Đường đưa những tác phẩm điêu khắc ra ngoài xưởng nghệ thuật của cá nhân người nghệ sĩ, đặt chúng giữa không gian công cộng (đô thị hoặc thiên nhiên) hay không gian của tư nhân là chuyện không hề đơn giản. Đó là cả một nỗ lực lớn không chỉ của riêng người nghệ sĩ, mà còn nằm ở nhiều yếu tố chi phối khác.
Hơn 1 thập kỷ trước (2010), các nghệ sĩ thực hành điêu khắc Đào Hải Châu và Bùi Hải Sơn đã thành lập nên nhóm Điêu Khắc Hà Nội - Sài Gòn. Cứ hai năm một lần, nhóm nghệ sĩ này lại thực hiện “một cuộc gặp gỡ” nghệ thuật, bằng việc tổ chức sự kiện trưng bày tác phẩm. Đây là một trong những triển lãm nhóm khá ít ỏi (so với các hình thức của mỹ thuật khác như hội hoạ) của điêu khắc Việt Nam. Được tổ chức luân phiên hai đầu Nam - Bắc, triển lãm Điêu Khắc Hà Nội - Sài Gòn còn là nơi kết nối và chia sẻ đời sống nghệ thuật cũng như kích thích sự sáng tạo, mở rộng tiếng nói của giới nghệ sĩ trong nước.
Nhìn điêu khắc - ngắm tạo hình
Triển lãm Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn (3/8 - 3/9/2024) diễn ra tại không gian của Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA, quy tụ 86 tác phẩm đến từ 37 nghệ sĩ khác nhau. Với nhiều chất liệu độc đáo từ vật liệu tổng hợp, kim loại, đá, sợi cho đến keo bọt nở cùng việc thừa hưởng di sản từ ngôn ngữ tạo hình của những nền văn hoá bản địa và hiện đại, các nghệ sĩ điêu khắc đương thời tại Việt Nam tiếp nối và mở rộng khuynh hướng sáng tạo mới.
Không dễ để mô tả lại triển lãm Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn đang diễn ra bởi cả sự trừu tượng lẫn sự dồi dào về mặt tạo hình, ý niệm. Tham gia triển lãm, công chúng có thể cảm nhận được sự đa dạng của nghệ thuật điêu khắc đương đại tại Việt Nam. Những tác phẩm không chỉ tạo cảm giác độc đáo và thu hút về mặt thị giác mà còn có thể truyền tải những “xung đột” giữa cũ và mới, con người và máy móc, công nghiệp và thiên nhiên, các vấn đề tinh thần từ cá nhân đến thời đại…
Những tác phẩm có kích thước lớn như Thần Nông Thấu Hiểu của Phạm Đình Tiến với chiều cao gần 4 mét bằng sắt tây khiến người xem choáng ngợp. Các chi tiết vị thần nông và một phần con vịt (đầu, cổ và ngực) nhô ra cùng lớp gỉ (hiện tượng oxi hoá của sắt) tạo nên nét thẩm mỹ đặc biệt. Hay như tác phẩm Dị Ứng Đám Đông, vốn là một trong những chủ đề xuyên suốt (Dị Ứng) trong sáng tác của nghệ sĩ Đỗ Hà Hoài cũng dễ thu hút sự quan tâm bằng tạo hình độc đáo. Kết hợp giữa thép, băng gạc, bóng bay..., Đỗ Hà Hoài tạo nên một tác phẩm nhiều lớp “rồng rắn lên mây” nhưng vẫn đầy màu sắc và kích thích suy niệm.
Bên cạnh những tác phẩm có kích thước lớn, nhiều tác phẩm có kích thước trung bình và nhỏ cũng có những nét thú vị riêng. Các chất liệu như kim loại (đồng, thép, sắt) hay vật liệu tổng hợp, đá, sợi cũng biến triển lãm trở nên đa dạng và phong nhiêu. Ngoài những nghệ phẩm mang tinh thần nghệ thuật đương đại, một số tác phẩm khác lại chú ý đến những yếu tố bản địa, truyền thống như các tượng đồng nguyên khối với các hoa văn truyền thống đặc trưng. Nhiều chủ đề cũng được khai thác dựa trên đặc điểm đặc trưng về mặt chất liệu đã tạo nên một “khu vườn điêu khắc”, gợi ra nhiều cách tiếp nhận của công chúng.
Tuy gọi là Triển lãm Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn nhưng sự kiện này quy tụ nhiều nghệ sĩ và tác phẩm đến từ mọi nơi trên khắp cả nước. Tính hiện diện ở đây gần như là cả Việt Nam, với ngôn ngữ thể hiện đặc sắc về bối cảnh và tương tác của người nghệ sĩ với chính những vận động trong đời sống, vùng đất và đa dạng văn hoá. Chính điều này khiến cho triển lãm trở nên có chiều sâu hơn, không chỉ nằm ở ngôn ngữ tạo hình của tác phẩm mà còn là sự tương tác với đa dạng văn hoá.
Sôi động nhưng vẫn... thiếu
Nhìn ở toàn cảnh, điêu khắc Việt Nam chỉ mới thực sự sôi động trong hơn 10 năm trở lại đây. Đây cũng là thời kỳ nhóm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn có chuỗi triển lãm liên tục, không ngừng nghỉ. Thực tế, các nghệ sĩ trong nhóm không cố định cũng như giới hạn mà trải dài khắp hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Triển lãm là nơi để họ trao đổi, thảo luận, chia sẻ với nhau về nghề nghiệp, truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp theo, cho họ những trải nghiệm để từ đó có thể vươn xa hơn trong các hoạt động nghề nghiệp.
Triển lãm Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn lần này ngoài trưng bày nhiều tác phẩm độc đáo còn là cuộc trò chuyện về loại hình mỹ thuật này tại Việt Nam, với sự tham gia trao đổi của các nghệ sĩ Đào Hải Châu, Thái Nhật Minh, Phạm Đình Tiến, kiến trúc sư Hoàng Minh Tuệ và giám tuyển Đỗ Tường Linh. Câu chuyện về đời sống của điêu khắc đương đại Việt Nam lại được đưa ra thảo luận, hòng tìm ra một vài gợi ý về không gian lý tưởng cho tác phẩm điêu khắc bên ngoài xưởng nghệ thuật của nghệ sĩ.
“Thời nào cũng vậy, ở đâu cũng thế; vị trí, nơi chốn lý tưởng của điêu khắc luôn là các không gian công cộng. Ở đó điêu khắc có thể phát huy được tối đa tính tổ hợp và sự tương tác với không gian, ánh sáng, gắn kết với kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên cũng như tương tác thường xuyên với công chúng”. Những nghệ sĩ tham gia buổi trò chuyện đều đồng ý rằng, “đã có thời điểm điêu khắc Việt Nam mất đi tính gắn kết ấy, nhưng đâu đó những dòng chảy vẫn xiết mạnh và âm ỉ, được thu gọn ở các điêu khắc nhỏ trong không gian riêng với sự nhen nhóm của nhiều cá nhân”.
Đường đưa những tác phẩm điêu khắc ra ngoài xưởng nghệ thuật của cá nhân người nghệ sĩ, đặt chúng giữa không gian công cộng (đô thị hoặc thiên nhiên) hoặc tư nhân là chuyện không hề đơn giản. Đó là cả một nỗ lực lớn không chỉ của riêng người nghệ sĩ, mà còn nằm ở nhiều yếu tố khác chi phối như vấn đề quy học đô thị, sự đầu tư của các tổ chức nhà nước và tư nhân.
Để lấy ví dụ cho điều này, các nghệ sĩ cho rằng, các không gian đô thị tại Việt Nam đang thiếu vắng bóng dáng của loại hình điêu khắc. Một số nơi công cộng trưng bày các tác phẩm điêu khắc như Công viên Thống Nhất, Vườn Bách Thảo Hà Nội… nhưng có dấu hiệu xuống cấp vì không được bảo dưỡng kịp thời đúng cách. Một số không gian công cộng khác tại các thành phố Đà Nẵng, hay thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy sự thiếu vắng các tác phẩm điêu khắc dù đây đó vẫn có những sự hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực này. Thay vào đó, một số công trình điêu khắc tại các khu du lịch như Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Hội An (Quảng Nam) do các nhà đầu tư tư nhân kết hợp với nghệ sĩ thực hiện đã tạo nên những cảnh quan nghệ thuật thú vị.
Các nghệ sĩ đồng ý khẳng định, không gian lý tưởng của điêu khắc là không gian công cộng. Tuy nhiên, điều này chưa thực sự đạt được hiệu quả bởi những tác phẩm có kích thước lớn nhưng lại chưa đạt được tính thẩm mỹ và văn hoá. Bên cạnh đó, việc các tác phẩm điêu khắc có kích thước lớn gần như vắng bóng hoặc được “thu nhỏ” để phù hợp hơn vẫn có nhưng chưa thực sự nhiều, cũng như chưa tác động mạnh mẽ đến cảnh quan chung.
Các triển lãm điêu khắc nhóm hoặc cá nhân nhằm giới thiệu đến công chúng các tác phẩm của các nghệ sĩ đương thời, để họ có cơ hội được thưởng lãm. Tuy nhiên, không gian lý tưởng của điêu khắc không hẳn là các triển lãm mà là không gian công công cộng. Các nghệ sĩ vẫn đau đáu về “đường ra” của điêu khắc, về không gian đích thực mà các tác phẩm xứng đáng được hiện diện.
Diệp Chi | Báo Văn nghệ
-----------
Bài viết cùng chuyên mục: