chúng ta, trong đề xuất của chúng tôi, việc tạo sự đồng thuận, góp phần của từng Nhà văn Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng chính là bước đầu cần thiết của việc “xã hội hóa” các hoạt động văn học nghệ thuật.

Chúng tôi cũng hoàn toàn thông cảm với tình trạng vật giá leo thang và việc thu nhập của giới nhà văn chúng ta hạn chế, nên việc bỏ một khoản tiền (dù nhỏ) ra để mua sách (có là chưa nói có những cuốn sách bản thân không thích) là một việc không phải “dễ dàng” thực hiện. Nhưng mỗi người chúng ta cần nghĩ cho thấu đáo là, chúng ta bỏ ra khoảng 100.000 đồng (hay cao là 200.000 đồng) thì dễ hơn là bỏ ra 20 hay 30 triệu để in một cuốn sách.Nên mỗi người chúng ta góp “phần nhỏ” của mình, đẻ giúp các bạn văn của mình có thể thu lại 1/4 hay 1/3 số tiền lớn bỏ ra in sách là một việc làm “vô cùng hữu ích”. Làm được điều này, như chúng tôi đã nói, sẽ làm rạng danh cho Hội Nhà văn TP Đà Nẵng chúng ta. Chúng ta không háo danh, nhưng làm được việc “tương thân tương trợ” này thì chúng ta sẽ được đồng nghiệp ở khắp nơi quý trọng !

Để kết luận cho bài viết ngắn ngủi và giản dị của chúng tôi, tôi muốn mượn lời một nhà thơ người Pháp – Paul Eluard (1895-1952) đã nói rất hay rằng: “Đã đến thời tất cả các nhà thơ có quyền và có bổn phận chủ trương rằng họ phải hòa mình sâu xa vào đời của người khác, vào cuộc sống chung” (Le temps est venu où tous les poètes ont le droit et le devoir de soutenir qu’ils sont profondément enfoncés dans la vie des autres, dans la vie commune).

Vâng, quả là như vậy và phải là như vậy, chúng ta phải hòa mình vào đời sống của nguời khác, của những người bạn văn ở ngay bên cạnh ta.

Tần Hoài Dạ Vũ | Báo Văn Nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Nam Hà với một thời chiến trường sống và viết Lịch sử một thời sống và viết Sống và viết như thế nào? Đối thoại: Nhà văn Bình Ca - Sống và viết Viết lại văn học sử Việt Nam, và viết khác đi
Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Baovannghe.vn - Từ ngày 13-15.12, tại TP.HCM sẽ diễn ra Tọa đàm ngành kinh doanh âm nhạc - Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024 - Vietnam Music Week 2024 (VMW 2024)
Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Baovannghe.vn - Ba bộ phim đặc sắc được công chiếu "Dòng sông hoa trắng" ngày 11/12; "Cây bạch đàn vô danh" ngày 12/12 và "Người đàn bà mộng du" ngày 13/12
“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

Baovannghe.vn - Vượt qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo “Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh do Nxb Kim Đồng tổ chức
Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn- Ngơ ngác, bấn loạn, tôi loanh quanh ở nhà chờ, nơi nhận hành lí để thoát ra ngoài. Cả ba tiếng đồng hồ trôi qua tôi chưa thấy gã. Gã lặn mất tăm với chiếc vali
Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Baovannghe.vn - Nhà văn Han Kang vừa có buổi gặp gỡ với báo chí tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển trong thời gian chuẩn bị cho buổi nhận giải Nobel Văn chương.