Cuối tháng 8 năm 2022, trước tình trạng lộn xộn trong hoạt động khai thác cát sỏi trên địa bàn, tỉnh Quảng Nam đã có thông báo sẽ không giải quyết việc gia hạn, cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông Vu Gia, Thu Bồn ở Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn. Đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn yêu cầu tăng cường công tác quản lý quy hoạch và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn. Vấn đề không chỉ dừng lại ở phạm vi của tỉnh, trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, khi Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, cấp phép, khai thác các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, một số doanh nghiệp đang hoạt động đã tạm dừng hoạt động.
Trước đó, theo đánh giá của phòng Tài nguyên môi trường huyện Đại Lộc, được phản ánh trên báo chí, thì “Đa số các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản có sự phối hợp với các cơ quan chức năng, ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường…” (Theo congthuong.vn), song vẫn còn nhiều doanh nghiệp có những sai phạm như: cắm mốc ranh giới, các điểm góc khép kín mỏ không đầy đủ, để mất mốc; Mở moon không đúng vị trí, hướng khai thác; chậm lập báo cáo quan trắc đánh giá tác động môi trường định kỳ,… Ngoài ra, các đơn vị khai thác quá giờ quy định trong ngày; khai thác vượt công suất thiết kế; đưa ống máy hút hút ngoài vị trí ranh giới mốc mỏ; cho xe có tải trọng lớn (vượt tải trọng) đăng ký vào bãi nhận cát… gây khó khăn cho công tác quản lý
Một doanh nghiệp đang khai thác cát trên sông Thu Bồn |
Trong khi các cơ quan thanh tra còn đang làm việc, trước tình hình khan hiếm cát phục vụ xây dựng trên địa bàn, một số doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại từ tháng 3/2023. Từ đó đến nay, chưa bàn đến việc những sai phạm trước đây đã được khắc phục đến đâu, nhưng hiện tại, qua tìm hiểu, có thể nhận thấy nhiều vấn đề mới đã nảy sinh. Đó là tình trạng một số doanh nghiệp khai thác vượt công suất, ngoài diện tích giấy phép, chậm thực hiện hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác. Một số doanh ngiệp có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động bán hàng không xuất hóa đơn, hoặc xuất hóa đơn với giá trị ghi thấp hơn thực tế thanh toán… Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, Đại tá Nguyễn Hà Lai, qua điều tra đối với hoạt động khai thác cát của một số doanh nghiệp trên địa bàn 2 huyện Đại Lộc và Duy Xuyên, Công an tỉnh đã phát hiện nhiều vấn đề nổi cộm. Đó là công tác quản lý của các địa phương và cơ quan chức năng vô cùng lỏng lẻo, gây thất thoát khoáng sản rất lớn. Theo ông Lai, chính quyền có cả bộ máy và hệ thống giám sát nhưng thực tế gần như không giám sát được. Cụ thể theo quy định, giá cát niêm yết tại mỏ là 150.000 đồng/m3 nhưng thực tế muốn mua được cát, các doanh nghiệp xây dựng phải trả tiền mặt với giá cắt cổ mà không có hoá đơn… Còn tình trạng khai thác vượt công suất, thì mặc dù từ năm 2021, Triển khai Nghị định số 23/NĐ-CP của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện việc lắp đặt hệ thống camera và kết nối về các cơ quan quản lý, như thuế, giao thông vận tải và chính quyền địa phương..., để theo dõi, giám sát hoạt động khai thác cát, quy định chặt chẽ việc xuất hóa đơn kèm theo phiếu vận chuyển nội bộ để không còn tình trạng lợi dụng trốn thuế; Song theo ông Thái Huy Hùng, Trưởng phòng kinh tế ngành của UBND tỉnh Quảng Nam cho chúng tôi biết, việc giám sát hoạt động của doanh nghiệp qua camera cũng như các trạm cân là hết sức khó. Nguyên nhân là thẻ nhớ các camera chỉ lưu trữ tối đa 20 ngày, còn việc quy đổi từ số liệu của các trạm cân sang khối cũng còn nhiều vấn đề chưa thống nhất. Vấn đề này cũng từng được ông Nguyễn Văn Tiếp, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam xác nhận với báo chí “Hình ảnh ghi lại qua camera không chứng minh được trữ lượng khai thác thực tế tại các mỏ, nếu người ta muốn gian dối cũng có rất nhiều cách để qua mặt cơ quan chức năng…”. Còn khi được hỏi thêm, rằng tỉnh đã thực hiện trách nhiệm “Tăng cường công tác quản lý quy hoạch và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn” theo như yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam như thế nào trước tình trạng này, thì ông Hùng khẳng định: việc giám sát hoạt động khai thác của các doanh nghiệp tại mỏ chỉ có địa phương là có thể nắm chắc nhất…
Liên quan đến những sai phạm về việc khai thác quá giờ quy định trong ngày; khai thác vượt công suất thiết kế của các mỏ, mà có thể xem đây là một hình thức ăn cắp tài nguyên; cũng theo ý kiến của ông Thái Huy Hùng, thì vấn đề này thuộc trách nhiệm của các lực lượng chuyên môn như Công an, sở/phòng Tài Nguyên môi trường, các đơn vị khảo sát thiết kế… Trong khi chờ câu trả lời chính thức của Sở Tài nguyên Mộ trường Tỉnh Quảng Nam và Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đại Lộc, chúng tôi đã tạm làm một cuộc khảo sát nhỏ tại chân cầu Giao Thuỷ, xã Đại An, huyện Đại Lộc, nơi có mỏ cát do công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Tân Phước Yên (đơn vị được cấp phép khai thác mỏ cát tại địa phận thôn Phú Lạc, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên có công suất được phép khai thác là 43.000 m3/năm) mới hoạt động trở lại từ ngày 7/3 vừa qua. Chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ đã có khoảng gần 40 chiếc xe chở cát chạy qua. Nếu tính trung bình mỗi xe chở khoảng 12 m3 cát thì trong chừng ấy thời gian, lượng cát khai thác được chuyển đi đã lên tới gần 500m3. So với công suất 43.000m3 được phép khai thác mỗi năm, tính ra mỗi ngày doanh nghiệp này được phép khai thác chưa tới 120m3, tương đương với khoảng 10 xe, thì số lượng chênh lệch quả là không hình dung nổi.
Trong bối cảnh mà một số cá nhân có trách nhiệm của tỉnh Quảng Nam đã phát ngôn trước dư luận vấn đề bức xúc này: “Hình ảnh ghi lại qua camera không chứng minh được trữ lượng khai thác thực tế tại các mỏ, nếu người ta muốn gian dối cũng có rất nhiều cách để qua mặt cơ quan chức năng…”; và “việc quy đổi từ số liệu của các trạm cân sang khối cũng còn nhiều vấn đề chưa thống nhất” như vừa nói ở trên, thì ai cũng có thể có quyền được đặt câu hỏi, đặc biệt là khi báo chí đã đưa tin: “Tại các buổi làm việc bàn giải pháp siết chặt hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi, đất đá... các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã chỉ rõ những tồn tại, bất cập. Đó là tình trạng một số doanh nghiệp khai thác vượt công suất, ngoài diện tích giấy phép, chậm thực hiện hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác…” (VOV). Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, cũng từng khẳng định trong buổi làm việc nói trên, rằng: “Giấy phép khai thác nêu rất rõ có bao nhiêu xe ở đó, loại xe gì, khai thác vào khung giờ nào, khai thác bao nhiêu? Phải quản lý chặt chẽ những nội dung này...” và yêu cầu: “Cần nghiên cứu biện pháp quản lý hiệu quả hơn, không được mang tính hình thức…”
Sau tết nguyên đán vừa qua, cơn sốt cát xây dựng tại Đà Nẵng và Quảng Nam cho thấy nhu cầu bức thiết về vật liêu xây dựng hiện nay tại hai địa phương này. Có thời điểm giá cát lên đến 430 ngàn đồng/01 mét khối. Tuy nhiên, theo điều tra của chúng tôi, một “đại gia” cát giấu tên “thống trị” toàn bộ việc khai thác cát trên sông Thu Bồn và Vu Gia điều khiển toàn bộ thị trường cát sỏi. Cơ quan chức năng hầu như không thể giám sát việc khai thác cát của đại gia này. “Đại gia” đó là ai? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong thời gian tới.
PV